+ Trước khi bắt đầu một bài viết riêng, tôi đã lập một bản thống kê hệ thống dạng sơ giản về tình hình “Chu Tử học” ở Đông Á. Bản khái thuật viết lúc rỗi rãi của tôi dựa trên các công trình như: Nhật Bản đích Chu Tử học của Chu Khiêm Chi, Nho giáo truyền bá nghiên cứu do Lưu Đức Tăng (chủ biên), Nho học Nam truyền sử của Hà Thành Hiên, và các tư liệu lịch sử của Nhật Bản và Triều Tiên. Lưu ý: những gì viết dưới đây chỉ mang tính chất là một ghi nhớ cá nhân.
Nếu xét trong phạm vi “Chu Tử học” là những nghiên cứu có tính hệ thống về quan điểm triết học của Chu Hy, hoặc là những nghiên cứu xiển thích tư tưởng Nho gia trên cơ sở những quan điểm triết học do Chu Hy và các học trò của ông sáng lập, rõ ràng ở Việt Nam hoàn toàn không có Chu Tử học. Tại khu vực Đông Á (không tính Trung Quốc), “Chu Tử học” phát triển thịnh đạt ở Nhật Bản và Hàn Quốc với nhiều học giả có tên tuổi và để lại những công trình có đóng góp to lớn, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều quan điểm tư tưởng triết học của Chu Hy.
Trong cuốn Chu Tử học Nhật Bản của Chu Khiêm Chi, chúng ta có thể thấy quá trình du nhập tư tưởng triết học của Chu Hy từ Trung Quốc vào Nhật Bản đã diễn ra từ rất sớm dưới thời Liêm Thương (Kamakura). Thời Giang Hộ (Edo) được xem là thời kỳ thịnh hành nhất của Chu Tử học Nhật Bản. Các trí thức Nhật Bản cận đại không ngừng tiếp thu vận dụng và phát huy tư tưởng triết học của Chu Hy, tạo nên một hệ thống tư tưởng có tính truyền thừa và dần dần hình thành nên các học phái Chu Tử học khác nhau qua các thời kỳ. Có thể kể một vài ví dụ tiêu biểu như: Phái Chu Tử học Kinh đô (hay Kinh sư) (Kyoto) với Đằng Nguyên Tinh Oa 藤原惺窩 (Fujiwara Seika), Lâm La Sơn 林羅山 (Hayashi Razan), Mộc Hạ Thuận Am 木下順 庵 (Kinoshita Junan), Thất Cưu Sào 室鳩巢 (Muro Kyuso), Tân Tỉnh Bạch Thạch 新井白石 (Arai Hakuseki). Phái Chu Tử học Tây Hải với: Bối Nguyên Ích Hiên 貝原益軒 (Kaibara Ekken). Phái Chu Tử học Nam Hải: có Sơn Kỳ Ám Trai 山 崎 闇斎 (Yamazaki Ansai). Phái Chu Tử học Osaka (大阪) với Trung Tỉnh Lý Hiên 中井履 軒 (Nakai Riken). Phái Chu Tử học sau cải cách Kasei có Lại Sơn Dương 赖 山 阳 (Rai Sanyo). Phái Chu Tử học Mito (水 户) với Đằng Điền U Cốc 藤田幽谷 (Fujita Yūkoku)…. Chu Tử học Nhật Bản bao gồm cả hai xu hướng: hướng thứ nhất: phát huy cái học Chu Tử và hướng thứ hai: phê phán Chu Tử học (như trường hợp Trung Tỉnh Lý Hiên, ông xuất phát từ việc giải thích lại Tứ thư để phê phán Chu Tử học). Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Chu Tử học Nhật Bản bắt đầu tiến đến một giai đoạn mới, thành tựu chủ yếu là chú giải và phiên dịch những công trình nghiên cứu Chu tử học của các nhà Chu Tử học trước đó. Trong công trình Bình thuật lịch sử Chu Tử học Nhật Bản sau chiến tranh (1946-2006), chúng ta có thể thấy 6 giai đoạn phát triển của Chu tử học Nhật Bản thời hậu chiến. Kế thừa và phát huy những thành quả của Chu Tử học thời cận đại, những học giả Nhật Bản hậu chiến đã áp 3 hướng nghiên cứu chính : nghiên cứu triết học, nghiên cứu lịch sử tư tưởng (bao gồm cả lịch sử học thuật) và “khảo chứng học” với mục đích nhằm làm sáng tỏ thêm bối cảnh Chu Tử học trong quá khứ và hiện tại.
Tại Triều Tiên, Nho giáo đã có ảnh hưởng ngay từ thời Koryo với những học giả tiêu biểu như Choe Chung-heon (崔忠獻), Yejong (睿宗) (còn được gọi là Yejong thời Koryo để phân biệt với Yejong khác dưới thời Joseon). Tuy nhiên phải đến dưới sự cai trị của nhà Lý (Yi) thời vương triều Joseon, Nho giáo mới có vị thế cao nhất. Theo cuốn Nho giáo truyền bá nghiên cứu “dưới thời Lý (Yi) Nho giáo được tôn xưng là Nho giáo vương triều, Nho giáo có một quyền uy vô thượng. Thời Lý Thế tổ (T’oejo) quy định nghi thức lập thế tử phải mặc Nho phục vào nhà Thái học bái yết Thánh lễ, từ đó bắt đầu trở thành định chế”. “Lịch đại quân thần triều Lý, khi thảo luận chính sự đều lấy kinh nghĩa làm chuẩn tắc tối cao”. Tuy nhiên cũng dưới vương triều Joseon, qua hơn nửa thế kỷ mà đã có 4 cuộc thanh trừng trí thức Nho giáo rất đẫm máu. Đó là cuộc chiến giữa công thần quý tộc và tầng lớp tri thức Nho giáo mới nổi lên từ làng xã. Chứng kiến một trong những cuộc thanh trừng tri thức Nho giáo này (năm 1545), một trong những học giả nổi tiếng được xem là một nhà Chu Tử học tiêu biểu nhất của Triều Tiên, đó là Lý Hoảng 李滉 (Yi Hwang) (hay còn được gọi là Lý Thoái Khê 退溪 (T'oe-gye) đã tìm cách thoái ẩn về quê, viết sách và dạy học. Ông ủng hộ thuyết “Thiên Lý” và thuyết “tiên tri hậu hành” của Chu Tử. Học trò của ông đều là những người có vị thế trong triều đình. Trong cuộc chiến phe phái Đông Đảng và Tây Đảng sau này giữa các trí thức Nho giáo dưới thời trị vì của vua Sonjo, phần lớn những thành viên của Đông Đảng đều là những học trò trung thành của Yi Hwang. Dưới thời vương triều Josoen còn có một nhà Chu Tử học nổi tiếng khác là Lý Nhĩ 李 珥 (Li Yi, (hay còn gọi là Lật Cốc 粟谷 (Yul-gok). Ông là người sáng lập nên tân học phái Chu Tử học ở Triều Tiên, đó là phái “chủ Khí luận”. Ông phản đối quan điểm của Yi Hwang “Lý nhất nguyên luận” , đề xuất “Lý Khí nhị nguyên luận”. Người kế thừa quan điểm “Lý Khí nhị nguyên luận” của Lý Nhĩ là Tống Thời Liệt 宋時烈 (Song Si Yeol), tuy nhiên ông phản đối nhận thức luận phải thông qua sự vật thực tế để kiểm ngộ về Lý của Lý Nhĩ đề xuất “tiên nghiệm luận”, chủ trương con đường quan trọng nhất để “cách vật trí tri” là nằm ở “tồn tâm”. Ông có rằng “ý thức” vốn là sự thể hiện của “thiên lý”, rất thuần khiết nhưng do sự câu thúc của nhục thể mà sinh ra tư dục. Vì thế phải tu dưỡng để loại bỏ tư dục, bảo tồn “thiên tâm” và thuận theo “thiên tâm” mà hành động. Hệ thống triết học này được học trò của ông là Hàn Nguyên Chấn 韓元震(Han Won-jin) kế thừa và phát huy.
Việt Nam không có một nền “Chu Tử học” đúng nghĩa, không có nghĩa là chúng ta đứng ngoài vòng ảnh hưởng của Chu Tử học. Thời Hậu Lê và triều Nguyễn được xem là những giai đoạn chịu ảnh hưởng lớn nhất của Chu Tử học Minh Thanh. Nếu nói đến Chu tử học ở Việt Nam: có 2 nhân vật gây chú ý nhiều nhất là Hồ Quý Ly và Lê Quý Đôn. Một người “được cho là” đã “phê phán Chu Tử” (Hồ Quý Ly), và một người được cho là đã phát huy cái học “Lý Khí” của Chu Tử (Lê Quý Đôn)…
Về tư tưởng của Hồ Quý Ly, xin tham khảo bài nghiên cứu của TS Nguyễn Kim Sơn “Tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly: Đạo đức công phu hay chính trị thực hành” tại đây.
Về tư tưởng của Lê Quý Đôn và học thuyết Lý Khí của ông, xin tham khảo thêm các bài viết Luận về Lý Khí của Lê Quý Đôn kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3 của Lâm Nguyệt Huệ và Nội hàm thông diễn học trong Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn tác giả Lâm Duy Kiệt.
Thời Hậu Lê, những bộ sách của Chu Tử được tập thành dưới thời Minh như Tứ thư ngũ kinh đại toàn, Tính lý đại toàn được sử dụng như những sách kinh điển dạng giáo khoa chính thống. Dưới triều Nguyễn, nhất là thời Tự Đức chịu ảnh hưởng rất lớn của học thuyết Chu Tử, nhất nhất đều dựa theo Chu Tử mà phát huy, như bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục là một ví dụ tiêu biểu. Mặc dù không có những công trình đồ sộ chuyên sâu về tư tưởng của Chu Tử, nhưng trong các chương viết đây đó trong các bài thi hay các tập thi văn, chúng ta có thể thấy được sự phát huy tư tưởng “thiên lý” hay “lý khí” của Chu Hy trong khi bàn luận về kinh sách, chính sự…Dưới triều Nguyễn, một số tác giả bắt đầu có xu hướng phê phán Chu Tử, đánh giá lại học thuyết của Chu Tử (trong phạm vi ghi chép cá nhân) như trường hợp của Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình tùy bút lục là một đại diện. Đến phong trào Duy Tân, sự phê phán Chu Tử và Tống Nho đã đạt đến cao trào. Hòa giọng cùng với Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, Huỳnh Thúc Kháng đã có một loạt bài đanh thép trên báo Tiếng Dân, cho rằng việc tiếp nhận Tống Nho (theo ông là cái học mạt hạng) chẳng khác gì nhận “giẻ rách canh thừa”, “cặn bã” từ Trung Quốc tuồn sang khiến cho học phong nước ta hủ bại không thể có được nhân tài. Phong trào phê phán này còn tiếp tục cho đến thời hiện tại, một số học giả nổi tiếng (không dẫn tên ở đây) vẫn kiên trì quan điểm: Tống Nho (nhất là học thuyết của Chu Tử) đã giết chết Nho giáo nguyên thủy thời Khổng Mạnh, đi ngược lại với những quan niệm triết học do Khổng Mạnh đề ra vì thế không thể được xem là đại diện của Nho giáo. (Còn nữa)
à tình hình là có rất nhiều khả năng lấy được cho bạn Quách tập 1 quyển LPT để làm phong phú thêm công trình về Chu tử của bạn nhá
ReplyDeleteSao lại là "khả năng", phải là chắc chắn chứ. Đáng nhẽ phải lấy cho bạn từ lâu rồi mới phải :d
ReplyDeleteCái mở ngoặc (không dẫn tên ở đây) chính là thần tượng thời niên thiếu của bạn Nhị Linh đấy. Nghe nói vì bác ấy mà bạn Nhị Linh mới nảy sinh lòng hâm mộ với chữ Hán :)) :))
Ôi cứ dẫn bừa đi, quân pháp bất vị thân cơ mà hehe :d
ReplyDeleteChao ui, "Người đàn bà bên cưả sổ này" thật là đáng nể. Nhị Linh cũng sổ nho kin nhỉ.
ReplyDelete"không dẫn tên ở đây"? "You-Know-Who" ý mà, hehe!
ReplyDeleteà quên, cái ông Bối Nguyên Ích Hiên 貝原益軒 (Kaibara Ekken), nếu phiên sang Romaji đúng theo tiếng Nhật thì phải là "Kaibara Ekiken" (かいばら えきけん) chị ui
ReplyDelete