Saturday, April 19, 2014

García Márquez

Khi đọc xong "Trăm năm cô đơn" của García Márquez, tôi, lúc ấy còn nhỏ, đã bị sốt một trận kinh hoàng. (Mãi sau này tôi mới biết, tôi sốt là vì thần kinh bị kích thích quá độ). Sau đó cả tháng trời, cứ nhìn thấy thịt lợn hoặc kiến là tôi lại muốn ói. Rất lâu sau đó, tôi mới đọc một cuốn khác của García Márquez, "Tình yêu thời thổ tả", cuốn này, tôi lại chẳng thấy có chút gì rung cảm, có thể vì lúc đó tôi đã lớn. Đến "Dấu máu em trên tuyết" thì mới lại rách việc. Hồi tôi đọc truyện ấy thì đám sinh viên đang sính nghe Going home của Kenny G. Đi đâu cũng nghe thấy tiếng kèn saxophone của anh ấy. Nhà tôi lúc ấy cũng có một đĩa CD các bản saxophone hay nhất về Hà Nội của anh gì ngay lúc này thì không nhớ tên. Đại khái, hồi ấy, đám trẻ sinh viên trường tôi điên lên vì thơ của Hoàng Nhuận Cầm và saxophone. Nhưng sau cái đận đọc "Dấu máu em trên tuyết" thì tôi không bao giờ nghe saxophone nữa, tuyệt nhiên. Trong việc đọc sách của mỗi người, đều cần những bước ngoặt. "Trăm năm cô đơn" của García Márquez có lẽ là một trong những tác phẩm như thế. Nó lôi phứt tôi ra khỏi thế giới của những Puskin với Lev Tolstoy, Solokhov rồi vứt oạch tôi vào một thế giới xa lạ khác khiến tâm hồn sụt sịt non tơ của tôi hồi ấy bị hoảng loạn mất một đận. Sau đó, việc đọc sách của tôi bước lên một tầm cao khác. Đó là tôi chả bao giờ còn bị sốt khi đọc một cuốn sách, dù đó là sách giời ơi đất hỡi nào đi chăng nữa. Tôi đã được tiêm vacxin đủ liều.