Wednesday, April 20, 2011

Cổ sử (2): Notes

Trong “Lời giới thiệu” cuốn Những cuộc đời song hành (tập 1) của Plutarque (bản dịch tiếng Việt của dịch giả Cao Việt Dũng và Vũ Thọ-NXB Tri Thức) có một chú thích của dịch giả về cổ sử Hy Lạp và Trung Quốc như thế này:

“Đường lối chung của  của sử học Hy Lạp là trọng sở thị mà có phần coi nhẹ sử liệu….Cần nhấn mạnh rằng các sử gia Hy Lạp luôn phát ngôn với tư cách cá nhân, không đại diện cho bất cứ thể chế nào- đặc điểm này khiến cho họ khác căn bản với các sử gia cổ Trung Quốc”.

 Điều này đúng nhưng đó không phải là lý do căn bản. Hay nói một cách khác, dịch giả hiểu rất rõ bản chất của cổ sử Hy Lạp nhưng lại “hơi bất công” với cổ sử Trung Hoa (he he, “mỡ nó rán nó nhé”). Sự khác biệt theo tôi phải nằm ở chỗ: khái niệm về “sử” (nghĩa gốc nguyên thủy về “sử”) của người Hy Lạp và người Trung Quốc cổ đại hoàn toàn khác nhau . Xét về từ nguyên, historia trong tiếng Hy Lạp có nghĩa liên quan đến luật pháp là “điều tra” hay “biết được [sự thật] từ sự điều tra”. Historia lại trực tiếp bắt nguồn từ hístōr một từ với nghĩa là “người biết được [sự thật] vì anh ta đã thấy” (với nghĩa tương tự như “người làm chứng” trong luật pháp). Trước Herodotus historia thoạt đầu được hiểu như là một bước trong nhận thức luận hơn là một thể loại. Historia bắt đầu được ghi nhận như là một thể loại bắt đầu từ Herodotus. Trong bộ “Sử ký” của mình, Herodotus thực ra đã tiến hành một cuộc điều tra về chủng tộc, văn hóa,  xã hội. Ông đi đến tận nơi, chứng kiến, nghe ngóng và ghi chép lại những gì mình đã thấy, những ghi chép đó ông gọi là “sử”.

Ngay người Trung Hoa cũng khó khăn trong việc xác định “sử” là một thể loại bắt đầu từ bao giờ và lấy tác phẩm nào làm mốc, họ chỉ có thể nói các hoạt động ghi chép “sử” của họ còn hiện tồn (có thể chứng minh được niên đại) đến ngày nay là vào đầu thời Chu. Nhưng khái niệm của người Trung Hoa về “sử” thì còn sớm hơn trước đó rất nhiều, nó xuất hiện cùng với giai đoạn vu bốc văn hóa 巫卜文化 (hay “vu thuật văn hóa” (witchcraft culture) cũng vậy).  Trước tiên, hãy thử xem người Trung Quốc quan niệm thế nào là  “sử”

Photobucket




Theo Hán tự hình nghĩa phân tích từ điển, sử (xem hình ở trên) “là một chữ hội ý, bên dưới là thủ (tay), bên trên có người cho là thẻ trúc, có người  cho là dụng cụ săn bắn hoặc đồ tế lễ”. “Tay” ở bên dưới thì xem như các nhà nghiên cứu nhất trí cao độ rồi, nhưng “cái tay ấy” cầm cái gì thì vẫn còn đương tranh cãi rầm rĩ. Bác thì bảo nó là bảng trúc giản được buộc lại, bác thì bảo nó là cái dụng cụ để khoan mai rùa trước khi tiến hành nghi thức bói. Có bác còn bảo cái dụng cụ ấy ngoài chức năng khoan mai rùa còn dùng để cời lửa cháy trong nghi lễ theo mùa. Có bác lại bảo đấy là “ ngọn đuốc”, bác khác lại cho rằng nó là dụng cụ để giữ lửa. Nói tóm lại, tay cầm cái gì thì chưa xác quyết nhưng tất tần tật họ đều hướng về một điểm: cái phần chưa rõ đó nhất định có dính líu đến các nghi lễ tế tự và bói toán.

Có bao nhiêu cách phân tích tự hình “sử” thì có bấy nhiêu quan điểm về “nghề nghiệp” của các “sử”. Thí dụ như Đới Quân Nhân trong bài Thích sử (Giải thích về “sử”) cho rằng nhiệm vụ nguyên thủy của sử là “tu dự tế điển, tuyên giảng phù mệnh” . Thẩm Cương Bá thì cho rằng, “sử có nghĩa là chúc sử (祝史)”, là người trông coi các nghi lễ táng tế và soạn đọc chúc văn. Ác liệt nhất là cụ Trần Mộng Gia, với quan điểm “sử” tức “sự” , cụ liệt kê ra một bảng dài dằng dặc những việc gì thời cổ đại được cho là “ ” như: tế tự, săn bắn, chiến tranh, …và kết luận: “sử” chính là những người làm công việc chiêm bốc trong các nghi lễ tế tự, săn bắn, chiến tranh đã nêu trên. Nói  tóm lại theo các bác í thì có thể kết luận chức nghiệp của “sử” thời Trung Hoa cổ đại chính là: kiến thần tiếp quỷ.

 Ở đây có liên quan đến một quan điểm đã nhận được sự đồng thuận chung của cả giới nghiên cứu Trung Quốc: vu thuật 巫术 được xem là cội rễ văn hóa của họ. Sự nhất trí quan điểm “vu sử đồng nguyên” (“vu” và “sử” có chung một gốc) xem như đã thừa nhận sự xuất hiện từ rất sớm của một nhóm người được gọi là “sử” , một chức quan đứng trong hàng ngũ những người trông coi các công việc tế tự, y thuật và bói toán cho nhà vua. Hoặc cũng có thể hiểu là trong số các “vu”  thì có một loại “vu” được gọi là “sử” chuyên trách một nhiệm vụ nào đấy trong vô số các nhiệm vụ liên quan đến tế lễ và bói thời cổ. Điều này lí giải tại sao trong Quốc ngữ hay Tả truyện chép rất nhiều các chức quan khác nhau liên quan đến “sử” như: vu sử  , chúc sử 祝史, tế sử  祭史 , bốc sử 卜史,  phệ sử  筮史  ….Từ đó suy ra, những ghi chép nguyên thủy của “sử” thời Trung Hoa cổ đại sẽ là những ghi chép về các quẻ bói hay các nghi thức tế lễ.  Ngay đến cả dưới thời Thương, vẫn còn lưu giữ 18 đề mục bói toán bắt buộc phải thực hiện (xem cụ thể trong bài “Thần học chính trị trong văn hóa Trung Quốc cổ đại” của Dương Ngọc Dũng in trong cuốn Triết giáo Đông phương), trong số đó hầu hết là những việc bói toán liên quan đến những chuyện rất hệ trọng  như tế lễ, săn bắn, chiến tranh, bói hoàng hậu mang thai con trai hay con gái… vân vân vân. Như thế, khi các “sử” ghi lại các quẻ bói thì những việc có liên quan đến quẻ bói đó đồng thời cũng được chép theo. Mục đích chính của “sử” không hướng đến “chép việc”, mà là chép quẻ chiêm bốc để rồi sau đó xem nó có ứng nghiệm hay không. Để đúc rút kinh nghiệm các “sử” này thường kê cứu cả những ghi chép của tiền nhân, ghi chép lại những ghi chép của “sử” đời trước để tiện cho việc chiêm nghiệm. Truyền thống kê cứu sử liệu của sử học Nho gia cũng có nguồn gốc sâu xa từ đó. Sau này khi chuyển từ giai đoạn “vu thuật văn hóa” sang  giai đoạn “sử quan văn hóa”,  “sử” và “vu” dần dần phân hóa, “sử” trở thành một chức quan chuyên trách lo việc sách vở, “tàng thư, độc thư, trước thư”, rồi thành người “chép việc của vua”,  thậm chí còn chuyên biệt hóa thành tả sử, hữu sử: người chuyên chép lời của vua kẻ kia chuyên chép hành động của vua. Dẫu như thế, dấu ấn của “vu” vẫn tiếp tục duy trì trong những ghi chép sử của Trung Hoa, mà cụ thể ở đây là trong sử Nho gia. Nhưng đó lại là một câu chuyện rối rắm khác rồi.

Dài dòng cả đống trên kia cuối cùng không phải để nói chuyện sử Hy Lạp hay sử Trung Quốc, mà chỉ để nói một điều tiếp theo bài “Cổ sử” lần trước: Nếu nói rằng cổ sử của Việt Nam chúng ta đầy rẫy các huyền thoại và các sự kiện đã được nhuận sắc, như vậy cổ sử là không đáng tin cậy và những sử gia Nho học như Ngô Sĩ Liên chỉ là những người phát ngôn cho thể chế chính trị? Không phải như vậy.Vấn đề là những sử gia như Ngô Sĩ Liên quan niệm về sử không giống với quan niệm sử học của chúng ta hiện tại. Vấn đề là người đọc “sử” thời Ngô Sĩ Liên muốn tìm kiếm điều gì trong “sử” ? Đó có phải  là “các con số ngày tháng” hay “các dữ liệu”? Cần xác định rõ: vai trò "sử gia" thời trung đại không có vai trò giống như “nhà nghiên cứu lịch sử” theo quan niệm của người hiện đại. Vì thế khi đánh giá sử học của quá khứ chúng ta nên nhìn rõ vào bản chất của nó hơn là phán bừa: mấy ông sử học Nho gia toàn nịnh vua và nói láo!
                                                                                                                                   
Đương nhiên câu cuối là viết cho mình, tự dặn mình như thế!


Note của Note: Lần này để đề phòng bị bỉ báng lần nữa, em đã thay các anh mỹ nam Hàn Quốc thành các em mỹ nữ Hàn Quốc chân dài miên man rồi nhé.  Còn nữa, theo như một giáo sư Đại học Hokkaido thì âm nhạc của mấy em ấy  giúp phát triển trí tuệ đới! Vừa được ngắm chân lại vừa bổ não, thích nhá! :)) :)) :)) :)) 

9 comments:

  1. Étienne Balazs: “Lịch sử của quan lại, do quan lại viết, cho quan lại xem” (La Bureaucratie Céleste [Chế độ quan lại Trung Hoa], Paris, Gallimard, 1968, tr. 52, Tsuboi trích trong Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa bản 2011, tr. 259

    hehe

    ReplyDelete
  2. tiếp nhá ;d

    Chú thích tr. 260: G. Condominas nhấn mạnh luôn trên điểm này: lịch sử ghi chép bởi những quan chức để làm căn bản cho những Niên giám các triều đại ở Viễn Đông, chỉ là lời nói chính thức phủ nhận bất cứ giải thích nào khác. Một cách tổng quát, theo G. Condominas, lịch sử là sản phẩm của chính quyền đưa ra để chứng tỏ tư cách chính thống của mình.

    ReplyDelete
  3. Úi, nhanh thế, đã tóm được "2 chú" làm luật sư bào chữa. Thế này là định "bức" bạn viết nốt phần sử học Nho gia đấy phỏng?

    ReplyDelete
  4. Em thấy "củi đậu nấu đậu" chứ "mỡ nó rán nó" gỉ đâu.

    À, mà sử gia mấy thời gầy đây (híc) sao cứ lấy các loại chân hòng làm mụ mị dân đen như em vậy. Có nghe qua câu “Giữa chốn ba chân [chân thật, chân giả, chân lúc/vừa thật lúc/vừa giả]có thể đoạt được soái ấn, nhưng không thể đoạt đươc cái chí của kẻ thất phu”chưa dzạ?

    ReplyDelete
  5. hôm trước em đi ngang một cái chùa nghe tiếng đọc kệ, bác Khuê Việt hay giao du với giới chân dài trọc đầu chắc cũng đã biết: "không chân không ngụy, có thấy chân ngụy là vì lòng người có ngụy với chân"

    ;d

    ReplyDelete
  6. @Nhà "chân học" số 1 (bạn Khuê á): Thứ nhất em cần đính chính cho rõ ràng: em không phải là sử gia. Các vấn đề còn lại (về chuyện những cái chân) em nhất trí cao độ với bác.

    @Nhà "chân học" số 2 (bạn Nhị ế): Étienne Balazs (và cả Henri Maspero) nữa là những nhà Hán học thuộc trường phái "chính trị học lịch sử" và chịu ảnh hưởng nặng nề bởi các lý thuyết xã hội học. Hơn nữa, "lịch sử" theo quan niệm của họ là "sự tích hợp của tự sự lịch sử và nghiên cứu phong tục", một quan niệm về lịch sử đã hình thành ở phương Tây giữa thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX. Rất lỗi thời đúng hôn?

    Đó là lí do vì sao chúng ta cần phải lần lại nguồn gốc truyền thống của sử học. Bởi như bác Foucault (Phao Câu- tất nhiên) đã nói, việc đó nó sẽ đặt ra cho sử học nhiệm vụ "đánh thức các yếu tố đã bị quên lãng, làm sáng tỏ những gì bị khuất lấp, và để xóa bỏ - hoặc làm chắc chắn thêm một lần nữa - những rào cản"...:))

    ReplyDelete
  7. Không nhận làm sử gia nhất định là sắp ứng cử đại biểu Quốc hội rồi. ;p

    ReplyDelete
  8. Chết, bạn Khuê Việt lại vui tánh rồi :)) :)) :))

    ReplyDelete