Tuesday, November 23, 2010

Chú thích

1. Trong bài viết in ở phần đầu tập 1 cuốn Minh Thực lục-Quan hệ Trung Hoa-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII (tr.46), anh Phạm Hoàng Quân đã băn khoăn chỉ ra trong quá trình hoàn thiện cuốn sách có một vài trường hợp chú thích chưa được rõ ràng vì đó là những thuật ngữ chuyên ngành, đòi hỏi phạm vi kê cứu rộng mà anh chưa tìm được tài liệu tra cứu như: “thuyền  Đằng Bộ” 藤 步, chiến cụ của quân Lam Sơn có tên gọi “Ô quy ba” 烏龜芭 hay “Lữ (Lã) công xa” 吕公車 (ở đây người dịch phân biệt "Ô quy ba" và "Lữ công xa" là 2 loại chiến cụ khác nhau)…vân vân…Bất cứ ai đã từng dịch tài liệu Hán Nôm đều biết đặc thù của công việc này là “phải chú thích”. Nếu không có chú thích, sẽ không thể hiểu được văn bản. Có những trường hợp văn bản cần dịch chỉ là một bài thơ tám câu, nhưng người dịch phải chú thích đến vài trang. Và nhiều khi để có được một chú thích hoàn thiện, người dịch phải tốn nhiều công phu kê cứu tài liệu. Đối với một tài liệu lịch sử, một văn bản ghi chép tổng hợp nhiều lĩnh vực trong qua khứ như Minh Thực lục, công việc chú thích càng đặc biệt quan trọng. Vì thế, dù tôi luôn cho rằng, nếu có một vài khiếm khuyết nào đó trong khi dịch một công trình như cuốn Minh Thực lục-Quan hệ Trung Hoa-Việt Nam thế kỷ XIV-XVII là chuyện hoàn toàn tất nhiên, thì tôi cũng vẫn đồng cảm với anh Phạm Hoàng Quân khi anh vẫn còn cảm thấy “lăn tăn” về một vài chú thích chưa hoàn thiện.

Thực ra, trong cuốn Vũ bị chí (do Mao Nguyên Nghi đời Minh tập hợp), bản khắc in đời Minh được lưu trữ tại thư viện Đại học Bắc Kinh (Bắc Kinh xuất bản xã cho in lại bản khắc này) có vẽ hình minh họa chính xác “Lữ (Lã) công xa”. Tên gọi đầy đủ của nó là "Lâm Xung Lã công xa". :)

Đây là bản vẽ trong Vũ bị chí.
La cong xa (Vu bi chi)


Bản này do chất lượng scan nên  rất mờ, vì thế tôi có search trên mạng một bản khác rõ nét hơn:


La cong xa

Tôi nghĩ có lẽ gọi là “Lữ công xa” là bởi vì cấu trúc của xe giống như hai chữ khẩu chồng lên nhau(吕)nên có tên gọi ấy? (Tôi chỉ đoán thế thôi trong cuốn Vũ bị chí cũng không giải thích)

Về hàng rào rùa đen “烏龜芭” (Ô quy ba), tôi nghĩ đáng lẽ là 烏龜 thì chính xác hơn. Trong Vũ bị chí cũng có vẽ hình của một vài kiểu “” như: nhạn sí ba, bình phong ba.



Chien cu (Vu bị chi) Chien cu 1 (Vu bị chi)



“Ba” là một tấm phên đan bằng tre chắn phía ngoài của xe. “Ô quy ba” có thể hình dung là: những tấm phên tre đan hình lục giác xen nhau (như hình lục giác trên mui rùa) hoặc là một tấm phên tre đan hình khum như mui rùa. Như thế, “Ô quy ba” không phải là một chiến cụ riêng biệt như các dịch giả đã dịch, nó thực ra là một phần của chiến xa. Vì thế, trong đoạn “Tặc dĩ Xương Giang vi quan quân xuất nhập yết hầu chi địa, đại tập binh tượng, dụng ô quy ba lữ công xa, vân thê lai công” thì “ô quy ba Lữ công xa” là một cụm từ liền nhau với nghĩa là: dùng xe Lữ công (có) phên tre hình mai rùa ….

Vũ bị chí là một cuốn sách tập hợp đầy đủ những kiến thức về chiến tranh như binh pháp, trận pháp có minh họa bằng  các bức vẽ (thí dụ bát quái trận đồ, thực giả hư trận đồ),  thiết quân doanh (Thích Kế Quang phương doanh đồ), luyện bộ binh (huấn luyện cách đặt phục binh), thủy binh, kỵ binh, giáo kỳ… đến các vấn đề về chiến cụ như: chiến xa, chiến thuyền, côn, cung, nỏ, thương, đao, kiếm. Ngoài những công dụng cụ thể của các chiến cụ, trong sách còn có các hình vẽ thể hiện cách sử dụng những vũ khí đó thí dụ như phần “thương pháp” tôi có liếc thấy vài thế tên kêu hơn chuông như: “Dạ Xoa thám hải”, “Thanh long hiến trảo”, “Linh miêu tróc thử”,  “Thái Công điếu ngư”…. Ngay đến chuyện dùng cờ (lá cờ) gì, mỗi loại cờ quy định độ dài ngắn ra sao, mỗi phía Đông, Nam, Tây, Bắc trên cờ có hình gì cũng được quy định rất chi tiết, tỉ mỉ. Ngoài ra sách cũng đề cập đến các vấn đề như phép tắc ban thưởng (chiến công gì thì được ban lễ vật gì), tuyên dương trong quân, những bài văn tế cờ, tế quân…vân vân và vân vân. Nói tóm lại là tất tần tật mọi thứ về chiến tranh. Thi thoảng, từ góc độ sở thích của cá nhân, tôi thích lục lọi đọc những thứ rất giời ơi đất hỡi, như cuốn “Á Phi cổ binh khí đồ thuyết” (nghiên cứu về  binh khí cổ của Châu Á (có một phần viết riêng về Việt Nam) lẫn Châu Phi qua ảnh) hay cuốn Vũ bị chí nêu trên chẳng hạn. Nhưng đọc cho qua thì được, đọc kỹ thì chẳng hay ho chút nào. Những kiến thức mà quá nhiều xảo thuật và nặng tính sát thương sẽ làm tổn hại khí chất “ôn, nhu, đôn, hậu”…của phụ nữ chốn khuê phòng.  He he he. :)) :)) :))

2. Chính vì độ quan trọng của “chú thích” nên với những người thường xuyên phải làm việc với các tư liệu Hán Nôm, sau kinh điển Nho gia, các loại từ điển là vô cùng quan trọng. Ít nhất phải có từ vài chục cuốn từ điển các loại trở lên (tùy thuộc người đó thuộc chuyên môn lĩnh vực gì thì sẽ có từ điển về lĩnh vực ấy). Cách đây khoảng chục năm, sách vở hiếm hoi lại đắt (sách bán ở Xunhasaba thường là giá gốc x 2,5) nên một nhóm anh chị em thân thiết thường chia nhau mua mỗi người một cuốn từ điển khác nhau rồi trao đổi dùng chung (giá cuốn Từ Hải hồi đó (năm 1999) là 550.000 đồng, một chỉ vàng lúc ấy nếu tôi nhớ không nhầm chỉ khoảng hơn 200.000 là cùng). Từ khi internet trở nên thông dụng, tư liệu không còn là vấn đề nữa. Nếu có thời gian, tìm đúng nguồn và sử dụng đủ các từ khóa bạn có thể download free trên mạng khoảng hơn 1000 cuốn từ điển các loại. Trung Quốc họ rất chăm chỉ làm từ điển vì thế bạn sẽ có Hồng Lâu Mộng từ điển, Đường thi từ điển, Tống Từ từ điển, điển cố từ điển, nhị thập tứ sử từ điển, văn học từ điển, hý khúc từ điển, quan chế từ điển, Chư tử bách gia đại từ điển, Thi Kinh giám thưởng từ điển…vân vân và vân vân. Tuy nhiên những cuốn sách dạng scan này chất lượng chỉ thuộc hàng trung bình, có cuốn còn hơi nhòe một tí. Với tôi thì không có vấn đề gì, chỉ cần đọc được nội dung của nó là OK.  

3. Nhắc đến việc tìm tư liệu thông qua từ khóa mới thấy hệ thống thư viện Việt Nam thiệt là  rắc rối phức tạp hết sức. Tôi lấy một ví dụ, cùng một cuốn sách nếu bạn tìm bằng từ khóa “Nho giáo” mà không tìm thấy, bạn hãy thử bằng “Nho học”, không thấy thì lại tìm tiếp bằng “Nho gia”, không thấy nữa bạn lại đổi thành “Khổng giáo”, rồi tìm tiếp nữa bằng “Khổng học”. Đấy là một ví dụ đơn giản nhất. Đại khái thế. Một cuộc chiến cân não thực sự trong một hệ thống quá phức tạp và không đồng bộ.

2 comments:

  1. "Có những trường hợp văn bản cần dịch chỉ là một bài thơ tám câu, nhưng người dịch phải chú thích đến vài trang." ->> Ăn nhằm gì nữ sĩ, một phụ nữ có khi được chú thích bằng ba cái thư viện.

    Dzậy mà vẫn có lúc té ngửa vầy:"Như thế, “Ô quy ba” không phải là một chiến cụ riêng biệt như các dịch giả đã dịch, nó thực ra là một phần của chiến xa."

    ReplyDelete
  2. He he he, bác Sao Khuê đất Việt cậy có võ, bác cứ dùng các cú đá xoáy kiểu này, bạn đỡ thế quái nào được. :)) :))

    Nhằm nhò gì bạn Khuê ơi, đàn bà phải chú thích bằng ba cái thư viện, còn đàn ông thì chả bao giờ có thể chú thích nổi họ. Gay cấn lắm í!

    ReplyDelete