Wednesday, April 17, 2019

Ký sự Sài Gòn (1)

Năm 20XX, giáo sư Huệ Chi giao cho tôi viết về Ngô Nhân (Nhơn) Tĩnh, một mục trong "Từ điển Văn học" (bộ mới). Vì thế, lần đầu tiên tôi đọc thơ của Ngô Nhân (Nhơn) Tĩnh, một nhà thơ Minh hương dưới thời Gia Long. Năm 2015, khi tìm đề tài cho bài tham luận Hội thảo Nho học quốc tế, tôi chọn viết về nhóm Nho sĩ Minh hương, ngoài lý do cá nhân (vì một người bạn mà tôi đặc biệt yêu quý cũng xuất thân là người Minh hương), một lí do khác vì tôi nhớ đến Ngô Nhân Tĩnh, nhớ đến nỗi buồn đặc biệt của người trí thức như ông. Ngô Nhân Tĩnh theo Gia Long ngay từ những ngày đầu, xem Gia Long như là tri kỷ, cuối cùng chỉ vì một sự hiểu lầm mà Gia Long quay lưng lại với ông. Sự quay lưng của Gia Long chính là đòn chí mạng đẩy ông vào chỗ chết. Dù ý tưởng và tài liệu đầy đủ nhưng tôi đã không thể hoàn thành trọn vẹn bài viết vì tôi chưa từng đặt chân đến đền Minh hương Gia Thạnh, nơi sinh hoạt cộng đồng của người Minh hương dưới thời Gia Long, nơi ghi dấu ấn công lao to lớn của ông và Trịnh Hoài Đức. Năm 2016, một trong những lí do chính tôi muốn đến Sài Gòn là Đền Minh Hương Gia Thạnh và mộ Ngô Nhân Tĩnh. Mộ của Ngô Nhân Tĩnh nằm trong khuôn viên chùa Giác Lâm, một trong những ngôi chùa cổ nhất của Sài Gòn. Tôi thắp cho ông một bó nhang. Có lẽ vì gió lộng, bó nhang bùng lên và cháy đến tận gốc chân nhang. Tôi đã đứng ở trước mộ ông rất lâu, dưới cái nắng gay gắt của trưa hè Sài Gòn chỉ để nhớ đến thân phận của những trí thức "như một áng mây trời, chẳng thuộc về nơi nào cả"...

1 comment: