Ông Cố Hiệt Cương có một quan niệm về cổ sử Trung Quốc rất chi là khó dịch, đại ý nói rằng: cổ sử được tạo nên từ tầng tầng lũy lũy các lớp văn bản. Nghĩa là, giai đoạn lịch sử nào càng xa với chúng ta thì diện mạo thực sự của lịch sử giai đoạn đó càng dễ bị vùi lấp bởi sử của đời sau rồi đời sau, đời sau nữa nữa của nó. Lấy một thí dụ thế này, Đại Việt sử ký toàn thư thực ra là một tập đại thành của sử gia nhiều đời, từ Lê Văn Hưu đời Trần, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh thời Lê sơ cho đến nhóm Lê Hy đời Lê trung hưng, tính ra phải mất khoảng hơn 400 năm để soạn thảo,bổ sung, chỉnh lý, nhuận sắc mới có được bộ sử như ta vẫn dùng ngày nay. Người 400 năm sau chép việc của người 400 năm trước đã là một việc khó, huống hồ lại chép đến tận thời viễn cổ mơ hồ xa tít mù khơi, chỉ cần nếu có một chi tiết nào đó bị hiểu sai đi, thì sự thật đích thực ấy sẽ bị chôn lấp bởi tầng tầng lớp lớp sự thật (bị hiểu nhầm) khác của sử gia đời sau. Tôi thường nói đùa một cách nghiêm túc rằng: khi đọc sử phải luôn luôn cảnh giác vì đằng sau sự thật lại có một sự thật khác.
Cứ tạm gác những quan điểm về cổ sử của sử gia hai miền Bắc-Nam giai đoạn trước 1975 sang một bên, chỉ cần đơn cử cuộc bút chiến giữa “Đối thoại sử học” và “Thực chất Đối thoại sử học” -một cuộc bút chiến giữa những nhà nghiên cứu sử học cùng dòng- ít nhất cũng đã dồn sử học chính thống đương đại phải đối diện với nhiều câu hỏi khó, và quả nhiên, giai đoạn lịch sử nào càng mù mờ thì càng dẫn đến nhiều tranh cãi: thí dụ như lịch sử giai đoạn Hùng Vương, thí dụ như những nghi vấn xung quanh các nhân vật lịch sử thời Quang Trung…vân vân và vân vân. Khoan hẵng nói đến chuyện Hùng Vương, (để khi nào thực sự rảnh rang (mà em ngờ rằng là khó có dịp như thế lắm) em sẽ tổng kết cho các bác một chuyên đề ly kỳ xung quanh câu chuyện Hùng Vương, một câu chuyện dài ngung ngoăng và chưa có hồi kết), ở thời gần hơn chút đỉnh, thời Đinh, Tiền Lê, là thời ít ra còn có thể chứng thực thì những ghi chép trong các bộ sử cũng rất ít, chưa đủ để dựng nên diện mạo lịch sử giai đoạn ấy, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn các bác đến “cuộc chiến mũ áo khốc liệt” nhân trường hợp bộ phim “Đường tới thành Thăng Long” dịp đại lễ 1000 năm vừa rồi.
Giai đoạn Ngô, Đinh, Tiền Lê sắp tới có lẽ sẽ là một giai đoạn bùng nổ các cuộc tranh cãi. Tại hội thảo về Khuông Việt đại sư vừa diễn ra vào trung tuần tháng 3, một nhóm tác giả tuy nói rằng chỉ là những ý kiến "gợi mở" nhưng thực chất đã “thẳng tay” đẩy Đường Lâm “xứ 2 vua” về Ái Châu (Thanh Hóa) (Nhóm tác giả phản hồi: đây là bản chưa chính thức. Chúng tôi sẽ update bản chính thức sau khi có được thông tin) và ngờ rằng Đường Lâm Sơn Tây chỉ là “kết quả” của sử gia thế kỷ XIX (link mới update). Sẽ phải nhìn lại rất nhiều chuyện, trong đó có cả chuyện 12 sứ quân. Quả là một sự xáo trộn ồn ào. Nếu như nhóm tác giả Đường Lâm Ái Châu tiếp tục đưa thêm được nhiều dẫn chứng chắc chắn hơn nữa (những dẫn chứng trong tham luận tôi thấy là có cơ sở nhưng chưa đủ) thì nhiều cuốn sách sử sẽ phải viết lại và sắp tới dân Đường Lâm Sơn Tây sẽ "ứng xử" ra sao khi bị tước đi mất cái danh xưng “đất 2 vua” vốn đã quen thuộc từ trước đến nay? Cũng liên quan đến lịch sử giai đoạn này, mới nhất nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đã “nghi ngờ” sử gia Lê Văn Hưu đọc sai thụy hiệu của Lê Hoàn, ông (Nguyễn Hùng Vỹ) cho rằng phải là Lê Đại Hạnh (theo Phật giáo) chứ không phải Lê Đại Hành (mang sắc thái Nho giáo). Và nếu như thế thì sẽ phải đính chính lại sách giáo khoa môn sử? Có lẽ cuộc tranh cãi về cổ sử Việt Nam sẽ còn có thể sẽ vươn dài về giai đoạn mù mờ hơn nữa khi mà hội thảo về thành Ô Diên sắp sửa diễn ra.
Chỉ có điều, tất cả những người quan tâm đặt ra những câu hỏi nghi vấn về cổ sử trên đây, thực ngạc nhiên, họ hoàn toàn không phải là những người nghiên cứu lịch sử.