Saturday, August 28, 2010

Sơ giản Chu Tử học tại Đông Á

+ Trước khi bắt đầu một bài viết riêng, tôi đã lập một bản thống kê hệ thống dạng sơ giản về tình hình “Chu Tử học” ở Đông Á. Bản khái thuật viết lúc rỗi rãi của tôi dựa trên các công trình như: Nhật Bản đích Chu Tử học của Chu Khiêm Chi, Nho giáo truyền bá nghiên cứu do Lưu Đức Tăng (chủ biên), Nho học Nam truyền sử của Hà Thành Hiên, và các tư liệu lịch sử của Nhật Bản và Triều Tiên. Lưu ý: những gì viết dưới đây chỉ mang tính chất là một ghi nhớ cá nhân.

Nếu xét trong phạm vi “Chu Tử học” là những nghiên cứu có tính hệ thống về quan điểm triết học của Chu Hy, hoặc là những nghiên cứu xiển thích tư tưởng Nho gia trên cơ sở những quan điểm triết học do Chu Hy và các học trò của ông sáng lập, rõ ràng ở Việt Nam hoàn toàn không có Chu Tử học. Tại khu vực Đông Á (không tính Trung Quốc), “Chu Tử học” phát triển thịnh đạt ở Nhật Bản và Hàn Quốc với nhiều học giả có tên tuổi và để lại những công trình có đóng góp to lớn, góp phần làm sáng tỏ thêm nhiều quan điểm tư tưởng triết học của Chu Hy.

Trong cuốn Chu Tử học Nhật Bản của Chu Khiêm Chi, chúng ta có thể thấy quá trình du nhập tư tưởng triết học của Chu Hy từ Trung Quốc vào Nhật Bản đã diễn ra từ rất sớm dưới thời Liêm Thương (Kamakura). Thời Giang Hộ (Edo) được xem là thời kỳ thịnh hành nhất của Chu Tử học Nhật Bản. Các trí thức Nhật Bản cận đại không ngừng tiếp thu vận dụng và phát huy tư tưởng triết học của Chu Hy, tạo nên một hệ thống tư tưởng có tính truyền thừa và dần dần hình thành nên các học phái Chu Tử học khác nhau qua các thời kỳ. Có thể kể một vài ví dụ tiêu biểu như: Phái Chu Tử học Kinh đô (hay Kinh sư) (Kyoto) với Đằng Nguyên Tinh Oa 藤原惺窩 (Fujiwara Seika), Lâm La Sơn 林羅山 (Hayashi Razan), Mộc Hạ Thuận Am 木下順 (Kinoshita Junan), Thất Cưu Sào 室鳩巢 (Muro Kyuso), Tân Tỉnh Bạch Thạch 新井白石 (Arai Hakuseki). Phái Chu Tử học Tây Hải với: Bối Nguyên Ích Hiên 貝原益軒 (Kaibara Ekken). Phái Chu Tử học Nam Hải: có Sơn Kỳ Ám Trai 闇斎 (Yamazaki Ansai). Phái Chu Tử học Osaka (大阪) với Trung Tỉnh Lý Hiên 中井 (Nakai Riken). Phái Chu Tử học sau cải cách Kasei có Lại Sơn Dương (Rai Sanyo). Phái Chu Tử học Mito ( ) với Đằng Điền U Cốc 藤田幽谷 (Fujita Yūkoku)…. Chu Tử học Nhật Bản bao gồm cả hai xu hướng: hướng thứ nhất: phát huy cái học Chu Tử và hướng thứ hai: phê phán Chu Tử học (như trường hợp Trung Tỉnh Lý Hiên, ông xuất phát từ việc giải thích lại Tứ thư để phê phán Chu Tử học). Sau chiến tranh thế giới thứ 2, Chu Tử học Nhật Bản bắt đầu tiến đến một giai đoạn mới, thành tựu chủ yếu là chú giải và phiên dịch những công trình nghiên cứu Chu tử học của các nhà Chu Tử học trước đó. Trong công trình Bình thuật lịch sử Chu Tử học Nhật Bản sau chiến tranh (1946-2006), chúng ta có thể thấy 6 giai đoạn phát triển của Chu tử học Nhật Bản thời hậu chiến. Kế thừa và phát huy những thành quả của Chu Tử học thời cận đại, những học giả Nhật Bản hậu chiến đã áp 3 hướng nghiên cứu chính : nghiên cứu triết học, nghiên cứu lịch sử tư tưởng (bao gồm cả lịch sử học thuật) và “khảo chứng học” với mục đích nhằm làm sáng tỏ thêm bối cảnh Chu Tử học trong quá khứ và hiện tại.

Tại Triều Tiên, Nho giáo đã có ảnh hưởng ngay từ thời Koryo với những học giả tiêu biểu như Choe Chung-heon (崔忠獻), Yejong (睿宗) (còn được gọi là Yejong thời Koryo để phân biệt với Yejong khác dưới thời Joseon). Tuy nhiên phải đến dưới sự cai trị của nhà Lý (Yi) thời vương triều Joseon, Nho giáo mới có vị thế cao nhất. Theo cuốn Nho giáo truyền bá nghiên cứu “dưới thời Lý (Yi) Nho giáo được tôn xưng là Nho giáo vương triều, Nho giáo có một quyền uy vô thượng. Thời Lý Thế tổ (T’oejo) quy định nghi thức lập thế tử phải mặc Nho phục vào nhà Thái học bái yết Thánh lễ, từ đó bắt đầu trở thành định chế”. “Lịch đại quân thần triều Lý, khi thảo luận chính sự đều lấy kinh nghĩa làm chuẩn tắc tối cao”. Tuy nhiên cũng dưới vương triều Joseon, qua hơn nửa thế kỷ mà đã có 4 cuộc thanh trừng trí thức Nho giáo rất đẫm máu. Đó là cuộc chiến giữa công thần quý tộc và tầng lớp tri thức Nho giáo mới nổi lên từ làng xã. Chứng kiến một trong những cuộc thanh trừng tri thức Nho giáo này (năm 1545), một trong những học giả nổi tiếng được xem là một nhà Chu Tử học tiêu biểu nhất của Triều Tiên, đó là Lý Hoảng (Yi Hwang) (hay còn được gọi là Lý Thoái Khê 退溪 (T'oe-gye) đã tìm cách thoái ẩn về quê, viết sách và dạy học. Ông ủng hộ thuyết “Thiên Lý” và thuyết “tiên tri hậu hành” của Chu Tử. Học trò của ông đều là những người có vị thế trong triều đình. Trong cuộc chiến phe phái Đông Đảng và Tây Đảng sau này giữa các trí thức Nho giáo dưới thời trị vì của vua Sonjo, phần lớn những thành viên của Đông Đảng đều là những học trò trung thành của Yi Hwang. Dưới thời vương triều Josoen còn có một nhà Chu Tử học nổi tiếng khác là Lý Nhĩ (Li Yi, (hay còn gọi là Lật Cốc 粟谷 (Yul-gok). Ông là người sáng lập nên tân học phái Chu Tử học ở Triều Tiên, đó là phái “chủ Khí luận”. Ông phản đối quan điểm của Yi Hwang “Lý nhất nguyên luận” , đề xuất “Lý Khí nhị nguyên luận”. Người kế thừa quan điểm “Lý Khí nhị nguyên luận” của Lý Nhĩ là Tống Thời Liệt 宋時 (Song Si Yeol), tuy nhiên ông phản đối nhận thức luận phải thông qua sự vật thực tế để kiểm ngộ về Lý của Lý Nhĩ đề xuất “tiên nghiệm luận”, chủ trương con đường quan trọng nhất để “cách vật trí tri” là nằm ở “tồn tâm”. Ông có rằng “ý thức” vốn là sự thể hiện của “thiên lý”, rất thuần khiết nhưng do sự câu thúc của nhục thể mà sinh ra tư dục. Vì thế phải tu dưỡng để loại bỏ tư dục, bảo tồn “thiên tâm” và thuận theo “thiên tâm” mà hành động. Hệ thống triết học này được học trò của ông là Hàn Nguyên Chấn 韓元震(Han Won-jin) kế thừa và phát huy.

Việt Nam không có một nền “Chu Tử học” đúng nghĩa, không có nghĩa là chúng ta đứng ngoài vòng ảnh hưởng của Chu Tử học. Thời Hậu Lê và triều Nguyễn được xem là những giai đoạn chịu ảnh hưởng lớn nhất của Chu Tử học Minh Thanh. Nếu nói đến Chu tử học ở Việt Nam: có 2 nhân vật gây chú ý nhiều nhất là Hồ Quý Ly và Lê Quý Đôn. Một người “được cho là” đã “phê phán Chu Tử” (Hồ Quý Ly), và một người được cho là đã phát huy cái học “Lý Khí” của Chu Tử (Lê Quý Đôn)…

Về tư tưởng của Hồ Quý Ly, xin tham khảo bài nghiên cứu của TS Nguyễn Kim Sơn “Tư tưởng Nho giáo của Hồ Quý Ly: Đạo đức công phu hay chính trị thực hành” tại đây.

Về tư tưởng của Lê Quý Đôn và học thuyết Lý Khí của ông, xin tham khảo thêm các bài viết Luận về Lý Khí của Lê Quý Đôn kỳ 1, kỳ 2, kỳ 3 của Lâm Nguyệt Huệ và Nội hàm thông diễn học trong Vân Đài loại ngữ của Lê Quý Đôn tác giả Lâm Duy Kiệt.

Thời Hậu Lê, những bộ sách của Chu Tử được tập thành dưới thời Minh như Tứ thư ngũ kinh đại toàn, Tính lý đại toàn được sử dụng như những sách kinh điển dạng giáo khoa chính thống. Dưới triều Nguyễn, nhất là thời Tự Đức chịu ảnh hưởng rất lớn của học thuyết Chu Tử, nhất nhất đều dựa theo Chu Tử mà phát huy, như bộ Khâm Định Việt sử thông giám cương mục là một ví dụ tiêu biểu. Mặc dù không có những công trình đồ sộ chuyên sâu về tư tưởng của Chu Tử, nhưng trong các chương viết đây đó trong các bài thi hay các tập thi văn, chúng ta có thể thấy được sự phát huy tư tưởng “thiên lý” hay “lý khí” của Chu Hy trong khi bàn luận về kinh sách, chính sự…Dưới triều Nguyễn, một số tác giả bắt đầu có xu hướng phê phán Chu Tử, đánh giá lại học thuyết của Chu Tử (trong phạm vi ghi chép cá nhân) như trường hợp của Nguyễn Văn Siêu trong Phương Đình tùy bút lục là một đại diện. Đến phong trào Duy Tân, sự phê phán Chu Tử và Tống Nho đã đạt đến cao trào. Hòa giọng cùng với Lương Khải Siêu và Khang Hữu Vi, Huỳnh Thúc Kháng đã có một loạt bài đanh thép trên báo Tiếng Dân, cho rằng việc tiếp nhận Tống Nho (theo ông là cái học mạt hạng) chẳng khác gì nhận “giẻ rách canh thừa”, “cặn bã” từ Trung Quốc tuồn sang khiến cho học phong nước ta hủ bại không thể có được nhân tài. Phong trào phê phán này còn tiếp tục cho đến thời hiện tại, một số học giả nổi tiếng (không dẫn tên ở đây) vẫn kiên trì quan điểm: Tống Nho (nhất là học thuyết của Chu Tử) đã giết chết Nho giáo nguyên thủy thời Khổng Mạnh, đi ngược lại với những quan niệm triết học do Khổng Mạnh đề ra vì thế không thể được xem là đại diện của Nho giáo. (Còn nữa)

Thursday, August 19, 2010

Đờn bà thì không nên đọc sách triết học (1)

Làm thế quái nào mà người ta có thể đọc được hết 27 tập “Chu Tử toàn thư” trong một kiếp người được nhỉ? À thôi, không tính “toàn thư”, chỉ tính riêng 8 tập sách “Chu Tử ngữ loại” cũng đã đủ nhũn người. Thấp hơn một cấp nữa, muốn hiểu ngọn ngành ba tập “Chu Tử văn loại” thượng, trung, hạ cũng coi như tiêu phí cả chục năm tuổi xuân phơi phới. Đấy là chưa kể đến những công trình của các học giả khác nghiên cứu về Chu Tử, tầng tầng lớp lớp quyển quyển chất chồng mênh mang như khói biển. Chao ôi là chao ôi.

Chiều nay, khi trong đầu còn đang chồng chéo dăng đầy “lý nhất phân thù” với “cư kính”, "cùng lý" thì phải đứng dậy dắt xe đi đón con. Ra đến đường mới thấy bà con toàn khu phố đang nhất loạt thông cống. Nửa năm nay cả dãy nhà đau đầu nhức óc vì chuyện úng ngập. Mỗi lần mưa xong thì cả tháng phải lội nước bẩn, rất kinh hãi. Vì thế trời vừa sầm sì một cái là bà con đắp đập be bờ còn hơn chống bão. Dùng mắt cá chân mà nghĩ cũng có thể đưa ra kết luận: chắc chắn có tắc ở đâu đó. Giải pháp đầu tiên: huy động tiền của bà con thuê xe hút bể phốt. Xe hút cả nửa ngày, không ăn thua, ngập vẫn hoàn ngập. Giải pháp thứ hai: nước đọng thế này đã thế ông làm đường cao lên cho biết tay. Đường được tôn lên dày cả tấc, nhưng mưa xuống nước không ngập ở trên đường nữa mà xối ào ào vào nhà dân tầng 1. Mưa xong bà con cứ gọi là xắn quần tát nước uồm uồm, vừa tát vừa bịt mũi, vừa gào lên chửi thiên chửi địa. Sau bao nhiêu ngày trăn trở, chẳng biết hôm nay bác nào trong “ban lãnh đạo tổ dân phố” nghĩ ra mới thuê thợ về đồng loạt bật nắp cống lên để thông một cách rất thủ công không cần xe xiếc hút hiếc gì nữa. Nghe nói, cát ở dưới cống dày hàng tấc, một đoạn ngắn mà thợ xúc lên được chục bao tải cát+bùn đất, thảo nào nước không thoát được là phải.

Chuyện chỉ có thế, rất tầm thường và nhảm nhí chả liên quan dính dáng gì đến cụ Chu Tử. Nhưng đờn bà thì bao giờ cũng rất chi là nhiều chuyện. Hoặc giả bị nhiễm cái bệnh “anh chị hãy liên hệ với thực tiễn ở nước ta” từ ngày xửa ngày xưa hồi sinh viên mỗi khi thi môn Triết Mác nên tự dưng từ chuyện thông cống mà bỗng đốn ngộ ra một chân lý to đùng. Nếu như khơi cống ngay từ đầu thì đã không có chuyện nước úng ngập lâu như thế. Ấy là bởi vì mỗi sự vật đều có “Lý” tàng ẩn ở trong, thuận theo “Lý” mà làm thì mọi việc hanh thông, không thuận theo “Lý” thì ách tắc. Cũng như các nhà sử học thời trung đại thường nói “trị nước cũng như trị thủy”, muốn khơi dòng cũng phải nắm được “Lý” vận hành dòng nước. Khơi dòng chặn dòng lung tung sẽ tiềm ẩn những hiểm họa khôn lường. Thiên tai gần đây ở Trung Quốc là bằng chứng rõ rệt nhất. Có vẻ như hồi Trung Quốc xây đập Tam Hiệp họ chẳng thèm đếm xỉa gì đến học thuyết của Chu Tử nên mấy năm gần đây họ đang phải trả giá rất đắt vì động đất, lở đất và lũ lụt. Trị thủy mà còn khó như thế huống hồ chi là chuyện quốc gia đại sự.

+Nhân chuyện "thông cống" bàn sang chuyện khác hay hơn: chuyện Hạ Vũ trị thủy bên Trung Quốc và việc đắp đập be bờ (ý em là đắp đê) của người Việt phản ánh 2 tinh thần rõ rêt: Một bên rõ ràng là sự chủ động, trấn áp (khơi dòng chảy) còn một bên là sự thụ động chống đỡ (nước dâng lên đến đâu, núi cao lên đến đấy).




Thursday, August 5, 2010

Sách "Đại học"- vài dòng trích lục

Dai hoc tiet yeu Thanh Thai
Đại học tiết yếu bản Thành Thái
Dai hoc tap chu Tong ban
Đại học chương cú-Tống  bản
Dai hoc dai toan ban Ho Quang
Đai học đại toàn-Hồ Quảng



Dai hoc
Phép đọc sách Đại học:

Nguyên văn [tr.10a] : 領,惟 . 便 入。讀 多, 先。讀 心, (好 色,惡 臭)。 乎?一 不至 已。必 知, 有。( ) ( )

[Chu Tử nói: Các sách như Luận ngữ, Mạnh Tử hỏi đáp tùy theo từng việc nên khó nhìn thấy được yếu lĩnh của sách. Duy có sách Đại học hệ thống trước sau nối nhau đều có ý vị ngẫm ngợi soi xét. Sách này cho biết sở hướng của cổ nhân trong việc học, lại khiến cho việc đọc sách Luận ngữ, Mạnh Tử được dễ dàng hơn. Đọc sách không nên tham nhiều, nhưng trước tiên cần phải đọc sách Đại học. Đọc Đại học há còn nhìn gì khác ngoài việc đem lời nói và ý muốn kiểm nghiệm lại ở trong lòng, xem mình có hiếu thiện như hiếu sắc, có ghét ác như ghét mùi hôi thối. Thử nghiệm ở trong lòng ta xem quả có thể như thế hay chăng? Nếu có một chỗ nào chưa đạt đến thì "dũng mãnh", "phấn dược" không ngừng. Chắc chắn có "trưởng" "tiến" mà không biết, như thế thì sách nói đằng sách, ta làm đằng ta, có ích ở chỗ nào?]



Một đoạn bàn về “nghĩa” “lợi”, “lí tài” và “dụng nhân” trong "Đại học tiết yếu" của Bùi Huy Bích

[Người nhân thì dùng của cải để mở rộng thân thế còn người bất nhân thì dùng thân thế để làm của cải sinh sôi.
Bậc nhân thì phát tán của cải để được lòng dân, còn kẻ bất nhân thì quên thân mình để vun của cải. Họ Trần nói: Vua Trụ tập trung của cải ở Lộc Đài mà lại mất nước, Chu Vũ vương phân phát của cải mà lại hưng khởi, đó chính là bằng chứng vậy.
Chưa từng có chuyện bề trên chuộng điều nhân mà bề tôi lại không ưa điều nghĩa.Chưa từng có chuyện người ưa điều nghĩa mà việc của họ lại không thành vậy. Chưa từng có chuyện của cải trong kho lại không phải là của cải vậy.
Bề trên chuộng nhân để yêu bề tôi của mình thì bề tôi lại chuộng nghĩa để trung với bề trên cho nên việc chắc chắn sẽ thành. Mà của cải trong kho cũng không lo bị xuất ra một cách trái lẽ vậy (của cải vì ta mà có).
Chu Tử nói: Nhân, nghĩa chỉ là một đạo lí. Bậc bề trên kêu gọi làm điều nhân, bề tôi ở dưới liền hô hào làm việc nghĩa.
Ngô Quý Tử nói: Của cải thì ai cũng muốn, nhưng ta tranh đoạt nó làm của riêng thì đó là sự khởi đầu của mầm hoạ vậy. Người nhân phân phát của cải để cùng chung hưởng với người, đại khái là muốn triệt tiêu lòng bất bình của họ, chớ khiến thân ta rơi vào chỗ phải tranh đoạt mà thôi. Thóc gạo ở Cự Kiều[1], Vũ Vương biết rằng nó làm nên giàu có. Ví thử không đoái đến lòng oán vọng của dân nhà Thương, hà cớ gì thà phát gạo mà không tiếc. Châu ngọc ở Quan Trung[2], Bái Công biết là khó đoạt, nếu như không nghĩ đến người nước Tần ghé mắt, cớ gì thà bỏ mà không giữ lại. Như thế của cải tuy phát tán mà dân thì lại tụ. Tụ hợp người trong thiên hạ mà quy về, kế thừa nhà Thương mà làm vua, thay nhà Tần làm hoàng đế, sự mở rộng thân thế của họ, ai có thể sánh bằng? Ngược lại, người bất nhân thì không như vậy. Lòng ham thích của cải nặng hơn yêu bản thân. Trụ vương thà chết để đổi lấy kho tàng ở Lộc Đài[3]. Đức Tông lấy cái chết để đổi lấy của cải tích trữ ở hai kho Đại Doanh, Quỳnh Lâm[4]. Những việc ấy có thể trông thấy vậy. Bậc nhân chưa từng có ý triệt thân (đem cả thân mình cho người), đức mà phân minh thì thân cũng được tôn kính là lẽ tất nhiên vậy. Chu Tử nói: người nhân không phải là bỏ của cải để mua lấy sự quy phục của mọi người, chỉ là không chiếm giữ cho riêng mình nên lòng người tự theo về mà bản thân cũng tự nhiên được tôn kính. Đó là nói về hiệu quả như thế của việc phân phát của cải]

Quách Hiền dịch


Đọc chi tiết thêm về sách Đại họcTrung dung ở đây.


+ Em cần thêm một chút thời gian, Người biết chứ :))

[1] Cự Kiều: Nơi tích trữ lương thực của nhà Thương, nay nằm ở phía đông bắc huyện Khúc Chu tỉnh Hà Bắc. Cự Kiều chi túc: Vua Trụ nhà Thương đặt nặng chế độ thu thuế lương thực để thóc gạo chất đầy ở Cự Kiều. Chu Vũ Vương diệt vua Trụ, lấy thóc ở Cự Kiều phân phát cho dân chúng.
[2] Quan Trung chi châu: Theo Sử kí, Cao Tổ bản kỉ, Bái Công sau khi tiến vào Quan Trung nghe lời can của Trương Lương và Phàn Khoái, liền cho niêm phong kho tàng, đồ châu ngọc quý báu của nhà Tần rồi trở về đóng quân ở Bá Thượng, triệu tập các vị phụ lão và thân hào ở các huyện đến nói rõ lí do đến Quan Trung là vì trừ hại cho dân chúng chứ không cốt xâm phạm, làm việc hung bạo.
[3] Lộc Đài: Tên một lầu cổ nằm ở phía Nam trấn Triều Ca, huyện Dương Âm, tỉnh Hà Nam, tương truyền là do Trụ Vương dựng, là phủ khố tích trữ của cải. Chu Vũ Vương phạt Trụ, quân của vua Trụ bị đánh bại, Vua Trụ trèo lên lầu tự thiêu mà chết.
[4] Quỳnh Lâm, Đại Doanh: Theo Tân Đường thư, Lục Chí truyện, Đường Đức Tông (Lý Thích) đặt hai kho Đại Doanh và Quỳnh Lâm ở hai bên cung Phụng Thiên, riêng để chứa cống vật