Wednesday, February 24, 2010

Bút ký một người đọc "Bút ký"

Trong khi gặm cây kẹo bông to đùng ở vườn hoa Quốc Tử Giám chiều mùng 6 Tết, vừa trông chừng nhóc con đang chạy loăng quăng trên cỏ, vừa cố gắng chống chọi lại với cơn thèm cà phê điên cuồng bằng cách thử lật đi lật lại trong đầu những hàm ý ẩn dụ của "cái bóng" trong Xứ sở diệu kỳ và tàn bạo xem nó có mối liên hệ nào với hàm ý về sự "phụ thuộc" của cái bóng trong Nam hoa kinh của Trang Tử, tôi bỗng có một sự "ngộ" khá bất thường về sự "đọc". Từ trước đến nay tôi vẫn đơn giản cho rằng việc tiếp nhận văn tự thông qua mắt được gọi là "đọc" (cũng như tiếp nhận hình ảnh thông qua mắt thì gọi là "xem") mà chưa từng nghĩ đến khả năng sự "đọc" có thể tác động đến các bộ phận khác trên cơ thể. Thí dụ như mối quan hệ giữa "đọc" và dạ dày chẳng hạn. Có những tác phẩm văn học (như của Gabriel Márquez) luôn khiến tôi chán ăn, thậm chí không chỉ là chán ăn mà còn là ghê sợ sự ăn, ngược lại có những cuốn tiểu thuyết (như của Murakami) luôn khiến tôi cảm thấy đói một cách khủng khiếp. Giống như sự trống rỗng của bản thể nhân vật chợt toác ra thành một cái hố sâu thẳm đâu đó ở bên trong khiến tôi chỉ có thể lấp đầy bản thân mình một cách bản năng nhất- thông qua thức ăn.

Dông dài bằng những ví dụ thô thiển trên đây cốt chỉ muốn nói rằng: mỗi người có một sự đọc và "tiêu hóa" văn tự khác nhau tùy vào tạng người (hay là cơ địa mỗi người cũng được). "Bút ký một người đọc sách" của anh Nguyễn Chí Hoan cũng vậy, tôi gọi đó là "đọc sách theo kiểu Nguyễn Chí Hoan". Nói theo lối cà phê cà pháo thì đúng là "người làm sao văn chiêm bao làm vậy". Rất bực vì những lời hay ý đẹp bị bạn biên tập viên giò trắng tinh tươm (bạn í tự nhận thế) giành lấy hết cả rồi, mà là một sự "giành lấy tuyệt đối" mới thực sự đáng giận. Nhưng quả thật, chỉ với cụm "giản dị và khiêm nhường" đã có thể thâu tóm gần như chính xác cả con người lẫn văn chương của Nguyễn Chí Hoan (gọi thẳng tên mà không đi kèm từ "anh" trong những trường hợp thế này với tôi là cả một s khó khăn và bất tiện). Chỉ nguyên việc đặt tên cho tập phê bình của mình là "bút ký một người đọc sách" chằng phải đã đủ làm bằng chứng cho sự khiêm nhường đấy ư? Tôi không phải là một nhà phê bình văn học, nhưng tôi khẳng định rằng một số bài "đọc sách" (anh tự gọi thế) trong tập "bút ký" này cần được gọi thẳng tên là những bài nghiên cứu văn học có giá trị. Mỗi một bài đọc sách của anh là những trải nghiệm sự đọc khác nhau được dãi bày bằng những giọng điệu khác nhau, điều này khiến cho tôi thấu hiểu "đọc" là một hành trình hấp dẫn nhưng "tiêu hóa sự đọc đó" cần đến sự nghiêm túc và nhọc nhằn vô số kể. Nói chung, dường như phụ nữ đọc bằng cảm xúc và đàn ông thì đọc bằng lí trí, (dĩ nhiên không phải tất cả ai cũng thế), nhưng mỗi lần đọc những bài điểm sách của anh Nguyễn Chí Hoan về một tác phẩm nào đó mà tôi quen thuộc, tôi luôn cảm thấy hứng thú vì dưới sự "đọc" của anh cuốn sách đó trở nên hoàn toàn mới lạ đối với tôi.

Rất nhiều bài điểm sách của anh Nguyễn Chí Hoan tôi đã đọc ở đâu đó, trên blog bạn bè, trong các buổi giao lưu đọc sách…nhưng đọc lại nó trong tổng thể của một tập sách vẫn là điều vô cùng thú vị. 1/3 trong số những cuốn mà anh viết bài điểm sách , tôi chưa từng đọc, thậm chí có những cuốn tôi còn chẳng biết là nó đã từng xuất hiện và tồn tại trong đời sống văn chương Việt Nam. Nhưng sau khi gấp tập Bút ký một người đọc sách lại, có lẽ tôi sẽ tìm một vài cuốn trong số đó (ngoại trừ những tập thơ) để có một sự đọc của riêng mình. Không phải vì anh đã khen chúng, Nguyễn Chí Hoan không viết một bài đọc sách để "khen" hay "chê" theo cách thông thường là cuốn đó "hay" hoặc "dở", mà những bài phê bình của anh là một sự kiếm tìm chân giá trị đích thực của mỗi tác phẩm, một "sự đọc" khiến người khác phải tò mò, phải tự hối thúc mình tìm kiếm đọc lại chính bản thân cuốn sách đó.
Dẫn người đọc tìm đến một cuốn sách không phải là điều mà những người viết bài "đọc sách" luôn mong muốn và hướng tới hay sao?