1. Nguồn gốc của
tiểu thuyết tài tử giai nhân:
Nguồn gốc của tiểu
thuyết tài tử giai nhân: Nguồn gốc đầu tiên của tiểu thuyết tài
tử giai nhân có thể truy ngược về câu chuyện Trác Văn Quân chạy trốn
cùng với tình nhân trong Tư Mã Tương
Như liệt truyện sách Sử ký. Các văn nhân đời sau lấy đó làm chất
liệu để xây dựng nên những câu chuyện có ý vị giai nhân tài tử, Trần
Hàn đời Đường có Tương Như cầm khiêu,
trong Túy ông đàm lục của La Diệp
đời Tống có thoại bản tên là Trác Văn
Quân. Ở đời Đường cũng có tiểu thuyết truyền kỳ loại hình giai
nhân tài tử như: Oanh Oanh truyện,
Hoắc Tiểu Ngọc truyện, Bộ phi yên truyện, Liễu thị truyện … trong đó các nhân vật chính thường vì tài,
sắc
mà yêu nhau, lại phần lớn dùng thơ trao tình, có nhân tố của tiểu thuyết giai
nhân tài tử nhưng kết cục thường bi thảm, có thú vị thẩm mỹ không giống với tiểu thuyết tài tử giai
nhân thời Minh Thanh. Những tác phẩm truyền kỳ đời Tống như Lưu hồng ký của Trương Thực, tác phẩm Trương
Hạo trong tập Thanh tỏa cao nghị của Lưu Phủ, các nhân vật chính cũng thông
qua việc tặng thơ cho nhau biểu đạt tình ý, và cuối cùng thường có kết quả mỹ mãn, đây chính
là một sự chuyển hướng quan trọng. Trong tiểu thuyết thoại bản Túc Hương đình Trương Hạo ngộ Oanh Oanh
do Phùng Mộng Long dựa vào tác phẩm Trương
Hạo cải biên thành (trích trong tập Cảnh
thế thông ngôn, quyển 29) rõ ràng có đề xuất quan điểm “giai nhân
tài tử đa kỳ ngộ”, nhưng vì độ dài có hạn, không trải qua trắc trở đã đoàn
viên. Tiểu thuyết giai nhân tài tử cuối Minh đầu Thanh phát triển trên
cơ sở của những tác phẩm có đề tài cùng loại đã có trước đó thành
trung thiên tiểu thuyết, lại chịu ảnh hưởng của hý khúc giai nhân tài
tử Nguyên Minh mà trở nên hưng thịnh, đồng thời hình thành phong cách và diện
mạo độc đắc. Đầu đời Thanh chính là
giai đoạn phát triển cực thịnh của tiểu thuyết giai nhân tài tử.
Ngoại trừ quy luật tự thân phát triển của tiểu thuyết đã nêu trên, còn
dựa trên những nhân tố xã hội quan trong như:
- Thứ nhất: Xã hội rối ren hỗn loạn sau cuộc biến đỉnh
cách Minh Thanh, đến đầu đời Thanh, thời cuộc dần dần ổn định nhưng
tầng lớp thống trị vẫn còn nghi kị
vì thế thi hành 2 thủ đoạn trói buộc và áp chế đối với các
phần tử tri thức. Lấy “văn tự ngục” làm thủ đoạn chính, bức bách phần
lớn các trí thức ly khai các đề tài mẫn cảm mà tiến vào sáng tác
những câu chuyện giai nhân tài tử vô hại. Mặt khác, đầu đời Thanh noi
theo chế độ “thủ sĩ” bằng văn bát cổ để kiềm chế tâm chí của văn nhân
, cầm cố tư tưởng của họ. Những tư tưởng như “trong sách có nhà
vàng”, “trong sách có người mặt ngọc” của tiểu thuyết tài tử giai
nhân đã phù hợp với những đòi hỏi của tầng lớp thống trị đầu đời
thời Thanh, đồng thời cũng cũng đáp ứng được tâm lý của văn nhân “trung
hạ tầng”, vì thế nên có được một lượng độc giả rất to lớn.
- Thứ hai: “trận càn
quét” của trào lưu tư tưởng lãng mạn đòi hỏi giải phóng cá tính và
bày tỏ tính tình chân thực từ giữa đời Minh trở về sau vẫn còn dư
ba đến tận đầu đời Thanh. Thứ ái tình hôn nhân vô cùng lý tưởng trong
các tiểu thuyết tài tử giai nhân thực sự thích hợp với những đòi
hỏi về sự phô trương cá tính và truy cầu tự do, phù hợp với hứng thú
thẩm mỹ của các phần tử trí thức hạ tầng. Bọn họ phát hiện tự
ngã, khẳng định tự ngã, miêu tả tự ngã, sĩ lộ bất đắc chí liền mượn tiểu thuyết để trút vào đó giấc
mộng đẹp hoàng lương, tìm kiếm sự giải thoát và an ủi về mặt tinh
thần. Trào lưu tư tưởng đó cũng chính là một trong những nguyên nhân
thúc đẩy sự phát triển hưng thịnh của tiểu thuyết tài tử giai nhân
đầu đời Thanh.
2. Sự phát triển của
tiểu thuyết tài tử giai nhân
Có 4 giai đoạn phát triển:
- Giai đoạn cuối đời Minh: Đây là giai đoạn hình thành
của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Phong
tập và Tuyết tập trong Cổ chưởng tuyệt trần bản in Sùng Trinh
năm thứ tư (1631) chính là hai thiên truyện tài tử giai nhân tương đối dài. Nam thì “phong
lưu tài tử”, nữ thì “yểu điệu giai nhân”, bọn họ cũng dùng thi phú trao
tình, tự định duyên kết chung thân, trải qua trắc trở rồi cuối cùng đoàn
viên. Nhưng nghệ thuật thì thô sơ, “tài tình” của nhân vật chính không
có gì nổi trội, về hình thức thì chưa phải là một tác phẩm riêng độc lập. Sau này,
tác phẩm đúng tiêu chuẩn mẫu hình tài tử giai nhân Ngọc Kiều Lê xuất hiện đã trở
thành khuôn mẫu của tiểu thuyết tài tử giai nhân.
- Giai đoạn đầu đời Thanh (Giai đoạn Thuận Trị, Khang Hy,
Ung Chính): Đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của tiểu thuyết tài tử
giai nhân. Không chỉ nhiều về số lượng mà còn là giai đoạn ra đời
của những tác giả nổi tiếng một thời như Thiên Hoa Tàng chủ nhân, Yên
Thủy tản nhân. Những tác phẩm nổi tiếng thời này có: Bình sơn lãnh yến, Định tình nhân, Hảo cầu truyện, Xuân liễu
oanh, Lưỡng giao hôn, Cô sơn tái
mộng, Ngọc chi ki, Ngô Giang Tuyết, Phi
hoa diễm tưởng, Uyển như ước…Những
tác phẩm này nội dung thuần chính, giọng điệu điển nhã là những
tiểu thuyết giai nhân tài tử điển hình. Đây cũng là thời kỳ có rất
nhiều những tác phẩm trong khi miêu tả bi hoan ly hợp của tài tử giai
nhân thì cũng khắc họa được thế thái nhân tình “ấm lạnh” như Trại hồng ti, Kim Vân Kiều truyện, Thiết hoa
tiên sử…
- Giai đoạn giữa đời Thanh (Thời kỳ Càn Long cho đến Đạo
Quang thời kỳ đầu): Là thời kỳ tiếp nối của tiểu thuyết tài tử giai
nhân. Nếu như đầu thời Thanh có sự xuất hiện các khuynh hướng sáng tác
khác nhau trong tiểu thuyết tài tử giai nhân thì đến thời kỳ này,
các khuynh hướng đó vẫn được duy trì. Phong nhã thuần chính như Thủy thạch duyên, Trú viên xuân, Mai Lan giai thoại là những tác phẩm cùng một dòng mạch với Ngọc Kiều Lê và Bình sơn lãnh yên…Những tác phẩm đề cập đến thế thái nhân tình,
chiến tranh, quái dị thì có Bạch khuê
chí, Nhị độ mai, Kim lan phiệt, Kim thạch duyên, Tỉnh danh hoa, Tuyết nguyệt
mai, Lĩnh Nam dật sử, Quy liên mộng…
- Giai đoạn cuối đời Thanh (Cuối thời Đạo Quang đến thời
Quang Tự): Đây là giai đoạn suy yếu của tiểu thuyết tài tử giai nhân. Giai
đoạn này xã hội Trung Quốc phát sinh nhiều thay đổi cấp tính, nguy cơ của
dân tộc ngày càng hiện rõ, phần lớn những tác phẩm đều chuyển sang
kêu gọi xã hội và thức tỉnh dân chúng vì thế tiểu thuyết tài tử
giai nhân không có con đường phát triển. Các tác phẩm tương đối có ảnh hưởng
lúc đó như: Thủy nguyệt duyên, Ngọc yến
nhân duyên. Các tác phẩm còn lại như Lan
hoa mộng, Tình thiên hận, Tỉ muội hoa, tuy miêu tả luyến ái hôn nhân của
tài tử giai nhân nhưng lại có kết cục bi kịch, hoàn toàn có sự biến đổi so với mẫu thức chuẩn của tiểu thuyết tài tử giai
nhân. Đến các tác phẩm như Hoa nguyệt ngân, Mai thượng hoa liệt truyện thì đã thành
tiểu thuyết hiệp tà đổi
thành tìm giai nhân ở nơi con hát, tình trường riêng lánh chốn lầu xanh, tuy về
nguồn gốc có mối liên hệ với tiểu thuyết tài tử gian nhân nhưng thực chất đã
không còn là tiểu thuyết tài tử giai nhân nữa.
3. Diễn biến của tiểu thuyết tài tử
giai nhân:
Xu thế diễn biến của tiểu tuyết tài tử giai nhân được tóm gọn
lại như sau:
-Giai đoạn đầu: lấy luyến ái hôn nhân của tài tử giai nhân làm chủ thể , là “cấu trúc trung tâm”, nhấn mạnh khắc họa quá trình tài tử giai nhân theo đuổi, đấu tranh, và đoàn tụ. Trong quá trình ca tụng tài năng học thức và dũng cảm đấu tranh vì tình yêu của tài tử giai nhân thì đồng thời cũng phản ánh nhân tình ấm lạnh, thế thái bạc bẽo và thể hiện rõ diện mạo tàn nhẫn ác hiểm của những kẻ quyền thế. Nhưng những miêu tả thế thái nhân tình thế sự chỉ là bổ trợ , được đặt ở vị trí “ngoại biên” trong cấu trúc tiểu thuyết tài tử giai nhân.
- Cùng với sự phát triển hình thành mô thức của tiểu thuyết
tài tử giai nhân, cùng với sự chuyển biến thú vị thưởng thức của độc giả: cấu
trúc bên trong của tiểu thuyết tài tử
giai nhân cũng dần dần biến hóa. Cấu
trúc ngoại biên dần dần chuyển thành cấu trúc trung tâm. Quá trình dịch
chuyển từ cấu trúc ngoại biên thành cấu trúc trung tâm này được hoàn thành ở
các tác phẩm như Nhị độ mai, Quy liên mộng,
Kim thạch duyên…
4. Tinh thần sáng tác và hình tượng lý
tưởng
Trong lịch sử tiểu thuyết Minh Thanh, những tác phẩm
thực sự có một không hai, là sáng tác độc đáo của văn nhân, biểu
hiện tự ngã thì chỉ có thể bắt đầu xuất hiện trong những tác phẩm
tiểu thuyết giai nhân tài tử. Những tác giả viết về lý tưởng của
chính mình, viết về những mong muốn của chính mình, ngậm cười nuốt
lệ, mượn tình trút hận, cũng có thể nói là họ đã mượn tiểu
thuyết để có được một sự giải thoát và an ủi. Chính vì đó là
những sáng tác chủ quan bày tỏ tính tình, khiến cho những tác phẩm
này nghiêng về sự “lý tưởng”, hình thành nên một tiêu chuẩn thẩm mỹ
và hứng thú thẩm mỹ mới mẻ. Thí dụ như trong luyến ái hôn nhân thì
tán thưởng một quan điểm luyến ái mới khác với quan điểm “lang tài
nữ mạo”, chính là “tài cao tình trọng”, “kỳ nhân đương đối”. Đáng
chú ý nhất, phương diện “tài tình” là đòi hỏi cả nam lẫn nữ, không
chỉ nam có tài mà nữ cũng phải có tài, không chỉ nữ si tình mà nam
cũng phải si tình và hôn nhân phải tự chủ tự nguyện.
- Hình tượng người tài tử lý tưởng:
Kiêm đủ: tài, sắc, tình, hiệp: (才, 色, 情, 侠)
Tài: tràn trề tài hoa, đây
chính là hạt nhân trong nhân cách lý tưởng của người tài tử. Người tài tử
trong tất cả các tiểu thuyết tài tử giai nhân trước hết phải là
người vô cùng tài hoa, trong bụng như gấm, trong miệng như hoa, cấu tứ
như thần, múa bút như mưa, rảy mực như mây, lời nói như gió, thốt lời
như ngọc rơi…Bọn họ đều tự phụ vì tài, vì tài mà kiêu ngạo, cho
rằng: “ Đời người trên thế gian này, tài hoa là thứ nhất quyết không thể
khuyết thiếu”. “Tài” trở thành một
trong những tiêu chuẩn quan trọng trong tuyển chọn hôn nhân. Những
bậc gia trưởng chọn con rể cũng đều khảo tài thi ca. “Tài” cũng
chính là một trong những sức mạnh khiến cho giai nhân bị hấp dẫn
mãnh liệt. Đó là thứ “tài” khiến cho việc đỗ cao khoa dễ như nắm
trong lòng bàn tay. Vì thế trong tiểu thuyết tài tử giai nhân, những
người tài tử dựa vào tài năng của bản thân nếu không đỗ “tam nguyên”,
thì cũng là “bảng nhãn”, thám hoa, nhị giáp…vvv
Sắc: Mi thanh mục tú, tuấn tú
phong lưu. Trong tiểu thuyết tài tử giai nhân, những giai nhân cũng đều
đòi hỏi bậc tài tử phải có “sắc”. “Phu
thê hòa hảo, gắn bó keo sơn, gốc ắt nằm ở Tình, mà chân thực, không gì bằng đẹp
lòng vì sắc”. (Lời tựa Trú xuân viên
) Sắc mạo cũng là một trong những
tiêu chuẩn của ái tình, hôn nhân, so với “môn đăng hộ đối” thì rõ
ràng đã có một sự tiến bộ. Lấy “sắc” làm cơ sở vật chất cho tình
yêu, việc theo đuổi ái mộ “sắc” cũng thể hiện bản tính tự nhiên của
con người. Miêu tả sắc mạo của người tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai
nhân, nhấn mạnh ở “mi thanh mục tú, tuấn tú phong lưu”, phần lớn là hư tả khái
niệm “Tính” một cách trừu tượng.
Tình: Chủ động theo đuổi, cố
chấp si tình. Biểu hiện nổi trội nhất của tinh thần chủ thể trong
nhân cách lý tưởng của người tài tử chính là: chủ động và si tình.
Những tác giả của tiểu thuyết tài tử giai nhân thường đem ý thức
thẩm mỹ của thời đại dung hợp vào trong nhân vật, khiến cho nhân cách
của người tài tử có được một đặc trưng mới, đó chính là “Tình”. Tô
Hữu Bạch từng bàn về tiêu chuẩn tuyển chọn giai nhân của mình: “Có tài vô sắc, chẳng phải giai nhân, có sắc
vô tài cũng xem như tiếng giai nhân chẳng xứng. Nhưng cho dù có tài có sắc, mà
với Tô Hữu Bạch ta đây chẳng có cái Tình chan chứa tương thông, thì cũng xem
như chẳng phải là giai nhân của Tô Hữu Bạch ta vậy” (Ngọc Kiều Lê, Hồi 5).
Vì chữ Tình mà ngươi tài tử luôn chủ động theo đuổi, thậm chí có người còn không màng đến đạo
Hiếu, tiến thân ngoài ngàn dặm xa
xôi để đi tìm người tình đã định.
Từ điểm này có thể thấy, hôn nhân ái tình mà người tài tử
theo đuổi có đặc điểm của “tình yêu hiện đại”.
Hiệp: Nhân cách lý tưởng của
người tài tử chính là: hành vi ngay thẳng, cá tính bộc trực, coi
thường giàu sang, danh lợi, có phong cách diện mạo của tinh thần “hiệp” tự
ngã nổi trội. Nét đặc sắc “hiệp”
trong nhân cách lý tưởng của người tài tử không chỉ là những
hành động nghĩa hiệp, hào hiệp, mà quan trọng là trong tinh thần và
khí chất của người tài tử luôn tuôn chảy dòng máu “hiệp”, bọn họ dùng
nhân tính phóng túng để đối kháng với tập tục xã hội, sẵn sàng vứt
bỏ công danh mà theo đuổi ái tình, coi nhẹ thứ văn thời vụ mà trọng
thi ca, đó là lý do vì sao Lý Bạch lại trở thành mẫu hình cho các
nhân vật tài tử trong tiểu thuyết. Tuy nhiên, nhân cách lý tưởng của người
tài tử trong tiểu thuyết tài tử giai nhân cũng xuất hiện những trạng thái mâu
thuẫn. Trong những tình huống Tình và Lý
xung đột, có sự chiết trung hình thành trạng thái phân liệt về nhân cách. Thí dụ
như trong quá trình theo đuổi ái tình, thì có
thể quyền biến, nam đóng giả nữ, hoặc dòm trộm qua song, qua vách, cả
gan si tinh đeo đuổi. Nhưng phần lớn trong thời khắc tình dục bột phát thì đều
dùng đạo đức khắc phục, áp ngưỡng sự xung động tình dục. Trong sự xung đột giữa
cá tính và xã hội, một mặt dùng cá tính bộc trực, hành động ngay thẳng, đối
kháng lại thế tục, nhưng cuối cùng lại vẫn đi vào quỹ đạo được xã hội chấp nhận,
cam tâm bị xã hội đồng hóa. Tài tử coi
thường quyền quý, coi thường đám nhân vật lên xe xuống ngựa nhà lầu, nhưng cuối
cùng lại vẫn ngồi chung ghế với họ, đồng thời dùng công danh quyền quý làm
nơi nương náu cuối cùng.
- Hình tượng người
giai nhân lý tưởng: kiêm đủ: mạo, tài, tình, thức (貌, 才, 情, 识)
Mỹ mạo: Những giai nhân trong tiểu thuyết tài
tử giai nhân phải là những người xinh đẹp tuyệt trần, có vẻ đẹp kinh người,
khiến cho người tài tử nhất kiến
chung tình. Sắc mạo là một thuộc tính tự nhiên của con người, là
một điều kiện ngoại tại trong việc đẹp ý vừa lòng nhau của thanh niên nam
nữ, là cơ sở vật chất của ái tình, theo đuổi sắc mạo cũng chính là phản lại quan niệm
hôn nhân phong kiến. Thực chất, mục đích của hôn nhân phong kiến là
“Hợp ý hai họ, trên thì phụng sự tổ tiên, dưới thì nối hậu đại” (Lễ
ký). Như thế có thể nói hôn nhân phong kiến mục đích chính là để
truyền giống, yêu cầu đàn ông “cưới vợ chỉ cần đức không cần sắc”, thậm
chí xem Vô Diệm diện mạo xấu xí, bốn mươi tuổi mà vẫn chưa lấy chồng hoặc Mạnh
Quang “xấu đen, béo í, có sức khỏe nhấc được cả cối đá” làm chuẩn mực. Miêu tả
và theo đuổi nữ giai nhân
tuyệt sắc trong các tiểu thuyết tài tử giai nhân cũng chính là làm trái
lại cái đạo mà Ban Chiêu yêu cầu đối với phụ nữ trong tác phẩm Nữ giới: “Dung mạo của phụ nữ không cần
nhan sắc mỹ lệ”. đó cũng chính là ý
nghĩa tiến bộ của các bộ tiểu thuyết này.
Tài:
Không chỉ tuyệt sắc mà giai nhân còn phải là người có tài
hoa xuất chúng. Rõ ràng đây là sự phủ định với quan niệm “nam tôn nữ
ti”của xã hội phong kiến, cũng chính là sự phủ định quan niệm “phụ
nữ vô tài là có đức” truyền thống. Đáng chú ý là ngoài tài thơ
phú, những giai nhân đó còn có tài “thẩm thời độ thế” “liệu việc
như thần”, một thứ tài thông minh tài trí, “đại trí, đại dũng”.
Tình: Giai nhân trong tiểu thuyết
tài tử giai nhân phải đặc biệt si tình, trọng tình. Người tài tử
giai nhân trong khi luyến ái không những bản thân mình trọng tình mà
cũng đòi hỏi đối phương phải trọng tình. Giai nhân coi trọng chữ tình
không chỉ biểu hiện sự coi trọng chữ “tình” trong tình yêu hôn nhân mà
còn biểu hiện sự trung trinh với ái tình, một ngày đã yêu, đến chết
cũng không thay đổi.
Thức: có nghĩa là đảm thức, là lòng
can đảm và sự hiểu biết. Giai nhân
không chỉ có tài, có tình mà còn có gan chủ động theo đuổi ái
tình, thể hiện một nhận thức dũng cảm. Giai nhân có thể cải thành
nam trang, thậm chí còn đường đột đến thư phòng của người tài tử bái phỏng, hoặc
bỏ nhà ra đi để theo đuổi ái tính. Một sự theo đuổi tìm kiếm tình yêu
đích thực vì một hạnh phúc trọn đời đã thể hiện rõ dũng khí, lòng
can đảm và sự hiểu biết vượt xa với hình tượng về những người phụ nữ thời đại trước. Đảm thức cũng là một yếu tố bảo hộ cho bản
thân giai nhân trên đường lưu lạc trước khi đoàn tụ với người mình yêu.
4. Mô thức tự sự trong tiểu thuyết tài
tử giai nhân
Tự sự trong tiểu thuyết tài tử giai nhân có mô thức
cố định, thông qua sự thống kê so sánh tình tiết trong các tác phẩm, phát
hiện đại thể có những tình tiết tự sự sau đây:
1.
Tài tử hoặc giai nhân tài sắc kinh người.
2.
Tài tử tứ xứ đi tìm giai nhân làm vợ
3.
Tài tử hoặc giai nhân thấy tác phẩm thi ca của
đối phương mà bắt đầu luyến ái theo đuổi.
4.
Bậc gia trưởng lấy thơ để tuyển chọn
chồng cho con gái
5.
Tài tử giai nhân lấy thơ để giao tình
6.
Giả tài tử lừa hôn nhân, lúc khảo thơ thì
lộ, ôm hận trong lòng
7.
Tài tử giai nhân nhất kiến chung tình tặng
thơ rồi chia biệt
8.
Nam
giả nữ, hoặc nữ giả nam, nhờ bạn hoặc nhờ em cưới hộ
9.
Giả tài tử mượn quyền mượn thế ác độc
bức hôn, cướp hôn
10.
Phụ thân giai nhân bị hãm hại
11.
Người trong họ gặp khốn, tài tử ra tay
trượng nghĩa cứu trợ
12.
Vì bọn quyền quý ác độc bức hôn, hoặc do
chiến loạn, hoặc do tuyển cung nữ, hoặc do hiểu lầm nên giai nhân phải
chạy trốn, lưu lạc.
13.
Giai nhân trung trinh không đổi, dùng tài
trí, đảm thức để bảo hộ bản thân.
14.
Tài tử đỗ cao khoa, bị quyền quý bức kết
hôn, hoặc bị vua tuyển làm phò mã
15.
Tài tử quyết không thay đổi lời thề, bị
hãm hại gặp nạn
16.
Tài tử lập công, trong họa có phúc, bọn
tiểu nhân vội vàng phụng ngưỡng
17.
Giải trừ hiểu lầm
18.
Hoàng đế ban hôn, nhất mỹ song diễm, phu
phụ đoàn viên
Không nhất định tác phẩm tài tử giai
nhân nào cũng có đủ 18 tình tiết kể trên, nhưng trong mỗi tác phẩm
đều có phần lớn các tình tiết đó.
(Trích dịch từ Chương 7 trong cuốn 中国分体文学史
(Trung Quốc phân thể văn học sử),李 修生,赵 义山 chủ biên)
Liên kết:
tiểu thuyết này rất hấp dẫn
ReplyDelete