MỘT SỐ HIỆN
TƯỢNG BẤT ỔN CỦA VĂN BẢN LƯU HƯƠNG KÍ
Phạm
Vô công tiên sinh[1]
Trong lịch sử văn học Việt Nam , Hồ Xuân
Hương là tác giả có vị trí đặc biệt quan trọng. Tuy vậy, trước thời điểm phát
hiện bản Lưu Hương kí, giới nghiên cứu
chỉ biết đến Hồ Xuân Hương với danh nghĩa tác giả của các bài thơ Nôm truyền tụng,
còn hành trạng tác giả thì nói như nhà thơ Hoàng Trung Thông: “Thật mỉa mai,
không ai biết rõ”. Chính vì thế, sự xuất hiện của Lưu Hương kí đầu những năm 1960 thực sự đã gây được sự quan tâm đặc
biệt của các nhà nghiên cứu, Hồ Xuân Hương lúc này không còn là một tác giả được
thế tục truyền tụng nữa, mà có trước tác truyền lại, ghi rõ sách do “Cổ Nguyệt đường Xuân Hương nữ sử người ở
Hoan trung biên tập”. Những tưởng với Lưu
Hương kí, các vấn đề liên quan đến sự nghiệp sáng tác và hành trạng
Hồ Xuân Hương sẽ được sáng tỏ hơn, song trên thực tế vấn đề dường như không hẳn
như vậy. Sự cách biệt về phong cách giữa bộ phận thơ Nôm truyền tụng của Hồ
Xuân Hương vốn đã lưu hành rộng rãi từ lâu với các bài thơ chữ Hán trong Lưu Hương kí mới được phát hiện khiến
cho vấn đề văn bản thơ Hồ Xuân Hương trở nên có phần phức tạp hơn trước. Đến
nay, qua hơn 40 năm kể từ khi Lưu Hương
kí được phát hiện, tuy đã có những khảo cứu nhất định về văn bản, song chưa
có công trình nào giải quyết được vấn đề văn bản học Lưu Hương kí một cách rốt ráo.
Lưu Hương kí bản hiện còn (kí
hiệu của Thư viện Viện Văn học: HN. 336) không ghi niên hiệu, tựa, bạt. Mở đầu là phần chép các tác phẩm thuộc thể loại
từ và nhạc phủ, được định danh là “Nhạc
phủ từ”. Nếu như ở phần thơ, các câu thơ được viết liên tục thì ở phần này, một
số bài từ, các câu được chép cách
nhau, cho thấy tác giả, hoặc giả là người chép sách có ý thức một cách rõ ràng
trong việc trình bày tác phẩm, nhằm tạo ra sự khu biệt nhất định giữa tác phẩm
thơ và các tác phẩm thuộc thể loại từ.
Tác
phẩm mở đầu Lưu Hương kí mang tên Thuật ý kiêm giản hữu nhân Mai Sơn Phủ
(Thuật lại ý mình, gửi bạn Mai Sơn Phủ). Cuối
bài ghi rõ “Hữu Giang Nam điệu”,
nghĩa là: bên phải đây là điệu Giang Nam.
Các sách từ phổ ghi nhận rất nhiều điệu
trong tên từ điệu của nó có hai chữ
“Giang Nam ”, như: Giang Nam
hảo, Giang Nam
khúc, Giang Nam xuân, Giang Nam thụ… nổi
tiếng nhất trong số đó là điệu Giang Nam hảo. Do
vậy, khi là các bài từ điệu này, đôi
khi các tác giả gọi tắt là Giang Nam,
hoặc gọi theo tên khác là Ức Giang Nam .
Theo từ phổ, điệu Giang Nam hảo có
hai loại, đơn điệu (một đoạn) và song điệu (hai đoạn). Loại đơn điệu gồm 27 chữ, song điệu gồm 54 chữ. Bài điệu
Giang Nam trong Lưu Hương kí gồm 260 chữ, dung lượng lớn hơn điệu từ dài nhất trong từ sử (điệu Oanh đề tự, chỉ lên đến 240
chữ), hiển nhiên nó
không phải điệu Giang Nam hảo. Nếu
coi đây là tác phẩm thuộc thể loại từ
thì đó quả là một tác phẩm từ độc nhất
vô nhị mà giới từ học trên toàn thế
giới chưa từng biết đến. Bài Thuật
ý kiêm giản hữu nhân Mai Sơn Phủ có dấu hiệu là một sáng tác được chắp ghép từ nhiều bài, trong đó có dấu
vết rõ ràng của điệu Trường tương tư.
Nhưng cho dù vậy, sáng tác ra một tác phẩm
với thể thức chưa từng có, lại dùng tên một điệu từ nổi tiếng để định danh thể thức cho nó, điều này chứng tỏ tác giả
(hoặc giả là người chép sách) Lưu Hương
kí hiển nhiên không có hiểu biết về từ
học. Nữ sĩ Hồ Xuân Hương thông minh, sắc sảo của chúng ta lẽ nào lại là một
người như vậy?
Tác phẩm
thứ hai trong Lưu Hương kí không có từ đề,
cuối bài ghi rõ: “Bài bên phải theo điệu Thiếu
niên du”.Thiếu niên du đích xác là tên một điệu từ, là loại song điệu
(phân làm hai đoạn), có hai dạng thức cách luật, một gieo vần trắc, một gieo vần
bằng. Bài Thiếu niên du trong Lưu Hương kí gieo vần bằng nên ta chỉ
xét cách luật của dạng thức thứ hai - dạng gieo vần bằng. Theo từ phổ, dạng gieo vần bằng gồm 50 chữ,
đoạn trước gồm 5 câu gieo ba vần bằng, đoạn sau 5 câu gieo 2 vần bằng; có một số
bài giảm thành 48 chữ, tăng thành 51 hoặc 52 chữ. Bài từ điệu Thiếu niên du
trong Lưu Hương kí có 44 chữ, cú thức
là 4/4/5/4/4/5/5/4/4/5, gieo 5 lần vần bằng ở các câu 1, 3, 6, 7, 10; so với
cách luật của từ điệu Thiếu niên du,
rõ ràng không có sự tương thích. Từ phổ
liệt kê thêm một số biến thể của điệu từ
này song cũng hoàn toàn không có bài nào có cách luật giống bài Thiếu niên du trong Lưu Hương kí. Như vậy bài thứ hai này cũng không phải điệu Thiếu niên du. Vị nữ sĩ được ông Tốn Phong khen ngợi là “học rộng mà tinh thuần” (Bài
tựa Lưu Hương kí, chép trong Du Hương tích động kí, kí hiệu A. 2814,
Viện Nghiên cứu Hán Nôm) sáng tác một bài từ
ngắn như trên chẳng lẽ lại nhầm lẫn đến thế sao?
Tác phẩm thứ ba trong Lưu Hương kí cũng không có từ đề. Cuối bài ghi rõ: “Bài bên phải
làm theo điệu Xuân đình lan”. Các bộ từ phổ đều không ghi nhận bất cứ điệu từ nào có tên gọi tương tự. Xem xét kĩ,
tác phẩm này phần đầu khá giống điệu từ
điệu Nhất tiễn mai. Có thể tác giả Lưu Hương kí đã vay mượn đôi chút dạng
thức cách luật của điệu Nhất tiễn mai
để “chế hóa” thành bài Xuân đình lan.
Điệu thức bài Xuân đình lan này không giống bất cứ điệu từ nào đã từng được ghi nhận, như vậy, tương tự trường hợp bài từ đầu tiên trong Lưu Hương kí, đây cũng là một điệu từ mà giới nghiên cứu từ học
toàn thế giới chưa hề biết đến!
Tác phẩm thứ tư trong Lưu Hương kí mang tên Thu dạ hữu hoài, không có tên từ điệu. Với một tác phẩm từ, từ
điệu quan trọng hơn từ đề. Sự thiếu
vắng từ điệu trong trường hợp này cho
thấy cách ghi chép có phần tùy tiện của Lưu
Hương kí. Vậy bài trên đây nếu là tác phẩm từ thì nó sẽ thuộc về điệu nào? Xét về dung lượng, bài này gồm 54
chữ, thuộc phạm vi tiểu lệnh (là những
điệu từ dung lượng nhỏ, số lượng từ
16 đến 58 chữ). Bốn câu đầu bài này đều là các câu 7 chữ. Trong phạm vi các bài
từ tiểu lệnh, chỉ có một số ít điệu
như: Giá cô thiên, Ngọc lâu xuân, Song đới tử… có cú pháp
như vậy. Xét kiểu câu và cách gieo vần 4 câu đầu trong bài Thu dạ hữu hoài, có thể nhận thấy nét tương đồng của chúng với phần
thượng phiến (nửa trên) điệu Giá cô thiên, song nếu xét toàn bài thì
không một điệu từ dạng tiểu lệnh nào gieo thuần vần bằng, gồm
54 chữ có cách luật giống như bài này. Bài Thu
dạ hữu hoài vốn có hình thức của thể từ,
đi liền với các bài có mang từ điệu ở
phía trước, nhưng trên thực thế nó cũng không thuộc bất cứ một điệu từ nào.
Từ là một thể loại ít xuất hiện
trong văn học trung đại. Phải chăng chính vì thế nên khi sáng tác thể loại này,
với cá tính đầy phóng túng cùng sự sáng tạo của mình, Hồ Xuân Hương chỉ vay mượn
một số đặc điểm hình thức thể loại từ
rồi sáng tác một cách hoàn toàn tự do theo ý mình, không chịu câu thúc bởi từ luật? Giả thuyết này thoạt nghe có vẻ
hữu lí, song xét kĩ vẫn không thể đứng vững được, bởi một lẽ đơn giản rằng từ điệu chính là sự biểu hiện của dạng
thức cách luật của các bài từ, nếu Hồ
Xuân Hương không câu thúc vào từ luật
thì tại sao sau khi đã tạo ra các bài từ
không tuân thủ bất cứ một dạng thức cách luật nào lại lấy tên các từ điệu nổi tiếng nhằm định danh thể loại
và dạng thức cách luật của chúng? Làm như vậy chẳng phải nữ sĩ họ Hồ đã tự mâu
thuẫn với chính mình ư?
Tác phẩm thứ năm trong Lưu Hương kí mang tên Thu phong ca. Bài này mở đầu các sáng tác theo lối nhạc phủ. Đọc bài thơ, có cảm
giác khá quen thuộc, nhất là câu “Hoài giai nhân hề bất năng vong” (Nhớ người đẹp
chừ chẳng thể quên). Xét kĩ, 4 câu đầu bài này chép nguyên vẹn 4 câu đầu bài Thu phong từ (bài hát về gió thu, một
bài nhạc phủ thời Hán) của Hán Vũ đế Lưu Triệt (156 Tr. CN-87 Tr.CN); ngay nhan đề tác phẩm cũng chỉ thay đi đôi chút mà
thôi! Một bài 8 câu thơ mà đến 4 câu đã là “đạo thơ” của Hán Vũ đế, dựa vào đâu
để chắc chắn rằng 4 câu sau không phải là đạo thơ của tác giả khác?
Kết quả khảo sát lần lượt 05
tác phẩm đầu tiên trong Lưu Hương kí
cho thấy cả 05 tác phẩm được khảo sát đều có dấu hiệu hết sức bất thường, tuy
chưa thể dựa vào đó để đánh giá về vấn đề tác quyền của Lưu Hương kí, song cũng tạm đủ để người đọc nhận thấy tính chất phức
tạp của văn bản Lưu Hương kí, và ít
nhiều gợi cho chúng ta sự nghi ngờ về giá trị đích thực của nó. Do vậy, thiết
nghĩ tập Lưu Hương kí cần có sự giám
định, khảo cứu thật kĩ càng về văn bản. Việc làm này nên được thực hiện bằng một
thái độ cẩn trọng và khoa học, dưới cái nhìn nghiêm khắc, thậm chí là lạnh lùng
đến nghiệt ngã của nhà văn bản học, thay vì được tiến hành với cái nhìn đầy thiện
cảm đối với một nhà thơ nổi tiếng, cái nhìn theo kiểu các “fan” hâm mộ Hồ Xuân
Hương. Xuất phát từ sự phức tạp của văn
bản Lưu Hương kí, trước khi có một
công trình khảo cứu thật tỉ mỉ, riết ráo về cuốn sách này, thiết tưởng các nhận
định kiểu: Lưu Hương kí là “báu vật”,
“di sản quý”, “của báu quốc gia”, v.v… như một số nhà nghiên cứu đã phát ngôn gần
đây e rằng hơi vội vàng, chưa đủ cơ sở khoa học.
.................................................................................................
Chủ nhân blog không có lời bình luận nào, chỉ muốn cung cấp thêm một ghi chú nhỏ về nguồn gốc của văn bản này cho những người từng tôn vinh Lưu Hương ký là "báu vật quốc gia", để họ ngõ hầu có thể dùng đến nếu muốn lập hồ sơ UNESCO cho sách: :))
Trang đầu của bản Lưu Hương kí |
Tính dụng cho phát triển và tính trang trí là 2 thuộc tính cần có của di sản-divật, không được vậy chỉ là rác. Quăng bỏ và chôn vùi cũng là tính năng của thời gian thông qua các "Nghiên Kứu Gia", :)
ReplyDeletebài viết rất hay
ReplyDelete