Tuesday, December 21, 2010

“Nhân tâm duy nguy”

S.O.S của Nghiêu Thuấn phóng ra.
Xa lắm trong thời gian.
Bốn ngàn ba trăm năm về trước.
Ngàn muôn đời sau nữa phấn phát cấp cứu biết mà được chưa
Ông  Khổng đã ra tay
Công vẫn luống.
Xuống hai ngàn năm sau Vương Dương Minh tiếp báo nguy.
Nguy đến lớp ta đây rất khẩn cấp.
Ai đó tổ chức cứu nhân tâm?
Hay tra cứu tổ chức trước mình
Khuyết đâu bổ đó.

Đó không phải sứ mệnh của tôi.
Tôi chỉ như Cửu Giang Tư Mã thương đĩ bến Tầm Dương, “Cùng một lứa bên trời lận đận”.
Không nghĩ đến Vương Dương Minh ắt tôi sẽ nghĩ đến Spinoza ở Rijnsburg, hay Voltaire ở nước Anh, hay Mme de Stale ở nước Đức, hay Victor Hugo ở đảo Jersey.
Đều là những trang nên sự nghiệp văn chương tư tưởng trong cơn vận kiển thời quai.

Tân Uyên, 22 Octobre 1943
Phan Văn Hùm
(Trích lời “Tựa” cuốn Vương Dương Minh-Thân thế và học thuyết )


+ Nhân tiện, bác Phan Văn Hùm còn có một bài giả nhời phóng vấn về "vấn đề mại dâm" hay đến sững sờ đăng trên Việt Dân ngày 7-4-1934 :))
+Đã nhân tiện thì nhân tiện luôn, bác ấy cũng có một bài viết về "Văn Miếu ở Nam Kỳ" trên Tri Tân, không biết người cần khảo đã khảo được chưa nhỉ? :))


Photobucket

Saturday, December 11, 2010

Thanh lý bệnh cúm





Nhiều năm về trước, một dáng người cô độc đi xuyên qua đám đông khiến tôi nhận ra sự vô vị của chính mình.
Và vài năm sau này, một dáng người cô độc khác giữa đám đông khiến tôi nhận thấy mình hoàn toàn có sức mạnh để đi tiếp, để không buông tay với những gì mà mình đang nắm chặt. (Không khác được, bị ảnh hưởng nặng nề bởi Khiêu vũ với bầy sói, Cô-Gái-Đứng-Với- Bàn- Tay- Nắm -Chặt...đại loại thế. Nhắc mới nhớ, cuốn này biến đâu mất tiêu, từ lâu lắm rồi không còn liếc thấy trên giá sách, hoặc nó chìm lỉm đâu đó giữa tầng tầng lớp lớp bụi phủ ở góc khuất xó xỉnh nào...)


Cô độc+cô độc+cô độc+cô độc = .............


Với vài người, không cần kinh nghiệm, chỉ cần trực giác cũng có thể thấu suốt rất nhiều chuyện.
Hoặc không cần rất nhiều, chỉ cần thấu đủ để biết mình nên làm gì.

À, câu trên chẳng mang tính triết lý triết liếc gì hết. Điều ấy chỉ giống như là  thấy sổ mũi, nhức đầu, hắt xì hơi liên tục thì cứ tự động tìm decolgen hoặc cảm xuyên hương ra uống ấy mà ....!
Ây dô, mùa này, bệnh cúm...!

Chú thích: Ảnh không có tính chất minh họa.

Monday, November 29, 2010

Nhắn những người em yêu (2)



1. Tôi đã từng có một tài khoản trên facebook, nhưng nó đã bị xóa cách đây khá lâu. Ban đầu dưới sự lôi kéo của sư huynh Thiên Hỏa, tôi đã tham gia facebook với mục đích chính là giữ liên lạc với anh em bạn bè và những người bạn đã từng quen trên mạng hồi còn 360 phần lớn giờ đã chuyển sang mạng đó. Thoạt đầu cũng không có vấn đề gì nhưng sau đó tôi phát hiện facebook là cả một sự phiền toái. Những điều riêng tư (thí dụ những bức ảnh chẳng hạn) một đôi lần cứ bị phơi bày trên đó như một cái chợ bất chấp tôi có muốn hay không. Hai năm gần đây, khi tiến dần vào một cuộc sống gần như ẩn dật, tôi có đôi chút thể nghiệm rất khác với trước đây về những điều quý giá của bản thân. Gia đình và những người bạn mà tôi yêu quý, tôi giữ họ lại cho riêng mình và không có ý định chia sẻ họ với bất cứ ai. Những chuyện mà tôi biết về họ chỉ thuộc về riêng tôi. Đó là lí do vì sao hiện tại tôi hoàn toàn không dùng facebook.

2. Tôi có một blog bên wordpress.com sao lưu toàn bộ blog 360 trước đây. Blog đó hoàn toàn không được update và tôi cũng không định update bất cứ thông tin gì trên blog đó. Với tôi “quá khứ đã được dọn dẹp, phơi phóng rồi cất vào ngăn gọn gàng và sạch sẽ…”.

3. Blog duy nhất của tôi chính là blog này, nơi tôi đang chia sẻ những gì tôi đang nghĩ, đang đọc, đang say mê, đang có hứng thú với những người mà tôi (đang) yêu quý (ai mà biết sẽ có chuyện gì xảy ra trong tương lai cơ chứ, he he he). Tôi không bao giờ đùa cợt với những gì [bao gồm cả những người] mà tôi  thích cho dù bản tính của tôi  rất ưa hài hước. Tôi có thể chỉ quan tâm đến những gì (những ai) tôi thích mà sẵn sàng hốt lược tất cả những thứ khác . Điều đó, tin tôi đi, chẳng hay ho thú vị chút nào, nó sẽ khiến bạn phải nhiều phen khốn đốn.

4. Điều cuối cùng, hiện giờ đang là thời khắc thâm canh bán dạ vậy mà người viết những dòng này vì một chuyện hoàn toàn không liên quan đến mình mà tâm tư hỗn tạp, ngủ không ngủ được, làm việc không làm việc được, chẳng biết làm thế nào để chống cự lại với một nỗi buồn suốt cả tuần nay cứ loang dần trong lòng mình như dầu loang trên biển miền Trung. :)

Tuesday, November 23, 2010

Chú thích

1. Trong bài viết in ở phần đầu tập 1 cuốn Minh Thực lục-Quan hệ Trung Hoa-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII (tr.46), anh Phạm Hoàng Quân đã băn khoăn chỉ ra trong quá trình hoàn thiện cuốn sách có một vài trường hợp chú thích chưa được rõ ràng vì đó là những thuật ngữ chuyên ngành, đòi hỏi phạm vi kê cứu rộng mà anh chưa tìm được tài liệu tra cứu như: “thuyền  Đằng Bộ” 藤 步, chiến cụ của quân Lam Sơn có tên gọi “Ô quy ba” 烏龜芭 hay “Lữ (Lã) công xa” 吕公車 (ở đây người dịch phân biệt "Ô quy ba" và "Lữ công xa" là 2 loại chiến cụ khác nhau)…vân vân…Bất cứ ai đã từng dịch tài liệu Hán Nôm đều biết đặc thù của công việc này là “phải chú thích”. Nếu không có chú thích, sẽ không thể hiểu được văn bản. Có những trường hợp văn bản cần dịch chỉ là một bài thơ tám câu, nhưng người dịch phải chú thích đến vài trang. Và nhiều khi để có được một chú thích hoàn thiện, người dịch phải tốn nhiều công phu kê cứu tài liệu. Đối với một tài liệu lịch sử, một văn bản ghi chép tổng hợp nhiều lĩnh vực trong qua khứ như Minh Thực lục, công việc chú thích càng đặc biệt quan trọng. Vì thế, dù tôi luôn cho rằng, nếu có một vài khiếm khuyết nào đó trong khi dịch một công trình như cuốn Minh Thực lục-Quan hệ Trung Hoa-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là chuyện hoàn toàn tất nhiên, thì tôi cũng vẫn đồng cảm với anh Phạm Hoàng Quân khi anh vẫn còn cảm thấy “lăn tăn” về một vài chú thích chưa hoàn thiện.

Thực ra, trong cuốn Vũ bị chí (do Mao Nguyên Nghi đời Minh tập hợp), bản khắc in đời Minh được lưu trữ tại thư viện Đại học Bắc Kinh (Bắc Kinh xuất bản xã cho in lại bản khắc này) có vẽ hình minh họa chính xác “Lữ (Lã) công xa”. Tên gọi đầy đủ của nó là "Lâm Xung Lã công xa". :)

Đây là bản vẽ trong Vũ bị chí.
La cong xa (Vu bi chi)


Bản này do chất lượng scan nên  rất mờ, vì thế tôi có search trên mạng một bản khác rõ nét hơn:


La cong xa

Tôi nghĩ có lẽ gọi là “Lữ công xa” là bởi vì cấu trúc của xe giống như hai chữ khẩu chồng lên nhau(吕)nên có tên gọi ấy? (Tôi chỉ đoán thế thôi trong cuốn Vũ bị chí cũng không giải thích)

Về hàng rào rùa đen “烏龜芭” (Ô quy ba), tôi nghĩ đáng lẽ là 烏龜 thì chính xác hơn. Trong Vũ bị chí cũng có vẽ hình của một vài kiểu “” như: nhạn sí ba, bình phong ba.



Chien cu (Vu bị chi) Chien cu 1 (Vu bị chi)



“Ba” là một tấm phên đan bằng tre chắn phía ngoài của xe. “Ô quy ba” có thể hình dung là: những tấm phên tre đan hình lục giác xen nhau (như hình lục giác trên mui rùa) hoặc là một tấm phên tre đan hình khum như mui rùa. Như thế, “Ô quy ba” không phải là một chiến cụ riêng biệt như các dịch giả đã dịch, nó thực ra là một phần của chiến xa. Vì thế, trong đoạn “Tặc dĩ Xương Giang vi quan quân xuất nhập yết hầu chi địa, đại tập binh tượng, dụng ô quy ba lữ công xa, vân thê lai công” thì “ô quy ba Lữ công xa” là một cụm từ liền nhau với nghĩa là: dùng xe Lữ công (có) phên tre hình mai rùa ….

Vũ bị chí là một cuốn sách tập hợp đầy đủ những kiến thức về chiến tranh như binh pháp, trận pháp có minh họa bằng  các bức vẽ (thí dụ bát quái trận đồ, thực giả hư trận đồ),  thiết quân doanh (Thích Kế Quang phương doanh đồ), luyện bộ binh (huấn luyện cách đặt phục binh), thủy binh, kỵ binh, giáo kỳ… đến các vấn đề về chiến cụ như: chiến xa, chiến thuyền, côn, cung, nỏ, thương, đao, kiếm. Ngoài những công dụng cụ thể của các chiến cụ, trong sách còn có các hình vẽ thể hiện cách sử dụng những vũ khí đó thí dụ như phần “thương pháp” tôi có liếc thấy vài thế tên kêu hơn chuông như: “Dạ Xoa thám hải”, “Thanh long hiến trảo”, “Linh miêu tróc thử”,  “Thái Công điếu ngư”…. Ngay đến chuyện dùng cờ (lá cờ) gì, mỗi loại cờ quy định độ dài ngắn ra sao, mỗi phía Đông, Nam, Tây, Bắc trên cờ có hình gì cũng được quy định rất chi tiết, tỉ mỉ. Ngoài ra sách cũng đề cập đến các vấn đề như phép tắc ban thưởng (chiến công gì thì được ban lễ vật gì), tuyên dương trong quân, những bài văn tế cờ, tế quân…vân vân và vân vân. Nói tóm lại là tất tần tật mọi thứ về chiến tranh. Thi thoảng, từ góc độ sở thích của cá nhân, tôi thích lục lọi đọc những thứ rất giời ơi đất hỡi, như cuốn “Á Phi cổ binh khí đồ thuyết” (nghiên cứu về  binh khí cổ của Châu Á (có một phần viết riêng về Việt Nam) lẫn Châu Phi qua ảnh) hay cuốn Vũ bị chí nêu trên chẳng hạn. Nhưng đọc cho qua thì được, đọc kỹ thì chẳng hay ho chút nào. Những kiến thức mà quá nhiều xảo thuật và nặng tính sát thương sẽ làm tổn hại khí chất “ôn, nhu, đôn, hậu”…của phụ nữ chốn khuê phòng.  He he he. :)) :)) :))

2. Chính vì độ quan trọng của “chú thích” nên với những người thường xuyên phải làm việc với các tư liệu Hán Nôm, sau kinh điển Nho gia, các loại từ điển là vô cùng quan trọng. Ít nhất phải có từ vài chục cuốn từ điển các loại trở lên (tùy thuộc người đó thuộc chuyên môn lĩnh vực gì thì sẽ có từ điển về lĩnh vực ấy). Cách đây khoảng chục năm, sách vở hiếm hoi lại đắt (sách bán ở Xunhasaba thường là giá gốc x 2,5) nên một nhóm anh chị em thân thiết thường chia nhau mua mỗi người một cuốn từ điển khác nhau rồi trao đổi dùng chung (giá cuốn Từ Hải hồi đó (năm 1999) là 550.000 đồng, một chỉ vàng lúc ấy nếu tôi nhớ không nhầm chỉ khoảng hơn 200.000 là cùng). Từ khi internet trở nên thông dụng, tư liệu không còn là vấn đề nữa. Nếu có thời gian, tìm đúng nguồn và sử dụng đủ các từ khóa bạn có thể download free trên mạng khoảng hơn 1000 cuốn từ điển các loại. Trung Quốc họ rất chăm chỉ làm từ điển vì thế bạn sẽ có Hồng Lâu Mộng từ điển, Đường thi từ điển, Tống Từ từ điển, điển cố từ điển, nhị thập tứ sử từ điển, văn học từ điển, hý khúc từ điển, quan chế từ điển, Chư tử bách gia đại từ điển, Thi Kinh giám thưởng từ điển…vân vân và vân vân. Tuy nhiên những cuốn sách dạng scan này chất lượng chỉ thuộc hàng trung bình, có cuốn còn hơi nhòe một tí. Với tôi thì không có vấn đề gì, chỉ cần đọc được nội dung của nó là OK.  

3. Nhắc đến việc tìm tư liệu thông qua từ khóa mới thấy hệ thống thư viện Việt Nam thiệt là  rắc rối phức tạp hết sức. Tôi lấy một ví dụ, cùng một cuốn sách nếu bạn tìm bằng từ khóa “Nho giáo” mà không tìm thấy, bạn hãy thử bằng “Nho học”, không thấy thì lại tìm tiếp bằng “Nho gia”, không thấy nữa bạn lại đổi thành “Khổng giáo”, rồi tìm tiếp nữa bằng “Khổng học”. Đấy là một ví dụ đơn giản nhất. Đại khái thế. Một cuộc chiến cân não thực sự trong một hệ thống quá phức tạp và không đồng bộ.

Tuesday, November 16, 2010

Gian truân người phụ nữ trẻ ly hôn.

Tuổi: 29, gần 30, nhưng nhìn thì như mới 28,5. Nàng hơi hơi (nhấn mạnh chữ "hơi hơi") béo. (Cân nặng? Không, nghiêm túc đấy. Các vị luyên thuyên đấy chứ? Ai lại đi hỏi cân nặng của một người phụ nữ vẫn chưa giảm hết những cân thừa sau khi sinh nở?). Tính tình: nhút nhát (xét cho cùng trước khi ly dị, thế giới của nàng chỉ quanh quẩn bên chồng và con nàng). Tình trạng hôn nhân: vừa ly dị chồng cách đây 8 tháng. Mọi thứ đều có vẻ ổn (nàng xoay xở nuôi con rất khá) trừ vài việc khiến nàng cảm thấy chật vật. Thí dụ như: Gián.  Ok, được thôi, riêng chuyện gián thì nàng đồng ý. Giá có gã đàn ông nào bên cạnh thay nàng đối phó với lũ gián đột ngột xuất hiện lúc đêm khuya bằng một cái di chân bẹp dí thì vẫn tuyệt hơn là tự mình phải chiến đấu với chúng bằng bình xịt côn trùng. Chúng là kẻ thù số 1 của đời nàng. Ọe. Cứ nhắc đến gián là nàng ọe. Nói cho cùng nàng vẫn cần 1 gã đàn ông. Để dành cho việc lắp giá sách trong phòng các con nàng chẳng hạn (những bộ phận lắp ráp của một giá sách nhỏ xinh xinh và bảng hướng dẫn lắp đặt chi tiết khiến nàng luống cuống đến hoảng loạn). Hay là khi phải điền tờ khai thuế cũng thế. Phải tự mình tính toán các con số khiến nàng sợ hãi đến rụng rời. Vì tất cả các lẽ đó, dù thất vọng về người chồng đầu tiên, bố của các con nàng, 2 cô con gái bé bỏng thiên thần, thì giờ đây nàng vẫn quyết định tìm lại cho mình một người đàn ông khác, MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG MƠ của đời nàng. Vâng, nàng tên là Déborah, thường được gọi dưới cái tên  âu yếm  là “des beaux rats” (Bầy Chuột xinh).

Một người phụ nữ trẻ phải đối diện với hệ quả của “hậu ly hôn” . Đằng sau sự nhẹ nhõm khi tự giải thoát mình khỏi một cuộc hôn nhân buồn chán, tự giải thoát mình khỏi một người đàn ông ích kỷ và tẻ nhạt (một người cô (tưởng là) đã yêu từ khi mới mười bảy tuổi), Déborah vấp phải muôn ngàn khó khăn khi hòa nhập lại với nhịp điệu xã hội, một xã hội mà từ lâu cô chỉ đối diện với nó sau lưng chồng. Không chỉ chật vật trong việc kiếm tiền nuôi hai cô con gái, cô còn phải chật vật chiến đấu với sự nhút nhát và tự ti về bản thân. Ngoài Déborah, thông qua các mối quan hệ của cô (những bữa tiệc pyjama hàng tháng với những người bạn gái), muôn mặt hiện trạng của những người phụ nữ có gia đình, đã ly hôn hoặc không kết hôn khác hiện lên rất sinh động. Mỗi một người phụ nữ có những khó khăn của riêng mình mà họ chỉ có thể tự mình đối diện và giải quyết. Có rất nhiều cách để những người phụ nữ chiến đấu chống lại những người đàn ông tồi tệ (những kẻ ghen tuông bệnh hoạn, những kẻ tự cho phép mình được quyền lừa dối, những kẻ độc đoán gia trưởng nhưng thực chất lại là những đứa bé chưa lớn, những kẻ nhẫn tâm bỏ rơi họ đúng vào ngày cưới), những kẻ suýt nữa khiến người phụ nữ tự hủy hoại và giam hãm đời mình trong trầm cảm triền miên. Có rất nhiều cách để những người phụ nữ từng bị tổn thương tạo dựng lại cuộc đời mình đầy tự tin và dũng cảm. Người chồng cũ không khiến Déborah mất niềm tin về đàn ông, nhưng anh ta là một ví dụ hoàn hảo để cô hiểu rằng: anh ta là số nhiều và cô phải thận trọng cho lần thứ hai. Dù không phải là một người phụ nữ tuyệt vời, nhưng cô có quyền lựa chọn cho mình một người đàn ông như cô mong muốn. Lựa chọn nghĩa là gì? Nghĩa là sẽ có sự loại bỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự chủ động. Hành trình tìm lại người đàn ông thứ hai của Déborah đã diễn ra đúng như thế: cô chọn, rồi cô loại bỏ. Cô lại chọn, lại loại bỏ. Cho đến khi cô gặp được người mà cô thấy thích hợp với mình. Trong quá trình sàng lọc ấy, Déborah đã tích trữ thêm nhiều đau đớn, thất vọng, chán ngán, nhưng bất chấp việc cô tiếp tục “tròn” thêm (vì ăn quá nhiều sô cô la trong những cơn trầm uất), cô thực sự “đã trưởng thành”.


Nội dung của cuốn tiểu thuyết không có gì đặc biệt, nếu nó không được kể bằng một giọng văn vô cùng hài hước xen lẫn những đoạn hội thoại quá trắng trợn về đời sống sinh hoạt riêng tư của phụ nữ (e hèm, đọc đỏ cả mặt), và những câu văn đay nghiến RẤT ĐÀN BÀ. Có lẽ sau Nhím thanh lịch, Gian truân người phụ nữ trẻ ly hôn là cuốn tiểu thuyết thứ 2 khiến tôi vừa đọc vừa cười, nhưng lần này là những trận cười không thể kiểm soát nổi, nửa đêm nửa hôm phải úp mặt vào gối mà cười rung cả giường. Trung bình khoảng 1,5 trang/1 trận cười khằng khặc, Không, chả có nữ quyền nữ kiếc, chẳng nữ tính nữ tiếc dính dáng  gì ở đây hết (dù có rất nhiều đoạn mắng mỏ chì chiết đàn ông và tung hô đàn bà một cách rối rít) câu chuyện đơn giản chỉ là cách mà mỗi người (đàn ông hay đàn bà cũng thế) băng qua sa mạc của chính đời mình. “Chỉ có hai cách sống: một là làm như không có điều gì kỳ diệu, hai là coi như tất cả đều kỳ diệu” (Albert Einstein), đấy, câu đề dẫn cho đoạn kết của cuốn tiểu thuyết đã nói như thế đấy, mọi chuyện hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn.   

+Cảnh báo: Những phụ nữ mỏng manh, dịu dàng, nhẹ nhàng, tinh tế (thí dụ như chị gì thích uống cà phê vỉa hè với những lát cắt đu đủ đẹp như một đoạn văn viết tháu) thì nhất quyết không nên đọc cuốn này. Em đã cảnh báo rồi đấy nhé :)

Thursday, November 11, 2010

Kỹ nữ, thương nhân, hải tặc (hải đạo)

Thường xuyên đặt các vấn đề của lịch sử Việt Nam vào trong phạm vi khu vực, nhưng nhìn từ góc độ của những nhân vật bàng tuyến như: kỹ nữ, thương nhân và hải tặc, từ đó tìm đọc những công trình nghiên cứu có liên quan về nhóm nhân vật này là một trong những mối quan tâm dễ chịu của tôi (có những mối quan tâm không hề dễ chịu một chút nào, mỗi lần động đến là “chiến chiến căng căng” như dẫm trên băng mỏng). Cần các luận chứng thuyết phục hơn nữa, nhưng cá nhân tôi luôn cho rằng kỹ nữ, thương nhân, hải tặc là những nhân vật góp phần không nhỏ tạo nên lịch sử của nhiều đô thị ở Châu Á thời trung cận đại.

Hay ở chỗ, cái gì  của Trung Quốc cũng có thể biến thành một bộ phận của “văn hóa”.  Vì thế, họ có khá nhiều công trình về “thanh lâu văn hóa”, nghiên cứu vai trò của các  kỹ nữ và những ảnh hưởng của “môi trường thanh lâu” đối với  lịch sử Trung Quốc nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng như các cuốn  Thanh lâu dữ Trung Quốc văn hóa, Thanh lâu văn học dữ Trung Quốc văn hóa, Thanh lâu văn hóa dữ Trung Quốc văn học nghiên cứu...Trong bộ tùng thư nghiên cứu về lịch sử thành phố Thượng Hải, cuốn Prostitution and sexuality in Shanghai: a social history, 1849-1949  (Bản dịch tiếng Trung: Thượng Hải kỹ nữ: 19-20 thế kỷ Trung Quốc đích mại dâm dữ tính) của Christian Henriot tương đối đặc biệt. Nhà nghiên cứu người Pháp này cho rằng: nghiên cứu lịch sử từ góc độ mại dâm  là một hướng nghiên cứu rất thú vị. Kỹ nữ là những người đứng bên lề nhưng họ lại là đối tượng tiếp xúc với hầu hết mọi giai tầng trong xã hội. Họ đứng ở điểm giao của sự phân chia ranh giới: một bên là một nhóm người bị xã hội vứt bỏ, một bên là xã hội đã cự tuyệt họ và bị họ cự tuyệt. Từ những nghiên cứu rất chi tiết về hoạt động mại dâm (đội ngũ kỹ nữ, quy mô hoạt động, tính kinh tế, và những hoạt động xã hội gắn liền với nghề mãi dâm ở Thượng Hải….),  Christian Henriot cho rằng: chính hoạt động mại dâm đã thúc đẩy tốc độ hiện đại hóa vũ bão ở Thượng Hải từ 1842 đến 1949.

Các công trình nghiên cứu về thương nhân của Trung Quốc tập trung nhiều nhất vào đội ngũ thương nhân thời Minh Thanh: như Minh Thanh thương nhân văn hóa nghiên cứu, Minh Thanh thời đại thương nhân cập thương nghiệp tư bản, Nho gia luân lý dữ thương nhân tinh thần, Trung Quốc cận thế tông giáo luân lý dữ thương nhân tinh thần. Những công trình này nghiên cứu địa vị và ảnh hưởng của thương nhân trong xã hội (đặc biệt là trong xã hội  của những đô thị trung tâm) từ đó cho thấy quy luật phát triển của nền kinh tế phong kiến Trung Quốc. Tính di động của đội ngũ thương nhân  tạo cho họ một vị trí đặc biệt trong sự phát triển của các đô thị Châu Á thời trung đại. Thương nhân chính là cầu nối và là đối tượng trung chuyển văn hóa giữa thành phố này với thành phố khác, thậm chí là từ khu vực này sang khu vực khác. Chính tính di động này cũng đã tạo nên một mối quan hệ cũng rất đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc: thương nhân-kỹ nữ. Không phải tự nhiên mà những câu chuyện về mối tình thương nhân-kỹ nữ  lại chiếm đại đa số trong tiểu thuyết diễm tình Minh Thanh (nhiều hơn cả mối tình Sĩ nhân- kỹ nữ). Nhu cầu đọc của thương nhân và thị dân bình dân đã thúc đẩy sự phát triển của văn học thông tục Trung Quốc dưới thời Minh Thanh. Những cuốn sách được thương nhân mang theo trong các chuyến di chuyển giữa vùng này với vùng khác vô tình đã tạo nên một sự lưu chuyển văn hóa.  Rất nhiều tiểu thuyết diễm tình của Trung Quốc, những cuốn sách viết về tình dục như Tham hoan báo, Nhục bồ đoàn,…thậm chí là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện ở Việt Nam có thể đều qua trạm trung chuyển thương nhân. (Một trạm khác là qua các đoàn đi sứ. Trong sách vở mang về nước, bên cạnh những bộ sách do vua Trung Quốc ban tặng, còn có rất nhiều những sách do các quan lại mua về do sở thích cá nhân. Tuy nhiên nhiều sách cấm đã bị ách lại trong trạm kiểm soát ở biên giới).

Giao thương qua đường biển đem lại lợi nhuận rất lớn nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Một trong những nguy cơ đó là: hải tặc. Trong khu vực, hải tặc Trung Quốc có một vị trí vô cùng quan trọng, chi phối lớn đến hoạt động thông thương trên biển. Nhà nghiên cứu lịch sử Trịnh Quảng Nam (vốn là con cháu của Trịnh Chi Long, một “hải đại khấu” nổi tiếng), vì muốn lật lại vụ án cho tiền nhân nên đã quyết định nghiên cứu về lịch sử cướp biển Trung Quốc. Trong cuốn Trung Quốc hải đạo sử ông đã trình bày lịch sử hình thành và phát triển của hải tặc Trung Quốc, vị trí, vai trò, ảnh hưởng, sự chi phối của lực lượng này đến hoạt động thông thương, thậm chí là cả các hoạt động chính trị tại Trung Quốc và trong khu vực.. “Hải tặc” từ rất sớm đã được chép trong các bộ sử Trung Quốc như Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Tấn thư, Ngụy thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Minh sử cảo, Thanh sử cảo, Tư trị thông giám, Tục tư trị thông giám, Mông Ngột Nhi sử ký, Nguyên sử kỷ sự, Tân Nguyên sử, Minh sử kỷ sự bản mạt, Sùng Trinh trường biên, Minh thực lục, Thanh thực lục, Minh Thanh sử liệu… vân vân và vân vân (chưa kể đến các bộ địa phương chí).. Nghiên cứu về cướp biển Trung Quốc còn có học giả người Nhật Matsuura Akira với cuốn Trung Quốc hải thương dữ hải tặc, bên cạnh đó còn có một loạt những công trình và các luận án nghiên cứu về “hành vi và tổ chức cướp biển Quảng Đông dưới đời Thanh” hay “cướp biển thời Gia Long với sự manh nha của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc) (về kỹ nữ cũng có một chương viết tương tự: “thanh lâu văn hóa với sự manh nha của chủ nghĩa tư bản triều Minh). Riêng ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường đã từng đề cập đến vai trò của cướp biển trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Vấn đề đó, còn có thể tham khảo bài nghiên cứu của Dian H Murray ở đây, qua bản dịch của Ngô Bắc.


Cách đây 1 năm khi tôi đọc Sư tử và rồng, và bây giờ là Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ-Đàng Ngoài thế kỷ XVII của Hoàng Anh Tuấn, cùng với sự xuất hiện của các tầu buôn và các trụ sở thương điếm của người Hà Lan và Anh tại Kẻ Chợ, từ sự bùng nổ của hoạt động mại dâm dọc tuyến sông có sự thông thương với tầu buôn nước ngoài, từ sự phát triển và nhanh chóng lụi tàn của các đô thị hải cảng, tôi đã nghĩ: vậy ở Việt Nam: kỹ nữ, thương nhân và hải tặc có vai trò như thế nào trong sự phát triển của các đô thị trung tâm, nhất là các hải cảng ven biển từ thế kỷ XVII-XVIII? Thực chất có hay không vai trò của họ trong quá trình phát triển ấy?

Thursday, September 30, 2010

Thăng Long ơi!


Hơn chục năm chầy thân lữ khách/ Tháng ngày nhếch nhác với Thăng Long
Hai câu trên thuộc bản quyền của sư huynh Vô công (tục danh Bà Triệu đi cấy (xin các bác nhớ cho là “cấy” chứ không phải là “cày” , không lâu trước đây không biết bác nào đó viết là “Bà Triệu đi cày” đã khiến sư huynh có chút phiền lòng vì nickname đầy nở nang phồn thực của mình đã bị biến thành cái tên đầy tục trần cơ bắp). Trong đám anh em, sư huynh được tôn xưng là tổ sư dòng thơ “hương tiêu” (thường được gọi dưới cái tên “thơ chuối”, là “thơ chuối” chứ không phải “thơ củ chuối”). Như mọi khi, hai câu thơ trên của sư huynh bốc mùi chuối thơm lừng, nhưng ý vị cảm khái khiến cho người ta không khỏi đau lòng gục gặc đầu mà thầm khen là tuyệt bút.:))

Chưa bao giờ lại thấy thương Thăng Long như ...bây giờ.

Vì thế, thương Thăng Long bao nhiêu các bác nên mua sách viết về Thăng Long nhiều bấy nhiêu. Đợt này NXB Hà Nội ra một loạt công trình sách đồ sộ về Thăng Long (mỗi cuốn cỡ từ 1000 trang trở lên) và nhiều cuốn trong số đó rất có chất lượng. Dưới đây là những cuốn nằm trong list của tôi :

  1. Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội, Tuyển tập Địa chí (3 tập), TS Nguyễn Thúy Nga và TS Nguyễn Kim Sơn (đồng chủ trì), NXB Hà Nội (Bác nào đã có cuốn Hà Nội nửa đầu thế kỷ XX của cụ Nguyễn Văn Uẩn thì có thêm bộ này nữa là hoàn bị tư liệu về địa chí Thăng Long từ cổ chí ...cận kim)
  2. Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ-Đàng Ngoài thế kỷ XVII của TS Hoàng Anh Tuấn, NXB Hà Nội. Cuốn này bác nào không mua nhanh thì sẽ hết ngay tắp lự.
  3. Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội, Tuyển tập tư liệu phương Tây, do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ (chủ trì), NXB Hà Nội. Sẽ có một bình luận riêng cho cuốn này.
  4. Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội, Tuyển tập các công trình nghiên cứu văn hóa, PGS.TS Nguyễn Hải Kế
  5. Thăng Long-Hà Nội, Tuyển tập tư liệu văn hiến: Văn bia, PGS.TS Phạm Thùy Vinh
  6. Văn sách thi Đình Thăng Long-Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh và Ths Đinh Thanh Hiếu.
  7. Văn bia Tiến sĩ Quốc tử giám, PGS TS Ngô Đức Thọ
  8. Đông Kinh nghĩa thục và văn thơ Đông Kinh nghĩa thục, PSG.TS Chương Thâu
  9. Di văn thời Tây Sơn trên đất Thăng Long, Hà Nội. PGS Trần Nghĩa.
  10. Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII (3 tập), Hồ Bạch Thảo dịch và chú thích; Phạm Hoàng Quân hiệu đính, bổ chú và giới thiệu; PGS.TS Nguyễn Minh Tường biên tập nội dung.
  11. Gương mặt văn học Thăng Long, suýt nữa thì quên mất cuốn này :)) :)).
Còn nhiều những cuốn khác, nhưng không thuộc lĩnh vực mà tôi quan tâm nên tôi không dẫn ra ở đây. Nhân tiện bác nào quan tâm trang phục Thăng Long thì cũng có một cuốn về trang phục của TS Đoàn Thị Tình (có phải là người cố vấn trang phục cho phim Đường tới Thăng Long?) . Cuốn Từ điển phố phường Hà Nội có lẽ cũng là một cuốn nên có.

Các bác xem chi tiết tại đây


Sunday, September 26, 2010

Triều đại Đinh và Tiền Lê nhìn từ những phát hiện khảo cổ học (2)


+ Toàn bộ những tư liệu báo cáo khảo cổ học và những tấm ảnh chụp dưới đây đều thuộc về Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam. Nếu có ai định trích dẫn lại tư liệu, vui lòng xin ghi đầy đủ nguồn gốc tư liệu.
+ Tôi gửi trong bài viết dưới đây lời cảm ơn chân thành nhất dành cho các cán bộ nghiên cứu của Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam (dù biết rằng có thể các anh không đọc được), những người đã nhiệt tình hướng dẫn kiến thức, chia sẻ thông tin và tư liệu. Em cũng chân thành cảm ơn sư huynh Thiên Hỏa. Vì em cố chấp cho sự “biết” của mình nên đã quấy quả đến sư huynh.
+ Blog này như tôi đã từng nói lập ra chỉ với mục đích chia sẻ với những người bạn thân thiết và yêu quý của tôi những gì tôi “biết” và “muốn biết”. Bài dưới đây chỉ như là một thu hoạch cho sự học hỏi của bản thân mình

Có một điều mà tôi nghĩ những người tranh luận về trang phục thời Đinh, Tiền Lê, và thời Lý trong bộ phim “Đường tới Thăng Long” nên cân nhắc, đó là việc trích dẫn “sử” như thế nào cho hợp lý. Trích dẫn “sử” để làm chỗ dựa thì đúng rồi, “không dựa vào sử thì lấy gì mà nói”, nhưng sử liệu ghi chép bằng văn tự có những hạn chế niên đại nhất định, nếu chúng ta cứ cố dựa vào đó thì chỉ làm vấn đề càng thêm rối rắm. Thí dụ như Đại Việt sử ký toàn thư mà chúng ta có trong tay ngày nay là một bộ sử đã qua rất nhiều lần chấp bút từ Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đến Lê Hy, hơn nữa “sử” Nho gia không phải là “sử” với nghĩa hoàn toàn đơn thuần là “sử liệu”, “sử” thuộc phạm trù liên quan đến giáo hóa, vì thế ai có thể đảm bảo rằng trong số họ không có người hạ bút sửa lại vài chi tiết chép về giai đoạn lịch sử từ thời Lý giở về trước cho nó hợp với chính giáo? Cụ Phan Huy Chú khi soạn thiên “Lễ nghi chí” cho Lịch triều hiến chương loại chí cũng lắc đầu nguầy nguậy mà nói rằng: “Từ đời Lý đời Trần trở về trước mũ áo của vua thế nào không thể khảo cứu được”. Chỉ có vài chi tiết được cụ nhắc đến như: Lê Đại Hành lên ngôi mặc áo long cổn, về sau mặc áo phần nhiều là vóc đỏ, mũ sức trân châu. Quy chế về phẩm phục các quan, thì có chi tiết nói Lê Long Đĩnh “đổi phẩm phục của các quan văn võ theo lối nhà Tống”. (Ngay cụ Phan Huy Chú cũng không dám chắc theo lối nhà Tống là theo như thế nào cho nên cụ chỉ tạm chép một đoạn về phẩm phục quan lại đời Tống để làm tham khảo). Nhà Lý, không có gì cụ thể ngoài một vài chi tiết như Lý Thái Tông chế ra cái mũ “bát giác tiêu dao” mà cụ Phan Huy Chú cũng chịu không khảo được mũ đó thế nào.

Hai bộ sử Việt Nam sớm nhất hiện nay được cho viết dưới thời Trần là bộ Việt sử lượcAn Nam chí lược, cả hai bộ đều còn được lưu trong Tứ khố toàn thư. Nhiều người vẫn cho rằng Lê Tắc tác giả An Nam chí lược là tay sai bán nước, sách ông viết không đáng tin. Tuy nhiên, người Việt cho dù sống ở đâu thì đến khi “nói mớ trong mơ cũng sẽ nói tiếng Việt”, hơn nữa ông ấy đã từng là một người hầu cận bên Trần Thái Tông, làm đến Thị Lang, rồi chuyển sang giúp việc cho Chương Hiến Hầu Trần Kiện nên những ghi chép của ông về “Chương phục” (Áo mão phẩm phục) đời Trần đặc biệt có giá trị (Lưu ý: Phần dịch trong đoạn link về phủ phất, hoa trùng và đại phấn không rõ ràng và thiếu chính xác. Xem ảnh: trừ hai hình bôi vàng thì hoa trùng là hình chim, phấn mễ là hình vòng tròn, phủ là hình cái búa và phất là hình hai chữ "dĩ" úp lưng vào nhau). Các mục khác như “Phong tục”, “Học hiệu”, “Quan chế”, “Hình chính”, “Binh chế” cũng là tư liệu rất có giá trị tham khảo.


Trang trí trên áo



Với triều Đinh và Tiền Lê, nếu chỉ dựa vào những gì mà Tống Cảo mô tả trong chuyến đi sứ sang Giao Châu năm 990 mà tôi đã dịch ở entry trước trên blog này, loại bỏ những câu chữ mang tính chê bai miệt thị, người đọc có thể hình dung một cách tương đối về quang cảnh Hoa Lư thời đó. Tuy nhiên, những ghi chép đó cần phải được bổ sung bằng những chứng cứ thuyết phục khác.

Sau khi đọc toàn bộ những bài viết (bao gồm các báo cáo kết quả khai quật và những bài báo công bố những phát hiện khảo cổ đã đăng trên tạp chí Khảo cổ học) trong tập “Tư liệu khảo cổ học ở Hoa Lư-Ninh Bình” của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tôi có thể tóm tắt sơ qua một vài thông tin chính như sau về thành Hoa Lư thời Đinh-Tiền Lê (Những bức ảnh dưới đây đều là tư liệu thuộc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, được chụp trong đợt khai quật năm 2009-2010 tại di tích Hoa Lư)

  1. Chỉ riêng kiến trúc thành Hoa Lư cũng đã là một công trình thể hiện trình độ tư duy rất cao. Thành Hoa Lư được đặt ngay bên bờ sông Hoàng Long (sông Hoàng Long thời Đinh Lê chứ không phải sông Hoàng Long bây giờ), một con sông lớn có giao thông đường thủy thông suốt ra Bắc vào Nam lên miền núi đều thuận tiện. Nó còn thể hiện trong việc lựa chọn những ưu thế tự nhiên để xây thành (sự che chắn từ những dãy núi đá vôi hiểm trở), cấu trúc thành với diện tích rộng lớn (khoảng 300ha với 2 khu vực Thành Ngoại và Thành Nội) bao gồm nhiều vòng tuyến liên hoàn, những bức tường thành kiên cố đồ sộ nối liền với các dãy núi đá vôi dựng đứng, tường thành có xây gạch bên trong để chống xói lở (gạch đất nung có đúc dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” xen lẫn với gạch “Giang Tây quân”), móng tường thành được gia cố công phu có tính toán (vì những đoạn tường thành được đắp xuyên qua vùng lầy lội nên móng tường thành được đắp xen kẽ giữa những lớp đất là lớp lá và cành cây để chống lún).
  2. Gia cố chống lún Hoa lu 1 Gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên
  3. Những vết tích kiến trúc được tìm thấy trong lần khai quật năm 1998 (như móng trụ kiên cố và những mảng nền kiến trúc lát gạch hoa sen 6 cánh, 8 cánh, 16 cánh, gạch hình chim phượng bay thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ, những đoạn tường gạch, những di vật ngói ống, ngói dẹp mũi lá, ngói mũi sen, những vật liệu trang trí như đầu thú thần, tượng vịt, đài sen….) cho biết vào thời Đinh- Tiền Lê ở đây đã có những kiến trúc (như cung điện, chùa chiền) xây bằng gạch với lòng không gian công trình rộng lớn, được trang trí công phu. Những hoa văn trên gạch lát có hình sen, hình hoa cúc hay hình phượng vờn tinh tế rất có thẩm mỹ.
  4. Gạch lát trang trí hình hoa sen Gạch hoa sen 8 cánh Tường gạch xây
      3. Những cột đá hình bát giác trong đó có 2 cột khắc kinh Phật, một cột trên đó cho biết là do Đinh Liễn, con của Đinh Tiên Hoàng dựng năm 973 là một trong những tư liệu giá trị để tìm hiểu về Phật giáo thể kỷ X.
      4.Việc phát hiện ra vết tích lò gốm, cùng những đồ gốm dòng men trắng, xám nhạt, với hình dáng và chất liệu đặc thù cùa thời Đinh- Tiền Lê cho thấy sự phát triển của nghề gốm ở thời này đã đủ đáp ứng nhu cầu đồ dùng sinh hoạt thường ngày.
    Bình gốm Đinh LêBình gốm Đinh Lê 1


      5. Những di vật đáng chú ý khác được tìm thấy ở đây là các loại xương thú lớn (voi, ngựa, trâu, hổ), những di tích xương, sừng có vết gọt đặt giả thiết ở thành Hoa Lư có dấu vết của những công trường thuộc da, chế tạo đồ xương sừng? Trong những địa danh thuộc khu di tích Hoa Lư ngày nay có những động như động Thiên An Tôn, động Liên Hoa vẫn được người dân tin rằng là nơi các vua nhà Đinh và Tiền Lê nuôi hổ, cọp để trừng phạt tù nhân.
    Do quy mô khai quật nhỏ hẹp, nên những phát hiện khảo cổ tại Hoa Lư chưa được toàn diện và còn nhiều điểm chưa có câu trả lời thỏa đáng nhưng ít nhất nó cũng phác họa lại được diện mạo chung của Hoa Lư thế kỷ X như một thành trì có quy mô rộng lớn, được xây dựng vững chắc, có tầm chiến lược, được quy hoạch khá nghiêm cẩn, có những kiến trúc có tầm vóc xứng đáng với một trung tâm chính trị, quân sự và văn hóa thời bấy giờ.



    Phòng trưng bày hiện vật thời Ngô-Đinh-Tiền Lê tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam

    Friday, September 24, 2010

    Một sử liệu liên quan đến thời đại Đinh và Tiền Lê (1)

    Có một sử liệu rất quan trọng liên quan đến thời Lê Đại Hành, đó là bài sớ trình lên vua Tống sau khi đi sứ Giao Châu năm 990 về của Tống Cảo. Sử liệu này được chép trong “Tống sử” mục “Giao Chỉ truyện”. An Nam chí lược của Lê Tắc cũng có chép lại trong Quyển 3, phần viết về các sứ thần, mục Tống Cảo hành lục. Điều thú vị ở đây là so với bản sớ trong Tống sử, rõ ràng bản trong An Nam chí lược đã được lược bỏ đi một số đoạn và câu chữ, nhất là những câu chữ mang tính chất khinh khi miệt thị của Tống Cảo.

    Xem bản Hán văn của An Nam chí lược tại đây đây
    Xem bản dịch "Tống Cảo hành lục" trong An Nam chí lược ở đây.

    Dưới đây tôi dịch lại nguyên văn bài sớ của Tống Cảo được in trong Tống sử. Nó là sử liệu tương đối gần và tiếp cận với thời Đinh và Tiền Lê hơn so với những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Những đoạn chữ đậm gạch chân trong đoạn dịch là đoạn không được chép trong An Nam chí lược.

    Tong CaoTong Cao 1 “Cuối mùa thu năm ngoái, đến cõi Giao Châu, Lê Hoàn sai Nha nội Đô chỉ huy sứ là bọn Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền và 300 quân đến Thái bình quân[i] để đón. Từ cửa biển đi vào biển lớn, lặn lội sóng gió, trải nhiều sự nguy hiểm. Quá nửa tháng đến sông Bạch Đằng, đi tắt theo một nhánh hải lưu, cứ theo nước thủy triều mà đi. Phàm những bến đỗ ngụ lại có 3 gian nhà tranh, có vẻ mới được sửa sang lại, gọi là “quán dịch”. Đi đến Trường Châu, gần bản quốc, Lê Hoàn phô trương khoác lác, dốc hết chiến thuyền ra, gọi là “diệu quân”. Từ đấy rong thuyền suốt đêm đi đến bờ biển, cách Giao Châu độ 15 dặm có một trạm nghỉ chân 5 gian lợp tranh đề “Mao kính dịch”. Cách thành 100 dặm khua gia súc của dân ra gọi là “quan ngưu”, số gia súc chưa đến một ngàn, nhưng lại nói khoe là 10 vạn. Lại đốc suất dân ở chung với quân lính, mặc áo tạp sắc, chèo thuyền đánh trống reo hò. Núi sát bên thành hư trương cờ trắng, cho đó là bày thế trận. Được một lát đoàn hộ vệ rước Lê Hoàn đến, mở lễ giao nghênh[ii]. Lê Hoàn ghìm ngựa nghiêng người, hỏi thăm Hoàng đế xong, cầm cương đi cùng hàng, lúc ấy lấy trầu cau ra mời, ngồi trên mình ngựa mà ăn, đấy là phong tục mang hậu ý đãi khách. Trong thành không có nhà dân, chỉ có vài trăm khu nhà tre lợp gianh, gọi là quân doanh. Phủ thự trũng hẹp, trên cửa phủ đề “Minh đức môn”

    Hoàn xấu người chột mắt, tự nói rằng năm gần đây vừa mới tiếp chiến với man khấu, rơi từ trên ngựa xuống nên chân bị thương, nhận chiếu nhưng không lạy. Sau khi nhận dụ chỉ thì rải chiếu mở yến tiệc. Lại ra sát mép nước, diễn trò mua vui cho khách. Lê Hoàn đi chân đất cầm gậy tre lội nước xâm cá. Mỗi khi trúng một con thì tả hữu hai bên đều hò reo nhảy múa. Phàm khi yến hội, những người vào dự tiệc đều phải cởi đai áo, mũ mão. Hoàn thường mặc áo hoa văn sặc sỡ hoặc áo màu đỏ, mũ thì lấy trân châu làm trang sức, có khi tự mình hát “khuyến tửu ca” (khúc ca mời rượu), không một ai có thể hiểu lời của bài hát. Thường sai bọn hơn chục người khiêng một con rắn dài vài trượng đến tặng sứ quán, còn nói: “Nếu có thể ăn được thì sẽ làm thịt nó làm cỗ dâng lên”. Lại đóng cũi hai con hổ đem đến tặng, nói để tùy ý quan sát. [Chúng thần] đều từ chối không nhận. Quân lính có 3000 tên, tất cả đều thích trên trán dòng chữ “thiên tử quân”, lương thực thì có lúa đủ dùng hàng ngày, cho vào giã rồi mới ăn. Binh khí thì có cung nỏ, khiên gỗ, thoa thương, trúc thương, [binh khí] rất yếu không thể dùng được.

    Hoàn tính tình thô lược tàn nhẫn, kẻ thân cận đều là bọn tiểu nhân. Cho ở bên cạnh một bọn 50 tên hoạn quan tâm phúc. Thích uống rượu nô đùa, lấy chỉ lệnh làm vui, phàm bọn thuộc quan nào giỏi việc thì cất nhắc thân cận, bọn thuộc hạ xung quanh nếu có lỗi nhỏ cũng giết ngay, hoặc nếu không cũng cho đánh roi từ 100 đến 200 cái. Đám phụ tá nếu có chút gì không vừa ý cũng sẽ phạt trượng từ 30 đến 50 cái, giáng truất làm môn lại, khi nào hết giận lại gọi về cho khôi phục chức cũ. Có một cái tháp gỗ, chế tác thô lậu chất phác, Hoàn mời [bọn chúng thần] lên du lãm.[iii] Đất nơi ấy không có hàn khí, tháng 11 còn mặc áo kép phất quạt".




    [i] Bản An Nam chí lược ghi là Thái Bình châu (Châu Thái Bình), nhưng trong Tống sử Tục Tư trị thông giám thì chép là Thái Bình quân.(Tất cả các chú thích đều của người dịch)
    [ii] Lễ đón tiếp sứ giả ở ngoài thành. Giao: nơi cách xa thành một trăm dặm.
    [iii] Trong Tục Tư trị thông giám, quyển 31, đoạn này còn thêm 1 câu: “Hoàn mởi chúng thần lên du lãm, còn ngoảnh lại nói rằng: Trung Châu các người có tháp này chăng?”. An Nam chí lược cũng có chép câu này.

    Saturday, September 18, 2010

    Lương Khải Siêu phê phán "Sử cũ của Trung Quốc"

    Tiểu dẫn: Nguyên bản Trung văn bài dịch dưới đây được trích ra từ tiểu luận Tân sử học của Lương Khải Siêu in trong cuốn Văn khố kinh điển học thuật Trung Hoa thế kỷ XX- Lịch sử học- Lý luận sử học, do Vu Bái chủ biên, NXB Đại học Lan Châu, năm 2000. Bản Trung văn (giản thể): ở đây. Bản Trung văn (phồn thể): ở đây. Có một chỗ sai trong bản Trung văn này, đó là biệt hiệu của Trịnh Ngư Trọng, phải là chứ không phải là 夹昑. Lưu ý: Những chữ gạch chân trong bài chỉ là sự lưu tâm nho nhỏ của cá nhân người dịch mà không có ý nghĩa đặc biệt nào với nội dung của toàn bài dưới đây.

    SỬ CŨ CỦA TRUNG QUỐC

    Trong các ngành khoa học đang lưu hành ở phương Tây ngày nay, duy sử học là có sẵn của Trung Quốc. Sử học là những kiến thức uyên bác rộng lớn nhất và thiết yếu nhất. Là tấm gương sáng của quốc dân. Là ngọn nguồn của lòng yêu nước. Ngày nay, sở dĩ chủ nghĩa dân tộc ở Châu Âu phát triển, sở dĩ các nước ngày càng tiến đến văn minh, một nửa công lao thuộc về sử học. Nếu đã vậy thì chỉ cần lo lắng nước mình không có cái học ấy, còn nếu như đã có cái học ấy thì quốc dân lẽ nào lại có chuyện không đoàn kết, quần trị lẽ nào lại có chuyện không tiến hoá. Vậy mà tuy cái học ấy của nước ta thịnh hành như thế lại vẫn có hiện tượng như thế kia là nghĩa làm sao? Nay xin nêu lên những chi phái sử học Trung Quốc để làm dẫn chứng mà bàn luận sơ lược về vấn đề đó.
















    Sử học
    1. Chính sử
    (A) Quan thư: còn gọi là "nhị thập tứ sử"
    (B) Biệt sử: như các bộ Hậu Hán thư của Hoa Kiệu, Thục Hán xuân thu của Tập Tạc Xỉ, Thập lục quốc xuân thu, Hoa Dương quốc chí, Nguyên bí sử.. thực chất đều là các thể loại của chính sử.
    2. Biên niên: như bộ Tư trị thông giám.
    3 - Kỉ sự (A) Thông thể như các bộ Thông giám kỉ sự bản mạt, Giáng sử ..
    - Bản mạt (B) Biệt thể như các phương lược bình định nào đó, như bộ Tam án thuỷ mạt…
    4. Chính thư
    (A) Thông thể như Thông điển, Văn hiến thông khảo..
    (B) Biệt thể như Đưòng khai nguyên lễ, Đại Thanh hội điển, Đại Thanh thông lễ…
    (C) Tiểu kỉ như Hán quan nghi…
    5. Tạp sử
    (A) Tổng kí như Quốc ngữ, Chiến quốc sách..
    (B) Tỏa kí như Thế thuyết tân ngữ, Đường đại tùng thư, Minh quý bại sử…
    (C) Chiếu lệnh tấu nghị, các loại khác trong tứ khố….kỳ thực là tạp sử.
    6. Truyện kí
    (A) Thông thể như Mãn Hán danh thần truyện, Quốc triều tiên chính sự lược…
    (B) Biệt thể như ghi chép về các đế hay phả hệ của một người nào đó…
    7. Địa chí
    (A) Thông thể như thông chí của các tỉnh Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư…
    (B) Biệt thể như những sách kỉ hành …
    8. Học sử như Minh Nho học án. Quốc triều Hán học sư thừa kí…
    9. Sử học
    (A) Lí luận như Sử thông, Văn sử thông nghĩa…
    (B) Sự luận như Lịch đại sử luận, Độc thông giám luận..
    (C) Tạp luận như Chấp nhị sử trát kí, Thập thất sử thương các..
    10. Phụ dung
    (A) Ngoại sử như Tây Vực đồ khảo, Chức phương ngoại kỉ..
    (B) Khảo cứ như Vũ Cống đồ khảo…
    (C) Chú thích như Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi..


    Tất cả là 10 chủng và 22 loại .

    Thử giở bộ Tứ khố, quyển quyển chất chồng mênh mang như khói biển, trong số ấy sách sử học không phải đã chiếm đến 6, 7 phần hay sao? Đời trước thì có Thái Sử công[i], Ban Mạnh Kiên[ii] , đời sau thì có Hoa Thu Phàm[iii], Triệu Âu Bắc[iv], số sử gia nổi tiếng, không dưới hàng trăm. Sự phát đạt của cái học ấy, hai nghìn năm đều nằm ở họ. Nhưng vẫn chỉ là rập khuôn thủ cựu, một giuộc như nhau, chưa từng nghe có chuyện khai mở sử giới, khiến cho công đức của cái học ấy phổ cập đến quốc dân. Tại sao vậy? Tôi suy nguồn gốc tật bệnh của nó thì có 4 nguyên nhân lớn.
    -Một là chỉ biết triều đình mà không biết đến quốc gia. Bọn ta thường nói: nhị thập tứ sử không phải là sử mà chỉ là gia phả của 24 họ mà thôi. Lời nói ấy dường như hơi quá đáng, nhưng dựa theo tinh thần của người viết sử thì thực tế vốn chẳng sai ngoa. Sử gia nước ta cho rằng thiên hạ là thiên hạ của một ông vua, cho nên mới vì ông ta mà viết sử, chẳng qua chỉ thuật những chuyện như: triều đại ấy làm thế nào mà được thiên hạ, làm thế nào mà trị thiên hạ, làm thế nào lại mất thiên hạ. Bỏ qua lề lối ấy thì chưa từng nghe thấy vậy. Người xưa nói: Tả truyện là "tương chước thư"[v], lẽ nào chỉ có Tả truyện, ngay như Nhị thập tứ sử, thật sự đáng được gọi là một bộ "tương chước thư" lớn vô tiền khoáng hậu trên trái đất. Tuy rằng Tư Mã Ôn Công hiền tài nhưng sách Thông giám do ông làm chẳng qua cũng chỉ là để được bậc quân vương duyệt lãm (những bàn luận của ông ta không lời nào không thành khẩn khuyến cáo bậc quân chủ). Đại khái những người viết sử từ trước tới nay đều lấy tư cách là bề tôi của vua tại chốn triều đình mà viết sử, chưa từng có một cuốn sách nào vì quốc dân mà viết vậy. Cái tệ lậu lớn nhất của nó ở chỗ không biết phân biệt triều đình với quốc gia, cho rằng nếu vứt bỏ triều đình thì không còn quốc gia nữa. Cho nên mới có cái gọi là cuộc tranh luận chính thống quốc thống, có cái gọi là bút pháp “đỉnh cách” [vi] trước sau. Thí dụ như các bộ Tân Ngũ đại sử của Âu Dương, Thông giám cương mục của Chu Tử ... Hôm nay đạo tặc, ngày mai thánh thần, A là thiên mệnh, B là tiếm nghịch, thật giống như dòi nhặng mổ phân, tranh cay giành ngọt; chẳng khác nào Tồ công ban hạt dẻ, biện bác “bốn ba”[vii]. Tự lừa mình, dối người, như thế thật là quá lắm. Tư tưởng quốc gia của Trung Quốc ta đến nay vẫn không thể hưng khởi, sử gia hàng nghìn năm há có thể chối bỏ lỗi lầm của họ chăng!
    - Hai là: chỉ biết có cá nhân mà không biết có quần thể. Lịch sử là vũ đài của những bậc anh hùng. Bỏ anh hùng không còn lịch sử, nhưng lẽ nào sử Châu Âu lại không đặt nặng vấn đề nhân vật hay sao? Tuy nhiên, người viết sử giỏi là lấy nhân vật là tài liệu cho lịch sử, chưa từng nghe lấy lịch sử vẽ chân dung nhân vật; lấy nhân vật đại diện cho thời đại, chưa từng nghe lấy thời đại quy thuộc (phụ thuộc) vào nhân vật. Sử Trung Quốc là bản kỉ, liệt truyện, từng thiên từng thiên, như đá trên bờ biển, chằng chịt lộn xộn. Như thế khác nào là tập hợp của vô số những tấm bia trên mộ chí lại mà thành. Chỗ quý của sử là từ chỗ kể về sự cùng giao thiệp, cùng đấu tranh,cùng đoàn kết của một nhóm người mà có thể thuật lại trạng thái an định sinh hoạt sản xuất đồng thể tiến hóa của nhóm người đó, khiến cho độc giả sau này từ đó mà nảy sinh lòng yêu “quần thể”, thích “quần thể”. Sử gia ngày nay phần lớn là loài cá giếc[viii], chưa từng thấy một ai có nhãn quang có thể nhìn ra những điều đề cập ở trên. Vì thế nên sức mạnh quần thể, trí tuệ quần thể, đạo đức quần thể của dân nước ta mãi mãi không nảy sinh, và cuối cùng cũng không thể nào thành lập được “quần thể”.
    - Ba là, chỉ biết sự tích đã qua mà không biết việc ngày nay. Trong việc viết sách quý ở tôn chỉ, người viết sử đem bao chuyện của người đã chết thuật lại để làm bia kỉ niệm chăng? Đem bao nhiêu chuyện đã qua viết lại để làm kịch hát chăng? Đương nhiên không phải vậy. Là muốn cho người đời nay soi nó, xét nó, cho đó là dụng ích kinh bang tế thế. Sử Châu Âu, càng những thế kỷ gần mình càng ghi chép rõ ràng. Trung Quốc không như vậy, nếu không phải là đã thay tân đổi cựu, thì không thể có lịch sử của một triều đại. Điều ấy không chỉ quy định cho riêng chính sử mà thôi, bất cứ thể loại nào cũng vậy. Cho nên Thông giám của Ôn công cũng bắt đầu từ thời Chiến quốc mà kết thúc ở thời Ngũ đại. Nếu như vậy, giả như có triều đại nào từ nay về sau mãi mãi không thay họ, thì sử không phải sẽ tuyệt hẳn hay sao? Giả như Nhật Bản hàng nghìn năm nay chỉ chung một hệ, lẽ nào vì không được tính là đối tượng của sử cho nên không tồn tại nước ấy hay sao? Thái Sử công viết Sử kí thẳng đến "Kim thượng bản kỉ", hơn nữa những ghi chép của ông không ít những ẩn húy, đó là thiên chức của sử gia vậy. Chính thể chuyên chế đời sau càng ngày càng tiến bộ, thì học phong dân khí càng ngày càng hủ bại, mạt lưu của nó đến ngày nay là cùng cực. Suy chỗ khởi phát của nguồn bệnh, thực nguyên do đều vì lịch sử bị cho là đối tượng chuyên thuộc của triều đình, ngoài triều đình ra không có chuyện gì đáng để ghi chép. Nếu không vậy, dù có kiêng húy triều đình thì chuyện của dân gian, những việc đáng được ghi chép không phải cũng rất nhiều sao? Tại sao lại không chép những việc ấy? Ngày nay bọn ta muốn nghiên cứu sự thật hai trăm sáu mươi tám năm gần đây, rốt cục không có một cuốn sách nào có thể làm chỗ dựa. Nếu không phải những lời phô trương cũ rích của văn thư quan trường thì cũng là những thuyết bia miệng thực hư đồn đại. Có lúc mượn nhờ trước thuật của người ngoại quốc, dòm trộm khảy móng tay của họ, nhưng người của nước A luận việc của người nước B, ví có nêu lên hàng trăm cũng không được một, huống hồ nước ta lại đóng cửa không qua lại với nước ngoài! Cho nên bọn ta phải ở chốn đường cùng. Có câu rằng: “Biết xưa mà không biết nay, gọi là "lục trầm"[ix], cái tội "lục trầm" của dân nước ta, thực đúng là thây xác của sử gia gây nên vậy.
    - Bốn là biết có sự thật mà không biết có lí tưởng. Thân thể của con người là sự kết hợp của hơn 40 nguyên chất mà thành. Kết hợp không thiếu một thứ gì mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân, phủ tạng, da, gân, khớp xương, tuần hoàn máu, tinh quản, như vậy thì có thể gọi là con người chăng? Chắc chắn không thể. Tại sao thế? Vì không có tinh thần. Vậy tinh thần của sử là gì ? Là lí tưởng mà thôi. Trong một nhóm lớn có nhóm nhỏ, trong đại thời đại có tiểu thời đại, giữa sự liên kết nhóm này với nhóm kia, giữa sự tiếp nối thời đại này với thời đại kia, đều có tin tức trong đó, có nguyên lí trong đó, người viết sử nếu như có thể khám phá ra điều đó, biết được vì nguyên nhân kia mới sinh ra kết quả ấy, soi xét những tấm gương lớn của thời quá vãng, thị phạm cho phong trào của tương lai, như thế thì sách của họ mới có ích cho thế giới. Sử của Trung Quốc ngày nay, vẫn ngây ngô viết: ngày ấy có việc A, ngày ấy có việc B, còn vì sao lại có cái việc ấy, nguyên nhân xa nằm ở đâu, nguyên nhân gần ở chỗ nào cũng không thể nói được. Rồi ảnh hưởng của việc ấy đối với việc khác hoặc sau này như thế nào, là kết quả tốt hay kết quả xấu, cũng không thể nói được. Cho nên sách sử chất chồng đều như tượng sáp, không có sinh khí. Đọc mà uống phí tâm trí chính là sử Trung Quốc, không phải là thứ có ích cho dân trí mà là thứ làm hao tổn dân trí vậy.

    Bốn điều kể trên chính là trình độ học thức của sử gia hàng nghìn năm nay. Vì bốn điều ấy bị che lấp nên mới sinh ra hai bệnh:
    - Thứ nhất, có thể trực tả tường tận tỉ mỉ mà không biết cân nhắc thủ xả. Herbert Spencer viết: “Ví như có người kể rằng: con mèo nhà hàng xóm ngày hôm qua sinh được một con. Lấy sự thực để kể sự thực. Nhưng có ai lại không biết đó là một sự thật vô dụng? Tại sao vậy? Việc ấy chẳng can hệ gì với việc khác, cũng chẳng có một chút ảnh hưởng nào với hành vi trong đời sống của con người chúng ta. Thế mà những sự tích trong lịch sử, loại như thế có rất nhiều, suy từ cái lệ lấy đọc sách để quan sát vạn vật thì có thể hiểu ngay được". Đó là Spencer giáo huấn người ta phương hướng để viết sử và đọc sử vậy. Sử gia thời cổ của phương Tây chắc chắn không tránh khỏi điều ấy mà Trung Quốc về mặt này ắt càng thậm tệ. Ngày nào nhật thực, ngày nào động đất, ngày nào sách phong hoàng tử, ngày nào bậc đại thần nào mất, ngày nào có chiếu thư, tràn giấy đầy trang đều là những sự thực như chuyện “mèo hàng xóm sinh con”. Thường có khi đọc trọn vẹn cả quyển mà không có được một lời nào có giá trị với trí não. Tựu trung như sách Thông giám, chuyên chú thảo soạn mười chín năm, việc giám biệt lựa chọn đáng được gọi là tinh thiện nhất, nhưng ngày nay dùng con mắt đọc sử phương Tây để đọc, cảm thấy chỗ hữu dụng của nó chẳng qua cũng chỉ được hai ba phần mà thôi (tấu nghị ghi chép trong Thông giám quá nhiều, đại khái vì sách này được làm ra để chuyên cùng cứu việc của vua, bọn ta ngày nay đọc bộ ấy thật hiềm cho sự thừa thãi của nó), những bộ sách khác càng không cần luận đến. Đến như loại sách Tân Ngũ đại sử tự mệnh danh là những ghi chép độc đáo, thực ra chỉ là đem lọc bỏ những việc lớn, mà chỉ giữ lại những chuyện như “mèo hàng xóm sinh con”, chỗ đáng chán của nó không phải càng thậm tệ hay sao! Cho nên ngày nay muốn sửa đổi sử học Trung Quốc, thật buồn bực vì không biết phải động thủ từ chỗ nào. Nhị thập tứ sử, Cửu thông, Thông giám, Tục thông giám, Đại Thanh hội điển, Đại Thanh thông lễ, Thập triều thực lục, Thập triều thánh huấn, những bộ sách ấy đều không thể không đọc. Không đọc một quyển trong số đó, thì e sẽ rò rỉ nhiều việc chính. Nhưng nếu đọc trọn vẹn số sách ấy, ngày đọc mười quyển, nếu không phải ba, bốn mươi năm thì không thể hoàn thành vậy. Huống hồ, chỉ đọc những sách ấy thì nhất quyết không thể đủ dùng, thế nên không thể không đọc sơ lược từng quyển một trong 10 chủng và 22 loại đã kể ở trên (những ghi chép trong tạp sử, truyện chí, trát kí, thường có chỗ hữu dụng hơn chính sử. Tại sao lại như vậy? Những sách ấy thường ghi chép phong tục dân gian, không giống như chính sử chuyên viết gia phả về các bậc đế vương). Người ta sống trên đời thọ được bao lâu? Sao có thể kham nổi việc đó? Cho nên tri thức sử học Trung Quốc chúng ta không thể phổ cập, đều là do không có một lương sử giỏi ghi chép những việc riêng biệt vậy.
    - Thứ hai, có thể rập khuôn mà không thể sáng tạo. Mọi việc của Trung Quốc đều tuân thủ chủ nghĩa "thuật nhi bất tác" (noi theo mà không sáng tạo) mà sử học chính là một trong những đầu mối của chủ nghĩa ấy. Xét kĩ trong số sử gia hai nghìn năm lại đây, những người có tài sáng tác duy chỉ có 6 người:
    Một là Thái Sử công, xứng đáng là vị chúa sáng thế của giới sử học. Sách của ông cũng thường có tư tưởng quốc dân, như Hạng Vũ mà được liệt vào hàng "bản kỉ"; Khổng Tử, Trần Thiệp mà được xếp vào hàng "Thế gia"; Nho lâm, du hiệp, thích khách, thợ thủ công, thương buôn … làm nên "liệt truyện", trong đó đều có thâm ý cả. Cách lập truyện của ông đại thể đều ở chỗ thời đại phải quan hệ tới con người. Sự bắt chước vụng về của hậu thế thì chỉ là viết càn mà thôi.
    Hai là Đỗ Quân Khanh[x]. Làm Thông điển không ghi chép sự kiện mà ghi chép chế độ. Chế độ có quan hệ đến toàn thể quốc dân, có khi còn quan trọng hơn sự kiện lịch sử. Trước đây chưa từng có chuyện đó, là do họ Đỗ sáng lập mà ra, tuy sự hoàn bị của nó không sánh được với Thông khảo nhưng công sáng tạo, họ Mã sao giám so với họ Đỗ[xi]?
    Ba là Trịnh Ngư Trọng[xii], những tri thức lịch sử của Giáp Tế[xiii] đúng là thiên cổ trác tuyệt, mà chữ “sử tài”[xiv] không đủ để ca ngợi ông. Sách Thông chí-Nhị thập lược của ông, lấy suy luận phán đoán làm chủ, lấy ghi chép làm phụ, thật là tỏa rạng hào quang cho sử giới Trung Quốc. Đáng tiếc ông bị vây hãm trong phạm vi của Thái sử công, bảy tám phần là dùng kỷ truyện, lấp đầy toàn sách, trùng điệp chất chồng, thực là một tì vết về đại thể.
    Bốn là Tư Mã Ôn công, Thông giám cũng là một đại văn của trời đất, kết cấu đồ sộ, lựa chọn tài liệu phong phú, khiến cho kẻ hậu thế muốn trước tác thông sử thì không thể không dựa vào đó làm tài liệu đối chứng, nhưng đến nay rốt cục vẫn chưa từng có bộ sách nào có thể vượt qua bộ đó. Ôn công cũng là một vĩ nhân vậy.
    Năm là Viên Khu. Sử phương Tây ngày nay nói chung đều theo thể kỉ sự bản mạt. Mà thể này ở Trung Quốc, thực chất là do Viên Khu sáng lập nên, công lao của ông trong sử giới cũng không nhỏ. Nhưng cuốn Thông giám kỉ sự bản mạt do ông trước tác không hiện lên được mối tương quan phụ thuộc giữa sự kiện này với sự kiện khác, mà chỉ muốn tìm ra nguyên nhân kết quả của sự kiện đó, chẳng qua chỉ là phương tiện pháp môn để đọc Thông giám, trước tác ra bộ ấy cũng chỉ là sao chép hộ mà thôi. Tuy là sáng tác, nhưng thực chất chỉ là sáng tác một cách vô ý thức. Cho nên sách của ông ta chẳng qua chỉ là một bộ phụ dung cho cuốn Thông giám, không thể có ích đặc biệt gì cho độc giả.
    Sáu là Hoàng Lê Châu[xv]. Hoàng Lê Châu viết Minh Nho học án, sử học chưa từng thịnh về ghi chép học nghiệp. Trung Quốc hàng nghìn năm, duy chỉ có lịch sử chính trị, mà chưa từng có lịch sử về những vấn đề khác. Lê Châu là người sáng tạo ra cách thức ghi chép lịch sử học thuật, khiến cho người đời sau có thể học theo cái ý của ông mà làm thành lịch sử văn học Trung Quốc, làm thành lịch sử chủng tộc Trung Quốc, làm thành lịch sử tài nguyên Trung Quốc, làm thành lịch sử tôn giáo Trung Quốc. Những loại sử ấy, số lượng của nó nhiều biết bao nhiêu? Lê Châu viết xong Minh Nho học án, quay trở lại viết Tống Nguyên học án, chưa viết xong thì đã mất. Giả sử nếu thêm được mười năm nữa, có lẽ sẽ có những bộ sách đồ sộ như Hán Đường học án, Chu Tần học án cũng chưa biết chắc. Lê Châu thực sự là một vị anh hùng trong giới tư tưởng nước ta.

    Ngoài 6 vị quân tử ấy (Viên Khu thực chất không thể liệt vào số họ) thì còn lại đều là những kẻ tầm thường cả, chỉ là dựa hơi người khác mà làm nên việc. Từ Sử kí trở về sau, có 21 bộ sách đều khắc họa theo Sử kí, từ Thông điển trở về sau thì có 8 bộ sách đều mô phỏng Thông điển. Sao lại phải lệ thuộc vào những bộ đó quá mức đến nhường ấy? Cũng như trong âm nhạc chỉ có mỗi đàn cầm đàn sắt, thì ai còn muốn lắng nghe[xvi]? Cũng vì duyên cớ ấy mà vừa mới đọc sách đã liền muốn ngủ, cho nên tư tưởng sở dĩ không tiến lên được là vậy.

    Kết hợp cả sáu tệ nạn ấy, hậu quả mà nó để lại cho độc giả, thửa có 3 điều: Thứ nhất là khó đọc. Sách sử mênh mông như khói biển, trọn đời cũng không đọc hết, điều này ở đoạn trên đã nói. Thứ hai là khó phân biệt và lựa chọn. Nếu như có một ngày nghỉ, có tính nhẫn nại, đọc khắp các sách cần phải đọc, nhưng nếu không có một nhãn quang cực kỳ mẫn cảm, một học thức cực cao cường, thì sẽ không thể phân biệt và lựa chọn được cái nào là ích dụng, cái nào là vô dụng, uổng phí cả thời gian lẫn tâm trí. Thứ ba là không có cảm xúc. Tuy đọc hết tất cả các bộ sử thư, nhưng chưa từng có bộ sử nào đủ để khích lệ lòng ái quốc của người đọc, đủ để đoàn kết sức mạnh của quần chúng, đủ để đáp ứng được với thời thế của ngày hôm nay mà đứng cùng muôn nước. Thế nên sử học nước ta, bề ngoài tuy rất phát đạt nhưng không thể như quốc dân các nước Âu Mỹ thực sự nhận được lợi ích từ sử học, tất cả đều vì những nguyên do kể trên mà thôi..

    Ngày nay muốn đề xướng chủ nghĩa dân tộc, khiến cho bốn vạn vạn đồng bào nước ta đứng vững mạnh trong thế giới ưu thắng, yếu bại này thì phải làm thế nào đây? Thế thì một khoa sử học nước ta, không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, hiền, ngu, bất tiếu, phải khiến cho tất cả mọi người làm bất cứ việc gì khi nhìn thấy sử thì đều như kẻ đói cơm khát nước, một khắc cũng không dung hoãn. Nhưng đọc khắp hàng vạn quyển sách vở ghi chép trong thư khố, quyển nào có đủ tư cách để nuôi dưỡng ước muốn đó của ta, đem đến cho ta nhu cầu đó, hầu như không có một quyển nào. Hỡi ôi, nếu không làm một cuộc cách mạng trong giới sử học thì nước ta không thể cứu được nữa. Muôn việc mênh mông duy có việc này là lớn nhất. Viết Tân sử học, có phải chăng vì ta thích sự khác lạ? Ta chỉ là bất đắc dĩ mà thôi.

    Quách Hiền (dịch):
    "Dịch Tân sử học, có phải vì tiểu nữ rảnh rỗi mà bới việc ra chăng? Tiểu nữ cũng chỉ là bất đắc dĩ mà thôi" :))

    [i] Thái Sử công: Tức Tư Mã Thiên. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên tự gọi mình là Thái Sử công (Tất cả những chú thích trong bài này đều của Người dịch)
    [ii] Ban Mạnh Kiên: tức Ban Cố , một nhà sử học nổi tiếng thời Đông Hán.
    [iii] Hoa Thu Phàm: tên là Nguyên, tự là Thu Phàm, là trạng nguyên đồng thời cũng là một tài tử nổi tiếng đời Thanh. Ông cũng đạt được nhiều thành tựu ở mọi phương diện như chính trị, quân sự, văn học và khảo chứng học.
    [iv] Triệu Âu Bắc: tức Triệu Dực (1727-1814), một nhà văn, nhà sử học nổi tiếng đầu đời Thanh. Ông đậu tiến sĩ đời vua Càn Long thứ 26. Ông là tác giả cuốn: Chấp nhị sử trát ký . Cuốn này cùng với Thập thất sử thương các của Vương Minh Thịnh và  Nhị thập nhị sử khảo dị của  Tiền Đại Hân được xem là 3 tác phẩm sử học nổi tiếng. 
    [v] Tương chước thư: sách ghi chép về việc chém giết lẫn nhau. Tả truyện sở dĩ ghi chép truyện chinh phạt xâm chiếm lẫn nhau hàng trăm năm cho nên gọi là “tương chước thư”.
    [vi] Đỉnh cách: Chỉ sự thay cũ đổi mới, thường dùng để chỉ sự thay đổi triều đại.
    [vii] Nguyên văn chữ Hán: 狙公赋茅, 朝三暮四, một điển trong sách Trang tử -Tề Vật luận. Xưa có Tồ công rất thích khỉ, nuôi cả một bầy, ông ta rất hiểu ý bầy khỉ mà bầy khỉ thì cũng rất hiểu ý ông ta. Tồ Công thường lấy lương thực trong nhà ra nuôi chúng. Không lâu sau, thực phẩm khan hiếm , sợ lũ khỉ không nghe lời mình nữa, vì thế trước tiên ông lừa chúng nói rằng: “Cho chúng mày hạt dẻ, sáng ba đấu chiều bốn đấu, đủ chứ?” Lũ khỉ nghe xong đều nhảy lên tỏ ý tức giận. Lát sau, Tồ Công lại nói: "Cho chúng mày hạt dẻ, sáng bốn đấu chiều ba đấu, đủ không”. Bọn khỉ đều tỏ ý vui mừng. Ở đây Lương Khải Siêu muốn nói đến tính phản phục vô thường trong lối viết sử cũ của Trung Quốc.
    [viii] Tức lư: Cá giếc mắt đỏ, ý nói người không có tầm nhìn rộng.
    [ix] Câu này nguyên văn là của Vương Sung trong Luận hành-Tạ đoản. “Lục trầm” trong trường hợp này chỉ sự ngu muội cố chấp, không hợp với thời thế.
    [x] Đỗ Quân Khanh: tức Đỗ Hựu (735-812), một vị tể tướng, một nhà sử học đời Trung Đường
    [xi] Họ Mã: tức Mã Đoan Lâm (1254-1323), tác giả bộ Văn hiến thông khảo.
    [xii] Trịnh Ngư Trọng: tức Trịnh Tiều (1104-1162), nhà sử học đời Tống.
    [xiii] Người đời xưng tụng Trịnh Tiều là Giáp Tế tiên sinh.
    [xiv] Sử tài: tài nghệ viết sử. Lưu Tri Cơ đời Đường cho rằng một sử gia phải có 3 thế mạnh: sử tài, sử học, sử thức.Sau này Chương Học Thành đời Thanh thêm vào một thế mạnh nữa là “sử đức”.
    [xv] Hoàng Lê Châu: Tức Hoàng Tông Hy (1610-1695), một nhà kinh học, nhà sử học, nhà tư tưởng học, nhà địa lý học, và thiên văn học nổi tiếng cuối đời nhà Thanh.
    [xvi] Câu này lấy ý trong Tả truyện-Chiêu công nhị thập niên đoạn Yến Tử bàn về sự khác nhau giữa “hòa” và “đồng”. “Cầm sắt chuyên nhất, thùy năng thính chi”. Ý muốn nói, chỉ dùng một loại nhạc khí, một loại âm sắc để chơi nhạc, đó là “đồng”, nhưng thứ âm nhạc buồn tẻ đó, ai có thể nghe được? Vì thế cần phải dùng đến ‘bát âm” phối hợp với nhau để tạo nên những giai điệu hài hòa. Ở đây Lương Khải Siêu muốn nói, lối viết sử rập khuôn mòn sáo của sử cũ Trung Quốc chẳng khác nào một ban nhạc chơi duy nhất một thứ nhạc cụ là đàn cầm, đàn sắt, thật khiến người ta chán tai và buồn ngủ.