... và các vấn đề liên quan đến ngụy thư trong Kinh Thư và Luận ngữ. Đoạn dịch dưới đây trích từ bài Dữ Tiền Huyền Đồng tiên sinh luận cổ sử thư [1] (Biện luận về sử cổ với tiên sinh Tiền Huyền Đồng [2]) của tác giả Cố Hiệt Cương [3]. Đây thực chất là một lá thư Cố Hiệt Cương gửi cho Tiền Huyền Đồng trình bày quan điểm của ông về cổ sử Trung Quốc phân tích từ trường hợp Hạ Vũ. Quá trình Hạ Vũ từ một loài vật đúc trên cửu đỉnh tiến đến là một vị thần, rồi thành một vị nhân vương, thành thủy tổ của nhà Hạ, đã bóc tách từng tầng tích lũy huyền sử qua mỗi thời đại trong thư tịch cổ Trung Hoa…
….
“Tôi cho rằng giai đoạn từ Tây Chu cho đến đầu Xuân Thu, người thời đó căn bản không có sự suy đoán xa xôi về thời cổ đại. Thương tụng chép: "Thiên mệnh huyền điểu, giáng nhi sinh Thương" (Trời mệnh cho chim huyền điểu, giáng sinh ra nhà Thương). Trong Đại nhã cũng nói: "Dân chi sơ sinh, tự thổ Thư, Trăn" (Những người dân đầu tiên [của nhà Chu ], là từ đất Thư, đất Trăn), còn nói: "Quyết sơ sinh dân, thời duy Khương Nguyên" (Những người dân đầu tiên [của nhà Chu ] ấy, là do từ bà Khương Nguyên). Có thể thấy họ chỉ lấy người trong giai đoạn bản tộc hình thành làm thuỷ tổ, trong trí tưởng tượng của họ không tồn tại khái niệm thủy tổ xa hơn. Họ cho rằng mỗi dân tộc chỉ có một thuỷ tổ và không có thủy tổ cho nhiều dân tộc cùng một lúc.
Nhưng ngoài thủy tổ ra, họ còn có "Vũ". Bài Trường phát trong Thương tụng viết: "Hồng thuỷ mang mang, Vũ phu hạ thổ phương,….Đế lập tử sinh Thương" (Khi nước lớn mênh mông, Vũ bình trị thuỷ thổ định nơi cư trú cho dân… Thượng Đế lập [Khiết] làm thủy tổ nhà Thương). “Vũ” xuất hiện ở sách này được cho là xưa nhất. "Đế" trong Thi, Thư đều là Thượng Đế. (Không tính Đế Nghiêu, Đế Thuấn, sẽ nói rõ ở phần sau. Trong Thượng Thư chỉ có đế Ất là đáng ngờ, nói không chừng, có lẽ các hậu vương đời Ân Thương tôn tổ tiên của ông ta, xem ông ta giống như Thượng Đế bèn gia thêm tôn hiệu). Ý của bài thơ Trường phát này muốn nói rằng nhà Thương do Thượng Đế lập nên. Vậy Thượng Đế kiến lập nên nhà Thương thì có quan hệ gì với Vũ? Xét ý nghĩa của bài thơ này thì tựa hồ như trong khi nước lớn mênh mang, Thượng Đế kêu Vũ xuống hạ giới phân bố đất đai, rồi sau đó lập lên nhà Thương. Nếu thế thì Vũ là Thần do Thượng đế phái xuống mà không phải là người. Trong bài Tiểu mân có câu: "Mân thiên tật uy, phu vu hạ thổ", có thể thấy "hạ thổ" chỉ là để đối với "thượng thiên" mà thôi.
Dựa vào những khảo cứu và nhận định của Vương Tĩnh An tiên sinh (trong cuốn Nhạc Thi khảo lược- thuyết Thương tụng hạ), thì Thương tụng là do người đất Tống sống giữa thời Tây Chu soạn tác. “Vũ” trong quan niệm thời đó là một vị thần. Nhưng đến thời Lỗ Hy Công, Vũ đã được xác nhận là người. Bí cung viết:"Thị sinh Hậu Tắc,…tị dân giá sắc…yêm hữu hạ thổ, toản Vũ chi tự" (Liền sinh hạ Hậu Tắc….[Hậu Tắc] dạy dân việc đồng áng…bao trùm khắp mặt đất, kế tục sự nghiệp của Vũ) (Cần lưu ý: bài Sinh dân kể tường tận nhất về chuyện Hậu Tắc, nhưng chỉ nói ông ta nhận sự bảo hộ của Thượng Đế mà không nói ông ta "kế tục" "sự nghiệp" của người khác. Chiếu theo ý tứ của tác giả bài Sinh dân, thì chính Hậu Tắc là người mở đầu cho việc trồng cấy mà không phải là kế tục sự nghiệp của tiền nhân. Đến Bí cung thì tác giả không hiểu giống như vậy, ông biết rằng Vũ là người tối cổ, Hậu Tắc hẳn phải kế tục công lao sự nghiệp của ông ta. Ở chỗ này, có thể thấySinh dân là tác phẩm thời Tây Chu, trước Trường phát chưa từng có quan niệm về Vũ. Ý nghĩa của bài thơ muốn nói Vũ là người đầu tiên "yêm hữu hạ thổ" (bao trùm khắp mặt đất), là một vị vua có trước Hậu Tắc, Hậu Tắc là vị vua kế tiếp sau này. Tại sao tác giả không nói Hậu Tắc kế tục sự nghiệp của Hoàng Đế, kế tục sự nghiệp của Nghiêu, Thuấn? Điều này rõ ràng cho thấy, thời đó chưa có quan niệm về Hoàng Đế, và Nghiêu, Thuấn mà chỉ có khái niệm về vị nhân vương (mang tính thần thánh) xưa nhất là Vũ, cho nên mới nói Hậu Tắc kế tục sự nghiệp của Vũ. Tộc Thương cho Vũ là thiên thần hạ phàm, tộc Chu cho Vũ là vị nhân vương tối cổ, có thể thấy quan niệm của họ về Vũ hoàn toàn giống như quan niệm của người hiện tại về Bàn Cổ.
Trong những tư liệu đã nêu trên, chúng ta cần lưu ý là giữa Vũ và nhà Hạ hoàn toàn không có mối quan hệ gì. Trường phát một mặt nói: "Hồng thủy mang mang, Vũ phu hạ thổ phương" ( Khi nước lớn mênh mông, Vũ bình trị thuỷ thổ định nơi cư trú cho dân), một mặt lại nói Thang: "Vi, Cố kí phạt, Côn Ngô, Hạ Kiệt" (Đã chinh phạt xong đất Vi, đất Cố, sẽ đến Côn Ngô, Hạ Kiệt). Nếu như chiếu theo cách nói của người đời sau Vũ là tổ tiên của Kiệt, nhà Thương cảm cái ân đức bình trị của Vũ như vậy cớ sao lại trở mặt sát phạt con cháu của Vũ? Bài Trường phát viết rằng: "Huyền vương hoàn bát, thụ tiểu quốc thị đạt, thụ đại quốc thị đạt"(Huyền vương (Khiết) cương cường phấn phát, thu nhận nước nhỏ thành công, thu nhận nước lớn thành công), cũng lại viết : "Tương Thổ liệt liệt, hải ngoại hữu tiệt" (Tương Thổ (cháu của Khiết) lẫm liệt, chư hầu bốn phương nhất chí phục tùng) . Đó là nhà Thương từ vua Thang trở về trước thế nước vốn thịnh đạt, đến đời vua Thành Thang võ công cương kiện có thể đánh bại Vi, Cố, Côn Ngô, Hạ Kiệt. Như thế rõ ràng, Vũ mà họ cho rằng là người khai thiên lập địa với Hạ Kiệt là người bị Thang chinh phạt, là hai người dưng không có mối quan hệ.
Vậy Vũ có nguồn gốc từ đâu? Vũ với Kiệt cớ gì lại có mối quan hệ với nhau? Tôi cho rằng đếu từ trên cửu đỉnh mà ra. "Vũ", Thuyết văn giải thích: "là một loại động vật, xuất phát từ 禸, tượng hình", 禸 Thuyết văn nói: "là loại thú dùng chân đạp đất". Là loại động vật mà lại dùng chân đạp đất có lẽ là một loại thằn lằn. Tôi cho Vũ có lẽ là một loại động vật được đúc trên cửu đỉnh, lúc đó những hình tượng con vật đúc trên đỉnh nhất định có rất nhiều hình trạng kì quái, trong số đó, Vũ là loại có sức mạnh nhất, hoặc là có dáng vẻ đắp đất, cho nên sắp đặt ông là người khai thiên lập địa. (Bá Tường nói: Vũ có lẽ là rồng, truyền thuyết vua Vũ trị thủy e rằng cũng giống như câu chuyện thuỷ thần tế Long vương). Lưu truyền đến đời sau thì đã trở thành một vị nhân vương thực sự. Cửu đỉnh là do nhà Hạ đúc, nhà Thương diệt nhà Hạ nên dời về nhà Thương, Chu diệt Thương lại dời vềChu . Chẳng qua đương thời nó là bảo vật, cho nên mới chuyển về mà không có nhiều ý nghĩa to lớn; Nhưng bảo tồn qua một thời gian dài, quan niệm của mọi người về "cửu đỉnh" thành "truyền thống", cho rằng phàm muốn hưng quốc phải đoạt cửu đỉnh làm tín vật giống như "ngọc tỉ truyền quốc" của hậu thế. Quan niệm thành "truyền thống", cho nên phải truy ngược hệ thống trước đó, biết Chu đoạt từ Thương, Thương đoạt từ Hạ, tự nhiên Hạ, Thương, Chu liên kết lại với nhau thành một hệ. Trở thành một hệ cho nên vua Thành Thang của nhà Thương không thể làm bề tôi của Hạ Kiệt, Chu Văn Vương không thể làm bề tôi của vua Trụ nhà Ân. Họ truy ngược đến chỗ Vũ xuất hiện trên đỉnh của nhà Hạ thì cho rằng Vũ là người tối cổ, phải làm thuỷ tổ nhà Hạ. (Đem hai chữ "Hạ", "Vũ" hợp lại thành một từ xuất hiện sớm nhất ở trong thư tịch, tôi vẫn còn chưa tìm thấy).
Những năm đầu thời Đông Chu chỉ có Vũ, đó là suy từ trong Kinh Thi mà biết; những năm cuối thời Đông Chu có thêm Nghiêu, Thuấn, có thể thấy trong Luận ngữ. (Câu chuyện Nghiêu, Thuấn bắt đầu từ thời nào, vấn đề này rất khó giải quyết: Tả truyện là trước tác thời Chiến quốc, các thiên Nghiêu điển, Cao Dao môtrong Thượng thư cũng không đáng tin cậy; Luận ngữ đáng tin cậy hơn, cho nên chọn sách này). Trong Luận ngữ có 2 lần Nghiêu, Thuấn được nhắc đền liền nhau (Nghiêu, Thuấn kì do bệnh chư), 1 lần Thuấn, Vũ được nhắc đến liền nhau (Nguy nguy Thuấn, Vũ chi hữu thiên hạ dã), lại có Nghiêu, Thuấn, Vũ được ca ngợi liền nhau (Đại tai Nghiêu chi vi quân, Thuấn hữu thần ngũ nhân nhi thiên hạ trị, Vũ ngô vô gian nhiên hỹ), có thể thấy người đương thời thực sự cho rằng Nghiêu, Thuấn có trước Vũ. Cho nên trước Vũ có Nghiêu, Thuấn là cổ hơn. Nhưng mối quan hệ giữa Nghiêu và Thuấn, Thuấn và Vũ vẫn chưa được đề cập tới, có lẽ trong suy nghĩ của người đương thời cho rằng các vị cổ vương cách xa nhau hàng trăm năm, như Vũ và Thang, Thang và Văn, Vũ, cũng chưa thể biết được. (Tuy thiên Nghiêu viết trong Luận ngữ đã nói rõ mối quan hệ truyền giao giữa họ nhưng theo khảo sát nhận định của Thôi Thuật về Luận ngữ, 5 thiên từ Quý thị đến Nghiêu viết trong Luận ngữ là do người đời sau viết nối vào. Ở đầu chương Nghiêu viết, về văn thể vẻ như có ý phỏng cổ nhưng về tôn chỉ có thể thấy lại nắm giữ hai chủ nghĩa "vương đạo" và "đạo thống" vốn là diện mạo của Nho gia thời Chiến quốc).
Sau Luận ngữ, sự tích Nghiêu, Thuấn được biên tạo rất hoàn bị cho nên mới xuất hiện các thiên Nghiêu điển, Cao Dao mô, Vũ cống…Vì có sự ra đời của những thiên ấy, cho nên giữa Nghiêu và Thuấn mới có quan hệ bố vợ chàng rể, Thuấn và Vũ mới có quan hệ vua tôi. Sự không đáng tin của Nghiêu điển, đều nằm ở những câu "Man Di hoạt Hạ" (Man Di khinh nhờn Hoa Hạ), "kim tác thục hình" (dùng vàng chuộc tội) như ngài Lương Nhiệm công đã nêu. Lấy ngay Kinh Thi để chứng minh, bài Bí cung viết Hậu Tắc "yêm hữu hạ quốc" (bao trùm khắp mặt đất), rõ ràng là làm vua, vậy mà Nghiêu điển lại nói thành bề tôi của Thuấn. (Chữ hậu trong Hậu Tắc vốn đã có nghĩa là quốc vương, trong Nghiêu điển Thuấn lại nói với Hậu Tắc: "Này ngươi, Hậu Tắc", thực là không thể chối cãi). Bí cung nói: Hậu Tắc "toản Vũ chi tự" (kế thừa sự nghiệp của Vũ), rõ ràng là có sau Vũ, Nghiêu điển lại nói là Hậu Tắc cùng làm quan với Vũ. Lại lấy Luận ngữ để chứng minh, thứ nhất, trong Luận ngữ rất nhiều lần học trò hỏi về đạo hiếu, Thuấn vốn đã "khắc hài dĩ hiếu", sao Khổng Tử lại không nêu ông ta làm ví dụ? Thứ hai, trong Luận ngữ nói: "Thuấn hữu thần ngũ nhân" (Thuấn có 5 người bề tôi), tại sao trong Nghiêu điển lại có 9 người? Nghiêu điển đã có 9 người, mỗi ty mỗi việc, không cho phép bỏ ai, tại sao Khổng Tử duy chỉ lấy 5 người? Thứ ba, Nam Cung Quát nói: "Vũ, Tắc cung giá nhi hữu thiên hạ" có thể thấy Vũ, Tắc đều là những người có thiên hạ, tại sao trong Nghiêu điển họ đều là bề tôi mà không phải là vua? Thứ tư, Khổng Tử nói Thuấn "vô vi nhi trị", trong Nghiêu điển lại nói ông ta "ngũ tải nhất tuần thú, quần hậu Tứ triều" (Năm năm đi tuần thú một lần, chư hầu triều kiến ở núi Tứ Nhạc) lại nói ông ta "tam tải khảo tích, tam khảo, truất giáng u minh" (Ba năm khảo sát công tích một lần, sau ba lần khảo sát, bãi miễn những quan ngu hèn u tối, đề bạt những quan sáng suốt hiền tài) không phải là có sự xung đột hay sao? Những vấn đề này đều có thể chứng minhNghiêu điển có sau Luận ngữ. (Ý của tôi là, học thuyết thiện nhượng có trước rồi sau đó Nghiêu điển, Cao Dao mô ra đời để làm thực chứng cho thiện nhượng, thuyết thiện nhượng ra đời đặt nền tảng cho sự cổ xuý chủ nghĩa tôn hiền của Nho gia). Khi soạn Luận ngữ quan niệm về Nghiêu, Thuấn vẫn còn mơ hồ, chỉ suy tôn họ là hai bậc cổ vương đạo đức cao nhất, công tích lớn nhất; tạo ra những thiên như Nghiêu điển thì "văn chương" của Nghiêu, Thuấn có thể được đưa ra như những việc có thật.
Từ thời Chiến quốc đến thời Tây Hán, rất thịnh hành việc sáng tạo ngụy sử, trước Nghiêu, Thuấn còn thêm vào biết bao nhiêu vị hoàng đế cổ. Cho nên ở những năm đầu thời Xuân Thu, Vũ được gọi là tối cổ, nhưng đến thời này thật là rất gần. Bắt đầu từ Tần Linh Công lập đàn ở Ngô Dương, tế Hoàng đế (Xem Hán thư, Giao tự chí). Những vị thần được nước Tần sùng phụng rất hỗn tạp, danh mục cũng gian dối nhất, Tần Văn công nằm mộng thấy con hoàng xà nên làm lân trù, nhặt được một khối đá dựng đền Trần Bảo, trên thực tế vẫn chỉ là bái vật giáo. Lễ tế Hoàng Đế bắt đầu từ đời Tần, nói không chừng Hoàng Đế chính là một loại "giun đất mang địa vị của hoàng long", trải qua sự cổ xúy của bọn phương sĩ, nên Hoàng Đế đứng trước Nghiêu, Thuấn. Từ khi bọn Hứa Hành đề cao Thần Nông, vì thế nên Thần Nông đứng trước Hoàng Đế. Từ khi Hệ từ của Kinh Dịch đặt ra họ Bào Hy, cho nên họ Bào Hy lại đứng trước Thần Nông. Từ khi bọn Lý Tư nói: "Có Thiên Hoàng, có Địa Hoàng, có Thái Hoàng, Thái Hoàng là cao quý nhất", cho nên Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Thái Hoàng lại đứng trước họ Bào Hy. Từ khi xuất hiện Thế bản, những danh nhân cổ đại suy phế đã tạo ra những thế hệ tương tự, cho nên không người nào không phải là con cháu của Hoàng Đế. Từ khi trong Xuân Thu mệnh lịch tự nói: "Từ buổi bắt đầu của trời đất cho đến năm bắt được lân trong Xuân Thu tổng cộng là hai trăm hai mươi sáu vạn năm", vì thế mười hai vị Thiên hoàng, mỗi vị sống một vạn tám nghìn năm. Từ khi tộc Hán qua lại với tộc Miêu, lấy thuỷ tổ của tộc Miêu truyền qua, cho nên Bàn Cổ trở thành người khai thiên lập địa, lại có trước Thiên Hoàng. Thời đại càng lùi về sau, cổ sử được biết đến càng tiến về phía trước; văn tịch càng không được chứng minh, cổ sử biết được càng nhiều. Cấp Ảm nói: "Ví như tích củi, lớp củi mới sẽ xếp ở trên cùng". Đó là một ví dụ rất hay về việc tạo sử, cho thấy sự bừa bãi tùy tiện của những bộ sử ngụy tạo đến thế nào. Nghiêu điển như thế không thể trở thành tín sử. Nhưng xem sử thưa thớt trong Kinh thi chẳng lẽ lại không hoài nghi sử từ đời Thương trở về trước!
Những ý nghĩ này nếu được phát huy đầy đủ, chắc chắn có thể viết được hàng chục cuốn sách. Sử cổ đại có mấy bộ không đáng tin cậy, cái gọi là "tín" của Thôi Thuật lại không phải là đáng tin hay sao! Như Hậu Tắc, chính người đời Chu nói là tổ tiên của họ, nhưng có người ấy hay không cũng không thể biết được. Vì xem trong Kinh Thi, Kinh Thư, có thể thấy dân tộc Thương trọng du mục nhưng dân tộc Chu trọng trồng cấy. Cái gọi là "Hậu Tắc", cũng chẳng qua vì việc cấy trồng là nguồn sinh sống của họ, báo công sùng đức cho nên truy tôn gọi là người sáng lập ban đầu. Trên thực tế, Hậu Tắc của nhà Chu và Thần Nông của Hứa Hành có gì khác biệt? Hai vị cổ vương ấy khai xướng việc trồng cấy, có thể thấy sự lặp lại của người tạo sử. Những người tạo sử tại sao lại muốn lặp lại. Hoá ra đã có quá nhiều người xếp hàng trước mặt Vũ nên địa vị của Hậu Tắc không còn được tôn trọng, nếu như không thể sáng tạo ra một vị Thần Nông khác thì bọn Hứa Hành không đủ tư cách hiệu triệu vậy!
Quách Hiền dịch
[1] Bài viết này vốn đăng trên Nỗ lực, phụ san của Độc thư tạp chí, số 9, tháng 5, năm 1923. Sau này được đưa vào tập 1 của bộ Cổ sử biện, Bắc Bình phác xã xuất bản năm 1926, Hương Cảng Thái Bình thư cục xuất bản năm 1962, Đài Loan Minh Luân xuất bản xã xuất bản năm 1970 in theo bản của Phác xã, Thượng Hải cổ tịch xuất bản xã xuất bản năm 1982 in theo bản của Phác xã; Sau này lại đưa vào quyển 1 của bộ Cố Hiệt Cương cổ sử luận văn tập, Cố Hiệt Cương cổ sử luận văn tập, Trung Hoa thư cục xuất bản năm 1988.
[2] Tiền Huyền Đồng (1887-1939), nhà ngôn ngữ văn tự học Trung Quốc. Tên thật là Hạ, sau lấy tên là Huyền Đồng, tự là Đức Tiềm, người huyện Ngô Hưng tỉnh Triết Giang (nay thuộc thành phố Hồ Bắc). Từng làm giáo sư ở các trường: Đại học Bắc Kinh và Đại học Sư phạm Bắc Kinh. Trong thời kì "Ngũ Tứ" tham gia cuộc vận động tân văn hoá, đề xướng cải cách văn tự , là người đề nghị và tham gia định chế phương án phiên âm quốc ngữ theo chữ La Mã. Trước tác của ông có: Văn tự học âm thiên và các luận văn: Trùng luận kinh kim cổ văn học vấn đề, Cổ vận nhị thập bát bộ âm độc chi giả định, …(Chú thích của người dịch)
[3] Cố Hiệt Cương (1893-1980) là nhà sử học hiện đại Trung Quốc, người Tô Châu tỉnh Giang Tô. Với tư là một trong những người sáng lập phái "cổ sử biện", đầu năm 1921 ông chuẩn bị lật đổ ngụy cổ sử, năm 1923 phát biểu "Cùng tiên sinh tiền Huyền Đồng bàn về cổ sử", đề xuất quan điểm "cổ sử Trung Quốc tạo thành từ các tầng tích lũy", dẫn đến sự quan tâm rộng rãi và tranh luận kịch liệt trong giới sử học, thúc đẩy một cách mạnh mẽ việc nghiên cứu sâu về khảo biện truyền thuyết cổ sử Trung Quốc. Ông cũng có cống hiến vô cùng to lớn đối với những nghiên cứu về địa lí học và dân tục học của Trung Quốc. Trước tác của ông vô cùng phong phú, chủ yếu có Hán đại học thuật sử lược, Trung Quốc thượng cổ sử nghiên cứu giảng nghĩa, Cổ sử biện, Tây Bắc khảo sát nhật kí, Lưỡng Hán châu chí khảo, Cố Hiệt Cương tuyển tập, Cố Hiệt Cương cổ sử luận văn tập….