…“Với đối tượng nghiên cứu chính là Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Toản
yếu (từ đây gọi là bộ Toản yếu) do Nguyễn
Huy Oánh biên soạn và Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Tiết
yếu (từ đây gọi là bộ Tiết yếu) nguyên
bản thuộc họ Bùi (vẫn thường được biết đến như là văn bản do Bùi Huy Bích
(1744-1818) biên soạn), bài viết này của chúng tôi sử dụng phương pháp nghiên
cứu lịch sử tư tưởng, tiến hành khảo sát, nghiên cứu về hiện tượng toản yếu, tiết yếu kinh
điển Nho học trong bối cảnh tư học Việt Nam
thế kỷ XVIII.” – "Toản yếu",
"Tiết yếu" kinh điển và đặc trưng thuyên thích học Nho gia Việt Nam
trong giáo dục Tư Học thế kỷ XVIII - Quách Thu Hiền (QTH)
**
Bài nghiên cứu dẫn
trên đem đến sự thú vị do các trình thuật khúc chiết về một chủ đề hiểm trở là
nền “cựu học” của nước Nam xưa, nhưng
còn mang lại một cái nhìn đầy gợi ý về cái
di sản đã bao lâu có vẻ như bất động kia, một thành tố trong lịch sử của tinh
thần nước Nam: thành tố gọi là tinh thần Nho giáo.
Lịch sử của tinh
thần không trùng khớp hay trùng lặp với cái được gọi như “lịch sử (của) tư
tưởng”. Nhưng giống như diễn trình của nối tiếp, đồng thời, tranh đoạt và thống
trị giữa các luận các thuyết, diễn trình của tinh thần của một dân cư
cũng “quần ngư tranh thực” và tất nhiên có sự thống trị của một front chủ
yếu; ở đây, tương ứng, là cái “front lạnh” Nho giáo phương Bắc, thành tạo một
tinh thần thấm nhập vào dân cư các địa vực thuộc “Nam quốc sơn hà”, từ sự
truyền bá Nho giáo của những Tích Quang, Nhâm Diên, Sĩ Nhiếp cho đến đường lối
được coi là bảo trợ Nho mà kiềm chế Phật, Lão của vua Lê Thánh Tông.
Việc nghiên cứu về
“hoạt động diễn giải kinh
điển Nho học tại Việt Nam” (- QTH) bao hàm trong đó tìm hiểu và trần thuật cái tinh thần đã
dẫn dắt sự diễn giải đó. Trong bài nghiên cứu này, phương diện ấy tự trình hiện
qua “bối cảnh chính trị văn
hoá xã hội Việt Nam thế kỷ XVIII: từ bối cảnh bên ngoài (lộ trình của biên soạn
kinh điển Nho học tại Việt Nam), bối cảnh bên trong (mối quan hệ giữa quyền lực
và tri thức: những chính sách của nhà nước liên quan đến kinh điển Nho học), từ
bối cảnh của chủ thể thuyên thích (người biên soạn kinh điển) và bối cảnh người
tiếp nhận (Nho sinh, những người đi học)” (- QTH). Tất nhiên, do giới định cụ thể của nghiên cứu này, đấy
có thể chỉ được thấy như một vài trong những chuyển động đa tạp của cái tinh
thần chung; song, các chuyển động được thấy này lại thuộc về loại chuyển động
lớn và căn bản.
Cụ thể
thì, nghiên cứu này đã chọn một điểm tiếp cận đáng kinh ngạc và gây cảm hứng: là
sự thể hai đối tượng nghiên cứu – hai sách “Toản yếu” và “Tiết yếu” này – bị mấy lớp Nho gia về sau phê phán rất mạnh.
“ Thứ
nhất, Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Toản yếu và Tứ thư Ngũ kinh Tính lý Tiết yếu là hai công trình nhận
được nhiều đánh giá tiêu cực từ các Nho gia Việt Nam trung cận đại. Phan Huy
Chú (1782-1840) trong Lịch triều hiến chương loại chí 歴朝憲章類誌 nhận xét: “Tính lý Toản yếu 2 quyển, Tứ thư Ngũ kinh Toản yếu, 15
quyển, do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh biên soạn. Vay mượn bản riêng của các danh
gia, ghi chép chắt lọc các điều cốt yếu. Nhưng tựu trung cắt gọt, thay đổi rất
nhiều thành ra xuyên tạc”.
Nguyễn Thông (1827-1884), trong khi chấm thi Hương trường Thừa Thiên vào
tháng 7 năm Tự Đức thứ 23, được biết Nho sinh chủ yếu học bộ
sách Tiết yếu do Bùi Huy Bích biên soạn, vì thế đã
dâng sớ lên án kịch liệt, cho rằng bộ Tiết yếu “đại để trích những câu sáo ngữ giúp cho việc thi cử để lừa dối kẻ
hậu sinh. Những người có tài, có trí bị chôn vùi trong nền học ủy mỵ méo
mó ấy mà không tự biết! Vì thế tôi ví với dị đoan tà thuyết, lừa đời dối dân,
cũng không phải là quá đáng”.
Đầu thế kỷ XX, trong một bài báo bàn về Nho học Khổng Mạnh, Huỳnh Thúc Kháng
(1876-1947) cũng phê phán gay gắt bộ Tiết yếu “Sách kinh truyện và sử tiết yếu của Bùi Huy Bích là thứ sách gì?
Cắt đầu, hớt đuôi, bôi son, vẽ lọ, không thành tư cách một cuốn sách, mà đem ra
cho công chúng học, phô lên rằng học Khổng Mạnh thánh hiền…Cái học vì sách tiết yếu của Bùi Huy Bích không khác gì ngọn lửa
nhà Tần thứ hai trong học giới nước ta về khoản cận đại vậy”” (- QTH)
Trước tiên, về
thời độ, ta thấy sự phê phán đối với hai bộ sách diễn giải kinh điển Nho giáo
trên đã trải suốt ít ra cả trăm năm, từ những năm 1800 đến các thập niên đầu
1900; và cũng rõ đấy là, ít ra gần đúng, quãng thời gian mà hai bộ sách ấy hẳn
đã được khắc in bán mua và sử dụng một cách phổ biến, và đắc lực. Nhưng như bài
nghiên cứu này nhận định thì “hoạt
động diễn giảng kinh điển Nho học Việt Nam từ thế kỷ X cho đến nay là một
hoạt động duy trì liên tục, không đứt gãy.” (-QTH) Hiện tượng diễn giải đó, như vậy là một
hiện tượng lớn hơn, một diễn trình tiếp nhận bao trùm, mà hiện tượng phê phán
của một thành tố này đối với các thành tố khác nào đấy của nó thì cũng vẫn ở
bên trong cái hệ có thể gọi được như là một hệ sinh thái riêng của nó. Thời độ
của tiếp nhận vẫn đang triển hạn. Và thời độ, của cả hai hiện tượng nói trên, giống
với thời độ của mọi hiện tượng ý thức nói chung, không gì khác hơn, chính là
phương diện căn bản của một tinh thần.
Cái
tinh thần đó có khả thủ không? Đối với những gì xem thấy như là thực tại, hẳn
đều không thể đơn giản bảo rằng có hay rằng không. Nhưng cái hiện tượng lớn đó,
sự tiếp nhận Nho giáo, vào lúc mà hiện tượng phê phán nói trên hẳn đã khởi sự
các nguồn cơn của nó, đã trình hiện những hậu quả khó coi: “Sự suy đồi của khoa cử giáo dục Nho gia thế kỷ
XVIII khiến cho đội ngũ quan lại (những người đỗ trong các kỳ thi) không đạt
được những tiêu chí về phẩm hạnh và tài năng. “Những người trúng tuyển đại loại
là kẻ không có thực tài”, “những kẻ ra ứng dụng cho đời phần nhiều là phường hủ lậu ít tài giỏi””(-
QTH)
Hẳn
chẳng phải đợi đến khi một nền giáo dục khác, hậu duệ trực tiếp ít ra bởi sự kế
tục về lịch sử, lặp lại “sự suy đồi” ấy, thì mới thấy được rằng cái tinh thần
Nho giáo đã thành tựu nét phong hóa dưới trời Nam sâu xa đến mức nào. Hơn nữa,
sự lặp lại đó, thực hiện và hoạt tác dài lâu của cái tinh thần đó, còn hiện ra,
với tính đồng bộ rõ rệt, trên mấy phương diện mang tính cơ cấu hay chức năng mà
bài nghiên cứu này đã chỉ ra qua việc tìm hiểu về hiện tượng “Toản yếu, Tiết
yếu”. “Việc xuống cấp trong quản lý và giáo dục của
Quốc tử giámcòn phản ánh rõ trong lời than thở của Bùi Huy Bích: “Trường Quốc tử giám là một chỗ lễ nghĩa thế mà học
trò có người ngồi bên cạnh các quan, vung tay trật đùi, nói cười
hềnh hệch không sợ gì cả”. Không
chỉ riêng giáo dục Quốc tử giám, những ghi chép sử học thế kỷ XVIII còn cho
thấy sự xuống cấp của toàn bộ hệ thống khoa cử trường công. Đặc biệt là ở các
kỳ thi Hương, nhà nước cho phép thí sinh dùng tiền mua tư cách tham gia khoa cử,
nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng buôn bán bài thi mẫu,
không ngăn cấm mang sách tham khảo vào trong trường thi,
quan chấm thi “tuỳ theo văn bài mà chọn đỗ không kể gì trùng lắp ”.
… Trong khi Quốc tử giám đánh mất vai trò giáo dục bậc cao thì tư học thế kỷ XVIII lại trở thành nơi đào tạo nhân
tài thế kỷ XVIII. Tư học thế kỷ XVIII phát triển
hoàn bị với hai mô hình giáo dục chính: thư viện gia tộc
và học đường của các danh Nho.” (- QTH)
Nghiên
cứu này của QTH nhấn mạnh sự trỗi dậy của “tư học” như là một đối thay về cơ
chế giáo dục trong nền “cựu học” đó. Tuy nhiên, khi thấy ở đấy sự chuyển di cả
một nhóm chức năng – việc lập trường (linh động về quy mô nhưng nhất thống về
nguyên lý dạy và học), việc lập và phát triển các tàng thư, việc biên soạn (sẽ
dẫn đến lưu hành và phân phối) các tài liệu giảng dạy – ta nên chăng nghĩ tới
một sự biến đổi mang tính cấu trúc. Nhất là bởi, như nghiên cứu này đã trình
bày rất thuyết phục, hiện tượng phát triển “tư học” đó gắn với “trào lưu ‘du
học’ kinh đô” và dẫn sang sự hình thành các “liên minh sĩ tộc” và “liên minh
thầy trò” (- QTH). Đấy đã là những thực tại đời sống-xã hội rất căn bản, mà
nghiên cứu này cho thấy chúng trực tiếp ảnh hưởng vào quan trường, vào nền hành
chính dân sự, vào hạ tầng tư tưởng-tinh thần, tạo ra thời buổi. Song, cái biến
chuyển mang tính cấu trúc như thế hẳn đã không thể hoàn tất, hay ít ra đi theo
hướng mà biến chuyển đó mở ra. “Tư học” với những “thư viện gia tộc”, “học
đường của các danh Nho” “là “xuất phát điểm” cho
các trào lưu chấn hứng văn thể, chấn hưng Nho phong sĩ khí, và xu hướng tiếp
nhận Thực học Minh Thanh thế kỷ XVIII.
Trong khi Quốc tử giám lơi lỏng tiêu chí “nhân cách” trong xét tuyển Giám sinh
thì tại nhiều học đường của các danh Nho, “nhân cách” được xem là tiêu chí hàng
đầu trong việc thu nhận và dạy dỗ học trò.”. “Cùng với sự xuống cấp
của giáo dục trường công, kho sách giảng tập kinh điển của Quốc tử giám đã
không còn giữ được ưu thế trước những tàng thư tư nhân. Nhà nghiên cứu Nguyễn
Kim Sơn đã chỉ ra hiện tượng “sách chứa đầy nhà” của các sĩ tộc thế kỷ XVIII.Trong
số đó những nhà sư phạm nổi tiếng thế kỷ XVIII cũng chính là những người sở hữu
kinh điển đầy quyền lực. Phần lớn những người đỗ đầu trong kỳ thì Đình (Bảng
nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp) thường được bổ nhiệm và kinh qua những vị trí liên
quan đến quản lý và biên soạn thư tịch. Những chức trách ấy cho phép họ được
tiếp xúc với một hệ thống thư tịch phong phú của nhà nước. Vì vậy, cùng với sự
mở rộng của thương mại thư tịch Việt-Trung thế kỷ XVIII, cùng với sự trỗi dậy
của tư khắc và phường khắc, nhiều
danh sĩ đã tự mình thu thập, sưu tầm, sao chép, biên soạn chú giải và cho khắc
in điển tịch tư gia. Nhiều bộ kinh điển lớn trước đây chỉ có thể thực hiện ở
quy mô tổ chức khắc in nhà nước nhưng tại thế kỷ XVIII lại được thực hiện ở mức
độ khắc in tư gia như bộ Toản yếu của
dòng họ Nguyễn Huy là một ví dụ điển hình.” - QTH
Những
biến chuyển như thế lại diễn tiến trong bối cảnh chung của “sự suy đồi của khoa
cử giáo dục Nho gia” như ở trên đã dẫn. Liệu đó có phải một tình thế phản ứng
lại một thực trạng – như cách các suy luận sử tính thường dẫn dắt hay không?
Thêm nữa: “Chính sách cấm mua sách
Bắc thư của nhà nước năm 1736, theo chúng tôi, có thể đã gây ra đứt đoạn trong
tiếp nhận kinh điển Nho học Minh Thanh thế kỷ XVIII.Trong sự khan hiếm của thị
trường sách khoa cử, Toản yếu vàTiết yếu trở thành những bộ sách Tứ thư Ngũ kinh Chế cử đáp ứng được nhu cầu của sĩ
tử đương thời: một bộ điển tịch đầy đủ chính xác kinh văn, chú giải theo hệ tư
tưởng Trình Chu, đã được tinh lọc, không rườm rà phồn tạp. Trong đó Toản yếu còn là sự tinh lọc từ 10 độc bản của danh
gia Việt Nam và có sự tiếp nhận khảo chứng học đời Thanh (qua sự tiếp nhận Khốn học kỷ văn của Vương Ứng Lân- một tác phẩm
khảo cứu có nhiều ảnh hưởng đến các nhà khảo chứng học đời Thanh như Cố Viêm
Võ, Diêm Nhược Cừ…),
hoàn toàn có thể được xem là một bộ sách giáo khoa hoàn bị cho người đi học thế
kỷ XVIII.” – QTH
Như vậy, sự phát triển một khu vực giáo dục mang tính kinh điển-chính
thống do tư nhân đảm trách không phải là phản ứng đối với sự suy đồi của chính
nền giáo dục đó trên nền tảng quan phương vốn có của nó. Sự phát triển “tư học”
ấy, có vẻ phác ra một biến chuyển sang một ý thức phân lập được sở hữu tư nhân
về trí tuệ, phát triển những thiết chế văn hóa tự trị cao cấp; nhưng nó đã lập
tức rơi lại vào quỹ đạo của tinh thần tuân thủ Nho giáo – chỉ là một nhánh
đường thoát hiểm, rõ ràng nhằm cứu vãn cái cấu trúc lý tưởng “thiên mệnh”-
“hiền tài” lấy “nhân trị” làm trụ cột.
Và như thế sự phê phán đối với hai sách “Toản yếu” và “Tiết yếu”
mà nghiên cứu này chọn làm điểm tiếp cận mới là phản ứng đối với cái nạn “suy
đồi” kia. Những lời phê phán rất nặng, như đã dẫn ở trên, là “xuyên tạc”, “lừa
đời dối dân”, “dị đoan tà thuyết”, “ngọn lửa nhà Tần thứ hai”, rất có vẻ chỉ
cần dấn thêm một bước nữa sẽ trở nên những phủ định đột phá. Nhưng thực tế sự
phủ định ấy đã diễn ra theo cách khác mà ai cũng đã biết. Cả hai chuyển động
lớn, chỉnh đốn tự phát sự học và phê phán sự suy đồi của khoa cử, thảy đều diễn
biến trong tinh thần tuân thủ hệ giá trị Nho giáo, nhân danh hệ giá trị đó. Cái tinh thần tuân thủ này, chỉ còn gắn với
Nho giáo một cách lỏng lẻo linh động, dẫu chẳng bao giờ thuần nhất, luôn dẫn
đến sự sùng bái và độc tôn cái gì đấy được nó hợp thức hóa như là cái chính
thống. Nó là một “đại tự sự” dai dẳng và sẵn sàng áp chế. Mặt khác thì do cái
tinh thần Nho giáo ấy ngay từ đầu đã dấn thân vào chính trị, nó luôn luôn được dùng
làm một lợi khí trong chính trị chuyên chế.
Về sau
này, cũng chỉ trong vòng trăm năm, có những thực tại tương đương với hai vận
động nói trên lặp lại: cảnh lan tràn “dạy thêm-học thêm” và những “lò” luyện
thi với những thầy nổi tiếng; những căn nhà của giáo viên kiêm thêm chức năng
lớp học bán trú; lạm phát những “bài văn mẫu”, “sách tham khảo”, v.v. ; rồi đến
sự xuất hiện đầu tư tư nhân vào việc lập trường dạy học. Nguyên lý có tính tiên
đề học để ra làm quan – cái nguyên lý ấy chẳng hề suy suyển; nhất là trong một
tương quan bền vững suốt hàng chục năm coi những trường huấn nghệ chỉ là những
trường hạng hai ở bậc học sau phổ thông.
Vậy là
cái nền giáo dục “mực tàu chữ nho” đã tan rã từ hai trăm năm trước nhưng cái
tinh thần mà nó hun đúc thì đi vào phong hóa dân gian và, qua nhiều thế hệ những
tầng lớp tinh hoa và thống trị xã hội đều hưởng lợi và trục lợi từ hệ giá trị
Nho giáo đã bản địa hóa, nó đi vào các định chế hiện đại.
Liệu
có phải, như người ta nói, tinh thần Nho giáo trong thực tế đã sai lệch hẳn
khỏi cái đạo lý mà những nhà kinh điển của nó từng kiến lập? Và liệu có phải
việc nghiên cứu về tiếp nhận kinh điển Nho giáo sẽ giúp điều chỉnh cái tinh
thần ấy?