Wednesday, February 29, 2012

Cổ sử 4: “Sự kiện không tự nói về mình”


Cho Tam Uyển Trần Quang Đức

Thử đặt một câu hỏi thế này: tại sao trong hằng hà sa số các sự kiện đã xảy ra trong lịch sử, có những sự kiện được ghi chép lại, có những sự kiện lại không? (Nói theo một cách khác: Tại sao trong cùng một thời điểm, cùng một câu chuyện, cùng viết về một nhân vật, có sự kiện được sử gia này chép lại, nhưng lại bị sử gia khác lờ đi?). Loại bỏ các yếu tố khách quan, loại bỏ các yếu tố theo kiểu “viết sử theo chỉ đạo từ trên” (sử Nho gia có các tiêu chí của riêng mình), có những sự kiện sử gia biết rõ mười mươi nhưng họ nhất định không chép mà chỉ chăm chắm vào sự kiện khác. Điều đó cho thấy “quyền lực”của sử gia trong việc điều khiển các sự kiện dưới ngòi bút cả mình. Sử gia mới chính là những người “quyết định sự kiện nào được phát ngôn, theo trật tự nào và vào lúc nào” (Arnold Toynbee). Trước khi đặt bút chép sử, sử gia đã có sẵn một chủ ý, một mục tiêu và sự kiện chỉ là một chuỗi các chứng cứ được sắp xếp theo tính mục đích. Nói một cách khác, sử gia là mới chính là người “đem lại ý nghĩa” cho sự kiện. “Sự kiện không tự nói về mình” (Arnold Toynbee). Vì thế, tương tự, “đọc” được gì từ các sự kiện, xét cho cùng hoàn toàn phụ thuộc vào cách thức diễn giải của người đọc. Sự kiện không bao giờ ở sẵn đấy cho chúng ta dùng. Chúng ta phải đọc nghĩa của sự kiện, cái đó, tôi gọi là “đọc sử”.

Lấy ví dụ từ một trường hợp cụ thể, sự kiện tranh cãi giữa phe Nguyễn Trãi và phe Lương Đăng về lễ nghi (bao gồm âm nhạc và ở đây tôi muốn bàn rộng thêm về chuyện triều phục) có thể diễn giải ra thành những nghĩa khác nhau tùy từng tiêu chí của người đọc, như trên blogCavenui (tôi vào đọc theo chỉ dẫn của bác thaothucsaigon và vì thế mới có bài viết này) chẳng hạn, là một “kiểu đọc”, một “kiểu đọc có chủ ý”. Khác với blog Cavenui, tôi “đọc” từ câu chuyện này một ý nghĩa khác, không thuần túy chỉ là chuyện tranh cãi nhã nhạc hay như chuyện ai Hoa hơn, ai Việt hơn (ở Việt Nam bây giờ hình như bất cứ chuyện gì dính dáng đến chuyện Hoa Việt mới được xem là hot? Một thứ mode tư duy của thời đại chăng?). Việc thiết định lễ nghi triều phục ở các triều đại “thường” (“thường” chứ không phải “luôn”) được chính sử chép tương đối tỉ mỉ vì nó là chuyện chính sự hệ trọng. Tuy nhiên, trong lịch đại vương triều Việt Nam chưa từng có việc hiệu định triều phục, nhã nhạc nào lại gây tranh cãi om xòm như dưới thời Lê Thái Tông. Bên cạnh ý nghĩa tranh chấp quyền lực quyết liệt giữa các phe phái trong triều đình (như sử gia Tạ Chí Đại Trường đã diễngiải), sự kiện giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng với tôi còn có thể được xem như là một chứng cứ cho thấy việc thiếu thốn sử sách điển tịch nghiêm trọng (điển tịch hoặc bị thiêu hủy, hoặc bị thất tán) của nước ta tại thời điểm đó. Nếu đọc lại toàn bộ diễn biến của sự kiện đó từ đầu đến cuối, chúng ta có thể thấy “cổ chế” là một câu hỏi thường xuyên được đặt ra mỗi khi động chạm đến vấn đề lễ nghi triều phục, là nỗi đau đáu của Trần Thái Tông, và cũng là nỗi đau đáu của những vị Nho thần như Nguyễn Trãi.

Thông thường, triều vua nào muốn sắp đặt lại lễ nghi triều phục thì những vị quan được giao nhiệm vụ sẽ dựa theo “tiền lệ” mà hiệu định. Tiền lệ nằm ở đâu, nằm trong sách kinh điển, trong các sách ghi chép về quy chế cổ, hoặc trong những ghi chép điển tịch của các triều trước. Theo như sử chép, từ dưới thời Lê Thái Tổ Nguyễn Trãi đã được giao cho việc chế định triều phục, nhưng đến tận thời Lê Thái Tông ông vẫn “vị cập thi hành” (chưa kịp thi hành). Đại Việt sử ký toàn thư không chép cụ thể là Lê Thái Tổ giao cho Nguyễn Trãi nhiệm vụ chế định triều phục vào năm nào nhưng có thể ngầm hiểu là từ sau khi ông được phong Quan phục hầu 冠服候 vào năm 1428. Suốt từ năm 1428 đến năm 1437, ngoài sự kiện can ngăn vua không bỏ áo tang năm 1434, Nguyễn Trãi xoay sở loay hoay mãi mà vẫn không dâng lên được một quy chế cụ thể nào về triều phục cho triều Lê, đến cuối cùng Lương Đăng chỉ dâng một tờ sớ là xong. Một người như Nguyễn Trãi mà lại không soạn nổi quy chế triều phục? Chỉ có một lí do duy nhất: Phải chăng ông trù trừ vì ông không có trong tay một điển tịch nào khả dĩ để có thể làm đầu mối, làm chỗ dựa, làm bằng cớ cho công việc hiệu định của mình. Có lẽ ông cần thời gian để truy xét lại sách vở và tìm kiếm thêm nguồn tư liệu từ phía Trung Hoa?

Sự thể rõ ràng hơn trong lời tâu của Lương Đăng sau khi bị đám các ông Nguyễn Trãi, Nguyễn Truyền, Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến dâng tấu nghi ngờ về tri thức và tư cách chế Lễ tác Nhạc của ông ta. “ 制。今 已。 下。臣 ”. (Thần không có học thuật, không biết quy chế cổ. Nay những gì được chế định đều nằm hết trong những gì thần biết (được thấy) mà thôi. Nhược bằng chuyện thi hành hay không thi hành trông chờ cả nơi bệ hạ, thần đâu dám quyết riêng được.). “Không có học thuật” bởi vì ông ta vốn là một Thái giám chứ không phải là một Nho thần. “Không biết quy chế cổ” là bởi vì những gì ông ta biết về triều phục lễ nghi là những gì ông ta “sở kiến” khi còn làm Thái giám dưới triều tiên đế (Lê Thái Tổ), sự hiểu biết của ông ta chỉ dừng đến đó thôi, lễ nghi triều phục của đời trước thế nào thì ông ta không biết. Mà lễ nghi triều phục dưới triều Lê Thái Tổ thì vốn chỉ là đặt tạm ra để đáp ứng nhu cầu chính sự trước mắt (chính Lê Thái Tông cũng nghi ngờ về sự chính xác của quan phục, muốn đổi áo của quan tam phẩm từ hồng sang xanh cho hợp với “cổ chế” (quy chế cổ). Sau Lê Sát lấy cớ là quy định của tiên đế, Lê Thái Tông mới thôi).

Tuy nhiên Lương Đăng không phải là một Thái giám tầm thường: ông ta là người biết chữ (nếu không muốn nói là người có hiểu biết), (theo lời tâu của Bùi Cầm Hổ với Lê Thái Tông: “tiên đế dĩ tiêu thức tự dụng vi nội nhân” (tiên đế cho rằng [ông ta] là người có chữ nghĩa nên dùng làm nội nhân). Với trách nhiệm mà Lê Thái Tông giao phó, nếu ông ta muốn tìm hiểu “quy chế cổ” thì cũng không có gì là quá khó khăn nếu có điển tịch trong tay. Vấn đề là vào thời điểm đó, liệu có đủ điển tịch để ông ta tra cứu hay không?. Ngay trong lời tâu của Nguyễn Trãi khi phản bác lại Lương Đăng cũng rất mơ hồ, không trích dẫn rõ là những quy chế mà ông nêu ra khác với Lương Đăng là ghi trong sách nào, những triều nào đã thi hành. Người ta có thể nghi ngờ rằng, những quan điểm không khớp giữa ông và Lương Đăng, chính là sự khác nhau trong “sở kiến” giữa hai người. Nguyễn Trãi “sở kiến” nhiều hơn Lương Đăng vì ông là cháu ngoại của Trần Nguyên Đán, vì ông đã từng có giai đoạn làm quan dưới thời nhà Hồ. Nhưng “sở kiến” quan trọng nhất trong quan niệm của một Nho thần như Nguyễn Trãi phải là “điển tịch”. Không có điển tịch làm bằng, ông chỉ có thể dựa vào một lý lẽ duy nhất: Lương Đăng là một hoạn quan, ông ta không có tư cách để chế Lễ tác Nhạc.

Kết cục cuối cùng của Nguyễn Liễu chính là bằng chứng có sức nặng nhất cho thấy tại thời điểm đó, những điển tịch quan trọng  (trong đó có các bộ sử) của nước ta đã không còn. Bởi vì cho dù thế lực hoạn quan có lớn mạnh đến thế nào đi chăng nữa, thì trong cuộc tranh cãi trước mặt vua như thế, chỉ cần dâng lên một điển tịch làm chỗ dựa lý lẽ thì đám Nho thần đâu đến nỗi phải chịu nhục trước thế lực hoạn quan. Vấn đề là phe Nguyễn Trãi không có được những bằng chứng đó. Họ không có điển tịch. Nước ta sau cuộc chiến với nhà Minh hầu như đã không còn điển tịch.

Không có điển tịch nghĩa là không có rường mối. Không có rường mối thì mọi việc ắt loạn. Câu chuyện giữa Nguyễn Trãi và Lương Đăng không phải là khởi đầu cho một giai đoạn lịch sử đại loạn và đầy bi thảm đó sao?

......................................................................................

Cùng một xâu: Cổ sử (1),  Cổ sử (2), Cổ sử (3)

Thursday, February 23, 2012

Khi nào thì dừng lại?


Cảm hứng sáng tạo cũng giống như một hệ thống sưởi, đến một mức độ nào đó thì nó sẽ dừng hoạt động. Nhưng cảm hứng sáng tạo khác cái hệ thống sưởi ở chỗ, chỉ cần 50 euro, một mức giá đủ cho một người thợ tay ngang người Croatia có thể khiến cho hệ thống sưởi hoạt động trở lại. Vấn đề của hệ thống sưởi và cái bình nước nóng có thể được giải quyết trong hai chữ  “sửa chữa”. Nhưng vấn đề của cảm hứng sáng tạo thì sao? Khi nó dừng lại, anh không thể “sửa chữa”. Bất cứ một sự cố gắng sửa chữa nào trong cảm hứng sáng tạo cũng đồng nghĩa với sự chấm hết. Có lẽ đó là điều mà Jed Martin đã nhận thấy khi anh cố gắng sửa lại bức tranh “Damien Hirst và Jeff Koons chia nhau thị trường nghệ thuật”. Giải pháp cuối cùng: anh phá hủy nó.

Trong Bản đồ và vùng đất của Michel Houellebecq, một chân lý đơn giản được đặt ra: mọi thứ đều có thời điểm của nó. Phải bắt được đúng thời điểm, nếu để lỡ thời điểm đó, anh sẽ tuột mất tất cả. Đó là lúc anh nên dừng lại. Các nhân vật trong Bản đồ và vùng đất dường như đều tìm cho mình một thời điểm thích hợp để dừng lại. Như người mẹ của Jed Martin, bà dừng lại ngay trong giây phút bà cảm thấy hạnh phúc nhất: bà tự tử. Như Jean Pierre Martin, bố của Jed-người đã để lỡ mất thời điểm “trở thành một nghệ sĩ” khi còn trẻ- cũng đã chọn thời điểm dừng lại sau khi ông cảm thấy hết hứng thú với cuộc sống: ông chọn một nhóm trợ tịch ở Zurich để kết thúc đời mình. Jed Martin đương nhiên là một ví dụ điển hình cho sự dừng lại đúng lúc. Anh đã luôn luôn dừng lại ở những thời điểm mà anh phát hiện ra rằng mình không thể đi tiếp được nữa. Anh mải mê sáng tạo (chụp ảnh, vẽ tranh, quay video về những modul) để rồi khi cảm hứng dừng lại, anh gói ghém tất cả, tổ chức một buổi triển lãm. Sau đó chấm hết, anh chuyển sang một nguồn cảm hứng khác, mọi thứ lại bắt đầu lại từ đầu. Vấn đề về sự dừng lại còn đặt ra với cả tay nhà văn Houellebecq. Ông ta bị bế tắc. Là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, nhưng ông ta không còn viết tiểu thuyết nữa. Ông ta tuyệt vọng với bản thân (hoặc giả lũ nhà báo và đám phê bình đã khiến ông ấy tuyệt vọng). Và rồi chính những bài thơ viết về lũ chim và con chó Platon là một khởi đầu mới đầy hào hứng đối với ông ta. Nhưng sự dừng lại của tay nhà văn này hơi thảm khốc. Ông ta không được lựa chọn. Kẻ khác đã quyết định sự dừng lại của ông ấy. Và phải chăng, cảnh sát trưởng Jasselin đã không dừng lại? Ngay sau khi ông ta phát hiện ra rằng ông ta đã bỏ lỡ một chi tiết quan trọng trong vụ án thảm sát nhà văn Houellebecq, sự nhanh nhạy đã rời bỏ ông ta, thời điểm của ông đã hết, ông quyết định về hưu cho dù ông vẫn muốn vụ án phải được điều tra đến cùng.

Cái buổi sáng sau ngày Jed Martin gặp lại Olga, đó là thời điểm dừng lại của họ. Họ đã để lỡ mất nhau. Tình yêu đó là cảm hứng nghệ thuật lớn nhất và bạn cần phải nắm bắt được thời điểm của bạn. “Cuộc sống đôi khi cho bạn một cơ may…nhưng người ta quá hèn nhát hoặc quá thiếu quả quyết nắm bắt lấy nó thì cuộc sống bèn tịch thu lại hết, có một thời điểm để làm mọi thứ và để bước vào một hạnh phúc khả dĩ, cái thời điểm ấy kéo dài vài ngày, đôi khi vài tuần, hoặc thậm chí vài tháng, nhưng nó chỉ xảy ra một lần duy nhất, và sau này chỉ đơn giản là không thể nào quay trở lại được nữa, không còn chỗ cho niềm hào hứng, sự tin tưởng và lòng tin, chỉ còn lại một sự nhẫn nhục mềm mại, một niềm thương hại lẫn nhau rất buồn, cảm giác vô ích và đúng đắn rằng, một điều gì đó đáng lẽ đã có thể xảy ra, rằng người ta chỉ không xứng đáng với món quà được tặng” (tr.274). 

Đừng cố, khi cảm hứng đã hết. Mọi cảm hứng (cảm hứng sáng tạo hay cảm hứng trong tình yêu) đều không cần đến sự cố gắng. Và mọi sự cố gắng sửa chữa chỉ làm mọi thứ hỏng hóc thêm, vì thế bạn nên dừng lại. Michel Houellebecq bảo thế.

Monday, February 6, 2012

Hang Oh và Yoo Bang


Yoo Bang (Lưu Bang) có nguồn gốc xuất thân là người Hàn Quốc? Xa hơn: Khổng Tử (Kongja) là người Hàn Quốc? Xa hơn nữa: Người Hàn Quốc là chủ nhân, là người phát minh ra hệ thống chữ tượng hình mà ngày nay được gọi là chữ Hán? Đã có đà văn tự dấn thêm bước nữa: Dân tộc Hàn cũng là người sáng tạo ra cả nền văn minh Đông Á?

Bỏ qua cụ Lưu Bang, trực tiếp tấn công luôn vào nhân vật chủ chốt nhất: Khổng Tử là người Việt? Xa hơn: Người Việt là chủ nhân, là người phát minh ra chữ Hán? Vĩ đại hơn: người Việt là người đẻ ra cả nền văn minh Đông Á?

Thật là hoang mang quá đỗi, Hàn Quốc khởi nguyên luậnViệt tộc khởi nguyên luận, lý luận giống nhau, đặt vấn đề giống nhau, vậy rốt cuộc thì Hàn tộc hay Việt tộc, bên nào mới là chủ nhân đích thực của văn hóa Trung Hoa? Bên nào cũng hùng hồn trình ra những luận điểm “chết người”, những lý lẽ “chết người”, và những chứng cứ cũng “chết người”  luôn.  Vụ này có lẽ sẽ là một trong những vụ đòi bản quyền "phát minh sáng chế" phức tạp, nan giải nhất trong lịch sử nhân loại.

Trong chuyện này, may nhất là cụ Hang Oh (Hạng Vũ), hồi sống đời cụ đúng bi kịch đích thực (hồi đầu em định dùng  là bi kịch chân chính cơ, nhưng có một bác dịch giả rất rất nổi tiếng bảo em là dùng thế không chuẩn, phải là bi kịch thực thụ, em ức quá chuyển thành bi kịch đích thực cho đồng chí dịch giả kia đỡ đắc ý), nhưng xem ra giờ đây cụ là người hạnh phúc nhất, không bị vụ “nguồn gốc xuất thân” quấy rầy phiền nhiễu, cụ có thể toàn tâm toàn ý vui vầy bên nàng Ngu Cơ xinh đẹp, mặc cho cụ Yoo Bang phải loay hoay xoay sở với tình trạng “lưỡng diện khởi nguyên ca” .