Sunday, September 26, 2010

Triều đại Đinh và Tiền Lê nhìn từ những phát hiện khảo cổ học (2)


+ Toàn bộ những tư liệu báo cáo khảo cổ học và những tấm ảnh chụp dưới đây đều thuộc về Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam. Nếu có ai định trích dẫn lại tư liệu, vui lòng xin ghi đầy đủ nguồn gốc tư liệu.
+ Tôi gửi trong bài viết dưới đây lời cảm ơn chân thành nhất dành cho các cán bộ nghiên cứu của Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam (dù biết rằng có thể các anh không đọc được), những người đã nhiệt tình hướng dẫn kiến thức, chia sẻ thông tin và tư liệu. Em cũng chân thành cảm ơn sư huynh Thiên Hỏa. Vì em cố chấp cho sự “biết” của mình nên đã quấy quả đến sư huynh.
+ Blog này như tôi đã từng nói lập ra chỉ với mục đích chia sẻ với những người bạn thân thiết và yêu quý của tôi những gì tôi “biết” và “muốn biết”. Bài dưới đây chỉ như là một thu hoạch cho sự học hỏi của bản thân mình

Có một điều mà tôi nghĩ những người tranh luận về trang phục thời Đinh, Tiền Lê, và thời Lý trong bộ phim “Đường tới Thăng Long” nên cân nhắc, đó là việc trích dẫn “sử” như thế nào cho hợp lý. Trích dẫn “sử” để làm chỗ dựa thì đúng rồi, “không dựa vào sử thì lấy gì mà nói”, nhưng sử liệu ghi chép bằng văn tự có những hạn chế niên đại nhất định, nếu chúng ta cứ cố dựa vào đó thì chỉ làm vấn đề càng thêm rối rắm. Thí dụ như Đại Việt sử ký toàn thư mà chúng ta có trong tay ngày nay là một bộ sử đã qua rất nhiều lần chấp bút từ Lê Văn Hưu, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh đến Lê Hy, hơn nữa “sử” Nho gia không phải là “sử” với nghĩa hoàn toàn đơn thuần là “sử liệu”, “sử” thuộc phạm trù liên quan đến giáo hóa, vì thế ai có thể đảm bảo rằng trong số họ không có người hạ bút sửa lại vài chi tiết chép về giai đoạn lịch sử từ thời Lý giở về trước cho nó hợp với chính giáo? Cụ Phan Huy Chú khi soạn thiên “Lễ nghi chí” cho Lịch triều hiến chương loại chí cũng lắc đầu nguầy nguậy mà nói rằng: “Từ đời Lý đời Trần trở về trước mũ áo của vua thế nào không thể khảo cứu được”. Chỉ có vài chi tiết được cụ nhắc đến như: Lê Đại Hành lên ngôi mặc áo long cổn, về sau mặc áo phần nhiều là vóc đỏ, mũ sức trân châu. Quy chế về phẩm phục các quan, thì có chi tiết nói Lê Long Đĩnh “đổi phẩm phục của các quan văn võ theo lối nhà Tống”. (Ngay cụ Phan Huy Chú cũng không dám chắc theo lối nhà Tống là theo như thế nào cho nên cụ chỉ tạm chép một đoạn về phẩm phục quan lại đời Tống để làm tham khảo). Nhà Lý, không có gì cụ thể ngoài một vài chi tiết như Lý Thái Tông chế ra cái mũ “bát giác tiêu dao” mà cụ Phan Huy Chú cũng chịu không khảo được mũ đó thế nào.

Hai bộ sử Việt Nam sớm nhất hiện nay được cho viết dưới thời Trần là bộ Việt sử lượcAn Nam chí lược, cả hai bộ đều còn được lưu trong Tứ khố toàn thư. Nhiều người vẫn cho rằng Lê Tắc tác giả An Nam chí lược là tay sai bán nước, sách ông viết không đáng tin. Tuy nhiên, người Việt cho dù sống ở đâu thì đến khi “nói mớ trong mơ cũng sẽ nói tiếng Việt”, hơn nữa ông ấy đã từng là một người hầu cận bên Trần Thái Tông, làm đến Thị Lang, rồi chuyển sang giúp việc cho Chương Hiến Hầu Trần Kiện nên những ghi chép của ông về “Chương phục” (Áo mão phẩm phục) đời Trần đặc biệt có giá trị (Lưu ý: Phần dịch trong đoạn link về phủ phất, hoa trùng và đại phấn không rõ ràng và thiếu chính xác. Xem ảnh: trừ hai hình bôi vàng thì hoa trùng là hình chim, phấn mễ là hình vòng tròn, phủ là hình cái búa và phất là hình hai chữ "dĩ" úp lưng vào nhau). Các mục khác như “Phong tục”, “Học hiệu”, “Quan chế”, “Hình chính”, “Binh chế” cũng là tư liệu rất có giá trị tham khảo.


Trang trí trên áo



Với triều Đinh và Tiền Lê, nếu chỉ dựa vào những gì mà Tống Cảo mô tả trong chuyến đi sứ sang Giao Châu năm 990 mà tôi đã dịch ở entry trước trên blog này, loại bỏ những câu chữ mang tính chê bai miệt thị, người đọc có thể hình dung một cách tương đối về quang cảnh Hoa Lư thời đó. Tuy nhiên, những ghi chép đó cần phải được bổ sung bằng những chứng cứ thuyết phục khác.

Sau khi đọc toàn bộ những bài viết (bao gồm các báo cáo kết quả khai quật và những bài báo công bố những phát hiện khảo cổ đã đăng trên tạp chí Khảo cổ học) trong tập “Tư liệu khảo cổ học ở Hoa Lư-Ninh Bình” của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tôi có thể tóm tắt sơ qua một vài thông tin chính như sau về thành Hoa Lư thời Đinh-Tiền Lê (Những bức ảnh dưới đây đều là tư liệu thuộc Bảo tàng lịch sử Việt Nam, được chụp trong đợt khai quật năm 2009-2010 tại di tích Hoa Lư)

  1. Chỉ riêng kiến trúc thành Hoa Lư cũng đã là một công trình thể hiện trình độ tư duy rất cao. Thành Hoa Lư được đặt ngay bên bờ sông Hoàng Long (sông Hoàng Long thời Đinh Lê chứ không phải sông Hoàng Long bây giờ), một con sông lớn có giao thông đường thủy thông suốt ra Bắc vào Nam lên miền núi đều thuận tiện. Nó còn thể hiện trong việc lựa chọn những ưu thế tự nhiên để xây thành (sự che chắn từ những dãy núi đá vôi hiểm trở), cấu trúc thành với diện tích rộng lớn (khoảng 300ha với 2 khu vực Thành Ngoại và Thành Nội) bao gồm nhiều vòng tuyến liên hoàn, những bức tường thành kiên cố đồ sộ nối liền với các dãy núi đá vôi dựng đứng, tường thành có xây gạch bên trong để chống xói lở (gạch đất nung có đúc dòng chữ “Đại Việt quốc quân thành chuyên” xen lẫn với gạch “Giang Tây quân”), móng tường thành được gia cố công phu có tính toán (vì những đoạn tường thành được đắp xuyên qua vùng lầy lội nên móng tường thành được đắp xen kẽ giữa những lớp đất là lớp lá và cành cây để chống lún).
  2. Gia cố chống lún Hoa lu 1 Gạch Đại Việt quốc quân thành chuyên
  3. Những vết tích kiến trúc được tìm thấy trong lần khai quật năm 1998 (như móng trụ kiên cố và những mảng nền kiến trúc lát gạch hoa sen 6 cánh, 8 cánh, 16 cánh, gạch hình chim phượng bay thuận hoặc ngược chiều kim đồng hồ, những đoạn tường gạch, những di vật ngói ống, ngói dẹp mũi lá, ngói mũi sen, những vật liệu trang trí như đầu thú thần, tượng vịt, đài sen….) cho biết vào thời Đinh- Tiền Lê ở đây đã có những kiến trúc (như cung điện, chùa chiền) xây bằng gạch với lòng không gian công trình rộng lớn, được trang trí công phu. Những hoa văn trên gạch lát có hình sen, hình hoa cúc hay hình phượng vờn tinh tế rất có thẩm mỹ.
  4. Gạch lát trang trí hình hoa sen Gạch hoa sen 8 cánh Tường gạch xây
      3. Những cột đá hình bát giác trong đó có 2 cột khắc kinh Phật, một cột trên đó cho biết là do Đinh Liễn, con của Đinh Tiên Hoàng dựng năm 973 là một trong những tư liệu giá trị để tìm hiểu về Phật giáo thể kỷ X.
      4.Việc phát hiện ra vết tích lò gốm, cùng những đồ gốm dòng men trắng, xám nhạt, với hình dáng và chất liệu đặc thù cùa thời Đinh- Tiền Lê cho thấy sự phát triển của nghề gốm ở thời này đã đủ đáp ứng nhu cầu đồ dùng sinh hoạt thường ngày.
    Bình gốm Đinh LêBình gốm Đinh Lê 1


      5. Những di vật đáng chú ý khác được tìm thấy ở đây là các loại xương thú lớn (voi, ngựa, trâu, hổ), những di tích xương, sừng có vết gọt đặt giả thiết ở thành Hoa Lư có dấu vết của những công trường thuộc da, chế tạo đồ xương sừng? Trong những địa danh thuộc khu di tích Hoa Lư ngày nay có những động như động Thiên An Tôn, động Liên Hoa vẫn được người dân tin rằng là nơi các vua nhà Đinh và Tiền Lê nuôi hổ, cọp để trừng phạt tù nhân.
    Do quy mô khai quật nhỏ hẹp, nên những phát hiện khảo cổ tại Hoa Lư chưa được toàn diện và còn nhiều điểm chưa có câu trả lời thỏa đáng nhưng ít nhất nó cũng phác họa lại được diện mạo chung của Hoa Lư thế kỷ X như một thành trì có quy mô rộng lớn, được xây dựng vững chắc, có tầm chiến lược, được quy hoạch khá nghiêm cẩn, có những kiến trúc có tầm vóc xứng đáng với một trung tâm chính trị, quân sự và văn hóa thời bấy giờ.



    Phòng trưng bày hiện vật thời Ngô-Đinh-Tiền Lê tại Bảo tàng lịch sử Việt Nam

    4 comments:

    1. câu giờ quá, vẫn chưa thấy nội dung đâu :D

      ReplyDelete
    2. Người khôn ăn nói...mà sư huynh! He he he

      Em đùa thôi, em đang ninh khoai, nay mai sẽ nhừ...:))

      ReplyDelete
    3. vớ vẩn quá đấy chẳng thấy nội dung đâu cả

      ReplyDelete