Tuesday, November 16, 2010

Gian truân người phụ nữ trẻ ly hôn.

Tuổi: 29, gần 30, nhưng nhìn thì như mới 28,5. Nàng hơi hơi (nhấn mạnh chữ "hơi hơi") béo. (Cân nặng? Không, nghiêm túc đấy. Các vị luyên thuyên đấy chứ? Ai lại đi hỏi cân nặng của một người phụ nữ vẫn chưa giảm hết những cân thừa sau khi sinh nở?). Tính tình: nhút nhát (xét cho cùng trước khi ly dị, thế giới của nàng chỉ quanh quẩn bên chồng và con nàng). Tình trạng hôn nhân: vừa ly dị chồng cách đây 8 tháng. Mọi thứ đều có vẻ ổn (nàng xoay xở nuôi con rất khá) trừ vài việc khiến nàng cảm thấy chật vật. Thí dụ như: Gián.  Ok, được thôi, riêng chuyện gián thì nàng đồng ý. Giá có gã đàn ông nào bên cạnh thay nàng đối phó với lũ gián đột ngột xuất hiện lúc đêm khuya bằng một cái di chân bẹp dí thì vẫn tuyệt hơn là tự mình phải chiến đấu với chúng bằng bình xịt côn trùng. Chúng là kẻ thù số 1 của đời nàng. Ọe. Cứ nhắc đến gián là nàng ọe. Nói cho cùng nàng vẫn cần 1 gã đàn ông. Để dành cho việc lắp giá sách trong phòng các con nàng chẳng hạn (những bộ phận lắp ráp của một giá sách nhỏ xinh xinh và bảng hướng dẫn lắp đặt chi tiết khiến nàng luống cuống đến hoảng loạn). Hay là khi phải điền tờ khai thuế cũng thế. Phải tự mình tính toán các con số khiến nàng sợ hãi đến rụng rời. Vì tất cả các lẽ đó, dù thất vọng về người chồng đầu tiên, bố của các con nàng, 2 cô con gái bé bỏng thiên thần, thì giờ đây nàng vẫn quyết định tìm lại cho mình một người đàn ông khác, MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRONG MƠ của đời nàng. Vâng, nàng tên là Déborah, thường được gọi dưới cái tên  âu yếm  là “des beaux rats” (Bầy Chuột xinh).

Một người phụ nữ trẻ phải đối diện với hệ quả của “hậu ly hôn” . Đằng sau sự nhẹ nhõm khi tự giải thoát mình khỏi một cuộc hôn nhân buồn chán, tự giải thoát mình khỏi một người đàn ông ích kỷ và tẻ nhạt (một người cô (tưởng là) đã yêu từ khi mới mười bảy tuổi), Déborah vấp phải muôn ngàn khó khăn khi hòa nhập lại với nhịp điệu xã hội, một xã hội mà từ lâu cô chỉ đối diện với nó sau lưng chồng. Không chỉ chật vật trong việc kiếm tiền nuôi hai cô con gái, cô còn phải chật vật chiến đấu với sự nhút nhát và tự ti về bản thân. Ngoài Déborah, thông qua các mối quan hệ của cô (những bữa tiệc pyjama hàng tháng với những người bạn gái), muôn mặt hiện trạng của những người phụ nữ có gia đình, đã ly hôn hoặc không kết hôn khác hiện lên rất sinh động. Mỗi một người phụ nữ có những khó khăn của riêng mình mà họ chỉ có thể tự mình đối diện và giải quyết. Có rất nhiều cách để những người phụ nữ chiến đấu chống lại những người đàn ông tồi tệ (những kẻ ghen tuông bệnh hoạn, những kẻ tự cho phép mình được quyền lừa dối, những kẻ độc đoán gia trưởng nhưng thực chất lại là những đứa bé chưa lớn, những kẻ nhẫn tâm bỏ rơi họ đúng vào ngày cưới), những kẻ suýt nữa khiến người phụ nữ tự hủy hoại và giam hãm đời mình trong trầm cảm triền miên. Có rất nhiều cách để những người phụ nữ từng bị tổn thương tạo dựng lại cuộc đời mình đầy tự tin và dũng cảm. Người chồng cũ không khiến Déborah mất niềm tin về đàn ông, nhưng anh ta là một ví dụ hoàn hảo để cô hiểu rằng: anh ta là số nhiều và cô phải thận trọng cho lần thứ hai. Dù không phải là một người phụ nữ tuyệt vời, nhưng cô có quyền lựa chọn cho mình một người đàn ông như cô mong muốn. Lựa chọn nghĩa là gì? Nghĩa là sẽ có sự loại bỏ. Điều đó cũng đồng nghĩa với sự chủ động. Hành trình tìm lại người đàn ông thứ hai của Déborah đã diễn ra đúng như thế: cô chọn, rồi cô loại bỏ. Cô lại chọn, lại loại bỏ. Cho đến khi cô gặp được người mà cô thấy thích hợp với mình. Trong quá trình sàng lọc ấy, Déborah đã tích trữ thêm nhiều đau đớn, thất vọng, chán ngán, nhưng bất chấp việc cô tiếp tục “tròn” thêm (vì ăn quá nhiều sô cô la trong những cơn trầm uất), cô thực sự “đã trưởng thành”.


Nội dung của cuốn tiểu thuyết không có gì đặc biệt, nếu nó không được kể bằng một giọng văn vô cùng hài hước xen lẫn những đoạn hội thoại quá trắng trợn về đời sống sinh hoạt riêng tư của phụ nữ (e hèm, đọc đỏ cả mặt), và những câu văn đay nghiến RẤT ĐÀN BÀ. Có lẽ sau Nhím thanh lịch, Gian truân người phụ nữ trẻ ly hôn là cuốn tiểu thuyết thứ 2 khiến tôi vừa đọc vừa cười, nhưng lần này là những trận cười không thể kiểm soát nổi, nửa đêm nửa hôm phải úp mặt vào gối mà cười rung cả giường. Trung bình khoảng 1,5 trang/1 trận cười khằng khặc, Không, chả có nữ quyền nữ kiếc, chẳng nữ tính nữ tiếc dính dáng  gì ở đây hết (dù có rất nhiều đoạn mắng mỏ chì chiết đàn ông và tung hô đàn bà một cách rối rít) câu chuyện đơn giản chỉ là cách mà mỗi người (đàn ông hay đàn bà cũng thế) băng qua sa mạc của chính đời mình. “Chỉ có hai cách sống: một là làm như không có điều gì kỳ diệu, hai là coi như tất cả đều kỳ diệu” (Albert Einstein), đấy, câu đề dẫn cho đoạn kết của cuốn tiểu thuyết đã nói như thế đấy, mọi chuyện hoàn toàn tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn.   

+Cảnh báo: Những phụ nữ mỏng manh, dịu dàng, nhẹ nhàng, tinh tế (thí dụ như chị gì thích uống cà phê vỉa hè với những lát cắt đu đủ đẹp như một đoạn văn viết tháu) thì nhất quyết không nên đọc cuốn này. Em đã cảnh báo rồi đấy nhé :)

5 comments:

  1. Nghi cái chị gì ấy hong "mỏng manh, dịu dàng, nhẹ nhàng, tinh tế" cho lắm ;)Hình như chỉ cũng "hơi hơi" giống nhân vật "chưa giảm hết những cân thừa sau khi sinh nở" ;);)
    Chắc chỉ cũng theo mệnh đề 2 của Einstein!

    ReplyDelete
  2. Chị muốn mua để đọc rồi. Thích đọc cái gì có thể cười được lắm!:)
    À hôm nay có gặp Tuấn và có kể chuyện em quan tâm.

    ReplyDelete
  3. Gian truân nhỉ. Bao nhiêu là lựa chọn. ;P

    ReplyDelete
  4. @Chị So: Hông, chị ấy mong manh, dịu dàng, nhẹ nhàng thực sự mà.

    @Chị Chi: Chị ạ, thực ra, cuốn tiểu thuyết này chỉ đáp ứng được đúng yêu cầu đó thôi: cười được! :)

    @Khuê Việt: Gian truân, gian truân lắm í!:D

    ReplyDelete
  5. Cám ơn bạn Quách Hiền, tớ sẽ tìm mua cho vợ đọc.

    ReplyDelete