Monday, October 14, 2019

CÕNG MỘT ÔNG “THÁNH HIỀN”

Đây là bài viết của nhà phê bình văn học Nguyễn Chí Hoan về tiểu luận nhỏ của tôi in trong cuốn "Nghiên cứu Nho giáo Việt Nam: Quan điểm và phương pháp" (Nguyễn Kim Sơn chủ biên, Nxb Đại học Quốc gia, 2018). Chân thành cảm ơn anh vì những chia sẻ anh đã dành cho bài viết. 

CÕNG MỘT ÔNG “THÁNH HIỀN”

************************
“Với đối tượng nghiên cứu chính là Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Toản yếu (từ đây gọi là bộ Toản yếu) do Nguyễn Huy Oánh biên soạn và Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Tiết yếu (từ đây gọi là bộ Tiết yếu) nguyên bản thuộc họ Bùi (vẫn thường được biết đến như là văn bản do Bùi Huy Bích (1744-1818) biên soạn), bài viết này của chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên cứu lịch sử tư tưởng, tiến hành khảo sát, nghiên cứu về hiện tượng toản yếutiết yếu kinh điển Nho học trong bối cảnh tư học Việt Nam thế kỷ XVIII.” – "Toản yếu", "Tiết yếu" kinh điển và đặc trưng thuyên thích học Nho gia Việt Nam trong giáo dục Tư Học thế kỷ XVIII - Quách Thu Hiền (QTH)
**
Bài nghiên cứu dẫn trên đem đến sự thú vị do các trình thuật khúc chiết về một chủ đề hiểm trở là nền “cựu học” của nước Nam xưa,  nhưng còn mang lại một  cái nhìn đầy gợi ý về cái di sản đã bao lâu có vẻ như bất động kia, một thành tố trong lịch sử của tinh thần nước Nam: thành tố gọi là tinh thần Nho giáo.

Lịch sử của tinh thần không trùng khớp hay trùng lặp với cái được gọi như “lịch sử (của) tư tưởng”. Nhưng giống như diễn trình của nối tiếp, đồng thời, tranh đoạt và thống trị giữa các luận các thuyết,  diễn trình của tinh thần của một dân cư cũng “quần ngư tranh thực”  và tất nhiên có sự thống trị của một front chủ yếu; ở đây, tương ứng, là cái “front lạnh” Nho giáo phương Bắc, thành tạo một tinh thần thấm nhập vào dân cư các địa vực thuộc “Nam quốc sơn hà”, từ sự truyền bá Nho giáo của những Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp cho đến đường lối được coi là bảo trợ Nho mà kiềm chế Phật, Lão của vua Lê Thánh Tông.

Việc nghiên cứu về “hoạt động diễn giải kinh điển Nho học tại Việt Nam” (- QTH) bao hàm trong đó tìm hiểu và trần thuật cái tinh thần đã dẫn dắt sự diễn giải đó. Trong bài nghiên cứu này, phương diện ấy tự trình hiện qua “bối cảnh chính trị văn hoá xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII: từ bối cảnh bên ngoài (lộ trình của biên soạn kinh điển Nho học tại Việt Nam), bối cảnh bên trong (mối quan hệ giữa quyền lực và tri thức: những chính sách của nhà nước liên quan đến kinh điển Nho học), từ bối cảnh của chủ thể thuyên thích (người biên soạn kinh điển) và bối cảnh người tiếp nhận (Nho sinh, những người đi học)” (- QTH). Tất nhiên, do giới định cụ thể của nghiên cứu này, đấy có thể chỉ được thấy như một vài trong những chuyển động đa tạp của cái tinh thần chung; song, các chuyển động được thấy này lại thuộc về loại chuyển động lớn và căn bản.

Cụ thể thì, nghiên cứu này đã chọn một điểm tiếp cận đáng kinh ngạc và gây cảm hứng: là sự thể hai đối tượng nghiên cứu – hai sách “Toản yếu” và “Tiết yếu” này – bị  mấy lớp Nho gia về sau phê phán rất mạnh.

Thứ nhất, Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Toản yếu và Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Tiết yếu là hai công trình nhận được nhiều đánh giá tiêu cực từ các Nho gia Việt Nam trung cận đại. Phan Huy Chú (1782-1840) trong Lịch triều hiến chương loại chí 歴朝憲章類誌 nhận xét: “Tính lý Toản yếu 2 quyển, Tứ thư Ngũ kinh Toản yếu, 15 quyển, do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên soạn. Vay mượn bản riêng của các danh gia, ghi chép chắt lọc các điều cốt yếu. Nhưng tựu trung cắt gọt, thay đổi rất nhiều thành ra xuyên tạc”. Nguyễn Thông (1827-1884), trong khi chấm thi Hương trường Thừa Thiên vào tháng 7 năm Tự Đức thứ 23, được biết Nho sinh chủ yếu học bộ sách Tiết yếu do Bùi Huy Bích biên soạn, vì thế đã dâng sớ lên án kịch liệt, cho rằng bộ Tiết yếu đại để trích những câu sáo ngữ giúp cho việc thi cử để lừa dối kẻ hậu sinh. Những người có tài, có trí bị chôn vùi  trong nền học ủy mỵ méo mó ấy mà không tự biết! Vì thế tôi ví với dị đoan tà thuyết, lừa đời dối dân, cũng không phải là quá đáng”. Đầu thế kỷ XX, trong một bài báo bàn về Nho học Khổng Mạnh, Huỳnh Thúc Kháng (1876-1947) cũng phê phán gay gắt bộ Tiết yếu “Sách kinh truyện và sử tiết yếu của Bùi Huy Bích là thứ sách gì? Cắt đầu, hớt đuôi, bôi son, vẽ lọ, không thành tư cách một cuốn sách, mà đem ra cho công chúng học, phô lên rằng học Khổng Mạnh thánh hiềnCái học vì sách tiết yếu của Bùi Huy Bích không khác gì ngọn lửa nhà Tần thứ hai trong học giới nước ta về khoản cận đại vậy” (- QTH)

Trước tiên, về thời độ, ta thấy sự phê phán đối với hai bộ sách diễn giải kinh điển Nho giáo trên đã trải suốt ít ra cả trăm năm, từ những năm 1800 đến các thập niên đầu 1900; và cũng rõ đấy là, ít ra gần đúng, quãng thời gian mà hai bộ sách ấy hẳn đã được khắc in bán mua và sử dụng một cách phổ biến, và đắc lực. Nhưng như bài nghiên cứu này nhận định thì “hoạt động diễn giảng kinh điển Nho học Việt Nam từ thế kỷ X cho đến nay là một hoạt động duy trì liên tục, không đứt gãy.” (-QTH) Hiện tượng diễn giải đó, như vậy là một hiện tượng lớn hơn, một diễn trình tiếp nhận bao trùm, mà hiện tượng phê phán của một thành tố này đối với các thành tố khác nào đấy của nó thì cũng vẫn ở bên trong cái hệ có thể gọi được như là một hệ sinh thái riêng của nó. Thời độ của tiếp nhận vẫn đang triển hạn. Và thời độ, của cả hai hiện tượng nói trên, giống với thời độ của mọi hiện tượng ý thức nói chung, không gì khác hơn, chính là phương diện căn bản của một tinh thần.

Cái tinh thần đó có khả thủ không? Đối với những gì xem thấy như là thực tại, hẳn đều không thể đơn giản bảo rằng có hay rằng không. Nhưng cái hiện tượng lớn đó, sự tiếp nhận Nho giáo, vào lúc mà hiện tượng phê phán nói trên hẳn đã khởi sự các nguồn cơn của nó, đã trình hiện những hậu quả khó coi: Sự suy đồi của khoa cử giáo dục Nho gia thế kỷ XVIII khiến cho đội ngũ quan lại (những người đỗ trong các kỳ thi) không đạt được những tiêu chí về phẩm hạnh và tài năng. “Những người trúng tuyển đại loại là kẻ không có thực tài”, “những kẻ ra ứng dụng cho đời phần nhiều là phường hủ lậu ít tài giỏi””(- QTH)

Hẳn chẳng phải đợi đến khi một nền giáo dục khác, hậu duệ trực tiếp ít ra bởi sự kế tục về lịch sử, lặp lại “sự suy đồi” ấy, thì mới thấy được rằng cái tinh thần Nho giáo đã thành tựu nét phong hóa dưới trời Nam sâu xa đến mức nào. Hơn nữa, sự lặp lại đó, thực hiện và hoạt tác dài lâu của cái tinh thần đó, còn hiện ra, với tính đồng bộ rõ rệt, trên mấy phương diện mang tính cơ cấu hay chức năng mà bài nghiên cứu này đã chỉ ra qua việc tìm hiểu về hiện tượng “Toản yếu, Tiết yếu”. Việc xuống cấp trong quản lý và giáo dục của Quốc tử giámcòn phản ánh rõ trong lời than thở của Bùi Huy Bích: “Trường Quốc tử giám là một chỗ lễ nghĩa thế mà học trò có người ngồi bên cạnh các quan, vung tay trật đùi, nói cười hềnh hệch không sợ gì cả”. Không chỉ riêng giáo dục Quốc tử giám, những ghi chép sử học thế kỷ XVIII còn cho thấy sự xuống cấp của toàn bộ hệ thống khoa cử trường công. Đặc biệt là ở các kỳ thi Hương, nhà nước cho phép thí sinh dùng tiền mua tư cách tham gia khoa cử, nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng buôn bán bài thi mẫu, không ngăn cấm mang sách tham khảo vào trong trường thi, quan chấm thi “tuỳ theo văn bài mà chọn đỗ không kể gì trùng lắp ”. … Trong khi Quốc tử giám đánh mất vai trò giáo dục bậc cao thì tư học thế kỷ XVIII lại trở thành nơi đào tạo nhân tài thế kỷ XVIII. Tư học thế kỷ XVIII phát triển hoàn bị với hai mô hình giáo dục chính: thư viện gia tộc và học đường của các danh Nho.” (- QTH)

Nghiên cứu này của QTH nhấn mạnh sự trỗi dậy của “tư học” như là một đối thay về cơ chế giáo dục trong nền “cựu học” đó. Tuy nhiên, khi thấy ở đấy sự chuyển di cả một nhóm chức năng – việc lập trường (linh động về quy mô nhưng nhất thống về nguyên lý dạy và học), việc lập và phát triển các tàng thư, việc biên soạn (sẽ dẫn đến lưu hành và phân phối) các tài liệu giảng dạy – ta nên chăng nghĩ tới một sự biến đổi mang tính cấu trúc. Nhất là bởi, như nghiên cứu này đã trình bày rất thuyết phục, hiện tượng phát triển “tư học” đó gắn với “trào lưu ‘du học’ kinh đô” và dẫn sang sự hình thành các “liên minh sĩ tộc” và “liên minh thầy trò” (- QTH). Đấy đã là những thực tại đời sống-xã hội rất căn bản, mà nghiên cứu này cho thấy chúng trực tiếp ảnh hưởng vào quan trường, vào nền hành chính dân sự, vào hạ tầng tư tưởng-tinh thần, tạo ra thời buổi. Song, cái biến chuyển mang tính cấu trúc như thế hẳn đã không thể hoàn tất, hay ít ra đi theo hướng mà biến chuyển đó mở ra. “Tư học” với những “thư viện gia tộc”, “học đường của các danh Nho” là “xuất phát điểm” cho các trào lưu chấn hứng văn thể, chấn hưng Nho phong sĩ khí, và xu hướng tiếp nhận Thực học Minh Thanh thế kỷ XVIII. Trong khi Quốc tử giám lơi lỏng tiêu chí “nhân cách” trong xét tuyển Giám sinh thì tại nhiều học đường của các danh Nho, “nhân cách” được xem là tiêu chí hàng đầu trong việc thu nhận và dạy dỗ học trò.”. Cùng với sự xuống cấp của giáo dục trường công, kho sách giảng tập kinh điển của Quốc tử giám đã không còn giữ được ưu thế trước những tàng thư tư nhân. Nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn đã chỉ ra hiện tượng “sách chứa đầy nhà” của các sĩ tộc thế kỷ XVIII.Trong số đó những nhà sư phạm nổi tiếng thế kỷ XVIII cũng chính là những người sở hữu kinh điển đầy quyền lực. Phần lớn những người đỗ đầu trong kỳ thì Đình (Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp) thường được bổ nhiệm và kinh qua những vị trí liên quan đến quản lý và biên soạn thư tịch. Những chức trách ấy cho phép họ được tiếp xúc với một hệ thống thư tịch phong phú của nhà nước. Vì vậy, cùng với sự mở rộng của thương mại thư tịch Việt-Trung thế kỷ XVIII, cùng với sự trỗi dậy của tư khắc và phường khắc, nhiều danh sĩ đã tự mình thu thập, sưu tầm, sao chép, biên soạn chú giải và cho khắc in điển tịch tư gia. Nhiều bộ kinh điển lớn trước đây chỉ có thể thực hiện ở quy mô tổ chức khắc in nhà nước nhưng tại thế kỷ XVIII lại được thực hiện ở mức độ khắc in tư gia như bộ Toản yếu  của dòng họ Nguyễn Huy là một ví dụ điển hình. - QTH

Những biến chuyển như thế lại diễn tiến trong bối cảnh chung của “sự suy đồi của khoa cử giáo dục Nho gia” như ở trên đã dẫn. Liệu đó có phải một tình thế phản ứng lại một thực trạng – như cách các suy luận sử tính thường dẫn dắt hay không? Thêm nữa: Chính sách cấm mua sách Bắc thư của nhà nước năm 1736, theo chúng tôi, có thể đã gây ra đứt đoạn trong tiếp nhận kinh điển Nho học Minh Thanh thế kỷ XVIII.Trong sự khan hiếm của thị trường sách khoa cử, Toản yếu Tiết yếu trở thành những bộ sách Tứ thư Ngũ kinh Chế cử đáp ứng được nhu cầu của sĩ tử đương thời: một bộ điển tịch đầy đủ chính xác kinh văn, chú giải theo hệ tư tưởng Trình Chu, đã được tinh lọc, không rườm rà phồn tạp. Trong đó Toản yếu còn là sự tinh lọc từ 10 độc bản của danh gia Việt Nam và có sự tiếp nhận khảo chứng học đời Thanh (qua sự tiếp nhận Khốn học kỷ văn của Vương Ứng Lân- một tác phẩm khảo cứu có nhiều ảnh hưởng đến các nhà khảo chứng học đời Thanh như Cố Viêm Võ, Diêm Nhược Cừ…), hoàn toàn có thể được xem là một bộ sách giáo khoa hoàn bị cho người đi học thế kỷ XVIII.” – QTH

Như vậy, sự phát triển một khu vực giáo dục mang tính kinh điển-chính thống do tư nhân đảm trách không phải là phản ứng đối với sự suy đồi của chính nền giáo dục đó trên nền tảng quan phương vốn có của nó. Sự phát triển “tư học” ấy, có vẻ phác ra một biến chuyển sang một ý thức phân lập được sở hữu tư nhân về trí tuệ, phát triển những thiết chế văn hóa tự trị cao cấp; nhưng nó đã lập tức rơi lại vào quỹ đạo của tinh thần tuân thủ Nho giáo – chỉ là một nhánh đường thoát hiểm, rõ ràng nhằm cứu vãn cái cấu trúc lý tưởng “thiên mệnh”- “hiền tài” lấy “nhân trị” làm trụ cột.

Và như thế sự phê phán đối với hai sách “Toản yếu” và “Tiết yếu” mà nghiên cứu này chọn làm điểm tiếp cận mới là phản ứng đối với cái nạn “suy đồi” kia. Những lời phê phán rất nặng, như đã dẫn ở trên, là “xuyên tạc”, “lừa đời dối dân”, “dị đoan tà thuyết”, “ngọn lửa nhà Tần thứ hai”, rất có vẻ chỉ cần dấn thêm một bước nữa sẽ trở nên những phủ định đột phá. Nhưng thực tế sự phủ định ấy đã diễn ra theo cách khác mà ai cũng đã biết. Cả hai chuyển động lớn, chỉnh đốn tự phát sự học và phê phán sự suy đồi của khoa cử, thảy đều diễn biến trong tinh thần tuân thủ hệ giá trị Nho giáo, nhân danh hệ giá trị đó.  Cái tinh thần tuân thủ này, chỉ còn gắn với Nho giáo một cách lỏng lẻo linh động, dẫu chẳng bao giờ thuần nhất, luôn dẫn đến sự sùng bái và độc tôn cái gì đấy được nó hợp thức hóa như là cái chính thống. Nó là một “đại tự sự” dai dẳng và sẵn sàng áp chế. Mặt khác thì do cái tinh thần Nho giáo ấy ngay từ đầu đã dấn thân vào chính trị, nó luôn luôn được dùng làm một lợi khí trong chính trị chuyên chế.

Về sau này, cũng chỉ trong vòng trăm năm, có những thực tại tương đương với hai vận động nói trên lặp lại: cảnh lan tràn “dạy thêm-học thêm” và những “lò” luyện thi với những thầy nổi tiếng; những căn nhà của giáo viên kiêm thêm chức năng lớp học bán trú; lạm phát những “bài văn mẫu”, “sách tham khảo”, v.v. ; rồi đến sự xuất hiện đầu tư tư nhân vào việc lập trường dạy học. Nguyên lý có tính tiên đề học để ra làm quan – cái nguyên lý ấy chẳng hề suy suyển; nhất là trong một tương quan bền vững suốt hàng chục năm coi những trường huấn nghệ chỉ là những trường hạng hai ở bậc học sau phổ thông.

Vậy là cái nền giáo dục “mực tàu chữ nho” đã tan rã từ hai trăm năm trước nhưng cái tinh thần mà nó hun đúc thì đi vào phong hóa dân gian và, qua nhiều thế hệ những tầng lớp tinh hoa và thống trị xã hội đều hưởng lợi và trục lợi từ hệ giá trị Nho giáo đã bản địa hóa, nó đi vào các định chế hiện đại.
Liệu có phải, như người ta nói, tinh thần Nho giáo trong thực tế đã sai lệch hẳn khỏi cái đạo lý mà những nhà kinh điển của nó từng kiến lập? Và liệu có phải việc nghiên cứu về tiếp nhận kinh điển Nho giáo sẽ giúp điều chỉnh cái tinh thần ấy?
NGUYỄN CHÍ HOAN   

Thursday, September 26, 2019

Trung thành với bản tâm

Vấn đề của tôi, rất rõ ràng, trong khi bị/được lôi kéo bởi các cơn phấn khích (viết/đọc) tôi hay sực tỉnh giữa chừng và phản tỉnh: mình đang làm cái trò con bò gì thế? Tư duy bị ngắt đột ngột như một cơn chuột rút. Rất lâu sau đó tôi mới viết tiếp được. 

Tôi cũng là người thường dừng lại giữa chừng khi tôi cảm thấy mình không hiểu hết một vấn đề nào đó. Theo quan sát của tôi, thường những người khác, họ cắm một cột mốc ở đó, đi tiếp cho hết chặng rồi sẽ quành lại để giải quyết câu hỏi còn đang dang dở. Nhưng tôi thì không thể. Nếu tôi mắc ở đâu, tôi sẽ quanh quẩn nguyên ở đó, đào xới, lật tung, mở rộng phạm vi tìm kiếm, một năm, hai năm, thậm chí lâu hơn, chỉ để hiểu hết một vấn đề. Khi tôi cảm thấy thoả mãn với câu trả lời mình tìm ra được, tôi mới đi tiếp. 

Trong việc "viết", đối với tôi, không phải khi kết thúc bài viết, mà chính quá trình "đọc" mới là thú vị và đáng hưởng thụ nhất. Khi bài viết kết thúc, đó là sự trống rỗng. 

Trung thành với bản tâm là điều khó nhất. Rất ít người làm được. Nhưng ít ra nên làm được điều này: nếu đã lựa chọn làm thì phải chấp nhận hệ/hậu quả của việc mình đã làm.  

Hôm nay, tôi nói với thằng bạn cà phê rằng không có địa ngục nào kinh khủng bằng địa ngục bên trong con người. Vượt qua được địa ngục đó chính là giải thoát. 

Ngay cả với người bản thân xem là đáng quý trọng nhất mà không thể thành thực, thì còn có thể thành thực với ai ở trên cõi đời này? 

Friday, May 3, 2019

Dũng sĩ và phù thuỷ



- Đọc "Cửa tùng đôi cánh gài" chưa?
- Chuyện dũng sĩ cứ khăng khăng đi giết quái vật, trừ gian diệt ác giúp đỡ cho đời nhưng cuối cùng khi trở về soi vào kính chiếu yêu lại thấy chính mình là quái vật. Em đọc rồi, hồi lâu lâu gửi link  "bắt đọc" còn gì.
- Cho nên có khi cứ ngồi bên cửa sổ là cách tốt nhất. Chỉ cần say mê trong sách vở là được rồi.
-  Em cứ say mê thuần khiết trong sách vở, thế rồi một hôm em nhìn vào gương và thấy một mụ phù thuỷ già thì sao?
- ..........!!!!!


Friday, April 19, 2019

Ký sự Sài Gòn (2): Nhói tim cho Cái Đẹp

Cho bù tọt

Tôi còn nhớ rất rõ, Sài Gòn đêm đó nóng đến ngạt thở. Khi người đàn ông ấy, trong vòng vây của rất nhiều người, lướt qua trước mặt tôi, trái tim tôi đã nhói lên một cái. Tôi biết, tôi vừa nhìn thấy một Cái Đẹp lướt qua trước mặt mình, một Cái Đẹp mà có thể sau này tôi sẽ không bao giờ có cơ hội chứng kiến lại được nữa...

Hai chục năm về trước tôi cũng đã từng nhói tim một lần như thế. Nhưng hai chục năm trước tôi là một cô bé tò mò với cả thế giới, cái gì tôi cũng muốn biết. ("Và vì thế em sẽ sống rất lâu", như lời của một nhà phê bình văn học người Hà Nội gốc đã nhận xét về tôi. Bọn giai Hà Nội gốc lúc nào cũng thâm sâu đáng sợ). Hai chục năm trước tôi không biết rằng khi bắt đầu tò mò về ai đó nghĩa là tôi đã bước vào câu chuyện của người khác, cú thò chân đó có thể sẽ khiến tôi vạn kiếp bất phục. Bây giờ tôi cũng vẫn còn muốn biết rất nhiều thứ, chỉ là không còn tò mò. Vì vậy cái nhói tim trong buổi tối Sài Gòn nóng ngốt người hôm đó chỉ diễn ra trong một tích tắc rồi thôi. Lúc đó tôi còn đương bận lo, tan hát chầu rồi liệu có bắt được Grab giờ này (12h đêm) để về khách sạn?

Nhưng có những thứ thực ra đã âm thầm khởi đầu từ lâu lắm rồi chỉ là tôi không nhận thấy. Vì vậy tôi đã quay trở lại Sài Gòn trong những ngày nóng nhất của tháng Tư để tiến hành một dự án khác xa các lĩnh vực nghiên cứu từ trước đến nay của tôi. 

Tôi đã không ngờ có một ngày tôi lại nặng lòng với Sài Gòn đến thế.

Mọi thứ bắt đầu từ một cú nhói tim cho Cái Đẹp. 

Wednesday, April 17, 2019

Ký sự Sài Gòn (1)

Năm 20XX, giáo sư Huệ Chi giao cho tôi viết về Ngô Nhân (Nhơn) Tĩnh, một mục trong "Từ điển Văn học" (bộ mới). Vì thế, lần đầu tiên tôi đọc thơ của Ngô Nhân (Nhơn) Tĩnh, một nhà thơ Minh hương dưới thời Gia Long. Năm 2015, khi tìm đề tài cho bài tham luận Hội thảo Nho học quốc tế, tôi chọn viết về nhóm Nho sĩ Minh hương, ngoài lý do cá nhân (vì một người bạn mà tôi đặc biệt yêu quý cũng xuất thân là người Minh hương), một lí do khác vì tôi nhớ đến Ngô Nhân Tĩnh, nhớ đến nỗi buồn đặc biệt của người trí thức như ông. Ngô Nhân Tĩnh theo Gia Long ngay từ những ngày đầu, xem Gia Long như là tri kỷ, cuối cùng chỉ vì một sự hiểu lầm mà Gia Long quay lưng lại với ông. Sự quay lưng của Gia Long chính là đòn chí mạng đẩy ông vào chỗ chết. Dù ý tưởng và tài liệu đầy đủ nhưng tôi đã không thể hoàn thành trọn vẹn bài viết vì tôi chưa từng đặt chân đến đền Minh hương Gia Thạnh, nơi sinh hoạt cộng đồng của người Minh hương dưới thời Gia Long, nơi ghi dấu ấn công lao to lớn của ông và Trịnh Hoài Đức. Năm 2016, một trong những lí do chính tôi muốn đến Sài Gòn là Đền Minh Hương Gia Thạnh và mộ Ngô Nhân Tĩnh. Mộ của Ngô Nhân Tĩnh nằm trong khuôn viên chùa Giác Lâm, một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn. Tôi thắp cho ông một bó nhang. Có lẽ vì gió lộng, bó nhang bùng lên và cháy đến tận gốc chân nhang. Tôi đã đứng ở trước mộ ông rất lâu, dưới cái nắng gay gắt của trưa hè Sài Gòn chỉ để nhớ đến thân phận của những trí thức "như một áng mây trời, chẳng thuộc về nơi nào cả"...

Friday, April 12, 2019

Người

- Thực ra có một thứ lòng trung thành cao hơn tất thảy, vượt qua mọi ranh giới đường biên, mọi thể chế chính trị. Đó là lòng trung thành với giá trị Người.
- Giá trị Người định nghĩa như thế nào? Có phải dựa vào khung giá trị của người định nghĩa? Khung đó ở đâu ra?
- Những gì để Người thành Người thì là giá trị Người. 
- Thế chẳng phải giống như nói: A là gì? A có những đặc tính của A nên gọi là A.
- Đúng thế, vì vậy trước tiên phải hỏi: Người là gì? 

........
Như những đám mây trời, chẳng thuộc về nơi nào cả. 
Nhưng tớ là đứa thích ngắm mây trời lắm, yên tâm. 

Wednesday, April 3, 2019

Trần Đình Hượu và các giai đoạn phát triển của Nho học Việt Nam thế kỷ XX



Nho học Việt Nam thế kỷ XX, trong bài viết này, được chúng tôi định nghĩa là “những nghiên cứu về Nho giáo trong giai đoạn từ 1917-2000 tại Việt Nam”.

Khi chúng tôi đề ra “giai đoạn phát triển”, nghĩa là vấn đề thuộc về “tiêu chí” phân kỳ Nho học Việt Nam thế kỷ XX, một trong những vấn đề mà chúng tôi sẽ giải quyết trong bài viết. Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu và những công trình nghiên cứu Nho học của ông sẽ như một đỉnh mốc quan trọng được chúng tôi xem như hệ tham chiếu khi phân kỳ các giai đoạn phát triển của Nho học  tại Việt Nam thế kỷ XX.

1. Những giai đoạn phát triển của Nho học tại Việt Nam thế kỷ XX

“Phân kỳ” luôn là một câu chuyện phức tạp, gây nhiều tranh luận không chỉ trong nghiên cứu Nho giáo. Chỉ riêng với câu hỏi Nho học Trung Quốc có bao nhiêu kỳ, hiện nay vẫn là “cuộc chiến giằng co” giữa  một bên là Đương đại Tân Nho gia (đại diện là Đỗ Duy Minh) và một bên là Lý Trach Hậu. Đương đại Tân Nho gia chia Nho học Trung Quốc thành ba kỳ, Lý Trạch Hậu chia thành bốn kỳ. Trong khi phân kỳ, đương đại Tân Nho gia chú trọng Mạnh Tử, Lý Trạch Hậu chú trọng Tuân Tử. Đương đại Tân Nho gia chú trọng Vương Dương Minh, Lý Trạch Hậu chú trọng Chu Hy. Nhìn tình hình hiện tại có thể nói, cuộc tranh luận này sẽ không bao giờ ngã ngũ. Phân kỳ Nho học trong lịch sử đã phức tạp như  thế, có thể  suy ra phân kỳ Nho học đương đại còn phức tạp hơn rất nhiều.

Về phân kỳ Nho học Việt Nam, câu chuyện cũng rắc rối không kém. Ví dụ Lê Sĩ Thắng trong bài Nho giáo trong lịch sử Việt Nam[1] chia Nho học Việt Nam thành năm giai đoạn lớn thì theo Trần Nghĩa trong bài Thử phân loại Nho học Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử”[2] chỉ chia Nho học thành bốn giai đoạn. Các tiêu chí phân kỳ Nho học của các nhà nghiên cứu Việt Nam phần lớn là dựa trên tiêu chí phân kỳ lịch sử. Tuy có sự khác biệt, nhưng hầu hết trong số họ đều đạt được sự đồng thuận khi dừng phân kỳ Nho học Việt Nam lại ở mốc 1945. Còn sau 1945, diện mạo Nho học Việt Nam như thế nào, đến nay vẫn cần một câu trả lời xác đáng. Cho đến hiện tại, công trình duy nhất tổng kết Nho học Việt Nam thế kỷ XX, là bài viết《當代越南儒教研究之現狀與問題》của nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn đăng trên臺灣東亞文明研究學刊[3]. Trong bài viết này, nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn chia “Nho học Việt Nam đương đại” (mà thực chất theo chúng tôi chính là Nho học thế kỷ XX tại Việt Nam) thành hai giai đoạn: Giai đoạn 1: từ 1919-1985. Giai đoạn 2: từ 1986-2006. Trong giai đoạn từ 1919-1985,  tác giả lại chia thành ba giai đoạn nhỏ: từ 1919-1954, từ 1955-1975 và từ 1976-1985. 

Từ nền tảng cơ sở là những gợi ý trong công trình của nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn, chúng tôi cũng mạnh dạn đề xuất một cách phân kỳ khác về Nho học Việt Nam thế kỷ XX. Do bối cảnh lịch sử, Nho học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 là “một câu chuyện khác”, cần có một tiêu chí đánh giá riêng, không thuộc phạm vi của bài viết, vì thế khi đánh giá về Nho học giai đoạn 1954-1975, chúng tôi chỉ sử dụng những công trình nghiên cứu Nho giáo ở miền Bắc Việt Nam. Việc sử dụng tài liệu này nhằm nhất quán với tiêu chí mà chúng tôi đặt ra khi phân kỳ giai đoạn phát triển của Nho học Việt Nam từ 1917 đến 2000: sự phát triển của Nho học sau các cuộc khủng hoảng tư tưởng. Với tiêu chí này, nếu nhìn vào sự “thăng trầm của Nho học” suốt chiều dài lịch sử thế kỷ XX, theo chúng tôi, Nho học Việt Nam có thể được chia thành ba giai đoạn phát triển: Giai đoạn 1: từ 1917-1945; giai đoạn hai: từ 1946-1986; giai đoạn ba: từ 1987-2000.

Giai đoạn 1: từ 1917 đến 1945: Nho học và sự khủng hoảng ý thức hệ lần thứ nhất: sự lựa chọn của Nho gia: tồn tại hay không tồn tại.

Sự cáo chung của chế độ khoa cử Nho học năm 1917, đã tạo nên một cuộc khủng hoảng cho khoảng 15.000 trường học theo mô hình Nho giáo và khoảng 200.000 Nho sinh (theo ước tính của Pierre Brocheux và Daniel Hémery[4]) tại Việt Nam. Sự khủng hoảng ý thức hệ Nho giáo thực chất đã diễn ra từ cuối thế kỷ XIX, khi triều đình Huế thất thủ trước nước Pháp. Đạo nhân nghĩa của Khổng giáo không cứu vãn nổi hiện thực mất nước. Sự thất bại của các phong trào như Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục cũng là một trong những yếu tố khiến cho những Nho sĩ lỡ thời không thể không đặt ra câu hỏi đi đường nào để “cải tổ” vận mệnh của mình, của dân tộc. Nho giáo đối với các nhà Nho là thứ tiềm thức đã “thấm đến tận xương... Cho đến mấy ông tân học, mấy ông tưởng mình theo Âu hoá, mấy ông hằng ngày đọc luôn mấy sách của thánh Gandhi, chẳng hề biết một chữ Nho, viết hai chữ Khổng Tử bằng “Confucius”, cũng nhồi chặt trong lòng những tinh hoa của Khổng giáo mà chính mình không biết[5]. Nho giáo là tập tục, nói như Nguyễn Uyển Diễm “Bất kỳ người ta hay người Tàu, từ khi bú, khi ăn, khi thở, khi đi, khi ngồi, khi chết cũng đều đóng ở trong vòng lễ nghi Khổng giáo[6]. “Sự sống còn của Nho giáo” cũng có nghĩa là sự sống còn của chính bản thân những trí thức Nho giáo. Vì thế một trong những câu hỏi trọng tâm nhất liên quan đến Nho học giai đoạn lịch sử đó chính là: bỏ hay không bỏ Khổng giáo? Theo Tây hoá để sống sót hay giữ lấy Khổng giáo rồi “diệt chủng”? Nhưng Tây hoá như thế nào? Nguyễn Uyển Diễm đã có một nhận định châm biếm về bối cảnh “Tây học vi thượng” đầu thế kỷ XX ở Việt Nam: “người ta thi nhau chống phong kiến Á châu nhưng đồng thời lại cổ võ phong kiến Âu châu, mặc dầu tính cách “cô chị” cũng chẳng cấp tiến hơn “cô em” là bao nhiêu. Người ta chán ghét Khổng Tử, Lão Tử, Mặc Tử, Trang Tử, Quản Tử, Tuân Tử, Thích Ca Mầu Ni để mà say mê Héraclite, Anaximandre, Empédocle, Pythago, Platon, Aristote, Epicure nhưng người ta đều rơi vào ảo tưởng cả. Bỏ cái hủ bại phong kiến Á châu mà tìm cái hủ bại của phong kiến Âu châu phỏng có ích lợi gì không? Chán ghét cái nhân đạo chủ nghĩa của bọn quân tử thống trị Á châu mà say sưa cái nhân bản chủ nghĩa của bọn quí tộc Châu Âu phỏng có nghĩa gì không?[7].

Những năm cuối thể kỷ XIX đầu thế kỷ XX, có “hai khái niệm mới, hoàn toàn xa lạ với Nho giáo xuất hiện ở Việt Nam: đó là “khoa học” và “dân chủ”[8]. Đây là giai đoạn manh nha xuất hiện một tầng lớp trí thức Nho học, những người vừa có nền tảng của Nho gia truyền thống, vừa tiếp thu chủ nghĩa dân tộc trong sách báo của những trí thức Trung Quốc cận hiện đại như Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, đồng thời cũng thông qua những nhân vật này tiếp thu luôn các lý thuyết về dân chủ của Roussseau, Montesquieu....[9].

Có hai lí do để trí thức Nho học Việt Nam tham chiếu trí thức Nho học Trung Hoa. Thứ nhất: hướng về Trung Hoa mỗi khi gặp khủng hoảng là hành động đã ăn sâu vào tiềm thức của các Nho sĩ. Thứ hai: Đây là giai đoạn Việt Nam và Trung Quốc có một sự tương đồng về bối cảnh chính trị. Sau chiến tranh Nha phiến, trước sự thắng  thế của khoa học kỹ thuật Anh quốc, Nho giáo tại Trung Quốc cũng lâm vào khủng hoảng trầm trọng khi các môn sinh cửa Khổng bắt đầu chất vấn nghi ngờ chính học thuyết của đức thánh Khổng. Để “bảo hộ” Nho giáo, những nhà Nho thuộc phái Dương vụ như Trương Chi Động thông qua khẩu hiểu “sư Di trường kĩ dĩ chế Di” (học khoa học kỹ thuật của Di quốc để chế ngự Di) đã cải cách hàm nghĩa một trong những khái niệm căn bản trong triết học Nho gia là “thể dụng”, cho rằng: “Trung học vi thể, Tây học vi dụng”. Trương Chi Động cho rằng, chỉ có “thể” không chưa đủ, cần phải có cả “dụng”, vì cả kinh điển lẫn đường sắt đều quan trọng đối với Trung Quốc. Theo Levenson, lý luận “thể dụng” của Trương Chi Động tưởng chừng như kế thừa quan điểm thể dụng của Chu Hy nhưng về bản chất thì khác. Chu Hy quan điểm “thể dụng” “là hai mặt của cùng một sự vật”, Trương Chi Động diễn giải “thể” và “dụng” thành “hai bộ phận riêng biệt”; từ quan điểm “một vật có thể vừa là thể vừa là dụng” của Chu Hy thành “sẽ có một vật (tinh thần Trung Hoa -cái trung tâm) là “thể” và một vật khác (Tây học, khoa học kỹ thuật-vật mang tính bổ sung) là “dụng”[10]. Quan điểm điều hoà dung hợp “Trung Tây” của Trương Chi Động thực chất là một nỗ lực để bảo tồn tinh thần truyền thống. Sau này những nhà cải cách thuộc “kim văn kinh” học phái đời Thanh thế hệ đầu đã dung hoà quan điểm của Trương Chi Động và các nhà truyền giáo phương Tây (những người cho rằng khoa học kỹ thuật của phương Tây là thứ duy nhất đáng tôn kính), họ “không quá tôn sùng tinh thần phương Tây, cũng không hạ thấp tinh thần Trung Hoa, cho rằng cả hai đều đáng quý, đáng trân trọng, bình đẳng ngang nhau”[11]. Nhưng các nhà theo phái “kim văn kinh” thế hệ sau như Khang Hữu Vi thông qua thuyết “tam thế”, muốn phục sinh tinh thần Trung Hoa, chứng minh ưu thế của Khổng giáo, cho rằng trong học thuyết của Khổng giáo đã luôn hàm chứa những giá trị hiện đại mà người phương Tây đang theo đuổi. Theo Levenson, những nhà cải cách của “kim văn kinh” học phái về mặt lý trí thì muốn xa lánh tư tưởng Trung Quốc, nhưng về mặt tình cảm thì lại nhận đồng tinh thần Trung Quốc[12] .

Tình trạng này cũng phản chiếu trong cộng đồng các trí thức Nho học đầu thế kỷ XX tại Việt Nam. Những trí thức Nho học này một mặt nhận thấy sự lỗi thời của Nho học, mặt khác họ lại sợ hãi khi phải trừ bỏ cội rễ tinh thần đã ăn sâu vào tiềm thức. “Đồng bệnh tương liên”, những tư tưởng mới của các trí thức cận hiện đại Trung Quốc như Khang Hữu Vi, Đàm Tự Đồng, Lương Khải Siêu đã trở thành tư tưởng định hướng cho các nhà Nho thuộc phong trào Duy Tân, Đông Du, Đông Kinh nghĩa thục. Thậm chí, bất chấp sự thất bại của các phong trào này, Lương Khải Siêu vẫn là một nhân vật có ảnh hưởng rất lớn tới đời sống trí thức Nho học Việt Nam đầu thế kỷ XX. Trong thư mục sách cấm của chính quyền bảo hộ Pháp có tên những tác phẩm của Lương Khải Siêu, thậm chí là những cuốn sách về cuộc đời hoạt động của Lương Khải Siêu cũng không được phép lưu hành như cuốn Tiểu sử và tập diễn Lương Khải Siêu do Trần Huy Liệu biên dịch đã có trong danh sách bị cấm tại Sài  Gòn năm 1929[13]

Trong khi các nhà Nho thuộc phong trào Đông Kinh nghĩa thục thừa nhận sự lỗi thời của Khổng giáo, cho nền giáo dục từ chương khoa cử, như lời của Nguyễn Quyền “là bậy, vong quốc đáng lắm”[14], chọn “chủ nghĩa dân tộc”, hy sinh “truyền thống”, thì Phan Bội Châu, người chịu ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng các nhà “kim văn kinh phái” Trung Hoa lại chọn “bảo hộ” Khổng giáo bằng quan điểm: cái học cũ (Khổng giáo) và cái học mới (Tây học) là “tương thành” và “tương đẳng”, cả hai đều đáng trân trọng như nhau. Trong lời phàm lệ cuốn Khổng học đăng soạn năm 1929 Phan Bội Châu đã viết: “Tác giả lại muốn nói cho người ta biết học cũ vẫn không phải trần hủ, mà học mới vẫn không phải phù hoa. Nếu học cho đến tinh thần: học cũ là nền tảng, mà học mới chính là tài liệu; hai bên vẫn có thể giùm cho nhau làm nên một toà nhà hoa mỹ. Chẳng bao giờ không tài liệu mà làm nên nhà; và cần thứ nhất là chẳng bao giờ không nền tảng mà dựng nên nhà. Tác giả viết bản sách này muốn điều hoà học cũ với học mới; hai bên tương thành cùng nhau mà quyết không tương phản [15].

Khổng học đăng thực chất chính là “đem đến những giá trị mới” hợp thời đại cho các phạm trù cũ của Nho gia. Trong Khổng học đăng Phan Bội Châu đã giải thích những phạm trù quen thuộc với nhà Nho bằng những nội hàm “cấp tiến” như bằng (bằng hữu): nghĩa là người đồng một loài với mình (nhấn mạnh đến tính chủng tộc, đồng loại) (tr.27); hậu sinh: các bạn thanh niên (tr.31); quân tử: là người có tài có thể làm chủ một nước nên gọi là quân, đảm đương việc xã hội giống như con thờ cha gọi là tử  (nhấn mạnh đến năng lực và trách nhiệm xã hội của cá nhân) (tr.28); chính giáo: nghĩa là lối làm chính trị, vua làm trọn đạo vua, tôi làm trọn đạo tôi, chẳng có ai là có quyền chuyên chế, cũng chẳng ai không nghĩa vụ đương nhiên (nhấn mạnh học thuyết của Khổng Tử không “tôn quân”) (tr.98)...Nhà nghiên cứu Imai Akio nhận định “Phan Bội Châu cho rằng trong tư tưởng Nho giáo đã bao hàm các yếu tố của “chủ nghĩa dân chủ Phan Bội Châu cho rằng thuyết dân quyền và học thuyết chủ nghĩa xã hội của Tây phương vốn đã được bao gồm trong học thuyết của Khổng tử, Mạnh tử và ra sức lập luận rằng học thuyết của phương Đông không hề thua kém học thuyết Tây phương”[16]. Thực chất, Khổng học đăng phản ánh chính tình thế khó xử của trí thức Nho học đường thời. Bỏ Khổng giáo thì không bỏ được, nhưng giữ lại thì phải giữ như thế nào?  Bằng cách thức đặt ngang hàng Khổng giáo với Tây học, Phan Bội Châu đã hợp thức hoá sự hiện diện của “cái học cũ”, cho rằng trong “cái học” của đức Thánh Khổng đã bao hàm những học thuyết cấp tiến của  thời đại mới vì thế Khổng giáo vẫn là cái học có ích, hợp thời, không thể bỏ Khổng giáo.

Trong bối cảnh đạo Khổng Mạnh bị thiên hạ “rẻ rúng” (chữ dùng của Phạm Quỳnh trong bài Đọc sách có cảm[17]), một người Tây học như Trần Trong Kim lại lựa chọn hộ vệ Nho giáo. Thực chất, Nho giáo của Trần Trọng Kim, một cuốn sách ra đời trước Khổng học đăng (1928), tuy đã thoát khỏi lối bình giải truyền thống, nhưng về quan điểm cũng giống với Phan Bội Châu, đặt Nho giáo và các hệ lý thuyết Tây Âu trong hệ “đồng đẳng”. Trước tiên, Trần Trọng Kim tìm cơ sở cho sự tồn tại của Nho giáo tại Việt Nam bằng “đặc tính chủng tộc”, theo Trần Trọng Kim, Nho giáo là hợp với “tạng” của người Việt: “Văn hoá của Nho giáo chủ ở sự theo thiên lý mà lưu hành, cốt giữ cái tình cảm cho hậu, trọng những điều đạo đức nhân nghĩa, ưa cái tính chất phác và những việc giản dị. Bởi thế cho nên cái tính chất người mình hay tri thủ, thích sự yên lặng, chỉ vụ lấy được hoà bình mà sinh hoạt ở đời. Cái văn hoá ấy rất thích hợp với tính tình của những dân tộc chuyên nghề canh nông như dân tộc ta[18]. Sau đó, Trần Trọng Kim khẳng định: Nho giáo không hề thua kém các hệ triết học phương Tây. Nếu như Phan Bội Châu cho rằng trong học thuyết đạo Khổng đã có “thuyết dân quyền” và “chủ nghĩa xã hội” của phương Tây, thì Trần Trọng Kim trong Lời phát đoan của sách cho rằng: “cái học tâm truyền của Nho giáo tương tự cái học của Pythagore, cái học công truyền lấy luân lý làm trọng thì tương tự cái học của Socrates. Cái học trực giác của Nho giáo có phần tương hợp với cái học của Henry Bergson”[19]. Công trình Nho giáo của Trần Trọng Kim là sự cổ vũ trí thức quay trở lại với Nho học, bởi vì, theo quan niệm của Trần Trọng Kim, tự thân học thuyết Nho giáo đã hàm chứa các gía trị của nhân loại. 

Rất nhiều nhà nghiên cứu đặt Phạm Quỳnh đứng vào trong thành trì của những người hộ vệ cho Nho giáo. Trịnh Văn Thảo trong Ba thế hệ trí thức người Việt (1862-1954) cho rằng Phạm Quỳnh theo chủ nghĩa Nho giáo bảo thủ[20]. Nhưng những người theo chủ nghĩa Nho giáo bảo thủ (gọi một tên khác là những người theo chủ nghĩa truyền thống) thường ủng hộ “văn hoá chí thượng luận”, điều này không xuất hiện trong các quan điểm của Phạm Quỳnh. Sự hộ vệ Nho giáo của Phạm Quỳnh thực chất mang tính “chiết trung”. Ông không phủ nhận sự lỗi thời của Nho giáo, nhưng ông cũng không quá mức tôn sùng các học thuyết của phương Tây, bởi vì theo ông Đông hay Tây thì mỗi nền văn hoá đều có cái hay cái dở. “Chọn lọc tinh hoa” Đông Tây như một cách thức “tiến hoá” dân tộc chính là quan điểm của Phạm Quỳnh. “Văn minh nước Nam sau này sẽ in dấu hiệu nước Pháp, cũng như xưa kia đã in dấu hiệu của Cổ Chi Na vậy. Nay cái văn minh duy tân đó rồi sẽ ra thế nào? Ta đã nói: Sẽ dung hoà được cái tinh hoa của Âu-Á[21] . Theo Phạm Quỳnh, tinh hoa của văn hoá Đông Á chính là luân lý Nho giáo. Luân lý đạo đức Nho giáo làm “trụ cốt  cho các xã hội Đông Phương ta trong mấy mươi thế kỷ nay. Nền luân lý ấy bền chặt vững vàng cho đến nỗi cái phong trào mới đời nay dù mãnh liệt đến đâu cũng không mong phá hoại được”[22]; “gốc đạo đức của Nho học thì cùng với núi sông mà sống mãi muôn đời[23].  Luân lý đạo đức dung hoà với phát minh phương Tây (tinh hoa phương Tây) sẽ là cơ sở cho sự phát triển của văn minh nước Nam. Tuy nhiên Phạm Quỳnh lại loay hoay trong việc nắm bắt cốt lõi tinh thần của Nho học  và tinh hoa phương Tây. Quan điểm “chiết trung” của Phạm Quỳnh cũng thể hiện rõ tính chất thoả hiệp vỗ về hơn là thể hiện tinh thần quyết liệt của một người “hộ giáo”.

Phan Khôi là người phản bác sự hiện diện của Khổng giáo trong thời đại mới: “Văn hoá phương Tây có hai mối lớn: một là khoa học, một là cái tinh thần dân trị (démocratie). Vậy muốn hấp thọ hai cái đó mà lại còn đem Khổng giáo xen vào thì cũng như muốn qua hướng bắc mà lại chạy cho xe về hướng nam đó thôi [24]. Trong cuộc tranh luận “tồn tại hay không tồn tại” của Khổng giáo đầu thế kỷ XX,  Phan Khôi xuất hiện như một nhân vật đặc biệt. Ông tự nhận là người thuộc về “cựu học” (tiếp thu nền giáo dục Nho học), điều đó tạo ưu thế cho ông trong các cuộc bút chiến tranh luận về các phạm trù triết học Nho gia. (Bằng chứng là sau cuộc tranh luận với Phan Khôi, Trần Trọng Kim trong lần tái bản cuốn Nho giáo vào năm 1932, đã sửa lại những chỗ đã bị Phan Khôi chỉ trích). Một người thuộc tầng lớp cựu học như Phan Khôi lại lạnh lùng cho rằng: “Khổng giáo hết thời thì mời Khổng giáo lui đi”. Phê phán Khổng giáo đồng nghĩa là Phan Khôi “tự ngã phủ nhận”, phủ nhận cái gốc rễ Nho gia của chính ông. Là người khuấy động không khí học thuật đầu thế kỷ (các cuộc bút chiến dữ dội nhất trên báo chí đầu thế kỷ XX đều có liên quan đến ông), câu chuyện Khổng giáo trong các bài viết của Phan Khôi  thực chất là câu chuyện về “thái độ ứng xử của người Việt Nam với Khổng giáo”, từ “thái độ ứng xử” để chỉ trích “đặc tính” của tầng lớp Nho sĩ Việt Nam đầu thế kỷ. Theo Phan Khôi, Nho sĩ Việt Nam chỉ là một đám trí thức tiếp thu Khổng giáo không đến nơi đến chốn, đến khi cách tân thì lại dùng dằng không dám vứt bỏ cái gốc cũ để trồng một cái gốc mới, khi đối diện với nguy cơ thì chỉ biết lẩn tránh, xu thời: “Nước Tàu còn có năm ba bọn trung thành với Khổng giáo, gặp cơn nguy biến, ra tay chống chải, hết phương này tìm phương khác, tuy không kéo lại được mà cũng còn tỏ cho thiên hạ biết rằng Khổng giáo còn có người. Đến nước ta thì hết chỗ nói. Khổng giáo nước ta trong khi gặp văn minh châu Âu, hình như nó nằm sát rạt xuống, vừa khóc vừa rên, vừa ngửng đầu lên coi chánh phủ. Chánh phủ có để khoa cử thì cứ thi đậu làm quan chơi; chánh phủ bỏ khoa cử thì đau lòng rên lên chút đỉnh; nhưng đến khi chánh phủ lập trường ra bắt học chữ Pháp thì lại lau nước mắt mà cứ việc học, mong cho tốt nghiệp đặng làm quan. Rồi đến ngày nay đây, có thằng ngỗ nghịch là thằng tôi, nó dám ra đương trường chỉ trích Khổng giáo để coi giạc chừng ra cũng không ai thèm nóng máu mặt mà ra miệng chửi hết. Ừ, nó nói ông Khổng Tử chứ có nói chi mình đâu, có động đến bát cơm của mình đâu mà hòng ra miệng. Không dám dối độc giả, tôi viết đến đây, bỗng dưng hai hàng nước mắt trào ra trên giấy. Không phải tôi khóc vì Khổng giáo điêu tàn, nhưng tôi  khóc, một là vì cái kẻ chỉ trích Khổng giáo lại là tôi, hai là vì ngó thấy tình đời bạc bẽo. Vậy mà hễ nói đến Khổng giáo thì ai nấy đều đồng thanh bảo duy trì...”[25]

Phan Khôi phê phán Khổng giáo, không phải phê phán học thuyết mà  thực chất là phê phán trí thức Nho học (trong đó có chính ông). Ông muốn học Lương Khải Siêu, dùng “công kích” như một thủ pháp, chỉ “trúng cái bịnh của người mình” để thức tỉnh tầng lớp trí thức Nho học. Sự thất bại của Khổng giáo không phải do thời thế, mà do chính những môn đệ nơi cửa Khổng đã không làm lớn mạnh cái học thuyết của chính họ “Đổ cho thời a! Có ai bắt thánh đạo phải suy? Suy là tại đạo Thánh không đủ sức trong mình để làm nên thạnh”[26]. Phan Khôi bằng phương thức hộ giáo của riêng mình, đã để Nho giáo tồn tại dai dẳng trong đời sống của người Việt bằng chính các cuộc bút chiến về Nho giáo. Cuộc bút chiến của Phan Khôi với Trần Trọng Kim, nhìn một cách tích cực, là một sự “khuấy động” xã hội, khiến cho Khổng giáo vốn đang dần dần bị lãng quên quay lại trở thành một trong những vấn đề được quan tâm trong các cuộc tranh luận trên báo chí đương thời, lôi kéo sự chú ý của cả giới trí thức lẫn công chúng.

Khổng giáo phê bình tiểu luận của Đào Duy Anh ra đời năm 1938, đánh dấu bước chuyển mình của đời sống Nho học Việt Nam. Trong cuốn Khổng giáo phê bình tiểu luận, theo đánh giá của nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn, “Đào Duy Anh đã vận dụng một cách khá triệt để và sâu sắc phương pháp luận Mác xít, quan điểm kinh tế luận Mác xít để nghiên cứu các vấn đề tư tưởng phương Đông. Phương pháp mà Đào Duy Anh tiến hành để thao tác, luận giải chính là phương pháp xã hội học lịch sử mà nhiều học giả Mác xít áp dụng. Cách làm này chưa từng thấy ở các học giả Việt Nam,  mà ở Trung Quốc cũng mới bắt đầu được triển khai[27]. Sự xuất hiện của bản thân cuốn sách cho thấy Nho giáo xét đến cùng, vẫn là một vấn đề “đau đáu” của trí thức đương thời. Về câu hỏi nên hay không nên giữ Khổng giáo, Đào Duy Anh cho rằng vì cơ sở kinh tế xã hội của Khổng giáo  là ở thời đại phong kiến, nay phong kiến đã không còn thì “Khổng giáo đã hết số”, nhưng vẫn phải nghiên cứu Khổng giáo vì chức năng lịch sử của học thuyết này.  Quan điểm này của Đào Duy Anh, được sự nhận đồng của Nguyễn Uyển Diễm trong cuốn Khổng giáo với ông Đào Duy Anh:Nhân loại đã tới giai đoạn lịch sử nào rồi? Một số học giải không biết và không cần biết có kỳ không? Họ cứ việc viết và nhồi sọ phần đông thanh niên và muốn cho các bạn ấy phải trờ lại những giai đoạn lịch sử mà thời gian đã bỏ qua. Không biết căn cứ vào lẽ gì mà họ được phép quên hẳn rằng “một hiện tượng phát sinh do những nguyên nhân lịch sử và biến đi do những nguyên nhân lịch sử, theo thói quen, người ta thường gọi là một giai đoạn lịch sử. Nay giai đoạn lịch sử ấy đã hết rồi, làm sao có thể trở lại được[28]. Theo quan niệm của Đào Duy Anh, Nho giáo cùng với chế độ phong kiến đã kết thúc vai trò lịch sử, sự tồn tại của Khổng giáo giờ đây chỉ nên xuất hiện trên sách vở học thuật mà không phải ở đời sống thực. Có một điểm đặc biệt lưu ý trong quan điểm của Đào Duy Anh, sự đồng nhất “Nho giáo” với “phong kiến”. Một sự đồng nhất khác cũng nên nhắc đến trong giai đoạn này chính là quan điểm của nhóm tạp chí Tri Tân  đã đồng nhất Nho giáo vào với “văn hoá truyền thống”, xem việc xiển dương cổ học như một cách thức “tìm nguồn” và xiển dương Nho học. 

Giai đoạn 1917-1945, về “danh” Nho giáo đã mất đi vị thế “ý thức hệ” độc tôn, nhưng thực chất vẫn là một hệ tư tưởng có ảnh hưởng rất lớn đối với trí thức đương thời. Câu hỏi về “tồn tại hay không tồn tại” của Khổng giáo trong bối cảnh thời cận đại cũng đồng thời phản ánh chính tâm lý dùng dằng của các trí thức Nho học trong sự loay hoay tìm ý nghĩa tồn tại của bản thân. Trong suốt chiều dài mấy chục năm đầu thế kỉ vùng vẫy “tự vệ”, Nho giáo từ câu chuyện của người trong cuộc (Phan Bội Châu, Phan Khôi) đến Đào Duy Anh đã trở thành câu chuyện của người khác. Nho giáo từ “luân lý” (Phan Bội Châu) thành “học thuyết triết học” (Trần Trọng Kim), thành “đối tượng nghiên cứu khách quan” (Đào Duy Anh). Nói như nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn thì Nho giáo giai đoạn này đã dần dần trở thành một “đối tượng nghiên cứu của ngành khoa học xã hội nhân văn hiện đại”. 

Giai đoạn 2: từ 1946 đến 1986: Nho giáo và sự khủng hoảng ý thức hệ lần thứ hai: sự “trá hình” của Nho giáo. 
Từ năm 1945-1986: Đây là giai đoạn “trầm mặc” của Nho học Việt Nam.
Sự đình bản của Tri Tân với lí do là “nệ cổ”[29] và “cản trở sự tiến hoá của dân tộc”[30] chính là một trong những bản án mở màn cho Nho giáo giai đoạn 1946-1986.

Thứ nhất, sự đồng nhất “Nho giáo” với “phong kiến” hay “Nho giáo” với “văn hoá truyền thống” chính là một trong những căn cứ khiến cho Nho giáo bị xếp vào “xu hướng văn hoá hủ bại, tàn tích của chế độ cũ”  (Chỉ thị của Ban thường vụ trung ương về nhiệm vụ văn hoá ngày 26-5-1950 (Văn kiện Đảng toàn tập, tập 11);  là “quan điểm nghệ thuật của phong kiến thực dân”. “Vǎn nghệ phong kiến Việt Nam xây dựng trên tư tưởng và luân lý Khổng giáo, Phật giáo. Tinh thần dân tộc của họ rất mong manh chỉ bùng lên khi hoạ xâm lǎng ào đến, nhưng rồi nó lại tan trong thái độ thần phục của phong kiến Việt Nam đối với thiên triều Trung Quốc. Nó không đại diện được một cách thuỷ chung cho ý chí và tâm hồn của dân tộc, của nhân dân cần lao và ở điểm cǎn bản đó, nó trái hẳn với vǎn nghệ bình dân do nông dân sáng tác  (Xây dựng văn nghệ nhân dân Việt Nam (1951),  Văn kiện Đảng toàn tập, tập 12).

Hai chữ “Nho giáo” gần như là một sự cấm kị. Từ năm 1972-1986, chúng tôi thống kê trên Tạp chí Triết học chỉ có 8 bài đích danh nhắc đến Nho giáo[31] như là đối tượng nghiên cứu chính. Nho giáo xuất hiện trên báo chí dưới những tên gọi trá hình như “văn hoá hủ bại”, “tàn dư phong kiến” , “quan điểm nghệ thuật của phong kiến thực dân” , “ý thức hệ thất bại”  (Lê Hồng, Quét sạch tàn dư phong kiến và tư sản trong đạo đức của chúng ta, Tạp chí Triết học, số 3, 1973;  Văn Thái, Xoá bỏ lễ giáo phong kiến, xây dựng những quy tắc cao đẹp trong nếp sống hàng ngày, Tạp chí Triết học, số 3, 1973). Giai đoạn 1945-1986, là giai đoạn khủng hoảng trong nghiên cứu Nho giáo Việt Nam thế kỷ XX. Cách mạng văn hoá Trung Quốc (1966-1976) và chiến tranh biên giới năm 1979 cũng là những tác nhân không nhỏ góp phần vào sự hạn chế của những công trình nghiên cứu Nho giáo giai đoạn này.

Thứ hai, những trí thức theo chủ nghĩa cộng sản đã đứt gãy hoàn toàn với truyền thống. Nếu như giai đoạn 1917-1945, bất chấp sự tấn công ồ ạt của văn minh phương Tây và sự phổ biến của quốc ngữ thì sự liên kết với truyền thống vẫn hiện diện bởi vì nói như Phan Khôi, Nho giáo là một tiềm thức của người Việt. Sau năm 1945, tiềm thức ấy không còn cơ sở để tồn tại. Nho giáo không còn là câu chuyện của họ (trí thức cộng sản). Nho giáo hoàn toàn là “câu chuyện của kẻ khác”. Những trí thức Nho học cũ còn lại rất ít. Họ chủ yếu làm công việc phiên dịch Hán Nôm và khảo cứu các tác phẩm lịch sử. Có hai trí thức Nho học cũ, họ không trực tiếp bàn về Nho học, nhưng sự hiện diện của họ như một sự “thực hành Nho giáo” dưới chế độ cộng sản là Phan Khôi và Nguyễn Tuân. Cả hai người đều để lại dấu ấn như là những trí thức có nhân cách độc đáo trong bối cảnh đương thời, họ là đại diện cho thế hệ của những nhà Nho lạc phách.

Đây là giai đoạn của những trí thức tiếp thu học vấn từ Liên Xô và các nước Đông Âu. Những nhà nghiên cứu áp dụng những phương pháp nghiên cứu phê bình Marxist, chiếu rọi vào trong học thuyết Khổng giáo. Vì thế Nho giáo thường được đi kèm cùng với thuật ngữ của chủ nghĩa Marxist như: “lập trường nhân dân” (Nguyễn Đức Sự, Sự vận dụng Nho giáo trên lập trường nhân dân của Nguyễn Đình Chiểu (Tạp chí Triết học số 3, 1978); “tính giai cấp” (Lê Sĩ Thắng, Về tính giai cấp trong hệ tư tưởng các nhà Nho Việt Nam yêu nước đầu thế kỷ XX, (Tạp chí Triết học, số 4, 1976).  “Đạo lý truyền thống dân tộc” và “tư tưởng nhân nghĩa” cũng là những cụm từ xuất hiện song hành cùng với Nho giáo trong giai đoạn này.

Thứ ba, sự “vắng mặt” của các nhà nghiên cứu lịch sử triết học phương Đông: Nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu làm nghiên cứu sinh triết học tại Liên Xô thuộc giai đoạn 1959-1963 với đề tài về Mặc Tử. Đây là giai đoạn Hán học tại Liên Xô phát triển rực rỡ. Học viện Đông phương Maxcova, Đại học Tổng hợp Maxcova, ...đều tuyển sinh Hán học chuyên nghiệp. Thời gian này, Liên Xô có đội ngũ khoảng 800 nhà Hán học (Trung Quốc học). Năm 1958, Liên Xô cho ra mắt tạp chí “Trung Quốc học Liên Xô”[32].  “Theo thống kê, từ 1950-1965, Liên Xô đã xuất bản 1044 loại sách Hán học khác nhau”[33]. Trần Đình Hượu được đào tạo trong bối cảnh mà Hán học Nga phát triển cực thịnh với những tên tuổi như: Askes, Pemelov (người sau này được mệnh danh là Khổng Tử của Maxcova). Tuy nhiên, sau khi về nước, ông hầu như “vắng mặt” trên các tạp chí nghiên cứu. Bài cuối cùng của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu Lịch sử hệ tư tưởng làm chức năng hệ triết học trên bình diện lịch sử triết học - in trên Thông báo triết học, số 4 năm 1968. Và sự xuất hiện trở lại của ông trên Tạp chí Triết học (tên gọi mới của Thông báo triết học) là vào tháng 12 năm 1984 với bài: “Tư tưởng hay triết học và nội dung thực tiễn của cách đặt vấn đề trong việc nghiên cứu ý thức hệ Việt Nam”.  Sự vắng mặt 17 năm của nhà nghiên cứu  lịch sử triết học và lịch sử tư tưởng Trần Đình Hượu trên Tạp chí Triết học là một con số đáng lưu ý.

Giai đoạn 3: Từ 1987-2000: Sự trở lại của Nho học như một phần của “bản sắc văn hoá Việt Nam”

Sự trở lại của nhà nghiên cứu Trần Đình Hượu trên tạp chí Triết học năm 1984, và một loạt bài sau đó về Nho giáo của ông vào các năm 1987, 1988 cũng chính là một trong những dấu hiệu cho thấy Nho giáo (chính danh) đã chính thức quay trở lại với đời sống học thuật Việt Nam.

Như nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn đã nhận định về các công trình nghiên cứu Nho giáo giai đoạn mở cửa: “Các công trình nghiên cứu thời kỳ này nhìn tổng quan, đã thể hiện một tinh thần đổi mới tư duy. Người ta đã đánh giá lại  nhiều vấn đề vốn trước đây từng chịu nhiều định kiến” “Số lượng các công trình nghiên cứu thời kỳ này phong phú hơn, các khuynh hướng và quan điểm nghiên cứu đa dạng hơn. Nhưng điều quan trọng đáng ghi nhận nhất chính là tính chất học thuật của các công trình cũng gia tăng hơn.  Một số công trình đi vào nghiên cứu chuyên sâu hơn về Nho giáo Việt Nam với từng mảng, từng vấn đề hẹp, cụ thể, cả Nho giáo trong kinh điển và Nho giáo trong thực tế đời sống xã hội[34]
Theo chúng tôi, có hai nguyên nhân khiến Nho giáo trở thành một trong những vấn đề nghiên cứu trọng tâm giai đoạn 1986-2000 tại Việt Nam

1. Sự trỗi dậy của “giá trị châu Á”

Sự trỗi dậy của Singapore, một đất nước sử dụng học thuyết Nho giáo trong hệ thống chính trị đương đại là một trong những nguyên nhân khiến cho Nho giáo được quan chú đặc biệt. Tại Việt Nam, chủ đề của Hội thảo quốc tế Nho giáo lần II “Vai trò của Nho giáo tại Việt Nam và các nước Châu Á trong thế giới hiện đại” (năm 1999) đã phản ánh đúng tinh thần và mức độ quan tâm của thời đại đối với Nho giáo. Các bài tham luận trong Hội thảo đã tập trung giải quyết câu hỏi: Nho giáo tồn tại như thế nào trong thế giới hiện đại?

2. Chính sách “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” (Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung Ương khoá 8, 1998). “Chiến lược xây dựng phát triển bản sắc văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” cũng chính là sự trải thảm cho nghiên cứu Nho học Việt Nam. Sự đồng nhất Nho giáo với truyền thống, Nho giáo với “văn hoá truyền thống” vốn bị công kích ở giai đoạn trước như là “tàn dư của chế độ phong kiến”, giờ được phục sinh thành những giá trị đáng trân trọng...(Còn nữa) 
Quách Hiền 
(Bản sơ thảo)



[1] Tạp chí Triết học, Số 2, 1977, tr.109-137
[2] Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, Số 1, 2008, tr. 93-114.
[3]臺灣東亞文明研究學刊 , 第5卷第2期(總第10期) 2008年12月, tr. 155-172
[4] Theo số liệu ước đoán của Pierre Brocheux và Daniel Hémery, năm 1908,  tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ, dưới quyền cai trị của nhà Nguyễn có khoảng 15.000 trường học và khoảng 200.000 học sinh. (Tham khảo: Indochina: An Ambiguous Colonization, 1858-1954. Berkeley, University of California Press, 2009. tr 217-249)
[5] Phan Khôi, Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta Phụ nữ tân văn Sài Gòn, số 6, (6.6.1921)
[6] Nguyễn Uyển Diễm, Khổng giáo với ông Đào Duy Anh, Đại học thư xã, 1944, tr.116
[7] Nguyễn Uyển Diễm, Khổng giáo với ông Đào Duy Anh, Đại học thư xã, 1944, tr.94
[8] Nguyễn Khắc Viện, Bàn về đạo Nho, NXB Thế giới, 2003, tr.32
[9] Trong bài Cảm tưởng của đồng nhơn chúng tôi về cái tin buồn Lương Khải Siêu tiên sanh tạ thế, Phan Khôi viết: “Sau khi tiên sanh chạy qua Nhựt Bổn rồi, những sách và báo của tiên sanh có một ít truyền sang ta, Như những Thanh Nghị báo, Tân dận tùng báo, Âm Băng thất, Tự do thư, Trung Quốc hồn, là những thứ lưu hành trong nước ta đầu hết.  Như là cuốn Trung Quốc hồn đã đánh thức cho đám sĩ phu ta gần như trực tiếp, vì trong đó nói chuyện nước Tàu mà mà nhiều chỗ trúng bịnh người mình lắm. ...Những hiền triết nước Pháp như Rousseau Montesquieu vvv....và các cuốn có danh bằng chữ Pháp như Pháp ý, Dân ước luận vvv...mà nếu không nhờ có Lương tiên sanh thì ta đâu cũng có dịp mà biết, dầu mà người Pháp đã ở đây với ta lâu lắm rồi” (Thần Chung, s.18 (26.1.1929) s.19 (28.1.1929) (Trích trong tập Phan Khôi, tác phẩm đăng báo 1929, Lại Nguyên Ân sưu tầm và biên soạn, NXB Đà Nẵng & Trung tâm văn hoá ngôn ngữ Đông Tây, 2005, tr. 21-30)
[10] Tham khảo列文森,《儒教中国及其现代命运》,中国社会科学出版社,2005, tr.56 (Bản tiếng Anh: J.R.Levenson, Confucian China and its mordern fate, University of California Press, 1968)
[11] Tham khảo列文森,《儒教中国及其现代命运》,中国社会科学出版社,2005, tr.56 (Bản tiếng Anh: J.R.Levenson, Confucian China and its mordern fate, University of California Press, 1968)
[12]  Sđd, tr. 67
[13] Bùi Đức Tịnh, Thư mục văn học (Sài Gòn và Nam Bộ từ 1866-1930) (in trong Địa chí thành phố, NXB Hồ Chí Minh, 1998, tr,337-378)
[14] “Hồi này tôi vớ được những sách tân thư do đám chí sĩ duy tân Trung Quốc, nhứt là thầy trò Khương Lương, dịch của Âu Mỹ hoặc tự soạn ra như Trung Quốc hồn hay Quần kĩ quyền giới luận, tối ngày tôi đọc một cách say mê, đến nỗi quên ăn quên ngủ. Càng đọc chừng nào càng thấy tỉnh ngộ ra cái học từ chương khoa cử của mình là bậy, vong quốc đáng lắm” (Tham khảo Đông Kinh nghĩa thục, in trong Đào Trinh Nhất tuyển tập tác phẩm, Chương Thâu, Đào Duy Mẫn (sưu tầm, biên soạn), NXB Lao động&Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, 2011, tr.546)
[14] Phan Khôi, Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, Phụ nữ tân văn Sài Gòn, số 6, (6.6.1921
[15] Phan Bội Châu, Khổng học đăng,”Phàm lệ”, NXB Văn hoá Thông tin, 1998, tr.13
[16] Imai Akio, Tư tưởng và văn học của Phan Bội Châu thời kì ở Huế, Tạp chí Nghiên cứu văn học, số 5.2014, tr11-17.
[17] Nam Phong tạp chí, số 149, tháng 4/1930, tr.310.
[18] Trần Trọng Kim, Nho giáo, “Lời phát đoan”, NXB Văn học, 2003, tr. xxi-xxii
[19] Trần Trọng Kim, Nho giáo, “Lời phát đoan”, NXB Văn học, 2003, tr. xxi-xxii
[20] Trịnh Văn Thảo, Ba thế hệ trí thức người Việt, ˆNXB Thế giới & TuVanBook, tr.286-290
[21] Phạm Quỳnh, Nước Nam năm mươi năm nữa thế nào,Nam Phong tạp chí,   số 153, tháng 9/1930, tr.121-128
[22] Phạm Quỳnh, Khảo về các luân lí học thuyết Thái Tây, Nam Phong tạp chí, số 47, tháng 5/1921, tr.354
[23] Phạm Quỳnh, Bàn về chữ nho với chữ quốc ngữ, Nam Phong tạp chí, số 20, tháng 2/1919.
[24] Phan Khôi, Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta, Phụ nữ tân văn Sài Gòn, số 6, (6.6.1921
[25] Phan Khôi, Cái ảnh hưởng của Khổng giáo ở nước ta Phụ nữ tân văn Sài Gòn, số 6, (6.6.1921)
[26] Sđd, tr.101
[27] Nguyễn Kim Sơn, Một thái độ đúng đắn đối với Nho giáo,  Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật, số  1 năm  2005.
[28] Khổng giáo với ông Đào Duy Anh, Đại học thư xã, 1944, tr.9
[29] Trường Chinh: Mấy nguyên tắc lớn của cuộc vận động văn hoá Việt Nam mới lúc này. Tiên phong, số 2, ra ngày 1 tháng 12 năm 1945.
[30] Nguyễn Đình Thi: Dưới ánh sáng cứu quốc, xét qua văn hoá Việt Nam trong sáu năm chiến tranh 1939-1945. Tiên phong, số 1, ra ngày 10 tháng 11 năm 1945, tr. 8, 9
[31]Quang Đạm, Nho giáo với nước và thiên hạ, (1978, số 4). Nguyễn Sĩ Cẩn, Nho giáo và tư tưởng nhân nghĩa đầu thế kỷ XV, (số 1, 1979); Vũ Khiêu, Những vấn đề Nho giáo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, (1973, số 3), Nguyễn Phan Quang, Mấy vấn đề suy nghĩ xung quanh Nho giáo ở Việt Nam và đạo lý truyền thống của dân tộc, (số 3, 1978); Nguyễn Đức Sự, Sự vận dụng Nho giáo trên lập trường nhân dân của Nguyễn Đình Chiểu (1978, số 3), Lê Sĩ Thắng, Về tính giai cấp trong hệ tư tưởng các nhà Nho Việt Nam yêu nước đầu thế kỷ XX, (số 4, 1976) ; Nguyễn Tài Thư, Nho giáo triều Nguyễn, nội dung tính chất và vai trò lịch sử, 1977, số 4.; Nguyễn Tài Thư, Thử tìm hiểu về ba đạo, Nho, Phật, Đạo trong lịch sử tư tưởng Việt Nam, số 1, 1982

[32] Tham khảo: 孟长勇中亚五国中国学研究的历史和现状》, 海外华文教育, 2003 年第 4期,tr. 341.
[33] Tham khảo, 何寅、许光华主编,《国外汉学史》, 上海外语教育出版社,2003, “苏联的中国学”, tr.430
[34] 臺灣東亞文明研究學刊 , 5卷第2(總第10) 200812, tr. 155-172
[35] Tài liệu đánh máy, chưa công bố