Monday, June 28, 2010

Tạ Chí Đại Trường (1)

Với những người từng sống trong môi trường học thuật ở Sài Gòn trước năm 1975, đã từng đọc các công trình, các bài viết của Tạ Chí Đại Trường công bố tại chính thời điểm đó, nhưng lại là những người không sống trong môi trường nghiên cứu ở Việt Nam hiện tại, không hiểu hết những đặc thù riêng của nó, có lẽ sẽ khó hiểu vì sao trong một bài cảm thán trên blog này trước đây tôi lại đề nghị tổ chức một buổi “tọa đàm” (nhấn mạnh là “tọa đàm” chứ không phải là “hội thảo”) về Tạ Chí Đại Trường.

Tạ Chí Đại Trường mới được đọc công khai ở miền Bắc khoảng dăm năm trở lại đây. Thế hệ những nhà nghiên cứu ở miền Bắc trước đây đọc Tạ Chí Đại Trường như thế nào và bằng con đường nào tôi không biết, còn thế hệ chúng tôi đầu tiên là đọc những bài phê bình Tạ Chí Đại Trường trước (như bài của Nguyễn Phan Quang) rồi mãi sau này mới có cơ hội đọc chính văn của ông. Ban đầu chỉ có thể tìm đọc những đoạn viết riêng lẻ trên một số mạng như “Sex và triều đại”, rất lâu sau đó, một số bác nổi tiếng đi Mỹ cầm về Sử Việt đọc vài cuốn thì mới đọc ra đầu ra đũa. Sau đó Lịch sử nội chiến được xuất bản nhưng rồi cũng bị cấm bán ngay lập tức. Có 2 cuốn xuất bản thuận lợi là cuốn Thần người và đất Việt và cuốn mới nhất là Những bài dã sử Việt, nhưng sinh viên ngành Sử rất ít người biết đến những cuốn sách này. Tôi, nhờ vào sự giúp đỡ nhiệt tình của bạn bè, có hầu hết những công trình kể trên và không kể ở trên của Tạ Chí Đại Trường.

Nói cho công bằng, như vậy là so với nhiều học giả có tiếng tăm khác của Sài Gòn trước năm 1975, Tạ Chí Đại Trường may mắn hơn rất nhiều, vì sách của ông vẫn còn có thể xuất bản ở Việt Nam (thời hiện tại) và vẫn có người đọc. Như ở bài “Thư mục” trên blog này tôi đã viết, trong lịch sử nghiên cứu của Việt Nam, có một khoảng rất trắng, đó chính là tình hình học thuật ở Sài Gòn trước 1975. Chính khoảng trắng này tạo ra rất nhiều nghịch lý, có những công trình của hiện tại đang lặp lại những vấn đề mà các học giả Sài Gòn trước 1975 đã giải quyết xong xuôi chẳng hạn. Nếu như không có khoảng trống về tư liệu đã không xảy ra những chuyện tương tự. Tạ Chí Đại Trường cũng là một trường hợp như thế, các công trình của ông có thể là quen thuộc và chẳng xa lạ gì với những người thời ông, nhưng với rất nhiều sinh viên nghiên cứu ngành Sử bây giờ, Tạ Chí Đại Trường và nhiều tên tuổi sử gia khác của Sài Gòn trước 1975 là hoàn toàn lạ lẫm.

Sách báo của miền Nam Việt Nam trước 1975 trong các Thư viện ở Việt Nam đều thuộc hàng hiếm, một số báo cực hạn chế người đọc, nếu muốn đọc phải có giấy giới thiệu, chứng nhận của cơ quan là tìm hiểu vì mục đích khoa học mới được động chạm đến, đấy là chưa kể có những báo đã được xem là tuyệt diệt ở trong nước, muốn có chỉ nhờ cậy các thư viện nước ngoài, các nhà sưu tầm và các nguồn khác..vân vân…Có những học giả của Sài Gòn trước 1975 chúng tôi biết tên, có những công trình chúng tôi biết tiếng, nhưng tìm được những cuốn sách đó phải qua biết bao nhiêu đường, thậm chí phải mất rất nhiều tiền mới mua được. Nhưng có tiền nhiều khi cũng chẳng để làm gì vì không còn sách nữa.

Việc tập hợp báo chí , sách, và các công trình nghiên cứu của các học giả miền Nam Việt Nam trước 1975 mà chúng tôi (vô cùng ít người) đang làm chỉ với một mục đích nỗ lực lấp lại những khoảng trắng, để tạo tính liên tục trong lịch sử nghiên cứu Việt Nam, đánh giá một cách khách quan và công bằng, trả lại vị trí lịch sử cho những người, những công trình nghiên cứu về đúng thời điểm của nó, chẳng lẽ lại là một việc vô ích?

Những đóng góp trong các công trình của Tạ Chí Đại Trường đến đâu, tôi cho rằng chúng ta nên bình luận thẳng và trực tiếp vào tác phẩm của ông ấy (kể cả phản biện nữa- nếu có “tọa đàm” tôi cũng sẽ phản biện lại nhiều quan điểm của Tạ Chí Đại Trường) hơn là cứ nói những lời đồn đại kiểu như ông ấy không biết tiếng Tây, tiếng Tầu…vân vân và vân vân…(Chiêu này người Việt mình quen xài lắm). Tôi không quen biết Tạ Chí Đại Trường, cũng không để tâm vào những lời bình luận kiểu trên, tôi chỉ nghĩ xét cho cùng, mỗi một công trình nghiên cứu đều có sự hạn chế nhất định của thời đại, cùng với thời gian có những quan điểm hoặc phương pháp tư duy đã thành cũ kỹ và lạc hậu, đó là tất yếu, nhưng phải nhìn nhận sự tồn tại của công trình đó ở vào thời điểm ra đời, trong hoàn cảnh chung của thời ấy, nó đã có đóng góp (hoặc chẳng có một đóng góp giá trị) nhất định như thế nào, đó mới là quan trọng.

Nói mới nhớ, thực ra đã có nơi tọa đàm về các công trình của Tạ Chí Đại Trường rồi, nhưng tôi nhận được tin muộn quá không tham dự nên không nắm bắt được thông tin chung về buổi tọa đàm này.


Thursday, June 24, 2010

Trường An Tứ Hổ


Tạm thời để đường link ở đây "làm kiểng" và cũng để chứng minh với bạn nào hôm nọ gọi điện bảo viết về "Trường An tứ hổ" rằng không phải lười không muốn viết mà vì bài đã viết rồi, không muốn viết lại nữa.

Bài viết cách đây rất nhiều năm, đến năm 2007 mới thò ra.

Những vấn đề còn tồn nghi thì khi nào rảnh rang hơn một chút sẽ hạ hồi phân giải.