Monday, December 7, 2009

Ngụy trang

Kí ức đó đã được dọn dẹp, phơi phóng, rồi xếp vào ngăn, gọn gàng và sạch sẽ. Một kí ức đã được cài password. Nếu thi thoảng có lỡ mở nó ra thì ở đó luôn bốc lên một cái mùi cũ kỹ dễ chịu. Cứ đinh ninh rằng cất kỹ nó vào một góc là ổn, nhưng quái quỷ thật.....ta cứ vô tình đá trúng cái hộp kí ức đó vào những hôm tâm trạng cực kỳ tồi tệ.
Một chai bia và một cốc trà Lipton, giống và khác nhau ở điểm nào?
Nếu mà biết được câu trả lời thì mọi sự bây giờ chắc đỡ tệ hơn...

Saturday, December 5, 2009

Ừ thì "kiêu dân"!

Tiểu dẫnMột người gửi link rồi hỏi "có ý kiến gì về cách hiểu "kiêu dân" của bác Đông A". Đáng nhẽ phải "còm" bên blog bác Đông A thì mới đúng tinh thần dân chủ, nhưng xét thấy người đọc bên đó là một cộng đồng nhộn nhạo, mọi ý kiến ra vào không khéo lại bị bẻ quẹo bẻ xiên, mà dưới đây chỉ đơn thuần là một lời trao đổi lại mang tính kiến thức thông thường. Khi sang đây, mục đích của em là muốn chia sẻ với những người [thân nhưng không yêu: D] về những gì mà em "trót đã biết" và "thích được biết", vì thế thiết tưởng không nên vì một cái comment không đúng chỗ mà phải chuốc lấy phiền hà vào người cho nó chán.
Thứ nhất, với trình độ chỉ chuyên dùng từ điển Hán Việt Thiều Chửu và Đào Duy Anh tôi xin dịch lại mục "kiêu dân" nằm trong quyển 6, cuốn Vũ Lâm cựu sự của Chu Mật. (Dịch đầy đủ mục đó mới có thể xác định được "kiêu dân" là gì) 
"Đô dân tố kiêu, phi duy phong tục sở trí, cái sinh trưởng liễn hạ, thế sử chi nhiên. Nhược trú ốc tắc động quyên công tư phòng nhẫm, hoặc chung tuế bất tằng nhất hoàn. Chư vụ thuế tức, diệc đa quyên phóng, hữu liên niên bất thu nhất khổng giả, giai triều đình tự hành bão nhận. Chư hạng khoa danh, ân thưởng tắc hữu "hoàng bảng tiền", tuyết giáng tắc hữu "tuyết hàn tiền", cửu vũ cửu tình tắc hựu hữu chẩn tuất tiền mễ. Đại gia phú thất tắc hựu tùy thời hữu sở tư cấp, đại quan bái mệnh tắc hữu sở vị "thướng tiết" tiền. Bệnh giả tắc hữu thi dược cục, đồng ấu bất năng tự dục giả tắc hữu từ ấu cục, bần nhi vô ỷ giả tắc hữu dưỡng tế viện, tử nhi vô liễm giả tắc hữu Lậu trạch viên. Dân sinh hà kỳ hạnh dư?"
[Dân đô thị vốn kiêu ngạo, không phải vì phong tục xui nên, có lẽ vì sống ở chốn kinh sư, tư thế khiến họ thành ra như vậy. Như chuyện nhà ở, thường được miễn trừ hết tiền thuế "công tư phòng", có khi trọn một năm không từng phải trả một "hoàn" thuế nhà nào. Các khoản thuế lợi tức phần lớn bỏ qua, có khi mấy năm liền không thu một nguồn nào, đều là triều đình tự mình bằng lòng đảm trách. Các hạng mục điều khoản, ân thưởng thì có tiền "hoàng bảng"[1], tuyết xuống thì có tiền "hàn tuyết", mưa lụt hạn hán thì có gạo tiền chẩn cấp. Nhà đại gia phú hộ thì tùy thời tư cấp có chỗ, những đại quan vâng mệnh triều đình thì có tiền "thướng tiết". Người bệnh thì có cục cấp thuốc, trẻ nhỏ không tự nuôi nấng được bản thần thì đã có cục từ ấu, nghèo khốn không nơi nương dựa thì đã có viện dưỡng tế, chết không người liệm xác thì đã có Lậu Trạch viên[2]. Đời sống của dân còn hạnh phúc nào hơn thế ư?]
Đoạn dịch trên và cách hiểu sau đây của bác Đông A, rõ ràng là có một sự khác biệt tương đối lớn. Bác Đông A cho rằng:
["Đô dân tố kiêu, phi duy phong tục sở trí, cái sinh trưởng liễn hạ, thế sử chi nhiên", có nghĩa là dân ở kinh đô vốn thường kiêu, không chỉ do phong tục, mà còn do ở dưới chân thiên tử nên có cái mạnh về thế lực sai khiến. Chu Mật còn đưa ra ví dụ như thuế hàng năm chẳng thu được xu nào, triều đình cũng đành bằng lòng. Khái niệm "kiêu dân" trong Vũ lâm cựu sự như vậy là chỉ nhóm người ở kinh đô, được ưu ái của triều đình mà tạo thành thế kiêu, bất chấp luật pháp cho mọi người. ]
Thứ nhất, "thế sử chi nhiên" mà bác dịch thành "có cái mạnh về thế lực sai khiến" là sai hoàn toàn, cả về ngữ pháp lẫn nghĩa. 
Thứ hai, theo những gì mà tôi hiểu thì toàn bộ những ví dụ được liệt kê ra trong đoạn viết trên cho thấy: kiêu dân ( của Chu Mật) không phải là nhóm người ở kinh đô, được triều đình ưu ái mà bất chấp pháp luật. Bác Đông A khẳng định thế thì thực là  oan uổng cho "kiêu dân" đời Tống. Ở đoạn trên không có chuyện bất chấp pháp luật, chống đối, không chịu nộp thuế, o ép đến nỗi triều đình cũng phải chịu bằng lòng. Việc miễn thuế là vì kinh tế phát triển, triều đình không cần phải huy động đến tiền thuế của dân, đây là việc làm tự triều đình cho phép hẳn hoi, vua ban chiếu lệnh đàng hoàng. Ý Chu Mật rất rõ ràng: đơn giản kiêu dân là dân thời thái bình, được hưởng nhiều ưu đãi do triều đình đem lại: như được hưởng chế độ miễn thuế "công tư phòng", được hưởng những điều kiện cứu tế và phúc lợi công cộng, vì thế họ cái tư thế kiêu ngạo của con dân trong một nước ở giai đoạn thịnh trị.
Trên đây chỉ là vài lời trao đổi lại với bác Đông A về cách hiểu khái niệm "kiêu dân"của Chu Mật. Còn việc bác dùng khái niệm "kiêu dân" theo ý bác trong một tình huống khác là việc của bác, tôi no comment. 
Phần kết: Chữ "kiêu dân" quả thực rất hiếm tìm thấy trong sử liệu phong kiến Trung Quốc. Có lẽ do kiến văn hạn hẹp và sách vở tồi tàn (còn mắc thêm bệnh lười biếng) nên sau một hồi ngó nghiêng thì tôi chỉ tìm thấy trong Trung Quốc toàn sử¸ phần viết về lịch sử Tống Liêu Kim, có một đoạn như sau: [Tây Hồ phồn thịnh lục kí tải, tiết thanh minh, công tử vương tôn, phú thất kiêu dân, đạp thanh du thưởng thành Tây]. Chữ "kiêu dân" ở đây có nhẽ chỉ có nghĩa là "đại gia thành thị"? 
Theo tôi, không nên đánh đồng khái niệm "kiêu dân" với "kiêu binh".
Tạ tiên sinh cũng dùng chữ "kiêu dân" trong tác phẩm của mình. Cũng có chút thắc mắc về cách dùng này, có lẽ phải nhờ "ai đó" biên thư hỏi giùm cái nhỉ? :)) :))
Cập nhật
Sau khi có sự trao đổi với bác Đông A, và xem lại những chú thích trong bản Học uyển xuất bản xã mà bác Đông A đã cung cấp tư liệu [chân thành cảm ơn bác], tôi xin đưa ra một bản dịch tinh xác hơn về mục "Kiêu dân" của Chu Mật. Tuy nhiên tôi vẫn bảo lưu ý kiến của mình về quan niệm kiêu dân của Chu Mật mà tôi đã khẳng định ở trên.
[Dân đô thị vốn kiêu ngạo, không chỉ do phong tục xui nên, vì sống ở chốn kinh sư, tư thế khiến họ thành ra như vậy. Như chuyện nhà ở, thường được giảm trừ tiền thuế "công tư phòng", có khi trọn một năm không từng phải trả một "hoàn" nào. Các khoản thuế lợi tức miễn trừ phần lớn, có khi mấy năm liền không thu một nguồn nào[3], đều là triều đình tự mình bằng lòng đảm trách. Các hạng mục điều khoản, ân thưởng thì có tiền "hoàng bảng", tuyết xuống thì có tiền "hàn tuyết", mưa lụt hạn hán thì có gạo tiền chẩn cấp. Bậc đại gia phú hộ thì tùy thời mà có [hành động] tài trợ, đại quan thăng chức thì lại có chỗ cho tiền "thương tiết"[4]. Người bệnh thì có cục cấp thuốc, trẻ nhỏ không người nuôi nấng thì đã có cục từ ấu, nghèo khốn không nơi nương dựa thì đã có viện dưỡng tế, chết không người liệm xác thì đã có Lậu Trạch viên. Đời sống của dân còn hạnh phúc nào hơn thế ư?']



[1] Hoàng bảng: là cáo văn của hoàng đế . Cũng chỉ bảng văn mà triều đình ban ra sau kỳ thi Điện. Vì dùng loại giấy vàng để viết nên có tên là "hoàng bảng". Tiền hoàng bảng: khi hoàng đế ra chiếu lệnh mới thì ân thưởng tiền cho dân chúng. 
[2] Lậu Trạch viên: mộ chung do nhà quan đặt ra. Vì chiến loạn nên những thân thể tử vong vô thừa nhận hoặc gia cảnh bần hàn không có đất chôn thân, được quan lại chôn chung vào một chỗ, nơi đó gọi là Lậu Trạch Viên. Chế độ Lậu Trạch Viên này bắt đầu từ đời nhà Tống, nhưng cũng có người cho là đã có từ thời Đông Hán.
[3] Riêng những từ chỉ đơn vị tiền tệ như "hoàn" và "nhất khổng" tôi vẫn "bảo lưu" chờ tra thêm các tài liệu khác.
[4] Theo Bùi Hiệu Duy: khi mệnh quan triều đình nhậm chức hoặc được cất nhắc thì bố thí cho dân chúng để biểu thị khánh chúc. Nhưng vì không phải là vào ngày lễ tiết mà lại khánh chúc, cho nên tiền [dùng bố thí cho dân] gọi là tiền "thương tiết" (tiền đoạt tiết)





Thursday, November 5, 2009

"LỤC ĐỘ TẬP KINH" CÓ PHẢI DỊCH TỪ MỘT BẢN TIẾNG VIỆT ?

Loạt bài Thiền sư Lê Mạnh Thát và những phát hiện lịch sử chấn động của nhà báo Hoàng Hải Vân đăng trên báo Thanh Niên đã để lại rất nhiều dư chấn trong xã hội. TS Lê Mạnh Thát vốn là một nhà nghiên cứu Phật học nổi tiếng chính vì thế những “tuyên bố” của ông được đăng trên một tờ báo có lượng đọc thuộc hàng “top” của Việt Nam sẽ ảnh hưởng lớn đến nhận thức của đông đảo độc giả như thế nào chắc chúng ta không cần phải bàn cãi. Điều đáng lo ngại là, trong những “phát hiện lịch sử chấn động” của ông có nhiều điểm còn bất cập, chưa có chứng cứ rõ ràng, thậm chí có nhiều suy luận sai về mặt phương pháp luận, dễ dẫn đến ngộ nhận hoặc hiểu sai lệch về lịch sử nước nhà. Vì thế từ một góc độ kiến thức nhỏ hẹp, chúng tôi xin phép được trao đổi cùng ông về cuốn Lục độ tập kinh, một bản kinh Phật mà theo ông trong đó có những ghi chép về khởi nguồn lịch sử dân tộc Việt Nam...
Trong cuốn Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta (NXB Tổng hợp TPHCM, 2005), TS Lê Mạnh Thát có hai khẳng định quan trọng:
1. Thứ nhất, truyền thuyết về khởi nguồn dân tộc Việt, truyền thuyết “trăm trứng” “không thể ra đời chậm hơn thượng bản thế kỷ thứ III với tư liệu xưa nhất hiện biết là Lục độ tập kinh do Khương Tăng Hội dịch từ một nguyên bản tiếng Việt khoảng giữa những năm 221-252” ̣(Phần in nghiêng trích nguyên văn Sđd tr. 243)
2. Trong Lục độ tập kinh (LĐTK) có chứa các từ mang cấu trúc trung + X (trong đó X có thể là một danh từ hay đại từ. Theo thống kê của TS Lê Mạnh Thát thì trong LĐTK có sự xuất hiện một lượng lớn các từ “trung tâm”) , “là một cấu trúc cơ bản của tiếng Việt từ thời Trần Nhân Tông cho đến ngày hôm nay” (Phần in nghiêng trích nguyên văn Sđd tr. 246)
Chính từ hai khẳng định này mà ông Lê Mạnh Thát đã đưa ra chuỗi suy luận về khởi nguồn dân tộc Việt. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng đây là hai kết luận vội vàng và thiếu chứng cớ thuyết phục.
1. Về truyền thuyết “trăm trứng”, truyền thuyết khởi nguyên của dân tộc Việt.
Trong Lục độ tập kinh quyển 3 truyện thứ 23 có một đoạn như sau:
“Mang thai đủ ngày, sinh ra một trăm cái trứng, hoàng hậu cung phi cho đến tì thiếp không ai là không ghét. Bèn chặt cây chuối khắc hình tượng quỉ, đợi khi sinh, lấy tóc phủ lên mặt, bôi nước bùn dơ lên cây chuối rồi đem trình vua. Bọn yêu che sáng, vua lầm tin theo.
Lũ tà lấy hũ đựng trứng, bịt kín miệng lại, quăng xuống giòng sông. Trời Đế Thích xuống lấy ấn đóng miệng lại, chư thiên theo giữ, xuôi dòng dừng lại như trụ cắm đất. Vua nước hạ lưu đang ở trên đài, xa thấy giữa dòng có hũ trôi xuống, ánh sáng rực rỡ, như có oai trời. Bèn vớt lên xem, thấy dấu ấn Đế Thích, mở có trăm trứng, ra lệnh trăm người đàn bà ấp nuôi ấm nóng. Đủ ngày thành hình, nở ra trăm người con trai, sinh ra đã có trí thượng thánh, không dạy mà vẫn tự biết, nhan sắc hơn đời, tướng tốt hiếm có, tài cán thế lực hơn người trăm lần, tiếng nói vang như sư tử rống.”
Đây là đoạn mà Thiền sư Lê Mạnh cho rằng nó chứa đựng truyền thuyết khởi nguồn của dân tộc Việt Nam…
Trong chuỗi suy luận đã được trình bày trong cuốn sách, cần phải lưu ý đến việc ông đồng nhất truyền thuyết về “nhục đoàn” (bọc thịt) trong Đại Bharata vào với truyền thuyết “bách noãn” (trăm trứng) của dân tộc Việt.
1. Thứ nhất, truyền thuyết “trăm trứng” rõ ràng là một truyền thuyết có lịch sử và con đường phát triển riêng, không có điểm chung với truyền thuyết “bọc thịt”. Thực ra truyền thuyết về việc sự sống sinh ra từ quả trứng không phải là một truyền thuyết chỉ có ở riêng Việt Nam. Đây là một truyền thuyết có cả ở người Celts, người Hy Lạp, người Ai Cập, người Phénecien, người Cananéen, người Tây Tạng, người Ấn Độ, người Việt Nam, người Trung Quốc, người Nhật Bản, các dân tộc ở Xibia và Inđônexia và rất nhiều dân tộc khác nữa….(Theo Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới)…
Trong truyền thuyết trăm trứng của người Việt, chúng ta không thể không xét đến sự kết hợp giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ, một sự kết hợp được xem như là một “cuộc hôn nhân thần thánh” (chữ dùng của Frazer trong Cành vàng), là sự kết hợp giữa rồng (rắn) và chim…Cũng theo Frazer thường thì sự kết hợp này phản ánh một tập tục có thật là sự hiến tế trinh nữ cho các thủy thần (thường xuyên được nhận biết dưới hình hài những con rắn lớn hoặc những con rồng) ở các cư dân ven biển…
Truyền thuyết “trăm trứng” rõ ràng mang tính bản địa rất cao. Chúng ta có thể tìm thấy dấu tích của nó trong truyện cổ của người Mường về việc con người sinh ra từ trứng Diếng hay con người sinh ra từ trứng trong Đẻ đất đẻ nước. Người Mường không tiếp xúc với hệ thống kinh Phật, như thế không thể nói truyền thuyết của họ về con người sinh ra từ trứng có nguồn gốc từ trong kinh Phật. Truyền thuyết “trăm trứng” theo chúng tôi là một truyền thuyết có sự phát triển nội tại mang đậm bản sắc văn hóa bản địa của cư dân vùng Đông Nam Á….
2. Thứ hai, theo sự phân loại “mô típ sinh đẻ thần kỳ” của V.IA. Propp thì câu chuyện sinh một trăm người con trong Đại Bharata và trong Lục độ tập kinh, thuộc về môtíp “sinh đẻ do cầu nguyện”. Trong Đại Bharata thì nàng Gan dha ri ước nguyện nàng sẽ có từ nàng một trăm người con giống chồng nàng. Trong Lục độ tập kinh là do ước nguyện của một người đàn bà góa. Cũng theo V.IA. Propp thì “trong trường hợp này thần linh đã tác động lên người phụ nữ trần tục”. …Trong khi đó “bách noãn” lại thuộc về một mô típ khác không có trong số những môtíp được V.IA Propp liệt kê. (Xem Tuyển tập V.IA Propp , tập 2, tr. 655-722) .
3. Xét về lớp nghĩa của truyện chúng ta thấy rằng: trong Đại Bharata Lục độ tập kinh, “bọc thịt” hay “trăm trứng chỉ là biểu tượng phản ánh sự tái sinh, sự “thoát khỏi chu trình hóa kiếp bất tận”, một giai đoạn chuyển giao từ kiếp này sang kiếp khác. Trong khi đó “truyền thuyết trăm trứngở Việt Nam là một truyền thuyết phức tạp với nhiều tầng lớp nghĩa trong đó phải tính đến “sự phân tách 50/50”, biểu hiện nguyên thủy của nó chính là sự phân tách của trời và đất, của âm và dương, là sự phân tách giữa Núi Non và Biển Cả trong tâm thức người Việt…vân vân….
Như vậy rõ ràng việc đồng nhất truyền thuyết trăm trứng của dân tộc Việt với lại chi tiết sinh 100 người con từ “bọc thịt” trong Đại Bharata là khiên cưỡng và khó có thể chấp nhận.
2. Về cấu trúc “trung + X” trong Lục độ tập kinh
Theo chúng tôi, đó là dấu vết của ngôn ngữ Hán Tạng nói chung chứ không phải là ngôn ngữ người Việt nói riêng. Hán ngữ và Việt Nam ngữ đều thuộc ngữ hệ Hán Tạng. Theo bảng ngữ hệ Hán Tạng của Vương Lực trong Hán ngữ sử cảo thì Hán ngữ và Việt Nam ngữ cùng nằm trong Hán Đài ngữ quần. Như vậy Hán Ngữ và Việt nam ngữ cùng chia sẻ những đặc điểm chung về ngữ âm, ngữ pháp và từ vựng với các ngôn ngữ khác cùng hệ....
Theo Thạc sĩ Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường thì “nhiều nghiên cứu của giới Hán ngữ học (Mantaro Hashimoto 1980, Trần Kì Quang 1990, Cao Hoa Niên 1992, Cù Yết Đường & Kính Tùng 2000, Đinh Bang Tân 2000, Lưu Trung Hoa 2003, Trịnh Hưng Phương & Trương Kì 2005, Cliff Goddard 2005…) cho biết, trong tiếng Hán thời viễn cổ (trước thời nhà Thương), cấu trúc chính phụ thể từ tính (mà tiếng Hán hiện đại gọi là cấu trúc định ngữ - trung tâm ngữ) từng có trật tự là trung – định, từ thời Thương Chu trở đi thì dần dần biến thành định – trung.
Hơn nữa, nhiều ngôn ngữ họ hàng với tiếng Hán tộc cũng có mô thức cấu trúc trung – định, như nhiều ngôn ngữ thuộc các ngữ tộc Tạng-Miến, Miêu-Dao, Đồng-Thái. Dựa trên những quan hệ cội nguồn của tiếng Hán với những thuộc các ngữ trên, có thể thấy hiện tượng cấu trúc trung – định còn rơi rớt trong tiếng Hán cổ đại là sản phẩm di duệ của thời kì tiếp xúc với các ngữ tộc trên, chứ không phải ảnh hưởng từ tiếng Việt.
Ngoài ra, nhiều phương ngôn của tiếng Hán hiện nay cũng vẫn còn bảo tồn mô thức cấu trúc trung – định, như trong các phương ngôn Việt, Mân chẳng hạn”.
Về ngữ pháp, trừ Hán ngữ, trong các ngôn ngữ khác của ngữ hệ Hán Tạng, hình dung từ (tính từ) thông thường vẫn được đặt đằng sau và tu sức cho danh từ . Ví dụ như “nhất tứ bạch mã” trong Tạng ngữ, phiên theo trục từ thành “mã bạch nhất”, “công ngưu” trong Cáp ni ngữ, phiên theo trục từ thành “ngưu công”, ...”nam nhân” và “nữ nhân” trong Wuming ngữ , phiên theo trục từ thành “nhân nam”, “nhân nữ”, “bạch mã” trong Bảo Đình Lê ngữ, phiên theo trục từ thành “mã bạch”, và “nam hài” và “nữ hài” trong Việt Nam ngữ, phiên theo trục từ là “tử nam” và “tử nữ”... (Theo Vương Lực, Hán ngữ sử cảo (Trung Hoa thư cục¸ chương 5, tr.31):
Theo TS Phạm Văn Khoái trong Một số vấn đề chữ Hán thế kỉ XX thì “các văn bản kinh điển tử tập tiên Tần như Thi, Thư, Luận ngữ, Mạnh Tử…trong những chừng mực nhất định đều phản ánh ngôn ngữ nói đương thời. Các nhà ngữ văn Trung Quốc xưa nay đã chỉ ra mối liên hệ với ngôn ngữ của các văn bản cổ này. Văn bản Trung dung được viết theo phương ngữ Tề, tập thơ Ly Tao được viết theo phương ngữ Sở (Nhan Chi Thôi, 1922, La Thường Bồi, Chu Tổ Mô 1990, tr.234). Các tác giả của Luận ngữ , Mạnh Tử sinh ra ở nước Lỗ, Trâu, tự nhiên chúng cũng phản ánh phương ngữ Lỗ, Trâu”….Đặc biệt là Kinh Thi, đây là một tập hợp các bài ca trong dân gian nên không tránh khỏi có ảnh hưởng phương ngữ của rất nhiều vùng. Trong những thống kê về những hiện tượng “trung tâm”, “trung lâm”, “trung lộ”…mà TS Lê Mạnh Thát thống kê thì nó nằm chủ yếu ở phần Phong chứ không phải là bộ phận Nhã, Tụng… “Thi sưu tập quốc phong của 15 nước Chu, Thiệu. Bội, Dung,Vệ, Vương, Trịnh, Tề, Ngụy, Đường, Tấn, Tào, Cối, Mân…”…Những phương ngữ này chắc chắn sẽ mang rất nhiều dấu vết của ngôn ngữ Hán Tạng…..
Như vậy, kết cấu trung + X theo như TS Lê Mạnh Thát phản ánh thực chất là di duệ của tiếng Hán thời viễn cổ chứ không phải cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt.
3. Khương Tăng Hội dịch Lục độ tập kinh từ tiếng Phạn hay Tiếng Việt?
Nếu như giả thiết Lục độ tập kinh được dịch từ một kinh Phật tiếng Việt là một giả thiết chân thực thì có ba câu hỏi đặt ra
- Thứ nhất, nếu có bản dịch Tiếng Việt của Lục độ thập kinh thì có nghĩa là trước đó, Phật học ở nước ta đã rất phát triển. Thiền sư Lê Mạnh Thát cho rằng Phật giáo đã có ở nước ta từ thời Hùng Vương chứ không phải thế kỉ II CN. Chứng tích là truyện Nhất dạ trạch với chi tiết sư Phật Quang truyền Phật Pháp và phép thuật cho Chử Đồng Tử. Theo phân tích của Lê Anh Minh trong bài Khởi nguyên của Phật giáo Việt Nam (in trong cuốn Triết giáo Đông Phương) thì chi tiết Phật giáo xuất hiện từ thời Vua Hùng thứ 3 chỉ là hư cấu…Lê Anh Minh cho rằng những chuyện phù phép trong truyện mang tính chất Đạo giáo nhiều hơn là Phật giáo. “Ngoài ra Lĩnh nam chích quái không phải là chính sử, các nhân vật Chử Đồng Tử và Tiên Dung cũng có thể là hư cấu để minh họa một hôn nhân không phân biệt sang hèn (vốn là một chủ đề phổ biến trong các truyện cổ tích Việt Nam” (Trích nguyên văn, sách đã dẫn, tr.491). Dù “đã được Phật Quang truyền Phật pháp” nhưng Chử Đồng Tử không để lại dấu ấn nào trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ngược lại, cũng theo Lê Anh Minh thì trong tín ngưỡng của người Việt. Chử Đồng Tử được thờ là một trong Tứ Bất Tử , còn trong Đạo giáo thì được thờ là Chử Đạo tổ….
Lê Anh Minh cho rằng khó có khả năng Phật giáo xuất hiện ở Giao Chỉ trước thế kỉ I CN. Bởi vì Phật giáo Ân Độ ra đời vào thế kỉ VI hoặc V TCN. Bắt đầu từ thế kỉ I CN, Phật giáo mới từ Ấn Độ nhanh chóng truyền sang các nước phía đông. Tôi đồng ý với quan điểm này.
- Thứ hai: nếu có bản dịch Tiếng Việt thì bản đó hiện nay có còn được lưu giữ hay còn tàn khuyết ở trong văn bản nào không?
- Thứ ba: Nếu như có bản Tiếng Việt như thế có nghĩa là ở thời điểm đó chúng ta đã có chữ viết và một hệ thống Tiếng Việt hoàn chỉnh có thể chuyển tải được cả một bộ kinh Phật khá lớn. Cấu trúc trung + X nêu trên không phải là cấu trúc ngữ pháp tiếng Việt, vế còn lại là “vậy hệ thống chữ viết ấy biến đâu mất”? Một điểm đáng lưu ý là cho đến nay các kết quả khảo cổ học ở Việt Nam vẫn chưa tìm thấy dấu vết chữ Việt cổ để có thể làm chứng cớ vững chắc cho giả thiết về chữ Việt thời Hùng Vương của TS Lê Mạnh Thát
Kết hợp với những quan điểm về ngôn ngữ và về truyền thuyết trăm trưng mà chúng tôi đã trình bày ở trên, theo thiển ý của chúng tôi thì Khương Tăng Hội không thể dịch Lục độ tập kinh từ một bản tiếng Việt, ông chỉ có thể dịch cuốn kinh này từ một bản kinh Sankaris….
Quách Hiền