Monday, March 22, 2010

Lan man lúc nửa đêm






Tôi đọc những tác phẩm của Victor Hugo toàn trong những thời điểm lỡ cỡ. Những người khốn khổ thì đọc từ hồi lớp 4, nó không nằm trong vali sách của bố để trên nóc tủ có khóa phải chồng ghế, chồng thêm một ghế nữa mới tới nơi, mà là sách mẹ mượn từ một bác cùng cơ quan. Mà bác ấy thì lại lấy từ tủ sách của chồng bác ấy-một sĩ quan quân đội. Quá trình mượn sách lằng nhằng như thế nhưng cũng chẳng ăn thua. Hồi ấy bé quá nên đọc xong câu chữ nó chuội đi đằng trước đằng sau, chỉ còn lại ấn tượng về vụ bán răng, bán tóc của Fantine. Có lẽ đối với một đứa trẻ vừa thoát khỏi chuyện thay răng không lâu thì đó quả là một câu chuyện ám ảnh. Hầu như những năm tháng tuổi thơ của tôi trôi trên những trang sách của văn học cổ điển Nga, Pháp, hoặc văn học Xô Viết, vậy mà tuyệt nhiên tôi lại không vấp phải Victor Hugo thêm lần nào từ cái đận ấy. À, nói cho công bằng thì Những người khốn khổ tôi gặp lại thêm lần nữa trong giờ học tiếng Pháp năm lớp 11 (giáo trình tiếng Pháp cũ, chưa phân ban), giờ dịch, đoạn Cosette đi lấy nước ở trong rừng, rồi Jean Valjean xuất hiện. Chấm hết.


Cho đến khi đi học đại học tôi cứ nghĩ cơ bản là mình đã giải quyết xong phứt văn học cổ điển phương Tây đi rồi và xông vào đọc mấy thứ lạ lẫm hơn nhiều đến từ Châu Mỹ xa xôi thì tôi vớ được Nhà thờ Đức Bà Paris trên giá sách căn hộ mà tôi thuê. Khi tôi chuyển đến đó thì cái giá gỗ cũ kỹ thô kệch, mốc xì ấy vẫn chất chồng một đống đủ loại hầm bà lằng từ điển và một ít sách văn học, những cuốn giấy đen, rách bìa, long gáy. Nói chung, số mình đi đâu cũng va vào sách. Giá như đọc từ hồi cấp 3 thì có lẽ ấn tượng về Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris sẽ vô cùng sâu sắc, nhưng đọc khi đầu óc đã bị nhồi nhét kinh điển Nho gia thì mọi xúc cảm dường như bị giết chết vậy. Lại thêm một lần nữa chẳng có gì để tôi có thể thích Victor Hugo.


Vấn đề tồi tệ ở chỗ là nguyên bản thì tôi không ấn tượng nhưng tôi lại say mê những vở nhạc kịch chuyển thể từ tác phẩm của Victor Hugo. Vấn đề là trái tim tôi đau nhói khi Frollo đến thăm Esmeralda trước giờ hành quyết và gầm lên "Je t'aime". Đọc lại sách đoạn đó, dừng dưng. Nghe lại đoạn đó, đau đến mờ cả mắt. A, chết tiệt, âm nhạc luôn có con đường riêng ranh mãnh của nó để đâm thẳng vào trái tim của bọn phụ nữ vốn nhiều chuyện và rắc rối. Liên văn bản luôn có những thứ diễn dịch lạ lùng không thể giải thích nổi.


Dạo gần đây thì lại càng tệ hơn. Mỗi lần nghe Notre Dame de Paris tôi lại nhớ đến Romain Gary với một đoạn "chọc ngoáy" rất "kinh dị" trong Lời hứa lúc bình mình. Chỉ tưởng tượng ai đó lớn lên trong một căn phòng treo toàn ảnh Victor Hugo, và cứ phải mang theo cái nhìn nghiêm nghị của ông dõi theo suốt hành trình đời mình thì quả là một gánh nặng tệ hại.


Rút kinh nghiệm, nên dù hâm mộ cuồng nhiệt đến đâu, vầng hâm mộ cuồng nhiệt chứ không chỉ là hâm mộ không thôi, tôi cũng nhất quyết không treo ảnh của bất cứ thần tượng Đài Loan hay Hàn Quốc nào trong nhà, kẻo nó lại thành một nỗi ám ảnh cả đời cho Nhóc con nhà chúng tôi thì thật là phiền phức…

Friday, March 19, 2010

Vầng, thì lại "ấn" tiếp

Bác nào có ý định quan tâm thêm đến những vấn đề liên quan đến "ấn" đền Trần, xin đọc tiếp các ý kiến khác nhau trên các blog này.

Blog Gốc Sậy Hiện Đại - chủ nhân blog là tiến sĩ lịch sử chuyên về đình làng Việt Nam.

Blog Giao - Dẫn blog bác này để cho thấy cách viết chữ "Cương" ở các nơi trong khu vực.

Khuất Lão Động Chủ - Dẫn blog cao nhân ẩn danh để trả lời câu hỏi "cương có cần thổ". Thực ra, khi đọc bài viết của sư huynh xong tôi cũng đã từng thắc mắc về trường hợp chữ "Cương" và "Cường" với tác giả rồi, xem nó có nằm trong các trường hợp dùng "thông" hoặc "tục thể", "dị thể" hoặc viết kỵ húy hay không. Không phải ngẫu nhiên mà trong bài viết, bác Trường Phong đã phải đưa thêm cái chữ "cương" trong hoành phi cổ, ấy là vì đề phòng trước những trường hợp các bác nào khoái tra từ điển Thiều Chửu lại thắc mắc.Câu trả lời của tôi cho câu hỏi trên blog Khuất Lão Động Chủ đó là: không thể châm chước.

Còn một hướng điều tra quan trọng khác mà chúng tôi đang đi xác minh nhưng e rằng nếu nói trước ở đây, những người trong cuộc sẽ bịt thông tin thì hết đường khai thác.


Thursday, March 11, 2010

ẤN ĐỀN TRẦN – “BAN PHÚC KHÔNG MẠNH”

Tiểu dẫn: Bài viết dưới đây là của sư huynh Trường Phong Phạm Văn Ánh (hay còn gọi là Ánh vô công, Bà triệu đi cấy) về sự thật "ấn" đền Trần. Đây là bản thảo, bản chính thức đã đăng trên báo Tiền Phong cuối tuần số 10 (từ 12-18/3/2010). Chủ nhân blog này sau khi đọc bài của sư huynh và ngắm nghía ấn đền Trần, chỉ có một điều thắc mắc duy nhất: Lẽ nào từ đời Trần các cụ đã sử dụng font chữ vi tính để khắc ấn rồi chăng?

Xem video chủ tịch nước khai ấn đền Trần (đúng là cái ấn mà sư huynh Trường Phong nhắc đến trong bài)


Những năm gần đây, lễ khai ấn Đền Trần đã trở thành một hoạt động văn hóa tâm linh đặc biệt, thu hút sự quan tâm của nhiều tầng lớp nhân dân. Vào dịp này, hàng vạn người không quản ngại đường đất xa xôi, thức thâu đêm suốt sáng, có mặt tại Đền Trần (xã Lộc Vượng, huyện Mĩ Lộc, Nam Định) để xin ấn. Nào quan, nào dân, xe lớn xe nhỏ nối đuôi thành hàng dài, cảnh ùn tắc, thậm chí là giẫm đạp lên nhau đã xuất hiện trong một số thời điểm. Những người đi xin ấn thảy đều tâm niệm rằng đây là “bảo ấn” (ấn báu), “quốc ấn vua ban”; có bản in từ ấn này sẽ được các đấng anh linh phù trợ cho thuận lợi trên quan lộ, làm ăn phát đạt, mãi hưởng phúc lành. Một vị cao niên tại Đền Trần cho biết, trong dịp khai ấn đầu năm, có tới hàng triệu bản ấn được đóng sẵn để phục vụ nhân dân thập phương, sao cho nhân dân về lễ Đền Trần, ai ai cũng có tấm ấn “vua ban”. Sự thực là vô số người đã xin được bản ấn tại Đền Trần, nhưng dường như rất ít người (thậm chí có thể là không một ai) hiểu về bản ấn mà họ đã xin được.

Vậy thực chất quả ấn được coi là linh thiêng đó ra sao? Dưới đây là ảnh chụp bản in quả ấn mà mọi người đã xin được từ Đền Trần:

(Ảnh chụp bản in quả ấn xin được ở Đền Trần. 4 chữ lớn ở chính giữa là: “Trần miếu tự điển”, 4 chữ nhỏ ở cạnh dưới là: “Tích phúc vô cường”)

Quan sát bản in quả ấn, dễ nhận thấy đây hiển nhiên chỉ là quả ấn mới làm, không phải là thứ “quốc ấn” trân quý như người ta lầm tưởng. Bỏ qua sự non nớt về nghệ thuật khắc ấn, chỉ nói về chữ khắc trên ấn đã thấy nhiều điều bất ổn. Quả ấn khắc bốn chữ lớn: “Trần miếu tự điển”, nghĩa là “điển lễ tế tự ở miếu nhà Trần”. Bốn chữ này được khắc theo lối chữ “khải”, chữ khắc nổi (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “dương văn” hay “chu văn”). Riêng chữ “tự”, nửa “khải”, nửa “tiểu triện”. Người sành chữ, nhìn sơ qua có thể biết bốn chữ trên vốn lấy từ phông chữ vi tính mà ra.

Xưa, khắc ấn được coi là một bộ môn nghệ thuật. Ấn chương cổ tuyệt đại bộ phận được khắc theo lối chữ “triện” (cho nên ấn, và cả việc đóng ấn còn được gọi là “triện”). Lối chữ “triện” được đưa vào ấn chương, khiến quả ấn thêm cổ kính, đẹp về đường nét, thêm vào đó, người khắc ấn sẽ dùng kĩ thuật khắc ấn cùng cảm quan nghệ thuật của mình để tạo ấn, sao cho sản phẩm được tạo tác đảm bảo hai tiêu chí quan trọng, đó là tính thẩm mĩ và tính độc bản.

Tiền thân của ấn chương ở nước ta (theo Nguyễn Công Việt: Ấn chương Việt Nam từ thế kỉ XV đến cuối thế kỉ XIX) có thể thấy qua các con dấu có hoa văn niên đại khoảng thế kỉ XV-XVI tr.CN tìm thấy tại Hoa Lộc – Thanh Hóa năm 1974. Cũng tại Thanh Hóa, các nhà khảo cổ đã phát hiện được 6 chiếc ấn nhỏ trong một ngôi mộ cổ, được đúc khoảng cuối thời Tây Hán đến đầu thời Đông Hán (tương đương với thời An Dương Vương, từ 257-147tr.CN), được coi là “chứng tích của ấn chương xuất hiện tại Việt Nam”. Riêng ấn chương thời Trần, hiện chí ít vẫn còn quả ấn “Bình Tường Thổ châu chi ấn”, khắc năm Đại Trị thứ 5 (1362). Việc sử dụng ấn chương tại Việt Nam nếu chỉ tính đến hết thời Nguyễn, sơ bộ đã có lịch sử hơn hai nghìn năm. Tất nhiên, việc sử dụng ấn chương không thể tách rời nghệ thuật chế tác ấn. Xem thế đủ biết, về mặt ấn chương, nước ta cũng là một nước có bề dày truyền thống. Trên thế giới ấn chương được sử dụng rộng rãi, do đó đã có hẳn môn Ấn chương học (Sigillographie hoặc Sphragistique) chuyên nghiên cứu về hệ thống ấn chương qua các đời. Tại nước ta cũng có chuyên gia về ấn chương học, có công trình nghiên cứu về ấn chương đã xuất bản. Đền Trần là một ngôi đền cổ, nổi tiếng là linh thiêng thì lẽ ra quả ấn Đền Trần cũng phải đạt những tiêu chí cần có của một quả ấn bình thường. Nếu muốn tạo tác một quả ấn riêng cho Đền Trần ta có thể tham khảo quả ấn “Bình Tường Thổ châu chi ấn” nói trên, cùng nhiều mẫu ấn cổ khác, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của các chuyên gia về ấn chương và các nghệ nhân khắc ấn. Còn như việc dùng mẫu chữ “khải” vi tính để khắc ấn của ngôi đền thiêng này (với kĩ thuật chế tác quá non kém) thì thật là một việc rất không nên.

Chưa dừng lại ở đó, cạnh dưới của quả ấn Đền Trần còn khắc thêm 4 chữ, “nghe nói” đó là bốn chữ “Tích phúc vô cương ”. Xem vào bản in quả ấn mà nhiều người đã xin tại Đền Trần, 4 chữ này khắc chìm (trong nghệ thuật khắc ấn, kiểu khắc này gọi là “âm văn” hay “bạch văn”); khi nhìn kĩ, không rõ vì lí do gì, người ta đã khắc thiếu bộ “thổ ” trong chữ “cương ”, khiến chữ “cương”, biến thành chữ “cường ” (nghĩa là “mạnh mẽ”). Thay vì “Tích phúc vô cương”, nghĩa là “ban phúc vô bờ”, thì giờ đây, ấn Đền Trần lại khắc bốn chữ “Tích phúc vô cường ”, nghĩa là “Ban phúc không mạnh”.




(4 chữ phía dưới ấn Đền Trần: “Tích phúc vô cường”, nghĩa là: Ban phúc không mạnh)



(Hai chữ “Vô cương” trong hoành phi cổ)

Rốt cục quả ấn mà nhiều người cho là linh thiêng, tâm thành đến Đền Trần làm lễ xin về với bao niềm kì vọng chỉ là quả ấn “Ban phúc không mạnh” thôi sao? Bi hài thay! Đã vậy sao người ta lại sùng tín đến thế? Là vì họ không biết. Không biết nhưng họ tin, và rủ nhau cùng tin, rồi thứ tâm lí đám đông nào đó cứ cuốn họ đi. Cái niềm tin này bất chợt thấy quen quen, hình như ở nước ta, nó tồn tại khá phổ biến, không chỉ riêng đối với quả ấn Đền Trần.

Trường Phong Phạm Văn Ánh

Lời bình của chủ nhân blog: Tại sao lại ban phúc không mạnh? Có nhẽ chăng những năm gần đây có quá nhiều người đến xin ấn (nghe nói năm nay đóng ấn trước hàng triệu bản) nên các bậc minh quân lương tể nhà Trần quá mệt mỏi mới điềm triệu lên ấn mà nhắc nhở rằng: Thôi, các ngươi tự về làm lấy mà ăn, cứ đến đây xin xỏ mãi thế này, bọn ta cũng mệt mỏi lắm, mạnh mãi làm sao được!

Update

Sau khi bài này được post lên, chủ nhận blog nhận được đường link của bài báo: "Có nên thay ấn ở đền Trần". Bài báo cho biết đã tìm thấy một quả ấn "cổ" hơn cái đã nói ở trên. Vậy tại sao còn chưa thay ấn ở đền Trần? Có phải vì quả ấn "Trần Triều quốc bảo" thiếu mất dòng chữ "quan trọng" "tích phúc vô cường"?