Chương thứ mười lăm “Dương Chí đảm nhận áp tống kim
ngân, Ngô Dụng Hoàng Nê dùng trí cướp lễ sinh thần” là một đoạn văn vốn có nguồn
gốc từ trong sách Tuyên Hoà di sự:
“Năm ấy đúng vào tháng 5, năm Tuyên Hoà thứ 2, có
viên Lưu thủ Bắc Kinh là Lương Sư Bảo đem mười vạn chuỗi châu ngọc và muời vạn
thước lụa quý, sai bọn huyện uý Mã
An Quốc đảm trách gấp gáp mang đến kinh sư, kịp ngày mùng một tháng sáu làm lễ
thượng thọ Sài thái sư. Bọn Mã huyện uý đi đến con đê Thượng Điền ở trại
Ngũ Hoa, thấy ven đường thấp thoáng bóng liễu, tiêu trúc xanh rì, không khỏi đứng
lại đó hóng mát một lúc, gặp tám người
đàn ông, gánh theo hai thùng rượu, cũng đến
hóng mát ở trên đê. Ngồi nghỉ, Mã huyện uý hỏi một người đàn ông:
“Nhà ngươi có bán rượu không ?” Người đàn ông đáp: “Rượu của tôi vị thanh,
hương thơm nồng, dùng để giải khát là tốt nhất, mời quan nếm thử vài hớp”. Mã
huyện uý vì đang mệt mỏi đói khát đã mua hai bình rượu, lệnh cho bọn người đi theo đều uống mấy hớp. Khi chưa
uống rượu, muôn vật đều rõ ràng, vừa uống rượu xong, liền cảm thấy hoa mắt
choáng váng, trông đất trời đảo lộn, tất cả đều ngã lăn ra bất tỉnh nhân sự.
Những vật châu báu lụa là trong hòm, tất tật bị tám người đàn ông kia cướp đi
mất, chỉ vứt lại hai thùng rượu”(1)
Chỉ cần đem đoạn
văn này đối chiếu với đoạn văn đọc trong Thuỷ hử, chúng ta nhất định sẽ
kinh ngạc thán phục trước năng lực sáng tạo không gì sánh nổi của Thi Nại Am.
Ở đây, tác giả đã
giữ lại nội dung cơ bản của sự kiện:
mười vạn chuỗi châu ngọc dâng Sài thái sư đã bị cướp mất, vì trên đường đi
những ngưòi áp tải đã uống phải rượu độc. Trên cơ sở này, tác giả đã tiến hành
sáng tạo lại phần lớn các chi tiết thông qua trí tưởng tượng phong phú.
Thứ nhất, thay đổi bối cảnh phát sinh sự kiện. Thời
gian từ chỗ tháng 5 xuất phát đến đầu tháng 6 thượng thọ, được đổi lại thành
ngày 15 tháng 6 thượng thọ. Như vậy, câu
chuyện xảy ra vào ngày mùng 4 tháng 6, là thời gian tiết trời nóng nực, rất muốn uống rượu giải khát. Địa
điểm cũng được đổi từ đê Thượng Điền ở trại Ngũ Hoa đến sườn núi Hoàng Nê. Đây
không phải là một sự thay đổi thông
thường. Đi trên đê, phía dưới có thể có sông, có nước thì thì không nhất định
phải uống rượu. “Thấp thoáng bóng liễu, tiêu trúc xanh rì” không những không phải là cảnh nóng nực, mà
còn là đường lớn thông suốt, không tiện cho việc chặn đường cướp của. Sườn
núi Hoàng Nê đường đi khó khăn, “đều
là đường nhỏ gập ghềnh khúc khuyủ, núi vây quanh” , hơn nữa “ở dưới chân
núi, suốt bảy tám dặm đường không một bóng người”, chính là nơi hoành hành
của bọn cường nhân. Những sự thay đổi ấy khiến cho diễn biến câu chuyện
càng thêm hợp lý.
Thứ hai,
Thay đổi sự phối hợp nhân vật. Bên “bị cướp”, người áp tải từ huyện uý Mã An
Quốc đổi thành Thanh Diện Thú Dương Chí. Mã An Quốc vốn chỉ là một tên ngốc,
nhưng Dương Chí vừa là “hậu duệ của một dòng họ ba đời làm tướng, là cháu
của Ngũ hầu Dương Lệnh Công”, võ nghệ siêu quần vừa xét việc sâu sắc tinh
vi. Anh ta không chỉ hiểu rõ suờn núi
Hoàng Nê địa thế hiểm yếu, “nơi bọn cường nhân hoành hành”, mà còn có bài học
kinh nghiệm bị cướp ở Hoa Thạch Cương. Muốn anh ta bị lừa khó càng thêm khó.
Trong nội bộ nhóm “bị cướp”, lại đặt thêm các nhân vật lão đô quản, hai tên Ngu
hầu và bọn lính, xảy ra rất nhiều chi tiết. Giữa Dương Chí và ba nhóm nhân vật
này tạo thành ba tuyến mâu thuẫn, ảnh hưởng lẫn nhau, đã làm nảy sinh một cách
khách quan sức mạnh vô hình, dồn Dương Chí dần dần phải nhượng bộ. Ba tuyến mâu
thuẫn này là mâu thuẫn nội bộ của nhóm
“bị cướp”, kết quả của cuộc đấu tranh mâu thuẫn nội bộ đã thúc đẩy sự phát
triển và chuyển biến mâu thuẫn song phương giữa “nhóm bị cướp” và nhóm “mưu
cướp”, làm tăng thêm tính tất nhiên nội tại của diễn biến câu chuyện. Bên “mưu
cướp”, từ tám người đàn ông lỗ mãng vô danh được đổi thành Trí Đa Tinh Ngô
Dụng, Triều Cái, Công Tôn Thắng, Bạch Thắng, Ba anh em họ Nguyễn và Lưu Đường. Nguyên mẫu là tám người đàn ông
gánh theo hai thùng rượu, thì bây giờ
chia làm hai ngả, bẩy người bán táo, một người bán rượu. Trước tiên bán
táo, sau mới bán rượu. Người ngựa hai ngả phối hợp chặt chẽ, giả đùa diễn thật,
đùa thật làm giả, dắt mũi Dương Chí, khiến anh ta không thể không chui vào bẫy.
Điều đó khiến cho câu chuyện càng thêm
khúc triết, càng giàu kịch tính. Sự sửa đổi biến hoá các sắp xếp phối hợp về nhân
vật của cả hai bên đã khiến cho “cướp” đấu với “ngốc” như nguyên mẫu ban đầu
trở thành “trí” đấu “trí”, càng làm tăng thêm tính truyền kỳ cho câu chuyện.
Thứ ba, đã
làm phong phú thêm tình tiết của câu chuyện, thêm cành, thêm lá, khuấy nước dậy
sóng. Toàn bộ câu chuyện ban đầu không có dư âm, câu chuyện bây giờ như sóng
lan tỏa, phức tạp và khúc triết hơn nhiều, bất kể nhân vật nào đều có thể nhìn
thấy rõ. Đơn cử như Bạch Thắng bán rượu là một vai kịch rất hay. Một chuỗi những chi tiết nghệ
thuật xuyên suốt, nối tiếp nhau là chỗ mà câu chuyện nguyên bản không sánh nổi.
Ví dụ: trong bài hát “mở màn”, bốn câu hát khiến cho cái nóng nực của bọn lính
không vơi đi mà càng làm cho cái nóng bức, cái khát, sự bực bội, chán nản tăng
thêm mấy phần. Đặc biệt, trong câu hát, người nông phu với vương tôn công tử
được sử dụng một cách vô tình nhưng lại có dụng ý ám chỉ lính hầu và Dương Chí,
khiến cho sự xung đột nội bộ lắng xuống trong chốc lát lại rục rịch được khơi
dậy. Anh ta rõ ràng là muốn lừa cho bọn Dương Chí uống rượu nhưng năm lần bảy
lượt to mồm kêu không bán, thậm chí dùng giọng điệu xúc động phẫn nộ nói một
cách chân thực: “Rượu này có thuốc mê ở bên trong đấy!”. Muốn bắt lại cố tình thả, trái lại hiệu quả
đạt được làm cho người ta phải kinh ngạc. Còn nữa, anh ta không có gáo múc
rượu, vừa nói rõ rượu này quả thật được mua từ trong thôn ra, vừa dẫn ra những
tình tiết mượn gáo, bỏ thuốc mê ở phía dưới. Chi tiết thêm nửa gáo rượu này như
lạc từ trên trời xuống, vừa thăm hỏi khẩu vị của bọn Dương Chí, vừa tiến thêm
một bước chứng minh bọn bán táo và người bán rượu không cùng một hội, quan
trọng hơn cả là thuốc độc đã bỏ vào rồi mà Dương Chí vẫn cho rằng hai thùng rượu đích xác đều không có
độc.
Những phân tích
trên đây của chúng ta vẫn chỉ là lấy việc bàn việc, còn chưa bàn đến vị trí của
đoạn này trong kết cấu nghệ thuật của toàn bộ tác phẩm Thuỷ hử và ảnh
hưởng đến đường đời của Dương Chí vvv.., nhưng chúng ta đã có thể thấy được
năng lực tưởng tượng thiên tài của tác giả Thuỷ hử " (Trích dịch từ 《小说美学》, 陆志平,吴功正著,东方出版社,1997)...
Sự chuyên biệt hoá "văn" và "sử" trong văn học cổ Đông Á, bắt đầu từ "tưởng tượng"?
bài viết rất hay
ReplyDelete