Monday, December 31, 2012

Trường An loạn: Mọi sự diễn ra đều chỉ là “vừa khéo”


Đại khái, tôi là một người đọc “tạp”. Tôi không giống mấy bác đọc sách thuộc tầng lớp tinh hoa, chỉ đọc những tác phẩm có tầm tư tưởng thời đại, những tiểu thuyết được giải thưởng, những tác giả tiên phong cho chủ nghĩa nọ, trường phái kia; hoặc chỉ chọn đọc mấy tác giả thuộc loại danh “đã” thơm lừng lẫy hoặc tên tuổi “đã” thành bất tử của nhân loại..vân vân. Đối với tôi, đơn giản, bất kỳ cuốn sách nào dù là văn học, á văn học, cận văn học, phi văn học, chỉ cần ngay từ trang đầu tiên tôi bị cuốn hút không dứt ra được thì tất cả đều là kiệt tác. Thôi, thanh minh dài dòng như thế chẳng qua chỉ là muốn huỵch toẹt ra một sự thật tầm thường: ngôn tình, võng du, xuyên không, đam mỹ, thặng nữ…tất cả những loại hình văn học mạng của Trung Quốc hiện giờ đang chiếm lĩnh thị trường sách dịch ở Việt Nam, tôi đều đã từng đọc qua (đương nhiên là đọc bằng nguyên bản Trung văn). (Nhân tiện, nhấn mạnh, có bác cực kỳ nổi tiếng còn được tôi khai đạo về ngôn tình, đam mỹ và thặng nữ nữa cơ).Và vì thế, tôi không thể không công nhận, cho dù hiện giờ các tác giả văn học trẻ Trung Quốc chi chít như mộc nhĩ mọc sau mưa, thì vị trí thống soái của văn học trẻ Trung Quốc vẫn đang và sẽ (trong một thời gian dài nữa) thuộc về hai tác giả thuộc tầng lớp 8x, nổi danh gần như cùng lúc, một người giờ đã thành tỷ phú, một người giờ là tay đua xe chuyên nghiệp, một đôi “Thượng Hải tuyệt luyến” trong mắt các “hủ nữ”, cũng là 2 nhà văn Trung Quốc đầu tiên mà tôi đặc biệt quan tâm sau khi dùng weibo: Quách Kính Minh và Hàn Hàn. Được (bị?) đánh giá là một cây viết “không an phận”, Hàn Hàn đương nhiên hội đủ mọi tiêu chuẩn về một nhà văn mà tôi thích: không những đẹp trai lại còn nổi loạn. Các tiêu chuẩn này rất quan trọng, bởi vì dù cũng rất thích đọc các tác phẩm của Quách Kính Minh (văn phong của cậu tỉ phủ này uyển chuyển, diễm lệ, sướt mướt, lâm ly rất hợp tạng với đàn bà con gái-Ảo thành là một ví dụ) nhưng giả dụ có cuộc trưng cầu ý kiến trên weibo về tác giả ưa thích, tay tôi thể nào cũng tự động bấm vote cho Hàn Hàn. (hic).

Trường An loạn (bản tiếng Việt do dịch giả Trần Quang Đức dịch, Nhã Nam và NXB Thời Đại đồng xuất bản, 2012) cũng có thể xem như là một sự “nổi loạn” của Hàn Hàn trên văn đàn năm 2004, không chỉ vì số lượng sách bán ra khủng khiếp mà với giọng văn sắc bén và giàu tính giễu nhại, Hàn Hàn đã “giải đọc” lại toàn bộ những mô típ nghiễm nhiên đã được thừa nhận trong truyện tiểu thuyết võ hiệp truyền thống bằng sự quan sát và kinh nghiệm sống của một thanh niên thế hệ 8x. Tính giễu nhại của Hàn Hàn đã bắt đầu ngay từ đoạn mở đầu với sự khác biệt giữa một dấu phẩy và hai dấu phẩy, lí giải về chữ Nhẫn, về cơ chế tin đồn…vân vân. Chưa kịp cho độc giả cười xong, thì ngay mở đầu chương 1, đoạn viết về chọn pháp danh trong Thiếu Lâm Tự, việc sư phụ lén để lại mấy pháp danh hay dành cho những người có quan hệ thân thiết, cách mô tả của Hàn Hàn khiến người đọc không thể không liên tưởng đến chuyện cảnh sát giao thông để lại những biển số đẹp cho những người có thế lực hoặc bỏ tiền ra mua. “những người đó (có pháp danh đẹp) thường cho người khác xem thẻ bài của mình để họ biết rằng chỗ dựa đằng sau mình rất vững, nếu không phải người cai quản chung của cả chùa thì cũng là người có quan hệ với các vị đại quan bên ngoài, cho nên hễ đưa thẻ bài pháp danh ra , thông thường đi đến đâu cũng không có ai ngăn trở, trên đường muốn cưỡi ngựa thế nào thì cưỡi, có lấn làn vượt ngựa, tạt đầu lừa trên phố, phóng ngược chiều, chạy quá tốc độ, cột ngựa sai quy định, húc nhẹ đuôi nhau, nha môn cũng làm ngơ”. Trong Trường An loạn, đầy rẫy những đoạn khiến người ta không thể không cười: như những chi tiết về việc dùng dây thun trong thu hồi ám khí hay sự xuất hiện của thuật ngữ “rửa tiền” chẳng hạn.

Tên tiểu thuyết là Trường An loạn nhưng câu chuyện lại diễn ra trong một không khí bình tĩnh trật tự đến lạ kỳ. Có tỷ thí võ lâm, có tung chiêu, tuốt kiếm, có ám khí, có độc dược, có nạn đói, có thảm sát, có bi thương, nhưng người đọc cũng chẳng vì thế mà hồi hộp, chân đập tay run hay cảm thấy thê lương thảm thiết, từ đầu đến cuối mọi thứ cứ bình thản như một cuốn phim quay chậm trước một đôi mắt sinh ra đã tinh nhanh bất thường của Thích Nhiên. Trong số các tác phẩm của Hàn Hàn, Trường An loạn là tác phẩm võ hiệp duy nhất. Tiểu thuyết võ hiệp mà lại không phải là tiểu thuyết võ hiệp. Nếu mà dùng lời của sư phụ Thích Nhiên thì: Trường An loạn chỉ “vừa khéo” là tiểu thuyết võ hiệp mà thôi. Cũng như bối cảnh của câu chuyện chỉ “vừa khéo” được đặt vào bối cảnh thời cổ đại, Trường An chỉ vừa khéo là Trường An và mọi nhân vật chỉ vừa khéo là chính họ.. Hai chữ “vừa khéo” xuất hiện trong câu chuyện giữa sư phụ và Thích Nhiên trước khi nhân vật chính rời khỏi Thiếu Lâm Tự. Đây là đoạn mà tôi cho rằng đã trả lời được hết cho mọi tình tiết xảy ra sau đó trong cuộc đời của Thích Nhiên:

“Tôi hỏi: Vậy ngay cả sư phụ con cũng không được gặp?
Sư phụ nói: Chớ có nuối tiếc, ta chỉ vừa khéo là sư phụ con thôi. Con hãy nhớ, khi con cảm thấy chẳng có cách nào làm phai nhạt đi hình bóng của ai đó, con hãy nghĩ, người đó “vừa khéo” là người đó, thế là được. …(lược bỏ 1 đoạn)
Tôi nói: Lẽ nào mọi việc diễn ra chỉ vừa khéo?
Sư phụ nói: Không, tất cả mọi việc trước khi diễn ra thì là “chưa hay”, sau khi xảy ra và ngẫm nghĩ lại thì gọi là “vừa khéo”.
Tôi nói: Vậy những sự “vừa khéo” kia không phải được sắp sẵn đúng không ạ?
Sư phụ nói: Số phận đã sắp sẵn, mệnh không thay đổi, “vừa khéo” chỉ là một phó từ…(Trường An loạn, tr.77 )

Từ sư huynhThích Không, rồi đến sư phụ của Thích Nhiên, đến Hỷ Lạc, ông già rèn kiếm, con ngựa Lép, đến Vạn Vĩnh, mọi nhân vật cứ vừa khéo xuất hiện, đẩy cuộc đời của Thích Nhiên đi từ tình tiết này đến tình tiết khác. Nếu họ không vừa khéo xuất hiện e rằng nửa sau của câu chuyện mãi mãi sẽ chỉ là Thích Nhiên và Hỷ Lạc ngày nối ngày gà gật trên lưng con ngựa Lép. Vì Thích Nhiên và Hỷ Lạc vừa khéo phải rời chùa nên tránh được họa thảm sát tại Thiếu Lâm Tự. Vì vừa khéo mang thanh kiếm Linh đi cầm đồ để có ngân lượng thuê con Lép nên Thích Nhiên sau này mới có được thanh kiếm vô địch thiên hạ. Vì vừa khéo thuê con Lép, con ngựa cả ngay đi chưa xong một dặm, nên Thích Nhiên mới có cơ hội đụng độ với Vạn Vĩnh và sau này cũng nhờ Vạn Vĩnh mà một lần nữa thoát khỏi họa thanh trừng bang phái giang hồ của triều đình. Vì vừa khéo dừng lại ở Quá Sa nên Thích Nhiên mới có trận thảm sát cao thủ võ lâm các phái để báo thù cho Thiếu Lâm Tự. Vì vừa khéo phải đến Tuyết Bang nên Thích Nhiên mới thành minh chủ võ lâm. Dù có một đôi mắt tinh nhanh bất thường thì phạm vi những gì Thích Nhiên nhìn thấy trước thiên hạ cũng chỉ là những việc xảy ra dưới đôi mắt chính mình. Thích Nhiên, người có thể nhìn nhanh hơn thiên hạ lại chưa từng biết một cách rõ ràng mình là ai, mình phải làm gì, tại sao phải làm thế, chuyện gì sẽ xảy ra?

Bởi vì xét cho cùng, dù có năng lực phi thường thì Thích Nhiên cũng chỉ vừa khéo là một một người trong số nhân loại, những cá thể mà số phận đã sắp sẵn, mệnh không thay đổi, “vừa khéo” chỉ là một phó từ…

Thursday, December 13, 2012

Tư liệu: Kính biếu!

Lò dò tìm một số tư liệu lịch sử liên quan đến Việt Nam thời Bắc thuộc, tôi thấy trên mạng hai tập "Việt Tây kim thạch lược" 粵西金石略 thuộc bộ Trung Quốc Tây Nam văn hóa tùng thư. Đây là tư liệu thuộc mảng văn hiến khảo cổ văn khắc (bia, minh) ở vùng Tây Nam Trung Quốc. Việt Tây kim thạch lược do Tạ Khải Côn người đời Thanh soạn dựa trên mục Kim thạch lược trong sách Quảng Tây thông chí. Quan trọng là, theo quan sát sơ bộ, hai tập sách này có một số bia minh các đời Tấn, Đường, Tống..... nhắc đến các nhân vật và địa danh liên quan đến Việt Nam thời kỳ Bắc thuộc như Long Biên, Nhật Nam, Cửu Chân, Giao Chỉ.... , thậm chí có chuông (sửa lại theo phản ánh của em Tô Lan) được soạn ở Việt Nam nhưng sau đó lại bị khênh về Trung Quốc ...vvv.


Add caption


Add caption

Add caption

Add caption


Xét thấy đây là một tài liệu lịch sử rất có giá trị,  ngõ hầu có thể cung cấp tư liệu cho các bài thông báo Hán Nôm, thông báo khảo cổ học cuối năm nên tôi tạm đưa thông tin và đường link download sách ở đây để các anh chị em nào cần thì có thể sử dụng:

Sunday, December 2, 2012

Hôm trước “chó không nhà", hôm nay “chó giữ nhà”- Thấu thị “cơn sốt Khổng Tử” ở Trung Quốc hiện nay

Bài dịch riên(in đậm gạch chân)  kính tặng hai hiệp sĩ Trường Túc và Túy Sầu-bạn em :)

Đôi lời muốn nói: 

- Tôi đọc bản dịch khác có trước đầu tiên, ở đây, qua sự chỉ dẫn từ một người bạn. Tất nhiên, không phải vô tình mà bạn lại gửi link cho tôi đọc. Bản dịch này hình như là dịch từ bản tiếng Anh nên tôi hỏi bạn có cần tôi dịch lại một bản từ nguyên văn tiếng Trung. Vì  thế bản dịch này ra đời như một món quà riêng cho hai người bạn tôi và cũng như một tài liệu tham khảo cho riêng tôi.
- Ở các bản dịch khác, như ở đây chẳng hạn mọi người luôn dịch chữ "đạo thống" của Nho gia thành "đạo đức truyền thống". Điều này khiến tôi  thất vọng. Đương nhiên, tôi không chỉ thất vọng với mỗi chi tiết đó. Nếu không tôi đã không mất công dịch lại. 
丧家狗:Tang gia cẩu (chó nhà đám) hay Táng gia cẩu (chó mất nhà)? Tôi cho là "táng gia cẩu" nghĩa là chó mất nhà, chó không có nhà thì đúng hơn. Bởi vì đây cũng là ý mà Lý Linh muốn dùng để minh họa về hình ảnh người trí thức cổ đại giống như một con chó lang thang lưu lạc không có nơi thuộc về mình. 
- Dịch bài này không có nghĩa là tôi tán đồng quan điểm của Lưu Hiểu Ba. Tôi cố gắng trung thành nhất với những gì Lưu Hiểu Ba chuyển tải. Và mặc dù đây là một bài viết mang tính công kích nhưng tôi vẫn cố gắng giữ thái độ "tâm bình khí hòa"-thái độ đọc Luận ngữ của Lý Linh mà Lưu Hiểu Ba rất tán thưởng-để duy trì trạng thái trung lập khi dịch. Kỳ thực, đó là điều rất khó. Trong quá trình dịch, tôi không ít lần nổi khí xung thiên muốn chỉ trời vạch đất mà tranh biện với Lưu tiên sinh. :)
- Tôi đã đọc cả Luận ngữ tâm đắc của Vu Đan lẫn Táng gia cẩu-Tôi đọc Luận ngữ của Lý Linh. Nếu có thời gian, tôi sẽ dịch đầy đủ Lời nói đầu trong cuốn sách của Lý Linh cho hai đồng chí bạn đọc chơi luôn . 
- Cuối cùng, người Trung Quốc đã từng có tiền lệ Lã Bất Vi buôn vua, người hiện đại có buôn Thánh cũng chả có gì bất thường. Nhưng rốt cục, lợi hại nhất vẫn là đám buôn nước bọt và buôn bàn phím.


Bản gốc Trung văn của tác giả Lưu Hiểu Ba ở đây


Người Trung Quốc đang sình sịch chuyện đại quốc quật khởi, từ kinh tế quật khởi tới văn hóa quật khởi, từ rải tiền khắp thế giới đến xuất khẩu quyền lực mềm. Trong nước, sau “cơn sốt giảng đọc kinh điển”, “cơn sốt tế Khổng”, “cơn sốt Nho giáo”, chương trình Bách gia giảng đàn của đài truyền hình Trung Ương lại dấy lên “cơn sốt giảng đọc Khổng Tử” nhằm kiến tạo lại “đạo thống”[i] của Trung Quốc. Ở hải ngoại, Trung cộng đầu tư hạng mục lớn xây dựng các “Viện Khổng Tử” với mục đích xuất khẩu quyền lực mềm. Đó là một dạng phát tiết tâm thái “thiên hạ vi gia” vốn bị đè nén trăm năm nay, nối liền đức Thánh Khổng trong nước thành một dải với đức Thánh Khổng ở nước ngoài, khiến diễn biến của cơn sốt Khổng Tử ngày càng trở nên kịch liệt.

Đằng sau trào lưu nóng bỏng đó, tôi nhận thấy không phải là sự phục hưng của văn hóa cổ điển, mà là sự sống lại của truyền thống “sùng Thánh”, là một bộ phận của chủ nghĩa dân tộc cực đoan theo đường hướng quan phương. Bởi vì, sau sự kiện “lục tứ”[ii], đám quan quyền một mặt phụng sự thừa hành chống tự do hóa, chống diễn biến hòa bình; một mặt chủ trương và phát động chủ nghĩa ái quốc; chủ nghĩa ái quốc đã trở thành một trong những nhánh chủ lưu trong hình thái ý thức của chính quyền Trung cộng hiện nay, cùng phối hợp với lời kêu gọi “tiểu khang thịnh thế”[iii] của giới quan phương là sự lan tràn của chủ nghĩa dân tộc. Ví dụ như câu viết trong đoạn kết bài văn tế tại buổi đại điển tế Khổng dịp quốc tế văn hóa về Khổng Tử năm 2005 tại Khúc Phụ Trung Quốc: “Tiểu Khang kíp thành, Đại Đồng còn mộng, chào mừng thịnh thế, cường quốc uy phong”, chính là văn bản điển hình của tấu khúc song trùng giữa “chủ nghĩa dân tộc” và “phúc âm thịnh thế”.   

Suốt một năm lại đây, chương trình “Bách gia giảng đàn” của đài truyền hình Trung Ương Trung Quốc đã hoằng dương văn hóa truyền thống, đã dấy lên “cơn sốt Vu Đan” khuynh đảo toàn quốc. Một mặt báo chí và truyền thông đã thành công trong việc thương mại hóa, thời thượng hóa Khổng Tử (dùng cách nói của Lỗ Tấn thì là “modern Khổng Tử”), giống như đã từng thời thượng hóa, thương mại hóa Mao Trạch Đông những năm trước đây. Tất cả các loại thư tịch có liên quan đến Khổng Tử đã trở thành loại sách bán chạy đem lại nhiều lợi nhuận cho nền thương nghiệp sách; các lớp quốc học và các lớp giảng đọc kinh điển cũng nằm trong hạng mục thu lợi nhuận cao (thí dụ, học phí cho “lớp quốc học” tại Đại học Thanh Hoa là 26000 NDT mỗi người, tại Đại học Phúc Đán là 38000 NDT mỗi người, tại lớp giảng đọc kinh điển cho thiếu nhi thì học phí còn ở mức trên trời hơn nữa). Mặt khác, ngôn ngữ mà Vu Đan giảng về Khổng Tử là thứ ngôn ngữ chào hàng hỗn hợp giữa những lời đao to búa lớn của cổ nhân lẫn với những ca từ đang thịnh hành. Sự giải đọc tùy tiện và nông cạn của bà về Khổng Tử là liều ma túy tinh thần bơm đầy tính thông tục hóa cho “cơn sốt phục hưng Nho giáo”. Tinh hoa của Khổng Tử theo cách giải thích của Vu Đan trong Luận ngữ tâm đắc là: ai ai cũng có thể sống được một cách thoải mái dễ chịu với tâm thức khuyển Nho- cho dù gặp phải chuyện gì, chỉ cần không kêu ca phàn nàn, chỉ cần nhẫn nại chịu đựng nghịch cảnh, cứ thuận ứng hoàn cảnh thì sẽ được an ổn, hạnh phúc.   

Chính trong lúc cơn sốt giảng độc Khổng Tử đang tiếp tục tăng nhiệt thì cuốn sách Táng gia cẩu: Tôi đọc “Luận ngữ” được xuất bản, tác giả Lý Linh, giáo sư trường Đại học Bắc Kinh, đã dựa trên những khảo cứu công phu tiến hành nghi thức “trừ tà” trả lại một đức Thánh Khổng nguyên bản. Trong Lời tựa, ông đã nói về thái độ của mình khi đọc Luận ngữ:

Sách của tôi được viết từ nhãn quang của riêng tôi, không phải là sản phẩm ăn theo nói leo người khác. Tôi không quan tâm đến cái gì mà Nhị thánh nhân với Tam thánh nhân, tôi cũng không quan tâm cái gì mà “đại sư” với “tiểu sư”[iv], chỉ cần không đúng với sách gốc, xin lỗi, đại khái tôi sẽ không tiếp nhận. Tôi đọc Luận ngữ là đọc nguyên bản. Tư tưởng của Khổng Tử như thế nào xin hãy đọc nguyên bản. Tất cả các kết luận của tôi là dùng chính lời của Khổng Tử để nói, không phải để gây lộn với trí thức, cũng không đưa lại sự a dua cho quần chúng nhân dân. Đọc sách của Khổng Tử không nên tán tụng, cũng không nên quăng bỏ, nói một cách thích đáng, ông ấy chính là Don Quixote”.

Chính vì xuất phát từ thái độ cầu thực không sùng Thánh, không mị quần chúng như thế nên Lý Linh mới có thể phá vỡ được truyền thống sùng Thánh tôn Khổng kéo dài hơn 2000 năm. Ông nói:

“Trong cuốn sách này, tôi muốn nói với mọi người, Khổng Tử không phải là Thánh nhân. Khổng Tử được đế vương các đời tán dương phong hiệu không phải là Khổng Tử đích thực, chỉ là “Khổng Tử nhân tạo”. Khổng Tử đích thực, Khổng Tử sống động, không phải Thánh cũng chẳng phải Vương, căn bản chẳng liên quan gì đến cái gọi là “Nội Thánh ngoại Vương”. Khổng Tử không phải Thánh, chỉ là con người: là một người xuất thân thấp kém lại lấy quý tộc cổ đại (những “chân quân tử”) làm tiêu chuẩn lập thân; một người hiếu cổ cần mẫn, học không biết chán, dạy người không biết mệt mỏi; một người truyền đạt cổ văn hóa, giảng dạy kinh điển; một người có đạo đức học vấn nhưng vô quyền vô thế lại dám phê bình tầng lớp quyền quý đương thời; một người du thuyết bốn phương, lao tâm hộ đám cầm quyền, liều mình khuyên họ cải tà quy chính; một người nhiệt tâm hiếu nghĩa, nuôi mộng tưởng khôi phục lại trật tự xã hội thời Chu Công, định an bách tính thiên hạ. Ông ấy vừa hoảng hốt, vừa hoang mang, khô môi rã họng, thất thểu lang thang, chẳng khác nào một con chó lưu lạc không có nhà để quay về. Đó mới là chân tướng của Khổng Tử”.

Trình độ giải đọc Luận ngữ của Lý Linh, bất kể là ở góc độ khảo chứng hay thích nghĩa, vượt xa cách đọc tùy tiện nông cạn của Vu Đan. Quan trọng hơn nữa, Lý Linh với tư cách là một phần tử trí thức đương đại đã lý giải một cách ôn hòa với khá nhiều đồng cảm về Khổng Tử- một phần tử trí thức hơn 2000 năm trước. Ông nói: “Khổng Tử thừa nhận mình là “táng gia cẩu”, bởi vì: “Khổng Tử tuyệt vọng với tổ quốc mình, thán nỗi phải dắt díu tha hương viễn xứ, nhưng đi khắp lượt chư hầu, không thu hoạch được một chút gì, cuối cùng lại quay trở về nơi chôn rau cắt rốn. Những năm cuối đời của ông, đau thương liên miên. Con mất, điềm lân bị bắt, Nhan Hồi mất, Trọng Do tử trận, khiến cho ông khóc khô nước mắt. Ông chết trong nhà mình, nhưng ông lại không có nhà. Cho dù suy nghĩ của ông đúng hay sai, nhưng từ bản thân ông, tôi nhận ra số phận của người trí thức”.

Luận thuyết “táng gia cẩu” (chó mất nhà, chó không nhà) của Lý Linh giống như ném một hòn đá tảng vào giữa “cơn sốt Khổng Tử” và “cơn sốt Quốc học”, châm ngòi kích động đám sĩ nhân hộ đạo Nho gia, nước bọt bủa vây phun ra lai láng, thậm chí không thiếu cả những lời chửi rủa tức tối; có kẻ mắng nhiếc ông là “phẫn thanh”; có kẻ  phán định ông là “Mạt thế luận” (Eschatology); có kẻ thậm chí còn chưa đọc qua sách của Lý Linh đã bài xích là “rác rưởi”. Sở dĩ như thế chỉ bởi vì Lý Linh đã đặt tên cuốn sách “đọc Luận ngữ” là “táng gia cẩu” (chó không nhà). Từ đó có thể thấy, tình trạng sùng bái Khổng Tử của các vị Tân Nho gia Trung Quốc đã đạt tới mức độ không được phép đụng tới “đức Thánh Khổng”. May mà mấy vị Nho gia đương đại kia trong tay không có nhiều quyền lực chính trị. Nếu mà có, đại khái đã phải quay trở lại thời đại “Câu câu là chân lý, một câu hơn đứt vạn câu”[v].

Lý Linh là một nhà sử học nghiêm túc, ông đọc Luận ngữ không phải đọc sách Thánh hiền mà là để nghiên cứu lịch sử. Khổng Tử mà ông khảo chứng được, không phải thánh nhân, mà là một phần tử trí thức không tìm được nơi thuộc về mình. Giống như ông đã nói: “Tôi dùng Luận ngữ để nghiên cứu lịch sử chứ không phải xem nó như một thứ công cụ  để sùng bái” . Kỳ thực, thuyết “táng gia cẩu” (chó mất nhà) của Lý Linh, chẳng qua trả lại nguyên vẹn trạng thái hoang mang không tìm được đất dụng võ của trí thức thời Xuân Thu. Lý Linh giải thích “táng gia cẩu” (chó mất nhà) thành “lưu lãng cẩu” (chó lưu lạc, chó lang thang) , bất cứ ai ôm hoài bão lý tưởng nhưng trong thế giới thực lại không tìm được “nơi ký thác tinh thần” đều là “táng gia cẩu”. Mà theo tôi thấy dùng cụm “đánh mất nơi ký thác tinh thần” để bình luận đánh giá là đã quá coi trọng Khổng Tử. Trên thực tế Khổng Tử chu du liệt quốc, không phải để tìm “nơi ký thác tinh thần” mà là để tìm kiếm nơi ký thác quyền lực. Mong muốn duy nhất của ông là được làm thầy của các bậc đế vương đã không thành, đó chính là “táng gia cẩu” không tìm được quyền lực thuộc về mình. Giả dụ như lúc bấy giờ ông ta có thể tìm được một bậc đế vương trọng dụng mình thì ông ta sớm đã biến thành “chó giữ nhà” cho quyền lực.

Người phát minh ra thuật ngữ “táng gia cẩu” không phải là Lý Linh, mà là bình luận đánh giá của cổ nhân đối với Khổng Tử. Bản thân Khổng Tử cũng đồng ý với sự đánh giá này. Khổng Tử chu du liệt quốc “chạy quan”, thất thểu lang thang 14 năm không thu hoạch được mảy may gì, ông ta trong lúc thất vọng cùng cực đã bi phẫn cảm khái: “Đạo ta cùng rồi!” “Thiên hạ chẳng còn chỗ nào có thể dung ta nữa”, cho nên mới có lời bình luận đánh giá của người đời sau là “rầu rĩ như chó không nhà”. Nhưng từ góc nhìn của đám sĩ nhân hộ đạo, Khổng Tử tự xưng “táng gia cẩu” là di huấn của Thánh nhân, bao hàm ý nghĩa tinh tế sâu xa về việc trồng người và trị quốc; còn Lý Linh gọi Khổng Từ “táng gia cẩu” là đại nghịch bất đạo, là thứ “rác rưởi” không đáng để đọc. Thậm chí có vị “phẫn Nho” còn thét thẳng: “Lý Linh điên rồi!”!

Cho dù các vị Nho gia đương đại sùng Thánh tôn Khổng khinh bỉ “táng gia cẩu” của Lý Linh đến thế nào, nhưng với tôi, Khổng Tử mà Lý Linh giải đọc, đặc biệt là những gì viết trong Lời nói đầu chất phác mà đặc sắc, đã vượt qua mọi lời nói về Khổng Tử của mấy vị Tân Nho gia như Tưởng Khánh. Cho nên nhiều học giả nổi tiếng đánh giá rất cao về “Táng gia cẩu”.

Nhà sử học Ngô Tư trong bài Khả năng tính (Feasibility) của Nhân, Nghĩa-Điểm bình “Táng gia cẩu- tôi đọc Luận ngữ” viết: “Tôi cảm thấy Lý Linh đã làm một việc rất hay. Cho dù sau này chúng ta kiến thiết văn hóa như thế nào đều cần phải dựa vào văn bản chân thực đáng tin cậy. Văn bản này của Lý Linh tôi thấy lợi hại hơn cả Chu Hy”.

Tiên sinh Tiền Lý Quần giáo sư khoa Trung văn trường Bắc Đại viết trong bài Đối đãi như thế nào với truyền thống từ Khổng Tử đến Lỗ Tấn- Đọc“Táng gia cẩu-tôi đọc Luận ngữ”của Lý Linh: “Theo tôi, tâm thái và phương pháp nghiên cứu “dĩ tâm hiệt tâm” (lấy lòng mình đo lòng người-đạo hiệt củ của Nho gia-ND) và nhãn quãn “ngang tầm” như thế của Lý Linh là một đặc điểm lớn, đồng thời cũng là một cống hiến lớn trong cách đọc Luận ngữ của ông. Kết quả “dĩ tâm hiệt tâm” của Lý Linh là đã phát hiện được “táng gia cẩu” Khổng Tử….Tôi đọc thấy trong cụm từ này cảm giác như có một chút “chế nhạo” nhưng bên trong lại cũng có một thứ chấp trứ, một thứ bi thương”.

Tiên sinh Lưu Mộng Khê, giám đốc trung tâm nghiên cứu văn hóa Trung Quốc thuộc Viện nghiên cứu nghệ thuật Trung Quốc, trong một cuộc phỏng vấn, đã ca ngợi sự nghiêm túc, công phu khảo chứng học, cũng như tinh thần phê phán và “giải thiêng” thần thánh của Lý Linh trong cách đọc Luận ngữ.  

Giáo sư Tần Huy của đại học Thanh Hoa, trong bài báo “Luận ngữ” trở thành kinh điển như thế nào? in trên Phương Nam cuối tuần (số ra ngày 12-7-2007) đã viết: “Ngày nay, có nhiều người đã nâng cao Luận ngữ đến mức gần như là “Thánh Kinh Nho gia”, hệt như trước kia xem Mao Trạch Đông ngữ lục là “đỉnh cao” của chủ nghĩa Marx. “Cơn sốt Luận ngữ” ngày nay đối với Nho gia, và “cơn sốt ngữ lục” trước kia đối với chủ nghĩa Marx, rốt cục là hoằng dương hay là chà đạp?” .

Ở một đất nước có truyền thống sùng Thánh lâu đời như Trung Quốc, Khổng Tử trong mắt những sĩ nhân hộ đạo là một vị Thánh nhân không cần nghi ngờ, là bậc “tôn sư” của đế vương các triều đại, là đức “Tố Vương” có vị trí chí tôn trong đạo thống, là vị “Đại Thành Chí Thánh Văn Tuyên Vương” mà các hoàng đế dập đầu bái lạy, là vị “Thần” mà Khang Hữu Vi và Khổng giáo hội tôn là “Giáo Chủ”, ngày nay lại được các vị Tân Nho xem là “tiêu chí” của văn hóa Trung Quốc. Mỗi câu Khổng Tử nói đều được xem là châm ngôn trị quốc tỉnh thế, là hướng đạo của tu thân dưỡng tính. Trong các thuyết pháp khoa trương nhất, cổ thì có thuyết “nửa bộ Luận ngữ trị thiên hạ”, ngày nay thì có luận thuyết: “Khổng Tử thượng quản 5000 năm, hạ quản 5000 năm”, lại còn có cả  thuyết “Không đọc Luận ngữ, không lấy gì để làm người”. Nho gia đương đại không tiếc sức bịa đặt những tin tức giả giật gân, hơn nữa lại là tin tức giả danh những người phương Tây rất có tự trọng: Năm 1988, 75 người được giải Nobel các nước đã tụ hội tại Paris, cùng bầu chọn Khổng Tử là nhà tư tưởng số 1 thế giới. Đứng trước những người sùng bái Thánh đến tẩu hỏa nhập ma, thứ lỗi cho tôi khi nói một câu thô lậu như thế này với các vị Nho gia đương đại: Trong mắt của các ông, Khổng Tử nếu đã là Thánh vậy thì đến xì hơi cũng thơm tho, cũng ngây ngất. Những người sùng Thánh đã mê man đến độ không phân biệt nổi những lời nói sinh hoạt thường ngày với những lời “vi ngôn đại nghĩa”, đem những lời nói thường ngày trong Luận ngữ đọc thành những lời vi diệu sâu sắc. Ví dụ như thiên mở đầu trong sách Luận ngữ: Học nhi thời tập chi bất diệc duyệt hồ; hữu bằng tự viễn phương lai bất diệc lạc hồ…?”, những lời nói bình thường như thế có gì vi diệu sâu sắc, mắc mớ gì mà phải lãng phí bao nhiêu là trí tuệ chú thích hơn 2000 năm, đến nay vẫn còn đang chú thích? Giống như Chu Tác Nhân trong cuốn Luận ngữ tiểu ký đã viết: “Những gì được nói trong Luận ngữ phần lớn là đạo lý tác nhân xử thế, ….có thể  làm gương cho hậu nhân, nhưng không thể làm tín điều thiên kinh địa nghĩa, lại càng không có ý nghĩa tinh túy gì về triết học chính trị để có thể  trị quốc bình thiên hạ”. Hegel, nhà triết học lớn người Đức cũng cho rằng Luận ngữ chẳng qua chỉ là đạo lý mang tính sinh hoạt thường ngày mà thôi.

Nếu như nói, mệnh vận của Khổng Tử thời Xuân Thu Chiến Quốc giống như “chó không nhà” không tìm thấy được sự ưu đãi trọng thị từ tầng lớp quyền lực, vậy thì sau khi Hán Vũ Đế  khâm định “Độc tôn Nho thuật”, anh ba Khổng (Khổng lão nhị) biến thành đức phu tử Khổng, “chó không nhà” di thai hoán cốt thành “chó giữ nhà” bảo vệ cho chế độ độc tài hoàng quyền. Vì Nho thuật có lợi cho sự thống trị hoàng quyền, nên địa vị “chó giữ nhà” xem như tương đối vững chắc, ngồi một cái là ngồi luôn hơn 2000 năm. Nhưng khi thần tượng của trí thức được quan quyền tung hô lên đến tận mây xanh, thậm chí biến thành tượng dát vàng trong tổ miếu hoàng gia, thì vừa vặn cũng là lúc người trí thức và tư tưởng của họ sa vào địa ngục, biến thành “tỳ nữ” cho quyền lực. Giống như Tư Mã Thiên sau khi bị Hán Vũ Đế xử cung hình đã bi phẫn mà thốt lên rằng: “Phụ thân ta không có được công lao nhận “phẫu phù đan thư”[vii] (những tín vật miễn tội), chép sử xem thiên văn (những nhiệm vụ do Thái Sử Lệnh chuyên trách) gần với chiêm bốc tế lễ (những nhiệm vụ do Vu quan chuyên trách), cho nên chúa thượng bỡn cợt, nuôi như nuôi con hát, bị thế tục khinh thường”. Cho đến khi các cường quốc phương Tây gõ cửa Trung Quốc, chế độ và hình thái ý thức truyền thống mới suy yếu nhanh chóng. Cách mạng Tân Hợi đã làm lễ cáo chung cho đế chế truyền thống, Nho gia với tư cách là hình thái ý thức độc tôn của hoàng quyền cũng mất đi chỗ dựa vào chế độ, một lần nữa từ “chó giữ nhà” trở về thành “chó không nhà”. Cho dù, cũng từng có thêm vở kịch khôi phục đế chế và tôn Khổng của Viên Thế Khải, nhưng chẳng qua cũng chỉ là hài kịch như khói thoảng qua, bởi vì sự sụp đổ của chế độ và hình thái ý thức truyền thống đã đến hồi không thể nào cứu vãn.

Theo tôi, mất đi chỗ dựa quyền lực, là đại bất hạnh của Nho gia truyền thống, khiến chó giữ nhà cho hoàng quyền biến thành chó lưu lạc lang thang. Nhưng trong quá trình chuyển hình từ trí thức truyền thống sang trí thức hiện đại- trí thức Trung Quốc từ “chó giữ nhà” một lần nữa biến thành “chó không nhà”- lại là đại hạnh cho giới trí thức Trung Quốc. Bởi vì trí thức không còn dựa vào sự chống lưng của quyền lực độc tài nữa, thì dù bất kể là tự nguyện hay ép buộc, tinh thần phê phán càng dễ dàng được nuôi dưỡng độc lập hơn. Di hạn ở chỗ, số phận “chó lang thang” của trí thức Trung Quốc cũng chỉ duy trì vẻn vẹn được nửa thế kỷ, cùng với việc Trung cộng tập trung quyền lực thống trị khắp Trung Quốc thì trí thức Trung Quốc đến “chó lang thang” cũng không bằng. Phần lớn thì lâm vào thế như “chó rơi xuống nước” bị đuổi đánh dồn dập, một số ít may mắn biến thành “chó giữ nhà” cho chính quyền Mao Trạch Đông. Ví dụ như Quách Mạt Nhược thời kỳ dân quốc còn dám mắng cả Tưởng Giới Thạch nhưng sau 1949 lại biến thành kẻ phụ họa cho Mao Trạch Đông.

Ở thời hiện đại và đương đại Trung Quốc, Khổng Tử có một mệnh vận tương đối kỳ dị, trước sau trải qua hai cuộc vận động “đánh đổ miếu họ Khổng”; một lần là cuộc vận động Tân văn hóa thời Ngũ Tứ, một lần là cuộc “phê Lâm phê Khổng” do Mao Trach Đông phát động. Sau sự kiện Thiên An Môn, trong giới tri thức Trung Quốc xuất hiện trào lưu tư tưởng chống lại chủ nghĩa cấp tiến, xếp phản truyền thống của vận động Ngữ tứ với phản truyền thống của Mao Trạch Đông vào chung một nồi, cho rằng đồng dạng đều là cách mạng của chủ nghĩa cấp tiến nên tiến hành bài trừ, mà tuyệt nhiên không để ý tới sự khác nhau hoàn toàn của hai lần “đánh đổ miếu họ Khổng”.   

Đầu tiên, những người phát động của hai phong trào chống Khổng là không giống nhau. Cuộc vận động Ngũ Tứ là cuộc vận động văn hóa dân gian từ dưới lên trên, những người phát động đều là những phần tử trí thức kiểu mới đến từ tầng lớp bình dân, họ tiếp thu những tư tưởng mới, giá trị mới và phương pháp mới từ phương Tây, đồng thời dùng những giá trị của Phương Tây làm tham chiếu để nghiên cứu thảo luận nguyên nhân lạc hậu của Trung Quốc. Họ không thỏa mãn với quan điểm “khí vật không bằng người” của phái Dương vụ[viii] và “chế độ không bằng người” của phái Duy Tân mà đi sâu thảo luận vào tầng diện “văn hóa không bằng người”. Còn phong trào “phê Lâm phê Khổng” giai đoạn cách mạng văn hóa là cuộc vận động chính trị từ trên xuống dưới do quyền lực độc tài thao túng và khống chế, người phát động là Mao Trạch Đông không chỉ nắm giữ quyền lực tuyệt đối mà địa vị độc tôn của “tư tưởng Mao Trạch Đông” lúc đó cũng thay thế tất cả mọi tư tưởng khác bất kể là đến từ bên ngoài hay vốn có của Trung Quốc.

Thứ hai, tính chất của hai lần chống Khổng cũng hoàn toàn khác nhau. Cuộc cách mạng văn hóa phát động “đánh đổ miếu họ Khổng” của những trí thức kiểu mới thế hệ thứ nhất thời Ngũ Tứ, không chĩa mũi nhọn vào Khổng Tử thời “trăm nhà đua tiếng” Tiên Tần mà là đức Thánh Khổng được dựng lên từ thời đại “độc tôn Nho thuật” của Hán Vũ Đế trở lại đây, mục đích là đánh đổ thứ “Nho thuật” làm “chó giữ nhà” cho hoàng quyền độc tài. Còn cuộc vận động phê Khổng do Mao Trạch Đông phát động không có bất cứ một động cơ văn hóa hoặc động cơ trừ bỏ cái cũ mưu toan cái mới, mà hoàn toàn dựa trên nhu cầu chính trị bảo hộ quyền lực tự thân. Ông ta dùng “phê Khổng” như công cụ chính trị cho cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ Đảng, vừa để “phê xấu” Lâm Bưu, vừa để cảnh cáo “đại Nho trong Đảng” Chu Ân Lai.

Như thế có thể nói, hai lần đả phá miếu họ Khổng có sự khác biệt về tính chất: đó là sự khác biệt giữa những người trí thức kiểu mới không có quyền lực với Tần Thủy Hoàng đương đại trong tay nắm giữ quyền lực tuyệt đối; đó là sự khác biệt giữa một cuộc vận động văn hóa tự phát với một cuộc vận động chính trị thao túng khống chế quyền lực; đó là sự khác biệt giữa một bên vì Trung Quốc già nua mà tìm lối thoát cho văn hóa và một bên vì củng cố quyền lực tuyệt đối mà thanh trừng những ý kiến khác mình.

Vì thế, đến tận bây giờ tôi vẫn tán thành “đánh đổ miếu họ Khổng” như là một cuộc vận động văn hóa tự phát thời Ngũ  Tứ , nhưng tôi lại kiên quyết phản đối “đánh đổ miếu họ Khổng” với tư cách là một cuộc vận động chính trị giai đoạn đại cách mạng văn hóa.

Trong bài viết Khổng Phu Tử của Trung Quốc hiện đại, Lỗ Tấn gọi Khổng Tử là “Thánh nhân modern”, cũng chính là phê phán truyền thống sùng Thánh của đế chế Trung Quốc. Ông viết: “Khổng Tử tại Trung Quốc, là do đám quyền thế dựng lên, là Thánh nhân của đám quyền thế hoặc đám muốn có quyền thế, chẳng có quan hệ gì với dân chúng nói chung”. Mà theo tôi, truyền thống sùng Thánh của Trung Quốc là công trình giả tạo văn hóa lớn nhất do đế vương các đời và đám văn nhân “ngự dụng” cùng tham gia chế tạo. Khổng Tử được đế vương và đại Nho các đời “phong Thánh” sớm đã viễn ly với Khổng Tử đích thực, xứng đáng được xem là món hàng nhái kém chất lượng nhất. 

Kỳ thực, nghiêm túc đọc chư tử thời Tiên Tần có thể nhận thấy, Khổng Tử người được tôn là Thánh nhân, thực ra là một nhà thuyết giáo đạo đức xoàng nhất trong các chư tử Tiên Tần. So với Trang Tử, Khổng Tử không có sự lai láng phóng túng trong ngôn ngữ, không có chất siêu dật, bay bổng, tiêu sái và chất kỳ vĩ khôi lệ trong năng lực tưởng tượng, không có trí tuệ triết học thoát tục và tài hoa văn học hiển lộ, càng không có ý thức thanh tỉnh về bi kịch của con người. So với Mạnh Tử, Khổng Tử thiếu hẳn khí phách, thái độ khoáng đạt, lòng bao dung của một vị nam tử hán, càng thiếu mất sự tự tôn khi đứng trước giới quyền lực, thiếu mất sự quan tâm lo lắng với tầng lớp bình dân “dân vi trọng, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. So với Hàn Phi Tử, Khổng Tử hư ngụy, xảo trá không có được sự thẳng thắn, sắc sảo và tài năng trào lộng của Hàn Phi Tử. So với Mặc Tử, Khổng Tử không có sự tự ước thúc đạo đức của chủ nghĩa dân túy xem bình đẳng là lý tưởng, không có đầu óc mang đặc trưng logic  hình thức. Tất cả những gì Khổng Tử nói đều thiếu vắng một trí tuệ lớn, chỉ có sự tinh vặt, công lợi cực đoan và khôn khéo, đã không có được linh tính thẩm mỹ và sự sâu sắc trong triết lý lại cũng không có được nhân cách cao quý và tấm lòng khoáng đạt. Ông ta, trước tiên tứ phía “chạy quan”, sau khi thất bại thì trở thành một vị giáo chủ đạo đức, cái được nhất của ông ta là “làm Thầy người” và đạo làm Thầy “dạy người không mệt mỏi” cũng vừa vặn chính là nguyên nhân tạo nên nhân cách cuồng vọng mà nông cạn. Đạo xử thế thông minh của ông ta “thịnh thế tắc nhập, loạn thế tắc ẩn” là điển hình cho chủ nghĩa cơ hội không muốn gánh trách nhiệm. Đáng buồn là, chính vị Khổng Tử khôn khéo nhất, công lợi nhất, lõi đời nhất, không có tinh thần đảm đương và gánh vác khó khăn nhất lại trở thành vị Thánh nhân và hình mẫu mấy nghìn năm của dân tộc Trung Hoa. Dân tộc nào thì có Thánh nhân nấy, và Thánh nhân như thế nào cũng sẽ chỉ có thể đắp nặn nên một dân tộc như thế ấy, “nô tính” của toàn bộ người Trung Quốc đều bắt nguồn từ chỗ đó, di truyền từ nền văn hóa đó vẫn kéo dài cho đến tận ngày nay.

Ý nghĩa đích thực trong việc đọc Luận ngữ của Lý Linh, thứ nhất là: chĩa mũi nhọn vào nơi phát động chủ nghĩa dân tộc cực đoan Trung Quốc hiện nay. Sách này tuy là một trước tác học thuật nghiêm túc muốn hoàn nguyên một “Khổng Tử đích thực”, lột bỏ lớp da “thánh hiền hư ảo” mà Nho gia các đời đã đắp lên cho Khổng Tử, nhưng rõ ràng có sự quan tâm đến hiện thực. Ông trực tiếp hoài nghi chất vấn “cơn sốt giảng đọc kinh điển”, “cơn sốt tôn Khổng”, gián tiếp hoài nghi chất vấn cái gọi là “đại quốc quật khởi”. Trong mắt Lý Linh, Khổng Tử chỉ là “chó không nhà” không tìm được nơi ký thác tinh thần trong thế giới hiện thực”, cũng chính là phê phán Nho gia đương đại biến Khổng Tử thành chúa cứu thế. Đúng như chính Lý Linh đã  nói: “Đem cờ Khổng Tử cắm khắp thế giới, tôi không hứng thú”. “Khổng Tử không thể cứu Trung Quốc cũng không thể cứu thế giới”.

Hai là, chĩa mũi nhọn vào truyền thống luôn muốn thân cận với giới quyền lực của trí thức Trung Quốc, bởi vì hiện tại Nho gia cũng đang sốt sắng làm thân với đám đương chức đương quyền. Họ độc tôn Nho học, hô hào Nho giáo, nhưng không chú trọng đến tác dụng của Nho học trong việc kiến tạo lại đạo đức con người mà chỉ chú trọng đến chức năng chính trị “tu tề trị bình” của Nho gia, mục đích muốn thực hiện “vương đạo” “chính giáo hợp nhất”[ix]. Họ đẩy Khổng Tử lên địa vị “Thầy của đế vương” hoặc “Quốc sư”, hô hào định vị Nho giáo là “quốc giáo”, hy vọng chính phủ dùng quyền lực hành chính “đặc biệt đãi ngộ” Khổng Tử, tiến tới biến thành “vua triết học” trong tay nắm quyền lực lớn theo mô thức Plato. Cho nên Khổng Tử do Tân Nho gia “trùng tu” là thụt lùi so với thời đại Hán Vũ Đế, tham vọng một lần nữa “bãi truất bách gia, độc tôn Nho thuật” là ý thức hình thức hóa Khổng Tử một cách cao độ, là làm sống lại truyền thống “nhân cách Thần” đưa người sống lên làm Thần thánh để sùng bái.

Lý Linh cho rằng, trong lịch sử Trung Quốc, những trí thức dạt dào lý tưởng Utopia chỉ nên có bổn phận là lực lượng phê phán độc lập với quyền lực, còn một khi trí thức đã nắm quyền lực sẽ là mối nguy hiểm đối với quốc gia, thậm chí là mối nguy hiểm mang tính tai họa. Lý Linh nói: “Trí thức nhạy bén sắc sảo nên càng chuyên chế hơn các đối tượng khác. Nếu như trong tay có quyền lực, thì những kẻ mất mạng trước tiên, chính là những trí thức khác”. Bởi vì trí thức Trung Quốc phần lớn đều rất cuồng vọng, tự cho mình “có trí tuệ nhất”, “có đạo đức nhất”, có lý tưởng nhất”, tự hứa rằng: “trước tiên lo cái lo của thiên hạ, rồi sau mới vui cái vui của thiên hạ”, có thể cứu vớt được bách tính trong dầu sôi lửa bỏng, tạo dựng nên một thiên đường trong chốn nhân gian. Bốn câu của Trương Tái, vị đại Nho đời Tống: “Vị thiên hạ lập tâm, vị sinh dân lập mệnh, vị vãng Thánh kế tuyệt học, vị vãng thế khai thái bình”, đến nay vẫn được phần lớn các trí thức Trung Quốc xem như châm ngôn răn mình, chứng tỏ truyền thống cuồng vọng của sĩ đại phu Trung Quốc vẫn còn rất thâm căn cố đế.

Chính vì thế, Lý Linh cảnh tỉnh trí thức đương đại Trung Quốc nên hấp thu sự giáo huấn của lịch sử, cần giữ khoảng cách với quyền lực, trừ bỏ dã tâm “làm Thầy các bậc đế vương”, vứt bỏ truyền thống dùng kinh điển cổ đại tiến hành chính trị hóa và hình thức hóa ý thức, duy trì tính độc lập về tri thức, tư tưởng và học thuật, kích thích sức sáng tạo tinh thần của trí thức. Giống như Lý Linh viết trong đoạn cuối Lời nói đầu: “Đọc Luận ngữ cần ôn hòa bình tĩnh, bỏ chính trị hóa, bỏ đạo đức hóa, bỏ tôn giáo hóa. Mục đích không gì khác ngoài việc chúng ta muốn một Khổng Tử đích thực, đặc biệt là trong thế giới lễ hoại nhạc băng này”. Nếu không, người trí thức Trung Quốc hôm nay vẫn mãi giống như trí thức Trung Quốc trong lịch sử không cách nào trút bỏ được vận mệnh cam tâm làm “chó săn” cho người khác. Chỉ khác biệt ở chỗ, khi không có ai tán thưởng thì như “chó không nhà”, nhận được sự ưu ái thì như “chó giữ nhà” trúng số.

Theo tôi, bi kịch lớn nhất của văn hóa Trung Quốc không phải là “đốt sách chôn Nho” thời Tần Thủy Hoàng mà là “bãi truất bách gia độc tôn Nho thuật” thời Hán Vũ Đế, học thuyết Nho gia trải qua sự cải tạo của Đổng Trọng Thư, miêu tả trật tự đế chế được kiến lập và duy trì dựa trên bạo lực như sự thể hiện của thiên đạo, dùng câu “thiên bất biến đạo diệc bất biến” như căn cứ bản thể luận mang tính hợp pháp của đế chế, cung cấp bằng chứng vũ trụ luận cho sự tồn tại vĩnh viễn của hoàng quyền, khoác lên hình hài lồ lộ chính trị bạo lực một tấm áo khoác nhân trị vỗ về. Các đấng đế vương đương nhiên nhận ra tác dụng dụ dỗ của tấm áo khoác này, bèn xác lập Nho giáo thành hình thái ý thức quan phương độc tôn, trở thành dòng “đạo thống” an thân lập mệnh chủ lưu cho người trí thức, cũng chính là truyền thống “làm thế nào để biến thành nô tài tốt”. Đúng như Mao Trạch Đông đã định vị người trí thức: “da đã chẳng còn, lông mọc ở đâu?”.

Trí thức đương đại Trung Quốc, trách nhiệm đầu tiên không phải là bảo vệ truyền thống sùng Thánh dựa trên sự chống lưng của quyền lực độc tài, mà là bãi bỏ địa vị “ngự dụng” (tay sai) phụ thuộc vào quyền lực, kế thừa truyền thống mới “tư tưởng tự do, nhân cách độc lập” xác lập từ thời Ngũ Tứ đến nay.

Bắc Kinh, ngày 18 tháng 8 năm 2007
Lưu Hiểu Ba.




[i] Đạo thống: chỉ dòng mạch và hệ thống truyền thừa “đạo” của Nho gia. Mặc dù Chu Tử là người đầu tiên dùng chữ “đạo thống”, nhưng người chính thức xác lập một đạo thống hoàn chỉnh lại là Hàn Dũ. Trong bài Nguyên đạo, Hàn Dũ viết: “Nghiêu đem nó [đạo] truyền cho Thuấn, Thuấn đem nó truyền cho Vũ, Vũ đem nó truyền cho Thang, Thang đem nó truyền cho Chu Công, Chu Công truyền cho Khổng Tử, Khổng Tử truyền cho Mạnh Tử. Sau khi Mạnh Tử mất, đạo ấy không được truyền nữa”.
[ii] Chỉ  sự kiện Thiên An Môn, diễn ra vào đêm ngày 3 và rạng sáng ngày mùng 4 tháng 6 năm 1989.
[iii] Tiểu khang: Là một thuật ngữ chỉ thời thịnh trị, dân no ấm an lạc của Nho gia như thời Vũ, Thang, Chu Văn Vương, Chu Vũ Vương, Chu Thành Vương…., nhưng vẫn đứng dưới xã hội Đại Đồng một bậc. “Tiểu khang” cũng là từ được Đặng Tiểu Bình dùng trong học thuyết của ông, chỉ sự phát triển kinh tế chủ nghĩa xã hội, trong thời kỳ đặc định đạt được mục tiêu đề ra.  
[iv] Nhị Thánh Nhân, Tam Thánh Nhân, Đại sư: những từ mà Nho gia các đời dùng để xưng tụng Khổng Tử
[v] Câu trích trong bài viết của Lâm Bưu đăng trên Nhân dân Nhật báo số ra ngày 24/1/1966 tụng ca Mao Trạch Đông ngữ lục.
[vii] Phẫu phù đan thư: Những tín vật làm bằng mà các hoàng đế nhà Hán ban cho công thần. Phù: làm bằng trúc trên có ghi lời thề “mãi mãi không thay đổi tước vị”. Phẫu chia thành hai: hoàng đế giữ một mảnh, công thần giữ một mảnh. Đan thư: giống một dạng khế ước viết những lời thề bằng chu sa. Vị công thần nào có được những tín vật này có thể được miễn tội. Cha của Tư Mã Thiên chỉ làm một chức quan rất nhỏ nên ông không được miễn tội, phải chịu nhục cung hình.
[viii] Phái Dương vụ: Một phe phái chính trị trong nội bộ giai cấp thống trị Trung Quốc xuất hiện sau cuộc chiến tranh Nha phiến với mục đích cứu vớt vương triều nhà Thanh, bảo vệ giai cấp địa chủ, đi theo con đường “thực nghiệp hưng quốc”. Một số tên tuổi của phái chính trị này có: Tăng Quốc Phiên, Lý Hồng Chương…..
[ix] Người đứng đầu về chính trị cũng chính là lãnh tụ tôn giáo.

Thursday, October 25, 2012

Lưu Hương kí có thật là báu vật quốc gia?



MỘT SỐ HIỆN TƯỢNG BẤT ỔN CỦA VĂN BẢN LƯU HƯƠNG KÍ
Phạm Vô công tiên sinh[1]
Trong lịch sử văn học Việt Nam, Hồ Xuân Hương là tác giả có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, trước thời điểm phát hiện bản Lưu Hương kí, giới nghiên cứu chỉ biết đến Hồ Xuân Hương với danh nghĩa tác giả của các bài thơ Nôm truyền tụng, còn hành trạng tác giả thì nói như nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Thật mỉa mai, không ai biết rõ”. Chính vì thế, sự xuất hiện của Lưu Hương kí đầu những năm 1960 thực sự đã gây được sự quan tâm đặc biệt của các nhà nghiên cứu, Hồ Xuân Hương lúc này không còn là một tác giả được thế tục truyền tụng nữa, mà có trước tác truyền lại, ghi rõ sách do “Cổ Nguyệt đường Xuân Hương nữ sử người ở Hoan trung biên tập”. Những tưởng với Lưu Hương kí, các vấn đề liên quan đến sự nghiệp sáng tác và hành trạng Hồ Xuân Hương sẽ được sáng tỏ hơn, song trên thực tế vấn đề dường như không hẳn như vậy. Sự cách biệt về phong cách giữa bộ phận thơ Nôm truyền tụng của Hồ Xuân Hương vốn đã lưu hành rộng rãi từ lâu với các bài thơ chữ Hán trong Lưu Hương kí mới được phát hiện khiến cho vấn đề văn bản thơ Hồ Xuân Hương trở nên có phần phức tạp hơn trước. Đến nay, qua hơn 40 năm kể từ khi Lưu Hương kí được phát hiện, tuy đã có những khảo cứu nhất định về văn bản, song chưa có công trình nào giải quyết được vấn đề văn bản học Lưu Hương kí một cách rốt ráo.
Lưu Hương kí bản hiện còn (kí hiệu của Thư viện Viện Văn học: HN. 336) không ghi niên hiệu, tựa, bạt. Mở đầu là phần chép các tác phẩm thuộc thể loại từ và nhạc phủ, được định danh là “Nhạc phủ từ”. Nếu như ở phần thơ, các câu thơ được viết liên tục thì ở phần này, một số bài từ, các câu được chép cách nhau, cho thấy tác giả, hoặc giả là người chép sách có ý thức một cách rõ ràng trong việc trình bày tác phẩm, nhằm tạo ra sự khu biệt nhất định giữa tác phẩm thơ và các tác phẩm thuộc thể loại từ.
Tác phẩm mở đầu Lưu Hương kí mang tên Thuật ý kiêm giản hữu nhân Mai Sơn Phủ (Thuật lại ý mình, gửi bạn Mai Sơn Phủ). Cuối bài ghi rõ “Hữu Giang Nam điệu”, nghĩa là: bên phải đây là điệu Giang Nam. Các sách từ phổ ghi nhận rất nhiều điệu trong tên từ điệu của nó có hai chữ “Giang Nam”, như: Giang Nam hảo, Giang Nam khúc, Giang Nam xuân, Giang Nam thụ… nổi tiếng nhất trong số đó là điệu Giang Nam hảo. Do vậy, khi là các bài từ điệu này, đôi khi các tác giả gọi tắt là Giang Nam, hoặc gọi theo tên khác là Ức Giang Nam.
Theo từ phổ, điệu Giang Nam hảo có hai loại, đơn điệu (một đoạn) và song điệu (hai đoạn). Loại đơn điệu gồm 27 chữ, song điệu gồm 54 chữ. Bài điệu Giang Nam trong Lưu Hương kí gồm 260 chữ, dung lượng lớn hơn điệu từ dài nhất trong từ sử (điệu Oanh đề tự, chỉ lên đến 240 chữ), hiển nhiên nó không phải điệu Giang Nam hảo. Nếu coi đây là tác phẩm thuộc thể loại từ thì đó quả là một tác phẩm từ độc nhất vô nhị mà giới từ học trên toàn thế giới chưa từng biết đến. Bài Thuật ý kiêm giản hữu nhân Mai Sơn Phủ có dấu hiệu là một sáng tác được chắp ghép từ nhiều bài, trong đó có dấu vết rõ ràng của điệu Trường tương tư. Nhưng cho dù vậy, sáng tác ra một tác phẩm với thể thức chưa từng có, lại dùng tên một điệu từ nổi tiếng để định danh thể thức cho nó, điều này chứng tỏ tác giả (hoặc giả là người chép sách) Lưu Hương kí hiển nhiên không có hiểu biết về từ học. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương thông minh, sắc sảo của chúng ta lẽ nào lại là một người như vậy?
Tác phẩm thứ hai trong Lưu Hương kí khôngtừ đề, cuối bài ghi rõ: “Bài bên phải theo điệu Thiếu niên du.Thiếu niên du đích xác là tên một điệu từ, là loại song điệu (phân làm hai đoạn), có hai dạng thức cách luật, một gieo vần trắc, một gieo vần bằng. Bài Thiếu niên du trong Lưu Hương kí gieo vần bằng nên ta chỉ xét cách luật của dạng thức thứ hai - dạng gieo vần bằng. Theo từ phổ, dạng gieo vần bằng gồm 50 chữ, đoạn trước gồm 5 câu gieo ba vần bằng, đoạn sau 5 câu gieo 2 vần bằng; có một số bài giảm thành 48 chữ, tăng thành 51 hoặc 52 chữ. Bài từ điệu Thiếu niên du trong Lưu Hương kí có 44 chữ, cú thức là 4/4/5/4/4/5/5/4/4/5, gieo 5 lần vần bằng ở các câu 1, 3, 6, 7, 10; so với cách luật của từ điệu Thiếu niên du, rõ ràng không có sự tương thích. Từ phổ liệt kê thêm một số biến thể của điệu từ này song cũng hoàn toàn không có bài nào có cách luật giống bài Thiếu niên du trong Lưu Hương kí. Như vậy bài thứ hai này cũng không phải điệu Thiếu niên du. Vị nữ sĩ được ông Tốn Phong khen ngợi là “học rộng mà tinh thuần” (Bài tựa Lưu Hương kí, chép trong Du Hương tích động kí, kí hiệu A. 2814, Viện Nghiên cứu Hán Nôm) sáng tác một bài từ ngắn như trên chẳng lẽ lại nhầm lẫn đến thế sao?
Tác phẩm thứ ba trong Lưu Hương kí cũng không có từ đề. Cuối bài ghi rõ: “Bài bên phải làm theo điệu Xuân đình lan”. Các bộ từ phổ đều không ghi nhận bất cứ điệu từ nào có tên gọi tương tự. Xem xét kĩ, tác phẩm này phần đầu khá giống điệu từ điệu Nhất tiễn mai. Có thể tác giả Lưu Hương kí đã vay mượn đôi chút dạng thức cách luật của điệu Nhất tiễn mai để “chế hóa” thành bài Xuân đình lan. Điệu thức bài Xuân đình lan này không giống bất cứ điệu từ nào đã từng được ghi nhận, như vậy, tương tự trường hợp bài từ đầu tiên trong Lưu Hương kí, đây cũng là một điệu từ mà giới nghiên cứu từ học toàn thế giới chưa hề biết đến!
Tác phẩm thứ tư trong Lưu Hương kí mang tên Thu dạ hữu hoài, không có tên từ điệu. Với một tác phẩm từ, từ điệu quan trọng hơn từ đề. Sự thiếu vắng từ điệu trong trường hợp này cho thấy cách ghi chép có phần tùy tiện của Lưu Hương kí. Vậy bài trên đây nếu là tác phẩm từ thì nó sẽ thuộc về điệu nào? Xét về dung lượng, bài này gồm 54 chữ, thuộc phạm vi tiểu lệnh (là những điệu từ dung lượng nhỏ, số lượng từ 16 đến 58 chữ). Bốn câu đầu bài này đều là các câu 7 chữ. Trong phạm vi các bài từ tiểu lệnh, chỉ có một số ít điệu như: Giá cô thiên, Ngọc lâu xuân, Song đới tử… có cú pháp như vậy. Xét kiểu câu và cách gieo vần 4 câu đầu trong bài Thu dạ hữu hoài, có thể nhận thấy nét tương đồng của chúng với phần thượng phiến (nửa trên) điệu Giá cô thiên, song nếu xét toàn bài thì không một điệu từ dạng tiểu lệnh nào gieo thuần vần bằng, gồm 54 chữ có cách luật giống như bài này. Bài Thu dạ hữu hoài vốn có hình thức của thể từ, đi liền với các bài có mang từ điệu ở phía trước, nhưng trên thực thế nó cũng không thuộc bất cứ một điệu từ nào.
Từ là một thể loại ít xuất hiện trong văn học trung đại. Phải chăng chính vì thế nên khi sáng tác thể loại này, với cá tính đầy phóng túng cùng sự sáng tạo của mình, Hồ Xuân Hương chỉ vay mượn một số đặc điểm hình thức thể loại từ rồi sáng tác một cách hoàn toàn tự do theo ý mình, không chịu câu thúc bởi từ luật? Giả thuyết này thoạt nghe có vẻ hữu lí, song xét kĩ vẫn không thể đứng vững được, bởi một lẽ đơn giản rằng từ điệu chính là sự biểu hiện của dạng thức cách luật của các bài từ, nếu Hồ Xuân Hương không câu thúc vào từ luật thì tại sao sau khi đã tạo ra các bài từ không tuân thủ bất cứ một dạng thức cách luật nào lại lấy tên các từ điệu nổi tiếng nhằm định danh thể loại và dạng thức cách luật của chúng? Làm như vậy chẳng phải nữ sĩ họ Hồ đã tự mâu thuẫn với chính mình ư?
Tác phẩm thứ năm trong Lưu Hương kí mang tên Thu phong ca. Bài này mở đầu các sáng tác theo lối nhạc phủ. Đọc bài thơ, có cảm giác khá quen thuộc, nhất là câu “Hoài giai nhân hề bất năng vong” (Nhớ người đẹp chừ chẳng thể quên). Xét kĩ, 4 câu đầu bài này chép nguyên vẹn 4 câu đầu bài Thu phong từ (bài hát về gió thu, một bài nhạc phủ thời Hán) của Hán Vũ đế Lưu Triệt (156 Tr. CN-87 Tr.CN); ngay nhan đề tác phẩm cũng chỉ thay đi đôi chút mà thôi! Một bài 8 câu thơ mà đến 4 câu đã là “đạo thơ” của Hán Vũ đế, dựa vào đâu để chắc chắn rằng 4 câu sau không phải là đạo thơ của tác giả khác?
Kết quả khảo sát lần lượt 05 tác phẩm đầu tiên trong Lưu Hương kí cho thấy cả 05 tác phẩm được khảo sát đều có dấu hiệu hết sức bất thường, tuy chưa thể dựa vào đó để đánh giá về vấn đề tác quyền của Lưu Hương kí, song cũng tạm đủ để người đọc nhận thấy tính chất phức tạp của văn bản Lưu Hương kí, và ít nhiều gợi cho chúng ta sự nghi ngờ về giá trị đích thực của nó. Do vậy, thiết nghĩ tập Lưu Hương kí cần có sự giám định, khảo cứu thật kĩ càng về văn bản. Việc làm này nên được thực hiện bằng một thái độ cẩn trọng và khoa học, dưới cái nhìn nghiêm khắc, thậm chí là lạnh lùng đến nghiệt ngã của nhà văn bản học, thay vì được tiến hành với cái nhìn đầy thiện cảm đối với một nhà thơ nổi tiếng, cái nhìn theo kiểu các “fan” hâm mộ Hồ Xuân Hương. Xuất phát từ sự phức tạp của văn bản Lưu Hương kí, trước khi có một công trình khảo cứu thật tỉ mỉ, riết ráo về cuốn sách này, thiết tưởng các nhận định kiểu: Lưu Hương kí là “báu vật”, “di sản quý”, “của báu quốc gia”, v.v… như một số nhà nghiên cứu đã phát ngôn gần đây e rằng hơi vội vàng, chưa đủ cơ sở khoa học.

 .................................................................................................
Chủ nhân blog không có lời bình luận nào, chỉ muốn cung cấp thêm một ghi chú nhỏ về nguồn gốc của văn bản này cho những người từng tôn vinh Lưu Hương ký là "báu vật quốc gia", để họ ngõ hầu có thể dùng đến nếu muốn lập hồ sơ UNESCO cho sách: :))  

Luu Huong ki
Trang đầu của bản Lưu Hương kí
Đây là trang đầu tiên của tập Lưu Hương kí. Ngay dưới tên sách Lưu Hương kí là những dòng ghi chú bằng tiếng Hán của người tìm ra sách: "Sau giải phóng ngẫu nhiên lục sọt cũ tìm được bản này trong đám sách nát, nhân đó phiên ra quốc văn kính gửi ban Văn Sử Địa Trung Ương để các ông thẩm duyệt, tham đính hoặc bổ sung". (Nguyễn Văn Tú cẩn chí) (1957).(Mở ngoặc: Ông Nguyễn Văn Tú là người ở Nam Định). 



[1] Bài đã đăng trên báo Người Hà Nội số ra ngày thứ 6 (26/10/2012)

Monday, October 15, 2012

Dâng hiến


Cho Đôn Ki Hô Tê và Trọc Phú xứ T.

...Hôm nay tôi muốn nói với bạn rằng chúng ta cũng như những nhân vật trong Mãi đừng xa tôi, chúng ta là những người sinh ra để “hiến”. Họ hiến tạng, còn chúng ta sinh ra để dâng hiến niềm tin cho những thứ không đáng tin, dâng hiến sự hi sinh cho những thứ chẳng đáng để hy sinh, dâng hiến niềm say mê cho những thứ rồi đây sẽ chỉ là vô nghĩa. Nhưng chúng ta như thế còn đỡ đáng thương hơn những kẻ cứ thích dâng hiến cho những gì không thuộc về họ….
 (Từ một entry blog cũ , năm 2008. )

Tuesday, September 25, 2012

Chịu hổng nổi

Đang bận đến tối tăm mặt mũi thì được chú Tam Uyển bắn cho quả link: Bình Ngô đại cáo không phải của Nguyễn Trãi.  Nghe tin giật đùng đùng, hãi quá em vội vàng đọc ngay tắp lự. Đọc xong em có lời tâm sự thế này: Cho dù nền học thuật nước nhà bây giờ đang đi theo hướng xâu bít (showbiz) hóa (thuật ngữ chuyên môn gọi là xâu bít lô gi (showbizlogy), thì cũng mong Lưỡng quốc Tiến sĩ đừng giống mấy Idol hết thời, lâu lâu không xuất hiện trên báo, cứ xuất hiện là phải kèm tin giật gân (mà nội dung thì cực kỳ ấu trĩ). Em bị bịnh đau dạ dày, mấy thứ phát hiện khoa học kiểu này em nuốt không trôi, em mắc.....

10h10 phút tối ngày 25/9: Ah, rồi, lại chiêu cũ: xóa bài. Thiệt tình. Bây giờ đố ai tìm được cái bài đó trên trang  Giaoduc.net.vn. Báo Đất Việt cũng không còn luôn. Đúng là xâu bít lô gi, cái gì cũng thành trò hề được. 

Wednesday, September 12, 2012

Nhân trường hợp entry của Blogger Le Minh Khai


Cách đây không lâu tôi có đọc essay “The Biography of the HồngBàng Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition” (Journal of Vietnamese Studies, Vol. 7, No. 2 (Summer 2012), pp. 87-130 ) của nhà sử học người Mỹ Liam C. Kelley. Khi đọc câu đầu tiên của bài viết: “Về một triều đại cách đây khoảng một nghìn năm mà không gian của nó chính là phía Bắc và một một phần của miền Trung Việt Nam ngày nay, nơi đã từng thuộc phạm vi biên giới của đế chế Trung Hoa…”, tôi đã cảm khái thốt lên với một người bạn: Liam C. Kelley quả là một người Mỹ. Bởi vì điều này nếu được diễn đạt trực tiếp theo cách đó từ một người Việt Nam, và được đăng đâu đó trên báo chí Việt Nam, đen đủi hơn nếu bài viết được post lại trên các hot blog ở Việt Nam, vào thời điểm hiện tại tác giả đó rất có nguy cơ phải đối diện với một sự tuyên án khốc liệt: kẻ Hán gian, tay sai của Bắc Kinh... 

Những comment dưới bài dịch tiếng Việt một entry của blogger Le Minh Khai có liên quan đến Lý Công Uẩn tại đây có thể xem là một ví dụ rất điển hình. Blog Le Minh Khai đã bị “xếp” vào hàng ngũ “những websites giả dạng của ngưòi Việt, nhưng chỉ có thể là của Bắc Kinh” với mục đích: “Trung Quốc dùng bất cứ phương tiện và thủ thuật để thuyết phục cả người Tầu lẫn người Việt hiện nay là Việt Nam vốn là Tầu”. Lý do của họ: Blogger Le Minh Khai đã động chạm đến một vấn đề vô cùng nhạy cảm đối với người Việt khi viết: “And on the issue of these films being too “Chinese,” again, the elite in the Red River Delta at the time of Lý Công Uẩn shared a great deal with the elite in areas to their north, particularly culture and religion, but even blood. Making a movie that depicts a land that was completely unique would be just as problematic as making it “too Chinese.”. Với họ: việc thừa nhận Việt Nam đã từng chia sẻ văn hóa và tôn giáo với Trung Quốc trong quá khứ đã là một chuyện khó chấp nhận huống chi lại là chuyện vấn đề huyết thống. Đó là tối kỵ. Vì thế người ta nghi ngờ căn cước của Le Minh Khai? Tại sao Blogger này lại không công khai tên thật, học hàm, học vị (nếu có), thậm chí là địa chỉ cơ quan nhà riêng số điện thoại, ảnh chân dung của mình trên blog giống như "phép lịch sự tối thiểu" của những người viết blog khác (có ví dụ được nêu danh kèm theo:))) ở Việt Nam? Vì thế theo họ rõ ràng là rất có “vấn đề”??? 

Nhân trường hợp này, cùng với rất nhiều trường hợp xung đột quan điểm khác xảy ra trước đây trong thế giới blog ở Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều người luôn luôn có xu hướng kết tội  những người có quan điểm trái ngược với mình thay vì tranh luận với họ bằng lý lẽ và chứng cứ. Có lẽ đó là “căn cước văn hóa” của người Việt Nam chúng ta chăng?

Theo tôi, entry này của Blogger Le Minh Khai là một bài viết khá muộn mằn về một câu chuyện đã cũ. Có lẽ Blogger Le Minh Khai không được biết, ở thời điểm nóng hừng hực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội, những bộ phim có liên quan đến cụ Lý Công Uẩn (hoặc liên quan đến Thăng Long…) đều đã bị đem ra mổ xẻ tan nát dưới đủ mọi loại ý kiến ý cò, từ những lời phẫn nộ kêu gào gầm thét đến những bài phân tích bình luận sắc bén lạnh lùng như dao giải phẫu, thậm chí có bác Blogger nổi tiếng còn nhân cơ hội soạn hẳn một “xê ri” các entry về lịch sử áo mão xứ Việt ta để thanh minh cho các trang phục được sử dụng trong phim. Đại khái, nói chung, tóm lại: những gì Blogger Le Minh Khai chỉ ra, các đồng chí Blogger đầy lương tri, lương năng và lương thức xứ Việt ta cũng đều từng đề cập.  Theo như tôi hiểu, thì ý chính mà Le Minh Khai muốn nhấn mạnh trong entry này là: Vấn đề phim trường ở đâu không quan trọng, quan trọng là bộ phim đó phải chuyển tải được hồn cốt hình dáng phong tục tập quán nếp sống sinh hoạt (bao gồm quần áo mũ mão, đầu tóc, giày dép) của chính giai đoạn lịch sử mà bộ phim đề cập. Về phương diện này thì theo Le Minh Khai, bộ phim  Lý Công Uẩn—Đường tới thành Thăng Long hoàn toàn thất bại. Le Minh Khai có gợi ý một tư liệu : những ghi chép về An Nam của Trần Phu. Le Minh Khai cho rằng: những ghi chép có niên đại cuối thế kỷ XIII này cũng có có thể ứng dụng được vào đầu thời Lý. Và, với một chút châm biếm (hài hước?) quen thuộc thường thấy, Le Minh Khai gợi ý thêm là đáng lẽ các bộ phim nên có thêm một vài chi tiết lãng mạn đầy chất cinema (nhưng hợp lý) để tăng phần hấp dẫn cho bộ phim…vân vân và vân vân.

Tôi chưa thể tranh luận gì về các quan điểm của Blogger Le Minh Khai trong bài viết, tôi chỉ không nhất trí với "vụ" Trần Phu. Nếu có một tư liệu nào đó tham khảo cho đời sống sinh hoạt thời Lý Công Uẩn thì có lẽ tôi sẽ chọn những phần ghi chép về Giao Chỉ trong  Lĩnh ngoại đại đáp 岭外代答 của Chu Khứ Phi周去非thời Nam Tống thay vì những ghi chép của Trần Phu thời Nguyên.  


Wednesday, July 4, 2012

Trong mơ thần phách khó tìm nhau


Xa nhau chẳng biết về đâu nhỉ
Gặp lại thôi đành hẹn kiếp sau
Trời bể mịt mù nghìn dặm thẳm
Trong mơ thần phách khó tìm nhau...

Đọc tin nhà văn Nguyễn Mộng Giác qua đời, tôi, rất tự nhiên, lại nhớ tới những câu thơ trên trong bài Ức gia huynh của Nguyễn Du. Là bởi vì tôi nghĩ đến một người khác, một người mà tôi kính trọng, tự hỏi: giờ này ông thế nào, ông có khỏe không khi người bạn thân thiết, người anh thân thiết của ông đã ra đi?

Thursday, June 21, 2012

Phát hiện của ai?


Vì comment của một bác nhắc nhở phía dưới (cảm ơn bác “nặc danh” lần nữa), nên mới nhớ ra cần ghi lại một nỗi băn khoăn. Trong cuốn Nhìn lại sử Việt (từ tiền sử đến tự chủ), Lê Mạnh Hùng có nhắc đến công trình nghiên cứu của Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc (năm 1971)  chứng minh “lạc” trong thư tịch Trung Quốc viết về nước ta là một phiên âm “rạc” (rặc) mà theo tiếng cổ và tiếng Mường có nghĩa là “nước”. Bài viết của PGS Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc đã in trong cuốn Hùng Vương dựng nước, (tập 4. NXBKHXH, 1974). Quan điểm này nhiều lần đã được các nhà nghiên cứu ngôn ngữ thế hệ sau trích dẫn lại  như trường hợp ông Tạ Đức với bài này; hoặc phát huy mở rộng quan điểm như trường hợp ông Vũ Thế Ngọc ở trong bài này chẳng hạn.

Tuy nhiên, tình cờ đọc bài này, tôi thật băn khoăn quá đỗi, ông Kiều Thu Hoạch viết: “Bài viết của chúng tôi đã ghi cả bốn chữ mà ta đều đọc là lạc: B , (với các bộ thủ: điểu, mã, chuy, trãi). Theo tra cứu của chúng tôi, thì bốn chữ này đều là ghi âm Hán của từ Việt cổ (rác, đrác, đác) còn thấy trong tiếng Mường, chỉ nước.”

Rốt cục  “lạc” với nghĩa là "nước" theo tiếng Mường là phát hiện của ai? Của ông Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc (từ năm 1971) (đã được nhiều người công nhận) hay là “theo sự tra cứu của chúng tôi” của ông Kiều Thu Hoạch? “Theo tra cứu của chúng tôi” là một cụm từ rất mơ hồ. Nếu ai chưa từng đọc Nguyễn Kim Thản và Vương Lộc, hoặc chưa đọc bất cứ một bài viết nào liên quanchỉ đọc bài viết trên của ông Kiều Thu Hoạch sẽ lầm tưởng rằng ông Kiều Thu Hoạch là người đầu tiên phát hiện ra điều đó. 

Nhân tiện trong bài viết trên, ông Kiều Thu Hoạch còn có một nhầm lẫn nhỏ. Ông viết “Lạc bộ mã là ngựa trắng bờm đen. Lạc bộ chuy là ngựa đen bờm trắng. Hai chữ này đều là chữ Kinh Thi (thiên Lỗ tụng), đều không hề có nghĩa chỉ loài chim, như cụ Đào [Đào Duy Anh] giải thích”. Trường hợp này thì tôi không bình luận, nhưng với trường hợp này, ông Kiều Thu Hoạch nhầm. đúng là có thể dùng thông với với nghĩa ngựa đen bờm trắng như ông Kiều Thu Hoạch đã nói. Nhưng theo Thuyết văn giải tự thì có nghĩa là tên một loài chim: “,鵋鶀也。怪鸱” , 鵋鶀 là một loại chim thuộc cú mèo (quái si), còn gọi là miêu đầu ưng (Tham khảo thêm các trích dẫn khác về 雒 với nghĩa là một loại chim trong bài viết của ông Vũ Thế Ngọc đã dẫn link ở trên). Tuy nhiên, điều tôi rất rất rất rất  thắc mắc là cụ Đào Duy Anh đã dựa trên cơ sở nào để giải thích vốn là một loại hậu điểu 候鳥 (một loài chim có đặc tính di cư giống như chim nhạn, chim én) ở Giang Nam?  và 候鳥là khác nhau. Vì thế quan điểm của cụ Đào Duy Anh: “Lạc chính là tên vật tổ, tức loài chim hậu điểu mà chúng ta thấy hình dung trên trống đồng Ngọc Lũ” rõ ràng là thiếu thuyết phục. 

Lạc= Rác/dak/nác=nước? 

...................................................................................
Cùng một xâu:
1. Đối Vương hay Hùng Vương
2. Đối Vương hay Hùng Vương (tiếp theo)