Sunday, August 5, 2018

Đi (1)

Gửi các Hiệp sĩ 

Vào một tối muộn tháng 7, chúng tôi vừa uống bia trong một quán hải sản bình dân ở thị trấn Long Hải vừa nghe tiếng bàng rụng xủng xẻng như chọi gạch trên mái tôn. Trong lúc lơ mơ bỗng nhớ đến câu thơ “Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng”. Chỉ nghĩ: nếu sấu rụng trên mái tôn, chắc cũng không đến nỗi âm thầm.

Trong bảo tàng vũ khí cổ Robert Taylor, tôi ngắm các bộ sưu tập súng lục, súng trường, lưỡi lê đủ loại ngắn dài trên khắp các thế giới rồi hỏi em hướng dẫn viên: sao không có sưu tập súng của Nga. Em ấy ớ người ra rồi nói: ở phòng trưng bày hiện đại có khẩu súng máy Maxim đầu thế kỷ XX. Thực ra trong đầu tôi lúc ấy chỉ đơn giản tò mò muốn biết Pushkin có thể đã dùng kiểu súng lục nào trong khi đấu súng hay Tarax Bunba đã dùng loại súng nào để giết chết đứa con trai phản bội của ông. Tuần trước khi nói chuyện với bạn cà phê, hắn liền nói với tôi về lịch sử của cây “súng sáu”, về những cây súng mà những người lính ngự lâm Pháp đã sử dụng, về bản chất của việc đấu súng và tinh thần hiệp sĩ (đồng nhất với tinh thần quý tộc) của phương Tây. Tôi chợt nhớ có một dạo người ta ồn ào bàn luận về tinh thần quý tộc, nhưng rốt cục chẳng có ai nói đến một cái ý mà tôi chờ đợi: Tinh thần quý tộc chính là: người ta trao cho anh cái gì, anh sẽ đền đáp lại mười lần thứ ấy, bao gồm cả đền ơn lẫn báo thù. 

Ở tầng 1 của bảo tàng tôi được chỉ cho một vài vũ khí cổ của Việt Nam bao gồm: hand cannons (những khẩu súng thần công cầm tay) mà hướng dẫn bảo tàng ghi là thế kỷ XIII-XIV và những thanh gươm Mường thế kỷ XVIII-XIX. Hand cannons chính là handguns mà Sun LaiChen trong bài viết “Chinese Gunpowder Technology and Đại Việt ca.1390-1497” cho rằng đã được các thương nhân và binh lính đào ngũ triều Minh du nhập vào Đại Việt thông qua con đường buôn bán vũ khí bất hợp pháp ở vùng biên giới phía tây Vân Nam cuối thế kỷ XIV hoặc chúng được ra đời sau cuộc chuyển giao kỹ thuật chế tạo súng từ cuộc chiến chống quân Minh giai đoạn 1406-1427. Tại phòng trưng bày vũ khí cận hiện đại tôi được bác hướng dẫn viên chỉ cho xem loại súng bắn mau có thể chính là loại mà Cao Thắng đã đoạt được từ quân đội Pháp sau đó bắt chước mà đúc súng cho nghĩa quân Hương Khê. 

Tôi mượn một chiếc ghế và trèo lên chụp cận cảnh các hoạ tiết chuôi gươm Mường. Giữa những thanh gươm cong dài có hai con dao ngắn. Vỏ dao bằng gỗ tạo hình thân cá nhưng đầu vỏ dao chỗ tiếp giáp giữa chuôi và lưỡi dao lại chạm khắc hình một con bướm. Chuôi dao được khảm vàng hoặc bạc tạo hình như một cái cuống dài của một loại quả nào đó. Giữa những chuôi gươm đầu chạm hình hổ, báo, tôi cứ ngắm mãi những con bướm nhỏ. Bản chất của gươm dao là bạo lực, chúng đại diện cho nam tính. Trao thanh gươm cho một người đàn ông/chàng trai/cậu bé, nghĩa là “nhận khả” tư cách nam nhi của họ. Kiểu như Dobó trao gươm cho Gergely trong “Những ngôi sao Eghe”, hoặc những thanh gươm tự mai danh ẩn tích và chỉ xuất thế khi tìm được đúng chủ nhân trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung. Mô thức “thanh gươm định thiên hạ”, “gươm định loạn” kiểu truyền thuyết rùa vàng cũng mang trong nó tính chất bạo liệt của sự “nhận khả”, đồng thời cũng đại diện cao nhất cho tính xâm lược và chiếm hữu nam tính.

Ờ, sẽ thế nào nếu như trên bao gươm mà rùa vàng trao cho Lê Lợi cũng có hình chạm một con bướm…?