Monday, April 19, 2010

Thư mục

Đọc bài “Để tránh cho văn hóa Đông Phương một sự đổ vỡ” của Lý Nhân Sinh trên tờ “Văn Hóa Á Châu” (Sài Gòn trước 1975), đến cái đoạn tác giả đau đáu với câu hỏi, chúng ta rồi sẽ để lại gì cho hậu thế ngoài “dăm bài hát chợ phiên và vài tập truyện ngắn thuộc văn chương hạng nhẹ”, thì vẫy chân trong chăn mà cười híp mí. Có 2 lí do để cười: Thứ nhất, tác giả viết những câu ấy là vào hồi những năm 60 của thế kỉ trước, nhưng đến thế kỷ này tình hình nào có khác gì đâu? Thứ hai cười là vì câu hỏi “chúng ta sẽ để lại gì con cháu mai sau” quả là một câu hỏi có chiều dài lịch sử dằng dặc bắt đầu từ tận ngày xửa ngày xưa, xuyên qua thời đại cụ Nguyễn Trãi, làm tê tái hồn cụ Nguyễn Du rồi đu thẳng một lèo đến thời kỷ niệm “1000 năm Thăng Long Đông Đô Hà Nội” mà vẫn còn vẹn nguyên day dứt. Sự đứt gãy văn hóa khiến cho nhiều tai nạn dịch thuật diễn ra như cơm bữa, dạng như “Họa Cúc Pha” đáng nhẽ ra là “Họa thơ với cụ Cúc Pha (Nguyễn Mộng Tuân) thì lại bị dịch thành “Họa gò Cúc”…cũng không làm cho câu hỏi có niên đại lâu đời nhường ấy bị giảm khí thế đi phân nửa.
Cụ Lý Nhân Sinh có lẽ không ngờ rằng, ngày nay hoàn toàn không hề dễ dàng cho đám hậu bối muốn tìm lại những tác phẩm đã tản dật của một nền học thuật “dăm bài hát chợ phiên và vài tập truyện ngắn thuộc văn chương hạng nhẹ” mà cụ chê bai sườn sượt. Muốn là một chuyện, nhưng có tư liệu để mà khai thác hay không lại là cả một chuyện tốn tiền tốn bạc chứ không phải là chuyện giỡn chơi. Trước đây chỉ cần trích dẫn cặn kẽ Nam Phong, Tri Tân, Sử Địa hay Văn Sử địa cũng đã đủ làm “sang trọng” cho mục “lịch sử vấn đề nghiên cứu” trong một luận án Tiến sĩ văn chương ở Việt Nam, vậy thì sẽ còn “sang trọng” đến thế nào nếu ai đó có thể trích dẫn Đối Diện, Đồng Dao, Bách Khoa, Lửa Thiêng, Luận Đàm, Tư Tưởng, Sáng Tạo, Đồng Nai văn tập, Giáo dục Phổ thông, Minh Tân, Bút Việt, Đại Học, Trình Bầy, ....Chỉ riêng khía cạnh này thôi đã thấy mỉa mai không thể tả nổi.
Nói ngay như chỉ cần thống kê những đầu sách Hán Nôm đã được Trung Tâm học liệu Bộ Giáo dục hay Ủy Ban dịch thuật Phủ Quốc Vụ khanh đặc trách về văn hóa phiên âm, dịch nghĩa chú giải với những tên tuổi như Nghiêm Toản, Bửu Cầm, Bùi Lương, Tô Nam Nguyễn Đình Diệm, Sa Minh Tạ Thúc Khải, Lê Phục Thiện, Hoàng Khôi, Nguyễn Thượng Khôi, Lê Xuân Giáo, Hoàng Văn Hòe, Nguyên Quang Tô…, đã là cả một khó khăn chồng chồng chất chất, chứ chưa nói gì đến tham vọng lấp đầy một khoảng hiện giờ còn đang bỏ trắng trong lịch sử nghiên cứu văn học Việt Nam.
Tuy nhiên, trong những cơn buồn nản đến chán chường, giữa những bế tắc đến tột cùng của việc tìm kiếm thông tin, vẫn có những giây phút hạnh phúc chói ngời khiến cho những ấm ức cơm áo gạo tiền của học thuật xứ mình bỗng chốc trở thành chuyện giời ơi đất hỡi. Nửa đêm về sáng hôm qua khi ngồi lọc những bài báo dạng scan của Sáng Tạo, Bách Khoa, Giáo dục Phổ thông bất ngờ trợn mắt trước một mẩu tin ngắn ngủi trong mục “Sinh hoạt” của tờ Bách Khoa do Ngê Bá Lí (bút danh của Nguiễn Ngu Í) viết. Tuy rất ngắn nhưng nó đã cung cấp cho tôi một thông tin mà bấy lâu nay đã đi tìm đến tuyệt vọng. Đó là thông tin về hoạt động của Tổng hội Khổng học ở Sài Gòn trước năm 1975.
Lại có cớ vẫy chân mà cười híp mí thêm một lần nữa.