Monday, December 31, 2012

Trường An loạn: Mọi sự diễn ra đều chỉ là “vừa khéo”


Đại khái, tôi là một người đọc “tạp”. Tôi không giống mấy bác đọc sách thuộc tầng lớp tinh hoa, chỉ đọc những tác phẩm có tầm tư tưởng thời đại, những tiểu thuyết được giải thưởng, những tác giả tiên phong cho chủ nghĩa nọ, trường phái kia; hoặc chỉ chọn đọc mấy tác giả thuộc loại danh “đã” thơm lừng lẫy hoặc tên tuổi “đã” thành bất tử của nhân loại..vân vân. Đối với tôi, đơn giản, bất kỳ cuốn sách nào dù là văn học, á văn học, cận văn học, phi văn học, chỉ cần ngay từ trang đầu tiên tôi bị cuốn hút không dứt ra được thì tất cả đều là kiệt tác. Thôi, thanh minh dài dòng như thế chẳng qua chỉ là muốn huỵch toẹt ra một sự thật tầm thường: ngôn tình, võng du, xuyên không, đam mỹ, thặng nữ…tất cả những loại hình văn học mạng của Trung Quốc hiện giờ đang chiếm lĩnh thị trường sách dịch ở Việt Nam, tôi đều đã từng đọc qua (đương nhiên là đọc bằng nguyên bản Trung văn). (Nhân tiện, nhấn mạnh, có bác cực kỳ nổi tiếng còn được tôi khai đạo về ngôn tình, đam mỹ và thặng nữ nữa cơ).Và vì thế, tôi không thể không công nhận, cho dù hiện giờ các tác giả văn học trẻ Trung Quốc chi chít như mộc nhĩ mọc sau mưa, thì vị trí thống soái của văn học trẻ Trung Quốc vẫn đang và sẽ (trong một thời gian dài nữa) thuộc về hai tác giả thuộc tầng lớp 8x, nổi danh gần như cùng lúc, một người giờ đã thành tỷ phú, một người giờ là tay đua xe chuyên nghiệp, một đôi “Thượng Hải tuyệt luyến” trong mắt các “hủ nữ”, cũng là 2 nhà văn Trung Quốc đầu tiên mà tôi đặc biệt quan tâm sau khi dùng weibo: Quách Kính Minh và Hàn Hàn. Được (bị?) đánh giá là một cây viết “không an phận”, Hàn Hàn đương nhiên hội đủ mọi tiêu chuẩn về một nhà văn mà tôi thích: không những đẹp trai lại còn nổi loạn. Các tiêu chuẩn này rất quan trọng, bởi vì dù cũng rất thích đọc các tác phẩm của Quách Kính Minh (văn phong của cậu tỉ phủ này uyển chuyển, diễm lệ, sướt mướt, lâm ly rất hợp tạng với đàn bà con gái-Ảo thành là một ví dụ) nhưng giả dụ có cuộc trưng cầu ý kiến trên weibo về tác giả ưa thích, tay tôi thể nào cũng tự động bấm vote cho Hàn Hàn. (hic).

Trường An loạn (bản tiếng Việt do dịch giả Trần Quang Đức dịch, Nhã Nam và NXB Thời Đại đồng xuất bản, 2012) cũng có thể xem như là một sự “nổi loạn” của Hàn Hàn trên văn đàn năm 2004, không chỉ vì số lượng sách bán ra khủng khiếp mà với giọng văn sắc bén và giàu tính giễu nhại, Hàn Hàn đã “giải đọc” lại toàn bộ những mô típ nghiễm nhiên đã được thừa nhận trong truyện tiểu thuyết võ hiệp truyền thống bằng sự quan sát và kinh nghiệm sống của một thanh niên thế hệ 8x. Tính giễu nhại của Hàn Hàn đã bắt đầu ngay từ đoạn mở đầu với sự khác biệt giữa một dấu phẩy và hai dấu phẩy, lí giải về chữ Nhẫn, về cơ chế tin đồn…vân vân. Chưa kịp cho độc giả cười xong, thì ngay mở đầu chương 1, đoạn viết về chọn pháp danh trong Thiếu Lâm Tự, việc sư phụ lén để lại mấy pháp danh hay dành cho những người có quan hệ thân thiết, cách mô tả của Hàn Hàn khiến người đọc không thể không liên tưởng đến chuyện cảnh sát giao thông để lại những biển số đẹp cho những người có thế lực hoặc bỏ tiền ra mua. “những người đó (có pháp danh đẹp) thường cho người khác xem thẻ bài của mình để họ biết rằng chỗ dựa đằng sau mình rất vững, nếu không phải người cai quản chung của cả chùa thì cũng là người có quan hệ với các vị đại quan bên ngoài, cho nên hễ đưa thẻ bài pháp danh ra , thông thường đi đến đâu cũng không có ai ngăn trở, trên đường muốn cưỡi ngựa thế nào thì cưỡi, có lấn làn vượt ngựa, tạt đầu lừa trên phố, phóng ngược chiều, chạy quá tốc độ, cột ngựa sai quy định, húc nhẹ đuôi nhau, nha môn cũng làm ngơ”. Trong Trường An loạn, đầy rẫy những đoạn khiến người ta không thể không cười: như những chi tiết về việc dùng dây thun trong thu hồi ám khí hay sự xuất hiện của thuật ngữ “rửa tiền” chẳng hạn.

Tên tiểu thuyết là Trường An loạn nhưng câu chuyện lại diễn ra trong một không khí bình tĩnh trật tự đến lạ kỳ. Có tỷ thí võ lâm, có tung chiêu, tuốt kiếm, có ám khí, có độc dược, có nạn đói, có thảm sát, có bi thương, nhưng người đọc cũng chẳng vì thế mà hồi hộp, chân đập tay run hay cảm thấy thê lương thảm thiết, từ đầu đến cuối mọi thứ cứ bình thản như một cuốn phim quay chậm trước một đôi mắt sinh ra đã tinh nhanh bất thường của Thích Nhiên. Trong số các tác phẩm của Hàn Hàn, Trường An loạn là tác phẩm võ hiệp duy nhất. Tiểu thuyết võ hiệp mà lại không phải là tiểu thuyết võ hiệp. Nếu mà dùng lời của sư phụ Thích Nhiên thì: Trường An loạn chỉ “vừa khéo” là tiểu thuyết võ hiệp mà thôi. Cũng như bối cảnh của câu chuyện chỉ “vừa khéo” được đặt vào bối cảnh thời cổ đại, Trường An chỉ vừa khéo là Trường An và mọi nhân vật chỉ vừa khéo là chính họ.. Hai chữ “vừa khéo” xuất hiện trong câu chuyện giữa sư phụ và Thích Nhiên trước khi nhân vật chính rời khỏi Thiếu Lâm Tự. Đây là đoạn mà tôi cho rằng đã trả lời được hết cho mọi tình tiết xảy ra sau đó trong cuộc đời của Thích Nhiên:

“Tôi hỏi: Vậy ngay cả sư phụ con cũng không được gặp?
Sư phụ nói: Chớ có nuối tiếc, ta chỉ vừa khéo là sư phụ con thôi. Con hãy nhớ, khi con cảm thấy chẳng có cách nào làm phai nhạt đi hình bóng của ai đó, con hãy nghĩ, người đó “vừa khéo” là người đó, thế là được. …(lược bỏ 1 đoạn)
Tôi nói: Lẽ nào mọi việc diễn ra chỉ vừa khéo?
Sư phụ nói: Không, tất cả mọi việc trước khi diễn ra thì là “chưa hay”, sau khi xảy ra và ngẫm nghĩ lại thì gọi là “vừa khéo”.
Tôi nói: Vậy những sự “vừa khéo” kia không phải được sắp sẵn đúng không ạ?
Sư phụ nói: Số phận đã sắp sẵn, mệnh không thay đổi, “vừa khéo” chỉ là một phó từ…(Trường An loạn, tr.77 )

Từ sư huynhThích Không, rồi đến sư phụ của Thích Nhiên, đến Hỷ Lạc, ông già rèn kiếm, con ngựa Lép, đến Vạn Vĩnh, mọi nhân vật cứ vừa khéo xuất hiện, đẩy cuộc đời của Thích Nhiên đi từ tình tiết này đến tình tiết khác. Nếu họ không vừa khéo xuất hiện e rằng nửa sau của câu chuyện mãi mãi sẽ chỉ là Thích Nhiên và Hỷ Lạc ngày nối ngày gà gật trên lưng con ngựa Lép. Vì Thích Nhiên và Hỷ Lạc vừa khéo phải rời chùa nên tránh được họa thảm sát tại Thiếu Lâm Tự. Vì vừa khéo mang thanh kiếm Linh đi cầm đồ để có ngân lượng thuê con Lép nên Thích Nhiên sau này mới có được thanh kiếm vô địch thiên hạ. Vì vừa khéo thuê con Lép, con ngựa cả ngay đi chưa xong một dặm, nên Thích Nhiên mới có cơ hội đụng độ với Vạn Vĩnh và sau này cũng nhờ Vạn Vĩnh mà một lần nữa thoát khỏi họa thanh trừng bang phái giang hồ của triều đình. Vì vừa khéo dừng lại ở Quá Sa nên Thích Nhiên mới có trận thảm sát cao thủ võ lâm các phái để báo thù cho Thiếu Lâm Tự. Vì vừa khéo phải đến Tuyết Bang nên Thích Nhiên mới thành minh chủ võ lâm. Dù có một đôi mắt tinh nhanh bất thường thì phạm vi những gì Thích Nhiên nhìn thấy trước thiên hạ cũng chỉ là những việc xảy ra dưới đôi mắt chính mình. Thích Nhiên, người có thể nhìn nhanh hơn thiên hạ lại chưa từng biết một cách rõ ràng mình là ai, mình phải làm gì, tại sao phải làm thế, chuyện gì sẽ xảy ra?

Bởi vì xét cho cùng, dù có năng lực phi thường thì Thích Nhiên cũng chỉ vừa khéo là một một người trong số nhân loại, những cá thể mà số phận đã sắp sẵn, mệnh không thay đổi, “vừa khéo” chỉ là một phó từ…

13 comments:

  1. Vừa khéo em lại đọc được bài viết này. Khéo thế chứ lị :)

    ReplyDelete
    Replies
    1. :)) :)). Mua cuốn này về đọc đi, hay thật đấy.

      Delete
  2. Tưởng có nhân vật Thích Chân thì còn ráng đọc đặng học hỏi. Khi Chân (của ta - của người khác không tính) đủ dài, thì mới nói tới Thiện, Mỹ được.

    ReplyDelete
    Replies
    1. thích thì mới là phạm trù "chưa hay", phải sờ rồi thì mới là phạm trù "vừa khéo": vừa khéo chân lại chính là chân

      hahaha, Mạc Đại tiên sinh đã đi khỏi, huynh đệ có thấy xốn xang hong? :pp

      bạn Quách thật là kinh, viết hẳn một bài thắt nút mở nút như thủy thủ :))

      Delete
    2. Ối dồi. Lẻn lúc bạn đi tiệc tùng đón chào năm mới hai bác vào đây lập topic về Chân à?

      @Khuê Việt: Đang loay hoay không biết phải tính thế nào với Thích Chân [dài] của bác Khuê thì "vừa khéo" nhặt được thông tin này trên mạng: "Chân ngắn, sao phải xoắn" (tiểu thuyết), tác giả: Huyền Lê, NXB Văn học, 2012. Giá bìa: 65.000đ ;p

      Mà kể cũng lạ, bác Khuê nhắc mới hồi tưởng lại, cả đám họ Thích đi ra đi vào trong Trường An loạn, có Thích Vú, Thích Thối, Thích Bô, nhưng Thích Chân thì tuyệt nhiên không có...Hu hu.

      @Nhị Linh: Thế cậu tưởng tớ cả năm cả tháng cà phê cà pháo chém gió, buôn nước bọt tơi bời với danh nhân blogger mà lại chẳng móc trộm được chiêu nào à? Tớ nhẽ đâu lại chịu thiệt thế chứ. He he he.

      Delete
    3. khiếp, nghe bạn Quách nói buôn nước bọt lại nhớ đến câu mới học được của bọn trẻ con: không gì ngọt bằng nước bọt người yêu :d

      Delete
    4. Úi giời, trình độ giải đọc ngôn ngữ của bạn Nhị Linh thuộc dạng liên [siêu] văn bản, bạn Quách không thèm chấp nhá! Ai lại đầu năm mới đã định hãm hại nhau thế chứ lị :))

      Delete
  3. Hỏi một câu ngây thơ trong sáng thành thật lại bị nâng tầm quan điểm (từ Chân lên Vú). Đến phải viết tiểu thuyết chương hồi về cái hại của cà phê chém gió vỉa hè hôm nay thôi.

    Hồi Một.

    Tràng An là Tràng An nào
    Trà đình tửu điếm ầm ào ngã tư
    Ngước một ngước trùng trùng xa cộ
    Ngó đâu đâu cũng chỗ nha môn
    Để cho thần tính lép thần hồn
    Họa trong quyền cước lại phồn thực ra

    Lại nói về bọn buôn nước bọt...


    Muốn biết sự thể ra sao, xin xem hồi sau sẽ rõ:

    Cao tổng quản liều mình quất ngựa
    Quách đại nương bừa phứa xông lên

    ReplyDelete
    Replies
    1. Lời bình của Kim Chém Gió dành cho tiểu thuyết Một hồi của Khuê Việt tiên sinh: "Bộ sách nhớn một hồi, gói gọn trong hơn bốn chục chữ, sắp tả ra một đám quần hùng buôn "lước bọt" ở xứ Tràng An. Khi mới mở đầu câu chuyện, không thể tả ngay ra hết, bèn chọn hai vị anh hùng chém gió "lổi" tiếng làm vật hy sinh để tả. Chẳng tả ngay đám quần hùng chém gió đông lúc nhúc, mà bắt đầu bằng hai vị trên là cái ý muốn nói: quân tử chi đức phong, tiểu nhân chi đức thảo, thảo thượng chi phong tất yển". Nghĩa là: Đức của bậc quân tử là [chém] gió, còn đức của bọn tiểu nhân thì như cỏ dại, quân tử [chém] gió đến đâu, bọn tiểu nhân rạp theo ra đến đấy". Nay phong khí chém gió của xứ Tràng An thịnh đạt, người người chém gió, nhà nhà chém gió, chém nhiều quá đến nỗi chả còn cỏ nào để rạp nữa. Cái ý sâu xa của tiên sinh Khuê Việt là nằm ở chỗ đó vậy". :)) :))

      Delete
    2. Lời bàn hay quá, định tán dương thật nhiều nhưng vốn từ không đủ :D

      Delete
    3. Đa tạ, đa tạ các hạ đã hết lời khích lệ. Khuê Việt tiên sinh vốn là cao thủ võ lâm, nội công thâm hậu, tiên sinh í niệm tình bằng hữu nên mới chỉ búng tí móng tay vậy mà tại hạ đã phải vận hết mọi tinh hoa tuyệt học ra vất vả chống đỡ như thế kia. Tại hạ đã tận sức rồi, tận sức rồi...:((

      Delete
  4. Khuê Việt ngậm ngùi ngoảnh về Bắc
    Lệ tuôn bởi đã mắc chân tình
    Binh đao luống những thình lình
    Bị Cao tổng quản chụp hình trêu ngươi

    Sầu Nam thiên chất cao như núi
    Chén tiêu sầu hà cớ nhuốm tanh
    Quách nương thốt bỗng tam bành
    Trường An là thế rõ rành, hỏi chi?

    :p

    ReplyDelete