Thursday, March 31, 2011

Cổ sử (1)

Ông Cố Hiệt Cương có một quan niệm về cổ sử Trung Quốc rất chi là khó dịch, đại ý nói rằng: cổ sử được tạo nên từ tầng tầng lũy lũy các lớp văn bản. Nghĩa là, giai đoạn lịch sử nào càng xa với chúng ta thì diện mạo thực sự của lịch sử giai đoạn đó càng dễ bị vùi lấp bởi sử của đời sau rồi đời sau, đời sau nữa nữa của nó. Lấy một thí dụ thế này, Đại Việt sử ký toàn thư thực ra là một tập đại thành của sử gia nhiều đời, từ Lê Văn Hưu đời Trần, Phan Phu Tiên, Ngô Sĩ Liên, Vũ Quỳnh thời Lê sơ cho đến nhóm Lê Hy đời Lê trung hưng, tính ra phải mất khoảng hơn 400 năm để soạn thảo,bổ sung, chỉnh lý, nhuận sắc mới có được bộ sử như ta vẫn dùng ngày nay. Người 400 năm sau chép việc của người 400 năm trước đã là một việc khó, huống hồ lại chép đến tận thời viễn cổ mơ hồ xa tít mù khơi, chỉ cần nếu có một chi tiết nào đó bị hiểu sai đi, thì sự thật đích thực  ấy sẽ bị chôn lấp bởi tầng tầng lớp lớp sự thật (bị hiểu nhầm) khác của sử gia đời sau. Tôi thường nói đùa một cách nghiêm túc rằng: khi đọc sử phải luôn luôn cảnh giác vì đằng sau sự thật lại có một sự thật khác.

Cứ tạm gác những quan điểm về cổ sử của sử gia hai miền Bắc-Nam giai đoạn trước 1975 sang một bên, chỉ cần đơn cử cuộc bút chiến giữa “Đối thoại sử học” và “Thực chất Đối thoại sử học” -một cuộc bút chiến giữa những nhà nghiên cứu sử học cùng dòng- ít nhất cũng đã dồn sử học chính thống đương đại phải đối diện với nhiều câu hỏi khó, và quả nhiên, giai đoạn lịch sử nào càng mù mờ thì càng dẫn đến nhiều tranh cãi: thí dụ như lịch sử giai đoạn Hùng Vương, thí dụ như những nghi vấn xung quanh các nhân vật lịch sử thời Quang Trung…vân vân và vân vân. Khoan hẵng nói đến chuyện Hùng Vương, (để khi nào thực sự rảnh rang (mà em ngờ rằng là khó có dịp như thế lắm) em sẽ tổng kết cho các bác một chuyên đề ly kỳ xung quanh câu chuyện Hùng Vương, một câu chuyện dài ngung ngoăng và chưa có hồi kết), ở thời gần hơn chút đỉnh, thời Đinh, Tiền Lê, là thời ít ra còn có thể chứng thực thì những ghi chép trong các bộ sử cũng rất ít, chưa đủ để dựng nên diện mạo lịch sử giai đoạn ấy, đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn các bác đến “cuộc chiến mũ áo khốc liệt” nhân trường hợp bộ phim “Đường tới thành Thăng Long” dịp đại lễ 1000 năm vừa rồi.

Giai đoạn Ngô, Đinh, Tiền Lê sắp tới có lẽ sẽ là một giai đoạn bùng nổ các cuộc tranh cãi. Tại hội thảo về Khuông Việt đại sư vừa diễn ra vào trung tuần tháng 3, một nhóm tác giả tuy nói rằng chỉ là những ý kiến "gợi mở" nhưng thực chất đã “thẳng tay” đẩy Đường Lâm “xứ 2 vua” về Ái Châu (Thanh Hóa) (Nhóm tác giả phản hồi: đây là bản chưa chính thức. Chúng tôi sẽ update bản chính thức sau khi có được thông tinvà ngờ rằng Đường Lâm Sơn Tây chỉ là “kết quả” của sử gia thế kỷ XIX  (link mới update). Sẽ phải nhìn lại rất nhiều chuyện, trong đó có cả chuyện 12 sứ quân. Quả là một sự xáo trộn ồn ào. Nếu như nhóm tác giả Đường Lâm Ái Châu tiếp tục đưa thêm được nhiều dẫn chứng chắc chắn hơn nữa (những dẫn chứng trong tham luận tôi thấy là có cơ sở nhưng chưa đủ) thì nhiều cuốn sách sử sẽ phải viết lại và sắp tới dân Đường Lâm Sơn Tây sẽ "ứng xử" ra sao khi bị tước đi mất cái danh xưng “đất 2 vua” vốn đã quen thuộc từ trước đến nay? Cũng liên quan đến lịch sử giai đoạn này, mới nhất nhà nghiên cứu văn học dân gian Nguyễn Hùng Vỹ đã “nghi ngờ” sử gia Lê Văn Hưu đọc sai thụy hiệu của Lê Hoàn, ông (Nguyễn Hùng Vỹ) cho rằng  phải là Lê Đại Hạnh (theo Phật giáo) chứ không phải Lê Đại Hành (mang sắc thái Nho giáo).  Và nếu như thế  thì sẽ phải đính chính lại sách giáo khoa môn sử? Có lẽ cuộc tranh cãi về cổ sử Việt Nam sẽ còn có thể sẽ vươn dài về giai đoạn mù mờ hơn nữa khi mà hội thảo về thành Ô Diên sắp sửa diễn ra. 

Chỉ có điều, tất cả những người quan tâm đặt ra những câu hỏi nghi vấn về cổ sử trên đây, thực ngạc nhiên, họ hoàn toàn không phải là những người nghiên cứu lịch sử.  

Friday, March 4, 2011

Tai nạn với sách

Là tai nạn hiểu theo đúng nghĩa đen luôn, không phải nghĩa bóng bẩy dẫn thân dẫn thiếc gì hết. Phiên bản thường xuyên nhất: bị sách rơi vào chân. Thê thảm nhất là tháng trước khi đang kiễng chân cào bới một cuốn sách ở ngăn trên cùng thì bị một cuốn từ điển (cỡ ngàn trang gì đó) rơi bụp một phát trúng ngón chân cái, tím bầm, đau đến phát thét. Còn hôm qua thì bị mép một cuốn sách cứa rách cả chân. Bạn có tin không, giấy cũng có thể làm người ta chảy máu? Chuyện vấp ống đồng vào chồng sách cũng là phiên bản phổ cập. Chẳng tránh được, vì những cuốn phải sử dụng thường xuyên nhất (chủ yếu là các loại từ điển, bìa cứng cựa, dày cộp, to tổ chảng) lại hay được xếp dưới (hay xung quanh) bàn làm việc hoặc ở chân giường, vì thế nhiều lúc hứng chí, mắt nghếch lên là thể nào cũng có vụ “bốp” một cái thấy cả sao bay chíu chíu trên đầu ngay.

Sách cũng là nỗi phiền phức mệt nhọc. Nửa đêm mà bỗng nhiên nghe thấy “huỵch” một cái thì không phải trộm triếc gì đâu, chả cần ngó cũng biết sách chất ở phòng ngoài bị đổ. Là bởi vì nhà có tủ sách nào nhét được, cái giá gỗ nào chất được thì đã chất hết lên, nên đống còn lại, không biết chất và nhét vào đâu đành “vun” gọn vào một góc đặng khi cần tới thì tiện thể cào bới tìm cuốn mình cần. Nhưng vì cào đi bới lại nhiều quá nên đáng nhẽ cái chồng sách rất ngay ngắn bỗng xô bên này lệch bên kia, vài lần như thế nó cứ nghiêng dần nghiêng dần rồi vào một đêm khuya thanh vắng (xác xuất phần lớn là vào ban đêm) nó đổ tự do cái uỵch.  Mỗi lần như thế là phải tốn vài giờ sắp xếp lại. Sao lại đến vài giờ? Là vì một khi đã bắt tay vào dọn dẹp thì y như rằng sẽ dọn cho đúng nghĩa luôn. Cuốn này giờ chưa cần tới: cất vô. Cuốn kia sắp tới phải tham khảo: lôi xuống. Cứ cất lên, đặt xuống, lúi húi hàng giờ, trèo trèo kiễng kiễng, đứt hết cả hơi. Chiều nay là một thí dụ điển hình. Sau khi lục mãi không ra cuốn sách mình cần thì bực quá xắn tay áo đi dọn lại mấy cái tủ sách. Nhưng mà càng dọn càng tá hỏa vì gọn đâu không thấy chỉ thấy bừa bộn thêm. Đúng thiệt là cái nợ nần mà :)) :)) …

Đó là lí do vì sao bây giờ tôi khoái sách số hóa hơn. Nhiều sách chất trong nhà thì cũng oách đấy (bạn cà phê ạ), nhưng vác theo bên mình một cái ổ mấy trăm Gb sách, tiện chỗ nào đọc chỗ đó thì công việc hiệu quả hơn lại đỡ nhiều cơn bực bội tăng xông không cần thiết .

Bonus
Photobucket Photobucket


Đây là bộ Phổ Thông (lần trước bạn cà phê đã bóng gió nói trên blog), tôi có trọn bộ cả 27 số. “Mơ Hương Cảng” của Vũ Khắc Khoan đăng đầu tiên là ở trên tờ này. Bạn Cao Nhị Linh đã làm Mục lục cho  bộ này nhưng chưa chi tiết. Chiều nay dọn dẹp mới lôi được nó ra, chụp một phát rồi “lu loa” lên ở đây để bác nào cần thì tiện liên hệ. Trong tờ này có một mục rất hay gọi là: Danh từ triết học và văn chương. Vụ tranh luận về “vô tri” nếu xảy ra vào thời ấy có nhẽ cũng sẽ được đưa vào mục này của tờ Phổ Thông, tôi cho là thế…:)) :))