Sunday, July 21, 2013

Đam mỹ tiểu thuyết và Fanfiction

Một hiện tượng xuất bản “đột xuất” gần đây tại Việt Nam rất đáng được các nhà điều tra xã hội học, những người quan tâm về cái gọi là “văn hóa đọc” của thanh thiếu niên nên lưu tâm chú ý: đó chính là việc tổ chức dịch và xuất bản cuốn tiểu thuyết đam mỹ Trung Quốc Tình yêu đau dạ dày (Tên nguyên bản: 胃疼的爱情 (Vị thống đích ái tình, tác giả Điệp Chi Linh) của công ty cổ phần sách Bách Việt. Đây là cuốn tiểu thuyết đam mỹ đầu tiên chính thức được xuất bản tại Việt Nam. Sự xuất hiện của cuốn sách là bước thăm dò dè dặt đưa tiểu thuyết đam mỹ Trung Quốc “đàng đàng chính chính” xuất hiện trong đời sống đọc của một bộ phận các nữ thanh thiếu niên Việt Nam, những người nhiều năm nay đã say mê đọc và lưu truyền cho nhau những bản dịch tiểu thuyết đam mỹ qua mạng internet. Phần lớn (không phải là toàn bộ) những bản dịch đam mỹ tiếng Việt trên internet đều được xử lý qua hai công đoạn: dịch “thô” bằng phần mềm dịch thuật QuickTranslator, rồi được “tinh chế” lại dưới sự biên tập của một hoặc nhiều những nữ thanh thiếu niên say mê đam mỹ tiểu thuyết khác- những người hoàn toàn không biết tiếng Trung. Đây cũng là một hiện tượng dịch thuật đặc sắc, rất đáng lưu ý trong đời sống văn học mạng tại Việt Nam.
Có vẻ như Tình yêu đau dạ dày đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, bởi vì đến thời điểm hiện tại đã có thêm hai cuốn tiểu thuyết đam mỹ Trung Quốc nữa đang hiện diện tại thị trường sách dịch Việt Nam là Sorry Sorry của Kim Quốc Đống (Công ty cổ phần sách Văn Việt) và gần đây nhất chính là “Cuộc sống đại học xui xẻo” của Phong Lộng (Công ty cổ phần sách Bách Việt, nhân đà của Tình yêu đau dạ dày mà thừa thắng xông lên “dấn tiếp” quyển thứ hai). Nếu so với những tác phẩm á văn học khác của Trung Quốc như tiểu thuyết ngôn tình, tiểu thuyết võng dutiểu thuyết xuyên không đang thịnh hành, tràn ngập thị trường sách dịch Việt Nam hiện nay thì với chỉ 3 cuốn sách thực sự không phản ánh đúng được vị thế và mức độ ảnh hưởng của loại hình sáng tác đam mỹ tiểu thuyết trong đời sống đọc của tầng lớp thanh thiếu niên Việt Nam, nhất là các nữ thanh thiếu niên, những người họ tự gọi và được người khác gọi bằng một các tên chung: các “hủ nữ” (腐女 (ふじょしfujoshi: một quần thể nữ sáng tác đam mỹ tiểu thuyết và có sở thích đọc đam mỹ tiểu thuyết)
Đam mỹ tiểu thuyết 耽美小说có nguồn gốc từ văn học cận đại Nhật Bản nhưng lại biến thiên, di thực và phát triển thành một loại hình sáng tác nổi bật ở Trung Quốc hiện nay. Đam mỹ tiểu thuyết được các nhà nghiên cứu Trung Quốc đánh giá là một trong những hiện tượng “á văn hóa” lớn nhất trong mười năm đầu thế kỷ XXI ở nước này[i]. Trước khi được xuất bản công khai vào năm 2007, đam mỹ tiểu thuyết ở Trung Quốc vốn là một hiện tượng văn học mạng nổi trội với một lực lượng độc giả (hầu hết là nữ thanh thiếu niên) hùng hậu. Là một loại hình sáng tác tương đối đặc biệt, đam mỹ tiểu thuyết những năm gần đây đang là đối tượng nhận được sự quan tâm nghiên cứu của của nhiều ngành khoa học xã hội khác nhau như: văn học, tâm lý học, xã hội học…, đặc biệt là trong nghiên cứu văn học “giới” (gender) của Trung Quốc.
Nếu xét về nguồn gốc, đam mỹ tiểu thuyết và fanfiction vốn là hai loại hình sáng tác có nguồn gốc khác nhau: một từ phương Đông và một từ phương Tây. Theo nhà nghiên cứu Hứa Hội (Xu Hui 许会),  đam mỹ 耽美 (tiếng Nhật đọc là “Tanbi”), là một từ xuất hiện trong trường phái “duy mỹ” (một trong ba trường phái phản đối “chủ nghĩa tự nhiên” shizenshugi) của văn học cận đại Nhật Bản. Trường phái “duy mỹ” còn có các tên gọi khác như “duy mỹ chủ nghĩa”, hay “trường phái tân lãng mạn” với đại diện tiêu biểu là谷崎 潤一郎 Tanizaki Jun'ichirō (tác giả của những cuốn tiểu thuyết nổi tiếng như: 春琴抄Shunkinshō, 細雪Sasameyuki) . Từ trường phái duy mỹ, dần dần diễn sinh thành trường phái “Tanbi” (耽美派 たんびは) (The Aesthetic School Tanbiha), với mục đích ban đầu là phản đối lại xu hướng bộc lộ phương diện thô lậu xấu xí trong nhân tính của chủ nghĩa tự nhiên. Trường phái Tanbi theo đuổi vẻ đẹp của các bộ phận trên cơ thể con người, say sưa hưởng thụ cái đẹp của thân thể, đồng thời truy cầu những ý nghĩa văn học của cái đẹp đó. Tanbi (耽美), nguyên nghĩa chính là sự chìm đắm trong cái đẹp, hưởng thụ cái đẹp. Những thập niên đầu của thế kỷ XX, trường phái Tanbi bao trùm một phạm vi sáng tác rất rộng: từ tiểu thuyết võ hiệp, huyền ảo, suy lý huyền hoặc, đến tiểu thuyết đồng tính luyến ái,….nhưng sang đến thập niên 60, 70 của thế kỷ XX, trường phái Tanbi thoái trào, và từ “Tanbi” lúc này chỉ còn được dùng chủ yếu trong giới manga (truyện tranh) Nhật Bản, chỉ những bộ manga miêu tả tình yêu (có quan hệ tình dục) giữa các nhân vật “mỹ nam”. Vì thế, tại Nhật Bản ngày nay, “Tanbi” được xem là một trong những tên gọi khác của manga boy’s love[ii] .
Fanfiction (hay thường được gọi là fanfic), là một dạng thức “tái sáng tác” (sáng tác lần thứ hai) (recreation) của người hâm mộ dành cho các nhân vật của một tác phẩm nào đó (“tác phẩm gốc” có thể là manga, anime, phim, tiểu thuyết). Người hâm mộ vì quá yêu thích một nhân vật nào đó trong tác phẩm gốc nên sử dụng lại các nhân vật đó, viết tiếp, hoặc viết lại một câu chuyện khác về họ theo tưởng tượng của mình (nội dung có thể không liên quan đến tác phẩm gốc), những sáng tác đó gọi là fanfiction. Theo khái thuật của nhà nghiên cứu Yang Ling (杨玲Dương Linh), fanfiction xuất hiện lần đầu ở phương Tây vào những năm 60 của thế kỷ XX, có quan hệ mật thiết với sự phát triển của dòng phim truyền hình khoa học viễn tưởng, trong đó Slash (còn được gọi là m/m slash: tà tuyến văn học) (miêu tả quan hệ tình yêu giữa hai người đàn ông) là một trong những hạt nhân quan trọng khi nghiên cứu về fanfiction[iii]
Tuy nhiên dạng fanfiction được lan rộng ở Châu Á lại chính là từ Dōjinshi của Nhật Bản. Về cơ bản, Dōjinshi どうじん (同人誌, Đồng nhân chí) ở Nhật Bản chính là một dạng fanfiction như ở phương Tây. Chữ “同人” được dùng với nghĩa: những người cùng sở thích, cùng chung niềm đam mê. Dōjinshiどうじん同人誌 là thuật ngữ chỉ những sáng tác “cải biên” từ tác phẩm gốc, đó là sự sáng tác lại từ nguyên tác của cộng đồng những người yêu thích manga và anime. Từ Nhật Bản, qua Đài Loan,  dōjinshi ồ ạt tấn công vào Trung Quốc đại lục, cộng hưởng với đam mỹ tiểu thuyết thành một làn sóng văn học đồng nhân càn quét các diễn đàn văn học mạng Trung Quốc những năm đầu thế kỷ XXI.
Tuy nhiên, yếu tố thúc đẩy cao trào cho làn sóng văn học đồng nhân Trung Quốc lại chính là làn sóng Hàn. Bị phấn khích bởi các màn fan-service giữa các nam thần tượng trong cùng một ban nhạc, các fangirl Hàn Quốc, Nhật Bản đã tưởng tượng và sáng tác những tác phẩm fanfiction về các cặp đôi nam nam trong các ban nhạc đó mà nổi tiếng nhất trong số họ, thành biểu tượng của fanfiction là các cặp đôi YunJae và GengChul (hay còn gọi là HanChul). Làn sóng Hàn đi tới đâu, làn sóng fanfic tràn tới đó. Fanfiction về các cặp đôi K-Pop có một phạm vi ảnh hưởng rộng lớn ở tầm thế giới, trở thành một hiện tượng phổ biến đến mức nhắc đến K-pop, bất cứ một tín đồ nào cũng nghĩ ngay đến fanfiction. Fanfic còn xuất hiện trong các bộ drama khi nói về các ban nhạc nam như trong Dangerous Love với sự tham gia diễn xuất của ban nhạc TVXQ hay You are beautiful  với sự tham gia diễn xuất của diễn viên Jang Geun Suk và Lee Hongki của ban nhạc F.T.Island
Làn sóng fanfiction tràn vào Trung Quốc, tiếp sức cho văn học đồng nhân biến loại hình sáng tác này trở thành một hiện tượng á văn học đặc biệt có tầm ảnh hưởng đối với tầng lớp thanh thiếu niên Trung Quốc những năm gần đây. Điểm chung giữa fanfiction và đam mỹ tiểu thuyết: cả hai đều viết về tình yêu nam-nam. Vì thế giữa fangirl và hủ nữ cũng có những độ giao thoa nhất định: phần lớn những người thích đọc fanfiction cũng là những hủ nữ và ngược lại. Nhưng đôi khi hủ nữ không nhất định phải là một fangirl, họ có thể đọc fanfiction như một tác phẩm độc lập không bị ràng buộc bởi tình yêu và lòng hâm mộ dành cho thần tượng như các fangirl.
Việt Nam không nằm ngoài vùng phủ sóng của làn sóng Hàn. Và khi làn sóng Hàn đổ bộ vào Việt Nam, các forum về các ban nhạc Hàn Quốc được thành lập cũng là lúc fanfiction hiện diện trong đời sống của các fangirl Việt Nam. Một điểm tương đối đặc biệt là ở Việt Nam fanfiction hầu như xuất hiện cùng lúc với đam mỹ tiểu thuyết và Dōjinshi, hay nói một cách khác là sự xuất hiện của cái này kéo theo sự xuất hiện của cái kia và ngược lại. So với các nước khác trong khu vực, tuy tiếp nhận khá muộn, nhưng trào lưu fanfiction tràn vào Việt Nam khi làn sóng Hàn đang ở đỉnh cao vì thế chỉ trong một thời gian ngắn fanfic đã trở thành một hiện tượng đọc nổi bật trong đời sống văn học mạng tại Việt Nam.
Hiện tượng đọc này, trước khi được các nhà nghiên cứu quan tâm chú ý thì đã khiến báo chí viết cho thanh thiếu niên Việt Nam “bối rối”. Thuật ngữ “fanfic” xuất hiện trong các bài báo phê phán, chỉ trích về làn sóng Hàn, về “xu hướng thần tượng hóa mù quáng” của giới trẻ, về sự đọc dẫn tới “lệch lạc tư tưởng, giới tính”[iv], về một bộ phận nữ thanh thiếu niên có “sở thích kỳ cục”, thậm chí nặng nề hơn là là có sở thích “biến thái”. Một câu hỏi đặt ra: tại sao một hiện tượng văn học bị cho là “lệch lạc” như vậy lại là một hiện tượng văn học phổ biến trong nữ thanh thiếu niên toàn Châu Á, không phải chỉ ở Việt Nam? Đam mỹ tiểu thuyết và fanfiction có phải là một “công cụ” , một thứ “đồ chơi” để bổ khuyết những thiếu vắng trong tình cảm của một quần thể nữ[v], một phương thức để “thỏa mãn” “tính dục” an toàn[vi] như các nhà nghiên cứu văn học giới tại Trung Quốc đã chỉ ra? Điểm đáng lưu ý là: quan điểm của giới nghiên cứu đam mỹ tiểu thuyết nói riêng và văn học đồng nhân Trung Quốc nói chung cho rằng: mặc dù đây là loại hình sáng tác về tình yêu giữa hai người đàn ông nhưng nó không phải là văn học đồng tính. Đam mỹ tiểu thuyết mặc dù không viết về “nữ” (thậm chí nhân vật nữ trong đam mỹ tiểu thuyết thường là nhân vật phản diện) nhưng theo nhiều nhà nghiên cứu, đam mỹ không thoát được “sự giam cầm” của quy định tính biệt  nên dù viết về “nam tính” nhưng thực chất là sự “tự úy” của tính nữ, là một bộ phận của sáng tác nữ (women’s writing), là một đối tượng nghiên cứu đặc biệt tiêu biểu cho làn sóng subculture ở Châu Á đầu thế kỷ XXI. (Còn nữa)

Liên kết
Boys' Love Manga -Essays on the Sexual Ambiguity and Cross Cultural Fandom of the Genre



[i] Yang Ling (Dương Linh) , Fanfiction và đồng nhân văn: sự gặp gỡ của phương Tây và phương Đông,  Tế Ninh học viện học báo, kỳ 1, quyển 30,  tháng 2/2009, (杨玲, 《粉丝小说和同人文:当西方与东方相遇》, 【期刊】济宁学院学报 2009-02),
[ii] Tham khảo: Xu Hui (Hứa Hội), Từ duy mỹ đến đam mỹ-Suy nghĩ về hiện tượng văn học đam mỹ Nhật Bản Trung Quốc (From Aesthticism to Tanbism-A Thought on Chinese and Japanese Tanbi Literature), Luận văn thạc sĩ, 2011.
[iii] Tham khảo: Yang Ling (Dương Linh) , Fanfiction và đồng nhân văn: sự gặp gỡ của phương Tây và phương Đông,  Tế Ninh học viện học báo, kỳ 1, quyển 30,  tháng 2/2009, (杨玲, 《粉丝小说和同人文:当西方与东方相遇》, 【期刊】济宁学院学报 2009-02),
[iv] Nguyễn Tâm Thùy, Khi học trò nghiện đọc fanfic-truyện về các thần tượng. Nguồn: http://vtc.vn/538-298766/giao-duc/khi-hoc-tro-nghien-doc-fanfic---truyen-ve-than-tuong.htm
[v] Theo 王静, 《亚文化下的耽美小说——小女人们填补情感空缺的玩具》, 【期刊】文学界(理论版) 2010-09-25
[vi] Theo郑丹丹, 《耽美现象背后的女性诉求——对耽美作品及同人女的考察》, 【期刊】, 华中科技大学社会学系; 中国人民大学社会学系浙江学刊 2009-11-15

Tuesday, June 18, 2013

Tiểu thuyết tài tử giai nhân Minh Thanh

1. Nguồn gốc của tiểu thuyết tài tử giai nhân:

Nguồn gốc của tiểu thuyết tài tử giai nhân: Nguồn gốc đầu tiên của tiểu thuyết tài tử giai nhân có thể truy ngược về câu chuyện Trác Văn Quân chạy trốn cùng với tình nhân trong Tư Mã Tương Như liệt truyện sách Sử ký.  Các văn nhân đời sau lấy đó làm chất liệu để xây dựng nên những câu chuyện có ý vị giai nhân tài tử, Trần Hàn đời Đường có Tương Như cầm khiêu, trong Túy ông đàm lục của La Diệp đời Tống có thoại bản tên là Trác Văn Quân. Ở đời Đường cũng có tiểu thuyết truyền kỳ loại hình giai nhân tài tử như: Oanh Oanh truyện, Hoắc Tiểu Ngọc truyện, Bộ phi yên truyện, Liễu thị truyện … trong đó các nhân vật chính thường vì tài, sắc mà yêu nhau, lại phần lớn dùng thơ trao tình, có nhân tố của tiểu thuyết giai nhân tài tử nhưng kết cục thường bi thảm, có thú vị thẩm mỹ không giống với tiểu thuyết tài tử giai nhân thời Minh Thanh. Những tác phẩm truyền kỳ đời Tống như Lưu hồng ký của  Trương Thực,  tác phẩm Trương Hạo  trong tập Thanh tỏa cao nghị của Lưu Phủ, các nhân vật chính cũng thông qua việc tặng thơ cho nhau biểu đạt tình ý, và cuối cùng thường có kết quả mỹ mãn, đây chính là một sự chuyển hướng quan trọng. Trong tiểu thuyết thoại bản Túc Hương đình Trương Hạo ngộ Oanh Oanh do Phùng Mộng Long dựa vào tác phẩm Trương Hạo cải biên thành (trích trong tập Cảnh thế thông ngôn, quyển 29) rõ ràng có đề xuất quan điểm “giai nhân tài tử đa kỳ ngộ”, nhưng vì độ dài có hạn, không trải qua trắc trở đã đoàn viên. Tiểu thuyết giai nhân tài tử cuối Minh đầu Thanh phát triển trên cơ sở của những tác phẩm có đề tài cùng loại đã có trước đó thành trung thiên tiểu thuyết, lại chịu ảnh hưởng của hý khúc giai nhân tài tử Nguyên Minh mà trở nên hưng thịnh, đồng thời hình thành phong cách và diện mạo độc đắc.  Đầu đời Thanh chính là giai đoạn phát triển cực thịnh của tiểu thuyết giai nhân tài tử. Ngoại trừ quy luật tự thân phát triển của tiểu thuyết đã nêu trên, còn dựa trên  những nhân  tố xã hội quan trong như:

- Thứ nhất: Xã hội rối ren hỗn loạn sau cuộc biến đỉnh cách Minh Thanh, đến đầu đời Thanh, thời cuộc dần dần ổn định nhưng tầng lớp thống trị vẫn còn nghi kị  vì thế thi hành 2 thủ đoạn trói buộc và áp chế đối với các phần tử tri thức. Lấy “văn tự ngục” làm thủ đoạn chính, bức bách phần lớn các trí thức ly khai các đề tài mẫn cảm mà tiến vào sáng tác những câu chuyện giai nhân tài tử vô hại. Mặt khác, đầu đời Thanh noi theo chế độ “thủ sĩ” bằng văn bát cổ để kiềm chế tâm chí của văn nhân , cầm cố tư tưởng của họ. Những tư tưởng như “trong sách có nhà vàng”, “trong sách có người mặt ngọc” của tiểu thuyết tài tử giai nhân đã phù hợp với những đòi hỏi của tầng lớp thống trị đầu đời thời Thanh, đồng thời cũng cũng đáp ứng được tâm lý của văn nhân “trung hạ tầng”, vì thế nên có được một lượng độc giả rất to lớn.

-  Thứ hai: “trận càn quét” của trào lưu tư tưởng lãng mạn đòi hỏi giải phóng cá tính và bày tỏ tính tình chân thực từ giữa đời Minh trở về sau vẫn còn dư ba đến tận đầu đời Thanh. Thứ ái tình hôn nhân vô cùng lý tưởng trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân thực sự thích hợp với những đòi hỏi về sự phô trương cá tính và truy cầu tự do, phù hợp với hứng thú thẩm mỹ của các phần tử trí thức hạ tầng. Bọn họ phát hiện tự ngã, khẳng định tự ngã, miêu tả tự ngã, sĩ lộ bất đắc chí liền  mượn tiểu thuyết để trút vào đó giấc mộng đẹp hoàng lương, tìm kiếm sự giải thoát và an ủi về mặt tinh thần. Trào lưu tư tưởng đó cũng chính là một trong những nguyên nhân thúc đẩy sự phát triển hưng thịnh của tiểu thuyết tài tử giai nhân đầu đời Thanh.

2. Sự phát triển của tiểu thuyết tài tử giai nhân

Có 4 giai đoạn phát triển:

- Giai đoạn cuối đời Minh: Đây là giai đoạn hình thành của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Phong tập Tuyết tập trong Cổ chưởng tuyệt trần bản in Sùng Trinh năm thứ tư (1631) chính là hai thiên truyện tài tử giai nhân tương đối dài. Nam thì “phong lưu tài tử”, nữ thì “yểu điệu giai nhân”, bọn họ cũng dùng thi phú trao tình, tự định duyên kết chung thân, trải qua trắc trở rồi cuối cùng đoàn viên. Nhưng nghệ thuật thì thô sơ, “tài tình” của nhân vật chính không có gì nổi trội, về hình thức thì chưa phải là một tác phẩm riêng độc lập.  Sau này,  tác phẩm đúng tiêu chuẩn mẫu hình tài tử giai nhân Ngọc Kiều Lê xuất hiện đã trở thành khuôn mẫu của tiểu thuyết tài tử giai nhân.

- Giai đoạn đầu đời Thanh (Giai đoạn Thuận Trị, Khang Hy, Ung Chính): Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn là giai đoạn ra đời của những tác giả nổi tiếng một thời như Thiên Hoa Tàng chủ nhân, Yên Thủy tản nhân. Những tác phẩm nổi tiếng thời này có: Bình sơn lãnh yến, Định tình nhân, Hảo cầu truyện, Xuân liễu oanhLưỡng giao hôn, Cô sơn tái mộng, Ngọc chi ki, Ngô Giang Tuyết, Phi hoa diễm tưởng, Uyển như ước…Những tác phẩm này nội dung thuần chính, giọng điệu điển nhã là những tiểu thuyết giai nhân tài tử điển hình. Đây cũng là thời kỳ có rất nhiều những tác phẩm trong khi miêu tả bi hoan ly hợp của tài tử giai nhân thì cũng khắc họa được thế thái nhân tình “ấm lạnh” như Trại hồng ti, Kim Vân Kiều truyện, Thiết hoa tiên sử…

- Giai đoạn giữa đời Thanh (Thời kỳ Càn Long cho đến Đạo Quang thời kỳ đầu): Là thời kỳ tiếp nối của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Nếu như đầu thời Thanh có sự xuất hiện các khuynh hướng sáng tác khác nhau trong tiểu thuyết tài tử giai nhân thì đến thời kỳ này, các khuynh hướng đó vẫn được duy trì. Phong nhã thuần chính như Thủy thạch duyên, Trú viên xuân, Mai Lan giai thoại  là những tác phẩm cùng một dòng mạch với Ngọc Kiều Lê Bình sơn lãnh yên…Những tác phẩm đề cập đến thế thái nhân tình, chiến tranh, quái dị thì có Bạch khuê chí, Nhị độ mai, Kim lan phiệt, Kim thạch duyên, Tỉnh danh hoa, Tuyết nguyệt mai, Lĩnh Nam dật sử, Quy liên mộng…

- Giai đoạn cuối đời Thanh (Cuối thời Đạo Quang đến thời Quang Tự): Đây là giai đoạn suy yếu của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Giai đoạn này xã hội Trung Quốc phát sinh nhiều thay đổi cấp tính, nguy cơ của dân tộc ngày càng hiện rõ, phần lớn những tác phẩm đều chuyển sang kêu gọi xã hội và thức tỉnh dân chúng vì thế tiểu thuyết tài tử giai nhân không có con đường phát triển. Các tác phẩm tương đối có ảnh hưởng lúc đó như: Thủy nguyệt duyên, Ngọc yến nhân duyên. Các tác phẩm còn lại như Lan hoa mộng, Tình thiên hận, Tỉ muội hoa, tuy miêu tả luyến ái hôn nhân của tài tử giai nhân nhưng lại có kết cục bi kịch, hoàn toàn có sự biến đổi so với  mẫu thức chuẩn của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Đến các tác phẩm như  Hoa nguyệt ngân, Mai thượng hoa liệt truyện  thì đã thành  tiểu thuyết hiệp tà  đổi thành tìm giai nhân ở nơi con hát, tình trường riêng lánh chốn lầu xanh, tuy về nguồn gốc có mối liên hệ với tiểu thuyết tài tử gian nhân nhưng thực chất đã không còn là tiểu thuyết tài tử giai nhân nữa.

3. Diễn biến của tiểu thuyết tài tử giai nhân:

Xu thế diễn biến của tiểu tuyết tài tử giai nhân được tóm gọn lại như sau:

-Giai đoạn đầu: lấy luyến ái hôn nhân của tài tử giai nhân làm chủ thể , là “cấu trúc trung tâm”, nhấn mạnh khắc họa quá trình tài tử giai nhân theo đuổi, đấu tranh, và đoàn tụ. Trong quá trình ca tụng tài năng học thức và dũng cảm đấu tranh vì tình yêu của tài tử giai nhân thì đồng thời cũng phản ánh nhân tình ấm lạnh, thế thái bạc bẽo và thể hiện rõ diện mạo tàn nhẫn ác hiểm của những kẻ quyền thế. Nhưng những miêu tả thế thái nhân tình thế sự chỉ là bổ trợ , được đặt ở vị trí “ngoại biên” trong cấu trúc tiểu thuyết tài tử giai nhân.

- Cùng với sự phát triển hình thành mô thức của tiểu thuyết tài tử giai nhân, cùng với sự chuyển biến thú vị thưởng thức của độc giả: cấu trúc  bên trong của tiểu thuyết tài tử giai nhân cũng dần dần biến hóa. Cấu trúc ngoại biên dần dần chuyển thành cấu trúc trung tâm. Quá trình dịch chuyển từ cấu trúc ngoại biên thành cấu trúc trung tâm này được hoàn thành ở các tác phẩm như Nhị độ mai, Quy liên mộng, Kim thạch duyên…

4. Tinh thần sáng tác và hình tượng lý tưởng

Trong lịch sử tiểu thuyết Minh Thanh, những tác phẩm thực sự có một không hai, là sáng tác độc đáo của văn nhân, biểu hiện tự ngã thì chỉ có thể bắt đầu xuất hiện trong những tác phẩm tiểu thuyết giai nhân tài tử. Những tác giả viết về lý tưởng của chính mình, viết về những mong muốn của chính mình, ngậm cười nuốt lệ, mượn tình trút hận, cũng có thể nói là họ đã mượn tiểu thuyết để có được một sự giải thoát và an ủi. Chính vì đó là những sáng tác chủ quan bày tỏ tính tình, khiến cho những tác phẩm này nghiêng về sự “lý tưởng”, hình thành nên một tiêu chuẩn thẩm mỹ và hứng thú thẩm mỹ mới mẻ. Thí dụ như trong luyến ái hôn nhân thì tán thưởng một quan điểm luyến ái mới khác với quan điểm “lang tài nữ mạo”, chính là “tài cao tình trọng”, “kỳ nhân đương đối”. Đáng chú ý nhất, phương diện “tài tình” là đòi hỏi cả nam lẫn nữ, không chỉ nam có tài mà nữ cũng phải có tài, không chỉ nữ si tình mà nam cũng phải si tình và hôn nhân phải tự chủ tự nguyện. 

-  Hình tượng người tài tử lý tưởng: Kiêm đủ: tài, sắc, tình, hiệp: (才, 色, 情, )

Tài: tràn trề tài hoa, đây chính là hạt nhân trong nhân cách lý tưởng của người tài tử. Người tài tử trong tất cả các tiểu thuyết tài tử giai nhân trước hết phải là người vô cùng tài hoa, trong bụng như gấm, trong miệng như hoa, cấu tứ như thần, múa bút như mưa, rảy mực như mây, lời nói như gió, thốt lời như ngọc rơi…Bọn họ đều tự phụ vì tài, vì tài mà kiêu ngạo, cho rằng: “ Đời người trên thế gian này, tài hoa là thứ nhất quyết không thể khuyết thiếu”. “Tài” trở thành một trong những tiêu chuẩn quan trọng trong tuyển chọn hôn nhân. Những bậc gia trưởng chọn con rể cũng đều khảo tài thi ca. “Tài” cũng chính là một trong những sức mạnh khiến cho giai nhân bị hấp dẫn mãnh liệt. Đó là thứ “tài” khiến cho việc đỗ cao khoa dễ như nắm trong lòng bàn tay. Vì thế trong tiểu thuyết tài tử giai nhân, những người tài tử dựa vào tài năng của bản thân nếu không đỗ “tam nguyên”, thì cũng là “bảng nhãn”, thám hoa, nhị giáp…vvv

Sắc: Mi thanh mục tú, tuấn tú phong lưu. Trong tiểu thuyết tài tử giai nhân, những giai nhân cũng đều đòi hỏi bậc tài tử phải có “sắc”. “Phu thê hòa hảo, gắn bó keo sơn, gốc ắt nằm ở Tình, mà chân thực, không gì bằng đẹp lòng vì sắc”. (Lời tựa Trú xuân viên ) Sắc mạo cũng là một trong những tiêu chuẩn của ái tình, hôn nhân, so với “môn đăng hộ đối” thì rõ ràng đã có một sự tiến bộ. Lấy “sắc” làm cơ sở vật chất cho tình yêu, việc theo đuổi ái mộ “sắc” cũng thể hiện bản tính tự nhiên của con người. Miêu tả sắc mạo của người tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai nhân, nhấn mạnh ở “mi thanh mục tú, tuấn tú phong lưu”, phần lớn là hư tả khái niệm “Tính” một cách trừu tượng.

Tình:  Chủ động theo đuổi, cố chấp si tình. Biểu hiện nổi trội nhất của tinh thần chủ thể trong nhân cách lý tưởng của người tài tử chính là: chủ động và si tình. Những tác giả của tiểu thuyết tài tử giai nhân thường đem ý thức thẩm mỹ của thời đại dung hợp vào trong nhân vật, khiến cho nhân cách của người tài tử có được một đặc trưng mới, đó chính là “Tình”. Tô Hữu Bạch từng bàn về tiêu chuẩn tuyển chọn giai nhân của mình: “Có tài vô sắc, chẳng phải giai nhân, có sắc vô tài cũng xem như tiếng giai nhân chẳng xứng. Nhưng cho dù có tài có sắc, mà với Tô Hữu Bạch ta đây chẳng có cái Tình chan chứa tương thông, thì cũng xem như chẳng phải là giai nhân của Tô Hữu Bạch ta vậy” (Ngọc Kiều Lê, Hồi 5). Vì chữ Tình mà ngươi tài tử luôn chủ động theo đuổi,  thậm chí có người còn không màng đến đạo Hiếu, tiến thân  ngoài ngàn dặm xa xôi để đi tìm người tình đã định.  Từ điểm này có thể thấy, hôn nhân ái tình mà người tài tử theo đuổi có đặc điểm của “tình yêu hiện đại”.

Hiệp: Nhân cách lý tưởng của người tài tử chính là: hành vi ngay thẳng, cá tính bộc trực, coi thường giàu sang, danh lợi, có phong cách diện mạo của tinh thần “hiệp” tự ngã nổi trội. Nét đặc sắc “hiệp”  trong nhân cách lý tưởng của người tài tử không chỉ là những hành động nghĩa hiệp, hào hiệp, mà quan trọng là trong tinh thần và khí chất của người tài tử luôn tuôn chảy dòng máu “hiệp”, bọn họ dùng nhân tính phóng túng để đối kháng với tập tục xã hội, sẵn sàng vứt bỏ công danh mà theo đuổi ái tình, coi nhẹ thứ văn thời vụ mà trọng thi ca, đó là lý do vì sao Lý Bạch lại trở thành mẫu hình cho các nhân vật tài tử trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, nhân cách lý tưởng của người tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai nhân cũng xuất hiện những trạng thái mâu thuẫn.  Trong những tình huống Tình và Lý xung đột, có sự chiết trung hình thành trạng thái phân liệt về nhân cách. Thí dụ như trong quá trình theo đuổi ái tình, thì có  thể quyền biến, nam đóng giả nữ, hoặc dòm trộm qua song, qua vách, cả gan si tinh đeo đuổi. Nhưng phần lớn trong thời khắc tình dục bột phát thì đều dùng đạo đức khắc phục, áp ngưỡng sự xung động tình dục. Trong sự xung đột giữa cá tính và xã hội, một mặt dùng cá tính bộc trực, hành động ngay thẳng, đối kháng lại thế tục, nhưng cuối cùng lại vẫn đi vào quỹ đạo được xã hội chấp nhận, cam tâm bị xã hội đồng hóa.  Tài tử coi thường quyền quý, coi thường đám nhân vật lên xe xuống ngựa nhà lầu, nhưng cuối cùng lại vẫn ngồi chung ghế với họ, đồng thời dùng công danh quyền quý làm nơi  nương náu cuối cùng.

- Hình tượng người giai nhân lý tưởng: kiêm đủ: mạo, tài, tình, thức  (貌, 才, 情, )

Mỹ mạo:  Những giai nhân trong tiểu thuyết tài tử giai nhân phải là những người xinh đẹp tuyệt trần, có vẻ đẹp kinh người, khiến cho người tài tử nhất kiến chung tình. Sắc mạo là một thuộc tính tự nhiên của con người, là một điều kiện ngoại tại trong việc đẹp ý vừa lòng nhau của thanh niên nam nữ, là cơ sở vật chất của ái tình, theo đuổi sắc  mạo cũng chính là phản lại quan niệm hôn nhân phong kiến. Thực chất, mục đích của hôn nhân phong kiến là “Hợp ý hai họ, trên thì phụng sự tổ tiên, dưới thì nối hậu đại” (Lễ ký). Như thế có thể nói hôn nhân phong kiến mục đích chính là để truyền giống, yêu cầu đàn ông “cưới vợ chỉ cần đức không cần sắc”, thậm chí xem Vô Diệm diện mạo xấu xí, bốn mươi tuổi mà vẫn chưa lấy chồng hoặc Mạnh Quang “xấu đen, béo í, có sức khỏe nhấc được cả cối đá”  làm chuẩn mực.  Miêu tả   theo đuổi nữ giai nhân tuyệt sắc trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân cũng chính là làm trái lại cái đạo mà Ban Chiêu yêu cầu đối với phụ nữ trong tác phẩm Nữ giới: “Dung mạo của phụ nữ không cần nhan sắc mỹ lệ”.  đó cũng chính là ý nghĩa tiến bộ của các bộ tiểu thuyết này.

TàiKhông chỉ tuyệt sắc mà giai nhân còn phải là người có tài hoa xuất chúng. Rõ ràng đây là sự phủ định với quan niệm “nam tôn nữ ti”của xã hội phong kiến, cũng chính là sự phủ định quan niệm “phụ nữ vô tài là có đức” truyền thống. Đáng chú ý là ngoài tài thơ phú, những giai nhân đó còn có tài “thẩm thời độ thế” “liệu việc như thần”, một thứ tài thông minh tài trí, “đại trí, đại dũng”.

Tình: Giai nhân trong tiểu thuyết tài tử giai nhân phải đặc biệt si tình, trọng tình. Người tài tử giai nhân trong khi luyến ái không những bản thân mình trọng tình mà cũng đòi hỏi đối phương phải trọng tình. Giai nhân coi trọng chữ tình không chỉ biểu hiện sự coi trọng chữ “tình” trong tình yêu hôn nhân mà còn biểu hiện sự trung trinh với ái tình, một ngày đã yêu, đến chết cũng không thay đổi.

Thức: có nghĩa là đảm thức, là lòng can đảm và sự hiểu biết. Giai nhân không chỉ có tài, có tình mà còn có gan chủ động theo đuổi ái tình, thể hiện một nhận thức dũng cảm. Giai nhân có thể cải thành nam trang, thậm chí còn đường đột đến thư phòng của người tài tử bái phỏng, hoặc bỏ nhà ra đi để theo đuổi ái tính. Một sự theo đuổi tìm kiếm tình yêu đích thực vì một hạnh phúc trọn đời đã thể hiện rõ dũng khí, lòng can đảm và sự hiểu biết vượt xa với hình tượng về những người phụ nữ thời đại trước. Đảm thức cũng là một yếu tố bảo hộ cho bản thân giai nhân trên đường lưu lạc trước khi đoàn tụ với người mình yêu.

4. Mô thức tự sự trong tiểu thuyết tài tử giai nhân

Tự sự trong tiểu thuyết tài tử giai nhân có mô thức cố định, thông qua sự thống kê so sánh tình tiết trong các tác phẩm, phát hiện đại thể có những tình tiết tự sự sau đây:

1.      Tài tử hoặc giai nhân tài sắc kinh người.
2.      Tài tử tứ xứ đi tìm giai nhân làm vợ
3.      Tài tử hoặc giai nhân thấy tác phẩm thi ca của đối phương mà bắt đầu luyến ái theo đuổi.
4.      Bậc gia trưởng lấy thơ để tuyển chọn chồng cho con gái
5.      Tài tử giai nhân lấy thơ để giao tình
6.      Giả tài tử lừa hôn nhân, lúc khảo thơ thì lộ, ôm hận trong lòng
7.      Tài tử giai nhân nhất kiến chung tình tặng thơ rồi chia biệt
8.      Nam giả nữ, hoặc nữ giả nam, nhờ bạn hoặc nhờ em cưới hộ
9.      Giả tài tử mượn quyền mượn thế ác độc bức hôn, cướp hôn
10.  Phụ thân giai nhân bị hãm hại
11.  Người trong họ gặp khốn, tài tử ra tay trượng nghĩa cứu trợ
12.  Vì bọn quyền quý ác độc bức hôn, hoặc do chiến loạn, hoặc do tuyển cung nữ, hoặc do hiểu lầm nên giai nhân phải chạy trốn, lưu lạc.
13.  Giai nhân trung trinh không đổi, dùng tài trí, đảm thức để bảo hộ bản thân.
14.  Tài tử đỗ cao khoa, bị quyền quý bức kết hôn, hoặc bị vua tuyển làm phò mã
15.  Tài tử quyết không thay đổi lời thề, bị hãm hại gặp nạn
16.  Tài tử lập công, trong họa có phúc, bọn tiểu nhân vội vàng phụng ngưỡng
17.  Giải trừ hiểu lầm
18.  Hoàng đế ban hôn, nhất mỹ song diễm, phu phụ đoàn viên
Không nhất định tác phẩm tài tử giai nhân nào cũng có đủ 18 tình tiết kể trên, nhưng trong mỗi tác phẩm đều có phần lớn các tình tiết đó.

(Trích dịch từ Chương 7 trong cuốn 中国分体文学史 
Trung Quốc phân thể văn học sử) 修生, 义山 chủ biên)



Liên kết: 




Saturday, March 9, 2013

K-Pop và phong trào dân chủ Gwangju

Hai music video này của ban nhạc Speed- một ban nhạc thần tượng mới của Kpop-xây dựng một câu chuyện tình dựa trên bối cảnh là phong trào dân chủ Gwangju diễn ra vào tháng 5 năm 1980 ở Hàn Quốc. That's my fault và It's over của Speed ra đời trong thời điểm Hàn Quốc đón nhận nữ tổng thống đầu tiên: bà Park Guen hye. Sự kiện được tái dựng trong hai MV này là một sự kiện lịch sử diễn ra không lâu sau khi cha bà Park Guen hye, tổng thống độc tài Park Chung hee bị ám sát vào ngày 26-10-1979. Các MV của Speed được chiếu công khai trên các kênh truyền hình và được đón nhận rộng rãi trong tầng lớp thanh thiếu niên Hàn Quốc và toàn Châu Á. Tôi không muốn so sánh giữa sự kiện "18 tháng 5" ở Hàn Quốc và sự kiện "Lục tứ" ở  Trung Quốc, sự kiện nào nhạy cảm hơn sự kiện nào, nhưng rõ ràng, trong khi  "sự kiện Thiên An Môn" vẫn là một điều cấm kỵ ở Trung Quốc thì một ban nhạc thần tượng, lính mới tò te của Kpop, hoàn toàn  tự do chuyển tải thông điệp của họ đến giới trẻ trền nền bối cảnh của phong trào dân chủ Gwangju. 

Phần 1: That's my fault




Phần 2: It's over 



Tuesday, January 8, 2013

Sự giống nhau giữa các ý tưởng?

Đầu tiên là luận án tốt nghiệp của một người Nhật:





Rồi đến luận án tốt nghiệp ngành Đồ họa ứng dụng (Graphic Design) tại trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (Saigon Technology University) năm 2012:





Thời đại của tiếp nhận thị giác, cách thức truyền đạt kiến thức dạng hình ảnh như thế này có lẽ là một giải pháp tích cực thay đổi hiện trạng trì trệ trong giảng dạy sử học tại các trường cấp 3 ở Việt Nam. Tuy nhiên, chính vì là hình ảnh nên mỗi một nội dung truyền đạt phải chính xác nếu không, sai một li đi một tỉ dặm.