Thursday, May 24, 2018

"Cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật"

Giây phút bình yên nhất vào buổi sáng thường xảy ra vào lúc 7h30. Đó là giai đoạn sau khi đã lo xong bún, miến, mì, cháo cho hai bạn giai, sau khi đã chỉnh xong quần áo mũ mão cho bạn giai nhỏ cho phù hợp với thời tiết mùa này, đưa bạn ấy ra cổng, trao bạn ấy vào tay bạn giai lớn, rồi, nói với cả hai: "Bye bye, hai bố con ngày hôm nay ngoan nhé". Cái cảm giác còn lại một mình sau cánh cổng sắt lúc ấy thật....dễ chịu. Đó là lúc, dù vội vã đến đâu nhất quyết cũng sẽ ngồi xuống bên bàn ăn, pha một cốc cà phê hoà tan và bắt đầu sắp xếp mọi suy nghĩ về những gì đang đọc và đang làm. Thứ bận tâm gần đây nhất vào lúc 7h30 sáng, đó là "cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật".  

Mọi sự bắt nguồn từ cuốn sách "Cảm luận nghệ thuật" của Trần Duy mà Nhã Thuyên gửi cho hai hiệp sĩ (sorry, em đã mạn phép hai chàng đọc trộm trước một vài trang), ở chương đầu khi bàn về nghệ thuật Hy Lạp, tác giả nói rằng: rất khác với các dân tộc khác thường lấy vua chúa hoặc tôn giáo làm đề tài, nghệ thuật Hy Lạp cổ đại lấy con người để định hình cho cái đẹp. Đây là một nhận định không có gì đặc biệt, giáo trình "Mỹ học đại cương" hồi học đại học cũng nói thế và nhiều người nghiên cứu nghệ thuật khả kính khác cũng nói như thế. Mình cũng tin như thế, ngoại trừ dạo gần đây mình bắt đầu băn khoăn thêm một vế nữa: Nghệ thuật cổ đại Trung Quốc chẳng lẽ cũng lại không như thế? 

"Cận thủ chư thân, viễn thủ chư vật", câu này xuất phát từ trong sách Chu DịchHệ từ hạ, theo nhà nghiên cứu Đông Phương Mỹ, phản ánh rất rõ nét phương thức tư duy của người Trung Quốc, một tư duy mang tính chỉnh thể, đặc điểm cơ bản là đem hình thức sinh mệnh và kết cấu sinh mệnh của một con người tư duy khuếch tán sáng tất cả các sự vật sống hay không sống, mà kết quả là “vạn vật dữ nhân đồng thể”, “thiên địa dữ nhân đồng thể”, “vũ trụ dữ nhân đồng thể”. Nói một cách giản dị thì là: đối với người Trung Quốc, nhân sinh quan và thế giới quan của họ đều xoay quanh con người, lấy con người là trung tâm, từ con người mà suy ra mọi thứ quanh họ kể cả vũ trụ. Thực chất vũ trụ tự nhiên trong quan niệm của người Trung Quốc chỉ là một mô hình phóng to từ "vũ trụ người". Những từ như "cốt cách", "cốt tuỷ", "thần tuỷ", "văn khí", "cốt lực", "khí mạch" , "khí phách", "văn cốt", trong khi bàn về văn chương, hoàn toàn  là những từ liên quan đến cơ thể, bộ phận con người. Nâng cao hơn một cấp nữa, nghệ thuật đối với người Trung Quốc, giống như con người, là một chỉnh thể sống hoàn chỉnh. "Văn chính là người"- phải hiểu theo nghĩa đó. Đó là lí do vì sao khi đọc cuốn Lịch sử lí luận phê bình Việt Nam, do Trịnh Bá Đĩnh chủ biên, mình cảm thấy phần viết về lý luận phê bình văn học thời Trung đại là phần viết thất bại. "Văn chính là người", không hoàn toàn là tác giả khí chất thế nào thì văn thế ấy, nó chỉ đúng một phần. Đôi khi người một đằng mà văn thì trẹo quẹo một kiểu. Các nhà phê bình phong cách sẽ bình kiểu gì nếu thơ Hồ Xuân Hương là do một đám nam nhân trớt quớt viết?. Chỉnh thể văn chương-chỉnh thể sống: điều đó phức tạp hơn nhiều so với cái gọi là "người thế nào thì văn thế ấy"...

Mai viết tiếp, giờ đi gội đầu, chuẩn bị đi làm...
(Một ghi chép cũ: 13/11/2014)

1 comment: