Wednesday, February 29, 2012

Cổ sử 4: “Sự kiện không tự nói về mình”


Cho Tam Uyển Trần Quang Đức

Thử đặt một câu hỏi thế này: tại sao trong hằng hà sa số các sự kiện đã xảy ra trong lịch sử, có những sự kiện được ghi chép lại, có những sự kiện lại không? (Nói theo một cách khác: Tại sao trong cùng một thời điểm, cùng một câu chuyện, cùng viết về một nhân vật, có sự kiện được sử gia này chép lại, nhưng lại bị sử gia khác lờ đi?). Loại bỏ các yếu tố khách quan, loại bỏ các yếu tố theo kiểu “viết sử theo chỉ đạo từ trên” (sử Nho gia có các tiêu chí của riêng mình), có những sự kiện sử gia biết rõ mười mươi nhưng họ nhất định không chép mà chỉ chăm chắm vào sự kiện khác. Điều đó cho thấy “quyền lực”của sử gia trong việc điều khiển các sự kiện dưới ngòi bút cả mình. Sử gia mới chính là những người “quyết định sự kiện nào được phát ngôn, theo trật tự nào và vào lúc nào” (Arnold Toynbee). Trước khi đặt bút chép sử, sử gia đã có sẵn một chủ ý, một mục tiêu và sự kiện chỉ là một chuỗi các chứng cứ được sắp xếp theo tính mục đích. Nói một cách khác, sử gia là mới chính là người “đem lại ý nghĩa” cho sự kiện. “Sự kiện không tự nói về mình” (Arnold Toynbee). Vì thế, tương tự, “đọc” được gì từ các sự kiện, xét cho cùng hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức diễn giải của người đọc. Sự kiện không bao giờ ở sẵn đấy cho chúng ta dùng. Chúng ta phải đọc nghĩa của sự kiện, cái đó, tôi gọi là “đọc sử”.

Lấy ví dụ từ một trường hợp cụ thể, sự kiện tranh cãi giữa phe Nguyễn Trãi và phe Lương Đăng về lễ nghi (bao gồm âm nhạc và ở đây tôi muốn bàn rộng thêm về chuyện triều phục) có thể diễn giải ra thành những nghĩa khác nhau tùy từng tiêu chí của người đọc, như trên blogCavenui (tôi vào đọc theo chỉ dẫn của bác thaothucsaigon và vì thế mới có bài viết này) chẳng hạn, là một “kiểu đọc”, một “kiểu đọc có chủ ý”. Khác với blog Cavenui, tôi “đọc” từ câu chuyện này một ý nghĩa khác, không thuần túy chỉ là chuyện tranh cãi nhã nhạc hay như chuyện ai Hoa hơn, ai Việt hơn (ở Việt Nam bây giờ hình như bất cứ chuyện gì dính dáng đến chuyện Hoa Việt mới được xem là hot? Một thứ mode tư duy của thời đại chăng?). Việc thiết định lễ nghi triều phục ở các triều đại “thường” (“thường” chứ không phải “luôn”) được chính sử chép tương đối tỉ mỉ vì nó là chuyện chính sự hệ trọng. Tuy nhiên, trong lịch đại vương triều Việt Nam chưa từng có việc hiệu định triều phục, nhã nhạc nào lại gây tranh cãi om xòm như dưới thời Lê Thái Tông. Bên cạnh ý nghĩa tranh chấp quyền lực quyết liệt giữa các phe phái trong triều đình (như sử gia Tạ Chí Đại Trường đã diễngiải), sự kiện giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng với tôi còn có thể được xem như là một chứng cứ cho thấy việc thiếu thốn sử sách điển tịch nghiêm trọng (điển tịch hoặc bị thiêu hủy, hoặc bị thất tán) của nước ta tại thời điểm đó. Nếu đọc lại toàn bộ diễn biến của sự kiện đó từ đầu đến cuối, chúng ta có thể thấy “cổ chế” là một câu hỏi thường xuyên được đặt ra mỗi khi động chạm đến vấn đề lễ nghi triều phục, là nỗi đau đáu của Trần Thái Tông, và cũng là nỗi đau đáu của những vị Nho thần như Nguyễn Trãi.

Thông thường, triều vua nào muốn sắp đặt lại lễ nghi triều phục thì những vị quan được giao nhiệm vụ sẽ dựa theo “tiền lệ” mà hiệu định. Tiền lệ nằm ở đâu, nằm trong sách kinh điển, trong các sách ghi chép về quy chế cổ, hoặc trong những ghi chép điển tịch của các triều trước. Theo như sử chép, từ dưới thời Lê Thái Tổ Nguyễn Trãi đã được giao cho việc chế định triều phục, nhưng đến tận thời Lê Thái Tông ông vẫn “vị cập thi hành” (chưa kịp thi hành). Đại Việt sử ký toàn thư không chép cụ thể là Lê Thái Tổ giao cho Nguyễn Trãi nhiệm vụ chế định triều phục vào năm nào nhưng có thể ngầm hiểu là từ sau khi ông được phong Quan phục hầu 冠服候 vào năm 1428. Suốt từ năm 1428 đến năm 1437, ngoài sự kiện can ngăn vua không bỏ áo tang năm 1434, Nguyễn Trãi xoay sở loay hoay mãi mà vẫn không dâng lên được một quy chế cụ thể nào về triều phục cho triều Lê, đến cuối cùng Lương Đăng chỉ dâng một tờ sớ là xong. Một người như Nguyễn Trãi mà lại không soạn nổi quy chế triều phục? Chỉ có một lí do duy nhất: Phải chăng ông trù trừ vì ông không có trong tay một điển tịch nào khả dĩ để có thể làm đầu mối, làm chỗ dựa, làm bằng cớ cho công việc hiệu định của mình. Có lẽ ông cần thời gian để truy xét lại sách vở và tìm kiếm thêm nguồn tư liệu từ phía Trung Hoa?

Sự thể rõ ràng hơn trong lời tâu của Lương Đăng sau khi bị đám các ông Nguyễn Trãi, Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến dâng tấu nghi ngờ về tri thức và tư cách chế Lễ tác Nhạc của ông ta. “ 制。今 已。 下。臣 ”. (Thần không có học thuật, không biết quy chế cổ. Nay những gì được chế định đều nằm hết trong những gì thần biết (được thấy) mà thôi. Nhược bằng chuyện thi hành hay không thi hành trông chờ cả nơi bệ hạ, thần đâu dám quyết riêng được.). “Không có học thuật” bởi vì ông ta vốn là một Thái giám chứ không phải là một Nho thần. “Không biết quy chế cổ” là bởi vì những gì ông ta biết về triều phục lễ nghi là những gì ông ta “sở kiến” khi còn làm Thái giám dưới triều tiên đế (Lê Thái Tổ), sự hiểu biết của ông ta chỉ dừng đến đó thôi, lễ nghi triều phục của đời trước thế nào thì ông ta không biết. Mà lễ nghi triều phục dưới triều Lê Thái Tổ thì vốn chỉ là đặt tạm ra để đáp ứng nhu cầu chính sự trước mắt (chính Lê Thái Tông cũng nghi ngờ về sự chính xác của quan phục, muốn đổi áo của quan tam phẩm từ hồng sang xanh cho hợp với “cổ chế” (quy chế cổ). Sau Lê Sát lấy cớ là quy định của tiên đế, Lê Thái Tông mới thôi).

Tuy nhiên Lương Đăng không phải là một Thái giám tầm thường: ông ta là người biết chữ (nếu không muốn nói là người có hiểu biết), (theo lời tâu của Bùi Cầm Hổ với Lê Thái Tông: “tiên đế dĩ tiêu thức tự dụng vi nội nhân” (tiên đế cho rằng [ông ta] là người có chữ nghĩa nên dùng làm nội nhân). Với trách nhiệm mà Lê Thái Tông giao phó, nếu ông ta muốn tìm hiểu “quy chế cổ” thì cũng không có gì là quá khó khăn nếu có điển tịch trong tay. Vấn đề là vào thời điểm đó, liệu có đủ điển tịch để ông ta tra cứu hay không?. Ngay trong lời tâu của Nguyễn Trãi khi phản bác lại Lương Đăng cũng rất mơ hồ, không trích dẫn rõ là những quy chế mà ông nêu ra khác với Lương Đăng là ghi trong sách nào, những triều nào đã thi hành. Người ta có thể nghi ngờ rằng, những quan điểm không khớp giữa ông và Lương Đăng, chính là sự khác nhau trong “sở kiến” giữa hai người. Nguyễn Trãi “sở kiến” nhiều hơn Lương Đăng vì ông là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, vì ông đã từng có giai đoạn làm quan dưới thời nhà Hồ. Nhưng “sở kiến” quan trọng nhất trong quan niệm của một Nho thần như Nguyễn Trãi phải là “điển tịch”. Không có điển tịch làm bằng, ông chỉ có thể dựa vào một lý lẽ duy nhất: Lương Đăng là một hoạn quan, ông ta không có tư cách để chế Lễ tác Nhạc.

Kết cục cuối cùng của Nguyễn Liễu chính là bằng chứng có sức nặng nhất cho thấy tại thời điểm đó, những điển tịch quan trọng  (trong đó có các bộ sử) của nước ta đã không còn. Bởi vì cho dù thế lực hoạn quan có lớn mạnh đến thế nào đi chăng nữa, thì trong cuộc tranh cãi trước mặt vua như thế, chỉ cần dâng lên một điển tịch làm chỗ dựa lý lẽ thì đám Nho thần đâu đến nỗi phải chịu nhục trước thế lực hoạn quan. Vấn đề là phe Nguyễn Trãi không có được những bằng chứng đó. Họ không có điển tịch. Nước ta sau cuộc chiến với nhà Minh hầu như đã không còn điển tịch.

Không có điển tịch nghĩa là không có rường mối. Không có rường mối thì mọi việc ắt loạn. Câu chuyện giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng không phải là khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử đại loạn và đầy bi thảm đó sao?

......................................................................................

Cùng một xâu: Cổ sử (1),  Cổ sử (2), Cổ sử (3)

12 comments:

  1. :D Cảm ơn chị Quách :D Bài viết hay, mỗi tội câu kết hơi chủ quan :D.

    -Em cũng để ý đến chi tiết Nguyễn Trãi được phong Quan Phục hầu, tuy nhiên, hóa ra cái tước hầu này được phong cho khá nhiều người, không chỉ Nguyễn Trãi, thời Trần đã có, cũng thời Nguyễn Trãi cũng có, cho nên em không dám manh động :D.

    -Việc vào thời Lê sơ, sử tịch mất "sạch" thì đã có nhiều cứ liệu. Nhưng ta cũng không nên một mực khẳng định sự "sạch trơn" ấy, bởi vì sau này còn có ĐVSKTT. Nói đúng hơn, vào thời bấy giờ, 1 số quy chế lễ nhạc "hữu danh vô thực", tức là chỉ biết tên gọi, không biết thực chất là thế nào. Như quy chế áo mão thời Hồ, tên gọi đủ cả, nhưng chỉ duy nhất biết được hình dáng của cái mũ Cao Sơn, cho nên trước thời điểm năm 1437, bá quan to nhỏ lớn bé đều đội 1 loại mũ.

    -Việc mất mát thư tịch, cần khảo lại thật kỹ. Rõ ràng, sử tịch bị hủy hoại đã có ảnh hưởng lớn tới mọi mặt đời sống cung đình. Song, bên cạnh đó, chính sự động loạn nhiễu nhương của triều chính cũng khiến lễ nhạc băng hoại. Chính Phạm Đình Hổ từng nói, cuối thời Trung Hưng, 1 mớ nhạc khí sờ sờ ra đấy, nhưng chẳng ai biết thổi ra làm sao.

    Sở dĩ em nói câu cuối chị viết mang tính chủ quan là bởi :D Sau khi lễ nhạc y quan của nhà Lê sơ phỏng theo Minh kể từ vụ tranh cãi giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng, thời vua Lê Thánh Tông còn tiếp tục phỏng Minh hơn nữa. Nhưng chính Lê Thánh Tông lại là ông vua sáng chói nhất, tư tưởng đế vương khủng khiếp nhất.

    ReplyDelete
    Replies
    1. He he, công nhận chú tinh thật, câu cuối là viết khi cà phê đã hết tác dụng. Thực ra nguyên bản của nó hơi khác tí, nhưng chị quyết định dành ý tưởng "sáng ngời trước khi vụt tắt vì hết tác dụng cà phê" đó lại cho một bài viết khác. :))

      Về Quan phục hầu, chị thấy rất lạ. Chị tra toét mắt, nhưng hình như bọn Trung Quốc nó không có cái tước này. Vì thế thực ra khi triển khai các ý tưởng chị nào cũng dám manh động đâu:D, có lẽ ta phải tra cứu kỹ hơn.

      Cho đến nay phần viết "An Nam phần thư" chị đã cơ bản khảo xong. (he he he). Thực ra thư tịch mất mát trong cuộc chiến với nhà Minh là không thể phủ nhận, nhưng trước đó, ở Việt Nam đã có 3 lần thư tịch bị hủy hoại nghiêm trọng, vì thế nhiều thư tịch quan trọng đã mất từ những lần cháy sách trước nữa chứ không phải đến bây giờ mới mất. Một vấn đề nữa mà chị quan tâm là có thực nhà Minh có chính sách cướp thư tịch An Nam để đưa về Kim Lăng hay không? Thực chất của truyện này là thế nào? Đến nay chỉ có Việt kiệu thư là dường như chép cụ thể về mấy cái sắc lệnh. Nhưng Việt kiệu thư thì không đủ để làm chứng cứ.

      Riêng về nhân vật Lê Thánh Tông, đã có lần chị phản biện một chú về vụ này. Ở đây chị chỉ có thể nói, để tạo nên được triều đại Lê Thánh Tông, cần có thời gian để chuẩn bị. Làm vua cũng phải chuẩn bị, mà làm bề tôi cũng thế. Phải cần đến một thời gian đủ để cho tất cả mọi thứ ngấm đủ độ và thăng hoa. Em cứ đọc lại đoạn đối thoại giữa Lê Sát và Nguyễn Trãi trong vụ Nguyễn Trãi xin tha cho mấy kẻ tội phạm trẻ tuổi thì sẽ thấy, khôi hài không thể tả được. Một triều đình non trẻ, với đám bề tôi như thế ở xung quanh thì sự nỗ lực của những vị Nho thần như Nguyễn Trãi và sự cố gắng của Lê Thái Tông cũng không thể thay đổi được bất cứ điều gì.

      Delete
    2. Quách cô nương có thể cho bà con đọc cái đoạn "tranh nuận" giữa Nguyễn Trãi và Lê Sát được ko. Muôn phần cảm tạ

      Delete
    3. Đó không phải là một cuộc tranh luận. Nó chỉ là một câu nói mát rất kinh điển của Lê Sát. Đọc trong "Đại Việt sử ký toàn thư" sẽ thấy, Lê Sát rất nhiều lần dùng những câu nói kiểu như thế để hạ gục đối thủ. Đoạn đó tôi tạm dịch như sau:

      Có 7 tên ăn cắp [can tội] tái phạm, tuổi đều còn trẻ, hình quan cứ nhè theo luật [phán bọn chúng] đáng tội chém. Đám đại tư đồ Lê Sát thấy giết nhiều người như thế kia trong lòng khó xử lắm. Vua mới đem chuyện ấy hỏi Thừa chỉ Nguyễn Trãi, Nguyễn Trãi dâng lời: "Kinh Thư có câu "Hãy định an chỗ của ngươi", phần truyện sách Đại học thì viết: "tri chỉ nhi hậu hữu định" (biết ở vào chỗ chí thiện thì chí sau đó ắt có định hướng). Thần xin được giải nghĩa chữ "chỉ" cho bệ hạ nghe. "Chỉ" cũng có nghĩa là "an sở chỉ" (định an chỗ của mình), giống như trong cung chính là chỗ "an" của bệ hạ, khi nào xuất hành ra chỗ khác thì không thể "thường an", phải quay về trong cung thì bệ hạ mới định an chỗ của mình. Người làm vua đối với nhân nghĩa cũng giống như thế, tồn tâm lấy nhân nghĩa mà định an chỗ của mình. Cũng có lúc phát uy nộ, nhưng rốt cục [uy nộ] cũng không thể mãi được. Nguyện bệ hạ lưu tâm lời nói của thần".

      Bấy giờ đám Sát và Ngân mới nói [mát] rằng: "Ông có nhân nghĩa có thể cảm hóa ác thành thiện, vậy cảm phiền giao phó chúng cho ông". Bèn sai
      các ông Trãi và Thiên Tước gánh trách nhiệm nhận lấy đám tù.

      Nguyễn Trãi nói: Chúng là bọn ranh con ương bướng, giảo hoạt, pháp chế của triều đình còn không trị nổi chúng, huống hồ là đám Trãi tôi đức mỏng sao có thể cảm hóa chúng được"

      Lâu sau phán chém 2 đứa số còn lại xử đầy ra nơi xa xôi hoang địa.

      Delete
    4. Cảm ơn bạn Quách. Cái lối ngụy biện này đến ngày nay cũng vẫn thường gặp. Hẳn là Lê Sát ko thiếu hậu duệ.:))

      Delete
  2. -Tước Quan phục hầu, em cũng tra kỹ rồi, em rất ngờ rằng, Quan phục hầu, Trước phục hầu... đều là tước trật made in Việt Nam. Tuy nhiên, có thể khẳng định, Quan phục hầu, hay thậm chí Quan phục đại vương với việc đặt định ra quan phục không có can hệ gì cả. Trâu Canh là tay "thần y" chữa bệnh bất lực, mà vẫn được ban tước Quan phục hầu đó thôi.

    -Vụ An Nam phần thư, trước khi nhà Minh xâm lược, thấy các cụ bảo bọn Chiêm Thành vào đốt phá, sách vở thành đống tro tàn rồi. Cần lưu ý rằng, Việt kiệu thư ghi rất rõ các lệnh đốt sách, song chính Minh thực lục lại dẫn lời của vua Minh Thành tổ, bảo rằng vào nước ấy thì cấm có đốt :D Vụ này không đơn giản chị ạ. Tuy nhiên, bất kể nguyên nhân bắt nguồn từ đâu, thì việc sách vở mất mát nghiêm trọng vào đầu thời Lê sơ là việc rõ như ban ngày rồi.

    -Vụ Lê Thánh Tông, mấy ý của chị rất hay, em sẽ ngẫm nghĩ kỹ hơn, chị em mình bàn sau :D

    ReplyDelete
  3. Triều đình quan chức đội mỗi kiểu mũ CAO Sơn, cho thấy bấy giờ cái ý thức về việc mặc U - ni- phom (đồng phục) là rất cao.
    Về tước Quan phục hầu, nghe giang hồ đồn là phong cho những người xuất thân từng làm nghề thợ may, không biết hư thực thế nào?

    ReplyDelete
    Replies
    1. "Chứng cứ bất tường, vô dĩ khả khảo" :)):)):))

      Delete