Monday, April 25, 2011

Lược sử cặp lồng ở xứ Việt Nam*

Nguồn ảnh: tại đây (còn ở đấy họ lấy ở đâu thì bạn QH chịu )
Chưa  khảo sát cụ thể nhưng tôi đồ rằng, hầu như gia đình nào ở Việt Nam cũng sẽ có một hai chiếc cặp lồng dự trữ phòng khi cần kíp. Cặp lồng với gia đình người Việt có lẽ cũng cần thiết như nồi cơm điện và bát đũa, những vận dụng thiết yếu hàng ngày.  Tại sao lại gọi là cặp lồng? Có phải vì cấu tạo có các ngăn lồng vào nhau nên có cái tên gọi ấy? Thấy bảo “cặp lồng” là dịch nghĩa của từ “cà mèn” (la gamelle) trong tiếng Pháp, như thế có nghĩa là lịch sử cặp lồng ở xứ Việt Nam chỉ có khoảng từ dưới 100 năm đổ lại. Dĩ nhiên sẽ có bác khẳng định chiếc cặp lồng sớm nhất của người Việt chính là mấy cái mo cau, hoặc có bác sẽ căn vặn lai lịch của chiếc cà mèn  Pháp xuất phát  từ đâu, nhưng thôi, việc khảo ấy là của các nhà ngôn ngữ học, các nhà sử học. Với tôi định nghĩa sớm nhất về cặp lồng chính là một cái hộp sắt tây hai ngăn màu xanh (đã tróc vảy) treo tòn ten trên ghi đông xe đạp nam (có gióng ngang) của bố thời bao cấp. Cái hộp sắt tây ấy cũng thường gắn liền với ký ức về những bát phở mậu dịch chỉ được mẹ mua về nhà khi chị em tôi ốm. Những bát phở ngày ấy khi mở nắp sắt tây ra, khói nghi ngút và mùi thơm xộc lên khiến người ta ứa nước miếng. Những bát phở đó (cũng giống như một vài món quà vặt khác của tuổi thơ như bánh quế, kẹo vừng, kẹo dồi, kẹo lạc) sẽ có một vị ngon vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được cho dù hồi ấy thịt thì ít, nước thì chua và bánh phở thì lèo tèo chỉ cần hai lần lùa đũa là hết veo đi chăng nữa.

Khi chúng tôi lớn lên, trong nhà dần dần xuất hiện những chiếc cặp lồng khác, cặp lồng nhôm có, nhựa có; cặp lồng hai ngăn có, ba ngăn có, thậm chí bốn ngăn cũng có. Nhưng ký ức về chiếc cặp lồng cơm trưa bằng sắt tây của bố thời bao cấp bị xóa dần bằng ký ức về về những chiếc cặp lồng nhựa trắng nắp màu xanh đưa cơm (phở, bún, miến, cháo) cho người ốm, hoặc cho người chăm người ốm trong bệnh viện. Đó là những chiếc cặp lồng gắn liền với hình ảnh về những dãy giường đơn hai người nằm đảo đầu chen chúc, với những hành lang bệnh viện người nằm ngồi vạ vật và mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Những năm ấy, nếu có ai đó dùng cặp lồng để đựng cơm trưa thì có lẽ là những công nhân ở các khu công nghiệp. Ở Hà Nội, đó là thời của cơm bụi lên ngôi. Những người lao động chân tay, những người thu nhập thấp, sinh viên, thậm chí một bộ phận nhỏ nhân viên văn phòng thời ấy chẳng quản ngại gì chuyện vệ sinh hay không vệ sinh đều chọn quán cơm bụi để giải quyết bữa trưa cho nhanh gọn. Đơn giản vì cơm bụi rẻ. Dăm món cả kho lẫn xào, một bát rau muống luộc dầm sấu (hoặc lá me) miễn phí đựng trong những ca nhựa sứt sẹo đặt sẵn trên các bàn cũng làm bằng nhựa nốt, hôm nào hứng chí lên thì gọi thêm cốc bia cỏ,  thế là xong một bữa. Sang hơn cơm bụi là cơm Tấm Sài Gòn. Tôi còn nhớ vài ba quán cơm Tấm ở đường Thái Thịnh đông nghẹt khách là nhân viên văn phòng vào các buổi trưa. Những năm ấy, đám nhân viên văn phòng cao cấp hơn nữa phần lớn buổi trưa sẽ xúng xính váy áo rủ nhau vào quán cà phê cơm đĩa máy lạnh, hoặc lang thang bún chả, bún nem, bún đậu mắm tôm, bún mọc, bún sườn….kê bàn bán đầy rẫy trên các dãy phố của Hà Nội. Những chiếc cặp lồng lúc ấy không tồn tại trong đời sống ăn trưa của nhân viên công sở Hà Nội.

Vài ba năm gần đây, chiếc cặp lồng cơm trưa đột ngột quay trở lại với đời sống nhân viên văn phòng Hà Nội dưới một dạng thức khác: đó là sự xuất hiện của các “lunchbox” Hàn Quốc. Đầu tiên là vì mấy năm gần đây thời tiết mùa hè ở Hà Nội quá khắc nghiệt, ngán cảnh lang thang tìm đồ ăn trưa, hoặc cảnh ngồi chen chúc nhau dưới cái nóng gần 40 độ C trong một quán ăn nào đó đã khiến lác đác nhiều chị em lựa chọn việc tự chuẩn bị cơm trưa rồi ngồi ăn ngay trong phòng làm việc máy lạnh cho nó sướng. Sau đó, do lo sợ các loại dịch bệnh ngày càng nhiều và ngày càng diễn biến phức tạp, rồi thực phẩm trong các nhà hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh, và nhất là đến năm nay, do “bão giá”, những chiếc “cặp lồng”cơm trưa Hàn Quốc đang trở thành sự lựa chọn số 1 của chị em văn phòng Hà Nội.  Thay vì chiếc cặp lồng hai ngăn thô kệch như trước đây, những hộp đựng cơm trưa Hàn Quốc nhỏ gọn chia thành nhiều ngăn đựng được cả canh và thức ăn mặn với nhiều kiểu dáng kích cỡ xinh xắn, có túi đựng giống như túi đồ trang điểm của phụ nữ đang hiện diện ngày càng nhiều hơn trong các bữa trưa công sở. Có loại cấu tạo như một chiếc phích cỡ nhỏ, có thể giữ cơm nóng ở nhiệt độ 90 độ C trong 6 tiếng liền, giá khoảng 700.000 ngàn/1chiếc. Loại hộp của Komasu hơn 400.000 ngàn có chức năng hâm nóng cơm và thức ăn. Thông dụng hơn là những chiếc hộp giá khoảng 300.000 (không có chức năng giữ nhiệt) có bán ở các siêu thị đồ dùng Hàn Quốc khắp trong cả nước. Hơn nữa, việc chuẩn bị bữa trưa cũng không hề mất quá nhiều thời gian. Bữa chiều của ngày hôm trước chị em sẽ làm thức ăn và canh, rau nhiều hơn một chút rồi múc riêng ra cho vào tủ lạnh. Sáng hôm sau cắm nồi cơm, hâm lại canh và thức ăn đã có sẵn, cho vào hộp, lồng vào túi đựng, thế là đã sẵn sàng cho một bữa trưa vừa ngon lành lại vừa kinh tế. Những bưa trưa như thế cũng thường sẽ rất đặc biệt, mọi người lôi hộp cơm của mình ra, quây quần lại góp món ăn chung rất có hương vị hồi cố thân thương về những bữa cơm trưa cặp lồng đậu phụ kho hoặc muối vừng lạc rang thời bao cấp.

Vì thế, theo tôi dự đoán, xu thế của thời trang công sở năm nay, phụ kiện đi kèm sẽ là: túi đựng "cặp lồng cơm trưa Hàn Quốc". Và "cặp lồng cơm trưa Hàn Quốc" sẽ là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ sành điệu của một nhân viên văn phòng Việt Nam thời giá cả thị trường phi nhanh hơn tên lửa!

QH

Cho một buổi trưa cực kỳ buồn chán :)) :)) :))


Bonus: Bài này mới là "cặp lồng xịn", đầy hiện thực và giầu chất thơ nhá!

*Copy và sáng tạo tiêu đề từ “Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina” (He he he)



Wednesday, April 20, 2011

Cổ sử (2): Notes

Trong “Lời giới thiệu” cuốn Những cuộc đời song hành (tập 1) của Plutarque (bản dịch tiếng Việt của dịch giả Cao Việt Dũng và Vũ Thọ-NXB Tri Thức) có một chú thích của dịch giả về cổ sử Hy Lạp và Trung Quốc như thế này:

“Đường lối chung của  của sử học Hy Lạp là trọng sở thị mà có phần coi nhẹ sử liệu….Cần nhấn mạnh rằng các sử gia Hy Lạp luôn phát ngôn với tư cách cá nhân, không đại diện cho bất cứ thể chế nào- đặc điểm này khiến cho họ khác căn bản với các sử gia cổ Trung Quốc”.

 Điều này đúng nhưng đó không phải là lý do căn bản. Hay nói một cách khác, dịch giả hiểu rất rõ bản chất của cổ sử Hy Lạp nhưng lại “hơi bất công” với cổ sử Trung Hoa (he he, “mỡ nó rán nó nhé”). Sự khác biệt theo tôi phải nằm ở chỗ: khái niệm về “sử” (nghĩa gốc nguyên thủy về “sử”) của người Hy Lạp và người Trung Quốc cổ đại hoàn toàn khác nhau . Xét về từ nguyên, historia trong tiếng Hy Lạp có nghĩa liên quan đến luật pháp là “điều tra” hay “biết được [sự thật] từ sự điều tra”. Historia lại trực tiếp bắt nguồn từ hístōr một từ với nghĩa là “người biết được [sự thật] vì anh ta đã thấy” (với nghĩa tương tự như “người làm chứng” trong luật pháp). Trước Herodotus historia thoạt đầu được hiểu như là một bước trong nhận thức luận hơn là một thể loại. Historia bắt đầu được ghi nhận như là một thể loại bắt đầu từ Herodotus. Trong bộ “Sử ký” của mình, Herodotus thực ra đã tiến hành một cuộc điều tra về chủng tộc, văn hóa,  xã hội. Ông đi đến tận nơi, chứng kiến, nghe ngóng và ghi chép lại những gì mình đã thấy, những ghi chép đó ông gọi là “sử”.

Ngay người Trung Hoa cũng khó khăn trong việc xác định “sử” là một thể loại bắt đầu từ bao giờ và lấy tác phẩm nào làm mốc, họ chỉ có thể nói các hoạt động ghi chép “sử” của họ còn hiện tồn (có thể chứng minh được niên đại) đến ngày nay là vào đầu thời Chu. Nhưng khái niệm của người Trung Hoa về “sử” thì còn sớm hơn trước đó rất nhiều, nó xuất hiện cùng với giai đoạn vu bốc văn hóa 巫卜文化 (hay “vu thuật văn hóa” (witchcraft culture) cũng vậy).  Trước tiên, hãy thử xem người Trung Quốc quan niệm thế nào là  “sử”

Photobucket




Theo Hán tự hình nghĩa phân tích từ điển, sử (xem hình ở trên) “là một chữ hội ý, bên dưới là thủ (tay), bên trên có người cho là thẻ trúc, có người  cho là dụng cụ săn bắn hoặc đồ tế lễ”. “Tay” ở bên dưới thì xem như các nhà nghiên cứu nhất trí cao độ rồi, nhưng “cái tay ấy” cầm cái gì thì vẫn còn đương tranh cãi rầm rĩ. Bác thì bảo nó là bảng trúc giản được buộc lại, bác thì bảo nó là cái dụng cụ để khoan mai rùa trước khi tiến hành nghi thức bói. Có bác còn bảo cái dụng cụ ấy ngoài chức năng khoan mai rùa còn dùng để cời lửa cháy trong nghi lễ theo mùa. Có bác lại bảo đấy là “ ngọn đuốc”, bác khác lại cho rằng nó là dụng cụ để giữ lửa. Nói tóm lại, tay cầm cái gì thì chưa xác quyết nhưng tất tần tật họ đều hướng về một điểm: cái phần chưa rõ đó nhất định có dính líu đến các nghi lễ tế tự và bói toán.

Có bao nhiêu cách phân tích tự hình “sử” thì có bấy nhiêu quan điểm về “nghề nghiệp” của các “sử”. Thí dụ như Đới Quân Nhân trong bài Thích sử (Giải thích về “sử”) cho rằng nhiệm vụ nguyên thủy của sử là “tu dự tế điển, tuyên giảng phù mệnh” . Thẩm Cương Bá thì cho rằng, “sử có nghĩa là chúc sử (祝史)”, là người trông coi các nghi lễ táng tế và soạn đọc chúc văn. Ác liệt nhất là cụ Trần Mộng Gia, với quan điểm “sử” tức “sự” , cụ liệt kê ra một bảng dài dằng dặc những việc gì thời cổ đại được cho là “ ” như: tế tự, săn bắn, chiến tranh, …và kết luận: “sử” chính là những người làm công việc chiêm bốc trong các nghi lễ tế tự, săn bắn, chiến tranh đã nêu trên. Nói  tóm lại theo các bác í thì có thể kết luận chức nghiệp của “sử” thời Trung Hoa cổ đại chính là: kiến thần tiếp quỷ.

 Ở đây có liên quan đến một quan điểm đã nhận được sự đồng thuận chung của cả giới nghiên cứu Trung Quốc: vu thuật 巫术 được xem là cội rễ văn hóa của họ. Sự nhất trí quan điểm “vu sử đồng nguyên” (“vu” và “sử” có chung một gốc) xem như đã thừa nhận sự xuất hiện từ rất sớm của một nhóm người được gọi là “sử” , một chức quan đứng trong hàng ngũ những người trông coi các công việc tế tự, y thuật và bói toán cho nhà vua. Hoặc cũng có thể hiểu là trong số các “vu”  thì có một loại “vu” được gọi là “sử” chuyên trách một nhiệm vụ nào đấy trong vô số các nhiệm vụ liên quan đến tế lễ và bói thời cổ. Điều này lí giải tại sao trong Quốc ngữ hay Tả truyện chép rất nhiều các chức quan khác nhau liên quan đến “sử” như: vu sử  , chúc sử 祝史, tế sử  祭史 , bốc sử 卜史,  phệ sử  筮史  ….Từ đó suy ra, những ghi chép nguyên thủy của “sử” thời Trung Hoa cổ đại sẽ là những ghi chép về các quẻ bói hay các nghi thức tế lễ.  Ngay đến cả dưới thời Thương, vẫn còn lưu giữ 18 đề mục bói toán bắt buộc phải thực hiện (xem cụ thể trong bài “Thần học chính trị trong văn hóa Trung Quốc cổ đại” của Dương Ngọc Dũng in trong cuốn Triết giáo Đông phương), trong số đó hầu hết là những việc bói toán liên quan đến những chuyện rất hệ trọng  như tế lễ, săn bắn, chiến tranh, bói hoàng hậu mang thai con trai hay con gái… vân vân vân. Như thế, khi các “sử” ghi lại các quẻ bói thì những việc có liên quan đến quẻ bói đó đồng thời cũng được chép theo. Mục đích chính của “sử” không hướng đến “chép việc”, mà là chép quẻ chiêm bốc để rồi sau đó xem nó có ứng nghiệm hay không. Để đúc rút kinh nghiệm các “sử” này thường kê cứu cả những ghi chép của tiền nhân, ghi chép lại những ghi chép của “sử” đời trước để tiện cho việc chiêm nghiệm. Truyền thống kê cứu sử liệu của sử học Nho gia cũng có nguồn gốc sâu xa từ đó. Sau này khi chuyển từ giai đoạn “vu thuật văn hóa” sang  giai đoạn “sử quan văn hóa”,  “sử” và “vu” dần dần phân hóa, “sử” trở thành một chức quan chuyên trách lo việc sách vở, “tàng thư, độc thư, trước thư”, rồi thành người “chép việc của vua”,  thậm chí còn chuyên biệt hóa thành tả sử, hữu sử: người chuyên chép lời của vua kẻ kia chuyên chép hành động của vua. Dẫu như thế, dấu ấn của “vu” vẫn tiếp tục duy trì trong những ghi chép sử của Trung Hoa, mà cụ thể ở đây là trong sử Nho gia. Nhưng đó lại là một câu chuyện rối rắm khác rồi.

Dài dòng cả đống trên kia cuối cùng không phải để nói chuyện sử Hy Lạp hay sử Trung Quốc, mà chỉ để nói một điều tiếp theo bài “Cổ sử” lần trước: Nếu nói rằng cổ sử của Việt Nam chúng ta đầy rẫy các huyền thoại và các sự kiện đã được nhuận sắc, như vậy cổ sử là không đáng tin cậy và những sử gia Nho học như Ngô Sĩ Liên chỉ là những người phát ngôn cho thể chế chính trị? Không phải như vậy.Vấn đề là những sử gia như Ngô Sĩ Liên quan niệm về sử không giống với quan niệm sử học của chúng ta hiện tại. Vấn đề là người đọc “sử” thời Ngô Sĩ Liên muốn tìm kiếm điều gì trong “sử” ? Đó có phải  là “các con số ngày tháng” hay “các dữ liệu”? Cần xác định rõ: vai trò "sử gia" thời trung đại không có vai trò giống như “nhà nghiên cứu lịch sử” theo quan niệm của người hiện đại. Vì thế khi đánh giá sử học của quá khứ chúng ta nên nhìn rõ vào bản chất của nó hơn là phán bừa: mấy ông sử học Nho gia toàn nịnh vua và nói láo!
                                                                                                                                   
Đương nhiên câu cuối là viết cho mình, tự dặn mình như thế!


Note của Note: Lần này để đề phòng bị bỉ báng lần nữa, em đã thay các anh mỹ nam Hàn Quốc thành các em mỹ nữ Hàn Quốc chân dài miên man rồi nhé.  Còn nữa, theo như một giáo sư Đại học Hokkaido thì âm nhạc của mấy em ấy  giúp phát triển trí tuệ đới! Vừa được ngắm chân lại vừa bổ não, thích nhá! :)) :)) :)) :))