Sunday, May 29, 2011

Cổ sử (3): Tư liệu và công trình nghiên cứu của người nước ngoài về Việt Nam (đã được dịch sang tiếng Việt)

Nhớ được cuốn nào thì tôi sẽ liệt kê cuốn đó không theo một trật tự nhất định. À, nếu có thì hình như là theo thứ tự giảm dần về mặt thời gian xuất bản. Tuy nhiên vì đây là liệt kê theo sức đọc của cá nhân tôi nên có thể danh sách sẽ không đầy đủ. Trong danh mục dưới đây một vài cuốn sẽ có kèm link bản dịch trên mạng.

Phần tư liệu

 1. Tuyển tập tư liệu phương Tây, (nhóm dịch do PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì), NXB Hà Nội, 2010. Cuốn sách là một công trình khảo dịch công phu những tư liệu của người Phương Tây viết về Đàng Ngoài từ thế kỷ XVII cho đến năm 1945 từ nhiều thể loại: thư, nhật ký, hồi ký, những ghi chép dạng du ký, các bản ghi nhớ, các bài báo…. của các giáo sĩ, thủy thủ, nhà du hành, thương nhân, các sĩ quan (giai đoạn đầu Pháp thuộc). Có người trong số họ chỉ từng một lần đặt chân đến Đàng Ngoài, có người đi lướt qua nó,  nhưng cũng có người lại gắn bó với xứ sở này trong một thời gian dài. Điều đáng tiếc vì đây là một cuốn sách thuộc “Dự án sách 1000 năm Thăng Long Hà Nội” nên những tư liệu được chọn dịch chỉ liên quan đến Đàng Ngoài, phần liên quan đến Đàng Trong không được nhắc đến. Cuốn sách bắt đầu từ Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài của cha Baldinotti- một tư liệu được xem là sớm nhất của phương Tây ghi chép về Việt Nam (đọc bản dịch khác của tư liệu này tại đây) và kết thúc bằng Hà Nội lớn (năm 1942) của Pineau (một kiến trúc sư thuộc Sở Quy hoạch đô thị Trung ương). Tuyển tập tư liệu phương Tây có thể được xem như một tư liệu đối sánh với những ghi chép trong sử Nho gia của Việt Nam giai đoạn từ thế kỷ XVII trở đi. Có rất nhiều chuyện không được ghi chép trong sử chính thống của nhà Nho nhưng lại có thể tìm thấy trong một lá thư của một giáo sĩ người Bồ Đào Nha hay trong nhật ký của một thủy thủ người Hà Lan (những công cuộc buôn bán, trao đổi hàng hóa, tiền tệ, cống vật…vân vân)….Những mô tả tỉ mỉ về đời sống chốn dân gian, sự xuất hiện của người nước ngoài tại Kẻ Chợ, những cuộc tiếp xúc giữa quan lại người Việt với người phương Tây cho thấy một cuộc sống hoàn toàn sôi động trong xã hội Kẻ Chợ lúc bấy giờ, điều mà người ta không tìm thấy trong các bộ sử chữ Hán ở Việt Nam. Trong tập tài liệu này có hai tư liệu mà tôi quan tâm nhất chính là Mô tả vương quốc Đàng Ngoài của Samuel Baron và Lịch sử tự nhiên, dân sự, và chính trị xứ Đàng Ngoài  của Richard.  Cha của Samuel Baron vốn là đại diện cho công ty Đông Ấn Hà Lan tại Kẻ Chợ. Bản thân Samuel Baron sau này cũng làm việc cho công ty Đông Ấn Anh tại đây, ông từng có một thời gian dài sống ở Đàng Ngoài nên những ghi chép của ông có cơ sở để tin cậy. Một điểm đáng chú ý khác là Samuel Baron không viết về Đàng Ngoài dưới dạng du ký như nhiều nhà du hành hoặc thương buôn phương Tây khác. Đàng Ngoài dưới con mắt của Samuel Baron không phải là một vùng đất ông lướt qua trong một chuyến đi mà những miêu tả tỉ mỉ về xứ sở này với sự phân chia các chương mục rất rõ ràng, đưa ra cả những số liệu cụ thể giống như một công trình khảo sát của một nhà dân tộc chí cho thấy ông rất am hiểu vùng đất này.

2. Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh  về Kẻ Chợ - Đàng Ngoài thế kỷ XVII (TS Hoàng Anh Tuấn biên soạn), NXB Hà Nội 2010. Không cần mô tả lôi thôi rắc rối, mời các bác trực tiếp nghe TS Hoàng Anh Tuấn nói về cuốn sách này tại đây. Một lưu ý nữa là bác nào quan tâm đến kinh tế Việt Nam thế kỷ XVII thì nên đọc cuốn này vì ở phần Phụ lục tác giả có đưa kèm những nghiên cứu của mình về mậu dịch tơ lụa, mậu dịch kim tiền, xuất khẩu gốm sứ ở Đàng Ngoài giai đoạn này với những số liệu rất cụ thể.

3. Văn hóa tín ngưỡng và thực hành tôn giáo người Việt (3 tập), Leopold Cadiere, Đỗ Trinh Huệ dịch, NXB Thuận Hóa, Huế 2010. Trước bộ sách 3 tập này đã có một cuốn tên Văn hóa tôn giáo tín ngưỡng Việt Nam của Leopold Cadiere, Đỗ Trinh Huệ dịch NXB Thuận Hóa, Huế, 2006. Bản năm 2006 chính là nội dung tập 1 và một phần trong tập 2 của bộ 3 tập xuất bản năm 2010. Bạn Nhị Linh lâu rồi có nói về vụ giới từ của người Việt, ông Leopold Cadiere cũng có nói về chuyện đó trong phần viết “Một vài quy luật tư duy nơi người Việt, nhìn từ ngôn ngữ của họ’ (tập 3). Những quan sát và lý giải của Leopold Cadiere về phong tục, tập quán, tín ngưỡng và ngôn ngữ người Việt rất có giá trị tham khảo, tuy nhiên đối tượng quan sát chính của ông chỉ giới hạn ở địa phận Huế và các vùng phụ cận (hay nói cách khác là ở vùng Thuận-Quảng).

4. Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà 1792-1793 , J. Barrow, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, Công ty cổ phần Từ Văn và NXB Thế giới, 2011. Có một cảm nhận: đọc cuốn này thi thoảng quên béng mất là mình đang đọc những ghi chép về Đàng Trong mà tưởng mình đang đọc tiểu thuyết của Jules Verne :)) :)) :)). Trong cuốn này có một bảng so sánh những từ đơn Trung Quốc, tiếng Anh và tiếng Việt (Đàng Trong), đây là một ghi chép quan trọng.

5. Đông Dương ngày ấy 1898-1908, Claude Bourrin, Lưu Đình Tuân dịch, Nhà xuất bản  Lao động và Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, 2009. Một cái nhìn về An Nam dưới con mắt của một viên chức ngành thuế. Với những ghi chép thú vị, Claude Bourrin (người đã từng ở Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội, Sài Gòn) sẽ cung cấp cho người đọc những thông tin rất đỗi bình thường về cuộc sống của chính ông và những người xung quanh ông tại những nơi ông đã đi qua.

6. Lịch sử cuộc viễn chinh Nam Kỳ năm 1861, Léopold Pallu, Hoang Phong dịch, NXB Phương Đông, 2008.

7. Một chuyến du hành đến Đàng Ngoài năm 1688 , William Dampier, Hoàng Anh Tuấn dịch, chú thích viết lời tựa, Nguyễn Văn Kim hiệu đính- NXB Thế giới, 2006

8. Những người Châu Âu ở nước An Nam, Charles B. Maybon, Nguyễn Thừa Hỷ dịch, NXB Thế giới 2006

9. Quảng tập viêm văn, Edmond Nordemann, Nguyễn Bá Mão biên dịch và chú thích bổ sung, NXB Hội Nhà Văn và Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, 2006. Một tài liệu thú vị cho những ai quan tâm đến tiếng Việt cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.
10. Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Jean Baptiste Tavernier, Lê Tư Lành dịch, Nguyễn Thừa Hỷ hiệu đính- NXB Thế giới, 2005. Một ghi chép mà sau này bị Samuel Baron mắng mỏ chê bai tơi bời trong Description of the Kingdom of Tonqueen (1683) (Mô tả vương quốc Đàng Ngoài 1683). Samuel Baron cho rằng Tavernier đã mô tả thiếu chính xác về Đàng Ngoài thí dụ như những ghi chép về khí hậu, tên gọi các loại thực vật, diện tích lãnh thổ,  (Tavernier cho rằng diện tích Đàng Ngoài tương đương Pháp), sai lầm trên các bản đồ, và thậm chí tưởng tượng hoang đường nhiều tình tiết như lễ đăng quang lên ngôi của vua, theo Samuel Baron, Tavernier đã bịa đặt trắng trợn chi tiết này. Nói tóm lại những gì bác Tavernier cho là kỳ thú đều bị bác Samuel Baron dìm hàng thê thảm. Nhưng thực ra Samuel Baron hoàn toàn có lý khi phê phán những ghi chép của Tavernier.
11. An Tĩnh cổ lục, (Hippolyte le Breton), NXB Nghệ An, Trung tâm ngôn ngữ Đông Tây, 2005
12. Hà Nội giai đoạn 1873-1888, André Masson, Lưu Đình Tuân biên dịch, Nhà xuất bản Hải Phòng, 2003
13. Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài (1627-1646), Alexandre de Rhodes, đọc bản dịch tiếng Việt tại đây.
14. An Nam cung dịch kỷ sự (Ký sự phục dịch ở An Nam) của Chu Thuấn Thủy (tác giả làm quan dưới triều Minh. Nhà Minh mất ông lưu lạc sang Đàng Trong một thời gian. Không tìm được chỗ phát huy sở đắc của bản thân dưới trướng chúa Nguyễn, ông tìm đường sang Nhật Bản và trở thành một nhân vật rất nổi tiếng tại đây). Đọc bản dịch tại đây.
15. Xứ Đàng Trong năm 1621, Cristophoro Borri, Hồng Nhuệ-Nguyễn Khắc Xuyên và Nguyễn Nghị dịch, chú thích, NXB Thành phố Hồ Chí Minh, 1988). Đọc bản dịch tại đây.


16. Đông Dương ngày xưa và ngày nay, Henri Cucherousset, Vũ Công Nghi dịch, đọc bản dịch tại đây

17. Xứ Bắc Kỳ ngày nay, Henri Cucherousset, Trần Văn Quang dịch, đọc bản dịch và download tài liệu tại đây
18. Hải ngoại kỷ sự, Thích Đại Sán, Viện Đại học Huế, 1963.

Công trình nghiên cứu

1. Người nông dân châu thổ Bắc kỳ, Pierre Gourou, NXB Trẻ, 2003

3. Luật và xã hội Việt Nam thế kỷ XVII-XVIII, Insun Yu, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994

4. Quan và lại ở miền Bắc Việt Nam một bộ máy hành chính trước thử thách (1820-1918), Emmanuel Poisson, (Đào Hùng & Nguyễn Khắc Sự dịch), NXB Đà Nẵng, 2006

5. Lịch sử Hà Nội, Philippe Papin, Nhã Nam và Nhà xuất bản Mỹ Thuật, 2009

6. Nước Đại Nam đối diện với Trung Hoa và Pháp 1847-1885, Yoshiharu Tsuboi, Nhã Nam và NXB Tri Thức, 2011.
           
7. Xứ Đàng Trong-Lịch sử kinh tế, xã hội Việt Nam thế kỉ 17 và 18, Li Tana, (Nguyễn Nghị dịch), NXB Trẻ, 1999. (Bản này của mình vốn chỉ có bản photo nhưng giờ đã biến mất trên giá sách, ngồi thiền nguyên cả tuần mà cũng không nhớ ra là đã cho ai mượn, thế có chết mình không cơ chứ. Hừ!)

8. Vùng đất Nam Bộ dưới triều vua Minh Mạng, Choi Byung Wook, Công ty cổ phần Từ Văn và NXB Thế giới, 2011.

9. The birth of Vietnam, Keith Weller Taylor, bản dịch tiếng Việt đọc tại đây.

10. Các bác có thể đọc bản dịch các công trình nghiên cứu người  nước ngoài viết về cổ sử Việt Nam của Ngô Bắc tại đây.

11. Các bác có thể download rất nhiều tài liệu số hóa người phương Tây viết về Việt Nam ở địa chỉ này.


 Phần tài liệu cổ  sử Trung Hoa ghi chép về Việt Nam sẽ nằm riêng ở một mục khác.

6 comments:

  1. Nếu muốn tra lục khá đầy đủ các tài liệu của tây phương viết về Việt Nam xin đọc cuốn "Bibliographie Critique sur les Relations entre le Viet-Nam et l'Occident (Ouvrages et Articles en Langues Occidentales)", NXB Maisonneauve & Larouse, Paris, 1967. Trong tác phẩm này, tác giả Nguyễn Thế Anh, nguyên GS sử học của các viện đại học Sài Gòn và Huế trước năm 1975, liệt kê 1627 tác phẩm và văn kiện.

    ReplyDelete
  2. Ồ, vô cùng cảm ơn bác đã chia sẻ thông tin. GS Nguyễn Thế Anh thì đương nhiên là tôi có nghe tiếng và đã đọc tác phẩm của ông. Cuốn "Kinh tế và xã hội Việt Nam dưới các vua triều Nguyễn" chẳng hạn, cuốn này đã được NXB Văn học in lại vào năm 2008.

    Tôi sẽ tìm đọc cuốn thư mục trên, giá nó có bản số hóa thì tốt quá. Tuy nhiên ở bài post trên tôi chỉ giới hạn những tư liệu đã được dịch ra tiếng Việt để cho bạn đọc, những người quan tâm biết thông tin có thể tìm đọc.

    ReplyDelete
  3. Tiện có tư liệu này, upload gửi những người quan tâm:
    http://tuancuonghn.blogspot.com/2011/06/nguyen-anh-sach-tay-ve-viet-nam-bao-cu.html

    ReplyDelete
  4. Tặng bạn Quách Hiền mấy cái này:
    http://www.persee.fr/web/revues/home/prescript/tag/28841?_Prescripts_Search_pageToDisplay=0

    http://www.thuvienso.info/index.php/tap-chi/chitiet/xem/index.php?searchkeywords=T%E1%BA%ADp+san+nghi%C3%AAn+c%E1%BB%A9u+V%C4%83n+S%E1%BB%AD+%C4%90%E1%BB%8Ba&nhom_id=0&search=T%C3%ACm+ki%E1%BA%BFm&option=com_thuvientructuyen&act=timkiem&task=#axzz1OQHf6xZ3

    ReplyDelete
  5. Cảm ơn bác Nặc danh tốt bụng. Tôi có một chút thắc mắc là trang thư viện số kia là do cá nhân hay tổ chức nào thành lập? Tôi có đọc lời giới thiệu về trang đó nhưng không thấy nói rõ.

    Tôi đã có các tạp chí số hóa sau đây: Văn Sử Địa, Văn Sử, Nam Phong, Tri Tân, Thanh Nghị, Đăng cổ tùng báo, Nông cổ mín đàm,...Đại khái thế, hy vọng bác nào có các số báo số hóa khác, đặc biệt là Phong Hóa, Văn hóa nguyệt san, tuần báo Minh Tân... có thể chia sẻ hoặc trao đổi thì xin mách cho tôi, tôi vô cùng cảm ơn ạ!

    ReplyDelete