Monday, November 29, 2010

Nhắn những người em yêu (2)



1. Tôi đã từng có một tài khoản trên facebook, nhưng nó đã bị xóa cách đây khá lâu. Ban đầu dưới sự lôi kéo của sư huynh Thiên Hỏa, tôi đã tham gia facebook với mục đích chính là giữ liên lạc với anh em bạn bè và những người bạn đã từng quen trên mạng hồi còn 360 phần lớn giờ đã chuyển sang mạng đó. Thoạt đầu cũng không có vấn đề gì nhưng sau đó tôi phát hiện facebook là cả một sự phiền toái. Những điều riêng tư (thí dụ những bức ảnh chẳng hạn) một đôi lần cứ bị phơi bày trên đó như một cái chợ bất chấp tôi có muốn hay không. Hai năm gần đây, khi tiến dần vào một cuộc sống gần như ẩn dật, tôi có đôi chút thể nghiệm rất khác với trước đây về những điều quý giá của bản thân. Gia đình và những người bạn mà tôi yêu quý, tôi giữ họ lại cho riêng mình và không có ý định chia sẻ họ với bất cứ ai. Những chuyện mà tôi biết về họ chỉ thuộc về riêng tôi. Đó là lí do vì sao hiện tại tôi hoàn toàn không dùng facebook.

2. Tôi có một blog bên wordpress.com sao lưu toàn bộ blog 360 trước đây. Blog đó hoàn toàn không được update và tôi cũng không định update bất cứ thông tin gì trên blog đó. Với tôi “quá khứ đã được dọn dẹp, phơi phóng rồi cất vào ngăn gọn gàng và sạch sẽ…”.

3. Blog duy nhất của tôi chính là blog này, nơi tôi đang chia sẻ những gì tôi đang nghĩ, đang đọc, đang say mê, đang có hứng thú với những người mà tôi (đang) yêu quý (ai mà biết sẽ có chuyện gì xảy ra trong tương lai cơ chứ, he he he). Tôi không bao giờ đùa cợt với những gì [bao gồm cả những người] mà tôi  thích cho dù bản tính của tôi  rất ưa hài hước. Tôi có thể chỉ quan tâm đến những gì (những ai) tôi thích mà sẵn sàng hốt lược tất cả những thứ khác . Điều đó, tin tôi đi, chẳng hay ho thú vị chút nào, nó sẽ khiến bạn phải nhiều phen khốn đốn.

4. Điều cuối cùng, hiện giờ đang là thời khắc thâm canh bán dạ vậy mà người viết những dòng này vì một chuyện hoàn toàn không liên quan đến mình mà tâm tư hỗn tạp, ngủ không ngủ được, làm việc không làm việc được, chẳng biết làm thế nào để chống cự lại với một nỗi buồn suốt cả tuần nay cứ loang dần trong lòng mình như dầu loang trên biển miền Trung. :)

Tuesday, November 23, 2010

Chú thích

1. Trong bài viết in ở phần đầu tập 1 cuốn Minh Thực lục-Quan hệ Trung Hoa-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII (tr.46), anh Phạm Hoàng Quân đã băn khoăn chỉ ra trong quá trình hoàn thiện cuốn sách có một vài trường hợp chú thích chưa được rõ ràng vì đó là những thuật ngữ chuyên ngành, đòi hỏi phạm vi kê cứu rộng mà anh chưa tìm được tài liệu tra cứu như: “thuyền  Đằng Bộ” 藤 步, chiến cụ của quân Lam Sơn có tên gọi “Ô quy ba” 烏龜芭 hay “Lữ (Lã) công xa” 吕公車 (ở đây người dịch phân biệt "Ô quy ba" và "Lữ công xa" là 2 loại chiến cụ khác nhau)…vân vân…Bất cứ ai đã từng dịch tài liệu Hán Nôm đều biết đặc thù của công việc này là “phải chú thích”. Nếu không có chú thích, sẽ không thể hiểu được văn bản. Có những trường hợp văn bản cần dịch chỉ là một bài thơ tám câu, nhưng người dịch phải chú thích đến vài trang. Và nhiều khi để có được một chú thích hoàn thiện, người dịch phải tốn nhiều công phu kê cứu tài liệu. Đối với một tài liệu lịch sử, một văn bản ghi chép tổng hợp nhiều lĩnh vực trong qua khứ như Minh Thực lục, công việc chú thích càng đặc biệt quan trọng. Vì thế, dù tôi luôn cho rằng, nếu có một vài khiếm khuyết nào đó trong khi dịch một công trình như cuốn Minh Thực lục-Quan hệ Trung Hoa-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là chuyện hoàn toàn tất nhiên, thì tôi cũng vẫn đồng cảm với anh Phạm Hoàng Quân khi anh vẫn còn cảm thấy “lăn tăn” về một vài chú thích chưa hoàn thiện.

Thực ra, trong cuốn Vũ bị chí (do Mao Nguyên Nghi đời Minh tập hợp), bản khắc in đời Minh được lưu trữ tại thư viện Đại học Bắc Kinh (Bắc Kinh xuất bản xã cho in lại bản khắc này) có vẽ hình minh họa chính xác “Lữ (Lã) công xa”. Tên gọi đầy đủ của nó là "Lâm Xung Lã công xa". :)

Đây là bản vẽ trong Vũ bị chí.
La cong xa (Vu bi chi)


Bản này do chất lượng scan nên  rất mờ, vì thế tôi có search trên mạng một bản khác rõ nét hơn:


La cong xa

Tôi nghĩ có lẽ gọi là “Lữ công xa” là bởi vì cấu trúc của xe giống như hai chữ khẩu chồng lên nhau(吕)nên có tên gọi ấy? (Tôi chỉ đoán thế thôi trong cuốn Vũ bị chí cũng không giải thích)

Về hàng rào rùa đen “烏龜芭” (Ô quy ba), tôi nghĩ đáng lẽ là 烏龜 thì chính xác hơn. Trong Vũ bị chí cũng có vẽ hình của một vài kiểu “” như: nhạn sí ba, bình phong ba.



Chien cu (Vu bị chi) Chien cu 1 (Vu bị chi)



“Ba” là một tấm phên đan bằng tre chắn phía ngoài của xe. “Ô quy ba” có thể hình dung là: những tấm phên tre đan hình lục giác xen nhau (như hình lục giác trên mui rùa) hoặc là một tấm phên tre đan hình khum như mui rùa. Như thế, “Ô quy ba” không phải là một chiến cụ riêng biệt như các dịch giả đã dịch, nó thực ra là một phần của chiến xa. Vì thế, trong đoạn “Tặc dĩ Xương Giang vi quan quân xuất nhập yết hầu chi địa, đại tập binh tượng, dụng ô quy ba lữ công xa, vân thê lai công” thì “ô quy ba Lữ công xa” là một cụm từ liền nhau với nghĩa là: dùng xe Lữ công (có) phên tre hình mai rùa ….

Vũ bị chí là một cuốn sách tập hợp đầy đủ những kiến thức về chiến tranh như binh pháp, trận pháp có minh họa bằng  các bức vẽ (thí dụ bát quái trận đồ, thực giả hư trận đồ),  thiết quân doanh (Thích Kế Quang phương doanh đồ), luyện bộ binh (huấn luyện cách đặt phục binh), thủy binh, kỵ binh, giáo kỳ… đến các vấn đề về chiến cụ như: chiến xa, chiến thuyền, côn, cung, nỏ, thương, đao, kiếm. Ngoài những công dụng cụ thể của các chiến cụ, trong sách còn có các hình vẽ thể hiện cách sử dụng những vũ khí đó thí dụ như phần “thương pháp” tôi có liếc thấy vài thế tên kêu hơn chuông như: “Dạ Xoa thám hải”, “Thanh long hiến trảo”, “Linh miêu tróc thử”,  “Thái Công điếu ngư”…. Ngay đến chuyện dùng cờ (lá cờ) gì, mỗi loại cờ quy định độ dài ngắn ra sao, mỗi phía Đông, Nam, Tây, Bắc trên cờ có hình gì cũng được quy định rất chi tiết, tỉ mỉ. Ngoài ra sách cũng đề cập đến các vấn đề như phép tắc ban thưởng (chiến công gì thì được ban lễ vật gì), tuyên dương trong quân, những bài văn tế cờ, tế quân…vân vân và vân vân. Nói tóm lại là tất tần tật mọi thứ về chiến tranh. Thi thoảng, từ góc độ sở thích của cá nhân, tôi thích lục lọi đọc những thứ rất giời ơi đất hỡi, như cuốn “Á Phi cổ binh khí đồ thuyết” (nghiên cứu về  binh khí cổ của Châu Á (có một phần viết riêng về Việt Nam) lẫn Châu Phi qua ảnh) hay cuốn Vũ bị chí nêu trên chẳng hạn. Nhưng đọc cho qua thì được, đọc kỹ thì chẳng hay ho chút nào. Những kiến thức mà quá nhiều xảo thuật và nặng tính sát thương sẽ làm tổn hại khí chất “ôn, nhu, đôn, hậu”…của phụ nữ chốn khuê phòng.  He he he. :)) :)) :))

2. Chính vì độ quan trọng của “chú thích” nên với những người thường xuyên phải làm việc với các tư liệu Hán Nôm, sau kinh điển Nho gia, các loại từ điển là vô cùng quan trọng. Ít nhất phải có từ vài chục cuốn từ điển các loại trở lên (tùy thuộc người đó thuộc chuyên môn lĩnh vực gì thì sẽ có từ điển về lĩnh vực ấy). Cách đây khoảng chục năm, sách vở hiếm hoi lại đắt (sách bán ở Xunhasaba thường là giá gốc x 2,5) nên một nhóm anh chị em thân thiết thường chia nhau mua mỗi người một cuốn từ điển khác nhau rồi trao đổi dùng chung (giá cuốn Từ Hải hồi đó (năm 1999) là 550.000 đồng, một chỉ vàng lúc ấy nếu tôi nhớ không nhầm chỉ khoảng hơn 200.000 là cùng). Từ khi internet trở nên thông dụng, tư liệu không còn là vấn đề nữa. Nếu có thời gian, tìm đúng nguồn và sử dụng đủ các từ khóa bạn có thể download free trên mạng khoảng hơn 1000 cuốn từ điển các loại. Trung Quốc họ rất chăm chỉ làm từ điển vì thế bạn sẽ có Hồng Lâu Mộng từ điển, Đường thi từ điển, Tống Từ từ điển, điển cố từ điển, nhị thập tứ sử từ điển, văn học từ điển, hý khúc từ điển, quan chế từ điển, Chư tử bách gia đại từ điển, Thi Kinh giám thưởng từ điển…vân vân và vân vân. Tuy nhiên những cuốn sách dạng scan này chất lượng chỉ thuộc hàng trung bình, có cuốn còn hơi nhòe một tí. Với tôi thì không có vấn đề gì, chỉ cần đọc được nội dung của nó là OK.  

3. Nhắc đến việc tìm tư liệu thông qua từ khóa mới thấy hệ thống thư viện Việt Nam thiệt là  rắc rối phức tạp hết sức. Tôi lấy một ví dụ, cùng một cuốn sách nếu bạn tìm bằng từ khóa “Nho giáo” mà không tìm thấy, bạn hãy thử bằng “Nho học”, không thấy thì lại tìm tiếp bằng “Nho gia”, không thấy nữa bạn lại đổi thành “Khổng giáo”, rồi tìm tiếp nữa bằng “Khổng học”. Đấy là một ví dụ đơn giản nhất. Đại khái thế. Một cuộc chiến cân não thực sự trong một hệ thống quá phức tạp và không đồng bộ.

Tuesday, November 16, 2010

Gian truân người phụ nữ trẻ ly hôn.

Tuổi: 29, gần 30, nhưng nhìn thì như mới 28,5. Nàng hơi hơi (nhấn mạnh chữ "hơi hơi") béo. (Cân nặng? Không, nghiêm túc đấy. Các vị luyên thuyên đấy chứ? Ai lại đi hỏi cân nặng của một người phụ nữ vẫn chưa giảm hết những cân thừa sau khi sinh nở?). Tính tình: nhút nhát (xét cho cùng trước khi ly dị, thế giới của nàng chỉ quanh quẩn bên chồng và con nàng). Tình trạng hôn nhân: vừa ly dị chồng cách đây 8 tháng. Mọi thứ đều có vẻ ổn (nàng xoay xở nuôi con rất khá) trừ vài việc khiến nàng cảm thấy chật vật. Thí dụ như: Gián.  Ok, được thôi, riêng chuyện gián thì nàng đồng ý. Giá có gã đàn ông nào bên cạnh thay nàng đối phó với lũ gián đột ngột xuất hiện lúc đêm khuya bằng một cái di chân bẹp dí thì vẫn tuyệt hơn là tự mình phải chiến đấu với chúng bằng bình xịt côn trùng. Chúng là kẻ thù số 1 của đời nàng. Ọe. Cứ nhắc đến gián là nàng ọe. Nói cho cùng nàng vẫn cần 1 gã đàn ông. Để dành cho việc lắp giá sách trong phòng các con nàng chẳng hạn (những bộ phận lắp ráp của một giá sách nhỏ xinh xinh và bảng hướng dẫn lắp đặt chi tiết khiến nàng luống cuống đến hoảng loạn). Hay là khi phải điền tờ khai thuế cũng thế. Phải tự mình tính toán các con số khiến nàng sợ hãi đến rụng rời. Vì tất cả các lẽ đó, dù thất vọng về người chồng đầu tiên, bố của các con nàng, 2 cô con gái bé bỏng thiên thần, thì giờ đây nàng vẫn quyết định tìm lại cho mình một người đàn ông khác, MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG MƠ của đời nàng. Vâng, nàng tên là Déborah, thường được gọi dưới cái tên  âu yếm  là “des beaux rats” (Bầy Chuột xinh).

Một người phụ nữ trẻ phải đối diện với hệ quả của “hậu ly hôn” . Đằng sau sự nhẹ nhõm khi tự giải thoát mình khỏi một cuộc hôn nhân buồn chán, tự giải thoát mình khỏi một người đàn ông ích kỷ và tẻ nhạt (một người cô (tưởng là) đã yêu từ khi mới mười bảy tuổi), Déborah vấp phải muôn ngàn khó khăn khi hòa nhập lại với nhịp điệu xã hội, một xã hội mà từ lâu cô chỉ đối diện với nó sau lưng chồng. Không chỉ chật vật trong việc kiếm tiền nuôi hai cô con gái, cô còn phải chật vật chiến đấu với sự nhút nhát và tự ti về bản thân. Ngoài Déborah, thông qua các mối quan hệ của cô (những bữa tiệc pyjama hàng tháng với những người bạn gái), muôn mặt hiện trạng của những người phụ nữ có gia đình, đã ly hôn hoặc không kết hôn khác hiện lên rất sinh động. Mỗi một người phụ nữ có những khó khăn của riêng mình mà họ chỉ có thể tự mình đối diện và giải quyết. Có rất nhiều cách để những người phụ nữ chiến đấu chống lại những người đàn ông tồi tệ (những kẻ ghen tuông bệnh hoạn, những kẻ tự cho phép mình được quyền lừa dối, những kẻ độc đoán gia trưởng nhưng thực chất lại là những đứa bé chưa lớn, những kẻ nhẫn tâm bỏ rơi họ đúng vào ngày cưới), những kẻ suýt nữa khiến người phụ nữ tự hủy hoại và giam hãm đời mình trong trầm cảm triền miên. Có rất nhiều cách để những người phụ nữ từng bị tổn thương tạo dựng lại cuộc đời mình đầy tự tin và dũng cảm. Người chồng cũ không khiến Déborah mất niềm tin về đàn ông, nhưng anh ta là một ví dụ hoàn hảo để cô hiểu rằng: anh ta là số nhiều và cô phải thận trọng cho lần thứ hai. Dù không phải là một người phụ nữ tuyệt vời, nhưng cô có quyền lựa chọn cho mình một người đàn ông như cô mong muốn. Lựa chọn nghĩa là gì? Nghĩa là sẽ có sự loại bỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự chủ động. Hành trình tìm lại người đàn ông thứ hai của Déborah đã diễn ra đúng như thế: cô chọn, rồi cô loại bỏ. Cô lại chọn, lại loại bỏ. Cho đến khi cô gặp được người mà cô thấy thích hợp với mình. Trong quá trình sàng lọc ấy, Déborah đã tích trữ thêm nhiều đau đớn, thất vọng, chán ngán, nhưng bất chấp việc cô tiếp tục “tròn” thêm (vì ăn quá nhiều sô cô la trong những cơn trầm uất), cô thực sự “đã trưởng thành”.


Nội dung của cuốn tiểu thuyết không có gì đặc biệt, nếu nó không được kể bằng một giọng văn vô cùng hài hước xen lẫn những đoạn hội thoại quá trắng trợn về đời sống sinh hoạt riêng tư của phụ nữ (e hèm, đọc đỏ cả mặt), và những câu văn đay nghiến RẤT ĐÀN BÀ. Có lẽ sau Nhím thanh lịch, Gian truân người phụ nữ trẻ ly hôn là cuốn tiểu thuyết thứ 2 khiến tôi vừa đọc vừa cười, nhưng lần này là những trận cười không thể kiểm soát nổi, nửa đêm nửa hôm phải úp mặt vào gối mà cười rung cả giường. Trung bình khoảng 1,5 trang/1 trận cười khằng khặc, Không, chả có nữ quyền nữ kiếc, chẳng nữ tính nữ tiếc dính dáng  gì ở đây hết (dù có rất nhiều đoạn mắng mỏ chì chiết đàn ông và tung hô đàn bà một cách rối rít) câu chuyện đơn giản chỉ là cách mà mỗi người (đàn ông hay đàn bà cũng thế) băng qua sa mạc của chính đời mình. “Chỉ có hai cách sống: một là làm như không có điều gì kỳ diệu, hai là coi như tất cả đều kỳ diệu” (Albert Einstein), đấy, câu đề dẫn cho đoạn kết của cuốn tiểu thuyết đã nói như thế đấy, mọi chuyện hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn.   

+Cảnh báo: Những phụ nữ mỏng manh, dịu dàng, nhẹ nhàng, tinh tế (thí dụ như chị gì thích uống cà phê vỉa hè với những lát cắt đu đủ đẹp như một đoạn văn viết tháu) thì nhất quyết không nên đọc cuốn này. Em đã cảnh báo rồi đấy nhé :)

Thursday, November 11, 2010

Kỹ nữ, thương nhân, hải tặc (hải đạo)

Thường xuyên đặt các vấn đề của lịch sử Việt Nam vào trong phạm vi khu vực, nhưng nhìn từ góc độ của những nhân vật bàng tuyến như: kỹ nữ, thương nhân và hải tặc, từ đó tìm đọc những công trình nghiên cứu có liên quan về nhóm nhân vật này là một trong những mối quan tâm dễ chịu của tôi (có những mối quan tâm không hề dễ chịu một chút nào, mỗi lần động đến là “chiến chiến căng căng” như dẫm trên băng mỏng). Cần các luận chứng thuyết phục hơn nữa, nhưng cá nhân tôi luôn cho rằng kỹ nữ, thương nhân, hải tặc là những nhân vật góp phần không nhỏ tạo nên lịch sử của nhiều đô thị ở Châu Á thời trung cận đại.

Hay ở chỗ, cái gì  của Trung Quốc cũng có thể biến thành một bộ phận của “văn hóa”.  Vì thế, họ có khá nhiều công trình về “thanh lâu văn hóa”, nghiên cứu vai trò của các  kỹ nữ và những ảnh hưởng của “môi trường thanh lâu” đối với  lịch sử Trung Quốc nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng như các cuốn  Thanh lâu dữ Trung Quốc văn hóa, Thanh lâu văn học dữ Trung Quốc văn hóa, Thanh lâu văn hóa dữ Trung Quốc văn học nghiên cứu...Trong bộ tùng thư nghiên cứu về lịch sử thành phố Thượng Hải, cuốn Prostitution and sexuality in Shanghai: a social history, 1849-1949  (Bản dịch tiếng Trung: Thượng Hải kỹ nữ: 19-20 thế kỷ Trung Quốc đích mại dâm dữ tính) của Christian Henriot tương đối đặc biệt. Nhà nghiên cứu người Pháp này cho rằng: nghiên cứu lịch sử từ góc độ mại dâm  là một hướng nghiên cứu rất thú vị. Kỹ nữ là những người đứng bên lề nhưng họ lại là đối tượng tiếp xúc với hầu hết mọi giai tầng trong xã hội. Họ đứng ở điểm giao của sự phân chia ranh giới: một bên là một nhóm người bị xã hội vứt bỏ, một bên là xã hội đã cự tuyệt họ và bị họ cự tuyệt. Từ những nghiên cứu rất chi tiết về hoạt động mại dâm (đội ngũ kỹ nữ, quy mô hoạt động, tính kinh tế, và những hoạt động xã hội gắn liền với nghề mãi dâm ở Thượng Hải….),  Christian Henriot cho rằng: chính hoạt động mại dâm đã thúc đẩy tốc độ hiện đại hóa vũ bão ở Thượng Hải từ 1842 đến 1949.

Các công trình nghiên cứu về thương nhân của Trung Quốc tập trung nhiều nhất vào đội ngũ thương nhân thời Minh Thanh: như Minh Thanh thương nhân văn hóa nghiên cứu, Minh Thanh thời đại thương nhân cập thương nghiệp tư bản, Nho gia luân lý dữ thương nhân tinh thần, Trung Quốc cận thế tông giáo luân lý dữ thương nhân tinh thần. Những công trình này nghiên cứu địa vị và ảnh hưởng của thương nhân trong xã hội (đặc biệt là trong xã hội  của những đô thị trung tâm) từ đó cho thấy quy luật phát triển của nền kinh tế phong kiến Trung Quốc. Tính di động của đội ngũ thương nhân  tạo cho họ một vị trí đặc biệt trong sự phát triển của các đô thị Châu Á thời trung đại. Thương nhân chính là cầu nối và là đối tượng trung chuyển văn hóa giữa thành phố này với thành phố khác, thậm chí là từ khu vực này sang khu vực khác. Chính tính di động này cũng đã tạo nên một mối quan hệ cũng rất đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc: thương nhân-kỹ nữ. Không phải tự nhiên mà những câu chuyện về mối tình thương nhân-kỹ nữ  lại chiếm đại đa số trong tiểu thuyết diễm tình Minh Thanh (nhiều hơn cả mối tình Sĩ nhân- kỹ nữ). Nhu cầu đọc của thương nhân và thị dân bình dân đã thúc đẩy sự phát triển của văn học thông tục Trung Quốc dưới thời Minh Thanh. Những cuốn sách được thương nhân mang theo trong các chuyến di chuyển giữa vùng này với vùng khác vô tình đã tạo nên một sự lưu chuyển văn hóa.  Rất nhiều tiểu thuyết diễm tình của Trung Quốc, những cuốn sách viết về tình dục như Tham hoan báo, Nhục bồ đoàn,…thậm chí là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện ở Việt Nam có thể đều qua trạm trung chuyển thương nhân. (Một trạm khác là qua các đoàn đi sứ. Trong sách vở mang về nước, bên cạnh những bộ sách do vua Trung Quốc ban tặng, còn có rất nhiều những sách do các quan lại mua về do sở thích cá nhân. Tuy nhiên nhiều sách cấm đã bị ách lại trong trạm kiểm soát ở biên giới).

Giao thương qua đường biển đem lại lợi nhuận rất lớn nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Một trong những nguy cơ đó là: hải tặc. Trong khu vực, hải tặc Trung Quốc có một vị trí vô cùng quan trọng, chi phối lớn đến hoạt động thông thương trên biển. Nhà nghiên cứu lịch sử Trịnh Quảng Nam (vốn là con cháu của Trịnh Chi Long, một “hải đại khấu” nổi tiếng), vì muốn lật lại vụ án cho tiền nhân nên đã quyết định nghiên cứu về lịch sử cướp biển Trung Quốc. Trong cuốn Trung Quốc hải đạo sử ông đã trình bày lịch sử hình thành và phát triển của hải tặc Trung Quốc, vị trí, vai trò, ảnh hưởng, sự chi phối của lực lượng này đến hoạt động thông thương, thậm chí là cả các hoạt động chính trị tại Trung Quốc và trong khu vực.. “Hải tặc” từ rất sớm đã được chép trong các bộ sử Trung Quốc như Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Tấn thư, Ngụy thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Minh sử cảo, Thanh sử cảo, Tư trị thông giám, Tục tư trị thông giám, Mông Ngột Nhi sử ký, Nguyên sử kỷ sự, Tân Nguyên sử, Minh sử kỷ sự bản mạt, Sùng Trinh trường biên, Minh thực lục, Thanh thực lục, Minh Thanh sử liệu… vân vân và vân vân (chưa kể đến các bộ địa phương chí).. Nghiên cứu về cướp biển Trung Quốc còn có học giả người Nhật Matsuura Akira với cuốn Trung Quốc hải thương dữ hải tặc, bên cạnh đó còn có một loạt những công trình và các luận án nghiên cứu về “hành vi và tổ chức cướp biển Quảng Đông dưới đời Thanh” hay “cướp biển thời Gia Long với sự manh nha của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc) (về kỹ nữ cũng có một chương viết tương tự: “thanh lâu văn hóa với sự manh nha của chủ nghĩa tư bản triều Minh). Riêng ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường đã từng đề cập đến vai trò của cướp biển trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Vấn đề đó, còn có thể tham khảo bài nghiên cứu của Dian H Murray ở đây, qua bản dịch của Ngô Bắc.


Cách đây 1 năm khi tôi đọc Sư tử và rồng, và bây giờ là Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ-Đàng Ngoài thế kỷ XVII của Hoàng Anh Tuấn, cùng với sự xuất hiện của các tầu buôn và các trụ sở thương điếm của người Hà Lan và Anh tại Kẻ Chợ, từ sự bùng nổ của hoạt động mại dâm dọc tuyến sông có sự thông thương với tầu buôn nước ngoài, từ sự phát triển và nhanh chóng lụi tàn của các đô thị hải cảng, tôi đã nghĩ: vậy ở Việt Nam: kỹ nữ, thương nhân và hải tặc có vai trò như thế nào trong sự phát triển của các đô thị trung tâm, nhất là các hải cảng ven biển từ thế kỷ XVII-XVIII? Thực chất có hay không vai trò của họ trong quá trình phát triển ấy?