Saturday, September 10, 2016

Tiêu Ứng Kỳ tạo chữ Hán mới tại Trung Quốc: những vấn đề về ký tự, quốc gia.

Hàng mấy nghìn năm phát triển của chữ Hán không thể nào sánh được với tốc độ giản hoá Hán tự trong vòng 100 năm qua tại Trung Quốc. Trước phong trào Ngũ Tứ, chữ Hán có một địa vị “thần thánh” trong quan niệm của người Trung Quốc, sau phong trào Ngũ Tứ, “đánh đổ chữ Hán” là một trong những mục tiêu hàng đầu của những  trí thức  tinh anh của Trung Quốc  thời bấy giờ như Tiền Huyền Đồng, Cù Thu Bạch, Lỗ Tấn. “Văn tự tiến hoá luận” là cơ sở lý luận cho các quan điểm của các trí thức và chính trị gia trong phong trào Ngũ Tứ. Theo họ, “chữ Hán” không chỉ là vấn đề về “chữ” mà còn là vấn đề về chính trị.  Thứ nhất: Họ cho rằng quốc gia hưng vong có liên quan mật thiết đến chữ Hán. Thứ hai: Họ khẳng định nguy cơ của văn hoá Trung Quốc đương thời có nguồn gốc từ chữ Hán. Muốn phát triển văn hoá phải phế bỏ chữ Hán. Thứ ba: Họ chỉ rõ, muốn mở mang dân trí phải từ bỏ chữ Hán vì chữ Hán chính là “vũ khí ngu dân”.  Thứ tư: Họ nhận định, chữ Hán có tính giai cấp, là công cụ để phân biệt “bạn” và “thù”. Thứ năm: Họ thừa nhận, chữ Hán, loại “văn tự hình nghĩa” là  loại văn tự lạc hậu, cần bị phế trừ, cần được tiến hoá. Tóm lại, các trí thức tinh anh thời Ngũ Tứ phê phán chữ Hán ở hai điểm: Thứ nhất, “độ khó kỹ thuật” trong thực dụng (bao gồm các vấn đề liên quan đến: viết chữ, phân biệt, trí nhớ, số lượng ….); thứ hai là vấn đề năng lực biểu đạt của chữ Hán (chữ Hán là “đơn tự” (chữ đơn), mỗi một chữ biểu đạt một nội dung cố định, đây là một cản trở trong năng lực biểu đạt của chữ Hán).

Vì những người muốn đánh đổ chữ Hán là những trí thức tinh anh, nên các quan điểm trên của họ có tính chất quyết định đến số phận của chữ Hán tại Trung Quốc. 100 năm trở lại đây, dưới sự nỗ lực của tầng lớp trí thức, chữ Hán đã được tiến hoá thành hệ thống chữ Hán hiện nay (thường được gọi là chữ Hán giản thể) tại Trung Quốc. Các cách tiến hoá đã được áp dụng cho chữ Hán: La tinh hoá chữ Hán (dùng thiết âm như đề xuất của Lương Khải Siêu, Lộ Tráng Chương, Vương Chiêu; cải tiến cách dùng bính âm đã có từ thời Minh của các giáo sĩ như Matteo Ricci, Sir Thomas Wade, Herbert Allen Giles) và giản hoá các nét trong chữ Hán. Năm  1907 , Pháp bộ Thượng Thư Lao Nãi Tuyên (1843-1921) xuất bản cuốn “Giản tự toàn phổ”. Năm 1920 nhóm của Tiền Huyền Đồng đề xuất “Giảm tỉnh hiện hành đích bút hoạch đề nghị” (Đề nghị giảm bớt các nét của chữ Hán hiện hành). Năm 1935, chính phủ Dân quốc công bố “Giản hoá tự biểu” (Lần thứ nhất). Năm 1936, chính phủ dân quốc phế bỏ “Giản hoá tự biểu” (lần thứ nhất). Năm 1956, chính phủ đại lục công bố “Giản hoá tự phương án”. Năm 1977, chính phủ đại lục công bố “Đệ nhị thứ Hán tự giản hoá phương án” (bản sơ thảo).  Năm 1986 chính phủ đại lục đỉnh chỉ “Đệ nhị Hán tự giản hoá phương án”. Đại khái và tóm lại lần nữa, sau 100 năm trí thức loay hoay, chữ Hán tại Trung Quốc đã được giản hoá triệt để các nét để nhằm giải quyết yêu cầu về “độ khó kỹ thuật” trong thực dụng của chữ Hán. Để giải quyết vấn đề năng lực biểu đạt của chữ Hán, chính sách của nhà nước Trung Quốc đối với chữ Hán là “không tạo chữ mới”, “cố gắng hết sức không tạo thêm chữ Hán mới”, dùng phương án “đa nghĩa hoá” các chữ đã có sẵn và phương án “cấu từ” (kết hợp các chữ Hán đã có sẵn thành những từ biểu đạt một nghĩa mới). 

Tiêu Ứng Kỳ (Jiao Yingqi), một nghệ sĩ ý niệm, nhà nghiên cứu, tốt nghiệp Học viện Mỹ thuật trung tâm (CAFA) Bắc Kinh là một trong những người phản đối chính sách “không tạo chữ Hán mới” của Trung Quốc. Theo ông, việc giản hoá các nét chữ Hán và các phương án cấu tạo từ mới hiện nay không giải quyết được cả hai vấn đề về độ khó kỹ thuật và năng lực biểu đạt của chữ Hán, chưa xét đến việc giảm nét đã xoá sổ rất nhiều chữ Hán đã có. (Thí dụ chữ  “vân” (mây) và chữ  “vân” “” (nói) vốn là hai chữ với hai nghĩa khác nhau nhưng trong chữ Hán giản thể hiện nay chữ ” (mây) đã bị xoá sổ. Người Trung Quốc hiện nay dùng chung một chữ “” cho cả hai nghĩa: mây và nói). Quan điểm của Tiêu Ứng Kỷ:  Thứ nhất, về “độ khó kỹ thuật” trong thực dụng của chữ Hán, khoa học kỹ thuật hiện đại (các bộ từ điển online và các công cụ đánh chữ Hán trên máy tính) hoàn toàn có thể giải quyết được vấn đề đó. Thứ hai, về “năng lực biểu đạt” của chữ Hán, Tiêu Ứng Kỳ cho rằng: các phương án hiện nay đang sử dụng vẫn không thể đáp ứng được những nhu cầu biểu đạt mới cho chữ Hán. Ông chỉ ra trên báo chí và các phương tiện truyền thông, các thuật ngữ như “3G”, “GPS”, “GDP”, “MBA”, “EMBA”, “IPad”…không thể dùng chữ Hán nào có thể biểu đạt được hàm nghĩa của chúng. Người Trung Quốc không còn sống ở thời đại “kim, mộc, thuỷ, hoả, thổ”,  hiện giờ là thời đại của khoa học kỹ thuật, thời đại của văn hoá, của bùng nổ thông tin, vì thế người Trung Quốc đã có những kinh nghiệm sống mới vì vậy cần phải tạo thêm những chữ Hán mới với những hàm nghĩa mới để phù hợp với những kiến thức mới, kỹ thuật mới, tư tưởng mới của thời đại mới. Tiêu Ứng Kỳ khẳng định: vấn đề của chữ Hán, không nằm ở những yếu tố bên ngoài, mà nằm ở chính năng lực người sử dụng chữ Hán.

Từ năm 1995, Tiêu Ứng Kỳ bắt đầu sáng tạo chữ Hán mới. Đến năm 2007, ông đã tạo mới được hơn 400 chữ Hán, được tập hợp in trong cuốn “造字雜記 (Ghi vụn về tạo chữ), phân thành 4 chủ đề chính: “những chữ liên quan đến phần tử tri thức”, “những chữ liên quan đến thứ văn hoá làm hại con người”, “những chữ liên quan đến ô nhiễm môi trường”, “những chữ liên quan đến khuynh hướng giới tính”.  Cuốn sách, đặc biệt, toàn bộ phần lời tựa, và hậu ký đều được viết hoàn toàn bằng chữ phồn thể.

Tiêu Ứng Kỳ đã chia sẻ các quan điểm của ông về việc tạo chữ Hán mới cũng như quan điểm về quốc gia trong bài phỏng vấn do Kaitlin Rees thực hiện. Nguyên văn bài phỏng vấn và bản dịch (của Nha Thuyen) đã được in trong Tạp chí chuyên đề về “Nước” của Ajar Press . Trong bài phòng vấn, Tiêu Ứng Kỳ đã nói “Bản thân ký tự tiếng Hán đã mang sẵn trong nó tính chất bạo lực. Đó không phải là một ngôn ngữ mang tính trung tính, giống như tiếng Anh nơi các ký tự không bao giờ chứa một hàm ý khi mà bạn viết a, b, hoặc c. Các thành tố ký tự trong tiếng Hán đều có gốc từ việc biểu nghĩa và vì thế chúng chuyên chở các gốc rễ này vào các từ mà chúng tạo thành. Chính vì vậy đối với tôi, không có gì là bạo lực trong việc bẻ gãy các kí tự này; bạo lực đã tồn tại từ trước trong ngôn ngữ này và điều duy nhất chúng ta có thể làm là chống lại tính chất của bạo lực đó”.

Tạp chí chuyên đề Nước của Ajar, xin xem giới thiệu tại đây:


Wednesday, August 3, 2016

Ở quán cà phê của tuổi trẻ phách lối

Tôi đã nghĩ sẽ phải viết về nó, nhưng bài vở điên cuồng đã càn quét tâm trí tôi. Dạo gần đây tôi hay nghĩ mình thực đáng thương. Chỉ cách đỉnh Fanxipan 600 bậc thang, tôi đã ngồi ở đó chúi mũi vào màn hình máy tính để đọc những điều luật viết về phụ nữ trong Quốc triều hình luật, mặc thiên hạ xung quanh hào hứng ồn ào với việc chinh phục nóc nhà cao nhất Đông Dương. Hình như thế.

không xứng gọi là một quán cà phê. Nhưng tôi đã nốc cà phê ở đó trong 10 năm. Cùng với một người bạn. Một buổi sáng mùa hè, khoảng 10h sáng,  lần đầu tiên tôi nhìn thấy, cậu ấy đã ở đó, cô độc, im lìm chìm vào một cuốn sách, trong khi xung quanh mịt mù khói thuốc lá và cả mớ ồn ào những âm thanh. Tôi đã thấy rất nhiều người đọc sách trong quán cà phê nhưng chưa ai trong số họ bốc lên cái mùi cô độc và cự tuyệt với không gian xung quanh đáng sợ như thế. Trong khoảng 10 năm, tôi đã vô số lần nhìn thấy cậu ấy như đá tảng, một mình với một gói thuốc và một quyển sách. Tôi không biết vì sao cậu ấy lại nói chuyện với tôi trong những 10 năm nhưng tôi biết rõ vì sao tôi lại muốn làm bạn với cậu ấy. Bởi vì sự cô độc của cậu ấy đã chạm vào sự cô độc của tôi. Một kẻ cô độc không muốn nhìn thấy một kẻ cô độc khác đang cô độc. Tôi đã gắng sức trong nhiều năm để là một người khác, hoặc, nguỵ trang thành một kẻ khác, cho đến khi làm bạn với cậu ấy. Chúng tôi thực ra là hai kẻ xa lạ, đến giờ này, sau 10 năm, chúng tôi vẫn chỉ là hai kẻ xa lạ. Chúng tôi không biết gì nhiều về cuộc đời của nhau. là nơi duy nhất giữ mối liên hệ giữa chúng  tôi.  Ở đó, suốt 10 năm, giữa những ông chú trung niên và các bà thím sồn sồn, giữa những nhân viên văn phòng và các thành phần khách không xác định được thân phận khác, chúng tôi đã không ngừng lặp đi lặp lại trao đổi cùng nhau một chủ đề: sách, sách, và sách. Xuân, hạ, thu, đông, chúng tôi đều đặn hoặc ngắt quãng, chia sẻ cho nhau những thứ mà chúng tôi đang đọc hoặc một vài ý tưởng mà chúng tôi đang định viết. Xen kẽ vào đó, thi thoảng, là những câu chuyện về bọn người ngoài kia. Phần lớn trong số đó là tôi trút các uất ức và cậu ấy dạy tôi về cuộc đời-thứ mà thực ra tôi chẳng biết gì nhiều. Không phải tất cả những gì cậu ấy nói đều đúng. Nhưng có một số điều, kỳ lạ thay, dù nói ra bằng những lời khinh bạc, lại nhân hậu đến điếng người. Những điều nhân hậu đó xoa dịu một nỗi buồn riêng mà tôi cất giấu trong lòng rất nhiều năm trước khi làm bạn với cậu ấy...

Có thể vì thế, đối với tôi, ở cái đất Hà thành ti tỉ quán cà phê xứng đáng được gọi là quán cà phê, nó -quán cà phê không xứng gọi là quán cà phê-trở thành rất đặc biệt 

Khi tôi nhớ các hiệp sĩ của mình, tôi sẽ ngồi ở đó, im lặng, tần ngần với cái điện thoại. Khi tôi cần một không gian để thở, tôi sẽ ngồi ở đó. Im lặng. Khi tôi bị xúc phạm, bị tổn thương, tôi sẽ ngồi ở đó. Im lặng. Không ai nỡ quấy rầy tôi cũng không ai nỡ thấy tôi buồn.  Ở đó tôi có thể nói chuyện về Mật tông với anh chủ quán-người thường gọi tôi là nữ Bồ tát. Ở đó tôi có thể chia sẻ những câu chuyện vụn vặt về sự nhẫn nại hy sinh của đàn bà với chị chủ quán-người thường gọi tôi là dì. Ở đó có một đội ngũ những ông chú trung niên Hà Nội gốc-những người thường xuyên đọc tin tức qua Ipad, bàn luận với nhau về dưỡng sinh, về cách hít thở làm sao cho đúng để có thể sống lâu và hay xen vào những cuộc trò chuyện của chúng tôi nhờ tôi đọc hộ những đơn thuốc viết bằng tiếng Trung. Ở đó, tôi có thể ngắm vợ chồng người thợ giày đầu phố thi thoảng vừa ngồi uống bia vừa thủ thỉ cùng nhau như một cặp tình nhân già...

Những bạn bè của tôi từ khắp nơi đã đến gặp tôi hoặc đã tạm biệt tôi ở đó. Chúng tôi đã uống rượu, ăn cháo lòng, đã từng có những phút giây ồn ào vui bất tuyệt và cũng đã từng có những thời khắc cảm thấy bất ổn mệt mỏi chán chường ở đó ...Tôi đã cắm rễ một phần đời mình ở đó, suốt 10 năm. Tôi đã từng nói đùa, nhất định sẽ đi vào lịch sử văn học nước nhà như một chứng nhân...

Nhưng không thèm cái vai trò lịch sử mà tôi muốn gán cho nó. 

Giờ đã thành một cửa hàng bán quần áo trẻ con. Một cửa hàng thực ra cũng không xứng gọi là cửa hàng.Tôi chưa từng bao giờ đặt chân vào đó kể từ khi thành cửa hàng bán quần áo trẻ con.

Kể ra thì tôi cũng không nhớ nó nhiều lắm. Thực ra, tôi luôn biết, tôi đã cắm rễ quá lâu cho một nỗi buồn. Tôi cũng đã cắm rễ quá lâu hưởng thụ sự an toàn ở đó. Giờ tôi cần phải nhổ rễ chính mình.

Điều khiến tôi băn khoăn nhiều nhất là tôi chưa bao giờ kịp tìm hiểu, suốt 10 năm qua, thứ mà tôi vẫn uống ở đó có phải là cà phê không?

Mà thực ra, ngay cả điều đó cũng chẳng quan trọng. 


Saturday, January 23, 2016

Thư cảm ơn

Cảm ơn cao nhân ẩn danh đã lướt ngang qua blog này và ngầm ra tay trợ giúp tài liệu cho em. Hy vọng một ngày nào đó có dịp diện kiến để em có thể trực tiếp bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của mình đến cao nhân.