Monday, April 25, 2011

Lược sử cặp lồng ở xứ Việt Nam*

Nguồn ảnh: tại đây (còn ở đấy họ lấy ở đâu thì bạn QH chịu )
Chưa  khảo sát cụ thể nhưng tôi đồ rằng, hầu như gia đình nào ở Việt Nam cũng sẽ có một hai chiếc cặp lồng dự trữ phòng khi cần kíp. Cặp lồng với gia đình người Việt có lẽ cũng cần thiết như nồi cơm điện và bát đũa, những vận dụng thiết yếu hàng ngày.  Tại sao lại gọi là cặp lồng? Có phải vì cấu tạo có các ngăn lồng vào nhau nên có cái tên gọi ấy? Thấy bảo “cặp lồng” là dịch nghĩa của từ “cà mèn” (la gamelle) trong tiếng Pháp, như thế có nghĩa là lịch sử cặp lồng ở xứ Việt Nam chỉ có khoảng từ dưới 100 năm đổ lại. Dĩ nhiên sẽ có bác khẳng định chiếc cặp lồng sớm nhất của người Việt chính là mấy cái mo cau, hoặc có bác sẽ căn vặn lai lịch của chiếc cà mèn  Pháp xuất phát  từ đâu, nhưng thôi, việc khảo ấy là của các nhà ngôn ngữ học, các nhà sử học. Với tôi định nghĩa sớm nhất về cặp lồng chính là một cái hộp sắt tây hai ngăn màu xanh (đã tróc vảy) treo tòn ten trên ghi đông xe đạp nam (có gióng ngang) của bố thời bao cấp. Cái hộp sắt tây ấy cũng thường gắn liền với ký ức về những bát phở mậu dịch chỉ được mẹ mua về nhà khi chị em tôi ốm. Những bát phở ngày ấy khi mở nắp sắt tây ra, khói nghi ngút và mùi thơm xộc lên khiến người ta ứa nước miếng. Những bát phở đó (cũng giống như một vài món quà vặt khác của tuổi thơ như bánh quế, kẹo vừng, kẹo dồi, kẹo lạc) sẽ có một vị ngon vĩnh viễn không bao giờ tìm lại được cho dù hồi ấy thịt thì ít, nước thì chua và bánh phở thì lèo tèo chỉ cần hai lần lùa đũa là hết veo đi chăng nữa.

Khi chúng tôi lớn lên, trong nhà dần dần xuất hiện những chiếc cặp lồng khác, cặp lồng nhôm có, nhựa có; cặp lồng hai ngăn có, ba ngăn có, thậm chí bốn ngăn cũng có. Nhưng ký ức về chiếc cặp lồng cơm trưa bằng sắt tây của bố thời bao cấp bị xóa dần bằng ký ức về về những chiếc cặp lồng nhựa trắng nắp màu xanh đưa cơm (phở, bún, miến, cháo) cho người ốm, hoặc cho người chăm người ốm trong bệnh viện. Đó là những chiếc cặp lồng gắn liền với hình ảnh về những dãy giường đơn hai người nằm đảo đầu chen chúc, với những hành lang bệnh viện người nằm ngồi vạ vật và mùi thuốc sát trùng nồng nặc. Những năm ấy, nếu có ai đó dùng cặp lồng để đựng cơm trưa thì có lẽ là những công nhân ở các khu công nghiệp. Ở Hà Nội, đó là thời của cơm bụi lên ngôi. Những người lao động chân tay, những người thu nhập thấp, sinh viên, thậm chí một bộ phận nhỏ nhân viên văn phòng thời ấy chẳng quản ngại gì chuyện vệ sinh hay không vệ sinh đều chọn quán cơm bụi để giải quyết bữa trưa cho nhanh gọn. Đơn giản vì cơm bụi rẻ. Dăm món cả kho lẫn xào, một bát rau muống luộc dầm sấu (hoặc lá me) miễn phí đựng trong những ca nhựa sứt sẹo đặt sẵn trên các bàn cũng làm bằng nhựa nốt, hôm nào hứng chí lên thì gọi thêm cốc bia cỏ,  thế là xong một bữa. Sang hơn cơm bụi là cơm Tấm Sài Gòn. Tôi còn nhớ vài ba quán cơm Tấm ở đường Thái Thịnh đông nghẹt khách là nhân viên văn phòng vào các buổi trưa. Những năm ấy, đám nhân viên văn phòng cao cấp hơn nữa phần lớn buổi trưa sẽ xúng xính váy áo rủ nhau vào quán cà phê cơm đĩa máy lạnh, hoặc lang thang bún chả, bún nem, bún đậu mắm tôm, bún mọc, bún sườn….kê bàn bán đầy rẫy trên các dãy phố của Hà Nội. Những chiếc cặp lồng lúc ấy không tồn tại trong đời sống ăn trưa của nhân viên công sở Hà Nội.

Vài ba năm gần đây, chiếc cặp lồng cơm trưa đột ngột quay trở lại với đời sống nhân viên văn phòng Hà Nội dưới một dạng thức khác: đó là sự xuất hiện của các “lunchbox” Hàn Quốc. Đầu tiên là vì mấy năm gần đây thời tiết mùa hè ở Hà Nội quá khắc nghiệt, ngán cảnh lang thang tìm đồ ăn trưa, hoặc cảnh ngồi chen chúc nhau dưới cái nóng gần 40 độ C trong một quán ăn nào đó đã khiến lác đác nhiều chị em lựa chọn việc tự chuẩn bị cơm trưa rồi ngồi ăn ngay trong phòng làm việc máy lạnh cho nó sướng. Sau đó, do lo sợ các loại dịch bệnh ngày càng nhiều và ngày càng diễn biến phức tạp, rồi thực phẩm trong các nhà hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh, và nhất là đến năm nay, do “bão giá”, những chiếc “cặp lồng”cơm trưa Hàn Quốc đang trở thành sự lựa chọn số 1 của chị em văn phòng Hà Nội.  Thay vì chiếc cặp lồng hai ngăn thô kệch như trước đây, những hộp đựng cơm trưa Hàn Quốc nhỏ gọn chia thành nhiều ngăn đựng được cả canh và thức ăn mặn với nhiều kiểu dáng kích cỡ xinh xắn, có túi đựng giống như túi đồ trang điểm của phụ nữ đang hiện diện ngày càng nhiều hơn trong các bữa trưa công sở. Có loại cấu tạo như một chiếc phích cỡ nhỏ, có thể giữ cơm nóng ở nhiệt độ 90 độ C trong 6 tiếng liền, giá khoảng 700.000 ngàn/1chiếc. Loại hộp của Komasu hơn 400.000 ngàn có chức năng hâm nóng cơm và thức ăn. Thông dụng hơn là những chiếc hộp giá khoảng 300.000 (không có chức năng giữ nhiệt) có bán ở các siêu thị đồ dùng Hàn Quốc khắp trong cả nước. Hơn nữa, việc chuẩn bị bữa trưa cũng không hề mất quá nhiều thời gian. Bữa chiều của ngày hôm trước chị em sẽ làm thức ăn và canh, rau nhiều hơn một chút rồi múc riêng ra cho vào tủ lạnh. Sáng hôm sau cắm nồi cơm, hâm lại canh và thức ăn đã có sẵn, cho vào hộp, lồng vào túi đựng, thế là đã sẵn sàng cho một bữa trưa vừa ngon lành lại vừa kinh tế. Những bưa trưa như thế cũng thường sẽ rất đặc biệt, mọi người lôi hộp cơm của mình ra, quây quần lại góp món ăn chung rất có hương vị hồi cố thân thương về những bữa cơm trưa cặp lồng đậu phụ kho hoặc muối vừng lạc rang thời bao cấp.

Vì thế, theo tôi dự đoán, xu thế của thời trang công sở năm nay, phụ kiện đi kèm sẽ là: túi đựng "cặp lồng cơm trưa Hàn Quốc". Và "cặp lồng cơm trưa Hàn Quốc" sẽ là một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá mức độ sành điệu của một nhân viên văn phòng Việt Nam thời giá cả thị trường phi nhanh hơn tên lửa!

QH

Cho một buổi trưa cực kỳ buồn chán :)) :)) :))


Bonus: Bài này mới là "cặp lồng xịn", đầy hiện thực và giầu chất thơ nhá!

*Copy và sáng tạo tiêu đề từ “Lược sử máy kéo bằng tiếng Ukraina” (He he he)



27 comments:

  1. nhưng bài viết thì không buồn chán tí nào, nếu không nói là ngược lại:)

    ReplyDelete
  2. Bác ơi bác đừng khen em: Hãy chỉ cho em cái kém/Để em nên người tốt lành (Lâm Thị Mỹ Dạ) :)) :)) :))

    ReplyDelete
  3. cầu sẽ được, ước sẽ thấy:)

    ReplyDelete
  4. Nghiêm túc đề nghị đem đăng báo đi bạn Quách!

    ReplyDelete
  5. Khồng, chị So là người thương em nhứt, sao chị lại nỡ lòng nào xui dại em thế! ;P

    ReplyDelete
  6. Bạn ơi, nếu có hình ảnh thì hay hơn.

    ReplyDelete
  7. Đăng báo thì được thôi, có phải ứng cử tổ trưởng tổ dân phố đâu mà. Chỉ phải đừng như chị So, bao chầu lẩu dê đều không thấy. ;(

    À, mà không khéo em lại phải đi học tiếng Hàn để thành người Việt Nam chính hiệu mất. ;)

    ReplyDelete
  8. QH: Từ Cổ Sử đến Sài Gòn Tiếp Thị. ;p

    ReplyDelete
  9. Đấy có phải là nhan đề cuốn sách mà bạn Khuê sắp xuất bản không dzạ? :)) :))

    ReplyDelete
  10. @Bạn Nặc danh ở trên bác Khuê: Cảm ơn bạn. Với tinh thần cầu thị luôn biết lắng nghe và tiếp thu ý kiến góp ý của mọi người, sau mấy phút nghiêm túc lục lọi Google em đã tìm ra được hình ảnh trên, hy vọng bạn cảm thấy ưng ý. :))

    ReplyDelete
  11. Em Quách Hiền viết càng ngày càng giỏi 同班同學記得嗎?

    ReplyDelete
  12. He he, 記得! Bác và gia đình vẫn được mạnh giỏi chứ ạ?

    ReplyDelete
  13. Cám ơn Hiền , mọi điều đều tốt đẹp cả .

    ReplyDelete
  14. Tôi không hiểu sao, nhưng ở quê tôi, cái hình ở trên kia được gọi là cái "ăng gô", cái cặp lồng/cà mèn là mấy cái lồng lên nhau.

    ReplyDelete
  15. Em thích nhất câu này của chị: "...theo tôi dự đoán, xu thế của thời trang công sở năm nay, phụ kiện đi kèm sẽ là: túi đựng "cặp lồng cơm trưa Hàn Quốc" :)

    ReplyDelete
  16. @Bác Do: Ồ,cảm ơn bác quá. Bác nói rất chính xác. Lúc lẩn mẩn viết bài trên tôi cũng nhớ đến cái "ăng gô" sắn trong "Mẫn và tôi" của Phan Tứ hay trong "Nắng đồng bằng" của Chu Lai. Tuy nhiên, theo như tôi được biết, nhiều nơi người ta vẫn đánh đồng cặp lồng và ăng gô làm một, bởi vì chúng có chức năng giống nhau: đựng cơm, đựng canh, đựng thức ăn.

    ReplyDelete
  17. Các bạn khen bạn mình viết giỏi như trầm trồ hoa hậu đẹp ý nhỉ! mặc dù vậy mình vẫn âm thầm nở mũi mới kinh chứ! bạn Quách ơi bữa nào lại buôn chuyện đthoại "tí thật to" nhé! nhớ lắm rồi!

    ReplyDelete
  18. He, hôm nào tớ sẽ gọi điện. Nắng lên rồi, ta nhậu nhân phẩm bạn Xanh ui!:)) :))

    ReplyDelete
  19. Hết chuyện rồi hả bác Quách! Đố biết ai!? Hehe!

    ReplyDelete
  20. Em chịu. Các bác cứ Ano đi, Ano lại em sao biết được là ai với ai. Chuyện thì còn nhiều nhưng lòng nhiệt tình kể chuyện thì dường như đã nguội, he he he....

    Nói chung nếu bác là người quen biết em thì ít nhất bác cũng cho em một cái ký hiệu nhận biết bác là ai chứ lị. :))

    ReplyDelete
  21. hà hà, đã từng đi HT Nguyễn Công Trứ đấy! bác Quách ạ! Cafe vỉa hè rồi đây!

    ReplyDelete
  22. Khâm phục bác lắm!!!

    ReplyDelete
  23. You make us (nguoi Hoa) proud of YOU. Rat la vui ve & thoa mai khi doc Blog cua QH.

    ReplyDelete
  24. Tôi ngạc nhiên là người Hoa sao lại "phải" proud of ME?

    Nhân tiện, để những comment dạng như thế này không tiếp tục xuất hiện trên blog của tôi: xin các bác hãy đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng, kẻo không "đau bụng uống nhân sâm" mà chết. Tôi gốc Việt Mường, Việt xịn hơn mấy bác Việt khác, xin nhớ cho kỹ.

    ReplyDelete
  25. Entry của bạn hay quá, tôi hình như tìm thấy nhiều hình ảnh của gia đình từ mấy chục năm trước...

    ReplyDelete