Thursday, August 19, 2010

Đờn bà thì không nên đọc sách triết học (1)

Làm thế quái nào mà người ta có thể đọc được hết 27 tập “Chu Tử toàn thư” trong một kiếp người được nhỉ? À thôi, không tính “toàn thư”, chỉ tính riêng 8 tập sách “Chu Tử ngữ loại” cũng đã đủ nhũn người. Thấp hơn một cấp nữa, muốn hiểu ngọn ngành ba tập “Chu Tử văn loại” thượng, trung, hạ cũng coi như tiêu phí cả chục năm tuổi xuân phơi phới. Đấy là chưa kể đến những công trình của các học giả khác nghiên cứu về Chu Tử, tầng tầng lớp lớp quyển quyển chất chồng mênh mang như khói biển. Chao ôi là chao ôi.

Chiều nay, khi trong đầu còn đang chồng chéo dăng đầy “lý nhất phân thù” với “cư kính”, "cùng lý" thì phải đứng dậy dắt xe đi đón con. Ra đến đường mới thấy bà con toàn khu phố đang nhất loạt thông cống. Nửa năm nay cả dãy nhà đau đầu nhức óc vì chuyện úng ngập. Mỗi lần mưa xong thì cả tháng phải lội nước bẩn, rất kinh hãi. Vì thế trời vừa sầm sì một cái là bà con đắp đập be bờ còn hơn chống bão. Dùng mắt cá chân mà nghĩ cũng có thể đưa ra kết luận: chắc chắn có tắc ở đâu đó. Giải pháp đầu tiên: huy động tiền của bà con thuê xe hút bể phốt. Xe hút cả nửa ngày, không ăn thua, ngập vẫn hoàn ngập. Giải pháp thứ hai: nước đọng thế này đã thế ông làm đường cao lên cho biết tay. Đường được tôn lên dày cả tấc, nhưng mưa xuống nước không ngập ở trên đường nữa mà xối ào ào vào nhà dân tầng 1. Mưa xong bà con cứ gọi là xắn quần tát nước uồm uồm, vừa tát vừa bịt mũi, vừa gào lên chửi thiên chửi địa. Sau bao nhiêu ngày trăn trở, chẳng biết hôm nay bác nào trong “ban lãnh đạo tổ dân phố” nghĩ ra mới thuê thợ về đồng loạt bật nắp cống lên để thông một cách rất thủ công không cần xe xiếc hút hiếc gì nữa. Nghe nói, cát ở dưới cống dày hàng tấc, một đoạn ngắn mà thợ xúc lên được chục bao tải cát+bùn đất, thảo nào nước không thoát được là phải.

Chuyện chỉ có thế, rất tầm thường và nhảm nhí chả liên quan dính dáng gì đến cụ Chu Tử. Nhưng đờn bà thì bao giờ cũng rất chi là nhiều chuyện. Hoặc giả bị nhiễm cái bệnh “anh chị hãy liên hệ với thực tiễn ở nước ta” từ ngày xửa ngày xưa hồi sinh viên mỗi khi thi môn Triết Mác nên tự dưng từ chuyện thông cống mà bỗng đốn ngộ ra một chân lý to đùng. Nếu như khơi cống ngay từ đầu thì đã không có chuyện nước úng ngập lâu như thế. Ấy là bởi vì mỗi sự vật đều có “Lý” tàng ẩn ở trong, thuận theo “Lý” mà làm thì mọi việc hanh thông, không thuận theo “Lý” thì ách tắc. Cũng như các nhà sử học thời trung đại thường nói “trị nước cũng như trị thủy”, muốn khơi dòng cũng phải nắm được “Lý” vận hành dòng nước. Khơi dòng chặn dòng lung tung sẽ tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Thiên tai gần đây ở Trung Quốc là bằng chứng rõ rệt nhất. Có vẻ như hồi Trung Quốc xây đập Tam Hiệp họ chẳng thèm đếm xỉa gì đến học thuyết của Chu Tử nên mấy năm gần đây họ đang phải trả giá rất đắt vì động đất, lở đất và lũ lụt. Trị thủy mà còn khó như thế huống hồ chi là chuyện quốc gia đại sự.

+Nhân chuyện "thông cống" bàn sang chuyện khác hay hơn: chuyện Hạ Vũ trị thủy bên Trung Quốc và việc đắp đập be bờ (ý em là đắp đê) của người Việt phản ánh 2 tinh thần rõ rêt: Một bên rõ ràng là sự chủ động, trấn áp (khơi dòng chảy) còn một bên là sự thụ động chống đỡ (nước dâng lên đến đâu, núi cao lên đến đấy).




1 comment:

  1. Sao lại không nên. đàn bà đọc triêt it ra cũng biêt mơm1 cơm cho con thì sẽ thê1 nào! :)

    ReplyDelete