Monday, May 17, 2010

Thói quen

Hà Nội nóng ngột ngạt.
Lá xà cừ rụng tơi bời trong gió...
Ngồi trong quán cà phê quen thuộc, với một người bạn quen thuộc, nói một câu chuyện đầy hứng thú quen thuộc, một đề tài quen thuộc, về những cuốn sách “đồng nát” tốn tiền quen thuộc và những dự định viết lách quen thuộc.

Trong một thoáng chờ bạn ngồi check tin, chợt nhìn ra vỉa hè lá rơi như trút.

Bỗng nhiên chợt ngộ ra rằng: người ta đâu có thể dễ dàng xóa một nỗi buồn phiền quen thuộc trong lòng mình như phủi một chiếc lá vàng rơi.
Thôi, khỏi, quá, sến. Mệt.
“Căn bệnh” của những khi Hà Nội chuyển mùa. Thiệt là một thói quen khó bỏ.

Wednesday, May 5, 2010

Vô tri

Nếu như trong Sự bất tử Milan Kundera không tiếc lời bảo vệ người vợ béo í và tẻ nhạt của Goethe trước người đàn bà đầy tham vọng Bettina thì với Vô tri ông đẩy người vợ “khả kính” của Ulysse, nàng Pénélope, từ trên đỉnh chóp của nỗi niềm hoài nhớ luân lý xuống dưới chân nàng Calypso, chỉ vì ông liên tưởng đến những giọt nước mắt tình yêu đau đớn lã chã của nàng. Đúng là một sự đổ vỡ loảng xoảng của những tượng đài tình yêu trong văn học.

Bắt đầu bằng một bài giảng từ nguyên về nỗi niềm hoài nhớ, và dùng Odyssé như một sự vào đề hoàn hảo, từ cuộc trở về của Ulysse, Vô tri của Milan Kundera dẫn người ta đến với Cuộc Trở Về của những nhân vật người nhập cư gốc Séc như Irena và Josef vào thời điểm sau khi chế độ cộng sản sụp đổ ở Châu Âu. Chế độ cộng sản đã bứt họ khỏi tổ quốc và khi chế độ này sụp đổ họ trở về để rồi nhận ra mình không còn thuộc về nơi đã ra đi. Bởi vì nơi mà họ đã ra đi cho dù đã chuyển sang một chế độ mới thì Séc từ lâu đã không còn là “tổ quốc” thân yêu mà họ từng hoài nhớ. Đó là “tổ quốc” hậu chủ nghĩa cộng sản không còn tự chủ đến cả những biển quảng cáo. Những kỉ niệm, kí ức nơi tổ quốc chỉ là những cơn chớp lóe rồi nhanh chóng lụi tàn và trống rỗng. “Cuộc trở về vĩ đại” thực ra là cuộc trở về “vô tri” mà nội hàm của nó bao gồm các phần: không biết và không muốn biết. Sự ngăn cách địa lý và thời gian khiến cho Irena và Josef không biết những gì đã xảy ra ở quê hương họ, sự không biết tạo nên nỗi niềm đau đớn của hoài nhớ. Sự giống nhau trong những cơn ác mộng chung của người nhập cư toàn Châu Âu cũng là một cơn ác mộng “vô tri”. Sự chờ đợi từ phía người trở về một câu thúc giục “kể đi”, một sự chờ đợi vô vọng trước sự từ chối “không muốn biết” của những người thân cũ ở quê hương. Họ không còn thuộc về nơi sinh ra, cũng không thuộc về nơi mà họ nhập cư, họ không còn gia đình (dù gia đình họ vẫn ở đó), không còn bạn bè (dù họ có gặp lại). Và bản thân họ trong khi cố đi tìm kí ức thì lại từ chối những kí ức khác thông qua hành động không muốn gặp lại con gái của mình với người vợ trước của Josef.

Tôi thích những cuốn tiểu thuyết của Murakami hơn, cho dù thẫm đẫm bi cảm, cho dù trong cái đẹp luôn ẩn chứa sự tàn bạo thì những tiểu thuyết của nhà văn Nhật Bản này vẫn khiến cho người ta cảm động với cách nhân vật tìm cách sống sót, tìm cách nỗ lực tồn tại sau mọi biến cố. Những tiểu thuyết của Milan Kundera mà tôi đã đọc lại luôn kết thúc trong một nỗi đau đột ngột đến ngây người. Giống như một nhát cắt dứt khoát không khoan nhượng. Sự kết hợp cuối cùng của Irena và Josef, hai tầm hồn khao khát muốn lấp đầy, muốn được cứu vớt bằng sự đồng cảm của đối phương cuối cùng càng đẩy họ đi đến bế tắc. Nói như thế không có nghĩa là tôi không thích Milan Kundera. Trong bất cứ một tiểu thuyết nào của nhà văn người Séc này tôi đều có thể tìm thấy cho mình những đoạn văn nhớ lâu đến dai dẳng. Với Vô tri, bài giảng từ nguyên về “sự hoài nhớ” là một đoạn văn đầy bất ngờ, nó mở rộng trường liên tưởng khi mà “hoài nhớ” là một chủ đề ưa thích của các nhà thơ cổ đại phương Đông. Khi Ulysse trở về, vuốt ve cây oliu như một minh chứng cho sự tồn tại của kí ức, cây oliu trong nỗi niềm hoài nhớ của chàng những năm tha hương, tôi chợt bật cười khi nghĩ rằng sẽ ra sao nếu cây gạo đầu làng của Cao Bá Quát bị đốn ngã. Nỗi niềm hoài nhớ sẽ ra sao nếu người ta không có một cái cây, ngọn núi hay một địa danh để làm nơi bấu víu? Sự trở về của những người tha hương sẽ ra sao nếu những gì mà họ từng hoài nhớ từ lâu đã không còn tồn tại?

+ “Vô Tri” của Milan Kundera, dịch giả Cao Việt Dũng, nhà sách Nhã Nam và NXB Hội Nhà Văn xuất bản. Trong một thỏa thuận “không sách, không laptop” cho kỳ nghỉ lễ dài ngày, với khổ sách nhỏ nhắn xinh xắn, số trang vừa phải, Vô tri đã giúp tôi “lách luật” một cách trót lọt khi bí mật đút gọn nó vào trong túi xách. Thật là một lựa chọn sáng suốt bởi vì mấy ngày nghỉ bên biển sau đó trời đổ mưa suốt cả ngày.

+ Nếu có gì để tôi nhớ thêm về “Vô tri” tôi sẽ nhớ đến đoạn Milan Kundera viết về Radio. Radio áp đặt người nghe, không cho phép người ta được quyền lựa chọn, nhét vào tai người ta từng mẩu nhạc cổ điển, mẩu Rock vân vân và vân vân, đó là những “âm thanh bẩn” mà người ta không thể nào từ chối được. Ở mức độ cảm nhận thông tục nhất, nếu ai đó ngồi trên một chuyến xe ô tô (suốt 7h đồng hồ liên tục), bạn sẽ hiểu sự đồng cảm mà tôi dành cho đoạn viết trên trong “Vô tri” lớn đến thế nào khi mà tai bạn bị hành hạ từ nhạc vàng sang nhạc đỏ sang nhạc trẻ, từ rên rỉ đến gào rú trong suốt cả chặng đường…..Thật là một sự tra tấn kinh hãi!