Monday, August 10, 2009

"Đồng tính luyến ái trong văn học cổ đại Trung Quốc"

Tên đầy đủ và chính xác của công trình nghiên cứu này là Nghiên cứu viết về đồng tính luyến ái trong văn học cổ đại Trung Quốc, một trong những cuốn sách được xếp vào bộ "Nhân dân xã khoa tân trước tùng thư". Tác giả Thi Diệp, sách dày 650 trang, xuất bản lần đầu vào tháng 11 năm 2008 với số lượng là 3,500 bản. Trong số đó chắc chắn 2 cuốn đang"lưu lạc" ở Việt Nam.
Ngay từ lời nói đầu, tác giả (một phụ nữ) với rất nhiều tự tin đã đưa ra dẫn chứng cho xuất phát điểm của mình bằng tên tuổi của những người nổi tiếng trên thế giới mà theo bà dù họ sống ở những quốc gia khác nhau, thuộc những tôn giáo khác nhau, sống vào các thời đại khác nhau, nhưng họ có một điểm chung: họ là những người đồng tính. Trong số những tên tuổi được kể ra có: Socrat, Platon, Sappho, Caesar, Walt Whitman, Oscar Wilde, George Gordon Byron, Michelangelo, Schubert (giờ đã hiểu vì sao Oshima, anh bạn đồng tính trong Kafka bên bờ biển lại am hiểu nhạc của Schubert đến vậy), Tchaikovsky, Mishima Yukio (nhà văn, kịch tác gia nổi tiếng người Nhật Bản), Bạch Tiên Dũng (nhà văn Đài Loan), Trương Quốc Vinh, Quan Cẩm Bằng, Elton John….Dựa trên những công trình nghiên cứu về đồng tính luyến ái đã có, Thi Diệp một lần nữa khẳng định: rất sớm, từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 4 tr.CN, ở Hy Lạp cổ đại-ngọn nguồn của văn minh phương Tây- rất thịnh hành đồng tính luyến ái. Để chắc chắn hơn, tác giả còn trích dẫn một câu của Katchadouria trong cuốn Cơ sở của hành vi tính dục con người: "Trong số những người đồng tính luyến ái, có người nghèo cũng có người giầu, có người được giáo dục đến nơi đến chốn cũng có những người vô tri vô thức, có người có quyền lực cũng có người chẳng có chút quyền lực nào, có người thông minh và cũng có người ngu ngốc. Đồng tính luyến ái tồn tại ở mọi dân tộc, mọi giai tầng, mọi chủng tộc và mọi tín ngưỡng tôn giáo….". Và tất nhiên, không thể thiếu là câu trích dẫn quen thuộc trong thiên "Hội ẩm" của Platon (câu này cũng thường được anh bạn thủ thư Oshima viện dẫn): "Nhân loại thời viễn cổ vốn có ba loại tính biệt là "song trùng nam tính" (Doppelmann), "song trùng nữ tính" (Dopplweib), và "nam nữ kiêm tính" (Mannweib)".
Những nghiên cứu về "văn học đồng tính luyến ái" hiện nay không còn xa lạ trên thế giới nhưng ở Trung Quốc (đương nhiên là ở Việt Nam cũng vậy luôn), nhắc đến "đồng tính luyến ái" nhiều nhà nghiên cứu hoặc cho đó là một lĩnh vực "nhạy cảm", hoặc cho đó là dung tục và tầm thường mà bỏ qua, vì thế cuốn sách của Thi Diệp chính là công trình mang tính "khai sơn phá thạch", mở rộng vô hạn độ phạm vi nghiên cứu văn học cổ với nghĩa trong khoa học không có đề tài nào là "cấm kỵ" Thi Diệp đã chỉ ra: hiện tượng đồng tính luyến ái xuất hiện (công khai hoặc uyển ước) trong văn hiến và văn học Trung Quốc xuyên suốt từ thời Tiên Tần cho đến thời hiện tại. Hiện tượng này được ghi chép ngay từ trong những văn hiến được xem là cổ nhất của Trung Quốc như thiên Y huấn trong sách Thương Thư. Dật sử về vua chư hầu sủng ái mỹ nam xuất hiện đặc biệt nhiều trong Chiến quốc sách Tả truyện dưới câu chuyện về những "bế nhân" (嬖人). Sau đó là những câu chuyện về "nam phong" (男風 hay cũng còn được ghi là 南風) thời Hán, "nam sủng"(男寵), "ưu đồng" (優童) thời Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, "bế thần" ( ) "nam sắc" (男色) trong sử của thời Tùy, Đường, Ngũ Đại, Tống, Kim, Nguyên… .
Ở 5 chương đầu, Thi Diệp đã phác lại cho người đọc một lịch trình văn học đồng tính luyến ái Trung Quốc từ thời viễn cổ đến cho đến tận thế kỷ XIX, đặc biệt giành đến 3 chương để nói về văn học đồng tính luyến ái thời Minh- Thanh và xem đây là trọng tâm của cả cuốn sách. Nếu như trong Kinh Thi Sở Từ, những tình cảm đồng giới được gửi gắm uyển ước, kín đáo xa gần thì đến giai đoạn Ngụy Tấn Nam Bắc Triều, những bài ca vịnh đồng tính luyến ái và "đồng luyến" đã trở thành trào lưu của thi nhân thời đó. Nguyên nhân của trào lưu này được giải thích là do sự hưng khởi của "huyền học". Sĩ phu thời này sùng thượng lý tưởng thẩm mỹ "tự nhiên" và "phác thực" nên họ theo đuổi đời sống phóng thích, không câu nệ, đề cao chủ nghĩa duy mỹ, tôn thờ cái đẹp ở con người, của nam lẫn nữ. Những năm thái bình thịnh thế của thời Đường đã hình thành cho sĩ nhân đời này phong khí ung dung, khoáng đạt, hào phóng vào bậc nhất trong lịch sử sĩ phong Trung Quốc. Mặc dù đây là giai đoạn phát triển rực rỡ của thơ, cổ văn, truyền kỳ, là giai đoạn mà kẻ sĩ phát huy cao nhất những cá tính riêng cao ngạo và phóng túng nhưng lại thiếu vắng rất nhiều những tác phẩm văn học ghi chép lại đời sống tình cảm đồng tính luyến ái của chính thời đại này. Tác giả đã đưa ra một suy đoán duy nhất: phải chăng những đề tài mang khát vọng phấn phát lập thân, hoặc hoài bão kiến tạo sự nghiệp của kẻ sĩ đời Đường đã làm lu mờ đi những sáng tác về ái tình ủy mị mềm yếu? Nhưng cũng theo tác giả thì tuy thiếu những tác phẩm phản ánh đời sống tình cảm đồng giới của đời Đường, nhưng lại không thiếu những bộ sách ghi chép lịch đại sủng hạnh, những câu chuyện kinh điển về đồng tính luyến ái trong lịch sử trước đó như một cách mượn chuyện thời trước mà phát huy xa gần, tập trung nhiều nhất là trong Nghệ văn loại tụ. Ảnh hưởng tiếp theo của nó chính là Thái bình quảng ký của đời Tống, cũng được tác giả xếp vào một trong những tập chép nhiều dật văn về đồng tính luyến ái.
Một trong những lý do quan trọng dẫn đến sự bùng phát của rất nhiểu tiểu thuyết sắc tình (bao hàm cả tiểu thuyết về đồng tính luyến ái) ở đời Minh, theo Thi Diệp chính là vì sự đột biến của tư tưởng thời đại. Sự ra đời của phái "Vương học" (học thuyết "tâm học" của Vương Dương Minh) với quan điểm về "trí lương tri", cho rằng "lương tri lương năng, ngu phu ngu phụ dữ thánh nhân đồng" khiến cho sĩ nhân đời Minh "bỗng chốc như tỉnh ngộ, vọt trên mây mù nhìn thấy mặt trời". Quan điểm này được đánh giá là một cuộc giải phóng tư tưởng về sự bình đẳng của nhân tính trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc. Kế thừa Vương Dương Minh, Lý Chí ngoài chủ trương người người bình đẳng, ông còn tiến thêm một bước nữa khi khẳng định "nhân dục", cho rằng: "có nhân dục mới có thiên lý", vì thế ham muốn hưởng thụ vật chất, mưu lợi cho bản thân chính là thiên tính của con người. Chính những tư tưởng này đã khiến cho sĩ phong của thời Minh có nhiều biến chuyển dữ dội mà trong đó thể hiện rõ nhất ở ba phương diện: 1- Sĩ nhân đời Minh chuộng lợi, thoát ly khỏi hình ảnh "hàn sĩ" cao ngạo trong sạch và quan điểm "lạc bần" của Nho gia. 2- Sĩ nhân đời Minh phóng túng, trọng dục. Ngoài sự theo đuổi dục vọng về quyền lực và lợi ích, không che dấu những truy cầu về tình dục cũng được xem là một nét đặc sắc của sĩ phong thời này. Những chuyện như tài sĩ danh nhân thích chinh phục ca kỹ, thụ hưởng sắc đẹp, thường xuyên qua lại chốn lầu xanh, bỏ nghìn vàng mua lại tiếng cười là những câu chuyện được miêu tả như những chiến tích đáng tự hào….3- Cuồng quyến: kẻ sĩ giai đoạn này không còn lấy tu thân, nội tỉnh, sự tiết chế hành vi theo Lễ như mục tiêu phấn đấu. Đây là giai đoạn mà kẻ sĩ từ chối học làm thánh nhân, để con người cá nhân được bột phát tự do, đẩy cá tính đi đến tận cùng với khát vọng "trác nhiên bất quần"….Đây cũng là giai đoạn hưng thịnh của tiểu thuyết viết về "nam sắc" với Long Dương dật sử, Nghi Xuân hương chất, Biện nhi thoa… Tác giả viết về đồng tính luyến ái nổi bật nhất ở thời Minh chính là Phùng Mộng Long.
Đồng tính luyến ái viết một cách công khai, trực tiếp và trở thành phong khí trong văn học chính là vào đời nhà Thanh với những trọng tâm là:
1. - Đồng tính luyến ái trong thế giới hồ ly tinh (tiêu biểu nhất là Liêu Trai chí dị, Duyệt vi thảo đường bút k ý)
2. - Viên Mai - lịch sử đồng tính luyến ái. Tác giả Thi Diệp đã đưa ra những dẫn chứng cho thấy con người cá nhân cuồng phóng của Viên Mai, phân tích những sáng tác mang cảm hứng "nam phong" của ông và mối tính đồng giới của Viên Mai với học trò Lưu Hà Thường…
3. Phân tích những sáng tác về đồng tính luyến ái trong tiểu thuyết của Lý Ngư (tác giả của Nhục bồ đoàn). Những tác phẩm của Lý Ngư được xếp vào loại "đồng tính luyến ái tục văn học" bao gồm cả những mối tình đồng tính nam và đồng tính nữ. Ba tác phẩm tiêu biểu của ông về đề tài này chính là : Liên Hương bạn, Nam Mạnh mẫu giáo hợp tam thiênThúy Nhã lầu….)
Tham khảo thêm:

16 comments:

  1. sợ nhờ, hay là cụ Phạm Quỳnh cũng... mà lại đặt tên tờ báo là Nam Phong :)))

    ReplyDelete
  2. @Nhị Linh: Tệ thật,lúc đọc đến cái chữ "nam phong" tớ cũng thoáng có ý nghĩ như thế mới chết chứ....:)). Đùa thôi, "phong khí nước nam" là đỉnh rồi...

    @Khuê Việt: Vế tiếp theo có phải là: "Tưởng chết rấp xó nào rồi chớ?". Đúng hôn?

    ReplyDelete
  3. Dạ đâu có. Nữ sĩ lợi dụng mắng em tội chi rứa hè. ;))

    ReplyDelete
  4. Ôi, cảm ơn chị nhiều! Hihi, em đang cần cái nì. May quá. ^^

    ReplyDelete
  5. Byron đâu phải người đồng tính nhỉ. Caesar thì có thể gọi là bisexual hơn là đồng tính.
    Quách nữ sĩ có thể giải thích tại sao đồng tính được nhắc tới nhiều trong văn học cổ-trung đại Trung Quốc, Nhật Bản (có cùng truyền thống Khổng-Phật giáo) nhưng lại vắng bóng (?) trong văn học cổ-trung đại Việt Nam? Do đó là một chủ đề taboo hay do một điều gì khác?

    ReplyDelete
  6. @Anh Linh: Thực ra về những người đồng tính nổi tiếng mà bà Thi Diệp kể ra trong sách em cũng không rõ lắm đâu. Chân thành mà nói là em khá sững sờ khi nhìn thấy một số tên tuổi quen thuộc trong đó....

    Còn về vấn đề lý giải về hiện tượng này em xin mời anh theo dõi phần 2 của bài này, sẽ được post trong nay mai ạ...)) (em học chiêu câu khách của mấy bạn nổi tiếng đấy ạ)

    ReplyDelete
  7. This comment has been removed by the author.

    ReplyDelete
  8. Đồng tính ái thời cổ đại ở phương Tây, thời cổ trung đại ỏ phương Đông và thời hiện đại trên toàn thế giới thực ra không hoàn toàn giống nhau về bản chất cũng như đối tượng, vai trò trong đời sống và quan niệm xã hội.

    Ngày xưa đồng tính có cái gì đó giống như là sự thuần dưỡng trí dục cho những người thanh niên trẻ, dẫn dắt bởi chính người thầy, sư phụ của họ. Yếu tố tình dục cũng không phải là mấu chốt như ngày nay. Cho nên mới có những tên tuổi 'tai to mặt lớn' như bài viết điểm qua. Trong xã hội đó thì nó là điều bình thường và cần thiết.

    Đồng tính ngày nay thì dành cho mọi người! =)

    ReplyDelete
  9. Ai có quyển sách này, hay biết chỗ mua nó chỉ cho mình nhé.

    YM của mình là hantrieuphong@yahoo.com

    ReplyDelete
  10. Đây là sách viết bằng Tiếng Trung và bán ở Trung Quốc. Em có 1 bản, nếu bác có nhu cầu em có thể photo cho bác.

    ReplyDelete
    Replies
    1. NB ĐANG TÌM HIỂU ĐỀ TÀI ĐỒNG TÍNH TRONG VĂN HỌC NÊN NB CÓ THỂ NHỜ QUACHHIENNB PHÔT DÙM ĐƯỢC KHÔNG Ạ ? NB SẼ LIÊN LẠC. CÓ THỂ LIÊN LẠC QUA EMAIL: nhatbinh.9999@gmail.com. CHÂN THÀNH CẢM ƠN NHIỀU.

      Delete
    2. Tên của cuốn sách là 《中国古代文学中的同性恋书写研究》. Bạn cũng có thể đọc trực tuyến nội dung cuốn sách đó tại đây:  http://www.doc88.com/p-375431803773.html. Cũng tại trang đó, bạn nhìn sang cột bên phải, phần tài liệu liên quan , bạn sẽ thấy một loạt tài liệu liên quan đến đồng tính luyến ái trong văn học cổ Trung Quốc. Hy vọng có thể giúp ích cho bạn.

      Delete
  11. @ Qua1chhiennb:

    2 cuốn lưu lạc ở VN cũng là tiếng Trung luôn à? Buồn thế :( Vậy bạn có bản text tiếng Trung ko? Mình thì 1 chữ tiếng Trung bẽ đôi cũng ko biết nên chỉ có nước nhờ vào chương trình dịch thôi à.

    Nếu có bản text thì send cho mình nha. Hoặc cho mình cái tựa tiếng Trung cũng được. Thanks.

    ReplyDelete
  12. Chuyện ngàn năm cũ mà nay mới được biết
    Cảm ơn tác giả

    ReplyDelete