Monday, June 28, 2010

Tạ Chí Đại Trường (1)

Với những người từng sống trong môi trường học thuật ở Sài Gòn trước năm 1975, đã từng đọc các công trình, các bài viết của Tạ Chí Đại Trường công bố tại chính thời điểm đó, nhưng lại là những người không sống trong môi trường nghiên cứu ở Việt Nam hiện tại, không hiểu hết những đặc thù riêng của nó, có lẽ sẽ khó hiểu vì sao trong một bài cảm thán trên blog này trước đây tôi lại đề nghị tổ chức một buổi “tọa đàm” (nhấn mạnh là “tọa đàm” chứ không phải là “hội thảo”) về Tạ Chí Đại Trường.

Tạ Chí Đại Trường mới được đọc công khai ở miền Bắc khoảng dăm năm trở lại đây. Thế hệ những nhà nghiên cứu ở miền Bắc trước đây đọc Tạ Chí Đại Trường như thế nào và bằng con đường nào tôi không biết, còn thế hệ chúng tôi đầu tiên là đọc những bài phê bình Tạ Chí Đại Trường trước (như bài của Nguyễn Phan Quang) rồi mãi sau này mới có cơ hội đọc chính văn của ông. Ban đầu chỉ có thể tìm đọc những đoạn viết riêng lẻ trên một số mạng như “Sex và triều đại”, rất lâu sau đó, một số bác nổi tiếng đi Mỹ cầm về Sử Việt đọc vài cuốn thì mới đọc ra đầu ra đũa. Sau đó Lịch sử nội chiến được xuất bản nhưng rồi cũng bị cấm bán ngay lập tức. Có 2 cuốn xuất bản thuận lợi là cuốn Thần người và đất Việt và cuốn mới nhất là Những bài dã sử Việt, nhưng sinh viên ngành Sử rất ít người biết đến những cuốn sách này. Tôi, nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, có hầu hết những công trình kể trên và không kể ở trên của Tạ Chí Đại Trường.

Nói cho công bằng, như vậy là so với nhiều học giả có tiếng tăm khác của Sài Gòn trước năm 1975, Tạ Chí Đại Trường may mắn hơn rất nhiều, vì sách của ông vẫn còn có thể xuất bản ở Việt Nam (thời hiện tại) và vẫn có người đọc. Như ở bài “Thư mục” trên blog này tôi đã viết, trong lịch sử nghiên cứu của Việt Nam, có một khoảng rất trắng, đó chính là tình hình học thuật ở Sài Gòn trước 1975. Chính khoảng trắng này tạo ra rất nhiều nghịch lý, có những công trình của hiện tại đang lặp lại những vấn đề mà các học giả Sài Gòn trước 1975 đã giải quyết xong xuôi chẳng hạn. Nếu như không có khoảng trống về tư liệu đã không xảy ra những chuyện tương tự. Tạ Chí Đại Trường cũng là một trường hợp như thế, các công trình của ông có thể là quen thuộc và chẳng xa lạ gì với những người thời ông, nhưng với rất nhiều sinh viên nghiên cứu ngành Sử bây giờ, Tạ Chí Đại Trường và nhiều tên tuổi sử gia khác của Sài Gòn trước 1975 là hoàn toàn lạ lẫm.

Sách báo của miền Nam Việt Nam trước 1975 trong các Thư viện ở Việt Nam đều thuộc hàng hiếm, một số báo cực hạn chế người đọc, nếu muốn đọc phải có giấy giới thiệu, chứng nhận của cơ quan là tìm hiểu vì mục đích khoa học mới được động chạm đến, đấy là chưa kể có những báo đã được xem là tuyệt diệt ở trong nước, muốn có chỉ nhờ cậy các thư viện nước ngoài, các nhà sưu tầm và các nguồn khác..vân vân…Có những học giả của Sài Gòn trước 1975 chúng tôi biết tên, có những công trình chúng tôi biết tiếng, nhưng tìm được những cuốn sách đó phải qua biết bao nhiêu đường, thậm chí phải mất rất nhiều tiền mới mua được. Nhưng có tiền nhiều khi cũng chẳng để làm gì vì không còn sách nữa.

Việc tập hợp báo chí , sách, và các công trình nghiên cứu của các học giả miền Nam Việt Nam trước 1975 mà chúng tôi (vô cùng ít người) đang làm chỉ với một mục đích nỗ lực lấp lại những khoảng trắng, để tạo tính liên tục trong lịch sử nghiên cứu Việt Nam, đánh giá một cách khách quan và công bằng, trả lại vị trí lịch sử cho những người, những công trình nghiên cứu về đúng thời điểm của nó, chẳng lẽ lại là một việc vô ích?

Những đóng góp trong các công trình của Tạ Chí Đại Trường đến đâu, tôi cho rằng chúng ta nên bình luận thẳng và trực tiếp vào tác phẩm của ông ấy (kể cả phản biện nữa- nếu có “tọa đàm” tôi cũng sẽ phản biện lại nhiều quan điểm của Tạ Chí Đại Trường) hơn là cứ nói những lời đồn đại kiểu như ông ấy không biết tiếng Tây, tiếng Tầu…vân vân và vân vân…(Chiêu này người Việt mình quen xài lắm). Tôi không quen biết Tạ Chí Đại Trường, cũng không để tâm vào những lời bình luận kiểu trên, tôi chỉ nghĩ xét cho cùng, mỗi một công trình nghiên cứu đều có sự hạn chế nhất định của thời đại, cùng với thời gian có những quan điểm hoặc phương pháp tư duy đã thành cũ kỹ và lạc hậu, đó là tất yếu, nhưng phải nhìn nhận sự tồn tại của công trình đó ở vào thời điểm ra đời, trong hoàn cảnh chung của thời ấy, nó đã có đóng góp (hoặc chẳng có một đóng góp giá trị) nhất định như thế nào, đó mới là quan trọng.

Nói mới nhớ, thực ra đã có nơi tọa đàm về các công trình của Tạ Chí Đại Trường rồi, nhưng tôi nhận được tin muộn quá không tham dự nên không nắm bắt được thông tin chung về buổi tọa đàm này.


18 comments:

  1. "các nguồn khác vân vân" hehehe

    bài chửi Tạ Chí Đại Trường là Nguyễn Phan Quang viết cùng một ông nữa, quên béng mất tên rồi, TCĐT đọc được bài này khi đi cải tạo và đã viết trả lời hình như vào các khoảng trống giữa các dòng viết của một quyển sách

    bạn có "Bài sử mới cho Việt Nam" chữ ký tác giả đề tặng hẳn hoi đấy, nịnh đi rồi cho mượn :d

    vụ vu cáo nhau không biết tiếng Tàu thì Đinh Gia Khánh cũng dính, hic không biết sau này tớ có bị bác nào gán cho cái tội không biết tiếng Tàu không nữa haha

    ReplyDelete
  2. Viết chung với bác Nguyễn Đức Nghinh.

    Cảm ơn cậu lần nữa về cuốn Phú Nôm của Vũ Khắc Tiệp. Thật không dễ dàng gì vì ngay đến Thư viện Quốc gia cũng chỉ được đọc qua microfilm. Không ngờ đấy, lúc nhắn tin nhờ và cũng chỉ hơi hy vọng thôi, nào ngờ...(Sụt sịt, sụt sịt).

    Còn vụ trao đổi sách, hèm, nịnh nọt gì, mà cứ nói thế thiên hạ họ lại tưởng lầm cho, rõ khổ, có sách nào hay cậu có bao giờ giấu được đâu :)) :)). Sắp tới sẽ có mấy cuốn hay ho về Hà Nội sẽ in, thí dụ như cuốn "Tư liệu của công ty Đông Ấn về Đàng Ngoài" chẳng hạn, bạn đã đặt sẵn sách cho rồi đấy nhá! :)) :)) :))

    ReplyDelete
  3. Đúng là người đọc sử ít biết về các công trình của sử gia Tạ Chí Đại Trường. Còn các tọa đàm không biết có đặt vấn đề nghiêm túc về mặt học thuật không?

    ReplyDelete
  4. Không rõ bạn Quách Hiền quan niệm "học thuật" của Tạ Chí Đại Trường là cái gì trong những phương án sau đây:

    A: Là tùy bút ghi lại những cảm nhận của một người đọc lịch sử Việt.
    B: Là sách nghiên cứu lịch sử Việt Nam.
    C: Là tư liệu nguồn (primary source) để nghiên cứu lịch sử trí thức của khu vực miền Nam VN trước năm 1975.

    ReplyDelete
  5. Với những gì tôi đã viết ở trên kia, không khó khăn để nhận thấy mục đích chính của tôi là muốn có được một cái nhìn tổng quan về trí thức miền Nam Việt Nam trước 1975 mà Tạ Chí Đại Trường chỉ là một trong số rất nhiều những người mà tôi quan tâm.

    Tuy nhiên, với quan điểm cá nhân, tôi cũng muốn đưa ra những đánh giá của bản thân mình về những công trình đã xuất bản của Tạ Chí Đại Trường. Tùy thuộc vào từng công trình của ông mà tôi có những sự phân loại tương đối:

    1. Nếu là tùy bút có lẽ "Sử Việt đọc vài quyển" và "Những bài văn sử" nằm trong số đó. Bản thân tác giả trong lời nói đầu của "Sử Việt đọc vài quyển" cũng nói rõ cuốn sách viết ra tiếp nối "Thần, Người và đất Việt" để suy nghĩ về "một lịch sử Việt Nam mới, hợp với thời đại khoa học bây giờ". Tuy nhiên nó không phải là loại "tùy bút tùy tiện". Những lập luận của Tạ Chí Đại Trường trong hai cuốn trên, tuy có những quan điểm thiếu chứng cứ thuyết phục nhưng có những vấn đề muốn bác bở lại luận điểm của ông cũng không phải dễ dàng gì.

    2. Với "Những bài dã sử Việt", Tạ Chí Đại Trường đã tự nói về cuốn sách này: "Tôi dùng chữ "dã sử" theo nguyên gốc của nó là non-official history, đối kháng với "chính sử" là của triều đình làm ra. Tên sách mang tiêu chí của tập hợp. Dù có lúc hơi đùa cợt nhưng tôi vẫn dành cho nhan sách của mình một ít nghiêm túc có thể thấy được trong các tập hợp đó". Trong tập này tôi đánh giá cao những bài nghiên cứu về "tiền" của ông.

    3.Trong số những công trình đã xuất bản của Tạ Chí Đại Trường "Việt Nam thời Tây Sơn, Lịch sử nội chiến (1771-1802)", xứng đáng được xem là một cuốn sách nghiên cứu có giá trị đóng góp về lịch sử thời Tây Sơn.

    Đương nhiên, tôi không phải là người nghiên cứu sử học, sự phân loại của tôi có thể sẽ không có điểm chung với những người có lĩnh vực chuyên môn chuyên biệt về sử. Nhưng nói chung, tôi thích cách mà Tạ Chí Đại Trường tự gọi mình, ông nhận mình là một "sử gia" hơn là một nhà nghiên cứu lịch sử...

    ReplyDelete
  6. Dù chả hiểu biết gì về lịch sử và những gì mà các nhà nghiên cứu lịch sử đang nghiên cứu nhưng tớ chịu cái phương pháp nghiên cứu lịch sử bằng cách so sánh, đối chiếu mà Tạ Chí Đại Trường đã áp dụng trong cuốn "Việt Nam thời Tây Sơn-Lịch sử nội chiến (1771-1802). Theo tớ thì phương pháp nghiên cứu quan trọng hơn kết quả nghiên cứu.

    ReplyDelete
  7. Nên quan tâm nhiêu đến ông nay!

    ReplyDelete
  8. Hì. Nghe chị quachhien nói những sinh viên ngành Sử nước ta ít người biết đến tên tuổi và sách của ông Tạ Chí Đại Trường, em mới mừng thâm thay vì trong tay em có vài quyển như Sử việt trong mắt người Việt: một lối nhìn khác, Những bài Dã sử Việt, hay Thần, người và Đất Việt, ~^^~.
    Em chỉ mới lớp 12 thôi, nhưng hứng thú với Sử lắm, đọc sách ông ấy, quả là có rất, rất nhiều luận điểm được rút ra ngỡ như vô cùng tình cờ, nhưng thực chất lại là kết quả việc kê khảo khá công phu.
    À, em add follow blog chị rồi đó. Chị cũng add blog em luôn nhe. Em chỉ mới lần đầu ghé blog chị thôi, thích thú lắm. Hihi. Em tên Mình.

    ReplyDelete
  9. Tôi tình cờ lạc bước vào trang này và thấy nhiều vị có tâm hướng về văn học Miền Nam trước 30-4-1975. Về vấn đề tìm lại thư tịch của nền văn học 20 năm đó, tôi nhớ có đọc được bài viết "CÂU CHUYỆN VĂN HỌC MIỀN NAM : TÌM Ở ĐÂU ?" của bà Trùng Dương, trong đó tác giả có chỉ dẫn phương cách tìm tới những tài liệu văn học Miền Nam mà hiện nay còn được lưu trữ trong các thư viện lớn ở Hoa Kỳ.
    Nhân đây xin giới thiệu với quý vị bài viết đó tại địa chỉ : http://nhanquyenchovn.blogspot.com/2010/09/cau-chuyen-van-hoc-mien-nam-tim-o-au.html

    Hy vọng lời giới thiệu này không đến nỗi vô bổ.
    Kính.

    ReplyDelete
  10. Tôi xin chân thành cảm ơn những chỉ dẫn của bác.

    ReplyDelete
  11. - Duvera tìm mãi cái quyển "Việt Nam thời Tây Sơn: Lịch sử nội chiến 1771-1802" để mua mà không tài nào tìm thấy, đâu đâu cũng nói hết rồi. Chị Quách có biết nơi nào còn bán không, giới thiệu cho Duvera mới.
    - Không nhầm thì học cùng Trường với chị và không nhầm nữa thì (vô tình)đã thấy tên chị trong QĐ nghiên cứu sinh năm 2010 ngành Hán Nôm của Trường!

    ReplyDelete
  12. Thật tiếc vì comment của bạn chậm mất vài tuần. Nếu là vài tuần trước, rất có thể tôi đã xin được cuốn đó cho bạn từ chính sử gia Tạ Chí Đại Trường. Hiện giờ cuốn này có còn bán ở nơi nào ở Hà Nội không thì có lẽ tôi cần chút thời gian để hỏi thông tin. Hy vọng là sẽ tìm mua được 1 cuốn cho bạn.

    Một ghi chú nhỏ nữa, đầu trang blog này, dưới tên của blog có một dòng chữ tiếng Anh in nghiêng, đó là tôn chỉ của tôi khi lập ra blog này. Vì thế Quach Hien blog với người mà bạn vô tình đã thấy tên có lẽ là 2 người hoàn toàn khác nhau cũng nên ạ :)).

    ReplyDelete
  13. Cám ơn chị Quách vì sẽ lưu ý giúp Duve về cái cuốn "nội chiến" này nhé. Có gì chị ới Duve một câu nhé.

    Dạ, không có ý muốn ask nhiều về chị đâu ạ. Thực sự là chỉ vì lý do công việc nên tình cờ thấy cái tên đó QTTH quen quen chắc vì đọc blog này [cả phiên bản cùng tên bên wordpress nữa]của chị. Chứ có ý tìm hiểu có khi em hỏi thầy Sơn cho nhanh! He

    ReplyDelete
  14. Xin chào các bạn. Xin lỗi, hình như các bạn có phản hồi và cả bạn quachhien đều là người ngoài Bắc? Tôi dân Xì Gòn chánh hiệu con nai vàng đây. Đọc thấy các bạn quan tâm tới Sử Việt và các tác giả miền Nam mà tôi thấy vui. Lịch sử và sử học luôn là cái điều làm con người ta điên đầu, nhất là khi phải vượt qua những định kiến chánh trị; "Sử" là chính cuộc sống trong suốt chiều dài từ quá khứ xuyên qua hiện tại đi tới tương lai, sự phân chia 3 khúc nầy chỉ có tính tương đối vì nó có quan hệ biện chứng: 1 sự việc hồi năm nẩm vẫn là chuyện hôm nay và tiếp tục định hình cái mai sau. Trong cái "hổn loạn" của cuộc sống, lòng người dễ xa nhau, lắm khi để tới bên nhau là phải từ bỏ một vài cái gì "thằng tôi" nên không dễ.
    Tôi mê sử học từ hồi nhỏ, sau 1975 tôi tiếp xúc với sử học miền Bắc với nhiều thú vị; nhưng có lẽ do quen với cái sự "biết nhiều hơn Một" nên tôi dễ dàng tiếp nhận cả 2 cái lối của Bắc và Nam, không bên trọng, bên kinh. Tôi học lấy cái hay và lánh cái dỡ của cả 2 nguồn.

    Cái "sự khác" của ông TCĐT là cách nhìn không như cách mà người Việt mình nhìn suốt ngàn năm qua trên khắp mọi miền của dải đất hình chữ S nầy. Đọc ông dễ làm người ta sốc, thậm chí giận dữ vì ông "giải thiêng" quá nhiều thứ vốn được tôn thờ, và thậm chí nhiều thứ một số người hiện nay đang cố dát vàng, cố dậm thêm "huyền" hào quang (mà không chắc phải là có là lịch sử như nó là hay không?).
    Đọc ông tôi nhiều lúc sót xa nhưng phải công nhận là ông có lý khi tỉnh táo nhìn lại toàn bộ di sản mà ta nhận được ngày nay. Ví dụ, ông nó cung điện các vua Tiền Lê hay vua Lý chẳng nguy nga, chỉ hơn kiến trúc mấy cái đình, chùa lớn giờ còn thấy trên đất Bắc. Tại sao không hè? Kiến trúc Việt mình gì cũng nho nhỏ, vật liệu không bền (ông Hoàng Đạo Kính viết rõ về chuyện nầy mà!).

    Nếu có điều kiện các bạn nên tìm hiểu thêm các tác giả miền Nam trước 1975, hay lắm đó. Nhưng đừng vồ vập vì nó "mới" hay "khác" thường nghĩ. Gì cũng vậy, vàng thau lẫn lộn, là sự thường ở đời. Cứ lấy khoa học làm chuẩn thì gạn đục khơi trong thôi được mà.

    ReplyDelete
  15. Tui cũng tình cờ lạc vào đây
    Tui là dân học Sử Địa trước 1975. ngày trước mê Tạ Chi Đại Trường lắm. Giờ sống ở nước ngòai lâu năm, đọc nhiều, thấy ông Tạ Chí Đại Trường thiếu nghiên cứu tài liệu tham khảo vì ngày trước ông ấy ở Miền Nam, không được đọc tài liệu của ngoại quốc nhiều. Nên giá trị của các sách Tạ Chí Đại Trường có hạn chế của chúng. Cũng như giờ có một ông là ông Nguyên Vũ, viết sử gì mà cảm tính quá mức. Nếu ông Nguyên Vũ đậu được bằng Tiến Sĩ Sử Học ở University of Madison thì có lẽ ông viết sử có giá trị hơn. Vì qua phương pháp học của đại học Hoa Kỳ gắt gao, ông sẽ dùng đúng phương pháp nghiên cứu Sử Học của giới nghiên cứu đại học. Nguyên Vũ chỉ mới ghi tên học, chưa đỗ bằng Ph.D History. Nên xin đừng lập lòe trên Hợp Lưu khoe mập mờ vụ Tiến Sĩ Sử của ông để lòe với dân trong nước. Tôi viết ra điều này vì thấy ông này khoe khoang cái vụ học đ.ai học của mình, để impress với dân chưa đi học đại học Âu Mỹ. Nguyên Vũ nguyên là nhà văn quân đội ở Miền Nam trước đây, nay chuyên viết về Sử trên tạo chị Hợp Lưu hopluu.org . Các bạn đọc trẻ nên học hỏi các phương pháp nghiên cứu từ các đại học lớn trước. Nghiên cứu là phải có phương pháp chính quy từ các trung tâm nghiên cứu lớn như các đại học uy tín của Âu Mỹ. Nếu không là chỉ viết theo cảm tính vu vơ, ngay cả Tạ Chí Đại Trường.

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Nguyên Vũ chỉ mới ghi tên học, chưa đỗ bằng Ph.D History. Nên xin đừng lập lòe trên Hợp Lưu khoe mập mờ vụ Tiến Sĩ Sử của ông để lòe với dân trong nước."

      Xin được hỏi ông/bà căn cứ vào đâu để nói như vậy?

      Tôi vào trang nhà của thư viện của University of Wisconsin–Madison để tìm dữ liệu về Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu thì thấy
      có ghi những điều như sau:

      http://search.library.wisc.edu/catalog/ocm12088861

      Thế thì, đâu là sự thật?

      Delete
    2. May be he just got it last year :-(

      Delete
  16. Điếu Văn - Chú Tạ Chí Đại Trường (TCĐT)

    Thân gởi chị Giang:
    Em cảm ơn chị đã gọi cho em biết chú Tạ Chí Đại Trường(TCĐT) mới mất ở VN sáng 23/3/2016. Em đã chuẩn bị tinh thần cho sự ra đi của chú cả gần một năm nhưng có lẽ cũng như chị Giang, gia đình, bạn bè, độc giả đều không khỏi đau buồn với sự mất mát của một người quá đáng kính, một học giả hiếm hoi trong nghành Sử học Việt Nam. Nếu “chết là hết” thi cái chết của chú là một điều quá bất hạnh cho nghành Sử. Em cầu mong “chết vẫn không thể hết” đối với chú vì những tác phẩm, sách vở nghiên cứu của chú vẫn còn hiện hữu trên cõi đời để những người yêu mến Sử học vẫn còn được học hỏi chú qua những trang sách chú đã viết, những trang sách chú vẫn thường gọi đó là "chò chơi kiến thức."

    Chú luôn khiêm nhường một cách tự nhiên, coi những công trình nghiên cứu của mình là những “chò chơi”. Nhưng em đã được thấy cách thức làm việc, được đọc và hiểu những tác phẩm của chú thì phải gọi đó là những công trình vĩ đại cho nghành Sử học VN. Quốc gia nào cũng có nhân tài. VN mình cũng có nhưng lại quá hiếm hoi nhất là trong nghành Sử. Đọc và hiểu những tác phẩm của chú thì không thể nào không gọi chú là nhân tài trong nghành Sử. Cuốn sách cuối cùng "Bài Sử Khác Cho Việt Nam" của chú đã tổng hợp Sử Kí Việt Nam qua một cách phân tích duy nhất xưa nầy chưa từng có.
    Đó là một món quà to lớn chú đã để lại cho đời. Những món quà khác, những món chơi khác của chú: "Lich sự nội chiến ở Việt Nam từ 1771 đến 1802", "Thần, người và đất Việt", "Một khoảnh Việt Nam Cộng Hòa nối dài", "Việt Nam nhìn từ bên trong", "Những bài dã sử Việt", "Những bài văn sử", "Lịch sử Việt Nằm trong tầm mắt người Việt", "Sử Việt đọc vài quyển", "Người lính thuộc địa Nam Kì (1861-1945)", là những công hiến tinh thần lớn lão cho nghành Sử học VN - nếu được ghi nhận, chấp nhận một cách công bằng.

    Sinh hoạt đời sống của chú thật là bình thường. Những phân tích, lí luận khoa học của chú trong nghành Sử - nếu hiểu được - cũng rất lại bình thường - vì nếu không bình thường thì đó là một vấn để lớn! Thế nhưng tổng hợp những bình thường của chú lại thì chính sự bình thường đó trở nên vĩ đại. Thật là một mất mát lớn cho nghành Sử học VN khi không chấp nhận những lí luận khoa học một cách bình thường của chú. Chú có lời dặn giò trong diễn từ nhận giải nghiên cứu nhân dịp nhận giải thưởng Phan Châu Trinh năm 2014: " Những người làm lịch sử hiện tại như thế đã tạo được, không biết kéo dài trong bao lâu, mối tin tưởng vế một lịch sử thần thuyết của dân tộc để trang bị cho một chủ nghĩa huyết thống tập thể cần thiết cho sự cai trị dân nước dưới tay. Lí thuyết đó có quyền lực chính trị bên trên, có sự ủng hộ của quần chúng bên dưới vẫn mang tâm hồn nhiều thế kỉ truớc, không cần và cũng không màng đến một sự biện biệt nghiêm túc. Tất nhiên chính quyền cũng thấy cần có những lí thuyết gia để, trước hết là phải đánh bạt các quan điểm cũ, mới nâng cấp được hệ thống thần thuyết của mình. Nhưng bởi tính chất của một đất nước đắm chìm lâu dài vào một nền văn chương rổn rảng, mớ triết lí thu thập ở mức trung bình, với những người chưa từng nghe đến tinh thần thực nghiệm, vẫn hiểu sử như lúc đang bàn sử, nên các trí thức này, hoặc thốt ra những lời bài bác thô lỗ cục cằn, hoặc ba hoa những lí thuyết lạc đề sử sự. Nghe họ nói, viết thấy cứ như người lên đồng trên giảng đường, trước đám quần chúng vô danh trong những cuộc mit tinh chính trị, hay ở tập họp quần chúng vô hình thời đại internet. Không hề gì, họ vẫn hiện diện, đầy uy thế.

    ReplyDelete