Friday, September 24, 2010

Một sử liệu liên quan đến thời đại Đinh và Tiền Lê (1)

Có một sử liệu rất quan trọng liên quan đến thời Lê Đại Hành, đó là bài sớ trình lên vua Tống sau khi đi sứ Giao Châu năm 990 về của Tống Cảo. Sử liệu này được chép trong “Tống sử” mục “Giao Chỉ truyện”. An Nam chí lược của Lê Tắc cũng có chép lại trong Quyển 3, phần viết về các sứ thần, mục Tống Cảo hành lục. Điều thú vị ở đây là so với bản sớ trong Tống sử, rõ ràng bản trong An Nam chí lược đã được lược bỏ đi một số đoạn và câu chữ, nhất là những câu chữ mang tính chất khinh khi miệt thị của Tống Cảo.

Xem bản Hán văn của An Nam chí lược tại đây đây
Xem bản dịch "Tống Cảo hành lục" trong An Nam chí lược ở đây.

Dưới đây tôi dịch lại nguyên văn bài sớ của Tống Cảo được in trong Tống sử. Nó là sử liệu tương đối gần và tiếp cận với thời Đinh và Tiền Lê hơn so với những ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư. Những đoạn chữ đậm gạch chân trong đoạn dịch là đoạn không được chép trong An Nam chí lược.

Tong CaoTong Cao 1 “Cuối mùa thu năm ngoái, đến cõi Giao Châu, Lê Hoàn sai Nha nội Đô chỉ huy sứ là bọn Đinh Thừa Chính đem 9 chiếc thuyền và 300 quân đến Thái bình quân[i] để đón. Từ cửa biển đi vào biển lớn, lặn lội sóng gió, trải nhiều sự nguy hiểm. Quá nửa tháng đến sông Bạch Đằng, đi tắt theo một nhánh hải lưu, cứ theo nước thủy triều mà đi. Phàm những bến đỗ ngụ lại có 3 gian nhà tranh, có vẻ mới được sửa sang lại, gọi là “quán dịch”. Đi đến Trường Châu, gần bản quốc, Lê Hoàn phô trương khoác lác, dốc hết chiến thuyền ra, gọi là “diệu quân”. Từ đấy rong thuyền suốt đêm đi đến bờ biển, cách Giao Châu độ 15 dặm có một trạm nghỉ chân 5 gian lợp tranh đề “Mao kính dịch”. Cách thành 100 dặm khua gia súc của dân ra gọi là “quan ngưu”, số gia súc chưa đến một ngàn, nhưng lại nói khoe là 10 vạn. Lại đốc suất dân ở chung với quân lính, mặc áo tạp sắc, chèo thuyền đánh trống reo hò. Núi sát bên thành hư trương cờ trắng, cho đó là bày thế trận. Được một lát đoàn hộ vệ rước Lê Hoàn đến, mở lễ giao nghênh[ii]. Lê Hoàn ghìm ngựa nghiêng người, hỏi thăm Hoàng đế xong, cầm cương đi cùng hàng, lúc ấy lấy trầu cau ra mời, ngồi trên mình ngựa mà ăn, đấy là phong tục mang hậu ý đãi khách. Trong thành không có nhà dân, chỉ có vài trăm khu nhà tre lợp gianh, gọi là quân doanh. Phủ thự trũng hẹp, trên cửa phủ đề “Minh đức môn”

Hoàn xấu người chột mắt, tự nói rằng năm gần đây vừa mới tiếp chiến với man khấu, rơi từ trên ngựa xuống nên chân bị thương, nhận chiếu nhưng không lạy. Sau khi nhận dụ chỉ thì rải chiếu mở yến tiệc. Lại ra sát mép nước, diễn trò mua vui cho khách. Lê Hoàn đi chân đất cầm gậy tre lội nước xâm cá. Mỗi khi trúng một con thì tả hữu hai bên đều hò reo nhảy múa. Phàm khi yến hội, những người vào dự tiệc đều phải cởi đai áo, mũ mão. Hoàn thường mặc áo hoa văn sặc sỡ hoặc áo màu đỏ, mũ thì lấy trân châu làm trang sức, có khi tự mình hát “khuyến tửu ca” (khúc ca mời rượu), không một ai có thể hiểu lời của bài hát. Thường sai bọn hơn chục người khiêng một con rắn dài vài trượng đến tặng sứ quán, còn nói: “Nếu có thể ăn được thì sẽ làm thịt nó làm cỗ dâng lên”. Lại đóng cũi hai con hổ đem đến tặng, nói để tùy ý quan sát. [Chúng thần] đều từ chối không nhận. Quân lính có 3000 tên, tất cả đều thích trên trán dòng chữ “thiên tử quân”, lương thực thì có lúa đủ dùng hàng ngày, cho vào giã rồi mới ăn. Binh khí thì có cung nỏ, khiên gỗ, thoa thương, trúc thương, [binh khí] rất yếu không thể dùng được.

Hoàn tính tình thô lược tàn nhẫn, kẻ thân cận đều là bọn tiểu nhân. Cho ở bên cạnh một bọn 50 tên hoạn quan tâm phúc. Thích uống rượu nô đùa, lấy chỉ lệnh làm vui, phàm bọn thuộc quan nào giỏi việc thì cất nhắc thân cận, bọn thuộc hạ xung quanh nếu có lỗi nhỏ cũng giết ngay, hoặc nếu không cũng cho đánh roi từ 100 đến 200 cái. Đám phụ tá nếu có chút gì không vừa ý cũng sẽ phạt trượng từ 30 đến 50 cái, giáng truất làm môn lại, khi nào hết giận lại gọi về cho khôi phục chức cũ. Có một cái tháp gỗ, chế tác thô lậu chất phác, Hoàn mời [bọn chúng thần] lên du lãm.[iii] Đất nơi ấy không có hàn khí, tháng 11 còn mặc áo kép phất quạt".




[i] Bản An Nam chí lược ghi là Thái Bình châu (Châu Thái Bình), nhưng trong Tống sử Tục Tư trị thông giám thì chép là Thái Bình quân.(Tất cả các chú thích đều của người dịch)
[ii] Lễ đón tiếp sứ giả ở ngoài thành. Giao: nơi cách xa thành một trăm dặm.
[iii] Trong Tục Tư trị thông giám, quyển 31, đoạn này còn thêm 1 câu: “Hoàn mởi chúng thần lên du lãm, còn ngoảnh lại nói rằng: Trung Châu các người có tháp này chăng?”. An Nam chí lược cũng có chép câu này.

6 comments:

  1. Đọc cái này thấy hiện lên một bức tranh khá cụ thể về xã hội thời đó.
    Cảm ơn bạn Quất (hehehehe)!

    ReplyDelete
  2. Tôi tưởng 'thập nhị nguyệt' là tháng mười hai, tháng chạp chứ ạ?
    h.

    ReplyDelete
  3. Dạ, bản An Nam chí lược chép là "thập nhị nguyệt", nhưng bản trong "Tống sử" thì là "thập nhất nguyệt" đấy ạ!

    ReplyDelete
  4. Tôi rất thích những bài viết này, với những tư liệu mà những người dân thường như tôi khó mà kiếm được.Cảm ơn.

    ReplyDelete
  5. Rất cảm ơn tác giả.
    Một trong đại đa số người Việt ưa đọc sử nhưng không đọc được chữ Hán.

    ReplyDelete