Monday, December 21, 2015

Bóng tối

Trong tôi không có nhiều năng lượng bóng tối. Năng lượng bóng tối mạnh nhất đã từng chi phối tôi trong một khoảng thời gian dài đó là cảm giác mãnh liệt về sự “độc chiếm”. Thứ năng lượng bóng tối đó đã huỷ hoại cả về thể xác lẫn tinh thần tôi trong khoảng 10 năm cho đến khi tôi hiểu ra rằng: thứ mà tôi luôn nâng niu gìn giữ trân trọng và muốn “độc chiếm” thực ra chẳng thuộc về ai cả, và cũng chẳng dành cho ai cả. Tuy nhiên từ “nhận ra” cho đến “thoát ra” là cả một khoảng cách dằng dặc, đôi khi là đó là quãng đường của một đời người. Nhưng tôi đã thoát ra khỏi bóng tối. Một phần vì tôi không thuộc về bóng tối. Một phần lớn là nhờ Họ. Mỗi một người trong số họ như một tấm gương phản chiếu lại chính bản thân tôi. Vì thế tôi bắt đầu học cách chấp nhận khác biệt, học cách bao dung, và học cách tự chiến đấu với bóng tối của chính mình.

Bạn cà phê đã từng nói với tôi rằng: chẳng cái gì là không thể vượt qua được. Ngủ một giấc tỉnh dậy, mọi nỗi buồn, sự tức tưởi và uất ức đều sẽ thành quá khứ. 

Tôi hiện giờ giống như một ô cửa sổ mở đầy gió và đầy nắng.

Thursday, December 17, 2015

“Sử” và “Thơ vịnh sử” trong quan niệm của Nguyễn Đức Đạt

Quách Hiền
(Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học, tháng 12/2015)
Thời trung đại, trong quá trình tiếp nhận các thành tựu của nền văn hóa Hán tại Đông Á, cùng các loại hình sáng tác khác, thơ vịnh sử (được biết đến ở Trung Quốc như 咏史诗 (yongshishi-vịnh sử thi); tại Nhật Bản: 詠史詩 (えいししeishishi),  tại Triều Tiên:영사시 (yeong sa si)) đã di thực và truyền nhập sang các nước thuộc vành khuyên Hán văn hóa, trở thành một trong những loại hình sáng tác văn học tiêu biểu nhất cho văn học Nho gia tại các nước như Nhật Bản, Triều Tiên, Việt Nam. Thơ vịnh sử cũng là một trong những đối tượng nghiên cứu chính của nhiều học giả trên thế giới, trong đó “đặc trưng thể tài và sự biến động của thể tài thơ vịnh sử” là một trong những vấn đề trọng tâm của nhiều nghiên cứu. Trong khi các nhà nghiên cứu đi trước tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Việt Nam thường dùng phương pháp loại hình học, dựa trên nội dung đề tài và hình thức thể tài để phân loại các tác phẩm thơ vịnh sử, thì hướng nghiên cứu của chúng tôi là dùng phương pháp thuyên thích, bóc tách từng khái niệm “thi” (), “sử” () từ góc độ từ nguyên, sau đó xem xét trong các bối cảnh văn hoá và tư tưởng thời đại khác nhau, “nghĩa” (meaning) của các khái niệm đã biến đổi như thế nào và sự biến đổi đó đã ảnh hưởng ra sao đối với khái niệm “vịnh sử thi” (詠史詩). Theo chúng tôi, trong tập hợp vịnh sử thi 詠史詩, thi ” với tư cách là một kết cấu ngôn ngữ (hay có thể gọi là phương thức biểu đạt) định hình nên “loại”, thì sử” với tư cách là đặc trưng định hình nên “thể” (trong cách hiểu là “thể” là thể tài体裁). Cũng trong tập hợp đó, sự biến động của thi ” chủ yếu là biến động về kết cấu ngôn ngữ, trong khi sử tại từng thời kỳ lịch sử khác nhau, ở các bối cảnh văn hoá khác nhau lại có sự biến động về nghĩa, và sự biến động về nghĩa này lại ảnh hưởng đến nghĩa của tập hợp “vịnh sử thi” 詠史詩.
Trong bài viết này, chúng tôi chỉ tập trung vào giải quyết câu hỏi cho một trường hợp cụ thể: cách giải thích “sử” của Nguyễn Đức Đạt (1824-1887) có ảnh hưởng như thế nào đến  quan niệm về “thơ vịnh sử” của ông.
1.  Quan niệm về “Sử” và “Thơ vịnh sử” trước Nguyễn Đức Đạt
Nhìn vào con đường phát triển của “thơ vịnh sử”, chúng tôi có thể tổng kết: Thơ vịnh sử được định danh từ Ban Cố (32 – 92)[i], định thể từ Tiêu Thống (501-531)[ii], được phân loại từ Lã Hướng (?-742)[iii].  Tập hợp “詠史 (vịnh sử) lần đầu tiên xuất hiện trong một bài nhạc phủ thi, chủ thể sáng tác là một sử gia (Ban Cố), bài thơ ra đời trong bối cảnh “sử” của Trung Quốc đã trở thành một hệ thống chuyên biệt về mặt chức năng (những người được gọi là “sử” có chức năng ghi chép sử, phụ trách các công việc liên quan đến thư viện và điển tịch), lớn mạnh về thể chế (quan sử), định hình rõ về văn thể (các thể tài sử, bút pháp chép sử). “Sử” với nghĩa mô tả một người cầm nắm vật tế tự trong giáp cốt văn[iv], mang nghĩa “sự” trong chữ triện thời Chu[v], đến Tư Mã Thiên (145TCN-86TCN), với Sử ký史記》, “sử” trong tác phẩm này được hiểu là “những chuyện của các triều đại trước, được lưu truyền hoặc đã được ghi chép lại trong văn hiến”. Ban Cố mặc dù có quan niệm về chép sử khác với Tư Mã Thiên, chỉ tập trung viết sử về giai đoạn nhà Hán, nhưng ông cũng không trực tiếp viết sử về chính triều đại ông đang sống. Cách hiểu “sử” thuộc về phạm vi thời gian quá khứ, ngay từ bài thơ định danh của Ban Cố đã quy định một trong những đặc trưng cơ bản giới định phạm vi “thơ vịnh sử”: các bài thơ vịnh sử không bao giờ đề cập trực tiếp đến các sự kiện và nhân vật đương thời, đối tượng của thơ vịnh sử luôn là những nhân vật và sự kiện của các triều đại trước.
Từ đời Hán về sau, các hàm nghĩa của sử” được mở rộng.  Sử” ngoài nghĩa là các triều đại của tiền nhân, còn mang nghĩa là  sử thư史書, một dạng tri thức liên quan đến quá khứ. Cách hiểu nghĩa này cũng được thể hiện rất rõ trong các bài thơ vịnh sử dưới thời Heian của Nhật Bản. Những bài thơ vịnh sử giai đoạn này được xem như “bài tập” thực hành nghiệm thu “đọc sử” sau các giờ học Sử ký 史記》Hán thư 《漢書》, hiện tượng này được ghi nhận ở những bài thơ vịnh sử trong các tập thơ như Bunka Shūreishū-quyển trung (文華秀麗集-卷中) (thế kỷ IX), Denshikashuu (田氏家集) (khoảng thế kỷ IX), Kankebunsou (菅家文草) (khoảng thế kỷ IX), Fusōshū (扶桑集) (thế kỷ X).  Những bài thơ vịnh sử giai đoạn này chủ yếu chú trọng vào thể hiện tri thức đọc sử của chủ thể sáng tác.
Khi “sử” được hiểu là một dạng tri thức thì sẽ diễn ra một quá trình, tác giả thơ vịnh sử đóng một vai trò vừa là người tiếp nhận (tiếp nhận tri thức sử học, hay còn gọi là “độc sử”, thưởng thức sử thư) vừa là chủ thể của một tri thức sử học khác (diễn giải “sử” như thế nào trong thơ). Thái độ thưởng thức và cách thức diễn giải “sử” như thế nào của các tác giả thơ vịnh sử, cũng chính là một đặc trưng cơ bản khác để phân loại thơ vịnh sử. Đây cũng chính là cách thức mà Lã Hướng đời Đường đã sử dụng để chia vịnh sử thi thành hai loại: một loại “duyệt đọc sử thư và vịnh chuyện cũ được mất của các nhân vật lịch sử”, một loại “kí thác tình cảm của mình vào đó”. Trong kí thác tình cảm có sự khen, chê, đồng cảm và phê phán. Đến Hà Trác (1661-1722), sự phân loại đó được định danh là “chính thể” và “biến thể”, trong đó thuật sử bằng thơ, không rườm rà hoa mỹ được xem là “chính thể”, còn mượn sử để gửi gắm ký thác tâm sự được gọi là “biến thể”[vi]. Trong cách thức phân loại này của Hà Trác cũng cho thấy phân loại thơ vịnh sử phụ thuộc vào tương tác giữa chủ thể và “sử”: “sử” là trung tâm hay hàm ý thông qua sử của chủ thể sáng tác là trung tâm?
Với hiện trạng văn hiến tàn khuyết, chúng tôi chỉ có thể xác định, những bài thơ vịnh sử sớm nhất tại Việt Nam là của vua Trần Anh Tông (1276-1320) gồm 6 bài thơ thất ngôn tứ tuyệt vịnh Hán Cao Tổ, Hán Văn Đế, Hán Vũ Đế, Hán Quang Vũ, Đường Túc Tông, Tống Độ Tông[vii]. Đầu thế kỉ XX, học giả Ứng Hoè Nguyễn Văn Tố trên Tạp chí Tri Tân đã phiên âm, dịch nghĩa và điểm bình những bài thơ Nôm vịnh các nhân vật lịch sử Việt Nam như: Xung Thiên Thần Vương, Trưng Vương, Triệu Ẩu,  M Ê… trong tập Hồng Đức quốc âm thi tập và khẳng định đó là những bài thơ Vịnh sử thời Hồng Đức[viii]. Nếu không kể đến bài Pháp Vân cổ tự kí của Lí Tử Tấn[ix], có lẽ đây là những bài thơ đầu tiên vịnh các nhân vật lịch sử Việt Nam. Định hình nên diện mạo cho thơ vịnh sử Việt Nam có các tác giả: Lê Thánh Tông (1442-1497) với Cổ tâm bách vịnh, Đặng Minh Khiêm (1456-1522) với Thoát Hiên vịnh sử thi, Hà Nhậm Đại (1525-?) với Khiếu vịnh thi tập, nhóm tác giả Trường An tứ hổ (thế kỷ XVIII) với Vịnh sử thi quyển,  Phạm Nguyễn Du (1739-1786) với Độc sử si tưởng, Nguyễn Đức Đạt với Vịnh sử thi tập, vua Tự Đức (1829-1883) với Ngự chế Việt sử tổng vịnh thi tập... . Ngoài ra cũng phải kể đến một lượng lớn thơ vịnh sử nằm rải rác trong thi tập của các thi nhân khác. Nhìn vào tiểu sử, phần lớn những nhà thơ sáng tác thơ vịnh sử tại Việt Nam đều có chức vụ liên quan đến Sử quán hoặc ít nhiều từng tham dự vào việc biên soạn các bộ sử lớn của nhà nước. Tuy nhiên, trong toàn bộ những tác gia kể trên, hiếm hoi mới có một trường hợp trình bày những quan niệm về “sử” và “thơ vịnh sử” rõ ràng trong những văn bản xác thực như Nguyễn Đức Đạt. Trong Khảo cổ ức thuyết, Việt sử thặng bình, Vịnh sử thi tập, Nguyễn Đức Đạt đã đề cập đến hầu hết những vấn đề về “sử” và “thơ vịnh sử”.
2. “Sử” và “thơ vịnh sử” trong quan niệm của Nguyễn Đức Đạt
Trong 18 tập thơ vịnh sử chữ Hán hiện tồn tại Việt Nam, Vịnh sử thi tập (詠史詩集) của Nguyễn Đức Đạt là một trong ba tập thơ vịnh sử lớn nhất (có số lượng lên đến 500 bài thơ) của thế kỷ XIX (các tập còn lại là Ngự chế Việt sử tổng vịnh của Tự Đức (1829-1883) và Việt sử tam bách vịnh của Nhữ Bá Sĩ (1787-1867).
Cuối thể kỷ XVIII đầu XIX, sau giai đoạn trỗi dậy của các sĩ tộc thời Lê Trung Hưng, đến giữa đời Nguyễn, cùng với sự phát triển lớn mạnh của các trường tư thục, loại hình trí thức được Nho sĩ theo đuổi chính là mô hình các “đại sư”. Nguyễn Đức Đạt chính là một trong những người theo đuổi mẫu hình trí thức này. Học phong “trọng sử” thời Tự Đức-một ông vua thủ thành, (bản thân Tự Đức cũng là tác giả của một tập thơ vịnh sử đồ sộ), cộng hưởng với chí hướng riêng đã khiến cho Nguyễn Đức Đạt càng có ý thức rõ ràng về “sử”. Nguyễn Đức Đạt không phải là một sử gia, nhưng ông tự nhận mình là “một người mê sử”[x], đồng thời biên soạn hai bộ thảo luận về sử, một bàn về các vấn đề sử học Việt Nam 越史塍評》(Việt sử thặng bình),  một bàn về các vấn đề của sử học Trung Quốc 《攷古臆說》(Khảo cổ ức thuyết). Vịnh sử thi tập cũng có thể được xem như là một trong những trước tác thuộc “bộ tam” liên quan đến sử học của Nguyễn Đức Đạt
Sử theo Nguyễn Đức Đạt cũng chính là quá khứ, là “chuyện của cổ nhân”[xi]. Khi chỉ ra hiện trạng tàn khuyết văn hiến sử Việt Nam, ông cho rằng sử bao hàm cả “cái học của một nước” [xii]. Nguyễn Đức Đạt không ghi chép lịch sử, ông thảo luận sử. Tiền đề cho hoạt động “sử” của Nguyễn Đức Đạt nằm ở tiêu chí trưng” (có bằng chứng)   vô trưng無徵” (không có bằng chứng). Đây chính là một trong những vấn đề trở đi trở lại trong các thảo luận về sử của Nguyễn Đức Đạt. Nguyễn Đức Đạt cho rằng bàn về chuyện của cổ nhân nghìn đời trước là không dễ. Vì thế ông chủ yếu đi sâu vào những vấn đề mà “cổ nhân chưa bàn đến”, hoặc những vấn đề mà văn hiến đã mất mát, tàn khuyết, không còn để lại chứng cứ. Điều này cũng ảnh hưởng rất rõ trong  thơ vịnh sử của Nguyễn Đức Đạt khi ông khởi đầu vịnh nhân vật đầu tiên của lịch sử Trung Quốc là Phục Hy, trong khi những tác giả thời Lê Trung Hưng như Phạm Nguyễn Du, Ngô Tuấn Cảnh vịnh lịch đại nhân vật Trung Quốc lại khởi đầu bằng những nhân vật tối cổ hoặc mang tính huyền thoại như Bàn Cổ, Thiên Hoàng, Địa Hoàng, Nhân Hoàng.. Nguyễn Đức Đạt cho rằng đến thời Phục Hy, Hiên Viên, văn đã sáng sủa rõ ràng, trong đó, “tiếng tăm để lại đời sau chính là văn vậy”[xiii]. Phục Hy, theo truyền thuyết là người sáng tạo ra chữ viết của người Trung Hoa. Từ khi có chữ viết (văn tự), các bằng cứ bắt đầu được lưu truyền từ đời này sang đời khác. Chứng cứ của sử nằm ở văn hiến. Khảo văn hiến, tìm bằng chứng ở câu chữ của cổ nhân, chính là một trong những tôn chỉ trong thảo luận sử của Nguyễn Đức Đạt. Về phương diện này có thể thấy Nguyễn Đức Đạt chịu ảnh hưởng rất sâu sắc khảo chứng học đời Thanh.
Nguyễn Đức Đạt cũng là một trong những người có ý thức rõ ràng về vai trò và trách nhiệm của một người viết sử, thảo luận sử. Lưu Tri Kỷ (661-721), sử gia đời Đường trong Tân Đường thư  新唐書》, đã tổng kết ba yếu tố cần có của một người viết sử: Sử Tài 史才, Sử Học 史学, Sử Thức . Chương Học Thành (1738-1801) đời Thanh trong Sử học thông nghĩa史学通義·内篇三·史德篇 thêm vào yếu tố SĐức史德. Thực ra “Tài, Học, Thức, Đức”, theo chúng tôi, không chỉ được xem như là những tiêu chí cho một lương sử mà đồng thời cũng chính là những tiêu chí cao nhất để đánh giá các trí thức phong kiến. Nguyễn Đức Đạt trong lời tựa của Việt sử thặng bình cũng đã ý thức được  về tiêu chí “sử tài” và “sử thức”, như là trách nhiệm của một sử gia khi  để cho cái học của nước bị mất mát chôn vùi trong dã sử chỉ vì sự tàn khuyết của văn hiến. Trong các tiêu chí dành cho người viết sử, Nguyễn Đức Đạt, đề cao yếu tố Thức (kiến giải riêng), ông không tán đồng thói “phụ hoạ” “hùa theo” trong học thuật nói chung và luận sử nói riêng. Trong lời tựa Khảo cổ ức thuyết ông nói: “Đứng tại thời của ta nhìn lại thời xa xôi cách ta hàng nghìn hàng trăm đời, vì thế phải tụ hội nghị luận của hàng trăm hàng nghìn nhà trước ta, dám đâu có thể tuỳ tiện hùa theo phụ hoạ[xiv].  Quan điểm này cũng được ông nhấn mạnh trong khi làm thơ vịnh sử. Trong lời tựa Vịnh sử thi tập, Nguyễn Đức Đạt cảm thán về sự “suy đồi” của thơ vịnh sử theo lối a dua, bắt chước: “Ôi, thơ vịnh sử từ đời Tấn về sau, thịnh hành lối hùa theo phụ hoạ, khiến đạo xa xôi, ngõ hầu không noi theo được nữa[xv]. “Khảo”, “biện”, “luận” sử là những phương thức diễn giải sử đã diễn ra từ rất lâu trước thời Nguyễn Đức Đạt. Ở Việt Nam, Đặng Minh Khiêm trong Thoát Hiên vịnh sử thi, phần phàm lệ, ông đã có ý thức đính chính những chi tiết sai trong tiểu sử của các nhân vật lịch sử. Tuy nhiên, luận “sử” vẫn dừng lại ở tiêu chí “khen đúng và chê đúng” theo những quan niệm sẵn có của sử gia đời trước, vì thế thơ vịnh sử của Đặng Minh Khiêm dễ bị xếp nhầm là một bộ phận phụ dung cho sử chính thống. Đến cuối thế kỷ XIX, quan niệm này vẫn được duy trì khi Cao Xuân Dục (1843-1923) viết lời tựa cho tập Việt sử tam bách vịnh của Nhữ Bá Sĩ: Thơ vịnh sử mà khen chê hợp lẽ phải, thế là sử ở trong thơ rồi vậy”. Về việc sáng tác thơ vịnh sử, Nguyễn Đức Đạt cho rằng “đem người và việc khái quát lại thành vần điệu, tuỳ tiện thuận miệng mà thôi. Khen chê, tiếm vượt, tốt xấu, không tự nhận thức, thống nhất theo pháp nhãn mà sáng tác[xvi].  Nguyễn Đức Đạt vẫn ý thức “thơ vịnh sử” là để “bao biếm” (khen chê), nhưng ông không chỉ dựa trên các tiêu chí vốn có (của các sử gia đi trước) để bình xét nhân vật lịch sử, trong nhiều trường hợp ông cho rằng phải đặt mình vào địa vị của cổ nhân, thấu hiểu những khó khăn và những khuất khúc trong từng bối cảnh lịch sử, để có được những nhận định công tâm nhất về cổ nhân. Cụ thể hơn về quan điểm kiến giải riêng, Nguyễn Đức Đạt đặt Tâm như là cán cân quan trọng nhất để bình luận và nhận định cổ nhân. Thực chất, thái độ đối với sử học của Nguyễn Đức Đạt là sự xiển thích từ quan niệm “tru tâm” (xét tâm định công tội) của các sử gia truyền thống. Quan điểm sử gia cần phải công tâm trong nhận định cũng đã được Lưu Tri Kỉ nhấn mạnh, nhưng tại Việt Nam, được diễn đạt rõ ràng trong trường hợp Nguyễn Đức Đạt : “Có người nói: Bàn luận chuyện xưa, quý ở chỗ kiến giải độc đáo. Nam Sơn chủ nhân nói: Hiểu biết sâu rộng và biết giám xét nhân tài là trên hết. Nhưng đặc biệt quý ở “Tâm”. Phàm việc có may mắn và không may mắn, khả năng có tới (cập) và chưa tới (bất cập). Đặt mình vào vị trị người khác để thể lượng sự khó khăn của họ. Suy cứu thực tình mà định công, tội. Cổ nhân được tái sinh, ắt tự xem ta là tri kỉ vậy[xvii]. Ngay trong phần lời tựa của Khảo cổ ức thuyết Nguyễn Đức Đạt cũng đề cập đến hai tiêu chí quan trọng trong khi thưởng thức sử: “Tâm” và “Sự” đắc được trong sách này hệt như đã gặp được cổ nhân vậy[xviii]. Nguyễn Đức Đạt đã đặt hai yếu tố “Tâm” và “Sự” như hai yếu tố then chốt trong các hoạt động liên quan đến “sử” của ông trong đó bao hàm sáng tác thơ vịnh sử.
Trong Vịnh sử thi tập, Nguyễn Đức Đạt đề xuất rất nhiều những thảo luận riêng về một số trường hợp nhân vật lịch sử, giúp họ được “sống lại một lần nữa” (như cách nói của chính ông trong Khảo cổ ức thuyết). Ví dụ như trong trường hợp Đế Nghiêu-tượng đài thần thánh trong lòng Nho gia dưới ngòi bút của Nguyễn Đức Đạt vẫn không phải là người hoàn hảo khi lấn lướt quyền anh trai là Đế Chí, từ đó ông biện giải hộ cho Đan Chu-con trai vua Nghiêu, người bị các sử gia “cố định” vào mẫu hình “người con bất tiếu” (con chẳng bằng cha, bất tài, vô dụng). Nguyễn Đức Đạt cho rằng: “Chớ có xem thường chê trách Đan Chu chẳng được như cha/Có cha như Nghiêu, ai có thể giỏi bằng” (Vịnh Đế Nghiêu). Nguyễn Đức Đạt cũng đòi công bằng cho Công Tôn Xử Cửu khi cùng một hành động trung liệt, Trình Anh lại được tế điển còn Xử Cữu lại bị bỏ quên: “Ai dễ, ai khó” đều là bất hủ/Nhưng sao tế điển lại bỏ sót Công Tôn Xử Cửu?” (Vịnh Trình Anh, Xử Cữu). Quách Ngỗi người có công đưa nhân tài về cho nước Yên, nhưng với Nguyễn Đức Đạt, đó không phải là hành động của một nhà Nho, những người thuộc “Trâu bang” (đất Trâu) (Vịnh Quách Ngỗi)...
 Mối quan hệ giữa “sử”   “thơ vịnh sử” 詠史詩của Nguyễn Đức Đạt là mối quan hệ phụ thuộc và tương tác, sự biến đổi của yếu tố này sẽ dẫn đến sự biến đổi của yếu tố còn lại. Sửtheo Nguyễn Đức Đạt không chỉ là lịch sử của các triều đại đã qua, không chỉ là sự thưởng thức “sử thư” (những tri thức về quá khứ), mà nó bao hàm nghĩa về một “cái học” (một nền học thuật) cần được thảo luận. Trong khi thảo luận về các nhân vật lịch sử, sử (Khảo cổ ức thuyết-thảo luận về các nhân vật lịch sử Trung Quốc) và thơ vịnh sử (thơ vịnh các nhân vật lịch sử Trung Quốc) của Nguyễn Đức Đạt không khác nhau về bút pháp luận sử, chỉ khác nhau về kết cấu ngôn ngữ (một tác phẩm diễn đạt bằng văn xuôi và một tác phẩm diễn đạt bằng thơ). Nhìn từ góc độ thể tài, khi đặt trọng tâm vào “thảo luận sử”, chú trọng kiến giải cá nhân và tâm của người nhận định, thơ vịnh sử của Nguyễn Đức Đạt đã tự phân biệt với những bài thơ “sử truyện vịnh sử thi”, tự định hình là những bài thơ “luận thể vịnh sử thi”. Trong thơ vịnh sử, ứng xử với sử sẽ quyết định thơ vịnh sử thuộc loại hình nào: truyện thể vịnh sử thi, luận thể vịnh sử thi hay tỷ thể vịnh sử thi. Nếu chỉ là sự truyền tải nguyên vẹn cơ sở dữ liệu như trong sử, đó là truyện thể vịnh sử thi. Dùng cơ sở dữ liệu đó như một ẩn dụ để ám chỉ, phúng dụ chính thể đương thời thì thuộc về tỷ thể vịnh sử thi. Vịnh sử thi tập của Nguyễn Đức Đạt, không chỉ đơn thuần dựng lại chân dung nhân vật lịch sử, nhưng cũng chưa thể bứt phá đi tới hướng “tỷ thể”, vốn là một loại thơ vịnh sử mang nặng tính liên tưởng với hiện thực. Tuy đề xuất cần có kiến giải riêng trong “sử”, nhưng giới hạn “thức” của Nguyễn Đức Đạt vẫn không vượt ra ngoài phạm vi tri thức của một nhà Nho, vẫn chịu sự chi phối của tư tưởng “đạo đức tối thượng luận” của Nho học truyền thống, vì thế thơ vịnh sử của Nguyễn Đức Đạt vẫn chỉ là dạng thức “nối dài đạo” của cổ nhân bằng ngôn từ và sự thể hiện tri thức (cái học) cá nhân.



[i] Hai chữ 詠史” (vịnh sử) xuất hiện lần đầu tiên trong tiêu đề một bài thơ của Ban Cố班固 (32 – 92) với nội dung ca ngợi nàng Đề Oanh cứu cha.
[ii] Thơ vịnh sử chính thức được Tiêu Thống (501-531) tập hợp trong Chiêu minh văn tuyển《昭明文選》 cùng với 39 văn thể cổ đại khác của Trung Quốc .
[iii] Lã Hướng đời Đường đã giải thích tiêu đề Vịnh sử thi trong thơ của Vương Xán (177-217): “Duyệt đọc sử thư, hoặc vịnh chuyện cũ được mất của các nhân vật lịch sử, hoặc kí thác tình cảm của mình vào đó” . Theo nhà nghiên cứu Triệu Vọng Tần, Lã Hướng đã vô hình chung chia thơ vịnh sử thành hai loại. (Tham khảo, 望秦, 《古代咏史诗通论》(合著),中国社会科学出版社201012, tr.4)
[iv] Tham khảo李孝定,《甲骨文字集釋》,第三卷,中央研究院歷史語言研究所專刊之五十, tr.953
[v] Theo Thuyết văn giải tự 《說文解字》của Hứa Thận許慎 (58-147), “sử” với “sự” là cùng một nghĩa.
[vi]   義門讀書記 》云 : 詠史者不過美其事而詠嘆之,隱括本傳,不加藻飾,此正體也。太衝多自攄胸臆,乃又其變” (何焯《義門讀書記 》-中華書局,1987
[vii] Các soạn giả của sách Thơ văn Lí Trần cho rằng: "…đặc biệt Anh Tông đã mở đầu cho dòng thơ vịnh sử của nước nhà.... Sau ông thơ vịnh sử đời Trần có nhiều bài xuất sắc" (Tập II, quyển thượng, NXB KHXH, 1989, tr.566-567).
[viii] Nguyễn Văn Tố, Thơ vịnh sử thời Hồng Đức, Tri Tân, số 133,134,135. 
[ix] Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục phân loại bài thơ này là thơ vịnh sử. Trong các công trình về thơ vịnh sử của GS Bùi Duy Tân cũng nhắc đến bài thơ này như là bài thơ chữ Hán đầu tiên vịnh Nam sử.
[x] Nguyên văn: “余於史素癡嗜而衰減記性。因就其人與事概括成韻取便上口而已。抑揚亦僭妍醜併不自知統惟法眼裁焉。 (Vịnh sử thi tập tựa, 詠史詩集, ký hiệu VHv.1456, Thư viện Hán Nôm)
[xi] Khảo cổ ức thuyết攷古臆說, kí hiệu VHv.244, Thư viện Viện Hán Nôm
[xii] Nguyên văn: “無徵故若國匪學立家匪塾儲委諸稗野” (Việt sử thặng bình tựa, 越史塍評》, kí hiệu A.1026, Thư viện Hán Nôm.
[xiii] Khảo cổ ức thuyết攷古臆說, kí hiệu VHv.244, Thư viện Viện Hán Nôm
[xiv] Như trên, Sđd
[xv]詠史昉晉以后祖構滿晟。命道遺飄原不襲也(Vịnh sử thi tập tựa, 詠史詩集, ký hiệu VHv.1456, Thư viện Hán Nôm)
[xvi]Nguyên văn: “余於史素癖嗜而衰減記性。因就其人與事概括成韻取便上口而已。抑揚亦僭妍醜併不自知統惟法眼裁焉. (詠史詩集, ký hiệu VHv.1456, Thư viện Hán Nôm)
[xvii] Nguyên văn: 或曰: 論古貴有特識。主人曰:識鑒尚矣。尤貴乎心。夫事有幸不幸也。力有及不及也。設身而諒其難也。原情而定其功過。古人可作。必以為知己也。(Khảo cổ ức thuyết攷古臆說, kí hiệu VHv.244, Thư viện Viện Hán Nôm)
[xviii] Như trên, sđd