Sau phút giao thừa, trong lúc ngồi chờ hương tàn, táy máy lật
giở sách Luận ngữ, vô tình dừng đúng
lại ở tiết đầu tiên của thiên Hương đảng.
Những ai đã từng đọc thiên Hương đảng
đều có thể nhận thấy, đoạn mô tả về cung cách ứng xử của Khổng Tử ngoài xã hội dường
như quá thừa thãi những từ ngữ biểu tả sắc thái cung kính, thuận tòng của ông ở
các mức độ khác nhau. Đó là những sự cung kính, thuận tòng được tuân thủ nghiêm ngặt quá
mức khiến người ta thấy phản cảm. Học trò của Khổng Tử thực sự muốn gửi gắm điều gì qua những dòng ghi chép như thế về đức
Phu Tử của họ? Đó là niềm thán phục, sự ca ngợi, hay đơn giản chỉ muốn biến Thầy
mình thành một tấm gương, một chuẩn mực về cung cách ứng xử theo Lễ? Biết đâu đấy,
vì truyền thống của Nho giáo là truyền thống noi gương làm mẫu. Tuy nhiên, tạm
thời hãy bỏ qua những dụng ý sâu xa của đám môn sinh, chỉ suy luận từ bản thân những
hành vi của Khổng Tử, thì dường như hành động tuân thủ nghiêm ngặt Lễ quá mức
đó của ông là một thái độ “cố chấp”:
ông cố chấp hành xử theo đúng phận vị trong một xã hội từ lâu đã không còn trật
tự; ông cố chấp biến mình thành bằng chứng sống cho một nề nếp ứng xử khuôn mẫu
cũ nay đã cong queo méo vẹo; ông cố chấp chứng mình sự tồn tại của một giá trị
tinh thần, một giá trị xã hội nay đã không còn giá trị.
Trong “tứ vô” mà Khổng Tử dạy học trò có “vô cố”, nhưng dường
như hành động của ông đôi khi đi ngược lại những lời ông dạy, hay nói cách
khác, dường như ông đã rút bài học từ trải nghiệm của chính mình để dạy cho học
trò một kinh nghiệm ứng xử tốt hơn. Tuy nhiên, có một kẻ hậu học cách xa thời
Khổng Tử tít tắp mù khơi, trong đêm lạnh lúc giao thừa như đêm nay, vô tình đọc
lại những dòng viết trên của thiên Hương
đảng, chợt thấy lòng rúng động đồng cảm mà ngộ ra rằng: trong những thời điểm
đặc thù người ta phải cố chấp và cần cố chấp. Cố chấp để mà giữ chí mình và để được
là chính mình, cố chấp để không đánh mất mình trong một đám đông ồn ào và lộn xộn,
đó là thứ cố chấp “cần”, “nên” và “phải có”.