Wednesday, February 23, 2011

Mèo hay Thỏ?

Cuộc tranh cãi Mèo và Thỏ đến giờ vẫn chưa thấy hồi kết vì thế  tôi xin được chia sẻ thêm tư liệu cho các bác nào quan tâm nghiên cứu về 12 con giáp có cơ sở tranh luận tiếp :)). Tuy nhiên tôi hơi buồn (thở dài- dạo này hay thở dài quá), vì thấy mỗi khi tranh cãi không nổi trước các chứng cứ khoa học thì các bác (lấy nền văn hóa Việt làm trung tâm) lập tức gán ngay cho đối phương (những bác cho rằng nguồn gốc 12 con giáp là có từ nền văn hóa Hán) cái tội Hán gian. Tôi chợt nghĩ đến Cố Hiệt Cương khi ông ấy kết luận Hạ Vũ vốn chỉ là một loài bò sát đúc trên cửu đỉnh  (sau đó dẫn đến một loạt các nhân vật tương tự như Hoàng Đế, Thần Nông, đế Nghiêu, đế Thuấn cũng được cho chỉ là một loài trùng), không biết ông ấy có bị những người có quan niệm đối lập gán cho cái tội báng bổ Thánh nhân? Tôi cũng nghĩ đến Quách Mạt Nhược khi ông cho rằng 12 địa chi của người Trung Quốc là kế thừa từ 12 cung hoàng đạo của Babilon, không biết ông ấy có bị gán cho tội “Tây gian”? Tôi cũng nghĩ đến Diệp Thư Hiến khi ông ấy kết luận chuyện mặt trăng, cóc và thỏ vốn mang tính xuyên văn hóa chứ không thuộc bản quyền của một nền văn hóa nào hết, không biết ông ấy có bị gán cho cái tội “gian” nào đấy?. Tôi cũng nhận thấy, trong các cuộc tranh luận gần đây (như cuộc tranh luận này) sau khi cùng kiệt về lập luận và chứng cứ thì người yếu thế thường lái cuộc tranh luận sang hướng khác (như bài Hoa chẳng hạn-một chủ đề đang ăn khách) để làm lạc hướng vấn đề.

Tôi không quan tâm đến chuyện 12 con giáp. Những gì tôi lược thuật dưới đây không phải là quan điểm của tôi mà là những thông tin tôi vô tình tiếp nhận được khi đọc cuốn Trung Quốc cổ đại thần bí số tự của Diệp Thư Hiến (tôi quan tâm đến quan niệm của thời cổ về con số 4). Trong chương viết về con số 12, ông có những ghi chép khái quát về “12 sinh tiêu và 12 thần thú”, tuy không trực tiếp bàn về chuyện tại sao là Mèo, tại sao là Thỏ, nhưng tôi thấy dựa vào những thông tin tổng hợp của Diệp Thư Hiến chúng ta ngõ hầu cũng có thể lần ra được vài dấu vết nào đó…

1. Tài liệu sớm nhất ghi chép đầy đủ về 12 con giáp: “Tần giản” (sách thẻ tre đời Tần)

Bản thân người Trung Quốc cũng không rõ về lịch trình phát triển hình thành 12 con giáp (họ gọi là: 12 sinh tiêu, 12 thuộc tướng).  Thí dụ Triệu Dực[i] trong cuốn Cai Dư tùng khảo đã nói rõ:

[12 thuộc tướng bắt đầu từ thời nào các sách đều không ghi chép. Dưới cụm “phong Mão địa” trong mục Mao Dĩnh truyện sách Hàn Văn khảo dị có chú rằng: 12 con vật không biết xuất hiện từ chỗ nào, còn nữa, Chu Tử (Chu Hy) từng hỏi Sái Quý Thông: 12 thuộc tướng bắt đầu từ bao giờ, xuất hiện đầu tiên trong sách nào? Quý Thông cũng không cách nào trả lời được!]

Ghi chép sớm nhất về “sinh tiêu” được người Trung Quốc cho là đã xuất hiện  “lẻ tẻ” trong Kinh Thi, thí dụ như trong bài Cát nhật phần Tiểu nhã có câu: “Cát nhật Canh Ngọ, ký ta ngã mã”… Trước đây họ nhất trí với nhau ở một điểm: những ghi chép hoàn chỉnh  đầy đủ nhất về  12 con giáp xuất hiện đầu tiên trong sách Luận hành của Vương Sung (thực ra là 11 sinh tiêu được chép trong “Vật thế thiên”, khuyết mất “Thìn”. Nhưng trong thiên “Ngôn độc” cùng sách đó lại bổ sung thêm như sau: “Thìn là rồng, Tỵ là rắn. Vị trí của Thìn và Tỵ là ở Đông Nam”. Như thế cũng xem như sách Luận hành đã chép đầy đủ về 12 con giáp). 12 con giáp được ghi chép trong sách Luận hành chính là diện mạo 12 con giáp hiện tại ở Trung Quốc.

Tuy nhiên vào năm 1975, phát hiện khảo cổ học về bộ thẻ tre đời Tần (Tần giản)  tại đất Thụy Hổ huyện Vân Mộng tỉnh Hà Bắc đã khiến cho các nhà nghiên cứu về 12 con giáp phải nhìn nhận lại mọi vấn đề.. Trong bộ Tần giản có một mục gọi là “Đạo giả” đã ghi chép đầy đủ về 12 con giáp, trong đó ngoại trừ “Thìn” lược giản con giáp thì 11 con giáp còn lại được ghi chép như sau:

[“Tí, thử giả. Sửu, ngưu giã. Dần, hổ giã. Mão, thố giã. Thìn. Tị, trùng dã. Ngưu, lộc giã. Mùi, mã dã. Thân, hoàn giã. Dậu, thủy giã. Tuất, lão dương giã. Hợi, thỉ dã” (Tí là Chuột. Sửu là Bò. Dần là Hổ. Mão là Thỏ. Thìn. Tỵ là Trùng. Ngọ là Lộc. Mùi là Ngựa. Thân là Hoàn. Dậu là Thủy. Tuất là Dê. Hợi là Lợn )]

Như vậy là với bộ “Tần giản” niên đại ghi chép về 12 con giáp được đẩy sớm lên hơn 300 năm. Nếu so sánh những ghi chép trong Tần giản với Luận hành của Vương Sung thì thấy rằng: có sự nhất trí về số lượng con giáp, nhưng có chút khác biệt. Trong Tần giản,  “Tý thử, Sửu ngưu, Dần hổ, Mão Thố, Hợi Thỉ” là giống với Luận hành. Có 3 mục khác với Luận hành là “Ngọ lộc, Mùi mã,  Tuất dương”. Ba mục còn lại “Tị, trùng dã. Thân, hoàn giã. Dậu, thủy giã”, thì theo khảo cứu của Vu Hào Lượng tiên sinh cơ bản tương đồng với Luận hành.

Lập luận của Vu Hào Lượng tiên sinh như sau:

[“Tỵ, trùng 蟲 dã. Trong “Thuyết văn” mục “trùng bộ”, dưới chữ trùng có chú rằng: thời cổ, trùng 虫 và trùng   không phân biệt. Dưới chữ trùng   thì lại chú: “trùng 虫  là tên một loài phúc   (rắn độc)”. Như thế, Tỵ trùng dã, thực tế cũng như “Tỵ” là Rắn vậy.

“Thân, hoàn  dã. Hoàn 环 đọc là  . Thời cổ chữ biểu thanh   thường dùng thông với nhau. Câu “Tề hầu hoàn   tốt”  trong “Tả truyện - Tương công thập cửu niên” được chép trong “Công Dương truyện-Tương công thập cửu niên” là: Tề hầu hoàn  tốtcó giải thích rằng: còn có một âm khác là ”. Hay trong “Hán thư-Ngũ hành chí” dưới câu “Vị cung môn đồng hoàn 铜 锾”, có chú: “ cũng đọc giống như .”. Vì thế “hoàn” 环 cũng có thể đọc là  . Chữ cũng tức là chữ  猿  (con vượn), như thế cũng khác nào nói “Thân thuộc tướng Khỉ”.
           
Dậu, thủy 水 giã.  đọc là  . với  đều thuộc vận bộ Chi. Thủy thuộc thanh mẫu “thẩm” , tam đẳng. Trĩ thuộc thanh mẫu “trừng”  澄 , tam đẳng.  Mà chữ biểu thanh “thỉ”  矢  trong chữ “trĩ” cũng thuộc thanh mẫu “thẩm”  審, tam đẳng. Thủy và Trĩ có âm đọc gần giống nhau nên Thủy cũng có thể đọc là Trĩ  (một loài dẽ ăn thóc lúa) ….]

Còn tại sao từ “Ngọ lộc, Mùi mã, Tuất dương” lại thành ra “Ngọ mã, mùi dương, tuất  khuyển” thì trong cuốn Trung Quốc sinh tiêu văn hóa cho rằng, 12 sinh tiêu trên “Tần giản” có trước, sau đó trong quá trình lưu truyền, 12 sinh tiêu trên Tần giản đã được các nhà  số thuật dùng thuyết âm dương dựa vào tính kỳ ngẫu trong bộ móng của các con vật mà giải thích lại đưa mã, dương, khuyển vào thay thế cho lộc, mã, dương, truyền đến thời Vương Sung thì được ông ghi chép và phổ biến rộng rãi. Đó chính là hệ thống 12 con giáp ngày nay ở Trung Quốc.

2. Quách Mạt Nhược: 12 con giáp không phải do người Trung Quốc nghĩ ra

Mặc dù những ghi chép về 12 con giáp đã xuất hiện trong văn hiến cổ của Trung Quốc từ rất sớm nhưng điều đó không đại biểu rằng người Trung Quốc là người nghĩ ra hệ thống 12 con giáp. Nhiều học giả cho rằng, để khẳng định chính tộc Hoa Hạ tạo nên 12 sinh tiêu thì cần phải có chứng cứ thuyết phục hơn nữa. Quách Mạt Nhược chính là người kiên định quan điểm đó. Ông căn cứ vào tình hình các nước đều có văn minh lịch 12  con thú, cho rằng 12 con giáp không chỉ giới hạn ở phương Đông mà Ấn Độ, Babilon, Hy Lạp, Ai Cập đều có. Hơn nữa dựa vào niên đại những tài liệu ghi chép về 12 con giáp ở Trung Quốc, ông cho rằng niên đại xuất hiện 12 con giáp ở Trung Quốc xuất hiện muộn và có thể người Trung Quốc thời Hán đã phỏng theo 12 cung hoàng đạo của người Babilon mà chế ra 12 con giáp.

Tuy nhiên, những người theo quan điểm “12 sinh tiêu có nguồn gốc từ Hoa Hạ” không đồng ý, họ cho rằng 12 sinh tiêu là kết quả dung hợp giữa kỷ niên can chi của tộc Hoa Hạ cổ với kỷ niên lịch thú trong các dân tộc thiểu số như Di tộc, Tạng tộc. Diệp Thư Hiến thì cho rằng quan niệm dung hợp trên tuy rất hay nhưng không đủ chứng cứ thuyết phục.

3. Từ phương diện nghiên cứu ngôn ngữ học: Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: Tuy ai cũng biết rằng hệ thống tên gọi 12 năm là một hệ thống đã được ghi bằng chữ Hán từ rất lâu đời nhưng tên gọi 12 năm đó chắc phải từ một ngôn ngữ nào khác chứ không phải là tiếng Hán….

Trong bài viết Về tên gọi con rồng của người Việt (đăng trên Diễn đàn số 94, sau đó được in lại trong cuốn Một số chứng tích về văn tự và văn hóa, NXB Đại học Quốc gia, 2001 tr.20-29), mục III “Về quan hệ giữa rồng và năm Thìn”, Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn có thận trọng lý giải mối quan hệ Thìn-Rồng từ góc độ ngôn ngữ học. Tôi tìm trên mạng không thấy bài viết này của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn nên tôi (vốn lười biếng) chỉ đánh máy lại đoạn quan trọng nhất trong bài đó ở dưới đây: (Đánh theo đúng nguyên văn bài viết)

“2. Thời thượng cổ, khi người Hán đóng khung ở lưu vực sông Hoàng, sông Vị thì toàn bộ miền Hoa Nam rộng lớn lại là địa bàn cư trú của rất nhiều bộ lạc khác, nói những ngôn ngữ thuộc nhiều dòng họ khác. Giới ngữ học quốc tế hiện đang cố gắng tìm nguồn gốc tên gọi 12 năm ở những ngữ hệ này: người thì tìm ở họ Austro-Thái như P.K.Benedict, người thì tìm ở họ Nam Á (Austro-Asiatique), như J.Norman và T.L.Mei. Họ Nam Á là ngữ hệ lớn bao gồm nhiều tiểu chi, trong đó có tiểu chi Việt-Chứt với nhóm Việt Mường của chúng ta. Chúng tôi hiện cũng đang cố gắng đi theo hướng Nam Á để xem thử kết quả như thế nào: ví dụ đang cố gắng tìm thử xem HỢI có gần với CÚI, SỬU có gần với TRÂU, NGỌ có gần với NGỰA hay không? Riêng năm MÃO chưa nhất trí ứng với một con nào: nơi thì cho là con THỎ, nơi thì cho là con MÈO. Phải chăng quan hệ MÃO-MÈO là hợp lý hơn? Tất nhiên phải hết sức thận trọng trong suy luận, phải hết sức nghiêm ngặt trong phương pháp, tên năm, tên con vật đều phải phục nguyên dạng thượng cổ mới đem ra so sánh được.

3. Với tinh thần như trên, chúng ta thử đi vào mối quan hệ giữa THÌN với RỒNG. THÌN thuộc vận bộ CHÂN, thanh mẫu THIỀN. Trong Hán ngữ sử cảo, giáo sư Vương Lực cho biết rằng thời Kinh Thi, Thiền đang là một âm /z/ mặt lưỡi trước (tạm ghi là /z’/ và Chân đang là vần /en/, nghĩa là Thìn phải được phục nguyên thành /z’en/. Rõ ràng là quá xa với /rông/ của cùng thời ấy. THÌN đúng là không bắt nguồn từ tên gọi con rồng của người Hán. Nhưng nếu đem so sánh với tên gọi con rồng /mahing/ của người Thà Vựng thì như thế nào? Trên đây (đoạn đầu bài viết này mà tôi không đánh lại-QH chú thích) chúng ta đã ngờ rằng /mahing/ ứng với tên rắn /mơsinh/ mà dạng phục cổ được phục nguyên là /psănh/. Trong quá trình so sánh /z’en/ với /psăng/, thú thực chúng tôi cảm thấy có phần lưỡng lự hoang mang. Khi thấy có sự  cấu âm quá gần gũi giữa /z’/ và /s/, giữa /-n/ và /-nh/ và phần nào giữa /ă/ và /e/ chúng tôi rất muốn nêu lên ngay một giả thuyết , chủ trương có sự tương ứng. Nhưng khi nghĩ đến  những hệ quả quá bất ngờ của một giả thuyết như vậy, chúng tôi lại sinh ra hơi lo lắng, sợ sai lầm: sai lầm ở khâu phục nguyên /z’en/, ở khâu phục nguyên /psănh/ hoặc sai lầm ngay chính ở khâu nêu lên sự tương ứng.  Không lo sợ sao được!  Cho /z’en/ ứng với /psănh/ thì hóa ra kết luận rằng THÌN  là một tên gọi loài RỒNG-RẮN, RỒNG là một tên gọi gốc từ Proto Việt-Chứt, và cư dân Proto Việt-Chứt hóa ra lại là một trong những tác giả đã tham gia góp phần vào việc hình thành nên hệ thống tên gọi  12 năm! Cứ liệu thật hấp dẫn, nhưng rõ ràng là cần phải thận trọng, cần phải tiếp tục tìm tòi nhiều hơn nữa.]…



Bác nào quan tâm có thể download những cuốn sách nghiên cứu về con giáp ở những link dưới đây:


  1. Diệp Thư Hiến, Điền Đại Hiến, Trung Quốc cổ đại thần bí số tự.
  2. Ngô Dụ Thành, Trung Quốc sinh tiêu văn hóa
  3. Ân Vĩ, Văn hóa sinh tiêu.
  4. Trung Quốc thập nhị sinh tiêu ấn phổ



[i] Triệu Dực (1727-1814), một nhà văn, nhà sử học nổi tiếng đầu đời Thanh. Ông đậu tiến sĩ đời vua Càn Long thứ 26. Ông là tác giả cuốn: Chấp nhị sử trát ký . Cuốn này cùng với Thập thất sử thương các của Vương Minh Thịnh và  Nhị thập nhị sử khảo dị của  Tiền Đại Hân được xem là 3 tác phẩm sử học nổi tiếng. (Cảm ơn anh Phạm Hoàng Quân đã chỉ ra lỗi sai trong phần thông tin về Triệu Dực. Em đã kiểm tra lại và đã đính chính  :D ) 

Monday, February 7, 2011

Thở dài

Buồn khôn xiết kể. 

Không biết phải nói gì.

Thở dài.