Saturday, September 18, 2010

Lương Khải Siêu phê phán "Sử cũ của Trung Quốc"

Tiểu dẫn: Nguyên bản Trung văn bài dịch dưới đây được trích ra từ tiểu luận Tân sử học của Lương Khải Siêu in trong cuốn Văn khố kinh điển học thuật Trung Hoa thế kỷ XX- Lịch sử học- Lý luận sử học, do Vu Bái chủ biên, NXB Đại học Lan Châu, năm 2000. Bản Trung văn (giản thể): ở đây. Bản Trung văn (phồn thể): ở đây. Có một chỗ sai trong bản Trung văn này, đó là biệt hiệu của Trịnh Ngư Trọng, phải là chứ không phải là 夹昑. Lưu ý: Những chữ gạch chân trong bài chỉ là sự lưu tâm nho nhỏ của cá nhân người dịch mà không có ý nghĩa đặc biệt nào với nội dung của toàn bài dưới đây.

SỬ CŨ CỦA TRUNG QUỐC

Trong các ngành khoa học đang lưu hành ở phương Tây ngày nay, duy sử học là có sẵn của Trung Quốc. Sử học là những kiến thức uyên bác rộng lớn nhất và thiết yếu nhất. Là tấm gương sáng của quốc dân. Là ngọn nguồn của lòng yêu nước. Ngày nay, sở dĩ chủ nghĩa dân tộc ở Châu Âu phát triển, sở dĩ các nước ngày càng tiến đến văn minh, một nửa công lao thuộc về sử học. Nếu đã vậy thì chỉ cần lo lắng nước mình không có cái học ấy, còn nếu như đã có cái học ấy thì quốc dân lẽ nào lại có chuyện không đoàn kết, quần trị lẽ nào lại có chuyện không tiến hoá. Vậy mà tuy cái học ấy của nước ta thịnh hành như thế lại vẫn có hiện tượng như thế kia là nghĩa làm sao? Nay xin nêu lên những chi phái sử học Trung Quốc để làm dẫn chứng mà bàn luận sơ lược về vấn đề đó.
















Sử học
1. Chính sử
(A) Quan thư: còn gọi là "nhị thập tứ sử"
(B) Biệt sử: như các bộ Hậu Hán thư của Hoa Kiệu, Thục Hán xuân thu của Tập Tạc Xỉ, Thập lục quốc xuân thu, Hoa Dương quốc chí, Nguyên bí sử.. thực chất đều là các thể loại của chính sử.
2. Biên niên: như bộ Tư trị thông giám.
3 - Kỉ sự (A) Thông thể như các bộ Thông giám kỉ sự bản mạt, Giáng sử ..
- Bản mạt (B) Biệt thể như các phương lược bình định nào đó, như bộ Tam án thuỷ mạt…
4. Chính thư
(A) Thông thể như Thông điển, Văn hiến thông khảo..
(B) Biệt thể như Đưòng khai nguyên lễ, Đại Thanh hội điển, Đại Thanh thông lễ…
(C) Tiểu kỉ như Hán quan nghi…
5. Tạp sử
(A) Tổng kí như Quốc ngữ, Chiến quốc sách..
(B) Tỏa kí như Thế thuyết tân ngữ, Đường đại tùng thư, Minh quý bại sử…
(C) Chiếu lệnh tấu nghị, các loại khác trong tứ khố….kỳ thực là tạp sử.
6. Truyện kí
(A) Thông thể như Mãn Hán danh thần truyện, Quốc triều tiên chính sự lược…
(B) Biệt thể như ghi chép về các đế hay phả hệ của một người nào đó…
7. Địa chí
(A) Thông thể như thông chí của các tỉnh Thiên hạ quận quốc lợi bệnh thư…
(B) Biệt thể như những sách kỉ hành …
8. Học sử như Minh Nho học án. Quốc triều Hán học sư thừa kí…
9. Sử học
(A) Lí luận như Sử thông, Văn sử thông nghĩa…
(B) Sự luận như Lịch đại sử luận, Độc thông giám luận..
(C) Tạp luận như Chấp nhị sử trát kí, Thập thất sử thương các..
10. Phụ dung
(A) Ngoại sử như Tây Vực đồ khảo, Chức phương ngoại kỉ..
(B) Khảo cứ như Vũ Cống đồ khảo…
(C) Chú thích như Tam quốc chí chú của Bùi Tùng Chi..


Tất cả là 10 chủng và 22 loại .

Thử giở bộ Tứ khố, quyển quyển chất chồng mênh mang như khói biển, trong số ấy sách sử học không phải đã chiếm đến 6, 7 phần hay sao? Đời trước thì có Thái Sử công[i], Ban Mạnh Kiên[ii] , đời sau thì có Hoa Thu Phàm[iii], Triệu Âu Bắc[iv], số sử gia nổi tiếng, không dưới hàng trăm. Sự phát đạt của cái học ấy, hai nghìn năm đều nằm ở họ. Nhưng vẫn chỉ là rập khuôn thủ cựu, một giuộc như nhau, chưa từng nghe có chuyện khai mở sử giới, khiến cho công đức của cái học ấy phổ cập đến quốc dân. Tại sao vậy? Tôi suy nguồn gốc tật bệnh của nó thì có 4 nguyên nhân lớn.
-Một là chỉ biết triều đình mà không biết đến quốc gia. Bọn ta thường nói: nhị thập tứ sử không phải là sử mà chỉ là gia phả của 24 họ mà thôi. Lời nói ấy dường như hơi quá đáng, nhưng dựa theo tinh thần của người viết sử thì thực tế vốn chẳng sai ngoa. Sử gia nước ta cho rằng thiên hạ là thiên hạ của một ông vua, cho nên mới vì ông ta mà viết sử, chẳng qua chỉ thuật những chuyện như: triều đại ấy làm thế nào mà được thiên hạ, làm thế nào mà trị thiên hạ, làm thế nào lại mất thiên hạ. Bỏ qua lề lối ấy thì chưa từng nghe thấy vậy. Người xưa nói: Tả truyện là "tương chước thư"[v], lẽ nào chỉ có Tả truyện, ngay như Nhị thập tứ sử, thật sự đáng được gọi là một bộ "tương chước thư" lớn vô tiền khoáng hậu trên trái đất. Tuy rằng Tư Mã Ôn Công hiền tài nhưng sách Thông giám do ông làm chẳng qua cũng chỉ là để được bậc quân vương duyệt lãm (những bàn luận của ông ta không lời nào không thành khẩn khuyến cáo bậc quân chủ). Đại khái những người viết sử từ trước tới nay đều lấy tư cách là bề tôi của vua tại chốn triều đình mà viết sử, chưa từng có một cuốn sách nào vì quốc dân mà viết vậy. Cái tệ lậu lớn nhất của nó ở chỗ không biết phân biệt triều đình với quốc gia, cho rằng nếu vứt bỏ triều đình thì không còn quốc gia nữa. Cho nên mới có cái gọi là cuộc tranh luận chính thống quốc thống, có cái gọi là bút pháp “đỉnh cách” [vi] trước sau. Thí dụ như các bộ Tân Ngũ đại sử của Âu Dương, Thông giám cương mục của Chu Tử ... Hôm nay đạo tặc, ngày mai thánh thần, A là thiên mệnh, B là tiếm nghịch, thật giống như dòi nhặng mổ phân, tranh cay giành ngọt; chẳng khác nào Tồ công ban hạt dẻ, biện bác “bốn ba”[vii]. Tự lừa mình, dối người, như thế thật là quá lắm. Tư tưởng quốc gia của Trung Quốc ta đến nay vẫn không thể hưng khởi, sử gia hàng nghìn năm há có thể chối bỏ lỗi lầm của họ chăng!
- Hai là: chỉ biết có cá nhân mà không biết có quần thể. Lịch sử là vũ đài của những bậc anh hùng. Bỏ anh hùng không còn lịch sử, nhưng lẽ nào sử Châu Âu lại không đặt nặng vấn đề nhân vật hay sao? Tuy nhiên, người viết sử giỏi là lấy nhân vật là tài liệu cho lịch sử, chưa từng nghe lấy lịch sử vẽ chân dung nhân vật; lấy nhân vật đại diện cho thời đại, chưa từng nghe lấy thời đại quy thuộc (phụ thuộc) vào nhân vật. Sử Trung Quốc là bản kỉ, liệt truyện, từng thiên từng thiên, như đá trên bờ biển, chằng chịt lộn xộn. Như thế khác nào là tập hợp của vô số những tấm bia trên mộ chí lại mà thành. Chỗ quý của sử là từ chỗ kể về sự cùng giao thiệp, cùng đấu tranh,cùng đoàn kết của một nhóm người mà có thể thuật lại trạng thái an định sinh hoạt sản xuất đồng thể tiến hóa của nhóm người đó, khiến cho độc giả sau này từ đó mà nảy sinh lòng yêu “quần thể”, thích “quần thể”. Sử gia ngày nay phần lớn là loài cá giếc[viii], chưa từng thấy một ai có nhãn quang có thể nhìn ra những điều đề cập ở trên. Vì thế nên sức mạnh quần thể, trí tuệ quần thể, đạo đức quần thể của dân nước ta mãi mãi không nảy sinh, và cuối cùng cũng không thể nào thành lập được “quần thể”.
- Ba là, chỉ biết sự tích đã qua mà không biết việc ngày nay. Trong việc viết sách quý ở tôn chỉ, người viết sử đem bao chuyện của người đã chết thuật lại để làm bia kỉ niệm chăng? Đem bao nhiêu chuyện đã qua viết lại để làm kịch hát chăng? Đương nhiên không phải vậy. Là muốn cho người đời nay soi nó, xét nó, cho đó là dụng ích kinh bang tế thế. Sử Châu Âu, càng những thế kỷ gần mình càng ghi chép rõ ràng. Trung Quốc không như vậy, nếu không phải là đã thay tân đổi cựu, thì không thể có lịch sử của một triều đại. Điều ấy không chỉ quy định cho riêng chính sử mà thôi, bất cứ thể loại nào cũng vậy. Cho nên Thông giám của Ôn công cũng bắt đầu từ thời Chiến quốc mà kết thúc ở thời Ngũ đại. Nếu như vậy, giả như có triều đại nào từ nay về sau mãi mãi không thay họ, thì sử không phải sẽ tuyệt hẳn hay sao? Giả như Nhật Bản hàng nghìn năm nay chỉ chung một hệ, lẽ nào vì không được tính là đối tượng của sử cho nên không tồn tại nước ấy hay sao? Thái Sử công viết Sử kí thẳng đến "Kim thượng bản kỉ", hơn nữa những ghi chép của ông không ít những ẩn húy, đó là thiên chức của sử gia vậy. Chính thể chuyên chế đời sau càng ngày càng tiến bộ, thì học phong dân khí càng ngày càng hủ bại, mạt lưu của nó đến ngày nay là cùng cực. Suy chỗ khởi phát của nguồn bệnh, thực nguyên do đều vì lịch sử bị cho là đối tượng chuyên thuộc của triều đình, ngoài triều đình ra không có chuyện gì đáng để ghi chép. Nếu không vậy, dù có kiêng húy triều đình thì chuyện của dân gian, những việc đáng được ghi chép không phải cũng rất nhiều sao? Tại sao lại không chép những việc ấy? Ngày nay bọn ta muốn nghiên cứu sự thật hai trăm sáu mươi tám năm gần đây, rốt cục không có một cuốn sách nào có thể làm chỗ dựa. Nếu không phải những lời phô trương cũ rích của văn thư quan trường thì cũng là những thuyết bia miệng thực hư đồn đại. Có lúc mượn nhờ trước thuật của người ngoại quốc, dòm trộm khảy móng tay của họ, nhưng người của nước A luận việc của người nước B, ví có nêu lên hàng trăm cũng không được một, huống hồ nước ta lại đóng cửa không qua lại với nước ngoài! Cho nên bọn ta phải ở chốn đường cùng. Có câu rằng: “Biết xưa mà không biết nay, gọi là "lục trầm"[ix], cái tội "lục trầm" của dân nước ta, thực đúng là thây xác của sử gia gây nên vậy.
- Bốn là biết có sự thật mà không biết có lí tưởng. Thân thể của con người là sự kết hợp của hơn 40 nguyên chất mà thành. Kết hợp không thiếu một thứ gì mắt, tai, mũi, lưỡi, tay, chân, phủ tạng, da, gân, khớp xương, tuần hoàn máu, tinh quản, như vậy thì có thể gọi là con người chăng? Chắc chắn không thể. Tại sao thế? Vì không có tinh thần. Vậy tinh thần của sử là gì ? Là lí tưởng mà thôi. Trong một nhóm lớn có nhóm nhỏ, trong đại thời đại có tiểu thời đại, giữa sự liên kết nhóm này với nhóm kia, giữa sự tiếp nối thời đại này với thời đại kia, đều có tin tức trong đó, có nguyên lí trong đó, người viết sử nếu như có thể khám phá ra điều đó, biết được vì nguyên nhân kia mới sinh ra kết quả ấy, soi xét những tấm gương lớn của thời quá vãng, thị phạm cho phong trào của tương lai, như thế thì sách của họ mới có ích cho thế giới. Sử của Trung Quốc ngày nay, vẫn ngây ngô viết: ngày ấy có việc A, ngày ấy có việc B, còn vì sao lại có cái việc ấy, nguyên nhân xa nằm ở đâu, nguyên nhân gần ở chỗ nào cũng không thể nói được. Rồi ảnh hưởng của việc ấy đối với việc khác hoặc sau này như thế nào, là kết quả tốt hay kết quả xấu, cũng không thể nói được. Cho nên sách sử chất chồng đều như tượng sáp, không có sinh khí. Đọc mà uống phí tâm trí chính là sử Trung Quốc, không phải là thứ có ích cho dân trí mà là thứ làm hao tổn dân trí vậy.

Bốn điều kể trên chính là trình độ học thức của sử gia hàng nghìn năm nay. Vì bốn điều ấy bị che lấp nên mới sinh ra hai bệnh:
- Thứ nhất, có thể trực tả tường tận tỉ mỉ mà không biết cân nhắc thủ xả. Herbert Spencer viết: “Ví như có người kể rằng: con mèo nhà hàng xóm ngày hôm qua sinh được một con. Lấy sự thực để kể sự thực. Nhưng có ai lại không biết đó là một sự thật vô dụng? Tại sao vậy? Việc ấy chẳng can hệ gì với việc khác, cũng chẳng có một chút ảnh hưởng nào với hành vi trong đời sống của con người chúng ta. Thế mà những sự tích trong lịch sử, loại như thế có rất nhiều, suy từ cái lệ lấy đọc sách để quan sát vạn vật thì có thể hiểu ngay được". Đó là Spencer giáo huấn người ta phương hướng để viết sử và đọc sử vậy. Sử gia thời cổ của phương Tây chắc chắn không tránh khỏi điều ấy mà Trung Quốc về mặt này ắt càng thậm tệ. Ngày nào nhật thực, ngày nào động đất, ngày nào sách phong hoàng tử, ngày nào bậc đại thần nào mất, ngày nào có chiếu thư, tràn giấy đầy trang đều là những sự thực như chuyện “mèo hàng xóm sinh con”. Thường có khi đọc trọn vẹn cả quyển mà không có được một lời nào có giá trị với trí não. Tựu trung như sách Thông giám, chuyên chú thảo soạn mười chín năm, việc giám biệt lựa chọn đáng được gọi là tinh thiện nhất, nhưng ngày nay dùng con mắt đọc sử phương Tây để đọc, cảm thấy chỗ hữu dụng của nó chẳng qua cũng chỉ được hai ba phần mà thôi (tấu nghị ghi chép trong Thông giám quá nhiều, đại khái vì sách này được làm ra để chuyên cùng cứu việc của vua, bọn ta ngày nay đọc bộ ấy thật hiềm cho sự thừa thãi của nó), những bộ sách khác càng không cần luận đến. Đến như loại sách Tân Ngũ đại sử tự mệnh danh là những ghi chép độc đáo, thực ra chỉ là đem lọc bỏ những việc lớn, mà chỉ giữ lại những chuyện như “mèo hàng xóm sinh con”, chỗ đáng chán của nó không phải càng thậm tệ hay sao! Cho nên ngày nay muốn sửa đổi sử học Trung Quốc, thật buồn bực vì không biết phải động thủ từ chỗ nào. Nhị thập tứ sử, Cửu thông, Thông giám, Tục thông giám, Đại Thanh hội điển, Đại Thanh thông lễ, Thập triều thực lục, Thập triều thánh huấn, những bộ sách ấy đều không thể không đọc. Không đọc một quyển trong số đó, thì e sẽ rò rỉ nhiều việc chính. Nhưng nếu đọc trọn vẹn số sách ấy, ngày đọc mười quyển, nếu không phải ba, bốn mươi năm thì không thể hoàn thành vậy. Huống hồ, chỉ đọc những sách ấy thì nhất quyết không thể đủ dùng, thế nên không thể không đọc sơ lược từng quyển một trong 10 chủng và 22 loại đã kể ở trên (những ghi chép trong tạp sử, truyện chí, trát kí, thường có chỗ hữu dụng hơn chính sử. Tại sao lại như vậy? Những sách ấy thường ghi chép phong tục dân gian, không giống như chính sử chuyên viết gia phả về các bậc đế vương). Người ta sống trên đời thọ được bao lâu? Sao có thể kham nổi việc đó? Cho nên tri thức sử học Trung Quốc chúng ta không thể phổ cập, đều là do không có một lương sử giỏi ghi chép những việc riêng biệt vậy.
- Thứ hai, có thể rập khuôn mà không thể sáng tạo. Mọi việc của Trung Quốc đều tuân thủ chủ nghĩa "thuật nhi bất tác" (noi theo mà không sáng tạo) mà sử học chính là một trong những đầu mối của chủ nghĩa ấy. Xét kĩ trong số sử gia hai nghìn năm lại đây, những người có tài sáng tác duy chỉ có 6 người:
Một là Thái Sử công, xứng đáng là vị chúa sáng thế của giới sử học. Sách của ông cũng thường có tư tưởng quốc dân, như Hạng Vũ mà được liệt vào hàng "bản kỉ"; Khổng Tử, Trần Thiệp mà được xếp vào hàng "Thế gia"; Nho lâm, du hiệp, thích khách, thợ thủ công, thương buôn … làm nên "liệt truyện", trong đó đều có thâm ý cả. Cách lập truyện của ông đại thể đều ở chỗ thời đại phải quan hệ tới con người. Sự bắt chước vụng về của hậu thế thì chỉ là viết càn mà thôi.
Hai là Đỗ Quân Khanh[x]. Làm Thông điển không ghi chép sự kiện mà ghi chép chế độ. Chế độ có quan hệ đến toàn thể quốc dân, có khi còn quan trọng hơn sự kiện lịch sử. Trước đây chưa từng có chuyện đó, là do họ Đỗ sáng lập mà ra, tuy sự hoàn bị của nó không sánh được với Thông khảo nhưng công sáng tạo, họ Mã sao giám so với họ Đỗ[xi]?
Ba là Trịnh Ngư Trọng[xii], những tri thức lịch sử của Giáp Tế[xiii] đúng là thiên cổ trác tuyệt, mà chữ “sử tài”[xiv] không đủ để ca ngợi ông. Sách Thông chí-Nhị thập lược của ông, lấy suy luận phán đoán làm chủ, lấy ghi chép làm phụ, thật là tỏa rạng hào quang cho sử giới Trung Quốc. Đáng tiếc ông bị vây hãm trong phạm vi của Thái sử công, bảy tám phần là dùng kỷ truyện, lấp đầy toàn sách, trùng điệp chất chồng, thực là một tì vết về đại thể.
Bốn là Tư Mã Ôn công, Thông giám cũng là một đại văn của trời đất, kết cấu đồ sộ, lựa chọn tài liệu phong phú, khiến cho kẻ hậu thế muốn trước tác thông sử thì không thể không dựa vào đó làm tài liệu đối chứng, nhưng đến nay rốt cục vẫn chưa từng có bộ sách nào có thể vượt qua bộ đó. Ôn công cũng là một vĩ nhân vậy.
Năm là Viên Khu. Sử phương Tây ngày nay nói chung đều theo thể kỉ sự bản mạt. Mà thể này ở Trung Quốc, thực chất là do Viên Khu sáng lập nên, công lao của ông trong sử giới cũng không nhỏ. Nhưng cuốn Thông giám kỉ sự bản mạt do ông trước tác không hiện lên được mối tương quan phụ thuộc giữa sự kiện này với sự kiện khác, mà chỉ muốn tìm ra nguyên nhân kết quả của sự kiện đó, chẳng qua chỉ là phương tiện pháp môn để đọc Thông giám, trước tác ra bộ ấy cũng chỉ là sao chép hộ mà thôi. Tuy là sáng tác, nhưng thực chất chỉ là sáng tác một cách vô ý thức. Cho nên sách của ông ta chẳng qua chỉ là một bộ phụ dung cho cuốn Thông giám, không thể có ích đặc biệt gì cho độc giả.
Sáu là Hoàng Lê Châu[xv]. Hoàng Lê Châu viết Minh Nho học án, sử học chưa từng thịnh về ghi chép học nghiệp. Trung Quốc hàng nghìn năm, duy chỉ có lịch sử chính trị, mà chưa từng có lịch sử về những vấn đề khác. Lê Châu là người sáng tạo ra cách thức ghi chép lịch sử học thuật, khiến cho người đời sau có thể học theo cái ý của ông mà làm thành lịch sử văn học Trung Quốc, làm thành lịch sử chủng tộc Trung Quốc, làm thành lịch sử tài nguyên Trung Quốc, làm thành lịch sử tôn giáo Trung Quốc. Những loại sử ấy, số lượng của nó nhiều biết bao nhiêu? Lê Châu viết xong Minh Nho học án, quay trở lại viết Tống Nguyên học án, chưa viết xong thì đã mất. Giả sử nếu thêm được mười năm nữa, có lẽ sẽ có những bộ sách đồ sộ như Hán Đường học án, Chu Tần học án cũng chưa biết chắc. Lê Châu thực sự là một vị anh hùng trong giới tư tưởng nước ta.

Ngoài 6 vị quân tử ấy (Viên Khu thực chất không thể liệt vào số họ) thì còn lại đều là những kẻ tầm thường cả, chỉ là dựa hơi người khác mà làm nên việc. Từ Sử kí trở về sau, có 21 bộ sách đều khắc họa theo Sử kí, từ Thông điển trở về sau thì có 8 bộ sách đều mô phỏng Thông điển. Sao lại phải lệ thuộc vào những bộ đó quá mức đến nhường ấy? Cũng như trong âm nhạc chỉ có mỗi đàn cầm đàn sắt, thì ai còn muốn lắng nghe[xvi]? Cũng vì duyên cớ ấy mà vừa mới đọc sách đã liền muốn ngủ, cho nên tư tưởng sở dĩ không tiến lên được là vậy.

Kết hợp cả sáu tệ nạn ấy, hậu quả mà nó để lại cho độc giả, thửa có 3 điều: Thứ nhất là khó đọc. Sách sử mênh mông như khói biển, trọn đời cũng không đọc hết, điều này ở đoạn trên đã nói. Thứ hai là khó phân biệt và lựa chọn. Nếu như có một ngày nghỉ, có tính nhẫn nại, đọc khắp các sách cần phải đọc, nhưng nếu không có một nhãn quang cực kỳ mẫn cảm, một học thức cực cao cường, thì sẽ không thể phân biệt và lựa chọn được cái nào là ích dụng, cái nào là vô dụng, uổng phí cả thời gian lẫn tâm trí. Thứ ba là không có cảm xúc. Tuy đọc hết tất cả các bộ sử thư, nhưng chưa từng có bộ sử nào đủ để khích lệ lòng ái quốc của người đọc, đủ để đoàn kết sức mạnh của quần chúng, đủ để đáp ứng được với thời thế của ngày hôm nay mà đứng cùng muôn nước. Thế nên sử học nước ta, bề ngoài tuy rất phát đạt nhưng không thể như quốc dân các nước Âu Mỹ thực sự nhận được lợi ích từ sử học, tất cả đều vì những nguyên do kể trên mà thôi..

Ngày nay muốn đề xướng chủ nghĩa dân tộc, khiến cho bốn vạn vạn đồng bào nước ta đứng vững mạnh trong thế giới ưu thắng, yếu bại này thì phải làm thế nào đây? Thế thì một khoa sử học nước ta, không phân biệt già, trẻ, nam, nữ, hiền, ngu, bất tiếu, phải khiến cho tất cả mọi người làm bất cứ việc gì khi nhìn thấy sử thì đều như kẻ đói cơm khát nước, một khắc cũng không dung hoãn. Nhưng đọc khắp hàng vạn quyển sách vở ghi chép trong thư khố, quyển nào có đủ tư cách để nuôi dưỡng ước muốn đó của ta, đem đến cho ta nhu cầu đó, hầu như không có một quyển nào. Hỡi ôi, nếu không làm một cuộc cách mạng trong giới sử học thì nước ta không thể cứu được nữa. Muôn việc mênh mông duy có việc này là lớn nhất. Viết Tân sử học, có phải chăng vì ta thích sự khác lạ? Ta chỉ là bất đắc dĩ mà thôi.

Quách Hiền (dịch):
"Dịch Tân sử học, có phải vì tiểu nữ rảnh rỗi mà bới việc ra chăng? Tiểu nữ cũng chỉ là bất đắc dĩ mà thôi" :))

[i] Thái Sử công: Tức Tư Mã Thiên. Trong Sử ký, Tư Mã Thiên tự gọi mình là Thái Sử công (Tất cả những chú thích trong bài này đều của Người dịch)
[ii] Ban Mạnh Kiên: tức Ban Cố , một nhà sử học nổi tiếng thời Đông Hán.
[iii] Hoa Thu Phàm: tên là Nguyên, tự là Thu Phàm, là trạng nguyên đồng thời cũng là một tài tử nổi tiếng đời Thanh. Ông cũng đạt được nhiều thành tựu ở mọi phương diện như chính trị, quân sự, văn học và khảo chứng học.
[iv] Triệu Âu Bắc: tức Triệu Dực (1727-1814), một nhà văn, nhà sử học nổi tiếng đầu đời Thanh. Ông đậu tiến sĩ đời vua Càn Long thứ 26. Ông là tác giả cuốn: Chấp nhị sử trát ký . Cuốn này cùng với Thập thất sử thương các của Vương Minh Thịnh và  Nhị thập nhị sử khảo dị của  Tiền Đại Hân được xem là 3 tác phẩm sử học nổi tiếng. 
[v] Tương chước thư: sách ghi chép về việc chém giết lẫn nhau. Tả truyện sở dĩ ghi chép truyện chinh phạt xâm chiếm lẫn nhau hàng trăm năm cho nên gọi là “tương chước thư”.
[vi] Đỉnh cách: Chỉ sự thay cũ đổi mới, thường dùng để chỉ sự thay đổi triều đại.
[vii] Nguyên văn chữ Hán: 狙公赋茅, 朝三暮四, một điển trong sách Trang tử -Tề Vật luận. Xưa có Tồ công rất thích khỉ, nuôi cả một bầy, ông ta rất hiểu ý bầy khỉ mà bầy khỉ thì cũng rất hiểu ý ông ta. Tồ Công thường lấy lương thực trong nhà ra nuôi chúng. Không lâu sau, thực phẩm khan hiếm , sợ lũ khỉ không nghe lời mình nữa, vì thế trước tiên ông lừa chúng nói rằng: “Cho chúng mày hạt dẻ, sáng ba đấu chiều bốn đấu, đủ chứ?” Lũ khỉ nghe xong đều nhảy lên tỏ ý tức giận. Lát sau, Tồ Công lại nói: "Cho chúng mày hạt dẻ, sáng bốn đấu chiều ba đấu, đủ không”. Bọn khỉ đều tỏ ý vui mừng. Ở đây Lương Khải Siêu muốn nói đến tính phản phục vô thường trong lối viết sử cũ của Trung Quốc.
[viii] Tức lư: Cá giếc mắt đỏ, ý nói người không có tầm nhìn rộng.
[ix] Câu này nguyên văn là của Vương Sung trong Luận hành-Tạ đoản. “Lục trầm” trong trường hợp này chỉ sự ngu muội cố chấp, không hợp với thời thế.
[x] Đỗ Quân Khanh: tức Đỗ Hựu (735-812), một vị tể tướng, một nhà sử học đời Trung Đường
[xi] Họ Mã: tức Mã Đoan Lâm (1254-1323), tác giả bộ Văn hiến thông khảo.
[xii] Trịnh Ngư Trọng: tức Trịnh Tiều (1104-1162), nhà sử học đời Tống.
[xiii] Người đời xưng tụng Trịnh Tiều là Giáp Tế tiên sinh.
[xiv] Sử tài: tài nghệ viết sử. Lưu Tri Cơ đời Đường cho rằng một sử gia phải có 3 thế mạnh: sử tài, sử học, sử thức.Sau này Chương Học Thành đời Thanh thêm vào một thế mạnh nữa là “sử đức”.
[xv] Hoàng Lê Châu: Tức Hoàng Tông Hy (1610-1695), một nhà kinh học, nhà sử học, nhà tư tưởng học, nhà địa lý học, và thiên văn học nổi tiếng cuối đời nhà Thanh.
[xvi] Câu này lấy ý trong Tả truyện-Chiêu công nhị thập niên đoạn Yến Tử bàn về sự khác nhau giữa “hòa” và “đồng”. “Cầm sắt chuyên nhất, thùy năng thính chi”. Ý muốn nói, chỉ dùng một loại nhạc khí, một loại âm sắc để chơi nhạc, đó là “đồng”, nhưng thứ âm nhạc buồn tẻ đó, ai có thể nghe được? Vì thế cần phải dùng đến ‘bát âm” phối hợp với nhau để tạo nên những giai điệu hài hòa. Ở đây Lương Khải Siêu muốn nói, lối viết sử rập khuôn mòn sáo của sử cũ Trung Quốc chẳng khác nào một ban nhạc chơi duy nhất một thứ nhạc cụ là đàn cầm, đàn sắt, thật khiến người ta chán tai và buồn ngủ.

4 comments:

  1. Chị xem lại mục này nhé:

    "(A) Quan thư: còn gọi là "nhị thập tứ sử"
    (B) Biệt sử: như các bộ Hậu Hán thư của Hoa Kiệu, Thục Hán xuân thu của Tập Tạc Xỉ, Thập lục quốc xuân thu, Hoa Dương quốc chí, Nguyên bí sử.. thực chất đều là các thể loại của chính sử."

    "Xếp nhầm" một tẹo, theo em phải là:

    (A): Quan thư, còn gọi là nhị thập tứ sử. Như các bộ Hậu Hán thư của Hoa Kiệu, Thục Hán xuân thu của Tập Tạc Xỉ. (B): Thập lục quốc xuân thu, Hoa Dương quốc chí, Nguyên bí sử.. thực chất đều là các thể loại của chính sử.

    ReplyDelete
  2. @Cường: Là bọn Trung Quốc đưa lên mạng sai đấy. Đội ngũ đánh máy của chúng nó tệ chả kém gì đội ngũ đánh máy của Việt Nam chúng ta.:)) Trong bản in mà chị có (vừa mới giở ra ngó lại) thì nguyên xi như chị dịch trên kia: Giáp: Quan thư hay còn gọi là "nhị thập tứ sử". Ất: Biệt sử như các bộ "Hậu Hán thư" của Hoa Kiệu...vvv...

    Cuốn "Hậu Hán thư" được xếp vào Nhị thập tứ sử là cuốn của Phạm Diệp cơ em ạ.. Còn "Thục Hán xuân thu" thì đương nhiên không có tên trong "Nhị thập tứ sử" rồi. :)) :))

    ReplyDelete
  3. Em ơi, ném đá tiếp đi em :))

    ReplyDelete
  4. Thảo nào lúc đọc em cũng thấy ngờ ngờ, mà chưa kịp tra lại bản print. Ai bảo chị dẫn hai cái "ở đây" ra, hihi.

    Cái bọn đánh máy Tàu này phải sung chức vào ngay website của bác Đào Duy Quát mới phải, "tại nhân viên đánh máy!!!" :-))

    ReplyDelete