Saturday, April 28, 2018

Trào lưu “du học” kinh đô của Nho sĩ Việt Nam và các liên minh sĩ tộc đầu thế kỷ XVIII

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Kim Sơn, nửa cuối thế kỷ XVIII nửa đầu thế kỷ XIX, Nho gia Việt Nam đã có xu hướng tiếp nhận Thực học Minh Thanh[i]. Vì vậy, mặc dù Quốc tử giám đã đánh mất vai trò giáo dục bậc cao, nhưng sự nở rộ các học đường tư nhân của nhiều danh Nho và sự tiếp nhận các trào lưu tư tưởng học thuật Minh Thanh tại các học đường tư nhân khiến cho Kinh đô và các khu vực lận cận trở thành trung tâm văn hoá giáo dục thu hút được nhiều Nho sĩ địa phương về “tìm Thầy cầu học”. Chế độ ban thưởng phủ đệ, điền sản theo đẳng cấp khiến cho nhiều gia tộc “cắm rễ” được tại kinh thành. Bên cạnh giáo dục gia tộc, nhiều phủ đệ tại Thăng Long của các danh sĩ nổi tiếng xuất thân các vùng Thanh Nghệ là nơi tiếp nhận con cháu trong gia tộc “du học” kinh đôKhái niệm “du học” 遊學bắt đầu xuất hiện trong nhiều trần thuật của Nho sĩ thế kỷ XVIII. Nguyễn Huy Oánh viết trong Tính lý đại toàn tự: “Ta trưởng thành, đi du học, đại khái tuyển chọn duyệt độc bản riêng của các danh gia” (長而遊學蓋採閱名家私本性理纂要序)[ii]; Phan Cận viết trong Ngũ kinh toản yếu tự: “lại cùng nhau du học với hai tiên sinh Vũ Đông Các và Đỗ Thám hoa” (既又同游于武東閣杜探花兩先生五經纂要敘)[iii]; Phạm Đình Hổ viết trong mục Quốc học bình văn sách Vũ trung tuỳ bút: “Khoảng năm Giáp Thìn, Ất Tỵ, đời Cảnh Hưng ta mới du học đất Trường An” (“景興甲辰乙巳間余始遊學長安《雨中隨筆》)[iv].“Du học” phản ánh tinh thần chủ động trong tiếp nhận tri thức của các Nho sĩ đồng thời cũng là một trong những phương thức để cân bằng giáo dục vùng miền. Bên cạnh đó thông qua giao lưu tiếp xúc, “du học” cũng là cơ hội để các danh gia vọng tộc tìm kiếm “liên minh gia tộc”. 
“Liên minh gia tộc” thế kỷ XVIII thể hiện qua hai phương thức chính: liên hôn gia tộcvà liên minh Thầy-Trò. Liên hôn gia tộc được xây dựng trên nguyên lý: sự ràng buộc của “huyết thống” đi liền với ràng buộc về lợi ích. Bên cạnh đó, chính sách liên hôn giữa các sĩ tộc  cũng khiến cho nhiều sĩ tộc tạo dựng được thực lực kinh tế hùng hậu-chỗ dựa quan trọng cho việc phát triển văn hoá giáo dục dòng họ. Các lệnh cấm quan lại kết giao riêng năm 1722[v]và lệnh cấm các quan lại kết làm tộc thuộc ăn thề với nhau năm 1754[vi]cho thấy liên minh sĩ tộc thông qua liên hôn là một hiện tượng phổ biến ở thế kỷ XVIII.
Tuy nhiên, những sắc lệnh này lại không chạm đến một dạng thức liên minh gia tộc ẩn hình: liên minh Thầy-Trò. Những nhà sư phạm danh tiếng thế kỷ XVIII và tụ tập xung quanh họ là những học trò thành danh đã tạo nên một quyền lực tri thức và quyền lực chính trị chi phối nhiều hoạt động chính trị văn hoá xã hội đương thời. Nếu như ở Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, quyền lực tri thức (dòng phái học thuật) là bề nổi của liên minh Thầy-Trò thì ở Việt Nam thế kỷ XVIII, quyền lực tri thức (dòng phái học thuật) ẩn dưới quyền lực chính trị.Những đề xuất “cải cách văn thể”, “cải cách giáo dục khoa cử” thế kỷ XVIII đều chịu sự chi phối của các liên minh Thầy-Trò. Liên minh Thầy-Trò chịu ràng buộc từ nguyên tắc “đền ơn tri ngộ”, lấy người Thầy là vị trí trung tâm của quyền lực. Nhiều người Thầy tuy đã thoái quan từ ấn lui về nhưng thực chất vẫn tham dự vào nhiều quyết sách của triều chính thông qua những học trò đang làm quan tại triều đình. Trào lưu du học kinh đô thế kỷ XVIII đã khiến cho phạm vi liên minh Thầy-Trò không còn giới hạn vùng miền. Sự mở rộng phạm vi không gian của liên minh Thầy-Trò cũng chính là một trong những yếu tố khiến cho cuộc tranh chấp phe phái giữa các thế lực trí thức trong triều đình thế kỷ XVIII diễn ra ngày càng kịch liệt.
(Trích từ bài viết "Toản yếu, Tiết yếu kinh điển và đặc trưng thuyên thích học Nho gia Việt Nam trong giáo dục Tư học thế kỷ XVIII" in trong sách Nghiên cứu Nho giáo Việt Nam: quan điểm và phương pháp, Nxb Đại học Quốc gia, 2018)


[i]Nguyễn Kim Sơn, Nho học Việt Nam nửa cuối thế kỷ XVIII-nửa đầu thế kỷ XIX (Mấy khuynh hướng và vấn đề), Nxb.Đại học Quốc gia, 2018. 
[ii]Theo Mộc bản dòng học Nguyễn Huy ở Trường Lưu
[iii]Như trên, Sđd
[iv]Phạm Đình Hổ, Vũ trung tuỳ bútký hiệu R.1609, TVQG.
[v]Đại việt sử ký tục biên (1676-1789), Ngô Thế Long, Nguyễn Kim Hưng (dịch và khảo chứng), NXB KHXH, 1991, tr.66
[vi]Như trên, Sđd, tr. 241