Monday, December 26, 2011

Băng tưởng (冰想)



Quán tưởng băng giá cứng chắc. Đây là một phương tiện quán để vào chính quán, nhờ phép quán này có thể tiến vào chân quán của thế giới cực lạc. Kinh quán vô lượng thọ (Đại 12, 342 thượng) nói: Thấy nước rồi, nên khởi băng tưởng. Thấy băng cứng sáng choang, thì tưởng đó là lưu ly”. (Băng tưởng (冰想)- Phật Quang đại từ điển)

Trước đây khi đọc vở kịch Tuyết tháng tám của Cao Hành Kiện, tôi đã tự hỏi: sao lại là tuyết? Câu trả lời chung tôi thường gặp trong nhiều tài liệu Phật giáo: tuyết đại diện cho sự tịnh hóa. Cũng trước đây, khi xem Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân của Kim Ki Duk, tôi cũng đã từng băn khoăn: tại sao vị sư già lại tự thiêu trên băng? Phải chăng đó chính là hàm ẩn của “băng thượng nhiên dụ hỏa”? Tại sao người đồ đệ sau khi trở lại chùa lại tạc một bức tượng băng dưới chân thác nước (lúc này cũng đã đóng băng) rồi đặt những viên xá lị của vị sư vào bên trong? Hàm ý của hành động đó là gì. Gần đây khi bác Gỗ Mun nhắc đến tác phẩm 亮出你的舌苔或空空荡荡(Thè hết lưỡi của bạn ra hoặc trống hươ trống hoác- QH tạm dịch) của Mã Kiến tôi chợt nhớ ra rằng minh đã bỏ quên một hình tượng băng khác liên quan đến Phật giáo Tây Tạng. Trong nguyên bản Hán ngữ của “Thè lưỡi…” mà tôi đã đọc, mục truyện có tên là “Quán đỉnh” thật khiến người ta phải choáng váng. Cô gái-người từ lúc sinh ra đã được xem là chuyển thế của vị Phật sống (Hoạt Phật) Tenzin Wangdui (?) (丹增。旺堆活佛)- bị đem ngâm xuống dòng sông băng ngay sau khi tiến hành xong lễ quán đỉnh (trong truyện, lễ quán đỉnh được mô tả tiến hành dưới hình thức nam nữ song thân pháp (ngầm hiểu là tư thế Yab-Yum) giữa cô gái với một vị cao tăng tổng quản trong chùa). Theo nghi thức, sau lễ quán đỉnh, cô gái phải niết bàn trong sông băng ba ngày, và sau ba ngày sẽ hiển Như Lai tạng. Tuy nhiên chỉ được hai ngày thì cô gái chết, cơ thể của cô gái đã biến thành băng trong suốt có thể nhìn thấy cả lục phủ ngũ tạng, thậm chí còn có thể thấy được một con cá đang bơi trong ruột. Cho dù rất tinh thông khẩu quyết khơi lửa nhưng cô gái đã không thể nào khiến ngọn lửa trong người mình bùng lên để hóa giải băng. Phải chăng bởi vì trong lễ quán đỉnh cô đã chịu thua trước khoái lạc, để cho khoái lạc điều khiển cả thể xác lẫn tâm trí, khiến cô không thể làm chủ được luồng nguyên khí của mình, khiến cô không đạt đến chứng ngộ, không có sự chuyển đổi nhận thức? Đọng lại duy nhất trong tâm trí cô gái sau lễ quán đỉnh chỉ là: những ý thức về sự tồn tại của Hoạt Phật Tenzin Wangdui trong con người cô bị rũ bỏ hoàn toàn. Lúc này cô ý thức được trọn vẹn, rõ ràng nhất một điều: bản thân cô là nữ, từ đầu đến cuối là một phụ nữ. Phải chăng chính nhận thức đó đã khiến cô không thể nào hoàn thành được công đoạn cuối cùng của một người chuyển thế?

Sau khi đọc lại Mã Kiến, tôi hăm hở tìm kiếm vài cuốn sách với hy vọng có câu trả lời cho câu hỏi: tại sao lại là băng? Và như thường lệ, câu trả lời rất quen thuộc: trong Phật giáo, “băng” có nghĩa là “tịnh hóa”. Bây giờ thì tôi đã hết ham muốn cố công giải đáp những băn khoăn trên đây. Có lẽ kiến thức cũng là một thứ “tùy duyên”.