Thursday, November 11, 2010

Kỹ nữ, thương nhân, hải tặc (hải đạo)

Thường xuyên đặt các vấn đề của lịch sử Việt Nam vào trong phạm vi khu vực, nhưng nhìn từ góc độ của những nhân vật bàng tuyến như: kỹ nữ, thương nhân và hải tặc, từ đó tìm đọc những công trình nghiên cứu có liên quan về nhóm nhân vật này là một trong những mối quan tâm dễ chịu của tôi (có những mối quan tâm không hề dễ chịu một chút nào, mỗi lần động đến là “chiến chiến căng căng” như dẫm trên băng mỏng). Cần các luận chứng thuyết phục hơn nữa, nhưng cá nhân tôi luôn cho rằng kỹ nữ, thương nhân, hải tặc là những nhân vật góp phần không nhỏ tạo nên lịch sử của nhiều đô thị ở Châu Á thời trung cận đại.

Hay ở chỗ, cái gì  của Trung Quốc cũng có thể biến thành một bộ phận của “văn hóa”.  Vì thế, họ có khá nhiều công trình về “thanh lâu văn hóa”, nghiên cứu vai trò của các  kỹ nữ và những ảnh hưởng của “môi trường thanh lâu” đối với  lịch sử Trung Quốc nói chung và văn học Trung Quốc nói riêng như các cuốn  Thanh lâu dữ Trung Quốc văn hóa, Thanh lâu văn học dữ Trung Quốc văn hóa, Thanh lâu văn hóa dữ Trung Quốc văn học nghiên cứu...Trong bộ tùng thư nghiên cứu về lịch sử thành phố Thượng Hải, cuốn Prostitution and sexuality in Shanghai: a social history, 1849-1949  (Bản dịch tiếng Trung: Thượng Hải kỹ nữ: 19-20 thế kỷ Trung Quốc đích mại dâm dữ tính) của Christian Henriot tương đối đặc biệt. Nhà nghiên cứu người Pháp này cho rằng: nghiên cứu lịch sử từ góc độ mại dâm  là một hướng nghiên cứu rất thú vị. Kỹ nữ là những người đứng bên lề nhưng họ lại là đối tượng tiếp xúc với hầu hết mọi giai tầng trong xã hội. Họ đứng ở điểm giao của sự phân chia ranh giới: một bên là một nhóm người bị xã hội vứt bỏ, một bên là xã hội đã cự tuyệt họ và bị họ cự tuyệt. Từ những nghiên cứu rất chi tiết về hoạt động mại dâm (đội ngũ kỹ nữ, quy mô hoạt động, tính kinh tế, và những hoạt động xã hội gắn liền với nghề mãi dâm ở Thượng Hải….),  Christian Henriot cho rằng: chính hoạt động mại dâm đã thúc đẩy tốc độ hiện đại hóa vũ bão ở Thượng Hải từ 1842 đến 1949.

Các công trình nghiên cứu về thương nhân của Trung Quốc tập trung nhiều nhất vào đội ngũ thương nhân thời Minh Thanh: như Minh Thanh thương nhân văn hóa nghiên cứu, Minh Thanh thời đại thương nhân cập thương nghiệp tư bản, Nho gia luân lý dữ thương nhân tinh thần, Trung Quốc cận thế tông giáo luân lý dữ thương nhân tinh thần. Những công trình này nghiên cứu địa vị và ảnh hưởng của thương nhân trong xã hội (đặc biệt là trong xã hội  của những đô thị trung tâm) từ đó cho thấy quy luật phát triển của nền kinh tế phong kiến Trung Quốc. Tính di động của đội ngũ thương nhân  tạo cho họ một vị trí đặc biệt trong sự phát triển của các đô thị Châu Á thời trung đại. Thương nhân chính là cầu nối và là đối tượng trung chuyển văn hóa giữa thành phố này với thành phố khác, thậm chí là từ khu vực này sang khu vực khác. Chính tính di động này cũng đã tạo nên một mối quan hệ cũng rất đặc biệt trong lịch sử Trung Quốc: thương nhân-kỹ nữ. Không phải tự nhiên mà những câu chuyện về mối tình thương nhân-kỹ nữ  lại chiếm đại đa số trong tiểu thuyết diễm tình Minh Thanh (nhiều hơn cả mối tình Sĩ nhân- kỹ nữ). Nhu cầu đọc của thương nhân và thị dân bình dân đã thúc đẩy sự phát triển của văn học thông tục Trung Quốc dưới thời Minh Thanh. Những cuốn sách được thương nhân mang theo trong các chuyến di chuyển giữa vùng này với vùng khác vô tình đã tạo nên một sự lưu chuyển văn hóa.  Rất nhiều tiểu thuyết diễm tình của Trung Quốc, những cuốn sách viết về tình dục như Tham hoan báo, Nhục bồ đoàn,…thậm chí là Kim Vân Kiều Truyện của Thanh Tâm Tài Nhân xuất hiện ở Việt Nam có thể đều qua trạm trung chuyển thương nhân. (Một trạm khác là qua các đoàn đi sứ. Trong sách vở mang về nước, bên cạnh những bộ sách do vua Trung Quốc ban tặng, còn có rất nhiều những sách do các quan lại mua về do sở thích cá nhân. Tuy nhiên nhiều sách cấm đã bị ách lại trong trạm kiểm soát ở biên giới).

Giao thương qua đường biển đem lại lợi nhuận rất lớn nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Một trong những nguy cơ đó là: hải tặc. Trong khu vực, hải tặc Trung Quốc có một vị trí vô cùng quan trọng, chi phối lớn đến hoạt động thông thương trên biển. Nhà nghiên cứu lịch sử Trịnh Quảng Nam (vốn là con cháu của Trịnh Chi Long, một “hải đại khấu” nổi tiếng), vì muốn lật lại vụ án cho tiền nhân nên đã quyết định nghiên cứu về lịch sử cướp biển Trung Quốc. Trong cuốn Trung Quốc hải đạo sử ông đã trình bày lịch sử hình thành và phát triển của hải tặc Trung Quốc, vị trí, vai trò, ảnh hưởng, sự chi phối của lực lượng này đến hoạt động thông thương, thậm chí là cả các hoạt động chính trị tại Trung Quốc và trong khu vực.. “Hải tặc” từ rất sớm đã được chép trong các bộ sử Trung Quốc như Hậu Hán thư, Tam Quốc chí, Tấn thư, Ngụy thư, Tùy thư, Cựu Đường thư, Tân Đường thư, Tống sử, Nguyên sử, Minh sử, Minh sử cảo, Thanh sử cảo, Tư trị thông giám, Tục tư trị thông giám, Mông Ngột Nhi sử ký, Nguyên sử kỷ sự, Tân Nguyên sử, Minh sử kỷ sự bản mạt, Sùng Trinh trường biên, Minh thực lục, Thanh thực lục, Minh Thanh sử liệu… vân vân và vân vân (chưa kể đến các bộ địa phương chí).. Nghiên cứu về cướp biển Trung Quốc còn có học giả người Nhật Matsuura Akira với cuốn Trung Quốc hải thương dữ hải tặc, bên cạnh đó còn có một loạt những công trình và các luận án nghiên cứu về “hành vi và tổ chức cướp biển Quảng Đông dưới đời Thanh” hay “cướp biển thời Gia Long với sự manh nha của chủ nghĩa tư bản Trung Quốc) (về kỹ nữ cũng có một chương viết tương tự: “thanh lâu văn hóa với sự manh nha của chủ nghĩa tư bản triều Minh). Riêng ở Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường đã từng đề cập đến vai trò của cướp biển trong cuộc khởi nghĩa Tây Sơn. Vấn đề đó, còn có thể tham khảo bài nghiên cứu của Dian H Murray ở đây, qua bản dịch của Ngô Bắc.


Cách đây 1 năm khi tôi đọc Sư tử và rồng, và bây giờ là Tư liệu các công ty Đông Ấn Hà Lan và Anh về Kẻ Chợ-Đàng Ngoài thế kỷ XVII của Hoàng Anh Tuấn, cùng với sự xuất hiện của các tầu buôn và các trụ sở thương điếm của người Hà Lan và Anh tại Kẻ Chợ, từ sự bùng nổ của hoạt động mại dâm dọc tuyến sông có sự thông thương với tầu buôn nước ngoài, từ sự phát triển và nhanh chóng lụi tàn của các đô thị hải cảng, tôi đã nghĩ: vậy ở Việt Nam: kỹ nữ, thương nhân và hải tặc có vai trò như thế nào trong sự phát triển của các đô thị trung tâm, nhất là các hải cảng ven biển từ thế kỷ XVII-XVIII? Thực chất có hay không vai trò của họ trong quá trình phát triển ấy?

8 comments:

  1. Em Luân (chắc it tuổi hơn em- K45 sao đó) bên Viện VN học và KHoa học phát triển- đang làm NCS về hoạt động của hải tặc đó em. Hoàng Anh Tuấn và Luân đều hứa cho chị tư liệu về Gai điếm để chị mở rộng đề tài về Mại dâm ( nhưng ở VN chứ không phải TQ- hihi)

    ReplyDelete
  2. Chị ơi, chị làm đề tài về Mại dâm là thời trung đại hay cận đại ạ? Em đang đọc lại những ghi chép lịch sử và các lệnh chỉ liên quan đễn hoạt động mại dâm và hải tặc trong các bộ sử Việt Nam, thấy có rất nhiều điều thú vị.

    Em lấy một thí dụ thế này ạ:

    Trong "Đại Việt sử ký toàn thư" có 3 lần chép chuyện liên quan đến kỹ nữ. Bản dịch tiếng Việt đều dịch chung là “kỹ nữ”, nhưng thực chất ở 3 lần ghi này các nhà sử học dùng các từ rất khác nhau. Dưới thời Lê Hoàn, nói chuyện đánh Chiêm Thành, bắt “cung kỹ” (宫妓) hơn 100 người. Lần ghi thứ hai là vào đời Cảnh Thống năm thứ 4, vua ngự về Tây Kinh, cấm các quan theo hầu mang vợ và “nữ kỹ” (女妓) đi theo. Lần thứ ba là vào năm 1592, Vũ quận công bắt Mạc Mậu Hợp và 2 kỹ nữ (妓女) dâng về Kinh.

    Ở đây em nghĩ cần có sự khu biệt. Nếu cứ dịch chung là "kỹ nữ" như bản tiếng Việt sẽ có nhiều hiểu lầm.

    Cuốn của anh Hoàng Anh Tuấn rất hay, nhưng em có chút không thỏa mãn. Thí dụ anh ấy nói là trong một báo cáo của viên giám đốc thương điếm Anh ở Thăng Long viết rằng thủy thủ ốm yếu vì "hoang dâm vô độ" nhưng lại không nói rõ cái báo cáo í nó vào năm nào để em còn có sự đối sánh sang các sắc lệnh của triều đình Việt Nam cùng thời điểm.

    ReplyDelete
  3. Đề tài của chị chỉ đơn giản là báo chí tiếng Việt thời cận đại với vấn đề mại dâm thời Pháp thuộc. Chị có đăng một bài trên tạp chí Nghiên cứu Gia đình và giới năm 2008.
    Hiện nay người ta quan tâm đến chính sách của Pháp đối với vấn đề mại dâm ở VN thời Pháp thuộc vì Pháp là nươc hiếm hoi công nhận mại dâm là một nghề. Hiện nay cũng có xu hướng muốn coi mại dâm là một nghề hợp pháp trên quan điểm nó là một tồn tại xã hội, người ta không thể xóa bỏ nó vậy thì chấp nhận nó để có thể kiểm soát ( về mặt bệnh tật và mặt lây lan )và bảo vệ quyền lợi của những người phụ nữ làm nghề này ( trên quan điểm về quyền con người- ở Mỹ có tranh luận về vấn đề này). Vì thực tế nếu để ở tình trạng bất hợp pháp sẽ không thể quản lý và không thể bảo vệ người phụ nữ trong trường hợp những người mua dâm có bệnh hoặc sở thích quái đản/ bạo dâm...
    Năm ngoái chị cùng 3 người nữa ( 1 ở Mỹ, 1 ở Singapo, một ở Pháp ) đã cùng đăng ký một tiểu ban: “Pretty Ladies for a High Price: Prostitution and Colonial Vietnamese Society 1880-1954” tại ICAS6 tổ chức ở Hàn Quốc. Họ đã lên lịch phòng , giờ cho tiểu ban này,nhưng cuối cùng phải bỏ vì 3/4 người không xin đươc tài trợ để đến dự. Năm 2011 họ tổ chức ở Hawaii, có gửi giấy mời, nhưng nghĩ đến chuyện xin tiền để đi , thấy nản lại thôi :). Trong sô người đăng ký dự ICAS6 có một chị ở Mỹ tìm hiểu về "cô đầu" và hoạt động mại dâm thời Pháp. Chị có giúp cô này tìm đọc tài liệu về vấn đề này.
    Để tham gia HT đó chị định sẽ mở rộng thêm về vấn đề mại dâm ở VN, trọng tâm vẫn là mại dâm thời Pháp thuộc. Và lúc đó Luân và Tuấn nói có nhiều tư liệu về vấn đề này, nhưng chị chưa có thời gian để tiếp tục vì đang thực hiện một đề tài khac. Có lẽ chị sẽ trở lại vấn đề này sau khi kết thúc đề tài đang làm.
    Về thông tin của Hoàng Anh Tuấn, nếu em cần biết rõ có thể liên hệ với anh ấy để hỏi mà. Em định làm Luận án TS về đề tài này sao? Liệu chúng ta có thể nghĩ đến việc hợp tác làm đề tài này không nhỉ?

    ReplyDelete
  4. Ồ, có lẽ em có một số tư liệu muốn chia sẻ với chị. Em để ở đây một cái link có liên quan đến vấn đề của chị:

    http://duylynhan.blogspot.com/2009/07/mai-dam.html

    Còn những vấn đề cụ thể khác, em xin phép mail cho chị ạ :)

    ReplyDelete
  5. Bạn chị gửi cho chị cái link này có vẻ khá thú vị cho những người nghiên cứu lịch sử thời thuộc Pháp. Em xem có dùng được gì không nhé (trên mỗi ảnh đều có chú thích bằng tiếng Pháp, em thử nhờ bạn Giò Trắng xem xem nói cái gì) http://www.flickr.com/photos/13476480@N07/show/with/4514239546/

    ReplyDelete
  6. Em cảm ơn chị So. Hôm trước tình cờ đi uống rượu với anh TQ, nhắc lại vụ cà phê bờ biển, chợt nhớ chị và Xanh. Chẹp, biết bao giờ tái ngộ...:)

    Cái gì khó nhằn kiểu như "Những kẻ thiện tâm" hay "thiện tiếc" thì mới làm phiền đến bạn Giò Trắng (mặc dù em nghi ngờ về độ Trắng của cái Giò ...He he he), còn mấy chữ dịu dàng, nhẹ nhàng trong mấy bức ảnh trên em cũng có thể xử lý được ạ...:))

    ReplyDelete
  7. chao Hien, tai lieu cua nguoi Anh la nam 1694, neu can minh se gui Hien cai trang ta lieu do de tham khao, gui cho minh email cua Hien vao tonkinvn@yahoo.com, minh se reply lai cho, the nhe
    than men
    Tuan khoa Su

    ReplyDelete
    Replies
    1. Cảm ơn anh Tuấn. Em đã email cho anh theo địa chỉ hòm thư trên.

      Delete