Wednesday, September 12, 2012

Nhân trường hợp entry của Blogger Le Minh Khai


Cách đây không lâu tôi có đọc essay “The Biography of the HồngBàng Clan as a Medieval Vietnamese Invented Tradition” (Journal of Vietnamese Studies, Vol. 7, No. 2 (Summer 2012), pp. 87-130 ) của nhà sử học người Mỹ Liam C. Kelley. Khi đọc câu đầu tiên của bài viết: “Về một triều đại cách đây khoảng một nghìn năm mà không gian của nó chính là phía Bắc và một một phần của miền Trung Việt Nam ngày nay, nơi đã từng thuộc phạm vi biên giới của đế chế Trung Hoa…”, tôi đã cảm khái thốt lên với một người bạn: Liam C. Kelley quả là một người Mỹ. Bởi vì điều này nếu được diễn đạt trực tiếp theo cách đó từ một người Việt Nam, và được đăng đâu đó trên báo chí Việt Nam, đen đủi hơn nếu bài viết được post lại trên các hot blog ở Việt Nam, vào thời điểm hiện tại tác giả đó rất có nguy cơ phải đối diện với một sự tuyên án khốc liệt: kẻ Hán gian, tay sai của Bắc Kinh... 

Những comment dưới bài dịch tiếng Việt một entry của blogger Le Minh Khai có liên quan đến Lý Công Uẩn tại đây có thể xem là một ví dụ rất điển hình. Blog Le Minh Khai đã bị “xếp” vào hàng ngũ “những websites giả dạng của ngưòi Việt, nhưng chỉ có thể là của Bắc Kinh” với mục đích: “Trung Quốc dùng bất cứ phương tiện và thủ thuật để thuyết phục cả người Tầu lẫn người Việt hiện nay là Việt Nam vốn là Tầu”. Lý do của họ: Blogger Le Minh Khai đã động chạm đến một vấn đề vô cùng nhạy cảm đối với người Việt khi viết: “And on the issue of these films being too “Chinese,” again, the elite in the Red River Delta at the time of Lý Công Uẩn shared a great deal with the elite in areas to their north, particularly culture and religion, but even blood. Making a movie that depicts a land that was completely unique would be just as problematic as making it “too Chinese.”. Với họ: việc thừa nhận Việt Nam đã từng chia sẻ văn hóa và tôn giáo với Trung Quốc trong quá khứ đã là một chuyện khó chấp nhận huống chi lại là chuyện vấn đề huyết thống. Đó là tối kỵ. Vì thế người ta nghi ngờ căn cước của Le Minh Khai? Tại sao Blogger này lại không công khai tên thật, học hàm, học vị (nếu có), thậm chí là địa chỉ cơ quan nhà riêng số điện thoại, ảnh chân dung của mình trên blog giống như "phép lịch sự tối thiểu" của những người viết blog khác (có ví dụ được nêu danh kèm theo:))) ở Việt Nam? Vì thế theo họ rõ ràng là rất có “vấn đề”??? 

Nhân trường hợp này, cùng với rất nhiều trường hợp xung đột quan điểm khác xảy ra trước đây trong thế giới blog ở Việt Nam, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến Trung Quốc và Việt Nam, tôi nhận thấy nhiều người luôn luôn có xu hướng kết tội  những người có quan điểm trái ngược với mình thay vì tranh luận với họ bằng lý lẽ và chứng cứ. Có lẽ đó là “căn cước văn hóa” của người Việt Nam chúng ta chăng?

Theo tôi, entry này của Blogger Le Minh Khai là một bài viết khá muộn mằn về một câu chuyện đã cũ. Có lẽ Blogger Le Minh Khai không được biết, ở thời điểm nóng hừng hực kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội, những bộ phim có liên quan đến cụ Lý Công Uẩn (hoặc liên quan đến Thăng Long…) đều đã bị đem ra mổ xẻ tan nát dưới đủ mọi loại ý kiến ý cò, từ những lời phẫn nộ kêu gào gầm thét đến những bài phân tích bình luận sắc bén lạnh lùng như dao giải phẫu, thậm chí có bác Blogger nổi tiếng còn nhân cơ hội soạn hẳn một “xê ri” các entry về lịch sử áo mão xứ Việt ta để thanh minh cho các trang phục được sử dụng trong phim. Đại khái, nói chung, tóm lại: những gì Blogger Le Minh Khai chỉ ra, các đồng chí Blogger đầy lương tri, lương năng và lương thức xứ Việt ta cũng đều từng đề cập.  Theo như tôi hiểu, thì ý chính mà Le Minh Khai muốn nhấn mạnh trong entry này là: Vấn đề phim trường ở đâu không quan trọng, quan trọng là bộ phim đó phải chuyển tải được hồn cốt hình dáng phong tục tập quán nếp sống sinh hoạt (bao gồm quần áo mũ mão, đầu tóc, giày dép) của chính giai đoạn lịch sử mà bộ phim đề cập. Về phương diện này thì theo Le Minh Khai, bộ phim  Lý Công Uẩn—Đường tới thành Thăng Long hoàn toàn thất bại. Le Minh Khai có gợi ý một tư liệu : những ghi chép về An Nam của Trần Phu. Le Minh Khai cho rằng: những ghi chép có niên đại cuối thế kỷ XIII này cũng có có thể ứng dụng được vào đầu thời Lý. Và, với một chút châm biếm (hài hước?) quen thuộc thường thấy, Le Minh Khai gợi ý thêm là đáng lẽ các bộ phim nên có thêm một vài chi tiết lãng mạn đầy chất cinema (nhưng hợp lý) để tăng phần hấp dẫn cho bộ phim…vân vân và vân vân.

Tôi chưa thể tranh luận gì về các quan điểm của Blogger Le Minh Khai trong bài viết, tôi chỉ không nhất trí với "vụ" Trần Phu. Nếu có một tư liệu nào đó tham khảo cho đời sống sinh hoạt thời Lý Công Uẩn thì có lẽ tôi sẽ chọn những phần ghi chép về Giao Chỉ trong  Lĩnh ngoại đại đáp 岭外代答 của Chu Khứ Phi周去非thời Nam Tống thay vì những ghi chép của Trần Phu thời Nguyên.  


6 comments:

  1. Hic, lâu lắm mới thấy bài mới. Giá mà chị cũng sản xuất sòn sòn được như anh NL hay GM nhỉ :)

    ReplyDelete
  2. In this case, "Han gian" should be replaced by "Viet gian". In World War Two, some Chinese collaborated with Japanese (lam tay say cho nguoi Nhat) were named as "Han Gian" by the Chinese who were fighting the Japanese.

    ReplyDelete
  3. Cô Quách thử nghiên cứu hiện tượng này: http://leminhkhaiviet.wordpress.com/

    ReplyDelete
    Replies
    1. Kết luận của tôi về hiện tượng này là: Như thế là Blogger Le Minh Khai đã có một lực lượng fans hùng hậu rồi :).

      Delete
    2. Trước đây cũng có một trang chuyên dịch những bài viết của Blogger Le Minh Khai sang Tiếng Việt, nhưng sau một thời gian thì trang đó không còn hoạt động nữa. Blogger Le Minh Khai là một trong số ít ỏi những người nhiệt thành quan tâm đến sử học Việt Nam :). Việc phổ biến các quan điểm, nhận xét, suy nghĩ của blogger này về sử học Việt Nam cho những người không có điều kiện đọc được tiếng Anh tôi nghĩ rất bổ ích, nhất là trong bối cảnh sử học chính thống Việt Nam càng ngày càng đi vào bế tắc như hiện giờ.

      Delete