Monday, March 22, 2010

Lan man lúc nửa đêm






Tôi đọc những tác phẩm của Victor Hugo toàn trong những thời điểm lỡ cỡ. Những người khốn khổ thì đọc từ hồi lớp 4, nó không nằm trong vali sách của bố để trên nóc tủ có khóa phải chồng ghế, chồng thêm một ghế nữa mới tới nơi, mà là sách mẹ mượn từ một bác cùng cơ quan. Mà bác ấy thì lại lấy từ tủ sách của chồng bác ấy-một sĩ quan quân đội. Quá trình mượn sách lằng nhằng như thế nhưng cũng chẳng ăn thua. Hồi ấy bé quá nên đọc xong câu chữ nó chuội đi đằng trước đằng sau, chỉ còn lại ấn tượng về vụ bán răng, bán tóc của Fantine. Có lẽ đối với một đứa trẻ vừa thoát khỏi chuyện thay răng không lâu thì đó quả là một câu chuyện ám ảnh. Hầu như những năm tháng tuổi thơ của tôi trôi trên những trang sách của văn học cổ điển Nga, Pháp, hoặc văn học Xô Viết, vậy mà tuyệt nhiên tôi lại không vấp phải Victor Hugo thêm lần nào từ cái đận ấy. À, nói cho công bằng thì Những người khốn khổ tôi gặp lại thêm lần nữa trong giờ học tiếng Pháp năm lớp 11 (giáo trình tiếng Pháp cũ, chưa phân ban), giờ dịch, đoạn Cosette đi lấy nước ở trong rừng, rồi Jean Valjean xuất hiện. Chấm hết.


Cho đến khi đi học đại học tôi cứ nghĩ cơ bản là mình đã giải quyết xong phứt văn học cổ điển phương Tây đi rồi và xông vào đọc mấy thứ lạ lẫm hơn nhiều đến từ Châu Mỹ xa xôi thì tôi vớ được Nhà thờ Đức Bà Paris trên giá sách căn hộ mà tôi thuê. Khi tôi chuyển đến đó thì cái giá gỗ cũ kỹ thô kệch, mốc xì ấy vẫn chất chồng một đống đủ loại hầm bà lằng từ điển và một ít sách văn học, những cuốn giấy đen, rách bìa, long gáy. Nói chung, số mình đi đâu cũng va vào sách. Giá như đọc từ hồi cấp 3 thì có lẽ ấn tượng về Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris sẽ vô cùng sâu sắc, nhưng đọc khi đầu óc đã bị nhồi nhét kinh điển Nho gia thì mọi xúc cảm dường như bị giết chết vậy. Lại thêm một lần nữa chẳng có gì để tôi có thể thích Victor Hugo.


Vấn đề tồi tệ ở chỗ là nguyên bản thì tôi không ấn tượng nhưng tôi lại say mê những vở nhạc kịch chuyển thể từ tác phẩm của Victor Hugo. Vấn đề là trái tim tôi đau nhói khi Frollo đến thăm Esmeralda trước giờ hành quyết và gầm lên "Je t'aime". Đọc lại sách đoạn đó, dừng dưng. Nghe lại đoạn đó, đau đến mờ cả mắt. A, chết tiệt, âm nhạc luôn có con đường riêng ranh mãnh của nó để đâm thẳng vào trái tim của bọn phụ nữ vốn nhiều chuyện và rắc rối. Liên văn bản luôn có những thứ diễn dịch lạ lùng không thể giải thích nổi.


Dạo gần đây thì lại càng tệ hơn. Mỗi lần nghe Notre Dame de Paris tôi lại nhớ đến Romain Gary với một đoạn "chọc ngoáy" rất "kinh dị" trong Lời hứa lúc bình mình. Chỉ tưởng tượng ai đó lớn lên trong một căn phòng treo toàn ảnh Victor Hugo, và cứ phải mang theo cái nhìn nghiêm nghị của ông dõi theo suốt hành trình đời mình thì quả là một gánh nặng tệ hại.


Rút kinh nghiệm, nên dù hâm mộ cuồng nhiệt đến đâu, vầng hâm mộ cuồng nhiệt chứ không chỉ là hâm mộ không thôi, tôi cũng nhất quyết không treo ảnh của bất cứ thần tượng Đài Loan hay Hàn Quốc nào trong nhà, kẻo nó lại thành một nỗi ám ảnh cả đời cho Nhóc con nhà chúng tôi thì thật là phiền phức…

4 comments:

  1. Biết rồi, Tân Nho hiện đại,ít nhất ba tấm khổ lớn. ;P

    ReplyDelete
  2. Cô bỏ rơi Wordpress, cháu cứ tiếc mãi, hóa ra cô chuyển nhà về Blogspot. Tìm thấy nhà này của cô mà sung sướng cả người.

    ReplyDelete
  3. Ấy chết, đừng gọi Cô, gọi Chị, gọi Chị thôi!:)):))
    Cảm ơn bạn rất nhiều. Đọc comment của bạn mà mình cũng "sung sướng cả người" (hic).

    ReplyDelete