Có thể nói, bộ phim “Xuân Hạ thu đông rồi lại Xuân” của đạo diễn Kim Ki Duk thực chất chính là một bộ kinh Bát nhã ba la mật đa bằng hình ảnh. Bộ phim không định làm khó người xem bằng các thông điệp mã hóa, mà ngay từ cảnh đầu tiên cho đến cảnh cuối cùng, đồng thuận nhất trí, và hết sức rõ ràng, mọi hình ảnh, chất liệu trong phim đều quy chiếu về một điểm:Bát nhã ba la mật đa. Có những gợi ý hết sức trực diện như phông nền chuyển cảnh từ mùa này sang mùa khác là các bản kinh Bát nhã ba la mật đa bằng tiếng Hàn và tiếng Hán, âm nhạc trong trong những trường đoạn quan trọng của bộ phim chính là tiếng trì tụng của Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh (một trong hai bài kinh quan trọng bậc nhất của bộ kinh Bát nhã ba la mật đa)ở các dạng thức khác nhau. (Trường đoạn thứ nhất: chú tiểu với trò chơi buộc đá vào các con vật. Trường đoạn thứ hai: cảnh nhà sư đeo đá vác tượng Phật lên đỉnh núi). Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh cũng chính là bài kinh mà sư chủ trì dùng đuôi mèo viết lên sân chùa.
Tại sao khung cảnh của bộ phim lại diễn ra trên một ngôi chùa giữa sông với phương tiện vận chuyển qua lại là một chiếc thuyền? Vì Ba la mật đa theo tiếng Phạn có nghĩa là: đến bờ bên kia (đáo bỉ ngạn). Không gian của bộ phim chia thành 2 bờ cách biệt: bờ bên này là ngôi chùa, và bờ bên kia là sau cánh cổng chùa. Biểu tượng cánh cửa chùa mở ra cũng xuất hiện lặp đi lặp lại giữa các mùa. Biểu tượng cửa thường tượng trưng cho nơi qua lại giữa hai trạng thái, hai thế giới. Cánh cửa là nơi người ta lựa chọn bước vào hay đi ra, nơi người ta phải quyết định. Những cánh cửa hiện hữu không tường trong bộ phim này còn hàm ẩn “phổ môn thị hiện”, một ám chỉ về “cánh cửa” nơi Avalokitesvara (Bồ Tát Quán Tự Tại hay thường được gọi dưới tên Quán Thế Âm Bồ Tát) dùng phương tiện từ bi và trí huệ để độ chúng sinh vượt qua khổ nạn. Chọn bối cảnh dòng sông với một con thuyền cũng mang tính ẩn ý bởi vì Avalokitesvara trong các hình tướng khác cũng được xem như là người chèo đò từ ái chở chúng sinh trên chiếc thuyền từ vượt qua bể khổ đi vào miền tĩnh thổ an lạc.
Trong bộ phim, ngăn cách giữa hai bờ chính là con sông như biểu tượng của dòng sông tâm thức, khởi nguồn từ vô minh nên dòng sông đó chất chứa phiền não, cấu uế, hạn hữu. Trong cả bộ phim, những trường đoạn tâm trạng quan trọng đều được thể hiện trên dòng sông. Khi là một đứa bé ngây thơ đầy tò mò học chèo thuyền loanh quanh vụng về trên sông. Khi là một thầy tu trẻ đang ở lứa tuổi đầy những khao khát bản năng đập mái chèo cuồng loạn trong một cơn khát nhục dục. Và khi là một người đàn ông tội lỗi điên cuồng chèo thuyền như muốn trút cơn hận. Nói đến tâm trí (tâm thức), Phật giáo cũng ví tâm trí của con người là một dòng sông luôn “hằng chuyển như bộc lưu”. Vì thế biểu tượng thác nước trong phim cũng chính là một tiếp nối của dòng sông tâm trí, một “thác nước” mê lầm cuộn lên những giày vò dục vọng và đau khổ. Chân thác nước trong phim là nơi diễn ra cảnh chú tiểu nhỏ buộc đá vào các con vật, là nơi cơn khát nhục dục đạt đến cao trào, là nơi người tu hành trẻ tuổi vụng về bày tỏ ái tình và là nơi kẻ sát nhân tự giày vò mình trong cơn đau khổ của hận thù. Chú tiểu nhỏ sát sinh, chàng thanh niên tu hành trẻ tuổi khát dục và người đàn ông giết vợ, vì vô minh mà bị giam hãm trong quái ngại, vì vô minh nên vọng tưởng, vì vọng tưởng mà vạn lụy (tham, sân, si), không biết rằng mọi thứ trên thế gian này “sắc tức là không, không tức là sắc”, mọi yêu thương và đau khổ chỉ là bộ mặt của mờ ảo của cô gái phản chiếu bập bềnh trên mặt nước, có đấy mà không đấy.
Bát nhã Ba la mật đa có nghĩa là: “tuệ sang bờ giác”. Bát nhã ba la mật đa tâm kinh là bài kinh thâu tóm tâm pháp của phép tu quán chiếu Bát nhã đưa hành giả lên bờ giác, trong đó Bát nhã được hiểu như trí huệ đặc biệt phát sinh từ công hạnh tu hành. Quán chiếu Bát nhã nghĩa là: trí huệ đạt đến cảnh giới rũ bỏ các tướng phân biệt, hiển hiện được Pháp tính chân như, tâm niệm bao trùm không còn phân biệt nội ngoại, thị phi, nhân ngã, khiến cho trí huệ ấy không chịu sự chi phối bởi ngoại tại, có thể thấu suốt mọi hiện tượng, thấu suốt được vô lượng khổ, độ qua được vô lượng kiếp. Muốn đạt đến cảnh giới đó không phải dựa vào công phu học tập tích lũy kiến thức, không thể dựa vào trí tuệ thông thường (trí tuệ thông thường khiến người ta biện thị phi, biện nhân ngã-là nguồn gốc sinh ra khổ) mà bằng con đường hành trì và quán chiếu (kiên trì thực hành phép tu quán chiếu Bát nhã). Đó là lí do vì sao sư chủ trì là người chứng kiến hết thảy, thấy trước hết thảy mọi nguồn gốc của sự đau khổ, mê lầm nhưng không bao giờ ngăn cản chú tiểu khi nhìn thấy chú buộc đá vào các con vật, ông cũng không cố ý ngăn cản bản năng dục vọng của người thanh niên tu hành trẻ tuổi. Ông không giảng giải mọi thứ bằng lý thuyết, ông chỉ giải thích sau khi đồ đệ của mình đã tự trải qua các đau khổ. Bởi vì muốn đạt đến bờ giác, hành giả không thể chỉ nghe lý thuyết suông mà phải thực tế hành trì, phải tự mình hạ thủ công phu tu hành. Trong con đường hành trì đó có 3 mốc quan trọng kiểm chứng công phu hành trì có kết quả hay không: Thứ nhất: Đã giải tỏa được mạn nghi? Thứ hai: đã vô úy? Thứ ba: có còn vọng niệm? Mạn nghi giam hãm người ta khiến người ta đau khổ, giận dữ, mê lầm, điên đảo trong vòng luẩn quẩn của yêu thương và thù hận. Bức tượng Phật nhỏ trong chùa chính là Bất Động Phật Aksobhya (một hình tướng của Phật lịch sử) cũng là một trong 5 vị Jinas. (Jinas: chỉ những người đã chinh phục được huệ thức, vượt qua được vòng luân hồi sinh tử) trong tư thế liên hoa tọa và thủ ấn ở dạng xúc địa ấn (lấy đất làm chứng), phản ánh khoảnh khắc giác ngộ khi Ngài chế ngự được dục vọng và tà vạy, biểu lộ tinh thần thuần túy của vô ngại. Ngài biểu lộ ước muốn sẽ không bao giờ sân si và luôn điềm tĩnh trong khi hoàn thành mọi nhiệm vụ mà tự mình đặt ra. Trước khi người tu hành trẻ tuổi rời chùa đi theo cơn khát của nhân dục anh ta đã mang bức tượng Bất Động Phật Aksobhya đi theo. Sau đó anh ta mang bức tượng trở lại chùa trong cơn điên cuồng của một kẻ vừa giết vợ. Bức tượng được trả về bệ cũ cũng là lúc con dao của tội ác vung lên. Và con dao tội lỗi chỉ được buông xuống sau khi khắc xong chữ cuối cùng trong bài kinh Ma ha bát nhã ba la mật đa tâm kinh. Gương mặt người khắc kinh ban đầu từ điên cuồng, sợ hãi, thắc thỏm, dè chừng, bình tĩnh dần, bình tĩnh dần, và khi con dao buông ra, chỉ còn lại một khuôn mặt ngủ im lìm mệt mỏi đến vô biên.
Chỉ khi nào thoát được mạn nghi thì mới không còn gì sợ hãi. Không sợ hãi thì tâm không còn bị chi phối, mới đạt đến bình an. Người trung niên trở lại chùa với khuôn mặt không biểu cảm, bình thản tiếp tục cuộc sống tu hành của mình, lúc này ông bắt đầu luyện công phu. Là bởi vì người hành giả lúc này đã đạt đến bước rũ bỏ được sợ hãi, nhận thức được ngũ uẩn giai không, hộ trì được lục căn. Nhưng vọng niệm vẫn còn, vọng niệm đã đóng băng dòng sông tâm trí mà không biết rằng, dưới băng đá dòng tâm thức mê lầm vẫn đang chảy. Vì thế, chỉ khi người đàn bà đem con đến chùa chết trong hố băng, người hành giả lúc này mới bừng tỉnh, rũ bỏ được vọng niệm, thấu được vô lượng kiếp khổ của nhân sinh, ông đeo đá vào mình, vượt qua sông băng, vác tượng Phật lên núi. Trong bộ phim có 3 cảnh khắc họa tầm nhìn. Cảnh thứ nhất: khi chú tiểu đứng trên vai Phật nhìn về ngôi chùa. Đó là một cái nhìn cận cảnh, hình ảnh ngôi chùa phản chiếu trên mặt nước rất gần. Cảnh thứ hai: khi người tu hành trẻ tuổi đứng trên vai Phật: nhìn về phía góc ngoặt của con đường núi, đó là một cái nhìn về phía xa mù sương nhưng hẹp. Cảnh thứ ba: người tu hành trung niên sau khi đã buộc đá vào mình đưa tượng Phật lên đỉnh núi và ông ngồi Thiền ngay sau lưng Phật, cảnh quay bao trùm hết thảy cả không gian và ngôi chùa cùng dòng sông băng lọt thỏm nhỏ bé trong cái nhìn từ trên cao chiếu xuống.
Và bộ phim lại bắt đầu một mùa xuân khác với một hành trình khác để đi đến bờ giác ….
Cảnh cuối cùng của phim là cảnh bức tượng Phật Miruk (Maitreya) (hay còn gọi là Đấng Từ Thị, Phật Di Lặc-vị Phật tương lai hiện vẫn sống trong cõi Tusita (Đâu Suất) và mang thân trạng của một Bồ Tát) trong tư thế đặc biệt của mình di lặc tọa (tư thế suy tư) và thủ ấn di lặc ấn, (cũng chính là bức tượng mà người hành giả đem lên đỉnh núi), từ trên cao, dõi cái nhìn từ ái xuống phía dưới chúng sinh, như một sự nhắc nhở rằng: vượt qua, vượt qua đi, vượt qua để sang bên bờ giác.
Quách Hiền
Liên kết:
Vấn đề "giới hạn" trong Tam giáo
Haizz, nhiều phân cảnh, nhiều trường đoạn chồng chéo cài cắm cao siêu quá, em hiểu hông tới, cảm mỗi trường đoạn "Bi, đừng sợ" hà. Vậy là bờ giác có sẵn trong tuệ hả nữ sĩ :? Khỏi phải lăn tăn to sang or not to sang, kiểu "đò cắm bờ này, thương bến kia" ha. ;P :))
ReplyDeleterất tuyệt
DeleteEm phận đờn bà con gái, thấu chi mấy chuyện cao siêu. Em chỉ nghe mấy vị nhân sĩ thường tụng niệm: Bờ giác ở đâu xa/Chính trong tâm ta đó! Bờ giác gần hều, vậy mà sao chả thấy bác nào "sang bờ giác", bác nào cũng cứ lặn ngụp mãi ở bến đục bên này mà không lội qua tắm bến trong bên nớ!Có lẽ bởi tắm bùn bi giờ đang là mode? :)) :)) :))
ReplyDelete"Đò cắm bờ này, thương bến kia" là như vầy phải không bạn Khuê?
http://www.youtube.com/watch?v=XQByx_vv-Jk
Tắm bùn xưa rồi, giờ toàn tắm tiên - bảo vệ môi trường không hà. ;p
ReplyDeleteQuách Hiền viết: “Vì Ba la mật đa theo tiếng Phạn có nghĩa là: đưa qua sông, sang sông, sang bờ bên kia (bỉ ngạn).”
ReplyDeleteThực ra trong tiếng Phạn Prajñāpāramitā (phiên âm Hán Việt là: Bát nhã ba la mật đa) gồm hai chữ:
prajñā : trí tuệ, và
pāramitā : hoàn thiện.
Mến
Cảm ơn bác, tôi sẽ sửa lại cho chính xác hơn. Trong "Phật Quang đại từ điển" (do Hội Phật Quang Đài Bắc xuất bản, 2000) có giải thích rất chi tiết như sau: Trong tiếng Pali thì pārami đúng là có các nghĩa: tối thượng, chung cực. Nhưng trong tiếng Phạn pārami bao gồm các nghĩa: đến bờ bên kia, trọn vẹn, đầy đủ.(Nghĩa là "đến bờ bên kia" cũng thuộc một trong các nghĩa của pārami trong tiếng Phạn)
ReplyDeleteThực sự, tôi nghĩ dịch Ba la mật đa là "đáo bỉ ngạn" (sang bờ bên kia)cũng hàm ẩn ý chỉ hoàn thiện, chỉ sự hoàn tất của một quá trình. Cách dich này theo tôi không sai mà lại dễ hình dung.
Bạn Quách Hiền bình phim dưới góc độ Phật giáo hay nhỉ! Trong tất cả các phim của Kim Ki Duk (16 phim cho đến nay) thì tớ thích nhất phim này. Điều làm tớ ngạc nhiên nhất khi tìm hiểu về Kim Ki Duk là: Ông theo đạo Công giáo nhưng đã làm một bộ phim Phật giáo thật sự xuất sắc. (http://vi.wikipedia.org/wiki/Kim_Ki_Duk)
ReplyDeleteNếu bạn quan tâm đến các phim của Kim Ki Duk thì có thể download tại đây: http://all.hdvnbits.org/kim_ki_duk_films_collections_t8394.html
Ơ kìa, thế quái nào mà hôm qua tớ comment trên blog bạn Quách Hiền rồi mà hôm nay chả thấy đâu nhỉ?
ReplyDeleteNgồi gõ lại comment hôm qua thì lười quá!!!
Túm lại là tớ thích phim này nhất trong các phim (16 phim) của Kim Ki Duk, điều làm tớ ngạc nhiên là ông này theo đạo Công giáo nhưng làm phim rất đậm chất Thiền. Bạn Quách Hiền có nhu cầu xem tất cả các phim của ông này thì download ở đây: http://all.hdvnbits.org/kim_ki_duk_films_collections_t8394.html (Download bằng chương trình phần mềm Bittorent)
phim này em rất thích, cũng xem khá sớm, hi hi...Bộ phim là sự luân chuyển, tuần hoàn, thành thịnh suy hủy, gieo nhân, ắt quả. Một kiếp. Một sự tuần hoàn.... Tên phim cũng nói lên rồi. các ảnh, đều mang những biểu trưng Phật giáo. Như tại sao lại buộc con cá, thắt con rắn, tại sao lại thụt vào Tuyết mà chết,.....tại sao lại cậu bé đeo đá, rồi sau này nhớn lên, trưởng thành, cậu ấy đeo lại. Man mác ta thấy vấn đề TẠO NGHIỆP trong phim. Bát nhã, là bông hoa đẹp thêm cho phim, về ý nghĩa Phật giáo, hình ảnh, thư pháp. Trước đây, năm 1964, có phim KWAIDAN, Quái Đản, của Nhật cũng dùng hình ảnh này, hình ảnh kinh bát nhã, và viết lên kín người đệ tử tu hành. Phim nhiều hình ảnh, biểu trưng như đã nói, lại đẹp, diễn tiến logic. Một cảnh như chữ Bế, bịt mắt, bịt miệng....các giác quan. Đấy, là đóng lại tất cả dể tịch diệt bằng con thuyền chưa Đáo Bỉ Ngạn, để luân chuyển một kiếp khác, một kiếp mà chính cậu bé lại tiếp tục vòng tròn xuân hạ thu đông.......
ReplyDeletehi hi
mọi người đọc thêm: http://www.dactrung.com/Bai-bv-1933-Hai_Bai_Kinh_Bat_Nha.aspx
cm thêm: bài này, chị viết rất hay hi hi hi hi
ReplyDeleteHe he he, có lời vàng ý ngọc của bác Vô công tặng cho Thiền Phong, người đang nghiên cứu về Thiền này: Mai em lên Bát nhã thuyền/Một chèo một mái sang miền "bờ kia"....:))
ReplyDeleteBác VÔ Công thì sợ rồi hê hê :)))
ReplyDelete@Bác Thaothuc xì gòn: Bác ạ, Blogspot hiện giờ có cái mục gọi là Spam, thi thoảng nó cứ tự tiện xếp comment của người ta vô đó chứ không phải em cố ý gì đâu ạ. Mong bác thông cảm cho em.
ReplyDelete