Bút đàm của PHÙNG HỮU LAN
Lời người dịch: Bản dịch này, như thường lệ, dành cho các
Hiệp sĩ - bạn tôi)
Sau
khi thời đại “chư tử” Tiên Tần kết thúc, quá trình phát triển của Nho học có
hai cao trào. Lần thứ nhất là vào thời Hán, từ một dạng “Tử học” nâng lên thành
quan học “độc tôn”, nhưng Nho học thời này, nghiêm túc mà nói, gần với tôn giáo
hơn là triết học thuần tuý. Lần thứ hai là vào thời Tống, Nho gia thực sự đã có
được triết học thuần túy của riêng mình, đó là “Đạo học”. Người phương Tây thường gọi là “Tân Nho gia”.
Về
tên gọi “Đạo học”, có một số người không đồng ý, cho rằng phải gọi là “Lý học”.
Từ đời Thanh đến nay, hai tên gọi “Đạo học” và “Lý học” vẫn có thể dùng thông lẫn nhau, nhưng tên gọi “Lý
học” dễ khiến người ta nhầm lẫn với “Lý học” - một phái đối lập với “Tâm học”- huống
hồ niên đại sử dụng tên gọi “Lý học” muộn hơn “Đạo học”, cho nên tôi tán thành cách
gọi là “Đạo học” .
Tên
gọi “Đạo học” bắt nguồn từ thuyết “đạo thống” của Hàn Dũ. Vào thời Trung Đường,
Hàn Dũ vì tuyên dương Nho học đồng thời ngăn chặn những ảnh hưởng ngày càng to
lớn của Đạo giáo và Phật giáo, đề xuất Nho gia có “Đạo thống” truyền từ
Nghiêu, Thuấn, Chu, Khổng, cho rằng dù Nho, Thích, Đạo ba nhà đều có “đạo” của
mình , nhưng nội dung thì khác nhau, trong đó nội dung “đạo” của Nho gia là
“Nhân Nghĩa” (仁義). Kiến giải này của
Hàn Dũ dấy lên những ảnh hưởng to lớn đương thời, nhưng vẫn không phải là một học
thuyết mới, vì ông vẫn dùng “bình cũ” đựng “rượu cũ”, chưa giúp Nho gia tìm được hệ thống lý luận mới.
Từ
đời Đường đến đời Tống, xã hội Trung Quốc phát sinh nhiều biến động to lớn, một
trong những cuộc biến động lớn đó là sĩ tộc môn phiệt từ quý tộc giai cấp địa
chủ bị giáng xuống thành “đứng đầu tứ dân”. Địa vị của quý tộc là đời đời kế thừa,
tư tưởng kinh học của họ cũng đời đời truyền thừa. Nhưng phần tử tri thức giai
cấp địa chủ phải trải qua nỗ lực mới có thể giữ được địa vị “đứng đầu tứ dân”.
Vì thế đòi hỏi phải có một loại triết học có thể khiến họ nhận thức xã hội một
cách sâu sắc và hướng đạo nhân sinh, cho nên “Đạo học” thuận thế mà ra đời.
Lại
nói về sự phát triển của lịch sử triết học, sau trào lưu tư tưởng kinh học đời
Hán, Huyền học đem “tự nhiên” của Đạo gia đối lập với “Danh giáo” của Nho gia,
chủ trương: “vượt Danh giáo thuận
Tự nhiên”. Thiền tông của Phật giáo thì đem “đạo” của Phật giáo kết hợp với
sinh hoạt thường ngày của con người, đề xuất: “gánh nước bổ củi, không phải
không có diệu đạo”. Những thuyết pháp này đều có những đóng góp trong việc giải
quyết vấn đề nhân sinh, nhưng cũng đều không đủ triệt để. Vì nếu như “vượt
Danh giáo thuận Tự nhiên”, thì “Tự nhiên” đã đánh mất đi ý nghĩa thực tại,
và “Danh giáo” cũng bị hạ thấp giá trị. Nếu như gánh nước bổ củi cũng là diệu đạo,
vậy tại sao con người tu đạo lại vẫn cần phải xuất gia? Đến đây, triết học
Trung Quốc dường như đã “tuyệt lộ sơn cùng thuỷ tận”.
Đứng
trước tình trạng này, “Đạo học” giải thích: “Nhân (仁) dung
hợp cùng một thể với vật”, đưa tự nhiên thống nhất cùng với xã hội. Theo
sự lý giải này, “Nhân” (仁) không chỉ là một loại đạo đức trong xã
hội, mà còn có ý nghĩa siêu đạo đức, siêu xã hội. Như vậy, “danh giáo” cũng chính
là Tự nhiên, nhật dụng nhân luân đều là diệu đạo, mọi người có thể sống trong
thế giới hiện thực thể nghiệm được sự vĩnh hằng của vũ trụ. Đó chính là “rượu
mới” mà Đạo học rót vào trong “bình cũ” của Nho học, lấy đó mở ra một cục
diện mới cho sự phát triển của triết học, từ đây triết học Trung Quốc “liễu
rợp hoa tươi lại một thôn” .
“Đạo
học” chủ yếu thảo luận về vấn đề Con Người (人),
ví dụ như địa vị và nhiệm vụ của con người trong vũ trụ, mối quan hệ giữa con
người và tự nhiên, mối quan hệ giữa con người với con người, nhân tính và hạnh
phúc của con người vvv…, mục đích của Đạo học là khiến cho các loại mẫu thuẫn
của nhân sinh có thể đạt đến thống nhất.
Nói
chung, trên thế giới có hai loại mâu thuẫn cơ bản, một loại là mâu thuẫn giữa
cái chung và cái riêng, một loại là mâu thuẫn giữa khách quan và chủ quan. Hai
mâu thuẫn này là hậu quả của sự thật chung: mỗi một người hoặc mỗi một vật đều
chỉ là một cá thể. Đặc điểm của con người là có thể tự giác nhận thức được sự
thât đó, cho nên là “linh tú của vạn vật”. Nhưng con người lại luôn không thoả
mãn về sự thật đó, vì con người cá thể đều hình thành một mối quan hệ
nhất định với xã hội và tự nhiên, từ mối quan hệ này con người lại sẽ suy
nghĩ tự nhiên và xã hội có ý nghĩa gì với mình, và mình sẽ có ý nghĩa
như thế nào đối với tự nhiên và xã hội. Kết quả của loại suy nghĩ này là triết
học, triết học chính là học vấn về “Con Người”.
Theo
kiến giải của các nhà “Đạo học”, giữa cái chung và cái riêng, cái riêng không
phải là lâm mô cái chung, mà cái riêng là thực hiện của cái chung. Nếu không
có cái riêng, cái chung cũng không thể tồn tại. “Lý” và “Tính” được nhấn
mạnh nhắc đi nhắc lại trong “Đạo học” chính là bàn về mối quan hệ giữa cái
chung và cái riêng. “Quy định tính” của một loại sự vật chính là “Lý” của sự
vật đó, “Lý” biểu hiện trong sự vật cụ thể chính là “Tính” của chúng. Con Người
cũng là một loại sự vật, đương nhiên cũng có “quy định tính”. Các nhà “Đạo học”
kế thừa luận thuyết của Mạnh Tử, xem “quy
định tính” này như là “chỗ khác biệt giữa con người và cầm thú”, đó là “Lý”
của Người, và Nhân Tính (Tính của Người)-
sự biểu hiện của “Lý”- tất nhiên là Thiện.
Không chỉ có nhân tính là Thiện mà bản thân những Dục Vọng Cảm Tính của
con người cũng không phải là ác. Cái Ác là do Tự Tư (自私) mà có. Có Tự Tư (自私),
cuộc sống của con người không hợp lắm hoặc rất không hợp với Lý của Con Người,
nhưng nhân loại với tư cách là vật tối linh của vạn vật đòi hỏi phải hợp hoặc
hoàn toàn hoà hợp với chí nguyện Lý của Con người, mà con đường thực hiện chính
là Hành Đạo Tu Đức. Xét về nghĩa này, đạo học giải quyết mâu thuẫn cơ bản của
nhân sinh là bắt đầu từ con đường Luân Lý.
Các
nhà Đạo học cho rằng: Con Người có hành vi đạo đức, có nghĩa là Con Người đang
khắc phục Tự Tư. Sự tích lũy những hành vi đạo đức có nghĩa làm tăng thêm sự khắc
phục. Tích lũy đến một trình độ nhất định, Tự Tư hoàn toàn được khắc phục, lượng
biến thành chất, sự thống nhất giữa chung và riêng đã được thực hiện. Cái gọi
là “nhất đán khoát nhiên quán thông yên” (trong chốc lát rộng mở thông suốt) của
Chu Hy, đại khái chính là quá trình biến đổi của Chất. Khi đó dục vọng cảm tính
không bị phế trừ mà chỉ là sự phế trừ Tự Tư. Sự thống nhất giữa cái chung và
cái riêng kéo theo sự thống nhất giữa chủ quan và khách quan, các nhà “đạo học”
gọi đó là “đồng thiên nhân” (同天人),
“hợp nội ngoại”(合内外). Đạt
đến sự thống nhất này, con người đã tiến vào cảnh giới tinh thần của cõi Nhân, trong đó thiên địa vạn vật cùng là một
thể, toàn nhân loại đều là anh em, dùng cách nói của các nhà “đạo học”, thì đó
chính là “ cùng Lý tận Tính”, cũng chính là Nhân Tính hoàn toàn hợp với Lý của
Con Người.
Xoay
quanh vấn đề này, sự phát triển của đạo học trải qua hai giai đoạn. Đạo học
tiền kỳ bắt đầu từ Nhị Trình, hai anh em Trình Hạo và Trình Di đã sáng
lập ra Đạo học, cũng phân biệt sáng lập hai phái của Đạo học: “Tâm học” và “Lý
học”. Trương Tái lấy “Khí” làm bản thể, có thể gọi là “Khí học”. Chu Hy kiêm
xưng cả Lý, Khí có thể gọi là tập đại thành. Đạo học giai đoạn này có thể gọi
là Đạo học đời Tống. Đạo học hậu kỳ có thể gọi là Đạo học
đời Minh. Trong đó họ Lục (Lục Cửu Uyên), họ Vương (Vương Dương Minh) lấy Tâm học
để phê phán Lý học của Trình Di, Chu Hy. Vương Phu Chi lấy Khí học làm chủ, tiếp
thu có phê phán Lý học và Tâm học tổng kết toàn bộ Đạo học. Ông là tập đại
thành của Đạo học hậu kỳ, cũng là tập đại thành của toàn bộ Đạo học.
Theo
những kiến giải truyền thống, cuối đời
Minh đầu đời Thanh có họ Cố, họ Vương, họ Hoàng là ba vị đại Nho, nhưng phân
tích một cách nghiêm túc, thì tác dụng của ba người là không giống nhau. Cố
Viêm Vũ là một nhà học vấn (học giả), không phải là nhà triết học. Vương Phu
Chi đã tổng kết Đạo học, mà Đạo học là đỉnh cao của toàn bộ quá trình phát triển
triết học Nho gia, vì thế ông cũng đã tổng kết toàn bộ triết học Nho gia. Xét
theo nghĩa này, ông là sự tổng kết của thời đại cũ. Hoàng Tông Hy tuy cũng được
xem là một nhà Nho, nhưng mũi nhọn phê phán của ông lại trực chỉ về Danh giáo-vốn
là ý luận cơ bản của Nho gia, trong tư tưởng của ông đã có sự chuẩn bị cho sự tiến
đến của thời đại mới, cho nên ông là tiên phong của thời đại mới. Từ đây Đạo học
đã mất đi sức sống, không còn tính hợp lí để tồn tại, và xã hội Trung Quốc cũng
đã khai màn thời cận đại.
(Quách Hiền dịch. Bài dịch
trích ra từ cuốn: 《儒佛道与传统文化》
(《文史知识》 合刊 , 中华 书局 出版, 1999)
bài viết rất hấp dẫn
ReplyDelete